Đất về mặt danh nghĩa là của toàn dân, nhưng thực tế là người dân không có sở hữu gì, vì quyền lợi ban phát là trong tay cán bộ, những người tất nhiên là tự làm giàu cho gia tộc bà con trong dòng họ trước. Những thói cường hào phi lý này ai cũng thấy, nhưng nhà nước không muốn thay đổi, hay ít nhất cũng chưa muốn thay đổi, vì nếu lấy đi mối lợi ban phát đất này của cán bộ, đảng CSVN sẽ còn có ai trung thành nữa?
Những gì chúng ta tưởng rằng vụ cưỡng chế đất của anh Đoàn Văn Vươn có thể sẽ khởi sự một bước chuyển biến về luật đất đai, hóa ra là chẳng có gì hết. Ông Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng tới là để trình diễn, kỷ luật cán bộ cũng là để trình diễn… Nhà nước sẽ vẫn siết quyền quản lý đất để sẽ ban phát cho tư bản làm các dự án phát triển, và qua đây cán bộ mới có tiền phong bì, tiền phần trăm… Cụ thể, đất là sở hữu toàn dân, nhưng cũng là lợi tức của đảng CSVN và của cán bộ.
Hôm 15-3-2012, hàng trăm người dân tập trung khiếu nại dự án Ecopark. Bản tin trên đài RFA kể rằng mấy trăm người dân thuộc ba xã Xuân Quang, Phụng Công và Cửu Cao thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, hôm 15 tháng 3 tập trung về trụ sở tiếp dân của Thanh tra Huyện Văn Giang từ lúc 9 giờ sáng. Mục đích khiếu nại với chính quyền đối với những điểm mà họ cho là không theo đúng luật pháp trong dự án Ecopark triển khai trên đất đai của họ.
Dân ba xã bị lấy mất 500 hecta đất, mà lại lấy kiểu sai cả luật lệ. Lời của một người dân nói với RFA:
“Quá trình thực hiện dự án chưa đúng; không đúng từ văn bản của chính phủ cũng như của tỉnh đưa về. Chúng tôi không chấp nhận những văn bản đó: một là tỉnh không được thu hồi 500 héc ta đất; thứ hai nữa thủ tướng cũng không được ký thu hồi 500 héc ta đất mà phải thông qua Quốc hội. Thế mà thủ tướng ký nên chúng tôi thấy chưa hợp lý. Hiện họ mới xây dựng phân khu một Bắc Hưng Hải mấy chục héc ta, còn nằm im chưa làm gì.”
Lấy đất của dân, vậy rồi dân sẽ làm gì để sống?
Trong một bài đăng hôm 22-2-2012 trên đài VOA, nhan đề “Tsunami – từ đồng ruộng,” nhà báo Bùi Tín đã viết, dẫn ra ý kiến của nhiều cựu quan chức cao cấp khi bênh vực nông dân để đòi thay đổi luật đất:
“Ở Hà Nội, giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng bộ tài nguyên môi trường, là người hiểu biết khá sâu về tài nguyên đất đai ở nước ta. Ông đã nhiều lần báo động về nguy cơ xuất hiện gần đây của bọn “cò đất” đầu cơ ruộng đất do những sơ hở của luật pháp hiện tại trong vấn đề đất đai. Ông đặc biệt nói đến một số địa chủ mới đầu cơ ruộng đất, những địa chủ cường hào trọc phú mới do thời thế tạo nên, không hề gắn bó tình cảm với ruộng đồng để chăm bón cho những mùa lúa bội thu, mà chỉ lo bóc lột đất đai theo kiểu con buôn tham tiền. Ông nói thẳng ra rằng đã đến lúc phải trả lại cho nhà nông, cho các hộ nông dân chuyên làm ruộng quyền sở hữu tư nhân về đất đai đồng ruộng, để bà con yên tâm chăm sóc thửa ruộng của mình như chăm sóc nuôi nấng đàn con của mình vậy. Sở hữu toàn dân là con chung không ai lo, kiểu cha chung không ai khóc. Hợp tác hóa nông nghiệp là đại họa cho nông dân, nông thôn, nông nghiệp rồi, nay “sở hữu toàn dân” lại thêm một đại họa khác.
Cũng nên nghe một tiếng nói khác, của ông Trần Quốc Thuận, một luật sư, từng là phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nói lên nỗi lo lớn là đất đai đồng ruộng đang không ổn định, đang thay thầy đổi chủ trên quy mô rộng lớn, vào tay không phải những hộ nông dân thành thạo và yêu quý nghề nông, mà lại vào tay bọn quan chức tham ô, bọn đầu cơ “cò đất” buôn bán đất đai bất hợp pháp, giá bán thường cao hơn giá mua từ 4 đến 7 lần, tạo ra một lớp địa chủ mới làm giàu phi pháp dựa vào luật pháp mù mờ, không minh bạch, mâu thuẫn nhau, có thể giải thích khác nhau. Ông đề nghị phải trao lại quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất, ao hồ cho nông dân mới lập lại được công bằng và trật tự.”
Trong một bài đăng ngày 16-3-2012 trên đài RFI, nhan đề “Thân phận bọt bèo của người nông dân Việt Nam,” nhà bình luận Thụy My đã ghi lời nhà văn Tạ Duy Anh, trích:
“…bây giờ thì yếu tố quyền lực nó đi kèm với yếu tố quyền lợi. Vì vậy mà những sự câu kết của chính quyền với những ông tư bản bây giờ – chúng tôi gọi là những con bạch tuộc – vẫn xảy ra thường xuyên ở những vùng có khả năng diễn ra đô thị hóa, và cái này nó rất là thảm khốc. Hoặc ở những vùng mà người nông dân có xu hướng làm những trang trại lớn, những khu vực chăn thả lớn. Ví dụ như là Tiên Lãng, như là một số những vùng ở Nam Định, Thái Bình – vùng biển ấy. Hoặc là những vùng rừng núi, khi người nông dân có xu hướng đầu tư lớn.
Khiếu kiện đất đai: Điềm báo cho những trận dông bão
Khi họ đầu tư lớn, ví dụ như trường hợp của ông Đoàn Văn Vươn thì nói thật ra, về bản chất là chính quyền cũng định chia chác lại. Thế nhưng mà không có cơ sở pháp lý để kết tội họ về việc đó, do họ lẩn được vào trong các điều khoản mập mờ của Luật đất đai. Tuy nhiên giả sử như việc cưỡng chế thành công, thì hàng chục hộ sau khi phải nộp lại cho huyện, huyện mới cho đấu thầu lại, thì rất nhiều người trong chính quyền sẽ hưởng lợi, và sẽ được chia phần trong đó.
Có nghĩa là gì ? Nghĩa là anh dùng quyền lực, lợi dụng quyền lực của Nhà nước, mượn tay Nhà nước để anh cướp bóc của người dân. Nói một cách chính xác là như thế! Và phải khẳng định lại như thế này. Ở nông thôn nói chung và những vùng mà quyền lợi về đất đai không nhiều, thì cái nạn chính quyền chèn ép người dân không có cơ sở để tồn tại, ngoài cái việc mà họ đang chờ Luật đất đai mới, xem là có gia hạn hay không. Thì hiện nay Nhà nước gia hạn rồi, tức là tôi nghĩ cái khả năng mà họ chia lại ruộng đất, rồi lợi dụng lấy những chỗ phần ngon, thì chắc là không có.
Nhưng mà có những nơi khác, bất cứ nơi nào mà có yếu tố quyền lợi trong vấn đề đất đai, ví dụ như chuyển đổi. Một thửa đất đền bù cho nông dân hai trăm nghìn, sau đó thì phù phép bán ra với cái giá mười triệu một mét vuông. Những nơi như vậy thì chính quyền lộ rõ là những kẻ cường hào. Tất nhiên là không phải tất cả, nhưng cũng là một bộ phận rất lớn. Bởi vì thế này. Ở trong cái đám ấy thì những người nào mà có muốn trong sạch, gọi là có cái tâm lớn, cũng rất khó tồn tại. Anh thuộc về thiểu số, vì quyền lợi quá lớn. Quyền lợi nó che mắt tất cả. Người ta đều muốn giầu lên, đều muốn có tiền để vênh vang với thiên hạ, đều muốn tận dụng tất cả mọi cơ hội khi đang có quyền để vơ vét.
Cái thực trạng đó là một trong những lý do rất là cơ bản khiến cho người nông dân tiến hành rất nhiều vụ khiếu kiện đất đai. Và những vụ khiếu kiện đấy – tôi đã từng nói, và tôi nói rất rõ ràng, nó là điềm báo. Nó đang ngày một tích tụ lại, và là điềm báo cho những trận dông bão từ nông thôn.”
Trước đó, cũng trên đài RFI vào ngày 9-1-2012, bản tin nhan đề “Luật đất đai phải công nhận quyền sở hữu tư nhân” của tác giả Thanh Phương đã ghi lời Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang từ Hà Nội, đã chỉ ra rằng, cái gọi là sở hữu toàn dân là nguồn gốc gây ra nhiều tham nhũng, làm tăng khoảng cách giàu nghèo, làm giảm năng suất nông nghiệp và nói chung là cản trở sự phát triển của đất nước:
“Thực chất sở hữu toàn dân là gì ? Là sở hữu của Nhà nước. Mà sở hữu của Nhà nước là sở hữu của chính phủ. Mà sở hữu của chính phủ là của các quan chức. Cho nên có một thực tế là một giám đốc nhỏ như giám đốc một công ty chế biến cây trồng nông nghiệp đã biếu không 700 hectare đất công ở huyện Bến Cát, Bình Dương. Một ông giám đốc nhỏ như vậy mà có thể biếu 700 hectare đất, vậy thì những ông quan lớn hơn 5, 7 bậc có thể biếu không đến bao nhiêu hectare đất ?
Các địa chủ đỏ ngày nay không chỉ có hàng trăm, mà là hàng chục ngàn hectare đất. Chúng ta nhớ nhiều địa chủ ngày nào chưa có đến một hectare đất mà đã bị trói vào cột trường đấu, để tá điền đốt râu, rồi chết tức tưởi trong thời kỳ cải cách ruộng đất. Các địa chủ đỏ ngày nay không tốn một giọt mồ hôi mà ung dung, phè phỡn quá !
Trong luật Đất đai 2003 có một thuật ngữ rất mơ hồ là «giá quyền sử dụng đất». Điều phi lý, quái đản này cũng giống như thuật ngữ «tài sản XHCN», nhưng không hiểu vì sao vẫn tồn tại trong một văn bản Nhà nước. Đất và quyền sử dụng đất là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, cho nên không thể có khái niệm «giá quyền sử dụng đất» được.
Sở dĩ chúng ta không thừa nhận được quyền tư hữu đất đai là vì chúng ta đi theo chủ nghĩa Marx. Marx có một sai lầm cực kỳ cơ bản là chủ trương xóa bỏ tư hữu. Trong thực tế, công hữu làm nghèo đất đai đi, làm cho năng suất thấp.”
Đây không phải chuyện mới: thực tế, đã có nhiều dân oan bị cướp đất từ cả hai thập niên nay. Một bản tin trên trang web Dòng Cúa Cứu Thế ngày 23-2-2012 đã có bản tin nhan đề “Bà bảy Lương, dân oan Sài Gòn,” trong đó kể rằng: “Trên dưới 20 năm qua, bà bảy Lương là dân oan của tỉnh An Giang lên Sài Gòn khiếu kiện, vì nhà cầm quyền tỉnh An Giang đã lấy nhà của bà mà không đền bù thoả đáng.”
Hai thập niên bị lấy đất, trở thành dân oan lên Sài Gòn khiếu kiện, sống hè phố nhờ lòng dân thương xót hàng ngày.
Ai nói rằng tài nguyên đất nước hiện nay – dù là đất, là rừng, là biển, là sông… – là của toàn dân?
Chỉ duy có Đảng CSVN dám nói như thế, trong khi ban phát, chia chác quyền khai thác cho cán bộ đảng viên. Đó là một thực tế ai cũng đang nhìn thấy, đang chứng kiến, và đang nghe tiếng oan dậy khắp trời hàng ngày.
Trần Khải