VIỆT THANH CHIẾN DỊCH
PHẦN V
QUÂN THANH Ở THĂNG LONG
1. SÁCH PHONG QUỐC VƯƠNG
1.1. Vua Chiêu Thống xuất hiện
Việc vua Chiêu Thống xuất hiện đón quân Thanh có nhiều điểm có thể gây ngộ nhận. Cương Mục, Liệt Truyện và HLNTC đều chép là vua Chiêu Thống gặp quân Thanh ở Kinh Bắc, [ CM còn viết là đem theo trâu bò, rượu để khao thưởng] rồi cùng đi với họ vào thành Thăng Long.
Tuy nhiên những chi tiết trên đều không phải chính người trong cuộc mà do đời sau viết, rất có thể từ một nguồn chép lại lẫn nhau nên người đi trước sai lầm thì người sử dụng cũng sai theo. Do đó, chúng tôi xin dẫn ba tài liệu có tính nhân chứng (eye-witness) 1/ của Lê Quýnh [người đi tìm vua Chiêu Thống và đưa vua Lê về gặp Tôn Sĩ Nghị], 2/ của Lê Duy Ðản [người đi theo quân Thanh từ Quảng Tây về đến Thăng Long có tham dự trong lễ phong vương cho Lê Duy Kỳ] và 3/ của chính Tôn Sĩ Nghị [trong tấu thư gửi lên vua Càn Long].
1.1.1. Theo lời kể của Lê Quýnh trong Bắc Hành Tùng Ký thì:
… Tháng Mười (Mậu Thân 1788), yết kiến tổng-đốc Tôn (Sĩ Nghị) ở phủ Thái Bình [thuộc Quảng Tây, Trung Hoa]. Bấy giờ đại binh đã nhóm.
Ngày 24 tháng ấy, (đại binh) khởi hành. Ngày sóc tháng Một, ra cửa Trấn nam quan, lấy thành Lạng-sơn… Ðại quân thẳng tới huyện Bảo-lộc thuộc Giang-bắc. Ba lần đánh đều được. Bắt đô–đốc Trần Danh-Hoán [thực ra là Bính, viết nhầm].
Quan lớn Tôn bảo người hỏi rằng: “Bộ-đường ta ra khỏi cửa ải đã hơn tám trăm dặm. Vì cớ gì chưa thấy Quốc-vương động tĩnh ra sao? Quýnh trả lời rằng vì đường-sá cách-trở, và xin một mình cưỡi ngựa đi tìm chủ. Ngài bằng-lòng.
… Ngày 20 [tháng Một], qua sông Thị-cầu, phá doanh giặc, tiến đến bờ bắc sông Phú-lương (muốn nói sông Nhị). Giặc Tây-sơn bỏ thành Thăng-long, chạy về phương nam.
Ngày 21, vua yết-kiến quan lớn Tôn ở bờ Bắc sông.[1]
1.1.2. Theo Sứ Diêu Hành Trạng là tập thơ Lê Duy Ðản ghi lại chuyến đi sứ sang Trung Hoa cầu viện][2] thì khi quân Thanh đến bờ phía bắc sông Phú Lương,[3] quân Tây Sơn đã bỏ đi nên vào thu phục kinh thành, [Lê Duy Ðản] theo hầu nhà vua đến điện Vạn Thọ làm lễ sách phong”.][4] Ông không nói rõ vua Lê đến lúc nào nhưng ngay trước đó khi quân Thanh qua sông Thị Cầu thì chưa nói tới tự hoàng nên chúng ta có thể biết được vua Lê gặp Tôn Sĩ Nghị khi quân Thanh đã lấy được Thăng Long đúng như lời kể của Lê Quýnh.
1.1.3. Lời tâu của Tôn Sĩ Nghị trong Khâm Ðịnh An Nam Kỷ Lược [KDANKL] có nhiều chi tiết hơn về việc vua Lê đến gặp quân Thanh. Khi tiến xuống Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị rất nóng ruột vì nếu không tìm thấy vua Chiêu Thống hay ông đã bị giết thì việc đem quân sang nước ta sẽ không còn chính nghĩa, biến thành một cuộc tiến binh xâm lấn gây bất lợi cho uy tín của Thanh triều.
Theo tấu thư của Tôn Sĩ Nghị [KDANKL, quyển IX, trang 10] thì khi quân Thanh đã vào thành Thăng Long, canh hai (khoảng 9-11 giờ đêm) ngày 20 tháng Một [17-12-1788] Lê Duy Kỳ mới đến gặp Tôn Sĩ Nghị:
Ngày 20 tháng Một thần thống lãnh quan binh khắc phục Lê thành. Canh hai đêm hôm đó, An Nam tự tôn Lê Duy Kỳđến quân doanh, cùng thần gặp mặt, vọng về hướng bắc khấu đầu tạ ơn hoàng thượng tái tạo. Y dãi bày rằng nước nhà đã bị nghiêng đổ, không ngờ lại được ân điển của đại hoàng đế. Y phục xuống đất khóc lóc, không sao dứt được.[5]
Cũng nên nhắc lại, ngày 20 tháng Một [17-12-1788] Tôn Sĩ Nghị chỉ đem theo vài ba người vào thành Thăng Long để nhận đầu hàng của triều đình Lê Duy Cẩn. Việc đóng quân trong một tòa thành trống trải, đổ nát thực là bất tiện nên sau khi xem xét Tôn Sĩ Nghị đã quay ra đóng quân ở hai bên bờ sông. Tối hôm đó, Lê Duy Kỳ mới về kịp.
1.2. Phong Vương Cho Lê Duy Kỳ
Khi vua Lê xuất hiện Tôn Sĩ Nghị rất vui mừng nên lập tức tổ chức sách phong Lê Duy Kỳ làm An Nam quốc vương. Như vậy, việc vua Lê đem bò rượu ra đón Tôn Sĩ Nghị là sai sự thật, mặc dầu theo lời tường thuật của Lê Duy Ðản [đi cùng với quân Thanh sang nước ta] thì sau khi ra khỏi Nam Quan, một số hào mục Lạng Sơn có đem trâu bò, rượu thịt đến khao quân nhưng không phải theo lệnh vua Chiêu Thống. Lê Quýnh và Lê Duy Ðản không nhắc đến những chi tiết khi vua Lê gặp tổng đốc Lưỡng Quảng có lẽ vì việc ra mắt ấy không lấy gì làm vinh quang, chỉ có hai thầy trò vào hành doanh quân Thanh lúc đêm khuya một cách không minh bạch.
Ngày 22 tháng Một năm Mậu Thân [19-12-1788], Tôn Sĩ Nghị vào thành làm lễ phong vương cho Lê Duy Kỳ, tuyên đọc sắc phong sau đây:
Nguyên văn
奉天承運皇帝制曰:
朕惟撫馭中外,綏靖邇遐,義莫大於治亂持危,道莫隆於興滅繼絕,其有夙共朝命,久列世封,遘家國之多難,屬臣民之不靖,則必去其蟊賊,拯厥顛際,俾還鍾簴之觀,以肅屏藩之制。
爾安南國嗣孫黎維祁,化沐炎陬,序承家嗣,當爾祖奄逝之日,正阮逆搆亂之時,肇釁蕭牆,失守符印,孑身播越,闔室遷移,棄彼故都,依於上國。
溯百五十年之職貢,能不念其祖宗,披一十六道之輿圖,原非利其土地,且柔遠人所以大無外,討亂賊所以儆不虔,是用輯爾室家,克完居處,勵爾臣庶,共復仇讐。
特敕大吏以濯征,爰董王師而迅剿,先聲所讋,巨憝奚逃,內難斯寧,群情更附,釋其瑣尾流離之困,加以生死骨肉之恩,舊服式循,新綸允賁,玆封爾為安南國王,錫之新印。
王其慎修綱紀,祗奉威靈,戢和民人,保守彊土,勿怠荒而廢事,勿懷安以敗名。
庶荷天朝再造之仁,益迓國祚重延之福。
欽哉!
毋替朕命。[6]
Dịch âm
Phụng thiên thừa vận hoàng đế chế viết:
Trẫm duy phủ ngự trung ngoại, tuy tĩnh nhĩ hà, nghĩa mạc đại ư trị loạn trì nguy, đạo mạc long ư hưng diệt kế tuyệt, kỳ hữu túc cộng triều mệnh, cửu liệt thế phong, cấu gia quốc chi đa nạn, thuộc thần dân chi bất tĩnh, tắc tất khứ kỳ mâu tặc, chửng quyết điên tế, tỉ hoàn chung cự chi quan, dĩ túc bình phiên chi chế.
Nhĩ An Nam quốc tự tôn Lê Duy Kỳ, hoá mộc viêm tưu, tự thừa gia tự, đương nhĩ tổ yêm thệ chi nhật, chính Nguyễn nghịch cấu loạn chi thời, triệu hấn tiêu tường, thất thủ phù ấn, kiết thân bá việt, hạp thất thiên di, khí bỉ cố đô, y ư thượng quốc.
Tố bách ngũ thập niên chi chức cống, năng bất niệm kỳ tổ tông, phi nhất thập lục đạo chi dư đồ, nguyên phi lợi kỳ thổ địa, thả nhu viễn nhân sở dĩ đại vô ngoại, thảo loạn tặc sở dĩ cảnh bất kiền, thị dụng tập nhĩ thất gia, khắc hoàn cư xứ, lệ nhĩ thần thứ, cộng phục cừu thù.
Ðặc sắc đại lại dĩ trạc chinh, viên đổng vương sư nhi tấn tiễu, tiên thanh sở triếp, cự đỗi hề đào, nội nan tư ninh, quần tình cánh phụ. Thích kỳ toả vĩ lưu ly chi khốn, gia dĩ sinh tử cốt nhục chi ân, cựu phục thức tuần, tân luân doãn bí, tư phong nhĩ vi An Nam quốc vương, tích chi tân ấn.
Vương kỳ thận tu cương kỷ, chi phụng uy linh, tập hoà dân nhân, bảo thủ cương thổ, vật đãi hoang nhi phế sự, vật hoài an dĩ bại danh.
Thứ hà thiên triều tái tạo chi nhân, ích nhạ quốc tộ trùng diên chi phúc.
Khâm tai!
Vô thế trẫm mệnh.
Dịch nghĩa
Phụng mệnh trời, tuân theo vận nước, hoàng đế xuống chiếu rằng:
Trẫm chỉ vỗ về để dẫn dắt trong ngoài, khiến cho nơi xa xôi cũng phục, dùng nghĩa lớn để trị việc loạn giúp kẻ nguy, đạo được lớn để hưng diệt kế tuyệt. Những người trước nay theo phò, đời đời phong tước, một khi quốc gia gặp nạn, thần dân không yên, phải làm sao đưổi được giặc, cứu vớt kẻ lao đao, đem lại mối rường cho nước, tỏ lộ cái lòng che chở cho phiên thuộc.
Ngươi tự tôn nước An Nam Lê Duy Kỳ, ở nơi phương nam nóng nực, kế thừa dòng dõi. Gặp lúc ông ngươi vừa mất, nhân thời giặc Nguyễn dấy loạn, trong triều gặp chuyện rối ren, mất cả ấn tín, gia đình tan tác phải bỏ kinh đô mà chạy tứ phương, nương tựa vào thượng quốc.
Trong một trăm rưởi năm qua không quên triều cống, nên trẫm phải nghĩ đến tổ tông, còn đối với dư đồ mười sáu đạo kia, trẫm không màng đến việc lấy đất, đạo nhu viễn không ngoài như thế. Trừ loạn tặc sở dĩ cũng là để răn đe, cốt lấy lại cho gia tộc ngươi trở về nơi cũ, khuyến khích cho dân chúng bầy tôi, cùng trả được mối thù.
Nay ta đặc biệt sai kẻ đại lại cất binh chinh phạt, đem vương sư chinh tiễu, trước lên tiếng doạ cho chúng sợ tội mà chạy đi, để đem các ngươi về cho mối giềng trở lại, người ly tán nay đoàn viên ấy là cái ơn chết đi sống lại, cốt nhục nối liền. Y phục cũ nay trở lại, giây thao mới nay rực rỡ, phong cho ngươi làm An Nam quốc vương, ban cho ấn mới.
Hãy cố gắng mà tu sửa kỷ cương, vâng mệnh uy linh, hoà thuận với nhân dân, giữ gìn cương thổ, chớ có bê trễ mà bỏ phế việc, đừng cầu an mà mang tiếng. Hãy nhớ đến cái đức nhân tái tạo của thiên triều, hãy nghĩ đến cái phúc vận nước được nối dài trở lại.
Kính thay!
Chớ bỏ qua lệnh của trẫm.
Về diễn tiến phong vương ở điện Vạn Thọ, tài liệu nhà Thanh viết như sau:
Thần nhận được sắc ấn An Nam bổ cấp [thay cho ấn cũ bị mất] nên lập tức ra lệnh cho Lê Duy Kỳ kính cẩn sửa soạn chăng đèn kết hoa, đầy đủ nghi trượng. Thần đích thân tiến thành, Lê Duy Kỳ dẫn quan dân trong nước, quì ở bên đường đón vào căn nhà chính của quốc vương, vọng về cung khuyết hành lễ tam quị cửu khấu, làm lễ nhận lãnh xong, kính cẩn dâng biểu văn, giao đến tận nơi thần ở, cung tạ thánh ân, tình cảnh cảm kích vui sướng thật tràn ra khắp phố phường…[7]
Ngày hôm sau 23 tháng Một năm Mậu Thân [20-12-1788], Lê Duy Kỳ dâng biểu tạ ơn, dịch ra sau đây:[8]
Thần là Lê Duy Kỳ mới được phong làm An Nam quốc vương tâu lên cảm tạ thiên ân. Thần nhà gặp tai nạn, mất cả ngôi báu, một thân chạy trốn, quyến thuộc phải chạy sang nội địa, mong được đại hoàng đế lòng nhân rộng rãi, lượng như cha mẹ, phủ khắp trong ngoài, vỗ về, thương xót cho việc tồn vong, sai bồi thần xuất quan thăm hỏi, không đợi nghe lời trần tình đã tính chuyện nguyên nhung, không chỉ binh quan mà thôi, còn cả phu phen mấy tỉnh.
Nhớ năm xưa binh Tần xuất cảnh, đem lòng thương xót đến sứ thần nước láng giềng,[9] đất nước đã mất nay nhờ thiên vương đất bắc tái tạo, ánh mặt trời soi xuống khiến kẻ cuồng khấu kia phải tiêu tan ra mây khói, đến ngày hai mươi tháng Mười một đã dẹp sạch bọn sói lang, lấy lại quốc thành. Thần vốn thế cô, đang khi nguy khốn, sức khó có thể tự đứng lên, được bệ hạ truyền chỉ Lưỡng Quảng đốc thần giúp cho nên mới được như thế, lại vun đắp thêm, đoái thương kẻ dưới nên ban chức, kẻ ngoại phiên chưa ai từng được như vậy, quả là sử sách hiếm khi nghe thấy.
Thần nguyện hết sức làm phên giậu ở biên cương để báo đáp sự đoái hoài của thánh chúa, nếm mật để phúc được lâu dài, không dám thờ ơ ngồi trên đống lửa để cầu an, từ nay nghiền xương nát thịt, cũng không trả được cái ơn kế tuyệt phù nguy, khi thức lúc ngủ, mãi mãi kết cỏ ngậm vành trong dạ.
Thần còn trẻ tuổi, gặp ách nguy nan, nay lại thấy được lăng miếu, được tế tổ tiên, ơn ấy ngày ngày mong được báo đáp, xin đại hoàng đế cho thần được tới nơi kinh khuyết để chiêm ngưỡng thánh nhan để tỏ chút lòng thành, quì nghe lời dậy, thần thật không khỏi bồi hồi mong mỏi.
Kính cẩn tâu lên.
Càn Long năm thứ năm mươi ba, ngày hai mươi ba tháng Một.[20-12-1788]
Trong biểu tạ ơn này Lê Duy Kỳ xin được sang Tàu đến Bắc Kinh triều kiến vua Cao Tông nhà Thanh, lời văn hết sức khiêm tốn, hạ mình. Tôn Sĩ Nghị lập tức tâu ngay lên vua Càn Long kèm theo tờ biểu tạ ân của vua Chiêu Thống, coi như công tác tái lập Lê triều đã thành công mỹ mãn. Xem ngày giờ xít xao chỉ trong ba ngày mà tiếp thu Thăng Long, phong vương, tạ ân đủ biết nhà Thanh hết sức đắc ý về việc khôi phục kinh thành và đưa vua Lê lên ngôi trở lại.
Ðược tin Tôn Sĩ Nghị chưa đầy một tháng đã chiếm được Thăng Long, vua Cao Tông mừng rỡ lập tức giáng chỉ thăng cho Tôn Sĩ Nghị lên Nhất Ðẳng Mưu Dũng Công (一等謀勇公), thưởng cho mũ có gắn hồng bảo thạch, còn Hứa Thế Hanh thì thăng lên Nhất Ðẳng Tử Tước (一等子爵), các quan văn võ khác ai cũng được ban thưởng.
Ngày mồng 2 tháng Chạp [28-12-1788], Lê Duy Kỳ cũng viết một tấu thư khác, lần đầu tiên dùng ấn An Nam quốc vương để giao thiệp với Trung Hoa, dịch ra như sau:
Thần là Lê Duy Kỳ mới nhận chức An Nam quốc vương hoảng hốt rập đầu mà tâu rằng:
Tổ tiên nhà thần đời đời kế nhau được phong làm phiên, luôn luôn triều cống. Thế nhưng vì vận nước gặp phải tai ương, kẻ cuồng man xâm chiếm, thần một thân bôn đào, quyến thuộc chạy sang nội địa, may được phúc nhân của đại hoàng đế, lượng rộng mà bao biện cho, lập tức phái binh mã mấy tỉnh, tiễu trừ kẻ hung đồ xấu xa, mau chóng lấy lại quốc thành.
Thần lâu nay bôn ba rong ruổi, sức khó có thể tự đứng lên, chẳng dám cầu phong, nay được ban cho tước vương, lại thêm ấn sắc mới. Cái ân sủng đặc biệt vỗ về người trong nước đến kẻ xa xôi, cho chí kẻ phiên bang, cái đức tài bồi ấy xưa nay hiếm có. Từ nay trở đi, đời đời con cháu thần, mãi mãi là kẻ tôi đòi của thánh triều, bảo vệ bờ cõi, kính cẩn dâng biểu tạ ơn.
Ðược mặt trời sáng chói chiếu rọi, ân đức cao cả biết nhường nào, mùa xuân nay lại quay trở lại, cỏ cây nay lại tốt tươi, che chở xa dày, nguyện xin kết cỏ ngậm vành.
Kính duy hoàng đế bệ hạ đức như vua Thuấn ngày xưa, đem cái văn hoá nhà Chu trải ra bốn phía, pháp độ rõ ràng, người người hoà thuận, bao phủ cả đến bên ngoài,[10] xa gần thảy đều cảm phục, ánh sáng toả như cha mẹ khiến cho hạ quốc đều hướng về. Nghĩ đến thần nhiều đời lòng thành cung thuận, thương xót cho kẻ gặp lúc nguy nàn, không đợi đến thần phải kêu cứu, sớm sai nguyên nhung, chỉnh đốn lại cho làm phên giậu, cho mặc lại áo cũ, cái đức kế tuyệt hưng suy quả là hết sức, ơn cao dày xưa nay hiếm thấy ít nghe.
Thần gặp lúc nguy nan, may sao nay lại được phú quí, không biết làm thế nào để báo đáp, trong lòng mong mỏi được triều yết, mở miệng nói lời đội ơn.
Quay về đá ở Nam sơn mà ghi khắc, ngẩng lên Bắc khuyết để nhớ ơn, nguyện sẽ học tiếng Trung Thổ, không phải phiền người dịch lại, mãi mãi giữ mối cháu con để được hưởng phúc lâu dài, mãi mãi được trời cao soi rọi.
Kính cẩn dâng lên biểu tạ ơn này.
Càn Long năm thứ năm mươi ba, ngày mồng hai tháng Chạp.[11]
Lê Duy Kỳ cũng nhờ Tôn Sĩ Nghị và Tôn Vĩnh Thanh đệ trình lên vua Cao Tông xin năm tới (tức năm Kỷ Dậu, Càn Long 54) sẽ sai hoàng đệ Lê Duy Chỉ đưa một phái đoàn sang tiến cống theo lệ hai năm một lần để thay mặt quốc vương khấu đầu tạ ơn. Bản thân Lê Duy Kỳ xin được đích thân qua chúc thọ vua Cao Tông vào năm Canh Tuất [1790] là năm bát tuần đại khánh để tỏ lòng thành.[12]
Vua Chiêu Thống cũng cho anh vợ là Nguyễn Quốc Ðống sang Trung Hoa để đón gia quyến, thân nhân. Theo KDANKL, thái hậu, vương phi, nguyên tử … về đến Thăng Long đúng vào tối ba mươi Tết, chỉ vài ngày trước khi xuất bôn một lần nữa:
Lê Duy Kỳ sau khi tập phong lập tức sai bồi thần tiến quan, đón mẹ và quyến thuộc về nước được tuần phủ Tôn Vĩnh Thanh sai tri phủ Nam Ninh Cố Quì trên đường lo liệu mọi việc. Ngày trừ tịch tháng Chạp đến Lê thành, nghe nói mẹ con y tại bờ sông gặp nhau, cảm kích thiên ân của hoàng thượng, tình hình vừa buồn vừa vui, những người chứng kiến, ai cũng cảm động.[13]
Quân Thanh đóng trại
2. TÌNH HÌNH THĂNG LONG
Sau khi trở lại kinh đô, vua Chiêu Thống lập tức tổ chức lại triều chính, bổ nhiệm quan lại, thăng thưởng và trừng phạt theo từng trường hợp.[14] Tôn Sĩ Nghị cũng yêu cầu vua Lê thu góp binh lương, mộ lính, đóng thuyền để chuẩn bị tiến xuống Thuận Hóa.
Tôn Sĩ Nghị cũng bố cáo cho dân chúng biết về thắng lợi của quân Thanh, và khẳng định sẽ xử tử bất cứ ai tơ hào cành cây ngọn cỏ đồng thời hăm dọa không được chứa chấp hay ẩn lậu quân Tây Sơn[15] để yêu cầu dân chúng bắt nộp cho họ:
Các ngươi bị tặc phỉ làm hại đã lâu, nay đại binh tiến tiễu, ngoài số bị giết khi lâm trận, chạy trốn chắc là đông. Nếu ta ra lệnh cho quan binh đến các làng xóm tìm bắt, không khỏi gây chuyện phiền nhiễu. Chi bằng các thôn trại tự tra xét trói chúng đem trình ra, vừa để các ngươi hả lòng phẫn hận, vừa được miễn tội bao che, dấu diếm.[16]
Theo báo cáo của nhà Thanh, mỗi ngày dân chúng lùng bắt vài chục người giao lại để lập công. Những người đó đều bị chém đầu, tính ra phải đến vài trăm. Quân Thanh lại nhân cớ phòng gian bảo mật, bắt bớ những người dân nghèo làm nghề buôn bán lẻ, cắt tóc, bán thuốc hút … vu cho tội do thám rồi đem ra giết.[17]
Vì vua Chiêu Thống không có quân đội, Tôn Sĩ Nghị đã điều một nửa số “nghĩa dũng” tức là thành phần dân thiểu số do các châu, huyện đi theo quân Thanh sang đặt dưới quyền của Lê Duy Chỉ [em vua Lê mới đi theo Sầm Nghi Ðống trở về] làm túc vệ cho thêm thanh thế. Theo báo cáo của Tôn Sĩ Nghị, ông ta cũng đem những súng ống lấy được của Tây Sơn giao cho Lê Duy Kỳ để sử dụng.[18]
Ðể đáp lại, vua Lê cũng bốn lần mang bò gạo heo dê đến để Tôn Sĩ Nghị khao quân. Tôn Sĩ Nghị không nhận nhưng làm ngơ để cho các xưởng dân, Hoa kiều qua lại với triều đình An Nam một cách bán chính thức.[19] Ngoài ra, Lê Duy Kỳ còn sai Nguyễn Ðình Mai, Lê Duy Tông và Lê Xuân Kinh đem lễ vật và quà cáp lên tạ ơn tổng đốc Phú Cương ở An Biên.[20]
Về việc tập trung vật liệu, thuê mướn công nhân để đóng 40 chiếc đại thuyền chuẩn bị đem quân vào đánh Quảng Nam thì Lê Duy Kỳ thoái thác vì không có phương tiện nên nhà Thanh phải bỏ kế hoạch dùng đường thủy.
Với cách thức đối xử rất kẻ cả, Tôn Sĩ Nghị luôn luôn coi triều đình vua Chiêu Thống như một đám người vô năng, nhút nhát. Các kế hoạch hành quân được giữ bí mật khiến người ngoài chỉ thấy tướng lãnh Trung Hoa “bỏ qua những lời kêu than và vô tình trước những đại bại, chĩ biết kêu gọi Tư mã và quân Nam Kỳ đầu hàng hay ra giao chiến thử tài”.[21] Người ta thường hay nhắc đến hình ảnh quân Thanh chỉ lo chè chén, vui chơi nhân dịp Tết Nguyên Ðán và những giáo sĩ Tây phương cũng miêu tả quân Thanh “chỉ thao diễn hay vận động quân sự để phô trương”.
Sau này, ông tiến sĩ đầu triều là Lê Duy Ðản cũng cho rằng Tôn Sĩ Nghị đã nghe lời sàm nịnh của kẻ dưới, vua Lê thì trúng kế ly gián của Phan Khải Ðức, tướng sĩ kiêu ngạo là nguyên nhân của việc thua trận. Thực ra, chính sự cồng kềnh của tổ chức đưa đến những khó khăn mà quân Thanh không thể giải quyết được.
Các loại trang bị của quân Thanh
2.1. Chủ trương của Thanh triều
Lúc ban đầu vua Cao Tông đã ra lệnh cho Tôn Sĩ Nghị thừa thắng đánh xuống phương Nam “đảo huyệt cầm cừ” [đánh vào sào huyệt bắt đầu sỏ] để “nhất lao vĩnh dật” [công khó một lần mà mãi mãi thong thả]. Việc tiến quân quá dễ dàng khiến cho Thanh triều tưởng rằng chỉ cố thêm một chút thì sẽ đạt được toàn thắng. Có lẽ vua Cao Tông mong mỏi sẽ bắt được Nguyễn Huệ để tổ chức một đại lễ “hiến phù” như trước đây đã làm đối với các đầu mục Tân Cương. Tính toán sơ khởi cho thấy chuyện mở một đường tiến quân dài đến hơn 3,000 dặm, thêm 50 kho gạo và trạm truyền tin sẽ rất khó khăn tốn kém, nhất là thời tiết sắp vào mùa mưa, bệnh tật, lam chướng sẽ gây rất nhiều khó khăn cho đoàn quân viễn chinh.
Nếu kế hoạch thứ nhất không thực hiện được, Tôn Sĩ Nghị sẽ kêu gọi Nguyễn Huệ ra hàng rồi sau đó có thể công nhận cả hai nước: An Nam của nhà Lê và Quảng Nam của nhà Nguyễn [Tây Sơn]. Chính sách chia để trị, lấy nước này khống chế nước khác vốn dĩ là chủ trương lâu đời của Trung Hoa, lúc nào cũng muốn đóng vai trung tâm của thiên hạ [dưới vòm trời], các nước nhỏ quây quần chung quanh quay về như các vì sao chầu sao Bắc Thần.
Tuy nhiên, nếu có chiếm làm nội thuộc thì thuế má thu được cũng không đủ để chi phí cho tổ chức hành chánh, quân sự. Vả lại, vua Càn Long đã công khai nói rõ “không vì lợi đất đai hay dân chúng” nên vua Thanh đổi ý ra lệnh cho Tôn Sĩ Nghị lập tức triệt binh lấy lý do là mục tiêu “hưng diệt kế tuyệt, tự tiểu tồn vong” xem như đã xong.
2.1.1. Ýđịnh của Tôn Sĩ Nghị
Thoạt tiên, Tôn Sĩ Nghị cũng sai Tôn Vĩnh Thanh điều động 3,000 quân thủy từ Quảng Ðông xuống biên giới và chuẩn bị phu phen để lo việc thiết lập đài trạm, dịch trạm tiến xuống Thuận Hóa. Ðể diệu võ dương oai, ngày ngày quân Thanh duyệt binh, tập luyện nhưng thực ra họ cũng không còn bụng dạ nào để chiến đấu mà chỉ trông ngóng sớm trở về quê hương bản quán.
Khi tính toán binh lương, Tôn Sĩ Nghị thấy rằng số lượng gạo dành cho quân đội thực tế chỉ chưa đầy 1/5 số gạo dành cho phu phen, chưa kể tiền muối rau thành phí tổn quá cao nếu muốn duy trì một trục lộ dài 3000 dặm.[22] Việc đưa quân vào Thuận Hóa nay trở thành một nạn đề nhưng ông ta không dám đề nghị ban sư khi công việc chưa hoàn tất.
Dẫu thế, Tôn Sĩ Nghị biết rằng một khi rút về, Nguyễn Huệ đem binh quay lại thì vua Lê sẽ không thể nào đương cự nổi và mọi sự đâu lại hoàn đấy. Nhà Thanh dù rộng rãi thế nào chăng nữa cũng không thể đem quân sang một lần nữa, công của ông ta hóa ra “xôi hỏng bỏng không”. Chính vì lo ngại tình hình sẽ xấu đi một khi quân Thanh rút về nên Tôn Sĩ Nghị đã nấn ná chờ Nguyễn Huệ xin thần phục. Do đó, Tôn Sĩ Nghị xin vua Càn Long được ở thêm một tháng để giúp vua Chiêu Thống ổn định tình hình, thu phục những nơi chưa hoàn toàn ổn định cốt kéo dài thời giờ để mong rằng Thanh triều sẽ có kế hoạch khác ổn thỏa hơn.
2.1.2. Quyết định triệt binh của vua Càn Long
Sau khi đọc những báo cáo từ mặt trận gửi về, vua Càn Long và triều đình cũng thấy việc “đánh vào sào huyệt địch bắt đầu sỏ” đem về kinh như khi đánh Tân Cương không thể thực hiện được. Dù tự hào là kho đầy, nước thịnh nhưng nếu sa vào một cuộc chiến kéo dài ở phương nam, công việc tổ chức một đại lễ Bát Tuần Khánh Thọ huy hoàng có thể trở ngại nên vua Càn Long hạ chỉ ra lệnh cho Tôn Sĩ Nghị giả vờ như đem quân đi tuần tra biên giới rồi nhân đó rút về nước:
Trước đây Tôn Sĩ Nghị tâu lên Quảng Nam đường sá xa xôi hiểm trở, đại binh hành quân vào sâu khó khăn nên trẫm đã giáng chỉ dụ lệnh cho Tôn Sĩ Nghị, giả vờ làm như tiến quân, tìm cách vời lại, nếu như Nguyễn Huệ sợ hãi, ra mặt cam kết, nhận tội xin hàng thì có thể coi như việc đã hoàn thành.
Lại dụ cho Tôn Vĩnh Thanh thám thính tin tức triệt binh của Tôn Sĩ Nghị để theo đó mà việc nhân phu, ngựa kéo cũng ngừng lại. Hôm nay xem lời tâu của Tôn Vĩnh Thanh về việc quân doanh lương đài, số phu cần dùng đến hơn 10 vạn người, bản tỉnh khó mà lo được nên cần phải có tỉnh Quảng Ðông hiệp trợ, xem tình hình như thế, từ Lê thành đến Quảng Nam đường sá xa xôi việc biện lý thật là trở ngại, không cần phải mọi nơi ùn ùn trưng điều người khiến cho hao tốn, mệt nhọc.
Vậy truyền dụ cho Tôn Sĩ Nghị nhận được chỉ này nếu như đã từ Lê thành tiến quân rồi thì giả vờ tuần tra biên giới tìm cách triệt binh. Nếu như nhân phu lương hướng chưa đến đủ thì đừng tiến binh, tổng đốc hãy dụ lệnh cho quốc vương chấn tác tự cường, liệu sắp xếp cho ổn thỏa, phòng bị biên giới cho nghiêm mật rồi lập tức triệt binh về Việt [Quảng Tây], một mặt thông tri cho quan binh cánh quân tỉnh Ðiền cũng đồng thời rút về. Sốn nhân phu tỉnh Quảng Ðông giúp cho hãy truyền dụ cho Tôn Vĩnh Thanh, Ðồ Tát Bố không cần phải lo nữa.[23]
Sự thay đổi liên tục ba kế hoạch khác nhau, lúc đầu thì muốn “đảo huyệt cầm cừ, nhất lao vĩnh dật”, sau đó lại tính chuyện chiêu hàng rồi cuối cùng là rút quân một cách bí mật cho thấy việc đem quân sang nước ta không phải là một kế hoạch được Quân Cơ Xứ Thanh triều trù liệu chu đáo mà chỉ là cảm hứng nhất thời của vua Cao Tông do gợi ý của Tôn Sĩ Nghị. Vì thế vua Càn Long chỉ xử phạt Tôn Sĩ Nghị rất nhẹ và tìm đủ mọi cách để đạt được một thắng lợi ngoại giao ngõ hầu có thể tự hào là “thắng mà không cần dụng binh”.
2.2. Vua Lê và các thế lực Cần Vương
Sách vở nước ta viết nhiều về vua Chiêu Thống và các bầy tôi khi ở Thăng Long, phần lớn là những chi tiết không mấy gì làm vẻ vang. Thực ra ngay trong thời điểm quan trọng này, vai trò của nhà Lê và các lực lượng cần vương cũng chỉ hòan toàn phụ thuộc, không được tham gia vào những quyết định lớn. Những khó khăn nhà Thanh phải đối diện về quân lương, phu dịch vua Lê và người chung quanh chỉ biết rất mơ hồ và kế hoạch triệt binh của vua Càn Long cũng không được tiết lộ. Trong khi đó ở các tỉnh Quảng Tây, Quảng Ðông, Vân Nam … và ngay tại Thăng Long vẫn tiếp tục có những công tác bề mặt để che dấu những chuẩn bị mới. Hãy xem một việc nhỏ là kế hoạch đưa Lê Duy Cẩn sang Trung Hoa an tháp để biết lối phòng gian bảo mật của Tôn Sĩ Nghị:
Còn việc thần khâm phụng dụ chỉ, ra lệnh cho đưa Lê Duy Cẩn về nội địa đủ thấy hoàng thượng vì vua nước này mà trù liệu vạn toàn. Khi quốc vương kia xuất thành đến nơi quân doanh của thần ở bờ sông, thần liền ngay tận mặt viết một tờ giấy mật truyền ân chỉ cho tòng quan ở ngoài trướng không biết, để y một mình đọc mà thôi.
Lê Duy Kỳ cũng chính tay viết trả lời cảm kích ca tụng lòng nhân của hoàng thượng lo nghĩ cả đến việc sâu xa. Ý của y là Lê Duy Cẩn là người ngốc nghếch [nguyên văn xuẩn ngu – 蠢愚] dễ dàng quản thúc, hiện nay xem xét cử động không thấy có thái độ gì khác, lúc này hãy để yên không đụng chạm đến, nếu như tương lai có dấu hiệu khả nghi, lúc ấy hãy bắt giữ trừng trị.
Thần viết trả lời rằng tuy Lê Duy Cẩn là kẻ vô năng nhưng y lại dễ bị người dẫn dụ lừa dối, kẻ bên ngoài có thể lợi dụng danh nghĩa mưu tính việc nọ kia, gây họa không nhỏ. Vậy hãy tuân chỉ để khi thần triệt binh đưa y nhập quan an tháp để khỏi ai xúi bẩy, dứt các mối manh gây loạn.[24]
Cũng vì xét đoán theo bề ngoài như thế, Ngô Cao Lãng đã viết trong Lịch Triều Tạp Kỷ:
… Khi ấy tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị đã thu được đô thành Thăng Long, tự cho là xong xuôi mọi việc, giữ quân ở Tây Long không có ý ngó ngàng tới phương Nam nữa. Các thần dân ứng nghĩa của 4 trấn Thanh Nghệ hàng ngày tới trước cửa quân doanh xin cho tiến quân vào Nam, đều bị Nghị bỏ qua không đếm xỉa tới. Vua Chiêu Thống ngày đêm van xin, Nghị cũng nói khéo để thoái thác …[25]
Việc được giao lại một chính quyền để tổ chức và ổn định trong một thời gian gấp rút đã gây ra rất nhiều khó khăn cho vua Lê. Ngoài một số văn quan giỏi từ chương hơn cai trị, vua Chiêu Thống gần như không có một chỗ dựa nào khác. Ngay cả việc nuôi ăn số nghĩa dũng được Tôn Sĩ Nghị giao cho cũng đã là một gánh nặng. Các khu vực khác thì thổ hào vẫn là chính, quan lại bổ nhiệm chỉ cho có mặt.
Theo Bắc Hành Tùng Ký, vua Chiêu Thống giao cho Lê Quýnh lo việc binh lương để gấp kỳ tiến đánh nhưng Tôn Sĩ Nghị gọi vua Lê bắt phải thu lại ấn, đổi làm bình chương sự. Sự thay đổi đó ít nhiều đưa đến những bất hoà giữa vua Lê và Lê Quýnh mà người ngoài cho rằng nguyên nhân chính là việc Lê Duy Kỳ chỉ lo “đền ơn báo oán”, không lo đến chuyện đại sự. Có lẽ vì bất mãn, nhân đang sốt rét, Lê Quýnh về quê ông ở Ðại Mão để chữa bệnh.
Theo lời tâu của Tôn Sĩ Nghị [lúc này ông ta đã đổi sang làm tổng đốc Tứ Xuyên] ngày mồng 3 tháng giêng năm Càn Long thứ 55 [16-2-1790] thì:
Năm trước, Lê Quýnh đưa mẹ và vợ Lê Duy Kỳ đến gõ cửa quan cầu cứu. Thần [Tôn Sĩ Nghị tự xưng] đến biên ải Việt Tây [tức biên giới tỉnh Quảng Tây] xem xét cựu thần nhà Lê, chỉ thấy Lê Quýnh ngôn từ, cử động có vẻ khí khái, xem ra nhanh nhẹn tháo vát nên đã sai đi theo đường Quảng Ðông về nước tìm chủ.
Thần cũng tuân theo thánh ân cấp cho Lê Quýnh tiền bạc phí tổn nên khi gặp Lê Duy Kỳ rồi trở qua báo tin liền cho y theo làm hướng đạo. Về sau không thấy Lê Duy Kỳ đâu nên thần đã sai y đi tìm, mãi đến khi thần tiễu sát qua sông, khắc phục Lê thành [tức thành Thăng Long] rồi, Lê Quýnh lúc bấy giờ mới cùng Lê Duy Kỳ đến quân doanh.
Nguyên do là vì bọn họ dò thám thấy quân địch đóng ở các sông Thọ Xương, Thị Cầu, Phú Lương thế mạnh, nghĩ rằng quan binh không thể thắng nổi nên không dám ra. Thần biết ngay bọn Lê Quýnh trước đây qua cửa ải, nói khoác rằng ở xứ này nghĩa sĩ tụ tập, một khi đại binh đến nơi sẽ đứng lên tiếp tay đánh giặc là điều không thực.
Thần đóng binh ở bờ sông Lê thành, Lê Quýnh lúc đầu có đi theo Lê Duy Kỳ đến yết kiến mấy lần, sau đó mất tăm không thấy nữa. Thần mới hỏi Lê Duy Kỳ thì nghe nói Lê Quýnh bị sốt rét nặng, hiện đang ngoạ bệnh. Thần nghĩ lúc này Lê thành mới khôi phục, quân giặc chưa trừ xong, đâu phải là lúc lặng thinh chữa trị, nên mới truyền cho y đến bờ sông, trách mắng các ngươi khi còn ở nội địa [tức ở Trung Hoa] từng bẩm là một khi đại binh xuất quan, người trong nước sẽ vân tập hưởng ứng, thế mà mấy lần cùng giặc huyết chiến, nào có thấy các ngươi tụ tập nghĩa dũng, để trợ thanh uy đâu?
Ðến bây giờ lại cáo ốm không ra, đủ biết các ngươi không chút thiên lương, phụ lòng đại hoàng đế giúp cho sự mất còn của kẻ yếu. Thần nặng lời mắng mỏ, Lê Quýnh phục xuống đất dạ dạ, khăng khăng nói là quả thực bị bệnh. Thần lại gặng hỏi kỹ càng, Lê Quýnh [ngươi] tuy có ốm thật nhưng [có phải] vì khi Lê Duy Kỳ được nước rồi, lại không hết lòng uỷ nhiệm nên mới thoái thác?
Thần xem y tính khí không biết đại thể, lòng dạ bạc bẽo. Lại nghe Lê Duy Kỳ ở kinh thành, tru lục mấy kẻ bạn thần là do mấy kẻ tuỳ tòng như bọn Lê Quýnh ở bên cạnh xúi biểu nên lập tức ngăn Lê Duy Kỳ không cho làm nữa. Lại viết một bài dụ mấy trăm câu, chỉ cho y biết lúc này cần phải đối xử khoan dung, thu phục nhân tâm để an lòng kẻ phản trắc, tuyệt đối không được toan tính chuyện trả thù khiến cho lòng dân phản bạn, thân thích chia lìa.
Lê Duy Kỳ vâng lời, cầm tờ dụ của thần viết đi ra.[26]
TS Nguyễn Duy Chính
[1] La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn tập II (1998) tr. 879-880. Có lẽ Lê Quýnh viết chệch đi một ngày để khỏi tiết lộ việc hai thầy trò vào gặp Tôn Sĩ Nghị vào đêm hôm trước có vẻ không được đắc thể.
[2] Hai sứ thần Trần Danh Án và Lê Duy Ðản phải ăn mặc rách rưới để len lỏi núi rừng sang Trung Hoa.
[3] trong sách viết nhầm là Phú Thần, hai chữ thần 辰 và lương 良 hơi giống nhau
[4] Nguyên văn 天兵下寨富辰江北賊渠衆宵遁進復京城奉駕御萬夀殿行册封禮 (thiên binh hạ trại Phú Thần giang bắc, tặc cừ tất chúng tiêu độn, tiến phục kinh thành, phụng giá ngự Vạn Thọ điện hành sách phong lễ). Lê Duy Ðản: Sứ Diêu Hành Trạng (YHVH), quyển VI (2010) tr. 180
[5] KDANKL, quyển IX, tr. 10-11
[6] Thượng Dụ Ðáng, CCBVV. Trang Cát Phát, TTVC, tr. 370-1
[7]臣親送進城。黎維祁率該國官民。跪伏道旁。迎至該國王正屋。望闕三跪九叩衹領訖。並敬具表文。交到臣處 … (thần thân tống tiến thành. Lê Duy Kỳ suất cai quốc quan dân. Quỵ phục đạo bàng. Nghinh chí cai quốc vương chính ốc. Vọng khuyết tam quỵ cửu khấu kỳ lãnh cật. Tịnh kính cụ biểu văn. Giao đáo thần xứ) KDANKL, quyển 10, tr. 14
[8] Quân Cơ Xứ , CCBVV. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 371-2.
[9] nhắc lại tích Thân Bao Tư cầu viện nước Tần đem quân đánh nước Ngô để cứu nước Sở thời Xuân Thu. Tạ Mẫn Hoa – Uông Hiển Huy (chủ biên), Trung Hoa thành ngữ điển cố đại toàn. (2003) tr. 930.
[10] ở đây biểu văn dùng rất nhiều điển như vua Thuấn, nhà Chu, quẻ Càn, Ðại Ðồng, Khôn … đều là nói về thời thịnh trị nên chúng tôi chỉ dịch thoát.
[11] Quân Cơ Xứ, CCBVV. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 372.
[12] Quân Cơ Xứ, CCBVV, tờ trình của Lê Duy Kỳ đề ngày 24 tháng Chạp năm Càn Long thứ 53. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 372-3.
[13] KDANKL, quyển 12 tr. 23-4
[14]… Nhà vua đã khôi phục được nước, bèn hạ lệnh thăng chức cho bầy tôi đi hộ giá:
– Phạm Ðình Dữ lên bình chương sự, thượng thư bộ Lại.
– Lê Duy Ðản và Vũ Trinh lên tham tri chính sự.
– Nguyễn Ðình Giản lên thượng thư bộ Binh, tri Xu mật viện sự.
– Trần Danh Án, lên phó đô ngự sử.
– Lê Quýnh lên Trung quân đô đốc, tước Trường phái hầu. Ngoài ra đều được thăng chức có cao thấp khác nhau.
Liền đó nhà vua sai trị tội những người hàng giặc:
– Ngô (Thì) Nhậm và Phan Huy Ích đều truất về làm dân.
– Nguyễn Hoãn bị bãi mất tước Quận công.
– Phan Lê Phiên bị giáng xuống Ðông Các học sĩ.
– Mai Thế Uông bị giáng xuống Tư huấn.
CM II (1998) [quyển XLVII] tr. 839-42
[15] Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ …” Một Vài Sử Liệu … (1992) tr. 202
[16] KDANKL, quyển IX, tr. 6
[17] Trần Nguyên Nhiếp, An Nam Quân Doanh Kỷ Lược. Bản chép tay thư viện Harvard-Yenching [Tạp Sử, 2404]
[18] KDANKL, quyển XII, tr. 22-3
[19] KDANKL, quyển XI, tr. 28
[20] KDANKL, quyển XII, tr. 28
[21] Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ …”. Một Vài Sử Liệu …(1992) tr. 205.
[22] KDANKL, quyển XI, tr. 25
[23] KDANKL, quyển X, tr. 27
[24] KDANKL, quyển XII, tr. 11-2
[25] Ngô Cao Lãng, Lịch Triều Tạp Kỷ (Hoàng Văn Lâu dịch) (2005) tr. 585
[26] KDANKL, quyển XXVI, tr. 1-3