KINH THI TRUNG HOA
Thời xưa, trong nền giáo dục Nho Giáo, người học trò từ lúc vỡ lòng đến khi vác lều chõng đi thi phải học và hiểu thấu đáo Tứ Thư và Ngũ Kinh, thường được gọi là Kinh và Truyện, là những bộ sách nòng cốt của đạo Nho. Tứ Thư gồm Luận Ngữ (1), Đại Học (2) Trung Dung (3), Mạnh Tử (4). Ngũ Kinh có Kinh Thi (5), Kinh Thư (6), Kinh Lễ (7), Kinh Dịch (8), Kinh Xuân Thu (9).
Tuy rằng đạo Nho đã có từ trước nhưng Khổng Tử (10) được coi như thánh sư của Nho Giáo vì ngài có công san định. Kinh Thi gồm hơn 300 bài thơ chia làm ba loại chính là Phong, Nhã và Tụng. Khổng Tử thu thập những bài thơ vô danh hoặc những lời tình tự trong dân gian (phong), những lời ca chốn triều đình (nhã), nơi giáo miếu (tụng) từ thời cổ cho đến đời vua Bình Vương nhà Chu, rồi ngài lựa chọn, san định thành bộ Kinh Thi. Bộ kinh này được dùng như sách vỡ lòng cho học trò, là kinh nhật tụng của nhà Nho muốn sửa đức, thực chất chỉ là tập hợp những câu ca dao thời cổ của Trung Hoa.
KINH THI VIỆT NAM
Năm 1940, TrươngTửu (11), tức nhà lý luận văn học Nguyễn Bách Khoa gọi ca dao của ta là Kinh Thi Việt Nam. Khoảng 12, 13 năm trước đó, một buổi chiều đi hóng gió quanh hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội ông đã gặp một cụ già. Trong khi tình cờ ngồi cạnh trên băng ghế dưới chân tượng Paul Bert, Trương Tửu được cụ già giải thích cho nghe về mấy câu đồng dao mà trẻ con thường dùng trong trò chơi bịt mắt bắt dê:
Chi chi chành chành
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa chết trương
Ba vương ngũ đế
Ú tế đi tìm
Hú tim bắt ập
Theo cụ, dân gian dùng ca dao để viết sử, nhưng bài Mô Tê của trò chơi đi trốn đi tìm đã sai lạc và trở thành vô nghĩa. Đúng ra bài hát đó như sau:
Chu tri rành rành
Cái đanh nổ lửa
Con ngựa đứt cương
Ba vương tập đế
Cấp kế đi tìm
Hú tim bắt ập
Ông cụ giải thích như sau:
- Câu đầu: Chu tri rành rành có nghĩa là bố cáo cho thiên hạ được biết
- Câu thứ 2: Cái đanh nổ lửa nói về tiếng súng đại bác đầu tiên của chiến hạm Catinat bắn vào Đà Nẵng năm Bính Thìn 1856 trong chủ trương gây hấn của người Pháp.
- Câu thứ 3: Con ngựa đứt cương diễn tả sự rối loạn của triều đình Huế sau khi vua Tự Đức băng hà vào năm Quí Mùi 1883. Lúc đó, ngoài Bắc đang đánh nhau với quân Pháp, trong triều thì quyền thần chuyên chế không còn trật tự, kỷ cương gì nữa.
- Câu thứ 4: Ba vương tập đế chỉ vào việc Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường chuyên quyền làm bậy, giết hại công thần. Tháng 9 năm 1884 Tường và Thuyết đổi di chiếu của vua Tự Đức, đem Dục Đức giam vào nhà tối, không cho ăn uống để chết đói, đổ cho tội thông mưu với Pháp, lập Hiệp Hòa lên làm vua. Hơn 4 tháng sau, Tường và Thuyết đầu độc vua Hiệp Hòa, đưa Kiến Phúc, lúc đó mới 15 tuổi lên ngôi. Được hơn 6 tháng, Kiến Phúc ngộ độc chết, Tường và Thuyết lập Hàm Nghi mới 12 tuổi lên ngôi báu. Chỉ trong vòng chưa đầy một năm mà có tới 3 ông vua thay nhau lên ngôi, câu “ba vương tập đế” chỉ vào những biến cố này.
- Câu thứ 5: Cấp kế đi tìm nói về việc Tôn Thất Thuyết vì bị Thống Chế De Coursy xử ép nên đêm 22 tháng 5, 1885 liều đánh úp dinh Khâm Sứ và đồn Mang Cá ở Huế. Việc thất bại, Thuyết đem vua đi trốn rồi truyền hịch Cần Vương đi khắp nơi. Quân Pháp một mặt lo dẹp loạn, một mặt cấp tốc cho người đi tìm vua Hàm Nghi về để yên lòng dân.
- Câu cuối: Hú tim bắt ập chỉ vào việc tên Trương Quang Ngọc làm phản, cùng với suất đội hầu cận vua Hàm Nghi là Nguyễn Đình Tình, nửa đêm 26 tháng 9, 1888 cùng 20 thủ hạ xông vào chỗ vua tạm trú ở làng Tả Bảo, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, bắt sống và đem nộp nhà vua cho Pháp lãnh thưởng (sau đó vua Hàm Nghi bị đày đi Algérie, Pháp thưởng cho Ngọc hàm lãnh binh, Tình được thưởng hàm quan võ, còn tất cả thủ hạ kẻ được thưởng hàm suất đội, người được thưởng tiền).
Đưa câu chuyện trên vào phần mở đầu của quyển Kinh Thi Việt Nam (12), Trương Tửu không hẳn tin vào việc dân gian dùng ca dao để viết sử như ý cụ già, nhưng ông chủ ý nhấn mạnh khi nghiên cứu văn chương bình dân, việc phân tích tâm lý dân gian rất quan trọng. Đi tìm trong kho tàng ca dao chúng ta quả có thấy một số câu liên quan đến lịch sử, nhưng đồng thời những câu này cũng phản ảnh tâm lý người dân, phản ứng của dân gian đối với những sự kiện lịch sử đó, chẳng hạn thái độ phản đối mang tính hài hước, châm biếm khi vua Gia Long (1802-1819) băng hà, Minh Mạng (1820-1840) lên ngôi muốn chấn chỉnh phong tục nên ban chiếu cấm đàn bà mặc váy:
Tháng Sáu có chiếu vua ra
Cấm quần không đáy đôi ta ngặt ngùng
Không đi thì chợ không đông
Đi ra phải lột quần chồng mà mang
Có quần ra quán bán hàng
Không quần đứng nấp đầu làng trông quan
Hai câu chỉ vào việc quân chúa Nguyễn theo mùa gió nồm ra đánh nhà Tây Sơn ở Qui Nhơn mang tâm trạng người dân mong mỏi sự trở về của chúa Nguyễn:
Lạy giời cho cả gió nồm
Cho thuyền Chúa Nguyễn thẳng buồm chạy ra
Khi Hậu Quân Võ Tánh đem quân ra đánh Qui Nhơn, tuy chiếm được thành nhưng lại bị quân Tây Sơn vây khốn:
Ngó lên trên tháp Cánh Tiên
Cảm thương quan Hậu thủ thiềng ba năm
(tháp Cánh Tiên là tháp của người Chàm ở Qui Nhơn)
Năm 1306 vua Trần Anh Tông (1293-1314) gả Huyền Trân Công Chúa cho Chế Mân sau khi vua Chiêm Thành dâng châu Ô và châu Rí để làm lễ cưới (được đổi là Thuận Châu và Hóa Châu, Đoàn Nhữ Hải vào kinh lý và đặt quan cai trị). Ca dao có câu:
Tiếc thay cây quế giữa rừng
Để cho thằng Mán, thằng mường nó leo
Trong thế chiến lần thứ nhất (1914 -1918) chính phủ Pháp mộ lính Việt qua Âu Châu tham chiến. Tàu thủy là phương tiện chuyên chở những người lính sang Pháp từ bến tàu Sài Gòn. Trước khi nhổ neo, tàu có lệ rúc lên 3 hồi còi “xúp lê” thật dài nghe thật ai oán cho kẻ ở, người đi:
Tàu xúp lê một: còn thương còn nhớ
Tàu xúp lê hai: còn đợi còn chờ
Tàu xúp lê ba: tàu ra biển Bắc
Tay vịn song sắt nước mắt chảy ròng ròng
Đôi ta mới gặp mà trời không thương
Thực ra, những câu liên quan đến lịch sử không có nhiều. Thường thì ca dao phản ảnh tình trạng xã hội, kinh tế, tình yêu, phong tục, tập quán, sinh hoạt nông nghiệp, con người và thiên nhiên, phản đối bất công, chống đối cường quyền…
Từ đầu thế kỷ thứ 20 trở về trước đã có một số tác gia viết và sưu tập ca dao tục ngữ. Sách và các bài viết trên báo có thể kể:
- Chữ Nôm: An Nam Phong Thổ Hoại của Trần Tất Văn, Đại Nam Quốc Túy của Ngô Giáp Đậu, Việt Nam Phong Sử của Nguyễn Văn Mại, Thanh Hóa Quan Phong Sử của Vương Duy Trinh.
- Chữ Nôm dịch ra chữ Hán: Nam Phong Giải Trào của Ngô Hạo Phu.
- Chữ Nôm phụ chữ Quốc Ngữ: Quốc Phong Thi Tập Hợp Thái của Hi Lượng Phủ, Nam Quốc Phương Ngôn Tục Ngữ Bị Lục (không rõ tác giả).
- Chữ Quốc Ngữ: Tục Ngữ Cổ Ngữ Gia Ngôn của Paulus Của (Sàigon, 1896), Tục Ngữ An Nam gồm 3 quyển của Triệu Hoàng Hòa, Nam Ngạn Trích Cầm của Phạm Quang Sán (nxb Mạc Đình Tư, Hà Nội), Gương Phong Tục của Đoàn Duy Bình (Đông Dương Tạp Chí tập mới số 161- 164), Việt Nam Tổ Quốc Túy Ngôn của Đông Châu và Đồ Nam (Nam Phong Tạp Chí từ số 169 đến 210), Trẻ Con Hát, Trẻ Con Chơi của Nguyễn Văn Vĩnh (Tứ Dân Văn Uyển số 1), Ngạn Ngữ Phong Dao của Nguyễn Can Mộng (Tứ Dân Văn Uyển số 16 đến 22).
Phải đợi đến năm 1928, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc (13) cho ra đời bộ Tục Ngữ Phong Dao lúc đó thi ca dân gian Việt Nam mới đươc hệ thống hóa, xếp đặt theo thứ tự A, B, C và từ ít tới nhiều chữ (quyển 1 thuộc về phương ngôn, tục ngữ, có hơn 6,500 câu từ 3 đến 23 chữ, quyển 2 thuộc về thể ca dao có hơn 8,500 câu gồm các bài từ 4 câu trở lên). Đây là một tài liệu công phu và giá trị, thu thập các câu tục ngữ, phong dao của ta từ thời thượng cổ đến đầu thế kỷ thứ 20.
CA DAO VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
Tiếp nối sau bộ Tục Ngữ Phong Dao của Nguyễn Văn Ngọc có một số tác phẩm viết về văn chương truyền khẩu như bộ Thi Ca Bình Dân Việt Nam của Nguyễn Tấn Long và Phan Canh, quyển Văn Học Bình Dân của Nguyễn Trúc Phượng, v.v. nhưng từ khi Bắc Cộng cưỡng chiếm Miền Nam, nhân dân cả nước bị đọa đày dưới ách Cộng Sản thì chỉ mới trong vòng hơn 3 thập niên số lượng thi ca dân gian xuất hiện còn nhiều hơn mấy trăm năm gộp lại. Việc thu thập, cập nhật và ghi lại các câu ca dao phản ảnh thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử dân tộc rất cần thiết cho nền văn học truyền khẩu, giúp phần soi sáng những tội ác của bạo quyền cho thế hệ mai sau.
1. Sau Tháng Tư Đen
Chiếm được Miền Nam ngày 30/04/1975, Cộng Sản không làm cho nước giàu dân mạnh mà càng ngày người dân càng nghèo khổ, bị đè nén bóc lột còn hơn cả dưới thời kỳ phong kiến và bị ngoại bang đô hộ, mất hết tất cả mọi quyền tự do nên không còn tin vào thiên đường do đảng và nhà nước hứa hẹn:
Việt Nam có một ông già
Râu dài, tóc bạc tên là Chí Minh
Ông hay uống rượu một mình
Khi buồn lại rủ Trường Chinh uống cùng
Say sưa ông nói lung tung:
Việt Nam mình sẽ sánh cùng năm châu
– Này ông, chuyện ấy còn lâu!
Việc Cộng Sản thay đổi tên đường phố Sài Gòn đã gợi hứng cho các nhà thơ dân gian diễn tả kết qủa chua cay của cái gọi là cuộc “cách mạng giải phóng Miền Nam”. Tự do đội nón ra đi, công lý chết tức tưởi, những kẻ trước đây ngây thơ tin theo Cộng Sản bị bạc đãi, vắt chanh bỏ vỏ. Những đợt đánh “tư sản mại bản” chỉ là trò ăn cướp tiền của, gia sản của người dân giữa ban ngày:
Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý
Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do
*
Dép râu dẫm nát đời son trẻ
Nón tai bèo che khuất nẻo trương lai
*
Chim xa rừng còn thương cây, nhớ cội
Việt Cộng về thành làm tội dân ta
*
Đầu đường Đại Tá vá xe
Cuối đường Trung Tá bán chè đậu đen
Giữa đường Thiếu Tá rao kem
*
Ngày xưa chống Mỹ, chống Tây
Ngày nay chống gậy ăn mày áo cơm
2. Đổi Tiền, Học Tập Cải Tạo
Việt Cộng dùng thủ đọan lừa bịp bắt và tù đày các quân cán chính của VNCH dưới danh từ tốt đẹp là học tập cải tạo. Quản giáo các trại tù vốn xuất thân bần cố nông thiếu chữ, ít học nay đổi đời trở thành thày dạy những người tù có học:
Năm đồng đổi lấy một xu
Thằng khôn đi học, thằng ngu làm thày
Cả nước nghèo đói người dân không có cơm ăn, áo mặc, hàng ngày phải dùng ngô sắn, khoai mì, bo bo thay cơm. Phản ảnh cảnh thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu đủ thứ, có những câu:
Từ khi ta có bác Hồ
Nhân dân chẳng được ăn no ngày nào
Hoan hô độc lập tự do
Để cho tớ nhá bo bo sái hàm
Cá thịt ăn mãi cũng nhàm
Cha thằng Mỹ ngụy chỉ làm khổ dân
*
Lương chồng, lương vợ, lương con,
Đi ba buổi chợ chỉ còn lương tâm
Lương tâm đem chặt ra hầm
Với rau muống luộc, khen thầm là ngon
*
Anh Đồng, anh Duẩn, anh Chinh,
Ba anh có biết dân tình cho không?
Rau muống nửa bó một đồng
Con ăn, bố nhịn, đau lòng thằng dân
*
Ai sinh ra cái củ mì
Hỏi: để làm gì? Đáp: để mà ăn
Nước nhà mãi mãi khó khăn
Dân mình mãi mãi phải ăn củ mì
*
Dân đói mà Đảng thì no
Sức đâu ủng hộ, hoan hô mỗi ngày
Đảng béo mà dân thì gầy
Độn bắp, độn sắn biết ngày nào thôi?
*
Dân đói mà Đảng thì no
Kêu trời kêu đất, kêu Hồ Chí Minh
Cớ sao Hồ cứ lặng thinh
Để dân tui khổ thấy mồ, Hồ kia!
*
Nhân dân thì chẳng cần lo
Nhà nước lo sẵn bo bo mỗi ngày
Hãy chăm tay cấy, tay cầy
Nhịn ăn, nhịn mặc chờ ngày vinh quang
*
Một năm hai thước vải thô
Nếu đem may áo…‘’cụ Hồ’’ ló ra
May áo thì hở “lá đa”
Chị em thiếu vải hóa ra lõa lồ
Vội đem cất ảnh bác Hồ
Sợ rằng bác thấy tô hô bác thèm
*
Có áo mà chẳng có quần
Lấy gì hạnh phúc hỡi dân cụ Hồ?
Có đói mà chẳng có no
Lấy gì độc lập, tự do hỡi người
*
Ở với Hồ Chí Minh
Cây đinh phải đăng ký
Trái bí phải xắp hàng
Khoai lang cần tem phiếu
Thuốc điếu phải mua bông
Lấy chồng nên cai đẻ
Bán lẻ chạy công an
Lang thang đi cải tạo
Hết gạo ăn bo bo
Học trò không có tập
Độc lập với tự do
Nằm co mà hạnh phúc
*
Xếp hàng cả năm
Xếp hàng cả ngày
Xếp hàng cho ngay
Xóa hết chữ nghĩa
Xiết họng công nhân
Xấu hơn cả Ngụy
Xạo hết chỗ nói
Xuống hố cả nút
*
Đả đảo Thiệu Kỳ, mua cái gì cũng có
Hoan hô Hồ Chí Minh mua cái đinh phải xếp hàng
3. Đi Kinh Tế Mới, Đào Kinh
Năm 1976, Việt Cộng cho thành lập những khu kinh tế mới tại những vùng hẻo lánh để đày gần 1 triệu rưỡi người dân Miền Nam, trong đó một nửa là dân Sài Gòn mà hầu hết thuộc gia đình quân nhân, công chức cũ của VNCH, đến sinh sống, canh tác tại các nơi hoang vu. Quyết định trả thù nhỏ nhen, thiển cận và tàn nhẫn này gây nên bao cảnh thương tâm, đau lòng cho người dân bị đày ải:
Đuổi dân ra khỏi cửa nhà
Bắt đi kinh tế thật là sót xa
Không sao sống được cho qua
Nên đành lại phải trở ra Sài Gòn
Chẳng ai giúp đỡ chăm nom
Cùng nhau vất vưởng, lang thang vỉa hè
Màn sương, chiếu đất phủ che
Sinh ra bệnh tật khò khè ốm đau
Nhưng mà có sống được đâu
Bộ đội kéo đến hàng xâu xúc liền
Chúng đem bỏ tại Tam Biên
Rừng sâu núi thẳm oan khiên buộc vào
Sáu ngàn nhân mạng năm nào
Thảy đều chết đói biết bao nhục hình
Tháng 3, 1976 Việt Cộng phát động phong trào thanh niên xung phong, cưỡng ép sinh viên, học sinh về miền quê đào kinh. Đám “cách mạng 30” (14) cũng cùng chung số phận:
Mồ cha thằng Thiệu rời dinh
Để tao ở lại đào kinh mỗi ngày
Thiệu ơi mày cứ ở đây
Thì tao đâu phải đọa đày sớm hôm
Mày bỏ chạy là mày khôn
Mày mà ở lại lấm chôn cả đời
4. Vượt Biên, Việt Kiều
Cuối thập niên 1970 không thể sống dưới chế độ bạo tàn của Cộng Sản, nhiều người liều chết bỏ nước ra đi tìm tự do bằng đường bộ băng Kampuchia qua Thái Lan, đa số vượt biển bằng thuyền. Không biết bao người đã bỏ mạng ngoài đại dương. Dù biết nhiều nguy hiểm, thêm nạn hải tặc Thái Lan hãm hiếp, cướp bóc, giết chóc, người dân thà chết chứ không thể sống dưới chế độ Cộng Sản “cái cột đèn nếu biết đi nó cũng vượt biên” (15):
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Canh khuya thao thức mạn thuyền
Biết người quân tử vượt biên chốn nào?
*
Bác Hồ chết phải giờ trùng
Nên bày con cháu dở khùng dở điên
Thằng tỉnh thì đã vượt biên
Những đứa ở lại không điên cũng khùng
Khi phải liều mạng vượt biên bằng đường bộ hay biển, nếu chẳng may bị bắt không những tù tội mà còn bị nguyền rủa, lên án là Việt gian, phản động, nhưng khi muốn moi tiền của Việt kiều thì Việt Cộng trơ trẽn trở giọng gọi là “khúc ruột ngàn dặm”:
Ngày đi Đảng gọi Việt Gian
Ngày về Đảng lại chuyển sang Việt Kiều
Chưa đi, phản động trăm chiều
Đi rồi thành khúc ruột yêu ngàn trùng
*
Trốn đi đảng bắt đến cùng
Trở về mời gọi săn lùng đô la
Đảng ta ân đức bao la
Là cụ thằng đểu, là cha thằng lừa
*
Việt Minh, Việt Cộng, Việt Kiều
Trong ba Việt ấy Đảng yêu Việt nào?
Việt Minh tuổi đã khá cao
Việt Cộng ốm yếu xanh xao gầy mòn
Việt kiều tuổi hãy còn non
Đảng yêu, Đảng quí như con đầu lòng
5. Hợp Tác Xã
Đầu thập niên 1990, Việt Cộng bắt dân trồng mía làm đường thay trồng lúa, nhưng khi Fidel Castro thăm Việt Nam, bọn lãnh đạo đảng lại hứa và thực hiện việc nhập cảng đường mía của Cuba vào thị trường VN mấy năm liền. Người dân trồng mía bị sạt nghiệp vì hành động lừa bịp, phản trắc của chính quyền:
Bắt trồng mà chẳng thu mua
Tại sao Đảng nỡ dối lừa nhân dân?
Tiền cầy, tiến giống, tiền phân
Một trăm thứ thuế đổ thân gày gò
Dân đói mà Đảng thì no
Kêu trời, kêu đất, kêu Hồ Chí Minh!
Không chỉ lừa trồng mía, nhà nước còn lừa nhiều vụ trồng trọt khác như trồng tiêu, trồng điều, v.v. khiến dân chúng đã nghèo lại thêm tả tơi:
Trồng mía, trồng ớt, trồng hành
Vì nghe lời Đảng mà thành bể niêu
Trồng tiêu, rồi lại trồng điều
Vì nghe lời Đảng mà niêu tan tành
Bao giờ Đảng mới hết hành
Bao giờ Đảng mới trung thành với dân
Bao giờ dân có cái ăn
Bao giờ Đảng chết để dân ăn mừng?
Khoảng 1982 Việt Cộng phát động phong trào Hợp Tác Xã trồng cây. Các cụ già bị xung vào đội trồng cây của Hợp Tác Xã, nếu trồng 5 cây thì được 1 điểm đủ để đổi lấy 1 lạng thóc. Vì tuổi già sức yếu lại thêm nạn của chung không ai chăm lo nên chỉ vài tuần cây cối héo úa:
– Hoan hô các cụ trồng cây
Mười cây chết chín, một cây gật gù!
– Các cháu có mắt như mù
Mười cây chết tiệt, gật gù ở đâu?
Hợp Tác Xã thực chất chỉ là chỗ cho cán bộ tham nhũng, ăn cướp công sức của dân:
Thi đua làm việc bằng hai
Để cho cán bộ mua đài mua xe
Thi đua làm việc bằng ba
Để cho cán bộ xây nhà, lát sân
*
Thi đua ta quyết tiến lên
Tiến lên, ta quyết tiến lên hàng đầu
Hàng đầu…rồi tiến về đâu?
*
Đi làm hợp tác, hợp te
Không đủ cái giẻ mà che cái l…
Bác Hồ với chả bác Tôn
Ở đâu thì đến xem l… tui đây
6. Phi Hành Gia Phạm Tuân
Trong lúc nhân dân đói khổ, năm 1980 Cộng Sản VN cho Phạm Tuân tháp tùng phi hành gia Victor Gorbatco trên phi tuyền của Nga Sô tốn kém rất nhiều. Nhân dân cay đắng diễu cợt:
Một thằng lên vũ trụ
Trăm thằng đi… mút cu (Moscow)
Nghìn thằng chè chén lu bù
Để dân bảy mươi triệu đói thò cu ra ngoài
*
Nhân dân thiếu gạo, thiếu mì
Mày vào vũ trụ làm gì hở Tuân?
*
Ai lên vũ trụ thì lên
Còn tôi ở lại ghi tên mua mì
7. Đổi Mới
Năm 1986 trước nguy cơ chế độ sụp đổ, để sống còn đại hội đảng Cộng Sản VN đưa ra chính sách đổi mới, bãi bỏ chế độ bao cấp và chủ trương “kinh tế thị trường định hướng theo xã hội chủ nghĩa”. Kết quả cho thấy giai cấp có quyền càng ngày càng giàu, dân nghèo càng khổ hơn. Đổi mới nhưng chính trị thì vẫn là độc quyền của Đảng, vẫn những bộ mặt cũ:
Ông lão đánh trâu đi bừa
Là con ông lão ngày xưa… đi cày!
*
Ông Anh, ông Kiệt, ông Mười
Dở khóc, dở cười biết chọn ông nao
Ông nào, ông nảo, ông nao
Một đồng một cốt làm sao bây giờ
“Cửa mở” phải có giấy tờ
“Đổi mới” nhìn lại vẫn thờ mấy ông
Đèn cù cứ chạy lòng vòng
Dân chủ cái còng, độc lập đói ăn
Hạnh phúc chú Cuội cung trăng!
(Anh: Lê Đức Anh, Chủ Tịch Nước, Kiệt: Võ Văn Kiệt, Thủ Tướng, Mười: Đỗ Mười, Tổng Bí Thư Đảng)
8. Chỉ Trích Lãnh Tụ, Chế Độ
Dưới sự cai trị bạo tàn dùng đám công an đầu trâu mặt ngựa để đàn áp, bắt bớ, tù đày, bóc lột người dân dưới mọi hình thức, từ xuất cảng lao động và phụ nữ ra nước ngoài đến việc lấy nhà chiếm đất của dân nghèo, người dân đen chỉ còn nước kêu trời và chống lại bằng châm biếm, diễu cợt các lãnh tụ Việt Cộng, kể cả Hồ Chí Minh mà đảng Cộng Sản Việt Nam tôn thờ như thần thánh:
Ngày xưa giặc Pháp mộ phu
Ngày nay Đảng bán dân ngu lấy tiền
Đảng ta là Đảng cầm quyền
Đảng bán ruộng đất lấy tiền Đảng tiêu
*
Vẻ vang thay lãnh tụ ta
Đem dân xuất khẩu bán ra ngước ngoài
Đảng ta là Đảng thần tiên
‘’Đa lô’’ thì được, đa nguyên thì đừng
(Đa lô: đô la)
*
Vạn niên là vạn niên nào
Thành xây xương lính, hào đào máu dân
Cộng Sản còn gấp vạn lần
Toàn dân gãy cổ, mát thân cụ Hồ
*
Từ khi ta có bác Hồ
Nhân dân chẳng được ăn no ngày nào
Đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào
Toàn dân đói khổ, đau nào đau hơn
*
Trách ai sinh thứ họ Hồ
Để cho cả nước như đồ vất đi
*
Bác Hồ đại trí, đại hiền
Chơi Minh Khai chán, gả liền Hồng Phong
Minh Khai phận gái chữ tòng
Bác Hồ sái nhất, Hồng Phong sái nhì
*
Nếu đời không có Sinh Cung
Dân đâu phải họa Hồ khùng Chí Minh
Mải mê bác chỉ làm tình
Bước chân trải khắp thân hình chị em
*
Bác Hồ là lão già dê
Năm thê bảy thiếp ra bề trai tân
Sự nghiệp kách mệnh trong quần
Chúng con lớn giữa hai chân bác Hồ
*
Bác Hồ thuở còn học Nho
Cùng chung đèn sách với lò bác Tôn
Trong lớp Bác chẳng làm ồn
Mải mê Bác bắt mất hồn chị em
Thế rồi từ đó đêm đêm
Sự nghiệp kách mệnh trèo lên mặt giường
Đảng ta chỉ một con đường
Vùng lên chăn gối, chiếu giường vùng lên
Chị em nằm dưới ngợi khen:
Việt Nam đẹp nhất có tên cu Hồ
(Cu không có dấu nặng)
*
Bác Hồ có một con chim
Bác nhờ chị Định đi tìm cái lông
Nỗi băn khoăn mãi chất chồng
Lông đen, chim đỏ rõ giòng Chí Minh
Thảo nào Bác đến đa tình
Minh Khai cùng với Tuyết Minh vợ đời
Ra đi cuốc đất cùng trời
Bao nhiêu con vãi, con rơi, vợ ngày
Bao nàng Kiều chết bỏ thây
Tôn vinh Bác, lũ dân cày ngợi ca:
Bác là cha của mọi nhà
Là ông triệu cháu, là bà con xa
Bác ơi, tim bác bao la
Ôm trọn phụ nữ nước Nga, nước mình
Nhớ thương con dán tấm hình
Vào nơi tôn kính… ‘’cửa mình’’, Bác ơi!
*
Cả đời Bác sống đảo điên
Đảng tôn thờ Bác thành tiên giữa trần
Ban ngày Bác hóa thánh thần
Ban đêm bác lại tần mần như ma
Ban ngày Bác mải làm cha
Ban đêm Bác lại ngầy ngà như con
Chị em ta giữ đảo Côn
Lôn rộng bát ngát bồn chồn Bác vô
*
Bác Hồ cùng với bác Tôn
Rủ nhau ra suối nhìn l… Minh Khai
Nhìn xong tấm tắc khen hoài
Lông nàng quả thật rậm dài làm sao
Cứ tưởng nàng ấy vô mao
Nào hay rậm rạp khác nào Castro
Ghé tai Tôn nịnh bác Hồ:
Râu anh cũng giống lông đồ Minh Khai
Hồ rằng: Chú nói chẳng sai
Thực ra lông nó còn dài hơn tôi
Bác Tôn ngắm nghía một hồi:
Anh nói chí phải là tôi nhìn lầm
Anh trông thanh thoát bội phần
Castro rậm xoắn ngó dâm hơn nhiều
Bác Hồ ra vẻ đăm chiêu:
Con đường kách mệnh cần nhiều hy sinh
Minh Khai không giữ… “cửa mình”
Lập ngay hội nghị phê bình, nghe chưa!
*
Thói quen của Bác khác thường
Thích nhìn tiên nữ… trần truồng tắm sông
Thú vui của Bác thật ngông
Thích nhìn phụ nữ… nằm không giữa giường
*
Ông Đồng, ông Duẩn, ông Chinh
Vì ba ông ấy dân mình lầm than
*
Trường Chinh, Lê Duẩn, Văn Đồng
Cả ba đồng lòng giết chết con tôi
*
Trường Chinh, Lê Duẩn, Văn Đồng
Ba thằng cùng béo vặt lông thằng nào?
– Vặt lông cả đám cho tao!
Năm 1983, tướng Võ Nguyên Giáp bị phe Lê Duẩn, Lê Đức Thọ tước hết binh quyền, giao cho phụ trách việc sinh đẻ có kế hoạch. Anh hùng Điện Biên bị nhân dân chế diễu:
Ngày xưa đại tướng cầm quân
Ngày nay đại tướng cầm quần chị em
Khi xưa trấn thủ lưu đồn
Bây giờ đại tướng bịt l… chúng em
Cộng Sản Việt Nam cai trị đất nước bằng thủ đoạn lừa bịp, dối trá, lật lọng, láo khoét, nói có thành không, không thành có, chúng không từ bất cứ một thủ đoạn hạ cấp, lưu manh, đê tiện nào. Vì lợi chúng cho Tàu Cộng vào Tây Nguyên khai thác bauxit bất chấp mọi giới trong nước phản đối vì chất độc sẽ tàn phá rừng và môi sinh đồng bằng Miền Nam. Dựa vào Trung Cộng để củng cố địa vị hầu tham nhũng, đục khoét đất nước, Việt gian Cộng Sản đã dâng cả biển lẫn đất cho Trung Cộng:
Bảo nắng mà trời lại mưa
Mấy thằng khí tượng đoán bừa hại tao
Trời làm một trận mưa rào
Mấy thằng khí tượng làm tao ướt rồi
Ướt thân, ướt cả…’’cụ Hồ’’
Thôi đành để vậy tô hô mà về
*
Thứ nhất anh Ba, nhì nha Khí Tượng
(anh Ba: Lê Duẩn)
*
Thứ nhất anh Lương, nhì phường lừa gạt
*
Mất mùa là bởi thiên tai
Được mùa là bởi thiên tài đảng ta
*
Ông Lê Nin quê ở nước Nga
Cớ sao lại đứng vườn hoa nước này
Ông ưỡn ngực, ông chỉ tay:
Tự do, hạnh phúc lũ mày còn xa
*
Kìa xem gương của nước Nga
Bảy mươi năm lẻ có ra đếch gì
Đảng mình cái Đảng vứt đi
Chúng ta theo Đảng còn gì là thân!
*
Ngày xưa chửi Mỹ hơn người
Ngày nay nịnh Mỹ hơn mười lần xưa
Ngày xưa đánh Mỹ không chừa
Ngày nay con cái lại lùa sang đây
Ngày xưa Mỹ xấu, Đảng hay
Ngày nay Đảng ngửa hai tay… xin tiền
*
Đời đời dân biết, dân ơn
Nhờ Đảng dân biến thành đon mạ còi
Lòng dân ao ước ngút trời
Bao giờ dân được như hồi Mỹ vô?
*
Nhân dân thì chẳng cần no
Nhà nước no sẵn tiền đô ních đầy
Nhân dân chẳng chóng thì chầy
Làm thuê nuôi Đảng kiếp này công toi
*
Tiên sư Cộng Sản Việt Nam
Cuối đời bán cả giang san nước nhà
Cúi đầu dâng đảo Trường Sa cho Tàu
*
Dịch heo nối tiếp dịch gà
Bao giờ dịch Đảng cho bà con vui
*
Đảng chỉ tay
Quốc hội giơ tay
Mặt trận vỗ tay
Chính phủ khoanh tay
Quốc doanh ngửa tay
Tội phạm ngoặc tay
Công an còng tay
Báo chí chùn tay
Trí thức phẩy tay
Quan chức đầy tay
Dân trắng tay
9. Dân Mất Tự Do, Mất Quyền Làm Người
Cộng Sản luôn luôn đề cao khẩu hiệu ‘’không gì quí bằng độc lập, tự do’’, nhưng thực tế lại độc tài, áp chế, tước đoạt tất cả quyền căn bản và tối thiểu của con người kể cả quyền tự do đi lại:
Mang danh dân chủ cộng hòa
Đi ra khỏi tỉnh phải qua cửa quyền
Xuất trình giấy phép liên miên
Chứng từ, thị thực ở miền nào qua
*
Trăm năm trong cõi người ta
Ở đâu cũng được đi ra đi vào
Xa xôi như xứ Bồ Đào
Người ta cũng được đi vào, đi ra
Đen đủi như Ăng Gô La
Người ta cũng được đi ra, đi vào
Chậm tiến như ở nước Lào
Người ta cũng được đi vào, đi ra
Chỉ riêng có ở nước ta
Người ta không được đi ra, đi vào
10. Phẩm Chất Việt Không Còn
Xã hội xa đọa, xuống cấp một cách thảm hại. Năm 1996 Thứ Trưởng Bộ Lao Động, Thương Binh & Xã Hội cho biết trong nước có ít nhất có 76,900 phụ nữ hành nghề mãi dâm, nhưng một giới chức thẩm quyền khác lại tiết lộ rằng riêng tại Sài Gòn đã có khoảng 300,000 gái điếm. Phòng trào lấy chồng Đài Loan, Đại Hàn giống như hình thức mua bán người thời trung cổ. Những giá trị đạo đức không còn, con người chỉ biết có tiền, tình nghĩa không còn giá trị gì:
Chiều chiều ra bến Ninh kiều
Dưới chân tượng Bác, đĩ nhiều hơn dân
*
Trăm năm bia đá thì mòn
Bia chai cũng vỡ, chỉ còn bia ôm
*
Thày giáo lãnh lương ba đồng
Làm sao sống nổi mà không đi thồ
Nhiều thày phải đạp xích lô
Làm sao xây dựng tiền đồ học sinh
*
Cô giáo phải bán bia ôm
Ôm phải học trò, ăn nói sao đây?
*
Tiếc thay cây quế còn soan
Để cho đám mọi Đài Loan nó trèo
*
Tìm em như thể tìm chim
Chim bay biển Bắc, anh tìm biển Đông
Tìm chi cho phải mất công
Đài Loan, Hàn quốc em dông mất rồi
*
Tiền là tiên là Phật
Là sức bật con người
Là nụ cười tuổi trẻ
Là sức khỏe tuổi già
Là cái đà danh vọng
Là cái lọng che thân
Là cán cân công lý
Đồng tiền là…hết ý!
11. Tham Nhũng Thối Nát
Hiện nay tham nhũng ở Việt Nam trở thành công khai, những đảng viên Cộng Sản đang nắm quyền là các tư bản đỏ ăn chơi, tiêu tiền như rác trong khi dân chúng bị bóc lộ tới tận xương tủy nhưng Đảng vẫn rêu rao ‘’Nhân dân là chủ, Đảng là đầy tớ’’:
Công nhân vợ ốm con côi
Lãnh đạo nhà gác, xe hơi bộn bề
Bao giờ cho hết trò hề?
*
Nhà ai giàu bằng nhà cán bộ
Hộ nào sang bằng hộ đảng viên
Dân tình thất đảo bát điên
Đảng viên mặc sức vung tiền vui chơi
*
Ai về qua tỉnh Nam Hà
Xem lũ đầy tớ xây nhà bê tông
Tớ ơi, mày có biết không
Chúng ông làm chủ mà không bằng mày!
*
Muốn cho điện sáng về nhà
Ruột lợn, ruột gà phải nối đến nơi
Muốn cho Đảng, Bác về theo
Ba đời con cháu phải đeo gông cùm
*
Phong lan, phong chức, phong bì
Trong ba thứ ấy, thứ gì quí hơn?
Phong lan ngắm mãi cũng buồn
Phong chức thì phải cúi luồn vào ra
Chỉ còn cái phong thứ ba
Mở ra thơm nức cả nhà cùng vui
*
Thanh “cha”, thanh mẹ, thanh gì
Hễ có phong bì là nó thanh kiu (thank you)
*
Tôn Đản là chợ vua quan
Vân Hồ là chợ những gian nịnh thần
Đồng Xuân là chợ thương nhân
Vỉa hè là chợ ‘’nhân dân anh hùng’’
CA DAO PHÓNG TÁC
Một hình thức mới của ca dao là ca dao phóng tác, gọi tắt là phóng dao (16). Phóng dao là ca dao được thay lời khác cho thích hợp với hoàn cảnh hiện tại. Trong ca dao hiện đại có một số được phóng tác từ những ca dao đã có từ trước. Câu ca dao nào chỉ thay ít tiếng mà đổi được nghĩa của cả câu thì là những câu phóng dao khéo và hay. Xin đơn cử vài thí dụ:
Ca dao:
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều
Phóng dao:
Chiều chiều ra bến Ninh Kiều
Dưới chân tượng Bác đĩ nhiều hơn dân
Ca dao:
Có con mà gả chồng gần
Có bát canh cần nó cũng mang qua
Có con mà gả chồng xa
Một là mất giỗ, hai là mất con
Phóng dao:
Có con mà gả chồng gần
Nửa đêm xe đạp mang phần cho cha
Có con mà gả chồng xa
Tháng tháng nó gửi đô la kìn kìn
Ca dao:
Bà già đi chợ Cầu Đông
Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng
Ông thày xem quẻ nói rằng:
Lợi thì có lợi nhưng răng không còn
Phóng dao:
Bà già đi chợ Cầu Bông
Bói xem vượt biển, lấy chồng lợi chăng
Ông thày gieo quẻ nói rằng:
Lợi thì còn lợi nhưng năng ủ tờ
(Ủ tờ: ở tù)
KẾT LUẬN
Ca dao Việt Nam phong phú hơn Kinh Thi của Trung Hoa rất nhiều. Kinh Thi là những câu ca dao đóng khung trong thời đại xa xưa của Tàu mang tính bất biến và giới hạn (từ thời nhà Chu trở về trước). Ngược lại, ca dao của ta được phát triển và tồn tại song song với nền văn học chữ viết từ thời cổ đến tận ngày nay. Chính vì tính sinh động của ca dao Việt, cập nhật và ghi lại bằng chữ viết thi ca dân gian rất cần thiết cho việc nghiên cứu văn học truyền khẩu. Mong rằng trong tương lai chúng ta sẽ có tác phẩm ghi lại đầy đủ tiếng nói dân gian trong thời cận và hiện đại, nhất là trong thời gian Việt Cộng tiếm quyền cai trị đất nước, thời kỳ đen tối nhất, thê thảm nhất của hơn 4,000 dựng nước.
TRẦN BÍCH SAN
CHÚ THÍCH
(01) Luận Ngữ: tư tưởng của Khổng Tử về các vấn đề luân lý, triết học, chính trị, lý tưởng người quân tử và đạo nhân (do môn đồ chép lại).
(02) Đại Học: cứu cánh đạo học của người quân tử làsự chí thiện qua cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ (Tăng Tử soạn).
(03) Trung Dung: điểm cao đạt nhất của đạo Nho thể hiện qua chữ Trung và chữ Thành (do Tử Tư, cháu Khổng Tử chép lại).
(04) Mạnh Tử: tư tưởng Khổng Giáo về nhân nghĩa, thuyết Dân Vi Quí, triết lý Tính Bản Thiện (Tăng Tử soạn).
(05) Kinh Thi: ca dao cổ của Tàu từ thời thịnh Chu trở về trước (Khổng Tử chọn và san định).
(06) Kinh Thư: huấn từ, mệnh lệnh về việc trị nước từ đời Nghiêu Thuấn đến Đông Chu, cốt lõi tư tưởng là hai chữ chấp trung (Khổng Tử sưu tập).
(07) Kinh Lễ: lễ nghi trong gia đình, làng xã, và triều đình (Khổng Tử san định).
(08) Kinh Dịch: siêu hình của Nho Giáo, giải thích sự biến hóa của trời đất, động tĩnh của muôn loài dựa theo lẽ âm dương và bát quái (Khổng Tử giải nghĩa).
(09) Kinh Xuân Thu: lịch sử nước Lỗ từ đời Lỗ Ẩn Công (772 TTL) đến đời Lỗ Ai Công (482 TTL) sách nói về việc chính trị, định chính thể dựa vào chính danh, định phận (Khổng Tử biên soạn).
(10) Khổng Tử (551 TTL – 478 TTL): tên là Khâu, tự Trọng Ni, sinh vào tháng 10 năm 551 TTL đời vua Linh Vương nhà Chu, người làng Xương Bình, huyện Khúc Phụ, nay thuộc phủ Duyện Châu, tỉng Sơn Đông (nước Lỗ), Trung Hoa. Ngài vốn thuộc người nước Tống (tỉnh Hà Nam), ông tổ 3 đời dời sang nước Lỗ. Thân phụ là Thúc Lương Ngột làm quan võ, đã có 2 vợ trước, đến gần già mới lấy bà Nhan thị và sinh ra ngài. Khi Khổng Tử lên 3 tuổi thì thân phụ mất. Năm 19 tuổi thành gia thất, ra làm chức Ủy Lại coi việc gạt thóc ở kho, sau làm Tư Chức Lại coi việc nuôi dê, bò dùng vào việc cúng tế. Năm 28, 29 tuổi được Lỗ Hầu cấp xe 2 ngựa và người hầu đi học ở Lạc Ấp là chỗ kinh sư nhà Chu. Được ít lâu Khổng Tử trở về nước Lỗ, học trò theo học càng nhiều. Năm 51 tuổi ngài được vua nước Lỗ dùng làm Trung Đô Tể, năm sau làm Đại Tư Khấu (giống như Hình bộ Thượng Thư), ngài đặt ra luật lệ, phép tắc. Bốn năm sau, vua nước Lỗ cất ngài lên Nhiếp Tướng Sự cho ngài quyền nhiếp việc chính trị trong nước. Sau đó, Khổng Tử đi chu du thiên hạ sang các nước Vệ, Tống, Trần, Thái, Diệp, Sở, mong đem thi hành cái đạo của mình ra giúp đời, nhưng không được dùng. Lần cuối cùng Khổng Tử trở về nước Vệ ở lại 5, 6 năm không đi đâu nữa, sau Quí Tôn Phì cho người đón ngài về nước Lỗ, lúc đó ngài đã 68 tuổi, ở nhà dạy học, san định lại các sách vở đời trước. Khổng Tử mất vào tháng 4 năm 478 TTL, thọ 74 tuổi.
(11) Trương Tửu (1913-1999): bút hiệu Nguyễn Bách Khoa, sinh tại Hà Nội, tốt nghiệp trường Kỹ Nghệ Thực Hành, Hải Phòng. Tiếp tục tự học hết chương trình Tú Tài Pháp Việt. từ 1931-1938 cộng tác với Đông Tây Tuần Báo, Loa, Ích Hữu, Tiếng Trẻ, Hà Nội Báo, Mùa Gặt Mới, Văn Mới…Giám Đốc văn chương nhà xuất bản Hàn Thuyên, cùng Nguyễn Đức Quỳnh trông nom tạp chí Văn Mới. 1952 dạy lý luận, phê bình văn học tại trường Dự Bị Đại Học. 1954 dạy trường Đại Học Sư Phạm, Đại Học Văn Khoa Hà Nội. 1958 vì vụ Nhân Văn Giai Phẩm bị buộc nghỉ dạy, sống bằng nghề Đông Y cho tới khi mất. Tác phẩm chính: Uống Rượu với Tản Đà (1938), Kinh Thi Việt Nam (1940), Nguyễn Du và Truyện Kiều (1943), Nhân Loại Tiến Hóa Sử (1943), Nguồn Gốc Văn Minh (1943), Văn Minh Sử (1943), Tâm Lý và Tư Tưởng Nguyễn Công Trứ (1944), Văn Chương Truyện Kiều (1944), Tương Lai Văn Nghệ Việt Nam (1945), Đại Quan về 40 năm Văn Học Việt Nam Hiện Đại 1905- 1945 (1948), Phương Pháp Phê Bình Văn Học (1948), Văn Nghệ Bình Dân Việt Nam (1952), Truyện Kiều và Thời Đại Nguyễn Du (1956), Mấy Vấn Đề Văn Học Việt Nam (1958).
(12) Kinh Thi Việt Nam: Trước Khi Vào Đề, các trang 9-26.
(13) Nguyễn Văn Ngọc (1890-1942): hiệu Ôn Như, quê làng Hoạch Trạch (tục gọi là làng Vạc), huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. 1907 mới 17 tuổi tốt nghiệp trường Thông Ngôn, dạy trường Tiểu Học Hà Nội, rồi dạy trường Hậu Bổ. Ít lâu sau làm Thanh Tra các trường sơ học ở Bắc Việt, Đốc Học tỉnh Hà Đông. Tác phẩm chính: Nam Thi Hợp Tuyển (1927), Tục Ngữ Phong Dao (1928), Câu Đối (1931), Truyện Cổ Nước Nam (1932), Cổ Học Tinh Hoa (1933), Ngụ Ngôn (1935).
(14) “Cách mạng 30”: những tên theo Việt cộng vào ngày 30/04/1975 khi Miền Nam sụp đổ. Bọn này lợi dụng lúc tranh tối trang sáng hống hách, hiếp đáp dân chúng, làm chỉ điểm cho Bắc Cộng bắt bớ quân, cán chính VNCH. Nhưng Bắc Cộng chỉ sử dụng bọn theo đóm ăn tàn một giai đoạn ngắn, năm 1976 chúng bị cho đi “thanh niên xung phong” lao động vùng kinh tế mới làm những công việc nặng nhọc như vét kinh, phá rừng, vác cây, đào đất rất cực khổ.
(15) Theo nhà văn Uyên Thao thì quái kiệt Trần Văn Trạch là tác giả câu nói này.
(16) Công Tử Hà Đông (nhà văn Hoàng Hải Thủy) gọi là phóng dzao
TÀI LIỆU THAM KHẢO
– Hoàng Hải Thủy, Sài Gòn Phóng Dzao, tuần báo Sài Gòn Nhỏ, ấn bản New Orleans số 763 ra ngày 27/03/2009.
– Hoàng Long Hải, Nước Non Xa Nghìn Dặm: Ca Dao và Lịch Sử.
– Nguyễn Ngọc Bảo, XHCN Việt Nam & Tâm Trạng Người Dân Qua 30 Năm Ca Dao.
– Nguyễn Q. Thắng & Nguyễn Bá Thế, Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam (Bộ Mới, tái bản lần thứ 8), nxb Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, 02/2006.
– Nguyễn Thái Hoàng, Những Vần Thơ về Bác và Đảng.
– Nguyễn Văn Ngọc, Tục Ngữ Phong Dao (2 quyển) nxb Vĩnh Hưng Long Thư Quán, Hà Nội, nxb Sống Mới in lại, Hoa Kỳ.
– Trần Khải Thanh Thủy, Viết Mãi Tên Người
– Trần Trọng Kim: Nho Giáo (2 quyển), nxb Trung Bắc Tân Văn, Hà Nội, 1932 & 1933, nxb Tân Việt tái bản lần thứ 4, Sài Gòn, Việt Nam.
– Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược quyển II, nxb Vĩnh & Thành, Hà Nội 1928, Bộ Giáo Dục tái bản, Sài Gòn, 1971.
– Trương Tửu: Kinh Thi Việt Nam, xuất bản năm 1940, nxb Liên Hiệp tái bản, Pháp, 1950.