Ngôi nhà của ông Đoàn Văn Vươn đã bị san bằng sau vụ cưỡng chế. Ảnh: THẾ DŨNG
Ngày 14.01.2012, Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám mục Giáo phận Hải Phòng đã gởi thư đến Linh mục Gioan Baotixita Ngô Ngọc Chuẩn, Chánh xứ, và giáo dân Giáo xứ Suy Nẻo để bày tỏ ý kiến của về biến cố vừa xảy ra cho gia đình ông Phêrô Đoàn Văn Vươn :
– ngay sau vụ nổ súng ngày 05.01.2012, Đức cha đã cử cha Tổng đại diện đến tận nơi tìm hiểu sự việc và, cùng Cha xứ, đến vấn an thân mẫu của ông Vươn ;
– qua các phương tiện thông tin, Đức cha được biết ông Vươn là người có nhân thân tốt và nhiệt thành cộng tác với các sinh hoạt Giáo xứ ;
– cũng như nhiều người thiện chí, Đức cha ước mong chính quyền các cấp liên hệ giải quyết thấu tình đạt lý để bảo vệ quyền lợi chính đáng và danh dự của ông Vươn ;
– cùng với tín hữu Giáo xứ, Đức cha hiệp thông cầu nguyện cho gia đình ông Phêrô Đoàn Văn Vươn.
Vì đa số người Việt chúng ta đều là những người thiện chí, nên đồng bào chân thành cám ơn và phấn khởi về bức thư này.
Ngày 18.01.2012, Thư Hiệp Thông của Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam được gởi đến Cha Chánh xứ Suy Nẻo : « hiệp thông và cầu nguyện cho các nạn nhân đang gặp khó khăn trong đợt cưỡng chế bất công này, kể cả sáu vị công an và bộ đội bị thương, vì cách xử lý không minh bạch của Ủy ban Nhân dân huyện Tiến Lãng, TP. Hải Phòng. »
Nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới 01.01.2012, trong Sứ điệp « Giáo dục người trẻ về Công lý và Hòa bình » gởi cho các cha mẹ, những nhà giáo dục, huấn luyện, các vị trách nhiệm trong các lãnh vực tôn giáo, xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa và truyền thông, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI viết : « Hòa bình cho tất cả mọi người nảy sinh từ Công lý của mỗi người và không ai có thể trốn tránh nghĩa vụ thiết yếu thăng tiến Công lý, theo thẩm quyền và trách nhiệm riêng của mình ».
Sáng mồng 4 Tết Nhâm Thìn (26.01.2012), Linh mục Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội, đã đi thăm gia đình ông Phêrô Đoàn Văn Vươn, cùng anh Giuse Nguyễn Tiến Đạt, Trưởng Liên đoàn Sinh viên Công giáo Việt Nam và một số anh em khác. Điểm dừng chân đầu tiên là nhà bà cụ thân sinh anh Vươn tại nhà thờ Súy Nẻo. Bà, đã từng tham gia công việc xã hội với chức vụ thôn phó, kể cho mọi người nghe đầu đuôi câu chuyện của ông Vươn và, cuối cùng, đã than rằng: « Bọn chính quyền nó tham lam và ác độc không thể tưởng tượng được ».
Sau đó, để chứng kiến tận mắt, bà dẫn mọi người ra thăm khu đầm của ông Vươn, nơi ngôi nhà đã bị chính quyền đổt phá, bà cụ đào bới để tìm bức tượng Chúa Giêsu bằng đồng mà bà hy vọng không bị cháy nhưng rất tiếc là bức tượng đã không còn. Vì ông Phó Chủ tịch Hải Phòng Đỗ Trung Thoại nói rằng: ‘Phá nhà anh Đoàn Văn Vươn là do dân bức xúc đến phá’, nên ai cũng để ý quan sát hiện trường và thấy được các vết của xe ủi và hố đất do máy ủi vục xuống vẫn còn nguyên vẹn. Như vậy, chắc chắn không phải là do dân phá mà là ông Thoại muốn bao che tội ác cho ông Hiền và cũng muốn đánh lừa dư luận.
Trưa Chúa nhật ngày 22.01.2012, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã ra cửa sổ phòng làm việc để đọc Kinh Truyền Tin chung với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu. Nhân dịp Tân Xuân Nhâm Thìn, Đức Thánh Cha đã chúc Tết các dân tộc Viễn Đông như sau: « Anh chị em thân mến, trong các ngày này, nhiều dân tộc Viễn Đông tươi vui mừng Năm Mới Âm Lịch. Trong tình trạng khủng hoảng kinh tế xã hội hiện nay, tôi cầu chúc tất cả các dân tộc ấy một Tân Niên thực sự ghi dấu CÔNG LÝ và HÒA BÌNH, đem lại thoa dịu cho người khổ đau. Tôi đặc biệt cầu chúc cho các bạn trẻ, với lòng hăng hái và sự thúc đẩy của lý tưởng, có thể cống hiến cho thế giới một niềm hy vọng mới. »
Đoàn Văn Vươn
I. KỸ SƯ ĐOÀN VĂN VƯƠN, ÔNG LÀ AI ?
Sáng ngày 05.01.2012, những thông tin ban đầu về Đoàn công tác gồm cán bộ, công an, bộ đội biên phòng do Ủy ban Nhân dân (UBND) huyện Tiên Lãng điều động để cưỡng chế thu hồi đất đầm nuôi trồng thủy sản tại xã Vinh Quang, do ông Đoàn Văn Vươn, cư trú tại xã Vinh Quang, thuê nhưng đến nay đã hết thời hạn (hợp pháp hay không, đang chờ cấp trên xét định) và không chịu đóng thuế đất trong thời gian dài (cần chứng minh). Anh em ông Vươn đã chống lại họ bằng mìn tự chế và súng bắn đạn hoa cải làm bị thương 6 công an và bộ đội. Đến 12 giờ, lực lượng Công an do chính Đại tá Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công an Hải Phòng, trực tiếp chỉ huy tiếp cận được nhà của ông Vươn nhưng các đối tượng đã bỏ trốn. Hôm sau, công an đã bắt giam chủ đầm Đoàn Văn Vươn (sinh năm 1963), Đoàn Văn Tịnh (hay Sịnh, sinh năm 1957, anh ông Vươn), Đoàn Văn Vệ (sinh năm 1974, cháu ông Vươn), Đoàn Xuân Quỳnh (sinh năm 1995, con trai ông Vươn), Nguyễn Thị Thương (sinh năm 1970, vợ ông Vươn), Phạm Thị Báu (tức Hiền, sinh năm 1982, vợ ông Quý). Đoàn Văn Quý (sinh năm 1966, em trai ông Vươn), bị nói là người nổ súng, ra trình diện hôm 07.01.2012 và cũng đang bị giam giữ để điều tra. Ngày 10.04.2012, bị khởi tố các ông : Vươn, Tịnh, Vệ và Quý về tội giết người. Các bà Thương và Hiền về tội chống người thi hành công vụ, song được tại ngoại hầu tra nhưng bị cấm đi khỏi nơi cư trú.
Vụ án ông Đoàn Văn Vươn chống lại việc cưỡng chế của UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) bằng mìn và súng đang làm nóng dư luận cả nước mấy ngày qua. Báo chí ‘lề phải’ đồng loạt lên án một cách mạnh mẽ nhưng ngày càng ‘thức tỉnh’ trước những lời tuyên bố ‘buồn cười’ và trái ngược của các lãnh đạo cộng sản tại Hải phòng. Ông Đoàn Văn Vươn là người thế nào?
A. Thành công trong lao động
Ông Đoàn Văn Vươn lớn lên trong một gia đình có 7 anh chị em được báo chí tuyên dương là có truyền thống cách mạng. Thân phụ ông tên Đoàn Văn Thiển, đã từng cả đời ‘theo đảng đến cùng’, cống hiến cho đảng tất cả với chức Bí thư Đảng ủy xã trong 20 năm và đã chết cách đây 6 năm, sau khi về hưu. Chú rể ông Vươn (chồng cô ruột) tên Đoàn Xuân Lễnh, hiện là quan chức của nhà nước đang nắm giữ một tổ chức phá đạo, mạo danh là ‘Ủy ban Đoàn kết Công giáo Hải Phòng’ với chức Phó Chủ tịch. Đây là cái chức mà không phải ai cũng có thể làm được, nhất là khi là một người công giáo chân chính. Ông còn là Hội thẩm nhân dân Tòa án Nhân dân Hải Phòng. Như vậy, thế hệ trước của gia đình anh đã có những đóng góp lớn cho Đảng, kể cả về mặt đạo.
Bản thân ông Đoàn Văn Vươn, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, ông Vươn đã học tiếp hệ tại chức Đại học Nông nghiệp, trở thành kỹ sư nông nghiệp, là người hiền lành, chăm chỉ làm ăn và chưa từng có tiền án, tiền sự.
Một người có lý lịch tốt như vậy, nếu ông Vươn cứ theo gương bố anh leo lên chức Bí thư Đảng ủy hay cao hơn vì, với tấm bằng kỹ sư nông thôn lúc bấy giờ, thì hôm nay có lẽ anh là người cầm súng đi cưỡng chế chứ không phải là nạn nhân. Nhưng, có lẽ cuộc đời bố anh theo đảng đã để lại một bài học nào đó, nên tất cả 7 anh em của anh không ai là đảng viên mà chọn cho mình một lối đi khác là tự lực cánh sinh, dùng sức người để đọ với thiên nhiên hầu mưu sinh. Nào ngờ khi ‘vật chất quyết định ý thức’ (Mác–Lênin) thì tất cả những đóng góp công lao của bố, của chú… đều chẳng có ý nghĩa gì nếu anh không nằm trong bộ máy quyền lực. Những công lao, đóng góp kia chỉ dành cho những kẻ trong bộ máy phạm tội muốn thoát khỏi sự trừng phạt pháp luật thì được nại đến mà thôi. Rồi đây, ông Đoàn Xuân Lễnh sẽ làm gì với vai trò Phó Chủ tịch UBĐK Công giáo Hải Phòng và Hội thẩm nhân dân TAND Hải Phòng khi cháu ông bị bất công đến thế? Hàng năm, cái gọi là ‘Ủy ban Đoàn kết Công giáo’ tổng kết tốn biết bao tiền dân mà mục đích chỉ nhằm lấy công sức những người như ông Đoàn Văn Vươn làm tấm gương để ‘động viên giáo dân’ làm giàu, học tập đạo đức Hồ Chí Minh rồi thuổng luôn thành quả của họ để báo cáo thành của mình?
Năm 1993, ông Đoàn Văn Vươn lấy vợ người xã Vinh Quang, thuộc giáo xứ Súy Nẻo, rồi cùng gia đình ở luôn chỗ này để lấn biển lấy đất mưu sinh. Cùng em trai Đoàn Văn Quý đầu tư vào đầm nuôi thủy sản, ông Vươn cùng vợ con ra bãi bồi ven biển, cải tạo khu vực nuôi tôm. Giữa trùng dương bão tố, các anh em không chỉ đem sức mình mà còn vay mượn nợ nần để làm công việc không ai nghĩ thành công. Hơn thế nữa, con gái ông mới 8 tuổi học lớp 2 đã phải mất mạng vì ao, đầm ông đào đắp lấn biển. Đứa cháu ông đến chơi không may cũng ngã vào ao đầm và chết ở đó. Với bao công sức, mồ hôi nước mắt ông bỏ ra ở đây, không một ai không xót xa và thán phục.
Trong bài ‘Ông Đoàn Văn Vươn là người như thế nào?’ phát đi ngày 09.01.2012, phóng viên Ðài Á châu Tự do Nhân Khánh thuật lại rằng : « người dân địa phương xã Vinh Quang, bên cạnh những câu trả lời từ chối vì ‘tôi sợ lắm. Tôi không dám nói đâu. Vâng, thông cảm nhé’, cũng có những tiếng nói thốt lên sự thật ‘Anh ấy học Đại học Nông nghiệp ra. Anh chị ấy là người làm ăn chuyên cần, hiền lành ấy mà. Anh ấy xuống đây làm, nói chung là anh ấy bỏ ra công sức làm cái đồng này. Chúng tôi là người dân ở gần, anh chị sống rất là tốt, không có vấn đề gì. Anh ấy ở trên Bắc Hưng xuống đây. Anh chị quan hệ, sống tốt với dân làng. Trong xóm làng có công, có việc gì mời chào thì anh chị vẫn tham gia. Anh bỏ ra nhiều công sức vào cái đồng ấy, chắc là đền bù không phù hợp nên anh ấy không đồng ý’.
Trong khi đó, ông Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng Ngô Ngọc Khánh khẳng định rằng ông Vươn không phải là người tốt. Anh chẳng có công lao gì, cũng chẳng phải là người đi đầu vì sử dụng hàng chục ha đất và thu lời nhưng không đóng góp gì cho địa phương. Theo ông Khánh, nhiều năm qua anh Vươn hoàn toàn ăn không, anh ta đắp đê để thu lợi cá nhân chứ có ích gì cho xã hội… và ‘quên’ bao ‘lì xì’ cho đồng chí Chánh văn phòng.
Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, Cục Trưởng Tổng cục chính trị, đưa ra một ví dụ điển hình, câu chuyện chống người thi hành công vụ ở Tiên Lãng không phải bây giờ mới có. Trước đây, ở Thái Bình, chính quyền đã từng bán đất của nhân dân để mua ô tô, làm sân tennis, khiến cho nhân dân uất ức mà chống đối. Điều này cho thấy, sự chống đối của người dân xuất phát từ cách làm của chính quyền địa phương mà ra. Năm 1999, nhân một chuyến du lịch, tôi cùng gia đình và một số đồng đội của mình đã ghé thăm khu đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Khi đó, ông Vươn và gia đình họ Đoàn nổi lên là một điển hình nông dân làm kinh tế giỏi.
Ông Vươn là một người giáo dân tốt và ông sống với bà con dân làng ở đây không mất lòng ai. Nên, đầm nuôi thủy sản của ông ấy không phải trông giữ vì dân thương ông, không muốn ra đấy bắt tôm hay trộm cắp cái gì của ông cả. Ông đối xử với dân làng ở đây rất tốt, như đến tết Trung thu hoặc cắm trại của các cháu, ông đều có quà. Khi gia đình có người qua đời là ông đều vào thăm viếng hết.
Ông Phạm Văn Danh, nguyên Bí thư đảng ủy xã Vinh Quang nói : « Lúc nó (Anh Vươn) xuống xin làm, tôi lắc đầu khuyên là không làm nổi đâu, nhà nước còn không làm nổi nữa là… Nhưng để thực hiện ‘canh bạc’ với trời đất, ông Đoàn Văn Thiểu, bố của Vươn đã phải bán đàn vịt 1.000 con và 20 tấn thóc. Vươn huy động tất cả anh chị em cùng bà con, làng xóm cùng tiến ra vùng biển hoang… Nhiều năm vật lộn với trời đất giờ được đền đáp bằng bờ kè hơn hai km, tạo nên bãi bồi màu mỡ, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Khu đầm, bờ đê còn là lá chắn vững chãi cho khu dân cư phía trong đê, an toàn hơn trước. Tôi và cả xã Vinh Quang không ngờ. »
B. Tiến trình nội vụ
Thực thi chủ trương thành phố mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản ngoài bãi sa bồi ven biển, ngày 04.10.1993, UBND huyện Tiên Lãng đã ban hành quyết định số 447/QĐ-UB giao cho gia đình ông Vươn 21 ha đất bãi biển thuộc địa bàn hành chính xã Vinh Quang (phía Tây cống Rộc) để nuôi trồng thủy sản với thời hạn 14 năm. Anh em ông Vươn đắp đê ngăn nước để nuôi trồng thủy sản, sau nhiều năm khắc phục, đã có kết quả tốt.
Ngày 02.03.1997, ông Vươn có đơn xin giao đất bổ sung phần diện tích mà ông đã đắp bờ bao để sử dụng vượt quá diện tích được giao. Ngày 09.04.1997, UBND huyện đã ra quyết định số 219/QĐ-UB xử phạt hành chính 1 triệu đồng vì hành vi lấn chiếm đất đai của ông Vươn và, cùng ngày, ban hành Quyết định số 220/QĐ-UB giao bổ sung cho ông 19,3 ha là phần đất ông sử dụng vượt so với quyết định giao ban đầu, đều có thời hạn 14 năm. Do đó, tổng diện tích ông Vươn được UBND huyện Tiên Lãng giao để nuôi trồng thủy sản là 40,3 ha. Ông Vươn tạo thành đất đầm ao, rồi nhà nước ‘thu hồi’.
Đến đây, chúng ta thấy có điểm lạ là vì phần đất bồi ra biển do công gia đình ông Vươn tạo ra để cho lãnh thổ Việt Nam có thêm 19,3 ha. Đề nghị chúng ta xem Giáo huấn xã hội Công giáo:
1. Mục Đích Phổ Quát của Của Cải Vật Chất
Ngay đầu Kinh Thánh, chúng ta đọc được lời nầy: « Hãy lan tràn khắp mặt đất, khắc phục trái đất » (St 1, 28). Lời đó dạy chúng ta rằng tất cả vũ trụ này được tạo dựng cho con người: con người có bổn phận phải dùng tài năng của mình để tăng giá trị của vũ trụ, và dùng việc làm của mình mà hoàn thành vũ trụ để hưởng dùng. Nếu trái đất đã tạo dựng nên để cung cấp phương tiện sinh sống và công cụ thăng tiến cho mỗi người, thì mỗi người có quyền tìm thấy ở đó những điều kiện cần thiết cho mình. Công Đồng Vatican II cũng đã nhắc lại điều đó rằng: « Thiên Chúa đã tạo dựng trái đất và mọi vật trên đó là để mọi người và mọi dân tộc sử dụng, vì thế của cải trần gian phải tràn đầy đồng đều trong tay mọi người, theo luật công bằng, là một luật đi liền với bác ái » (Vui Mừng và Hy Vọng số 69). Định luật này phải được ưu tiên trên mọi quyền hạn khác, bất cứ là quyền nào, kể cả quyền tự do buôn bán. Các quyền khác không những không được cản trở mà trái lại phải giúp định luật này thể hiện dễ dàng, và bổn phận xã hội quan trọng và cấp bách nhất là phải qui hướng các quyền nói trên về cùng đích tiên khởi của chúng. (Phát triển các dân tộc, Populorum Progressio, số 22)
2. Quyền Sở Hữu
Nhờ lao động và nhờ tận dụng khả năng trí tuệ, con người có khả năng thống trị trái đất và biến nó thành một nơi thích hợp : « Bằng cách đó, con người biến một phần trái đất thành của mình, chính xác hơn là biến phần trái đất mà mình đã thu được thông qua lao động ; đây chính là nguồn gốc của sở hữu. » (Thông điệp Bách Niên, Centesimus Annus, số 31)
Do đó, quyền sở hữu hay một quyền lợi nào đó trên tài sản vật chất đảm bảo cho mỗi người một lãnh vực cần thiết cho sự tự lập cá nhân và gia đình, được coi đó như một mở rộng tự do con người. Sau cùng quyền tư hữu thôi thúc thi hành trách nhiệm. Đó là một trong những điều kiện của tự do chính trị và có một vai trò xã hội nội tại có nền tảng trong luật dụng đích tài sản công cộng. Một khi lãng quên tính cách xã hội đó thì lắm khi quyền sở hữu trở nên cơ hội cho những tham vọng và nguyên nhân đưa đến những xáo trộn trầm trọng và nên cớ cho nhiều người phủ nhận quyền sở hữu…
Bởi vậy, như các quốc gia tự do khác, khi thiết lập nền Cộng Hòa cho Việt Nam, cũng là lúc cố Tổng thống Ngô Đình Diệm phải định cư gần một triệu đồng bào lánh nạn từ Miền Bắc. Những người này được chính quyền giúp đỡ để khai phá các vùng đất hoang để xây dựng nhà cửa hay cất nhà thờ, chùa… và được công nhận quyền sở hữu trên phần đất đai đó. Ngoài ra, thời Việt Nam Cộng Hòa, chỉ có đất công hay tư, chứ không có sự kỳ thị với loại đất đai tôn giáo như, ngày nay, thời Chủ nghĩa xã hội.
Xin trở lại trường hợp Ông Đoàn Văn Vươn.
II. TIẾN TRÌNH CƯỠNG CHẾ
Thình lình, ngày 07.04.2009 UBND huyện Tiên Lãng ban hành Quyết định số 461/QĐ-UBND thu hồi 19,3 đất giao đã hết hạn sử dụng đối với ông Vươn. Ông Vươn đã kiện vụ án hành chính lên Tòa án nhân dân Hải Phòng. Ngày 09.04.2010, Tòa này mời ông Vươn và đại diện UBND huyện Tiên Lãng đến để giải quyết và đôi bên đã thỏa thuận:
– UBND huyện Tiên Lãng có nhiệm vụ tiếp tục làm thủ tục giao đất cho ông Vươn thuê 40,3 ha của gia đình ông nuôi trồng thủy sản, để sinh lợi kinh tế cho gia đình và xã hội.
Hoặc:
– Ông Đoàn Văn Vươn có nhiệm vụ làm đơn đề nghị UBND huyện Tiên Lãng cho thuê 40,3 ha để nuôi trồng thủy sản.
Nếu hai bên nhất trí như vậy thì, ngay hôm này, ông Đoàn Văn Vươn phải rút đơn kiện UBND huyện Tiên Lãng. Do đồng thuận như vậy, nên ông Vươn đã rút đơn kiện. Nhưng, sau đó, ông Vươn đã nhiều lần làm đơn đề nghị ký lại hợp đồng thuê đất tiếp, nhưng UBND huyện không chịu ký như họ đã thỏa thuận tại Tòa án nhân dân Hải Phòng ngày 09.04.2010.
Ngày 24.11.2011, ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng ký Quyết định số 3307/QĐ-UB : sau 15 ngày, nếu không bàn giao, vùng nuôi thủy sản sẽ bị cưỡng chế ‘thu trắng đất nuôi trồng thủy sản, không bồi hoàn phí tổn, kinh phí xây dựng khoanh vùng nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Vươn.
Sáng ngày 05.01.2012, cuộc cưỡng chế được tiến hành… Anh em ông Vươn đã chống lại họ bằng mìn tự chế và súng bắn đạn hoa cải làm bị thương 6 công an và bộ đội…
A. Quốc gia pháp trị
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn tự cho là quốc gia pháp trị nhưng vì là nước độc đảng nên tam quyền (hành, lập và tư pháp) đều nằm trong tay các đảng viên. Thêm vào đó, những ứng cử viên cơ quan các cấp đều phải có sự giới thiệu của Mặt trận Tổ quốc, cắt cử bởi Đảng. Vụ án ông Đoàn Văn Vươn do các ‘công bộc’ Hải Phòng đang giúp chúng ta thấy rõ Việt Nam, quốc gia pháp trị hay không.
Bởi vậy, khi ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, cho là ông Đoàn Văn Vươn không chịu sớm giao trắng (không có bồi thường) đất nuôi trồng thủy sản mà cứ khiếu kiện. Thưa đồng chí Hiền, tại quốc gia pháp quyền, khi người dân cho rằng một quyết định liên hệ nào bất hợp pháp đều có thể khiếu kiện trước các thẩm quyền tư pháp được quy định bởi Hiến pháp 1992 (điều 127) và Luật Khiếu nại, tố cáo, sửa đổi bổ sung ngày 22.11.2005.
B. Thời hiệu cho thuê đất nông nghiệp
Quyết định số 447/QĐ-UB ngày 04.10.1993, UBND huyện Tiên Lãng giao cho gia đình ông Vươn 21 ha đất, với kỳ hạn 14 năm, chiếu theo Luật Đất đai năm 1987 không quy định thời hạn. Luật Đất đai năm 1993 ngày 14.07.1993, có hiệu lực từ ngày 15.10.1993. Điều 4, Nghị định 64 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 1993 quy định rõ những đất giao trước ngày 15.10.1993 phải được tính thời hạn 20 năm. Như vậy, đất giao cho gia đình ông Vươn phải tính theo thời hạn 20 năm tức chỉ đáo hạn vào ngày 03.10.2013, tức chưa tới ngày đòi lại, chứ chưa nói gì tới việc cưỡng chế. Còn phần đất 19,3 ha đến ngày 08.04.2017 mới đáo hạn.
Việc cho rằng đây không phải là đất nông nghiệp là một sự sai trái và phi lý.
C. Mục đích thu hồi và cưỡng chế đất đai
Về mục đích thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng, trong khi ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng cho rằng không thể tiết lộ, thì Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca thì nói với báo chí, khu vực đầm tôm cưỡng chế giải tỏa sẽ là tâm điểm xây sân bay trong thời gian tới. Vậy có quy hoạch chưa ? Dư luận xã hội đến với người dân xã Vinh Quang được biết : ‘Lê Văn Hiền là Chủ tịch huyện là anh ruột của Lê Thanh Liêm, Chủ tịch xã Vinh Quang, tức là anh ở trên huyện còn em là ở dưới, cho nên bằng mọi giá là lấy bằng được đồng của Vươn để mà giao cho người khác’.
Theo ông Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam, ‘Dư luận có nói, thu là để cho em trai ông chủ tịch huyện nhưng việc này các cơ quan đang tìm hiểu, chưa rõ ra được’.
Theo phép Công bình và bảo đảm sự ổn định kinh doanh những như quy định tại khoản 1 Điều 67 Luật đất đai 2003, khi hết hạn hợp đồng thuê đất nông nghiệp, người sử dụng đất được chính quyền địa phuơng ưu tiên tiếp tục cho thuê đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng và trong quá trình sử dụng đất đã chấp hành đúng pháp luật, đồng thời việc sử dụng đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt. Nếu thật sự phần đất này được dùng để xây sân bay, thì chính quyền phải bồi thường, dựa theo thỏa thuận hay sổ sách kế toán.
Nếu cơ quan Nhà nước thẩm quyền kết luận quyết định thu hồi đất này
không hợp luật, về nguyên tắc, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng phải chịu trách nhiệm chiếu theo Điều 6 Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27.10.2007 quy định chế độ trách nhiệm đối với lãnh đạo cơ quan, đơn vị Nhà nước khi thi hành công vụ.
D. Phá hoại và cướp phá tài sản người dân
1.- Bà Nguyễn Thị Thương, vợ ông Vươn, cho biết:
« Khi đoàn cưỡng chế xuống đầm, anh Vươn không có mặt ở đó do đang đi khiếu nại rồi bị bắt ở Viện Kiểm sát. Còn em và em dâu, cháu và anh trai em cùng một đứa con còn đi học đang đứng trên đê với mọi người. Khi không bắt được mấy anh em, thì họ đến bắt hai chị em em và anh trai ông Vươn tên là Đoàn Văn Thịnh. Họ khóa tay lại bằng còng số 8 đưa ra thành phố, vừa đi và bị đánh đập đau lắm. »
2.- Khi thi hành việc cưỡng chế đất nuôi thủy sản, đoàn công tác đã san bằng căn nhà 2 tầng của ông Vươn.
Chiều ngày 12.01.2012, UBND Hải Phòng họp báo về vụ cưỡng chế dẫn đến nổ súng tại đầm thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền lại cho biết, căn nhà này bị phá hủy vì ‘đây là vị trí kẻ gây án ẩn nấp’. Việc phá ngôi nhà không thuộc diện cưỡng chế với lý do là nơi cố thủ để tấn công lực lượng cưỡng chế mà Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng đưa ra là không có căn cứ, không dựa quy định nào của pháp luật cho phép tiến hành một việc như vậy, có thể suy luận là để ‘phi tang’ chứng tích phạm tội của phạm nhân.
Sau đó, sáng 17.01.2012, Phó chủ tịch UBND Hải Phòng Đỗ Trung Thoại lại cho rằng việc san phẳng căn nhà gia đình ông Vươn sau vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng không phải bởi lực lượng của huyện mà do ‘nhân dân bất bình nên vào phá’. Do đó, tác giả Bùi Hoàng Tám đã viết trên báo Dân Trí ngày 18.01.2012, dưới tựa đề ‘Vì sao lại vu oan cho Nhân dân?’, gọi thẳng giải thích của ông Thoại là ‘vô liêm sỉ’ : « Một sự vu oan giá họa, trắng trợn đổ tội cho nhân dân và đó là câu dối trá vô liêm sỉ nhất… từ miệng một quan chức chính quyền cấp tỉnh ».
3.- Vơ vét thủy sản trong đầm của ông Vươn.
Sau khi cưỡng chế, toàn bộ 40 ha đầm nuôi thủy sản đã công an xã được giao nhiệm vụ canh giữ, rất nhiều thanh niên lạ mặt, có trang bị vũ khí túc trực ở đây 24/24h. Dù vậy, hai bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) và Phạm Thị Hiền (vợ ông Quý) và nhiều người dân khác đã nói với báo Vietnamnet trong những ngày sau cuộc cưỡng chế, nhiều người lạ mặt đã sử dụng các phương tiện đánh bắt bằng điện như kích điện, te điện… thu hoạch số thủy hải sản mà gia đình các chị đầu tư, nuôi thả từ đầu năm 2011.
Ngày 27.01.2012, Đài Á châu Tự do đang tin từ các báo Thanh Niên, Đất Việt trích lời em dâu ông Vươn cho biết, toàn bộ 5.000 con cá vược loại 1-1,5 kg/con, 7.000 con cá trắm, trọng lượng 2-3 kg/con, 3.000 con cua giống đã bị đánh bắt hết., 7.000 con cá trắm thương phẩm và 3.000 con cua giống đã bị đánh bắt theo kiểu khoắng toàn bộ. Một nhân chứng nói với các nhà báo rằng, sáng 06.01.2012, một ngày sau vụ cưỡng chế bi thảm, đầm thủy sản nhà ông Vươn đã bị tháo nước và hôm sau có nhiều người lạ mặt xuống thu họach tất cả cá cua. Tính tổng trị giá cá nuôi đã lên tới hơn 1,5 tỷ đồng; chưa kể cua, tôm tự nhiên và hàng ngàn buồng chuối.
4.- Vấn đề bồi thường nhà và đầm thủy sản.
Về tình hình gia đình họ Đoàn, sáng mồng một Tết, chị Thương, chị Hiền cùng các cháu ra bãi đầm nhà chị dựng một cái lều bạt cũ để ở tạm sau khi những người đánh bắt tôm cá tại đầm này đã rút về hết. Chị Hiền nói: « Hôm mùng một Tết thì những người giữ đầm rút hết nên chúng tôi về lại đầm dựng một cái lều bằng bạt ở ngoài đó. Gia đình hiện đang tập trung ở ngoài đó. Bây giờ phải chấp nhận thôi, chúng tôi sống vất vả quen rồi ».
Tại các quốc gia dân chủ, cử tri trao quyền lãnh đạo, trong đó có bổn phận phải bảo đảm an ninh và tài sản, cho chính quyền thì khi chính quyền không làm tròn hay có sai phạm thì phải bồi thường. Do đó, tại các quốc gia có đa đảng, thì sự chế tài chính trị là người dân sẽ tín nhiệm ứng cử viên đảng khác lần đầu phiếu sau. Tại Việt Nam, người dân không có thể có sự lựa chọn nào khác như trường hợp ‘gia đình trị’ tại đây : Lê Văn Hiền là Chủ tịch huyện Tiến Lãng là anh ruột của Lê Thanh Liêm, Chủ tịch xã Vinh Quang.
E. Ông Đoàn Văn Vươn bị đánh đập trong trại giam
Hôm 25.01.2012, một người ở cùng trại tạm giam với ông Đoàn Văn Vươn vừa được tại ngoại, đã cho bà Thương biết ông Vươn bị đánh. Ông này cho biết : « Anh Vươn mới vào trại liền bị quản giáo buồng giam K nện cho trên 10 gậy cao su vào mông và vào đùi với lý do ‘không báo cáo cán bộ’ và, khi khác bị mắng : ‘CIA Mỹ huấn luyện cho chúng mày này! Bố mày giết chết này… Mày thích gẫy tay không?’
Tại sao phải đánh người ta ? ‘Đánh cho không có tội cũng phải nhận’ khi hỏi cung gay gắt của công an, sau những trận đòn thập tử nhất sinh vượt quá sức chịu đựng của một con người. Ai cũng thừa kinh nghiệm để biết rằng những người này hoàn toàn vô tội, nhưng với cái gọi là công lý của cái Xã hội Chủ nghĩa, thì mọi sự việc đều bị đổi trắng thay đen, kẻ vô tội biến thành có tội. Muốn tồn tại chỉ còn một con đường duy nhất: Nhận tội và xin khoan hồng!
Lực lượng cưỡng chế đã xâm nhập trái phép vào phần đất của mình thì ông Đoàn Văn Vươn phải tự vệ. Ông là người sống có tình khi chỉ dùng súng hoa cải, một loại súng để săn chim, không thể làm chết người, nếu không ông đã mua một khẩu AK khá dễ dàng. Mìn ông dùng cũng là loại sơ chế bằng thuốc súng của đạn hoa cải. Nếu muốn, ông đã có thể mua thuốc nổ TNT không khó ở Việt Nam. Trái mìn được dấu dưới bình hơi đốt, chỉ là một sự ngụy trang để không bị phát hiện mà thôi. Sức công phá của mìn chế bằng thuốc súng đạn hoa cải không đủ sức công phá để cái bình hơi đốt nổ theo, nhất là khi đó là cái bình không còn hơi đốt thì làm sao mà nổ được. Điều đó chứng tỏ, dù đang bị bức bách vào bước đường cùng, bị dồn vào chỗ chết, ông Vươn vẫn là một người có lòng nhân ái. Do đó, sáu nạn nhân của cuộc cưỡng chế ăn cướp này chỉ bị thương nhẹ, không bị ‘trọng thương’ như công an và báo đài đảng đã nói láo. Chỉ một người bị hơi nặng vì viên đạn hoa cải trúng vào mắt, không ai bị thương tích gì nặng đến nỗi phải tiếp máu, hay vô nước biển, hay phải giải phẩu cấp cứu cả. Biết được như vậy là do ông Nguyễn Xuân Diện và bà kiến trúc sư Ngô Thanh Vân đã nhìn tận mắt thương tích của các anh bộ đội và công an này, khi đến ủy lạo các nạn nhân.
Người này đề nghị gia đình nên gởi chăn và thức ăn vào cho anh vì phòng giam chật hẹp, và điều kiện sinh hoạt, ăn uống khó khăn và bị giam cùng các bị can phạm tội hình sự khác. Nghe vậy, gia đình rất lo lắng và dự định sẽ viết một lá đơn kêu oan đến các cơ quan chức năng, nếu không thì sợ là các anh ấy không đảm bảo sức khỏe.
Hôm mồng 3 Tết, ngày 25.01.2012, Giáo Hội dành riêng để thánh hóa công ăn việc làm, giúp cho người Kitô hữu hiểu rõ giá trị của lao động: trí óc và bàn tay. Nh ân dịp Tết Nguyên đán, chúng ta chúc nhau: « Năm mới, làm ăn thịnh vượng, phát đạt… ». Điều đó cho thấy người Việt Nam chúng ta rất coi trọng người lao động và hành động của họ đã tạo sản phẩm và lương thực cho xã hội mà gia đình ông Đoàn Văn Vươn là những trường hợp điển hình.
Chúng ta cùng hiệp thông cầu nguyện cho Công Lý và Hòa Bình cho các thành viên gia đình này cũng như những người bị thương trong biến có này.
Hà-Minh Thảo
1/28/2012