Làm cách nào để bảo tồn nền văn học hải ngoại, bảo tồn các ý tưởng, bảo tồn các suy tư, bảo tồn các tác phẩm đã được tạo ra trong một thời kỳ hết sức khó khăn và độc đáo. Bảo tồn cho nó thoát khỏi cái họa diệt vong như trong thời kỳ lửa sắt tăm tối “đốt sách chôn học trò” vừa qua trên đất nước ta. Nhưng lần này không bị diệt vong trong lửa thiêu, mà bị diệt vong trong quên lãng! Dù chỉ được hình thành trong một giai đoạn tương đối ngắn ngủi, khoảng chừng hơn 30 năm, nhưng dó là một nền văn học đa dạng, đa thanh, có phẩm chất cao. Và trên hết: đó là một nền văn học hải ngoại tự do. Hoàn toàn tự do! Song song với nền văn học bị thúc trói trong nước, đó là một may mắn lớn lao cho đất nước. Như vậy, nền văn học tự do này không đáng cho chúng ta dốc hết công sức để bảo tồn hay sao? Không bảo tồn, nó sẽ bị chôn vùi và mai một như nền văn học miền nam thời chiến trước đó.
Bảo tồn như một bổn phận đối với lịch sử và văn hóa Việt nam. Bảo tồn như bảo tồn một kho tàng văn học tự do. Bảo tồn như bảo tồn một ý thức phản kháng. Bảo tồn như bảo tồn một tiếng nói bất khuất. Bảo tồn như bảo tồn trí nhớ của cộng đồng người việt tại hải ngoại. Bảo tồn như bảo tồn di tích của cha mẹ chú bác anh em chị em ta đã vùi thây trong lòng biển cả. Bảo tồn như bảo tồn gia phả của một thế hệ con em Việt mới đã được gieo trồng trên đất nước người, và bây giờ vẫn hãy còn tiếp tục vươn lên. Bảo tồn để một ngày nào đó hoàn trả lại nguyên vẹn cho dòng văn học Việt Nam đã được tổ tiên ta khơi nguồn và tạo dựng nên kể từ ngày lập quốc. Bảo tồn để lưu truyền lại cho con cháu ta và những người muốn tìm hiểu sau này. Bảo tồn để có ngày in lại trong nước các tác phẩm hải ngoại khi hoàn cảnh cho phép.
Không bảo tồn là từ chối bổn phận lịch sử của mình. Không bảo tồn là đốt bỏ văn học tự do hải ngoại. Không bảo tồn là bôi xóa trí nhớ và dĩ vãng của cả cộng đồng người Việt ngoài nước.
Đành lòng khoanh tay mà chứng kiến cuộc hỏa thiêu văn học, trí nhớ và gia phả do chính mình châm mồi lửa lãng quên hay sao? Bảo tồn không phải là để lưu giữ khổ đau và oán hận. Bảo tồn là một công trình ghi chép lịch sử và văn hoá tự do, trong niềm vui lớn pha lẫn ngậm ngùi. Công cuộc bảo tồn đòi hỏi rất nhiều thiện chí và công sức từ phía các đạo hữu và bà con ta.
Tuy nhiên, thiện chí thôi chưa đủ! “Địa ngục lót đầy thiện chí”. Phải thiết thực làm một cái gì đó! Làm thôi chưa đủ, mà còn phải làm hiệu quả. Muốn làm hiệu quả thì phải hoạch định. Muốn hoạch định phải thảo luận. Thảo luận, đúc kết rồi hoạch định. Hoạch định xong, phân công và thực hiện. Thực hiện, theo dõi, kìểm điểm, duy trì. Đại khái là như vậy. Sơ đẳng !
“Đường về đêm nay tối thui/ Đường về đêm nay rút lui/ Anh đụng tui anh nói tui đui!…” Sầm sập sầm sập tango. Music, please! Trong đêm đen tối vẫn tiếp tục tối đen, bần tăng ngồi dậy thắp ngọn đèn dầu leo lét, tiếp tục ôm cái đầu trọc và tiếp tục suy tư ra rít (hay tư duy Mác Lê mẹ rượt gì đó!) “Canh khuya thắp chút dầu dư/ Tim can cháy lụn bần tăng sầu tư một mình” Làm sao đây để cứu nước? E rằng mai nầy tóc bần tăng sẽ bạc trắng. “Toàn dân nghe chăng? Sơn hà nguy biến!” Chẳng lẽ bây giờ ngồi chờ trăng lên để uống rượu đế X.O., ngâm thơ Hàn Mặc Tử và mài gươm phục quốc? Mà đêm nay là cuối tháng âm lịch. Thôi thôi, nhứt quyết là không thể được rồi. Bỏ đi Tám! Bần tăng bèn buông gươm cùn ra và cầm bút lên làm một màn brain storming, nôm na là… nặn óc! Còn được chút nào thì nặn chút đó vậy. Như những giọt cà cuống, cho thơm mùi phở. Những gì từ cái đầu (có sạn) của bần tăng nặn ra chỉ là phác họa sơ khởi của công trình “Bảo tồn văn học hải ngoại”. Dựa trên phác họa mà thảo luận cho nó cụ thể và khai triển thêm. Rồi đúc kết.
Trước hết là mở ra một cái site “baotonvhhn” gồm 4 chương chính và một mục linh tinh:
– Thư mục
– Tác giả
– Tác phẩm
– Tài liệu
– Linh tinh
Để nuôi dưỡng và cung cấp dữ kiện, tài liệu cho các chương mục trên đây, công trình sẽ tuần tự trải qua các giai đoạn đề nghị như sau:
– Thành lập “Nhóm chủ trương”
– Ấn định các chương mục của công trình
– Ấn định nội dung của mỗi chương mục
– Ấn định tiêu chuẩn tuyển chọn tác giả, tác phẩm và tài liệu
– Hoạch định chương trình hành động và thời hạn
– Công bố chương trình, kêu gọi tham gia, đóng góp
– Phân công, phối hợp, điều hành
– Thực hiện các chương mục
– Theo dõi, đúc kết
– Tồn trữ, cập nhựt, chuyển giao, duy trì
Để hoàn tất công trình, cần phải ước lượng các nhu cầu, những phương tiện cần thiết cho công trình:
– Xác định các nguồn cung cấp dữ kiện, tài liệu. Phương thức thu thập
– Nhu cầu vật liệu
– Nhu cầu nhân sự
– Nhu cầu tài chánh. Phương thức tài trợ
Trên đây là phác họa sơ khởi công trình bảo tồn với sự hiểu biết thô thiển của bần tăng, một người không chuyên nghiệp, ngoại trừ nghiệp cầm bút, cầm chai và nhứt là… “rằng nghe nổi tiếng cầm đồ”. Bao nhiêu đó thôi cũng đã đủ mệt cầm canh. Bần tăng những mong rằng bạn ta, Nguyễn Xuân Hoàng và “Nhóm chủ trương” nghiêm chỉnh thập bội hơn bần tăng, sẽ nghiêm chỉnh vạch ra được một kế hoạch tốt đẹp để nghiêm chỉnh thực hiện công trình bảo tồn này với sự ủng hộ đông đảo và nồng nhiệt của cộng đồng ta. Vì đây là công trình bảo tồn lịch sử và trí nhớ của toàn thể cộng đồng người việt tự do tại hải ngoại, xuyên qua một đoạn đời vô cùng nghiệt ngã, cam go và đầy hào hứng. Một công trình mang nặng tính chất văn hóa.
Bần tăng những mong một ngày đẹp trời nào đó, công trình bảo tồn này sẽ được chính thức chuyển giao cho Thư viện quốc gia Việt nam để hội nhập vào đất nước ta, như một tế bào hội nhập vào thân thể. Một thân thể có cái tên chung là Văn hóa Việt nam. Đứa con tha hương đã trở về quê mẹ. Một ngày biểu tượng cho sự Đoàn tụ của gia đình văn học đất nước. Ngày đó, cho dù bần tăng đã hóa kiếp làm con cù lần, con chuồn chuồn, con châu chấu hoặc con chi chi đi nữa thì cũng không hề gì.
Mấy lời tâm huyết
Giấy vắn tình dài
Nói hoài không hết
Tình đồng hương mút chỉ cà tha…
Xin chào hết bà con ta
A di đà Phật!
Bần tăng xin bái bút.
Kiệt Tấn
GHI CHÚ:
Tác giả tên thật: Lê Tấn Kiệt; Sinh năm 1940 tại làng Vĩnh Lợi, Bạc Liêu (Nam Việt); Học ở Bạc Liêu, Vĩnh Long, Mỹ Tho và Sài Gòn, Đại học ở Québec, Canada; Hiện cư ngụ tại Bagnolet thuộc ngoại ô Paris (Pháp)