Tuy vậy, mọi cặp mắt của giới quan sát và nghiên cứu chính trị thế giới hầu như vẫn dõi về một nơi khác: châu Á.
Lý do đầu tiên là vì sự chuyển hướng chiến lược của Mỹ: sau hơn nửa thế kỷ tập trung vào châu Âu (thời Chiến tranh lạnh) và một thập niên tập trung vào Trung Đông (thời chống khủng bố), Mỹ chính thức thừa nhận tương lai của họ, cũng như của cả thế giới, trong ít nhất vài ba thập niên tới là ở châu Á. Chính châu Á, chứ không phải là bất cứ một nơi nào khác trên thế giới, trở thành một thao trường thách thức vị thế lãnh đạo số một của Mỹ, và nếu có một cuộc chiến tranh lớn – mang tầm khu vực, hoặc rộng hơn, cả thế giới – bùng nổ, châu Á sẽ trở thành một chiến trường chính.
Trong năm 2012, Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton đi thăm các nước châu Á dồn dập. Giữa tháng 11, chỉ hai tuần sau khi thắng cử nhiệm kỳ 2, Tổng thống Barack Obama đi thăm ba nước Á châu: Thái Lan, Miến Điện và Campuchia.
Tất cả các cuộc thăm viếng chính thức ấy đều nhằm vào mấy mục đích chính:
- Một, chứng tỏ quyết tâm của Mỹ trong việc trở lại với châu Á;
- hai, tìm kiếm các đồng minh mới cũng như củng cố quan hệ với các đồng minh cũ của Mỹ ở châu Á;
- ba, tăng cường quan hệ hợp tác trên cả ba lãnh vực: kinh tế, chính trị và quân sự với châu Á qua đó, bảo vệ vị thế lãnh đạo của Mỹ không những chỉ ở châu Á mà còn cả trên thế giới trong những thập niên sắp tới;
- và bốn, quan trọng nhất, nhưng lại ít được nói ra một cách công khai nhất, là nhằm kiềm chế, nếu không muốn nói là bao vây Trung Quốc.
Bên cạnh các biện pháp ngoại giao là các biện pháp quân sự:
- Một, Mỹ điều thêm chiến hạm và các lọai vũ khí trên biển đến vùng biển Thái Bình Dương;
- hai, xây dựng hoặc phát triển các căn cứ quân sự tại vùng châu Á – Thái Bình Dương;
- và ba, tăng cường hợp tác quân sự với các nước trong khu vực.
Lý do thứ hai là sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc. Trung Quốc bao giờ cũng nói họ phát triển một cách hòa bình, trong hòa bình, nhắm tới hòa bình và nhằm xây dựng một thế giới hòa bình. Nhưng hành động của họ, đặc biệt trong năm 2012, thì khác hẳn. Họ mưa toan xâm lấn cả vùng Đông Hải lẫn Nam Hải. Họ gây hấn và đe dọa hết nước này đến nước khác. Họ đưa tàu đánh cá và tàu hải giám đến bãi đá cạn Hoàng Nham (Scarborough) của Philippines. Họ cũng đưa tàu đánh cá và tàu hải giám đến quần đảo Điếu Ngư (Diaoyu/Senkaku) của Nhật Bản. Ở cả hai nơi, họ đều muốn giành chủ quyền. Trầm trọng nhất là đối với Việt Nam. Họ khẳng định chủ quyền trên cả hai quần đảo vốn thuộc về Việt Nam: Hoàng Sa và Trường Sa. Họ áp đặt chủ quyền trên cả vùng Biển Đông, qua con đường lưỡi bò gồm 9 đoạn, bao trùm lên toàn bộ lãnh hải Việt Nam. Họ cắt dây cáp ngầm thăm dò dầu khí của Việt Nam. Họ cấm ngư dân Việt Nam đánh cá ngay trên vùng biển vốn thuộc về Việt Nam. Họ đánh chìm tàu đánh cá Việt Nam. Họ bắt các ngư dân Việt Nam và đòi tiền chuộc. Họ còn tuyên bố, bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 2013, họ sẽ bắt giữ mọi tàu bè lưu thông “bất hợp pháp” trên Biển Đông, kể cả tàu bè quốc tế.
Thứ ba, trước những thái độ và hành vi gây hấn ngang ngược của Trung Quốc, một số các nước châu Á đã phản ứng quyết liệt. Quyết liệt nhất là Philippines và Nhật Bản. Cả hai đều cương quyết ngăn chận âm mưu xâm lấn của Trung Quốc cũng như tích cực đẩy mạnh quá trình liên minh với Mỹ để tăng cường sức mạnh tự vệ của mình. Chiến thắng vang dội của Thủ tướng Shinzo Abe trong cuộc bầu cử mới đây cho thấy dân chúng Nhật đã chọn phản ứng cứng rắn trước các âm mưu bành trướng của Trung Quốc.
Ngoài Nhật Bản và Philippines, phần lớn cả các quốc gia khác ở châu Á đều tìm cách tự vệ qua hai biện pháp chính:
- Một là phát triển tiềm lực quốc phòng bằng cách mua thêm các loại vũ khí và thiết bị quân sự mới cho một cuộc chiến trên biển;
- và hai là xây dựng hoặc củng cố các khối liên minh quân sự, trong đó, nổi bật nhất là hai khối liên minh: thứ nhất là giữa Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và Úc và thứ hai là giữa ba nước Úc-Nhật Bản-Ấn Độ.
Bạch thư của một số quốc gia, ví dụ như Úc, đều nhấn mạnh: Thế kỷ 21 này chủ yếu là thế kỷ châu Á. Nói là thế kỷ 21, nhưng tất cả đều bắt đầu nổi rõ từ năm 2012 vừa qua.
Có thể nói tóm tắt thế này: năm 2012 là năm khởi đầu một thế trận mới cho, nếu không phải là cả thế kỷ thì ít nhất cũng là vài ba thập niên sắp tới.