“Không phải chỉ có bảo vệ môi trường và số người phải di rời. Vấn đề lớn hơn thế rất nhiều. Đa số cư dân phụ thuộc vào nguồn cá từ các đoàn di ngư, do đó an ninh lương thực trong vùng là điều tối quan trọng cần lưu tâm khi khai thủy điện sông Mekong.” Eric Baran, WorldFish Centre.
“Nước là một trong những cơ hội lớn về ngoại giao và phát triển trong thời đại chúng ta. Không phải mỗi ngày chúng ta tìm được một vấn đề mà hiệu quả về ngoại giao và phát triển giúp cứu sống hàng triệu sinh mạng, cứu đói, tăng sức mạnh phụ nữ…Nước chính là chủ đề quan trọng đó.” Hillary Rodham Clinton, World Water Day 2010.
Ngày Nước Thế Giới và những chủ đề
Cách đây 19 năm kể từ 1993, Liên Hiệp Quốc đã chọn ngày 22 tháng 3 mỗi năm là Ngày Nước Thế Giới/World Water Day, do sáng kiến từ Hội nghị Môi Sinh và Phát Triển/United Nations Conference on Environment and Development/UNCED tại Rio de Janeiro, Brazil [1992].
Có thể nói, nước là biểu hiện của sự sống, vì thế mỗi khi tìm ra tín hiệu có nước trên một vì tinh tú xa xôi thì các nhà khoa học thiên văn đã lạc quan cho rằng có thể có sự sống và sinh vật ở trên đó. Trái đất này sẽ là một hành tinh chết nếu không có nước. Nhưng trước mắt, thì thiếu nước đang là một vấn nạn ngày càng trầm trọng của thế giới chúng ta đang sống hiện nay.
Ngày Nước Thế Giới, như cơ hội để mọi người quan tâm tới tầm quan trọng của nguồn nước ngọt/freshwater và cùng nhau vận động hỗ trợ cho những phương cách quản lý bền vững các nguồn nước ấy.
Mỗi năm Liên Hiệp Quốc đều chọn ra một “chủ đề” cho Ngày Nước Thế Giới để tập trung vận động qua những cuộc hội thảo, qua các phương tiện truyền thông và giáo dục xoay quanh mỗi chủ đề này.
Điểm qua các chủ đề ấy theo thứ tự thời gian:
1994 Nước Nguồn Tài nguyên chúng ta cùng bảo vệ;
1995 Nước và Phụ nữ;
1996 Nước cho Các Đô thị thiếu khát;
1997 Nước Thế giới: Có đủ không?
1998 Nước Ngầm: Tài nguyên không thấy;
1999 Mọi Người sống Dưới nguồn;
2000 Nước cho Thế kỷ 21;
2001 Nước cho Sức khỏe;
2002 Nước cho Phát triển;
2003 Nước cho Tương lai;
2004 Nước và những Thảm họa;
2005 Nước cho Cuộc Sống;
2006 Nước và Văn Hóa;
2007 Nước Thiếu hụt trên Thế giới;
2008 Nước và Vệ sinh;
2009 Nước Xuyên các Quốc gia;
2010 Nước Sạch và Sức khỏe Thế giới;
2011 Nước cho các Đô thị…
Ngày Nước Thế Giới Năm Nay 2012
Ngày Nước Thế Giới 2012 năm nay với chủ đề “Nước và An ninh Lương thực/Water & Food Security”, do Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc điều hợp [Food and Agriculture Organization of the UN]. Với nhận định: hiện có 7 tỉ người phải nuôi ăn trên hành tinh này; dự trù thêm 2 tỉ người nữa vào năm 2050. Mỗi chúng ta uống từ 2 tới 4 lít nước mỗi ngày; phần lớn lượng nước “uống” ấy nằm sẵn trong thực phẩm mà chúng ta ăn: để sản xuất 1 kg thịt bò cần tới 15,000 lít nước, trong khi 1 kg ngũ cốc cần 1,500 lít nước, 1 kg rau trái chỉ cần 1,000 lít nước nghĩa là 15 lần ít hơn. Hiện trạng trên thế giới đã có “một tỉ người đói kinh niên/chronic hunger” và nguồn tài nguyên nước thì co cụm lại khắp nơi. Để đương đầu với tình trạng nổ bùng dân số, bảo đảm an ninh lương thực cho mọi người thì cần tới những hành động cụ thể như:
-
Tiêu thụ sản phẩm cần ít nước;
-
Giảm phí phạm lương thực: 30% lượng thực phẩm không bao giờ ăn tới, có nghĩa là mất một lượng nước lớn để sản xuất;
-
Gia tăng lượng lương thực nhiều hơn, có phẩm chất hơn và tiêu thụ nước ít hơn;
-
Theo một chế độ dinh dưỡng lành mạnh hơn, với ngũ cốc rau trái thay vì ăn nhiều thịt.
Tất cả những bước ấy, từ quá trình sản xuất tới tiêu thụ, làm thế nào để tiết kiệm nguồn nước và bảo đảm lương thực cho mọi người. “Nước và An ninh Lương thực” đó trọng điểm trong cuộc vận động nhân ngày Nước Thế Giới 2012 năm nay.
Logo World Water Day 2012, mang rất nhiều ý nghĩa với “Nhánh Lúa và Cá” cũng là hai biểu tượng cho nguồn lương thực của con Sông Mekong. Đã có có một nền “Văn minh Lúa Gạo và Cá” trong Lưu Vực Lớn Sông Mekong/GMS và nền văn minh ấy đang lâm nguy.
José Graziano da Silva, tân giám đốc Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc [với nhiệm kỳ ba năm rưỡi 2012-2015] trong cuộc họp báo nhậm chức ở Rome ngày 3 tháng 01/2012 đã đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng: hoàn toàn xóa nạn đói và suy dinh dưỡng trên toàn cầu. Ông phát biểu “Chấm dứt nạn đói đòi hỏi quyết tâm của mọi người: không phải chỉ có Tổ chức Lương Nông, hay bất cứ cơ quan, chánh phủ riêng lẻ nào mà có thể thắng được cuộc chiến này, mà phải cần tới những phương thức hành động thật sự “trong sáng và dân chủ/transparent and democratic way” cùng với các quốc gia thành viên, các cơ quan của Liên Hiệp Quốc, khu vực tư nhân, xã hội dân sự và các nhóm đầu tư khác.” [1]
Người ta có thể thấy ngay là “phương thức hành động trong sáng và dân chủ” chính là điều rất thiếu vắng trong các quốc gia Mekong.
Cách đây hai năm, nhân Ngày Nước Thế Giới 2010 với chủ đề “Nước Sạch và Sức khỏe Thế giới”, Ngoại trưởng Hillary Roddham Clinton đã phát biểu: “Nước là một trong những cơ hội lớn về ngoại giao và phát triển trong thời đại chúng ta.”Bà Clinton nhận định tiếp, “Không phải mỗi ngày chúng ta tìm được một vấn đề mà hiệu quả về ngoại giao và phát triển giúp cứu sống hàng triệu sinh mạng, cứu đói, tăng sức mạnh phụ nữ, thăng tiến quyền lợi an ninh quốc gia chúng ta, bảo vệ môi trường, và cùng chứng tỏ với hàng tỉ người trên thế giới là nước Mỹ quan tâm tới sự an sinh của họ. Nước chính là nan đề đó.” [2]
Hệ sinh thái sông Mekong
Mekong được đánh giá là một trong những hệ thống sông rạch phức tạp nhất thế giới. Với chiều dài 4,900 km, là con sông dài thứ 11 của toàn cầu cũng là con sông dài nhất Đông Nam Á chảy qua 6 quốc gia, gần gấp hai chiều dài sông Colorado. Tài nguyên lưu vực con sông nuôi dưỡng 70 triệu cư dân, chỉ riêng nguồn cá đã đem lại hơn 2 tỉ MK mỗi năm.
Dòng chảy Mekong tương đương với lưu lượng con sông Mississippi với tẩm đẫm phù sa, rất biến thiên với hai mùa Mưa Nắng. Trong mùa Mưa chỉ có khoảng 16% lượng nước đổ xuống từ Vân Nam Trung Quốc. Nhưng trong những tháng mùa Khô, thì lượng nước thượng nguồn ấy lại tăng tới 40%. Do sự phức tạp của lưu vực sông Mekong, hiện tượng hạn hán và lũ lụt cũng rất biến thiên theo từng khúc đoạn từng vùng. [2]
Biển Hồ và sông Tonle Sap là một hiện tượng thiên nhiên kỳ diệu, với một chu kỳ gần như độc nhất vô nhị trên hành tinh này: Tonle Sap là con sông chảy hai chiều và diện tích Biển Hồ thì co dãn theo mùa. Là hồ cạn với diện tích 2,500 km2 trong mùa Khô, nhưng tới mùa Mưa, bắt đầu từ tháng 6 tháng 7, do nước con sông Mekong dâng cao tạo sức ép khiến con sông Tonle Sap phải đổi chiều; nước từ khúc sông Mekong thượng nguồn chảy ngược vào Biển Hồ khiến nước hồ dâng cao từ 8 tới 10 mét và tràn bờ, làm tăng diện tích Biển Hồ gấp 5 lần lớn hơn, khoảng 12,000 km2. Joseph Yun, phụ tá Thứ trưởng Ngoại giao Đông Á và Thái Bình Dương đã đưa ra một so sánh rất tượng hình là lượng nước Biển Hồ ấy đủ để bao phủ toàn diện tích hơn 20 ngàn km2 của tiểu bang New Jersey với hơn 3 mét nước cao. [2]
Em Bé Khmer và Cá: 80% nguồn protein của người dân Cam Bốt là từ Cá. Photo by Ngô Thế Vinh, Tonle Sap 2001.
Do tiềm năng dự trữ nước rất lớn theo mùa, Biển Hồ có thể điều hòa lưu lượng con sông Mekong, giảm thiểu lũ lụt trong mùa Mưa, duy trì dòng chảy tối thiểu trong mùa Khô, đồng thời ngăn chặn nước biển không lấn sâu thêm vào vùng châu thổ.
Biển Hồ có một vai trò điều hợp sinh tử đối với hệ sinh thái vùng Hạ Lưu: không chỉ là vựa cá quan trọng nhất của Cam Bốt, mà nguồn nước ấy là thiết yếu cho vựa lúa cùng với kỹ nghệ nuôi cấy thủy sản như cá basa xuất khẩu của của Đồng Bằng Sông Cửu Long [ĐBSCL]. ĐBSCL không chỉ là cái nôi lúa gạo cho toàn Việt Nam, vốn cũng là quốc gia xuất cảng gạo lớn thứ hai thế giới sau Thái Lan. Theo Chương Trình Phát Triển của Liên Hiệp Quốc/United Nations Development Program thì tình trạng sản xuất lúa gạo ở Việt Nam năm 2010, đã bị ảnh hưởng nặng nề do thay đổi khí hậu và do các con đập thủy điện thượng nguồn.
Có thể nói Sông Mekong là “mạch sống – lifeline” của bao nhiêu triệu cư dân trong Lưu Vực. Nông và ngư nghiệp chiếm tới 85% lực lượng lao động: nông dân thì phụ thuộc vào nguồn nước và phù sa; ngư dân thì sống bằng nguồn cá thiên nhiên của con sông, cá không chỉ là nguồn protein động vật chính trong dinh dưỡng mà còn đem lại lợi tức đáng kể cho họ. Do đó nông và ngư dân Lưu Vực sông Mekong sẽ là những nạn nhân trực tiếp bị ảnh hưởng do bất cứ một thay đổi hủy hoại nào trong môi trường sống của họ.
Với thay đổi khí hậu, lưu vực sông Mekong sẽ là một trong những vùng chịu ảnh hưởng tác hại nhất, do đa số cư dân sống trên những cánh đồng lũ/floodplains và các vùng ven biển thấp [ĐBSCL]. Sự đa dạng sinh học của toàn vùng cũng bị đe dọa bởi những ảnh hưởng tích lũy trực tiếp hoặc gián tiếp do thay đổi khí hậu, cộng thêm với sự tác hại của những con đập thủy điện đầy những khiếm khuyết về phương diện kỹ thuật và đang phát triển vội vã như hiện nay.
Nhánh Lúa Lai Tạo/Hybrid Rice từ Viện Nghiên Cứu Lúa Gạo Quốc Tế IRRI, tăng năng xuất từ 1-1.5 tấn cao hơn cho mỗi hecta, là một đóng góp quan trọng cho phát triển nông nghiệp Châu Á, trong đó có Việt Nam.
Trong khi không thiếu bài học về “những dòng sông chết trên thế giới” mà các nhà lãnh đạo sông Mekong không chịu học hay cố tình không biết – wilful ignorance, vẫn theo ngôn từ của Milton Osborne; điển hình như con sông quốc tế Indus cũng phát nguồn từ cao nguyên Tây Tạng dài 3,200 km chảy qua hai nước Ấn Độ và Pakistan, vốn một thời là con sông hùng vĩ từng là cái nôi của những nền văn minh, nay chỉ vì do xây quá nhiều đập [heavily dammed] nên đã không còn đủ nước chảy ra tới biển Ả Rập/Arabian Sea. [4]
Trở lại với con sông Mekong, chỉ để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển, các quốc gia Mekong vội vã hướng tới khai thác nguồn thủy điện của con sông này. Điều mà họ ít quan tâm tới là khi xây các con đập trên dòng chính có thể gây tác hại tức thời và cả lâu dài tới “an ninh lương thực” của bao nhiêu triệu cư dân trong lưu vực.
Cái giá phải trả về kinh tế do các con đập gây ra rất cao, nhưng vì những hứa hẹn lợi nhuận to lớn trước mắt do thủy điện có thể đem lại; mỗi con đập cho dù lớn nhỏ đều có ảnh hưởng trên dòng chảy và sinh cảnh của con sông. Chỉ một con đập xây không đúng chỗ như con đập Don Sahong Nam Lào, có thể ngăn chặn các đoàn di ngư, ảnh hưởng trực tiếp trên nguồn cá cũng là nguồn protein chính của cư dân trong lưu vực. Hoặc một con đập thiết kế kém với nhiều khiếm khuyết như con đập Sambor phía Bắc Cam Bốt, có thể làm giảm nguồn nước ngọt, làm mất nguồn phù sa, tăng nạn nhiễm mặn và ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất lúa gạo không chỉ của Cam Bốt mà cả ĐBSCL của Việt Nam.
Với chuỗi đập bậc thềm Vân Nam/Lancang – Mekong Cascade nơi Lưu Vực Trên/Upper Mekong Basin chắc chắn có ảnh hưởng đáng kể trên dòng chảy thiên nhiên của con sông Mekong. Theo Fred Pearce, thì vào đầu thập niên tới, chuỗi đập Vân Nam sẽ có khả năng giữ lại hơn nửa lưu lượng dòng chảy của con sông Mekong trước khi ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc. Đối với Bắc Kinh, con sông Mekong đã trở thành “Tháp Nước và Nhà Máy Điện” của riêng họ. [6]
Nhưng chuỗi đập dòng chính nơi Lưu Vực Dưới/Lower Mekong Basin sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng hơn nhiều đối với các quốc gia hạ lưu, đặc biệt là với Biển Hồ của Cam Bốt và ĐBSCL của Việt Nam. Người ta đã nói tới những con đập dòng chính trên đất Lào, nhưng cũng đừng quên rằng ngay trên đất Cam Bốt đã có hai dự án Stung Streng 980 MW và Sambor 2,600 MW gây ảnh hưởng tác hại trực tiếp trên sản lượng cá của Biển Hồ và làm mất nguồn phù sa nơi ĐBSCL. Chấp nhận xây dựng hai con đập ấy ngay trên đất Chùa Tháp, Nam Vang như cầm súng tự bắn vào chân mình/shoot oneself in the foot, một thứ self-inflicted injury – và Việt Nam cũng không tránh được những tổn thất liên hệ/collateral damages.
Không thể phủ nhận thủy điện vẫn là nguồn năng lượng giá trị, nhưng chừng nào mà cái giá rất cao phải trả về môi sinh được lượng giá đúng mức và tiến hành một cách thận trọng và có trách nhiệm. Để có con đập thủy điện mới, có những cây cầu và đường xá mới không thể không đồng thời cũng phải đối chiếu với cái giá phải trả về môi trường và cả trên cuộc sống cư dân ra sao. Ví dụ như nước Lào, với nguồn thủy điện phong phú có thể xuất cảng để thu về ngoại tệ cho phát triển kinh tế, nhưng nếu không có những bước nghiên cứu thận trọng thì đó chỉ là bước phát triển rất ngắn hạn không bền vững với nhiều tổn thất trước mắt và lâu dài trên môi sinh và cuộc sống xã hội của chính những người dân Lào.
Sông Mekong đang chịu quá tải
Hệ sinh thái sông Mekong hiện đã có những dấu hiệu bị quá tải. Không phải chỉ có tác hại từ các con đập thủy điện mà còn thêm những ảnh hưởng tích lũy do ô nhiễm từ kỹ nghệ, nước thải, và phân bón hóa học từ canh nông.
Duy trì phẩm chất nguồn nước con sông Mekong là yếu tố vô cùng quan trọng cho “sức khỏe và lương thực” của 70 triệu cư dân trong toàn lưu vực. Nạn nhiễm mặn ngày càng gia tăng nơi ĐBSCL, nhất là trong những tháng Mùa Khô giảm lưu lượng dòng chảy khiến nước biển lấn sâu thêm vào vùng châu thổ phá hại mùa màng; lại thêm tình trạng đất phèn/sulphate-rich soils làm tăng độ acid trong nước, gây bội phát lượng rong tảo trong nước/eutrophycation, làm giảm lượng oxygen có thể tới ngưỡng tử vong làm chết cá và các động vật dưới nước.
Nước từ thượng nguồn đã bị ô nhiễm cộng thêm với nạn ô nhiễm dưới nguồn khiến hệ sinh thái của con sông càng ngày càng suy thoái. Xả các chất phế thải, cả phóng uế xuống sông là điều vẫn diễn ra thường ngày nơi ĐBSCL. Các quốc gia Mekong trong đó có Việt Nam gần đây cũng bắt đầu đề cập tới nạn ô nhiễm nước, nhưng đa số chỉ như những khẩu hiệu và để rồi không có biện pháp chế tài hay theo dõi hiệu quả nào.
Cần sự chọn lựa khôn ngoan
Hội Nghị cấp Bộ Trưởng 4 quốc gia Hạ Lưu Mekong tháng 12, 2011 đã có một quyết định là “tạm ngưng dự án đập thủy điện Xayaburi”, là con đập dòng chính đầu tiên trên sông Mekong bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc; để có thêm thời gian nghiên cứu về ảnh hưởng của con đập, và Nhật Bản được chính thức yêu cầu hỗ trợ cho cuộc khảo sát môi sinh này. Nhưng không có một dấu hiệu tích cực nào cho thấy chánh phủ Lào và tập đoàn kinh tài Thái Lan hoãn xây con đập ấy. Rõ ràng là tinh thần Hiệp Định Mekong theo điều 7 trong “Hiệp Ước Hợp Tác Phát Triển Bền Vững Lưu Vực Sông Mekong 1995” đang thực sự bị thử thách. [6]
Công trường xây dựng đập Xayaburi tại Lào hôm 03-06-2011. AFP PHOTO
Sự phong phú của hệ sinh thái sông Mekong chỉ đứng thứ hai sau con sông Amazon, Nam Mỹ nhưng lại có một khác biệt lớn là hai bên bờ sông Mekong có cư dân sống với mật độ cao. Eric Baran một chuyên gia của Trung Tâm Ngư Học Thế Giới/WorldFish Centre đã từng hỗ trợ Ủy Hội Sông Mekong khảo sát ảnh hưởng của các đập thủy điện trên hệ sinh thái sông Mekong, đã phát biểu: “An ninh Lương Thực phải là vấn đề cốt lõi nhất – the most critical issue.” Đã có 781 chủng loại cá được xác định, nhưng còn nhiều chủng loại cá khác chưa được biết tới, trung bình mỗi năm có thêm 28 chủng loại mới được phát hiện trong thập niên qua. Mỗi năm ngư dân Mekong lưới bắt được 2.1 triệu tấn cá [3 triệu tấn một năm theo MRC 09-2008], chiếm khoảng 1/6 lượng cá nước ngọt thế giới. [3]
Tiến sĩ Baran tiếp: “Kết hợp đặc tính của các đoàn di ngư và sự phụ thuộc của cư dân trên nguồn cá này là nét đặc thù duy nhất – unique, và “an ninh lương thực” trong lưu vực phải là mối quan tâm hàng đầu của các chánh phủ Mekong khi xây các con đập. Do đó không phải chỉ có bảo vệ môi trường và số người phải tái định cư, nhưng vấn đề lớn hơn rất nhiều. Khai thác thủy điện và an ninh lương thực trong lưu vực sông Mekong có lẽ là nét đặc thù duy nhất trên hành tinh này.”
Theo dự báo của MRC, thì tới năm 2030 với 88 con đập dòng chính và phụ lưu hoàn tất, sẽ có tới 81% các đoàn di ngư bị chăn lại, phải làm sao cùng với các bước phát triển xây đập mà vẫn bảo vệ được nguồn lương thực cho cư dân trong lưu vực. Do đó cần tới sự tái phối trí các dự án đập hiện nay, với nhận định rằng ảnh hưởng tác hại của các con đập thủy điện sẽ được giảm thiểu nếu là những con đập phụ lưu/tributary dams; hoặc nếu là đập dòng chính/mainstream dams thì nên là những con đập ở vị trí ở xa lên phía thượng nguồn.
Theo chiều hướng đó, không nhất thiết là phải ngưng tất cả các dự án đập thủy điện nhưng nhóm nghiên cứu của Baran đưa ra những đề nghị cụ thể:
- Các con đập sẽ không cao hơn 30 mét để có thể vẫn mở những đường đi hiệu quả cho cá. [như chỉ riêng con đập Xayaburi cao 32 mét cũng đã ngăn chặn hơn 70 chủng loại di ngư].
- Nên xây đập trên những dòng chảy nhân tạo/man-made canals giống như ở Pháp và Âu châu, thay vì trên dòng chảy thiên nhiên, sẽ có tác dụng giảm hiểu tác hại tiêu cực trên dòng sông.
- Những con đập nên được thiết kế cho mục đích đa dụng – multi-purpose stuctures thay vì chỉ có sản xuất điện, nhằm giảm thiểu những tổn thất trên môi trường và xã hội. [3]
Tăng trưởng xanh lưu vực sông Mekong
Các đại biểu đến từ Campuchia tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các nước tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 4 tại thủ đô Naypyitaw của Myanmar vào ngày 19 tháng 12 năm 2011. AFP photo.
Không phải là ngẫu nhiên, một Hội nghị 6 quốc gia trong Lưu Vực Lớn Sông Mekong/Greater Mekong Subregion [GMS], còn có một tên gọi khác là Tiểu Vùng Sông Mekong bao gồm Cam Bốt, Lào, Thái Lan, Việt Nam, Miến Điện và Trung Quốc, và cơ quan tài trợ là Ngân Hàng Phát Triển Á Châu [ADB] đã diễn ra tại Bangkok trong hai ngày 20, 21 tháng 2, 2012 vừa qua.
Hội nghị Bangkok đã như một cộng hưởng chuẩn bị cho Ngày Nước Thế Giới 2012 vào tháng 3 sắp tới. Với nhận định: quản lý các nguồn lương thực, nước và năng lượng trong Lưu Vực Lớn Sông Mekong là thử thách nghiêm trọng nhất trong thập niên tới đây. Tới năm 2030, nhu cầu lương thực của Lưu vực Lớn Sông Mekong gia tăng từ 20-50%, nhu cầu nước cho canh nông, cho phát triển năng lượng, cho gia dụng và kỹ nghệ cũng sẽ tăng theo cấp số nhân/exponentially increasing; trong khi nguồn nước trên mặt đất và nước ngầm/surface and ground water thì ngày càng cạn kiệt và suy thoái.
“Cân bằng Tăng trưởng Kinh tế và sự Bền vững Môi trường/Balancing Economic Growth and Environmental Sustainability” là chủ đề của của hội nghị với mục đích tìm ra một hướng đi tối ưu cho tăng trưởng kinh tế và bền vững môi trường. Điều ấy đòi hỏi những đầu tư khôn ngoan trong phát triển như: sử dụng nguồn năng lượng sạch, gia tăng trồng trọt với ít nước hơn, cải tiến kỹ thuật sinh học để giảm sử dụng phân bón hóa học, thu hoạch thêm lượng nước mưa/rain harvesting và tái tạo/recycling nguồn nước từ các trung tâm đô thị. [7]
Stephen P. Groff, Phó Chủ tịch Ngân Hàng Phát Triển Á Châu đã phát biểu: “Chúng ta cần phác thảo một lộ trình/roadmap tới năm 2020 nhằm hỗ trợ người nghèo/pro-poor, hỗ trợ môi trường/pro-environment. Thách đố là làm sao gia tăng hiệu quả xử dụng tài nguyên, phục hồi và tái đầu tư/restore and recapitalize các nguồn tài nguyên thiên nhiên ấy, đồng thời bảo vệ phẩm chất môi trường khi tạo công ăn việc làm và phát triển kinh tế.”
Ông Dương Đức Ưng, từ Việt Nam đã cho RFA biết thêm một số thông tin từ hội nghị như: “Sự quan tâm không chỉ về an ninh lương thực mà cả an toàn thực phẩm phải gắn kết với nhau. Việt Nam hiện nay đã có an toàn lương thực cho mình rồi và xuất khẩu 7 triệu tấn lương thực ra thế giới, chỉ đứng sau Thái Lan”. [8] Theo nhận định của người viết thì thành tích phô trương ấy của Việt Nam đã không có gì mới, nhưng câu hỏi được đặt ra là liệu sẽ bền vững được bao lâu và phía Việt Nam có sáng kiến đóng góp được gì cho tầm nhìn xa chiến lược “phát triển xanh bền vững” của toàn Lưu vực Lớn Sông Mekong trong đó có ĐBSCL.
ADB đã thông qua 50 dự án liên quan tới bền vững môi trường Lưu Vực Lớn Sông Mekong trị giá 4.8 tỉ MK. [7] Các nhà lãnh đạo GMS đã đồng thuận về một “chiến lược tăng trưởng xanh/green growth agenda” cho toàn vùng nhưng vấn đề vẫn là làm sao để theo dõi và thực thi một cách hiệu quả những cam kết ấy.
Cái giá quá đắt cho phát triển
Ngày Nước Thế Giới 2012 năm nay với chủ đề “Nước và An ninh Lương thực” không chỉ là một thông điệp mỗi năm của Liên Hiệp Quốc gửi ra cho toàn cầu nhưng với khu vực Đông Nam Á – nơi đang có tranh chấp về quyền lợi khai thác con sông Mekong thì lại có ý nghĩa báo động nghiêm trọng hơn nhiều đối với nền an ninh toàn vùng.
Bước vào thế kỷ 21, có thể nói các quốc gia Mekong, trong đó có Việt Nam tuy được coi là những quốc gia đang phát triển, nhưng theo những bước không bền vững/non-sustainable development. Và cái giá cao nhất mà thế hệ hôm nay và cả tương lai phải trả là mất nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, mất “an ninh lương thực” đưa tới viễn ảnh nghèo khó và quan trọng hơn thế nữa là chính sức khỏe của người dân sẽ là cả một gánh nặng về y tế do không có an toàn thực phẩm, thêm nạn ô nhiễm môi trường càng ngày càng trầm trọng nhất là về “nước và không khí”.
Ngô Thế Vinh, M.D.
California, 02/ 25/ 2012
Tham Khảo:
2/ Testimony of Joseph Yun, Deputy Asst. Secretary Bureau of East Asian and Pacific Affairs US Department of State, Before the Senate Committee, Sept 23, 2010http://www.foreign.senate.gov/imo/media/doc/Yun.pdf
3/ Food security key issue in Mekong dam debate: Bangkok Post, Nov 12, 2011 http://www.bangkokpost.com/opinion/opinion/270238/food-security-key-issue-in-mekong-dam-debate
4/5/ The Damming of The Mekong: Major Blow to An Epic River, Fred Pearce, Yale Environment 360 Jun 17, 2009
6/ Hội Nghị Siem Reap Một Thỏa Hiệp Mong Manh Cho Dòng Chính Mekong Không Nghẽn Mạch; Ngô Thế Vinh, 12/25/2011
7/ Green Development Key to Growth in Mekong Region; Bangkok, Thailand, 20 February 2012,
8/ Kế hoạch kinh tế và môi trường trong Tiểu vùng sông Mekong; RFA 02-22-2012; Empires of The Indus: The Story of A River; Alice Albina, W.W Norton & Company, Inc. First American Edition 2010
http://www.vietecology.org/Article.aspx/Article/77#http://beta.adb.org/news/green-development-key-growth-mekong-regionhttp://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/key-to-grow-in-mekong-region-02222012061040.html