Nhận định “khả năng” về một cuộc xung đột xảy ra trên Biển Đông khó có thể xảy ra, Đại sứ EU tại Việt Nam nhấn mạnh sự ổn định của môi trường chính trị là cần thiết, đảm bảo cho hoạt động kinh doanh của các nhà đầu tư.
Trao đổi với VietNamNet, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Franz Jessen cho biết EU và Việt Nam sẽ chính thức khởi động vòng đàm phán đầu tiên về Hiệp định Thương mại tự do (FTA) ngày 8/10 tới tại Hà Nội. Đầu tháng 11, lần đầu tiên Chủ tịch Hội đồng châu Âu Van Rompuy sẽ thăm chính thức Việt Nam.
Chuyến thăm của quan chức cấp cao châu Âu được Đại sứ nhấn mạnh nhằm ” tăng cường, củng cố quan hệ chính trị của EU với Việt Nam” – một trong những mục tiêu song hành thúc đẩy quan hệ kinh tế của EU với Việt Nam.
Sau chuyến thăm của ông Van Rompuy, EU cũng thu xếp chuyến thăm chính thức Việt Nam của bà Catherine Margaret Ashton – Đại diện cao cấp EU về đối ngoại và chính sách an ninh.
Hiệp định thương mại tham vọng
Đề cập tới những lợi ích cụ thể, như mục tiêu lớn nhất hiện nay là đàm phán FTA – theo ông, cần có những nỗ lực cần thiết nào từ hai phía để đạt được hiệp định lịch sử về kinh tế, thương mại đầy tham vọng này? Bởi, như dư luận quan sát, kể từ khi EU mở rộng, việc tìm kiếm sự đồng thuận của 27 quốc gia để đạt được sự nhất trí trước mỗi quyết định chung dường như trở nên phức tạp hơn?
Quá trình chuẩn bị cho đàm phán FTA giữa EU và Việt Nam diễn ra trong bối cảnh hai bên phải đối mặt với những khó khăn, khủng hoảng kinh tế. Nhưng EU không gặp bất đồng quan điểm lớn nào trong việc tìm kiếm đồng thuận cho việc đàm phán hiệp định thương mại tham vọng này với Việt nam.
Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Franz Jessen. Ảnh: Lê Anh Dũng |
6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 22,6%. Trong khi EU xuất khẩu sang Việt Nam tăng 6% so với cùng kỳ, cho thấy những kết quả ấn tượng trong bối cảnh suy giảm kinh tế. Song có sự băn khoăn từ không ít doanh nghiệp châu Âu, cho rằng, dường như họ đang “thua” trên thị trường Việt Nam do không cạnh tranh nổi với hàng hóa Trung Quốc. Ngài Đại sứ có cho đây là vấn đề cần giải quyết?
Nhìn vào con số đầu tư của châu Âu tại Việt Nam, chúng tôi thấy còn phải làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy đầu tư tại thị trường này, mà một trong những mục tiêu đó là có FTA càng sớm càng tốt.
Khi đầu tư vào Việt Nam, các nhà đầu tư phải nhìn vào cạnh tranh trên cùng một lĩnh vực. Qua các cuộc nói chuyện của tôi với các nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam, chúng tôi nhận diện được một phần khác biệt lớn đó là lĩnh vực đầu tư của châu Âu khác với các lĩnh vực mà các công ty nước ngoài khác đang đầu tư ở Việt Nam.
Chúng tôi không cho rằng việc sử dụng nhân công lao động giá rẻ là một yếu tố để nhắm tới. Doanh nghiệp châu Âu mong muốn đào tạo những nhân công lao động năng động tại thị trường Việt Nam.
Chúng tôi mong muốn các gói thầu, mua sắm chính phủ phải công bằng, minh bạch để các công ty của châu Âu có khả năng tiếp cận.
Khó có xung đột
Các vấn đề an ninh nổi lên ở Biển Đông là diễn biến mới nhất mà tầm quan trọng khiến cho sự quan tâm vượt khỏi phạm vi khu vực. Nhưng dường như EU đang đi sau Mỹ rất nhiều trong vấn đề này? Sự có mặt trở lại của một số quan chức cấp cao châu Âu tại các hội nghị an ninh châu Á gần đây có phải là tín hiệu thay đổi?
Tôi cho rằng, quan hệ giữa EU và ASEAN có tiến triển, sự tham gia của Đại diện cao cấp của EU về đối ngoại và chính sách an ninh, bà Catherine Ashton tại một số hội nghị vừa qua cho thấy điều đó. Chúng tôi có các phái đoàn lớn ở Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, cho thấy sự gắn kết với khu vực này lớn hơn nữa.
“EU chuẩn bị chào đón chuyến thăm tới Brussels của ngài Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh” |
Thương mại giữa EU và ASEAN chiếm 28% tổng kim ngạch thương mại ASEAN, trong khi đó, thương mại giữa ASEAN – Mỹ là 22%. Về mặt nào đó, chúng tôi có quan hệ thương mại mạnh mẽ hơn với ASEAN so với Mỹ.
Cơ quan Hoạt động Đối ngoại (EEAS), cơ quan ngoại giao mới của EU trong chương trình nghị sự đã xác định châu Á là trọng tâm chính sách đối ngoại của EU.
Thực ra cũng có những thay đổi về kinh tế, chính trị với những diễn biến gần đây tại khu vực, trong đó Việt Nam là trọng tâm. EU chuẩn bị chào đón chuyến thăm tới Brussels của ngài Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh. Điều đó cho thấy hai bên ngày càng củng cố mạnh mẽ hơn nữa quan hệ chính trị.
EU quan tâm lớn hơn lợi ích kinh tế cốt lõi ở Đông Á, Đông Nam Á, trong khi đó an ninh hàng hải là quan trọng. Trong các tình huống xấu ở Biển Đông, khả năng can thiệp an ninh của EU đối với những vấn đề ở khu vực này có hạn chế?
Hàm ý của tôi đó là hai vấn đề chính trị, kinh tế song hành. Nhưng trên thực tế, tôi tin vào cách giải quyết vấn đề của các nước liên quan. Khả năng về một cuộc xung đột ở Biển Đông, tôi cho rằng khó có thể xảy ra. Chúng tôi có làm việc với cả Việt Nam và Trung Quốc để bàn về vấn đề này.
Nếu xung đột xảy ra sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính ổn định. Sự ổn định của môi trường chính trị, kinh tế là yếu tố quan trọng cho các nhà đầu tư không chỉ của châu Âu, mà cả các quốc gia khác khi đi tìm thị trường kinh doanh.
Xuân Linh