Với thơ của Hồ Xuân Hương ngày càng được thế-giới quan-tâm và biết đến, một vấn-đề dai dẳng trở lại: Đâu là những bài thơ đích-thực của bà?
Có nhiều cơ-sở để cho chúng ta trở lại vấn-đề.
Một là trong tác-phẩm mà cho đến nay thu thập được nhiều thơ chữ Nôm nhất gán cho bà, cuốn Phát hiện mới về Hồ Xuân Hương[1] do Giáo-sư Nhan Bảo, một nhà giáo Trung-quốc dạy tiếng Việt ở khoa tiếng phương Đông thuộc Trường Đại-học Bắc-kinh (trước khi ông về hưu), nhiều bài trong số 203 bài thu thập trong đó rõ ràng là không phải của bà. Tỷ như có bài ghi rõ, “Chúa Trịnh đề chùa Tiên” (trang 52), thì khó lòng chúng ta lại có thể coi là của bà được. Hoặc có những bài bấy lâu nay được biết là của Lê Quý Đôn, như bài “Thơ rắn mày rắn mặt” (“Chẳng phải liu điu cũng gọi là…”, trang 49), hoặc của Bà huyện Thanh-quan (“Tạo hoá gây chi cuộc chiến-trường!…”, trang 48). Hoặc mấy bài thơ mà bấy lâu nay vẫn được coi là khẩu-khí của vua Lê Thánh-tông: “Thằng mõ” (“Mõ này cả tiếng lại dài hơi,” trang 77) hay “Vịnh bù nhìn” (“Quyền trọng ra uy dẹp cõi bờ,” trang 79). Còn bài “Thơ ghẹo cô hàng sách” (trang 45) lại có “Thơ hoạ lại” (trang 46) thì cùng lắm chỉ một trong hai bài là có thể của Hồ Xuân Hương mà thôi.
Hai là, trong các sách chữ Nôm nói là ghi lại thơ của bà thì có ít nhất hai loại khác nhau gần như một trời một vực. Một loại như “Xuân Hương di-cảo” thấy chép trong Quốc-âm thi-tuyển (VNb. 77) thì phần lớn là những bài như ta quen gọi là “được truyền tụng” trong khi những sách do Landes thuê người chép thơ Hồ Xuân Hương (gồm 3 nguồn, “Phụ-lục Tạp-ký quốc-âm thi-tập” với ở biên ghi “Xuân Hương thi,” Đại-Nam đối-liên thi-tập, và Hồ Xuân Hương thi-tập, được gọi chung là Di-cảo Landes, ký-hiệu B.16 ở thư-viện Viễn-đông Bác-cổ ở Pháp) thì phần lớn gồm những bài không quen thuộc với người đọc ngày hôm nay. Vậy thì làm sao nhận diện được đâu là thơ thực-sự còn lại của bà và đâu là thơ được gán cho bà?
Ba là từ năm 1963-64, khi Trần Thanh Mại tiết-lộ là có tập Lưu Hương Ký gồm cả thơ chữ Hán lẫn thơ chữ Nôm của bà thì những thơ chữ Nôm trong đó lại thuộc về một phong-cách khác, không giống phong-cách của các bài thơ mà bấy lâu nay người ta “truyền tụng” là của bà. Nếu những thơ đó mà giờ đây ta có thể khẳng-định là chắc chắn của bà thì làm sao giải-thích sự khác biệt giữa loại thơ Nôm thấy trong Lưu Hương Ký và những bài thơ “truyền tụng”?
Như vậy, ta ít nhất có ba mảng thơ khá khác nhau mà vẫn được xem là của Hồ Xuân Hương:
– Mảng thơ Nôm trong Lưu Hương Ký
– Mảng thơ trong Di-cảo Landes, và
– Mảng thơ Nôm truyền-tụng là của bà.
Đó là chưa kể đến mảng thơ chữ Hán của bà như ta thấy trong Lưu Hương Ký, Hương-đình Cổ-nguyệt Thi-tập, Đồ-sơn bát vịnh, Năm bài thơ đề Vịnh Hạ-long…
Liệu có cách nào ta giải-thích được sự liên-hệ giữa ba bốn mảng thơ này? Hay là cuối cùng ta sẽ phải chấp nhận là có hơn một bà Hồ Xuân Hương?
Vấn-đề liên-bản trong văn thơ Trung-đại
Suy nghĩ lung về vấn-đề này trong nhiều năm qua, gần đây tôi mới thấy có lẽ có một ngõ ra, đó là vấn-đề liên-bản trong văn thơ Trung-đại, như điển-hình ta thấy trong khá nhiều tác-phẩm nổi tiếng của Việt-nam. Tôi đang muốn nói đến những tác-phẩm như Lĩnh-nam chích quái và Đại-Việt sử-ký toàn-thư.
Như ta biết, khác với Việt-điện u-linh-tập[2] chủ-yếu là của một tác-giả (Lý Tế Xuyên, hoàn-tất năm 1329), Lĩnh-nam chích quái[3] là một tác-phẩm hỗn-hợp của nhiều người. Bản gốc do Trần Thế Pháp viết ra nhưng sau đó, sách đã được Vũ Quỳnh (đề tựa năm 1492) và Kiều Phú (tựa đề năm 1493) sắp xếp lại, sau lại còn có thêm 19 truyện (tương-đương với Quyển 3 như ta còn ngày hôm nay) của một nho-sĩ họ Đoàn đời nhà Mạc (theo Lê Hữu Mục, trang 12), chưa kể những bản “tục-biên” hay cả những sửa sang của Phạm Quỳnh khi ông cho thuê người chép lại vào thế-kỷ XX (xem “Lời nói đầu” của Lê Hữu Mục).
Cũng tương-tự, sách Đại-Việt sử-ký toàn-thư (1479) mà ngày nay ta cho là của Ngô Sỹ Liên (khoảng 1420-1518) chính thật là được xây dựng trên bộ Đại-Việt sử-ký (1272) của Lê Văn Hưu (1230-1322) và bộ Đại-Việt sử-ký tục-biên (1455) của Phan Phù Tiên.
Như vậy khi nghiên cứu những sách như Lĩnh-nam chích quái hay Đại-Việt sử-ký toàn-thư, ta cần phân-biệt được đâu là những phần đóng góp của tác-giả gốc (Trần Thế Pháp và Lê Văn Hưu) và đâu là những phần thêm thắt hay tu-soạn về sau, nhất là khi như trong Toàn-thư quan-điểm về lịch-sử của Ngô Sỹ Liên đôi khi khác hẳn quan-điểm của Lê Văn Hưu.
Áp-dụng vào trường-hợp thơ Hồ Xuân Hương: Bài “Đánh đu”
Hiểu như thế rồi về một tính-cách khá phổ-biến của văn-học trung-đại[4] ở nước ta, trong đó việc người sau đến sửa lại văn hay thơ của người trước là chuyện khá bình-thường, ta sẽ dễ chấp nhận là có thể có sự lẫn lộn giữa thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) với thơ của Nguyễn Trãi (1380-1442), một vị tiền-bối; giữa thơ của Hồ Xuân Hương (1770?-1840?) và Bà huyện Thanh Quan (Nguyễn Thị Hinh), người đến sau. Hoặc thậm chí cả thơ của Lê Thánh-tông, Hồng-đức quốc-âm thi-tập, Lê Quý Đôn và Đặng Thị Huệ… bị gán cho nữ-sĩ họ Hồ!
Vậy thì làm sao ta tách bạch được thơ của Hồ Xuân Hương với thơ của người khác? Làm sao ta dám khẳng-định được một bài như “Đánh đu” là đáng để dưới tên bà mà không trả lại cho Hồng-đức quốc-âm thi-tập vì trong đó cũng có một bài khá giống, chỉ có một số chữ là khác? Xin đơn-cử:
CÂY ĐÁNH ĐU (HĐQÂTT)[5]
Bốn cột lang, nha cắm để chồng,
Ả thì đánh cái, ả còn ngong.
Tế hậu-thổ – khom khom cật;
Vái hoàng-thiên – ngửa ngửa lòng.
Tám bức quần hồng bay phới phới,
Hai hàng chân ngọc đứng song song.
Chơi xuân hết tấc xuân dường ấy,
Nhổ cột đem về, để lỗ không.
ĐÁNH ĐU
Bốn cột khen ai khéo khéo trồng!
Người thì lên đánh, kẻ ngồi trông.
Trai du gối hạc, khom khom cật;
Gái uốn lưng ong, ngửa ngửa lòng.
Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới,
Hai hàng chân ngọc duỗi song song.
Chơi xuân có biết xuân chăng tá?
Cột nhổ đi rồi, lỗ bỏ không!
Vì có hiện-tượng này nên Dương Thượng Ngã, trong cuốn Hồ Xuân Hương (Toronto: Làng Văn, 1989)[6] của ông, đã không quyết-định được là bài sau có phải là dị-bản của bài trước (có trước đó 350 năm) hay không; hay đó là một bài “nhuận sắc” do Hồ Xuân Hương làm ra, rồi người đời cứ thế gán cho bà mà không nhắc gì đến bài trước nữa; hoặc bài trước là không thuộc trong Hồng-đức quốc-âm thi-tập, nó chỉ bị lẫn vào sau này do người chép lầm. Dù gì thì gì, ông vẫn lúng túng và không quyết-định được giả-thuyết nào là đúng.
Trong sách Hồ Xuân Hương: Tác-phẩm[7] của tôi ra năm 2000, tôi đã tìm cách giải-quyết vấn-đề này như sau: “Nhuận sắc hay phóng tác thơ của người đi trước là chuyện khá thông-thường trong truyền-thống làm văn-học [cổ] ở Á-đông. Ở trong thơ tình Ấn-độ, chuyện này xảy ra khá thường-xuyên nên một bài thơ có thể gán được cho hơn một người… Trong thơ Trung-hoa, ngày xưa Vương Bột cũng có hai câu thơ nổi tiếng:
Thu thuỷ cộng tràng thiên nhất sắc,
Lạc hà dữ cô lộ tề phi.
Đến khi có người đến sau chỉ bỏ đi hai chữ mà sửa thành hai câu lừng lẫy:
Thu thuỷ tràng thiên nhất sắc,
Lạc hà cô lộ tề phi.
Đã đành tới đây thì hai câu này đâu còn hoàn-toàn của Vương Bột nữa nên có bảo là của người sau một phần cũng đâu có sai.”
Cũng như thế, bài “Đánh đu” của Hồ Xuân Hương rõ ràng là một sự cải tiến lớn nâng hẳn bài thơ lên một tầm cao mà bài gốc không có:
Câu đầu: “Bốn cột lang, nha” của bài gốc đối với độc-giả ngày nay hơi khó hiểu, trong khi “khen ai khéo khéo” thì rõ ràng là phong-cách Hồ Xuân Hương, không lầm vào đâu được. Rồi chữ cuối, “chồng,” của bài gốc có nghĩa là “chồng chất” trong khi chữ “trồng” của HXH thì hiển-nhiên là phải đóng mạnh xuống, ăn khớp hoàn-toàn với câu cuối (câu8) của bài thơ.
Câu 2: “Ả thì… ả thì…” trong bản gốc là nói đến mấy người con gái muốn lên đánh đu, người ngoài, nhất là đàn ông, con nít, người già, không cảm thấy mình là một phần của bài thơ. Ngược lại, câu của HXH là rõ ràng nói đến hết mọi người: “Người thì… kẻ…” Có người tham-gia cuộc chơi (“lên đánh”), có người chỉ là kẻ ngắm xem thôi.
Hai câu thực (3 và 4) được mấy chữ rất đắt, “khom khom cật” và “ngửa ngửa lòng” nên đã được HXH giữ lại ngay. Nhưng “tế hậu-thổ” và “vái hoàng-thiên” trong bài gốc không ăn nhập vào đâu cả, ngược lại HXH đã sửa thành “trai” và “gái” thì lập-tức bài thơ bắt được sự chú ý của ta. Còn “du gối hạc” và “uốn lưng ong,” nhất là đi theo đó lại là “ngửa ngửa lòng” thì ôi thôi, tuyệt-diệu! Người phụ nữ ở đây rõ ràng là “enjoy” cái trò chơi này nên mới cong người lên!
Hai câu luận (5 và 6) chỉ khác nhau có một chữ trong mỗi câu mà ý nghĩa bài thơ chặt chẽ hẳn. “Tám bức quần hồng” trong HĐQÂTT là nói đến 4 người phụ nữ lên đánh đu, chắc chắn cũng là một cảnh rất đẹp với quần hồng bay “phới phới” trong ánh nắng dịu của một ngày xuân! Nhưng “bốn mảnh” trong bài của HXH thì chắc chắn là chỉ nói đến có hai người, một nam một nữ (vì ở trên đã nói đến một trai và một gái), mà hai hàng chân ngọc lại “duỗi” thay vì “đứng” song song. “Đứng” là một động-từ không uyển-chuyển, cứng ngắc trong khi “duỗi” là một động-từ cố ý, căng thẳng, dướn lên!
Câu 7 của bài gốc chỉ có 7 chữ mà nhắc lại, hơi vô nghĩa (“hết tấc xuân dường ấy”) trong khi câu của HXH sống động hơn nhiều: Trò chơi mê ly đến nỗi “Chơi xuân có biết xuân chăng tá?” Nghĩa là hai người trong cuộc quên hết chung quanh, say sưa trong đam mê mới, chỉ còn biết có nhau, quên luôn cả đó là ngày xuân, hoặc thế hoặc hiểu ra xuân tức là tình-ý.
Và câu kết, câu cuối (câu8) của HXH đã đưa ta, nhất là người đàn bà, đến chỗ tỉnh ngộ, giác-ngộ ra một sự thật. “Cột nhổ đi rồi, lỗ bỏ không!” Ái ya, xót xa thay! Người con gái cũng đã thành đàn bà!
Một bài như vậy mà không dành cho Hồ Xuân Hương là tác-giả thì thật cũng bất công quá đáng. Do vậy mà tôi dám khẳng-định: Nhất quyết phải coi bài “Đánh đu” là của Hồ Xuân Hương!
Bài “Quả mít”
Những đóng góp của Hồ Xuân Hương vào bài “Đánh đu” có thể nói được là những đóng góp thiên-tài. Nhưng sang một bài như “Quả mít” thì sao? Theo sách Tân-đính Nam Á đại-minh-đô đế-quốc quốc-sử vựng-toản Xuân thu đại-toàn (thường được gọi vắn tắt là Minh-đô sử)[8] thì: “Thế truyền Đặng Tuyên-phi nhân thực ba-la-mật, hữu quốc-ngữ thi vân” (“Người đời truyền rằng Tuyên-phi họ Đặng [tức Đặng Thị Huệ, ái-phi của Trịnh Sâm, ở ngôi chúa 1767-82] nhân ăn mít, có bài thơ Nôm như sau:
Thân em như quả mít trên cây,
Da nó xù xì, múi nó dầy.
Quân-tử có yêu thì đóng cọc!
Xin đừng mân mó, nhựa ra tay!”
Nếu nguồn tin này đúng–mà ta không có lý-do gì để đặt lại mức khả tín của nguồn tin này bởi đó là một cuốn sách có từ trước thời Hồ Xuân Hương–thì có lẽ ta nên rút bài này ra khỏi những tác-phẩm của nữ-sĩ.
Tuy-nhiên, ta thử xem xem có dị-bản nào mà khác bài trên đây mà ta có thể nghĩ là có bàn tay, có đóng góp của Hồ Xuân Hương chăng. Theo Kiều Thu Hoạch trong sách Thơ Nôm Hồ Xuân Hương[9] thì theo bản ghi trong Quế Sơn thi-tập có ba câu (trên 4) ghi khác với bản văn trên:
Dái này hẳn ở chạc ba cây,
Da nó xù xì múi nó dầy.
Quân-tử có say xin đóng cọc!
Chớ đừng mân mó nhựa ra tay.
Chữ “dái” ở đây không có nghĩa bậy mà chỉ có nghĩa là “quả mít lúc còn non.” Song thoại này, tôi nghĩ hơi vô lý–nhất là đến từ miệng của một phụ nữ như Hồ nữ-sĩ. Vậy ta phải gạt dị-bản này ra, không dùng được.
Vẫn theo Kiều Thu Hoạch, trong Xuân Hương thi-sao, với đầu-đề là “Vịnh quả mít” có một bản xem chừng hữu lý hơn vì câu đầu là: “Của tôi như quả mít trên cây.” Tuy-nhiên, nếu chỉ có khác hai chữ “Của tôi” thay vì “Thân em” thì sự cải biên hay nhuận-sắc đó cũng không có gì đáng kể.
Năm 2000, trong cuốn Hồ Xuân Hương: Tác-phẩm, tôi có cho in vào sách một bản hơi khác ở trên như sau[10]:
Thân em như quả mít trên cây,
Da nó sần sùi, múi nó dầy.
Quân-tử có yêu thì đút nõ,
Xin đừng mân mó, nhựa ra tay.
Như vậy, xem chừng trí nhớ của tôi cũng không đến nỗi tồi tệ, và tôi đã giải-thích như sau về hai câu này trong sách của tôi:
“‘Đóng cọc’ không bằng ‘đút nõ.’ Vì sao? Trước hết hãy nói đến chữ ‘nõ.’ Theo Từ điển tiếng Việt (Văn Tân chủ-biên, Nhà xb KHXH in ra ở Hà-nội năm 1991, trang 912) thì chữ ‘nõ’ có hai nghĩa: một là tiếng thông-tục để chỉ ‘bộ phận sinh dục ngoài của đàn ông’ (do đó ta mới có biểu-tượng Nõ – Nường, tức Linga – Yoni, trong nhiều lễ-hội dân-gian ở miền đồng-bằng sông Hồng trong đó người ta thờ và rước sinh-thực-khí của đàn ông đàn bà để biểu tỏ ước-vọng phồn-thực rất quan-trọng đối với người nhà nông, tức ước-vọng sinh sôi nẩy nở) và hai là ‘cọc đóng ở giữa một vật gì’ như trong ‘nõ cối xay’ hoặc ‘cuống ăn sâu vào trong quả’ như trong ‘quả mít chín tụt nõ, nõ na.’ Như vậy, chữ ‘nõ’ dùng vừa chính-xác đối với một quả mít, vừa thần-tình vì có cả hai nghĩa–đúng kiểu Xuân Hương.
“Thêm vào đó, ‘đút’ là một hành-động tự-nhiên, như ‘đưa vào, tra vào,’ còn ‘đóng’ thường có nghĩa là phải cố, phải dùng sức mới đẩy vào được. Vậy có nghĩa chăng là người đàn bà không đồng-ý và người đàn ông, dù ‘thương’ hay ‘yêu’ vẫn phải cưỡng mới vào được? Tôi ngờ lắm đó có thể là dụng-ý của Hồ Xuân Hương.
“Vả, dùng chữ ‘cọc’ là dùng một chữ đã được sử dụng ở chỗ khác–trong bài ‘Đánh đu’–trong khi chữ ‘đút nõ’ vừa chính-xác vừa chưa dùng ở đâu khác, đó là chưa kể nó lại còn có tác-dụng ‘hài âm’ (‘euphonic effect’) với chữ ‘mân mó’ (nõ/mó) ở câu 4.”
Vì tin như vậy nên tôi đã giữ lại bài “Quả mít” trong thơ Hồ Xuân Hương với những giải-thích như đã được trình bầy để cho thấy dù như bài gốc xem như khá chắc là của Đặng Thị Huệ song Hồ Xuân Hương cũng đã sửa sang đôi chút để cho thêm ý-nghĩa và làm thành một bài thơ hay hơn.
Đến bài thơ chữ Hán nửa của Hán Vũ-đế
Ngày nay, chúng ta biết chắc chắn Hồ Xuân Hương là một nhà thơ chữ Hán có hạng với ít nhất bốn tác-phẩm, trong đó đáng kể nhất là Lưu Hương Ký.[11] Trong tập thơ này của bà có 15 bài thơ chữ Hán và 29 bài thơ chữ Nôm. Trong số những bài thơ chữ Hán, có không ít tuyệt-tác-phẩm, nhất là những bài từ của bà. Song trong sách không khỏi có một hai hiện-tượng làm cho ta suy nghĩ. Đó, chẳng hạn, là bài “Thu-tứ ca” gồm 8 câu như sau:
THU TỨ CA[12]
Thu phong khởi hề bạch vân phi,
Thảo mộc hoàng lạc hề nhạn nam quy.
Lan hữu tú hề cúc hữu phương,
Hoài giai nhân hề bất năng vương.
Ngã hữu tửu hề vô đối ẩm,
Ngã hữu cầm hề vô tri âm.
Bất chước tửu hề bất minh cầm,
Sổ bôi thanh mính hề cố nhân tâm.
mà tôi đã dịch như sau, dựa theo bản dịch của Bùi Hạnh Cẩn:
Gió thu nổi chừ mây trắng bay,
Nhạn về Nam chừ vàng rơi cỏ cây.
Lan có đẹp chừ cúc có thơm,
Nhớ người đẹp chừ không sao “guơn.”
Ta có rượu chừ không bạn ẩm,
Ta có đàn chừ không tri âm.
Không chuốc rượu chừ không đàn cầm,
Mấy chén chè trong chừ ý cố nhân.
Trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học số ra tháng 11/2008, Thạc-sĩ Phạm Văn Ánh[13] thuộc Viện Văn-học ở Hà-nội đã cho in lại bài “Thu-tứ ca” của Hồ Xuân Hương đối-diện với bài “Thu-phong từ”[14] của Hán Vũ-đế Lưu Triệt (156-87 tr. CN) để cho ta thấy bốn câu đầu của cả hai bài là không khác nhau đến một chữ. Rồi ông viết: “Một bài8 câu thơ mà đến 4 câu đã là ‘đạo thơ’… [thì] dựa vào đâu để chắc chắn rằng 4 câu sau không phải là đạo thơ của tác giả khác?” Ông cũng còn nói: “Ngay nhan đề tác phẩm cũng chỉ thay đi đôi chút mà thôi.”
Cũng chính vì điểm chót này mà tôi cho rằng có lẽ Hồ Xuân Hương không tìm cách giấu giếm chuyện bà đã “mượn” bốn câu đầu của Hán Vũ-đế, nhất là khi bài từ này là một bài rất nổi tiếng mà rất nhiều người biết. Cũng tương-tự như hai bài “Đánh đu” và “Quả mít” nói trên, bà có thể muốn thử tài mình bằng cách đổi 5 câu cuối bài từ của Hán Vũ-đế bằng 4 câu của mình xem có hợp tình hợp cảnh hơn không. Đây đã hẳn chỉ là một giả-thuyết nhưng ta hãy thử đem giả-thuyết này ra so sánh hai bài thơ xem sao:
THU-PHONG TỪ Hán Vũ-đế Lưu TriệtGió thu nổi hề mây trắng bay,
Cỏ cây vàng rụng hề nhạn về nam. Lan vẻ đẹp hề cúc thơm hương, Nhớ người đẹp hề không sao quên. Bơi thuyền lầu hề qua sông Phần, Ngang giữa dòng hề tung sóng trắng. Sáo trống vang lừng hề hát bài chèo thuyền. Vui vẻ hết mức hề nhiều tình thương đau. Trẻ mạnh được bao lâu hề già biết sao? Bản dịch Trần Trọng San |
THU-TỨ CA Hồ Xuân HươngGió thu nổi chừ mây trắng bay,
Nhạn về Nam chừ vàng rơi cỏ cây. Lan có đẹp chừ cúc có thơm, Nhớ người đẹp chừ không sao “guơn.” Ta có rượu chừ không bạn ẩm, Ta có đàn chừ không tri âm. Không chuốc rượu chừ không đàn cầm, Mấy chén chè trong chừ ý cố nhân. Bản dịch Bùi Hạnh Cẩn (với chút sửa sang của NNB) |
Không hiểu tôi có chủ-quan không nhưng tôi có cảm-tưởng là bài của Hồ Xuân Hương có vẻ thống nhất về mặt tư-tưởng hơn. Ít ai nghĩ, theo ý tôi và cũng dựa trên kinh-nghiệm của nhân-loại, là mùa thu lại đi với “vui vẻ hết mức” và “sáo trống vang lừng.” Rồi câu áp chót lại hơi mâu thuẫn quá chứ: “Vui vẻ hết mức hề nhiều tình thương đau” (sic) thật là hơi phi lý! Ngược lại, những ý-tưởng của Hồ Xuân Hương xem chừng hạp với mùa thu hơn–khi bà nghĩ đến rượu mà không có bạn uống cùng, đàn mà không có tri âm để hiểu mình!
Trường-hợp mấy bài khác
Trong cùng bài của ông trên Tạp chí Nghiên cứu Văn-học, Thạc-sĩ Phạm Văn Ánh còn chứng minh được một cách khá hùng-hồn rằng trong mấy bài của Hồ Xuân Hương mà được ghi là theo điệu từ này hay điệu từ khác, nếu đem so với những mẫu “từ” còn lại từ đời nhà Tống thì những bài của nữ-sĩ cũng không giống hẳn và, trong một nghĩa nào đó, có thể xem được như là những bài học chưa thuộc của các bài “từ” xưa. Như bài đầu[15] trong tập Lưu Hương Ký, dài 259 chữ, được nói là theo “Giang Nam điệu,” nhưng khi đem so sánh với các bài từ theo điệu “Giang Nam hảo” của Trung-quốc thì bài của Hồ nữ-sĩ chỉ giống một phần còn khác khá nhiều. Trường-hợp bài thứ 2 trong Lưu Hương Ký, bài bắt đầu bằng câu “Quỳnh diên toạ hoa,”[16] cũng thế: Tuy được ghi là theo điệu “Thiếu-niên du” song, theo ông Phạm Văn Ánh, “so với cách luật của từ điệu Thiếu niên du, rõ ràng không có sự tương thích. Từ-phổ liệt kê thêm một số biến thể của điệu từ này song cũng hoàn toàn không có bài nào có cách luật giống bài từ Thiếu niên du trong Lưu Hương kí.”
Cũng tương-tự, bài thứ 3 trong Lưu Hương Ký (với câu đầu “Nguyệt tà nhân tĩnh thú lâu trung”[17]) được ghi là theo “điệu Xuân-đình lan.” Thạc-sĩ Phạm Văn Ánh cho biết: “Các bộ từ-phổ đều không ghi nhận bất cứ điệu từ nào có tên gọi tương tự. Phải chăng đã có sự nhầm lẫn về từ điệu: từ ‘Mãn đình phương’ thành ‘Xuân đình lan’ như Trần Thanh Mại đã nghi ngờ?” Rồi ông nghiên cứu thêm để thấy là bài này trong Lưu Hương Ký “phần đầu khá giống điệu từ Nhất tiễn mai.” Tuy-nhiên, ông lại phải nhận xét: “So sánh hai bài từ [của Hồ Xuân Hương và Nhất tiễn mai], phần thượng phiến hoàn toàn giống nhau, nhưng phần hạ phiến chỉ có ba câu giống nhau mà thôi.” Đến đây, chúng tôi nghĩ là ông Phạm Văn Ánh có lẽ đã đến gần một sự thật khi ông viết: “Có thể tác giả Lưu Hương kí đã vay mượn đôi chút dạng thức cách luật của điệu từ Nhất tiễn mai để ‘chế hoá’ thành bài từ Xuân đình lan.” “Chúng tôi đã tiến hành tra cứu nhiều tài liệu song rốt cục vẫn không nhận ra bài Xuân đình lan này thuộc điệu gì, chỉ biết rằng tên từ điệu là Xuân đình lan, như đã nói, vốn chưa từng xuất hiện trong từ sử [của Trung-hoa].”
Đến bài thứ 4 mang tên “Thu dạ hữu hoài,”[18] ông Ánh cho rằng nó gồm 54 chữ, “thuộc phạm vi tiểu lệnh (là những điệu từ dung lượng nhỏ, số lượng từ 16 đến 58 chữ)… Xét kiểu câu và cách gieo vần 4 câu đầu trong bài Thu dạ hữu hoài, có thể nhận thấy nét tương đồng của chúng với phần thượng phiến điệu Giá cô thiên, song nếu xét toàn bài thì không một điệu từ dạng tiểu lệnh nào gieo thuần vần bằng, gồm 54 chữ có cách luật giống như bài này.”
Dựa trên những kết-quả nghiên cứu không khả quan như trên, ông Phạm Văn Ánh đặt ra câu hỏi: “Một vị nữ sĩ được ông Tốn Phong khen ngợi là ‘học rộng mà tinh thuần’ sáng tác một bài từ ngắn như trên chẳng lẽ lại nhầm lẫn đến thế sao?”
Tôi không nghĩ là Hồ Xuân Hương nhầm lẫn mà tôi cho đây là một cách làm thơ của bà. Bà chỉ lấy hứng từ một bài thơ cổ, một điệu từ ít nhiều quen thuộc rồi làm thành một bài thơ với dấu ấn riêng của bà–không nhầm lẫn vào đâu được. Đó mới chính là cái độc-đáo của ngòi bút Hồ Xuân Hương!
Một thử nghiệm cuối cùng
Ngoài từ ra, Hồ Xuân Hương còn có một bài hành là một thể-loại mà các cụ xưa cũng ít đụng vào. Đó là bài “Ngư-ông khúc hành” (“Bài hành về một ông chài”). Bài này đặc-sắc ở chỗ nó bắt đầu ra bằng 4 câu 7 chữ xong chuyển ngay sang8 câu lục bát để thành một bài hành khá hay và độc-đáo vì có lẽ chưa đâu có một bài hành bằng chữ Hán mà lại theo thể lục bát của Việt-nam. Toàn bài đó như sau:
NGƯ ÔNG KHÚC HÀNH[19]
Dã ông đạm bạc diệc phồn hoa,
Thác nhận đào yêu thị tệ la.
Ký ngữ khinh chu tòng điếu tử:
Quá giang ưng bất thính tỳ bà!
Quá giang mạc thính tỳ bà,
Cao thanh bất tự Hồ già thê lương!
Đào-nguyên thuỷ khoát, thiên trường,
Ngư ông nhất trạo tiên đường bán khai.
Vạn trùng xuân toả Thiên-thai,
Cầm thanh lạc, giốc thanh ai bất đồng.
Hàn sơn thảo sắc thông thông,
Tô-giang kỷ đáo thanh phong tự nhàn.
Dịch thơ:
Ông dù đạm bạc vẫn phồn hoa,
Lầm tưởng đào non lưới giăng ra.
Nhắn nhủ người câu đò nhẹ lướt,
Qua sông chớ mảng tiếng tỳ-bà!
Qua sông đừng mảng tỳ-bà,
Tiếng cao chẳng giống tù và thê lương!
Nguồn Đào trời nước mênh mông,
Nhà tiên hé mở, chèo buông mái chài.
Muôn trùng xuân khoá Thiên-thai,
Tiếng đàn vui, tiếng ốc ai chẳng đành.
Cỏ bời núi lạnh xanh xanh,
Sông Tô hằng đến hưởng thanh phong nhàn.
(Bản dịch NNB)
Để kết
Nếu những nhận xét trên đây của tôi được xem là đúng thì ta có thể nói được rằng:
Hồ Xuân Hương là một người rất ý-thức về truyền-thống văn-học của nước nhà. Bà không những làm nhiều bài thơ theo cách của một số bài thơ trong Hồng-đức quốc-âm thi-tập, loại “Phẩm-vật-môn” hay “Vịnh sử” v.v., bà còn lấy hứng từ một số bài trong đó, điển-hình là bài “Đánh đu” lấy hứng từ bài “Cây đánh đu” nhưng rồi bà cải-biên thành những bài hay hơn, đôi khi bội phần.
Bà cũng thuộc thơ của các tác-giả thời trước bà, không trừ một tác-giả nữ như Đặng Thị Huệ (“Bà Chúa Chè”).
Qua những trao đổi như với Chiêu Hổ hay các bài thơ xướng hoạ với các danh-sĩ đương-thời, bà buộc lòng phải biết thơ của người khác, nghĩa là đan được thơ của bà vào với thơ của các bạn thơ, không trừ Nguyễn Du (1765-1820).
Là một nhà thơ chữ Hán, bà thuộc khá nhiều thơ Trung-hoa, thậm chí đi cả vào những lãnh-vực ít người dám bước vào như từ, hành. Nhưng bà chỉ lấy đó làm gợi ý để rồi đi theo một con đường của riêng bà chứ không phụ-thuộc một cách mù quáng vào những mẫu có sẵn. Đây chính là nét độc-đáo của thơ bà, cả trong thơ chữ Hán lẫn thơ Nôm.
Viết xong đêm mồng 6 tháng 1, 2012
Khu Đồng-xuân
Bang Trinh-nữ, Hoa-kỳ-quốc
Nguyễn Ngọc Bích
Chú thích
[1] Giáo sư Nhan Bảo, Phát hiện mới về Hồ Xuân Hương (Một số dị bản thơ Nôm Hồ Xuân Hương mới tìm thấy), Hà-nội: Nhà xb Khoa học xã hội, 2000.
[2] Lý Tế Xuyên [Lê Hữu Mục dịch và giới-thiệu], Việt-điện u-linh tập, Sài-gòn: Nhà sách Khai Trí, 1960.
[3] Trần Thế Pháp và ngkh [Lê Hữu Mục dịch và giới-thiệu], Lĩnh-nam chích quái, Sài-gòn: Nhà sách Khai Trí, 1961.
[4] Đây là một đặc-điểm của thơ Trung-đại trong nhiều nước, không trừ Âu-châu hay Nga, Trung-hoa. N. I. Niculin cũng nhắc đến đặc-điểm này trong bài “Về thơ Hồ Xuân Hương” trong sách Những vấn-đề lý-luận văn-học phương Đông [tiếng Nga]. Mát-xcơ-va: Nhà xb Nauka, 1969.
[5] Phạm Trọng Điềm và Bùi Văn Nguyên phiên âm, chú giải, giới-thiệu, Hồng-đức quốc âm thi tập, Hà-nội: Nhà xb Văn Học, 1962, trang 209-210.
[6] Dương Thượng Ngã, Hồ Xuân Hương, Toronto: Làng Văn, 1989, trang 101.
[7] Nguyễn Ngọc Bích hiệu-đính, Hồ Xuân Hương: Tác-phẩm, Arlington, VA: Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ, 2000, trang 202.
[8] Theo Đào Thái Tôn, Thơ Hồ Xuân Hương từ cội nguồn vào thế tục, Hà-nội: Nhà xb Giáo Dục, 1996, trang 215.
[9] Kiều Thu Hoạch, Thơ nôm Hồ Xuân Hương, Hà-nội: Nhà xb Văn Học, trang 266.
[10] Nguyễn Ngọc Bích, sđd, trang 165-166.
[11] Hoan-trung Cổ-nguyệt-đường Xuân Hương nữ-sử tập [Nguyễn Ngọc Bích phiên âm và phiên dịch], Lưu Hương Ký [1814], Arlington, VA: Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ, 2012.
[12] Nguyễn Ngọc Bích 2012:44.
[13] Phạm Văn Ánh, “Một số hiện tượng bất ổn của văn bản Lưu Hương kí,” Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số ra tháng 11/2008.
[14] Xem Trần Trọng San, Thi-pháp Thơ chữ Hán, Toronto: Bắc Đẩu, trang 21.
[15] “Thuật ý kiêm giản hữu-nhân Mai Sơn Phủ,” Nguyễn Ngọc Bích 2012:29.
[16] Nguyễn Ngọc Bích 2012:37.
[17] Nguyễn Ngọc Bích 2012:39.
[18] Nguyễn Ngọc Bích 2012:43.
[19] Nguyễn Ngọc Bích 2012:51.