Ông Henry Kissinger, trưởng phái đoàn Hoa Kỳvà Ông Lê Đức Thọ, trưởng phái đoàn CSBV, họp mật bên lề cuộc hòa đàm Paris. Hình Corbis
Cuộc tranh luận trên Internet về việc phục hồi Hiệp Định Paris 1973 bắt đầu sau khi bản tin “Hội nghị Diên Hồng: Bầu Ủy Ban Lãnh Đạo Lâm Thời VNCH” của Việt Báo tường thuật rằng một hội nghị mệnh danh là Hội Nghị Diên Hồng Hải Ngoại được tổ chức tại Little Saigon, Westminster, California đã bầu ra Ủy Ban Lãnh Đạo Lâm Thời VNCH. Một trong nhiệm vụ của ủy ban này là phục hồi Hiệp Định Paris 1973 và tái lập lại VNCH ở miền Nam Việt Nam. Qua cuộc tranh cãi sôi nổi, người ta thấy chủ trương hoang tưởng này xem ra sẽ chết yểu, như đa số chúng ta đã dễ dàng nhìn thấy ngay từ đầu.
Ý kiến của độc giả
Tôi viết ba bài bình luận về chính phủ lưu vong và việc phục hồi Hiệp Định Paris.(1) Những bài này được phổ biến rộng rãi trên Internet. Riêng trên mạng Đàn Chim Việt, ba bài này đã thu hút khá nhiều người đọc và nhận được tổng cộng khoảng trên 500 ý kiến.
Những người chống đưa ra những lý luận rất vững chắc. Họ đóng góp ý kiến để xây dựng trong tinh thần dân chủ. Nhưng những người ủng hộ tiếc thay không đưa ra một lý luận nào cụ thể nào. Trái lại, có người chỉ trích một cách đơn giản rằng những ai không đồng ý là những kẻ phá đám hoặc “làm không nổi thì hãy im lặng để người khác làm, không nên bàn ra tán vào làm nhụt chí của những người có nhiệt tình với đất nước và đồng bào.”
Một độc gỉa với bút hiệu Thượng Đình viết: “Những người mơ ước trở lại Hiệp Định Paris dựa vào Điều 9a (‘Quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm’), và Điều 9b (‘Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của miền Nam Việt Nam thông qua tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ, có quốc tế giám sát’). Tuy nhiên, Hiệp Định Paris 1973 đã bị khai tử từ ngày 8-1-1975.Việt Nam đã thống nhất vào năm 1976 và gia nhập LHQ vào 1977.Hoa Kỳ cũng đã công nhận Hà Nội vào năm 1995 rồi.Ủy Ban Luật Gia Vận Động Vãn Hồi Hiệp Định Paris 1973 đã cố gắng vận động quốc tế vào năm 1986-1987. Ủy Ban Luật Gia Bảo Vệ Dân Quyền cũng đã cố gắng vận động Tòa Án Công Lý Quốc Tế và chính phủ Hoa Kỳ vào năm 1989 và 1990. Hơn 20 năm sau, Ủy Ban Lãnh Đạo Lâm Thời Việt Nam Cộng Hòa (UBLĐLTVNCH) bỏ công bỏ của một lần nữa vào chuyện một cách vô ích. Các ông các bà đang đi trên mây.”
“UBLĐLTVNCH chủ trương lấy lại miền Nam, còn để mặc miền Bắc cho CSVN.Nghĩa là lại muốn một lần nữa chia đôi đất nước.Vấn đề không còn phải là hoang tưởng nữa mà là điên khùng. Bây giờ thử dẹp cái chính phủ lưu vong của các ông đi và thay vào đó một ủy ban đặc nhiệm tầm thường, liệu các ông các bà này con hăng say đến mù quáng nữa hay không?”
Bốn phái đoàn họp để ký Hiệp Định Paris 1973. Trưởng phái đoàn Hoa Kỳ là Bộ Trưởng Ngoại Giao Henry Kissinger.Trưởng phái đoàn VNCH là Phó Thủ Tướng Nguyễn Lưu Viên.Trưởng phái đoàn CSBC là Ông Lê Đức Thọ. Trưởng phái đoàn MTGPMN là Tướng Nguyễn Văn Hiếu. Hình Corbis
Một độc giả ký tên Trung Kiên viết: “Không cần suy nghĩ, tôi dám khẳng định là… không thể thực hiện được, nếu không muốn nói là ‘hoang tưởng’. Với tôi, Hiệp Định Balê 1973 đã chìm vào dĩ vãng và chỉ còn giá trị lịch sử mà thôi! Cho dù được Mỹ, Pháp hỗ trợ khơi dậy…thì cũng chỉ để bàn cho vui! Thiển nghĩ, với quân đội hùng hậu, phản lực chiến đấu, xe tăng thiết giáp mà còn không cản được tham vọng của CSVN, thì “vận động quốc tế” bằng nước bọt…cũng bằng thừa, tốn hơi hao của! Ai, hay lực lượng nào có khả năng ép CSVN phải trở lại Hiệp Định Paris? Có con thú nào chịu nhả con mồi khi nó đã ngoạm trong miệng, nếu không bị đánh đau thừa chết thiếu sống? Đừng mơ tưởng viễn vông, dối mình lừa người! Không hiểu các ông LS nghĩ thế nào mà vẫn hoài vọng hoang tưởng như thể?Đồng ý với tác giả Nguyễn Quốc Khải rằng …”lội ngược dòng là chết. Tương kế tựu kế là sách lược khôn ngoan cho một quốc gia nhỏ bé và chậm tiến như Việt Nam trong tình trạng hiện nay. Về mặt quốc nội, yểm trợ những nhà dân chủ kiên cường ở trong nước là quốc sách.”
Một độc giả với bút hiệu Trực Ngôn viết: “Chính vì ‘thằng CSVN chết đến đít rồi’ nên không cần phục hồi lại cái Hiệp Định Paris 1973, mà cần đoàn kết để hất bỏ thằng CSVN!”
Ông Rambo Trần châm biếm như sau: “Các cụ và bô lão chính trị sa lông quen thói hoang tưởng và luôn sống trong thế giới mộng mơ … Thôi !Kệ các cụ tuổi lớn về hưu không có gì để làm, con cháu đi làm cả ngày các cụ và các bô lão chính trị gia sô lông rỗi nên tụ họp bàn cải để giết thời gian.Đừng nặng lời các cụ vì người ta nói khi các cụ càng lớn tuổi thì lại càng lú lẩn.”
Một độc giả với bút hiệu là Tào Lao nghi ngờ rằng: “Những người cổ súy cho việc này đâu phải vì mục đích như họ đưa ra, biết bao sự kiện khác cũng vậy thôi, ở đâu cũng có kẻ ham tiền, ham quyền, ham danh, ham lợi và họ múa may quay cuồng đủ mọi cách để đạt được điều đó!”
Phản ứng trắc tréo của Ông Nguyễn Ngọc Bích
Ô. Nguyễn Ngọc Bích đã viết bốn bài liên quan đến Hiệp định Paris 1973.(2) Tất cả các bài này đều có tựa đề rất kêu như danh xưng UBLĐLTVNCH, nhưng nội dung “cà kê dê ngỗng”, không có chủ điểm, lạc đề, thiếu mạch lạc, rất khó theo dõi. Một độc giả với bút hiệu là Phạm Hùng nhận xét: “Một bài bình luận mà ông Bích viết như là nói chuyện ê a với vợ con ở nhà. Ông thường viết lung tung, rồi đột nhiên đổi đề tài và đột nhiên kết luận, nên lập luận của ông khó thuyết phục người đọc.” Ô. Nguyễn Ngọc Bích lại cố tình tránh né những câu hỏi độc gỉa nêu ra. Thí dụ như:
(a) Việc phục hồi Hiệp Định Paris hoang tưởng hay khả thi? Nếu khó thực hiện thì khó ở những điểm nào và vì sao?
(b) Chính Phủ VNCH (lưu vong) mà ô. Bích là một thành viên, đã làm được gì trong bốn năm vừa qua, đặc biệt về việc vận động phục hồi Hiệp Định Paris 1973?
(c) Tại sao ô. Bích lại tách ra khỏi Chính Phủ VNCH (lưu vong) để lập UBLĐLTVNCH và cũng để vận động phục hồi Hiệp Định Paris 1973?
(d) Những việc vân động 20 năm trước đây đã thất bại, tại sao bây giờ ô. Bích vẫn muốn lập lại công việc này? Ô. Bích đã hỏi ý kiến những người đi trước ông như GS Vũ Quốc Thúc và LS Nguyễn Hữu Thống chưa?
(e) Ô. Bích đã gập ô. Phạm Gia Khiêm, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Ngoại Giao của CSVN vào tháng 3, 2007. Mục tiêu để làm gì và kết quả ra sao?Tại sao Ông Bích tiếp tục dấu kín chuyện này trong năm năm nay cho đến bây giờ.Chuyện này có liên quan gì đến việc từ chức của một số người trong Ban Chấp Hành của Nghị Hội Toàn Quốc Người Việt tại Hoa Kỳ không?
Người ta nhớ lại chuyện Ông Đỗ Ngọc Yến, cố chủ nhiệm tờ báo Người Việt, bí mật gặp một số viên chức cao cấp Cộng Sản vài năm trước đây. Tin này chỉ bị tiết lộ ra ngoài khi có sự xung đột nội bộ của tờ báo này.
Ô. Bích thỉnh thoảng lại ngụy tạo ra một vài tình tiết trong bài ông viết để cố ý gây hiểu lầm và tạo hiềm khích để ly gían. Thí dụ như trong bài “Giải pháp VNCH: hoang tưởng, vô vọng hay chỉ là khó” ô. Bích bảo tôi chê các ông Vương Văn Bắc, Vũ quốc Thúc, Lâm Chấn Thọ, Nguyễn Hữu Thống, v.v. “không hiểu gì luật quốc tế, về ngoại giao, về thủ tục LHQ” bằng tôi. Nhưng trong cả ba bài của tôi, không có chỗ nào tôi viết như vậy. Trái lại, tôi còn khuyên ông Bích nên tham khảo những vị này. Họ là những người trí thức được kính trọng của miền Nam Việt Nam và đáng bậc thầy của ông Bích.Chính tôi đã liên lạc trực tiếp với họ và dựa khá nhiều vào những tài liệu và sách của họ khi viết ba bài bình luận.
Trong một bài tôi có tường thuật rằng “Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam chính thức bị giải tán vào ngày 25-4-1976.” Chỉ có vậy, nhưng trong bài “Hiệp Định Hòa Bình Paris 1973 và những sự thật phũ phàng” ô. Bích lại dựng đứng lên rằng tôi đổ trách nhiệm về chuyện này cho VNCH. Thật là khôi hài.
Cũng trong bài “Hiệp Định Hòa Bình Paris 1973 và những sự thật phũ phàng” Ông Bích kết tội tôi “do cảm hứng đã bịa đặt hoàn toàn” ra vụ phát thanh bài hát I’m Dreaming of a White Christmas dùng để báo động về cuộc di tản của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ vào ngày 29-4-1975. Trong khi đó sự việc này có thật. Ô. Frank Snepp, một cựu nhân viên CIA của Mỹ tại Việt Nam ở lại Saigon cho đến ngày chót, đã tường thuật như vậy trong tài liệu giới thiệu cuốn sách “Decent Interval” và ngay chính trong cuốn sách này.(3) Ông Bích không hiểu được rằng tôi không có một lý do gì bịa đặt ra cuộc báo động di tản, một chuyện vô thưởng vô phạt đối với cuộc tranh luận. Ông Bích đã sai lầm mà lại còn kết tội đối phương. Cho đến hôm nay, rất tiếc ông vẫn chưa có một lời xin lỗi.
Trong các bài tôi viết, tôi đều nói là CSVN trắng trợn vi phạm Hiệp Định Paris chỉ ít lâu sau khi được ký kết khiến vào đầu 1974 Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã phải tuyên bố hiệp định này vô gía trị. Đến khi CSBV xua quân tràn qua sông Bến Hải vào đầu tháng 4, 1975 trước sự làm ngơ của cả thế giới, Hiệp Định Paris 1973 đã bị khai tử từ ngày đó.
Tuy nhiên trong bài “Hiệp Định Paris 1973 Cộng Sản càng muốn quên thì ta càng phải nhắc,”ông Bích bịa đặt trắng trợn và ngây ngô rằng tôi cho Hà Nội có quyền xé bỏ Hiệp Định Paris và thôn tính miền Nam. Ông Bích viết nguyên văn như sau: “Ông [Nguyễn Quốc Khải] cho Hà Nội làm thế (thôn tính miền Nam) là họ có quyền, nghĩa là có quyền xé bỏ cả lời cam kết long trọng của họ (với chữ ký của họ).” Thật là xấu hổ.Tôi nhận thấy ông Bích có nhiều khả năng làm một CAM (công an mạng) hơn là một thủ tướng, dù là lâm thời, của VNCH.
Nhiều người muốn biết Chính Phủ VNCH (lưu vong) được thành lập từ 2008 mà ô. Bích là một thành viên, đã làm được gì trong bốn năm vừa qua, đặc biệt về việc vận động phục hồi Hiệp Định Paris 1973. Trong bài “Giải pháp VNCH: hoang tưởng, vô vọng hay chỉ là khó” Ông Bích trả lời rằng Chính Phủ VNCH đã tiếp súc với một số văn phòng đại diện Lập Pháp Hoa Kỳ về vấn đề Biển Đông, nhưng hoàn toàn không nhắc nhở gì đến việc vận động phục hồi Hiệp Định Paris. Như thế người ta phải hiểu rằng về lãnh vực này Chính Phủ VNCH (lưu vong) không có gì để tường thuật, nghĩa là không đạt được kết quả nào cả. Vậy đây có phải là lý do khiến Ông Bich tách ra khỏi Chính Phủ VNCH (lưu vong) vàthành lập UBLĐLTVNCH để bắt đầu lại việc phục hồi Hiệp Định Paris hay không?
Việc chọn danh xưng UBLĐLTVNCH cho thấy ngay đây là một chính phủ lưu vong. Chính vì vậy ngay tại “Hội Nghị Diên Hồng Bolsa”(4) ủy ban này đã xác định “không dùng danh xưng Tổng Thống hay Phó Tổng Thống hoặc Thủ Tướng, Phó Thủ Tướng Chính Phủ mà dùng danh xưng Chủ Tịch.” Tất cả đều tương tự như Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương và Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia trong thời Đệ Nhị Công Hòa. Nếu đây chỉ là một ủy ban đặc nhiệm, thì tại sao phải đặt vấn đề danh vị tổng thống và thủ tướng làm gì.
Trong bài báo “Giải pháp VNCH hoang tưởng, vô vọng, hay chỉ là khó?” phổ biến vào ngày 17-1-2013 Ông Bích đã cải chính rằng Ủy Ban Lãnh Đạo Lâm Thời VNCH chỉ “một ‘task force’, [tức là một lực lượng đặc nhiệm], để làm việc mà không hề phải đòi làm chính-phủ.”Như vậy các vị này đã thấy vấn đề.Nhưng họ cần phải bỏ những từ dao to búa lớn (Lãnh Đạo Lâm Thời VNCH) dễ gây phiền toái và chọn một danh xưng khác để thay thế.
GS Vũ Quốc Thúc và LS Nguyễn Hữu Thống rất minh bạch và khiêm tốn khi các vị này lập ra các ủy ban đăc nhiệm: Ủy Ban Luật Gia Vận Động Vãn Hồi Hiệp Định Paris 1973 và Ủy Ban Luật Gia Bảo Vệ Dân Quyền. Tôi khuyên Ông Bích nên tìm đọc bài “Những trò hề chính phủ lưu vong” của Ông Góp Gió, bài “Tản mạn về chính phủ Việt Nam lâm thời hải ngoại” của tác giả Lão Mộc, và bài “Chỉ một ngày lập xong chính phủNguyễn Ngọc Bích” của Bà Đào Nương, tức là Bà Hoàng Dược Thảo, chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ báo Saigon Nhỏ.
Trong bài “Hiệp Định Paris 1973 Cộng Sản càng muốn quên thì ta càng phải nhắc,” Ông Nguyễn Ngọc Bích khẳng định CSVN muốn quên Hiệp định Paris. Tôi nghĩ ông Bích suy diễn một cách sai lầm hoặc trí óc của ông đã lẫn. Đối với chúng ta, như LS Nguyễn Hữu Thống tuyên bố, Hiệp Định Paris 1973 chỉ đem lại “hòa bình cho những nấm mồ”(5) Đối với người Mỹ, như Ông Frank Snepp nhận định, Hiệp Định Paris 1973 chỉ đem lại một khoảng cách chạy tội (decent interval) cho Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đối với CSVN, Hiệp Định Paris 1973 là một thắng lợi to lớn. Nhờ đó, họ đẩy được Mỹ ra khỏi Việt Nam và chiếm trọn miền Nam Việt Nam. Do đó họ đâu có muốn quên. Trái với Ông Bích nói, năm nay 2013 đánh dấu 40 năm ngày ký Hiệp Định Paris 17-1-1973, chính quyền Việt Nam tổ chức những sinh hoạt khắp nơi để nhắc nhở đến chiến thắng này.
Thật là oái ăm cho Ông Bích, Đàn Chim Việt (ĐCV) để tấm hình “Thông Tin Về Hoạt Động Kỷ Niệm 40 Năm Ngày Ký Hiệp Định Pa-Ri, Hà Nội, ngày 17 tháng 1 năm 2013” ngay trong bài của Ông Bích, một chứng cớ rành rành là Hà Nội đang chuẩn bị kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp Định Paris. Bên dưới tấm hình ĐCV chú thích “Hà Nội muốn quên Hiệp Định Paris?” Điều này khiến tôi nghi ngờ về khả năng suy luận của ông Bích. Một độc giả với bút hiệu Trung Kiên đã nhận xét về việc này như sau: “Bài viết mới ‘Hiệp định Paris 1973: CS càng muốn quên thì ta càng phải nhắc’ này của ông Nguyễn Ngọc Bích cho thấy ông đã bị chao đảo trong suy nghĩ và nhận định mất rồi! Có thật CSVN muốn quên Hiệp Định Paris 1973 mà chính nó (Hiệp Định Paris) đã tạo cho họ chiến thắng VNCH như ông Bích nghĩ?”
Ông Bích nói là biết ơn tôi đã mở màn cho việc xét lại Hiệp định Paris cách đây 40 năm với bài “Sự thật phũ phàng về Hiệp định Paris 1973.” Điều này cũng sai luôn. Chinh vì ông Bích thành lập chính phủ lưu vong lấy tên là Ủy Ban Lãnh Đạo Lâm Thời Việt Nam Cộng Hòa và chủ trương phục hồi Hiệp Định Paris 1973 mà tôi nhận thấy đó là hai sai lầm lớn và có ảnh hướng xấu đối với những hoạt động tranh đấu cho dân chủ tự do ở trong và ngoài nước nên tôi phải lên tiếng và để góp ý kiến với công luận.
Kết luận
Ông Nguyễn Ngọc Bích và Ủy Ban Lãnh Đạo Lâm Thời VNCH chưa cho thấy sẽ dự định làm gì khác để phục hồi Hiệp Định Paris ngoài việc gửi phái đoàn lên gặp đại diện lập pháp Hoa Kỳ, gửi thư cho LHQ, và lấy chữ ký cho thỉnh nguyện thư.Những sự kiện này khiến người ta phải nghĩ rằng kế hoạch xem ra chưa được nghiên cứu thì đã ra quân. Nhưng thực ra chưa có quân, mới chỉ có tướng.Cuộc tranh luận trên Internet vừa qua cho thấy UBLĐLTVNCH và người lãnh đạo còn quá non nớt trong chính trị. Bản lãnh, tinh thần tự trọng, khả năng suy luận và tài viết của một ông thủ tướng lưu vong cần phải được đánh giá lại. Điều này lại càng làm cho tôi tin rằng việc phục hồi Hiệp Định Paris 1973 là không tưởng. Nó sẽ chết yểu, không kèn không trống.
Trong khi đồng bào ruột thịt của chúng ta ở trong nước vinh danh những người lính VNCHđ ã hy sinh để bảo vệ đảo Hoàng Sa(6) (7) và CSVN đang tan rã (8), trong ngoài thành một khối tranh đấu cho 90 triệu con người có dòng máu Việt, một nhóm người ở hải ngoại quay lưng vể tương lai, lội ngược dòng thời gian, tìm cách chia đôi đất nước một lần nữa, để dành một nửa phía Bắc cho CSVN, mơ tưởng tái lập VNCHtrên nửa phần đất còn lại một cách hoang tưởng. Nếu gọi những người này là những kẻ có đầu óc bệnh hoạn, quả thật không sai.
Ước mơ được làm thủ tướng lưu vong của Ông Nguyễn Ngọc Bích chỉ còn là ảo mộng. Ôi sự thật quả là phũ phàng!
Nguyễn Quốc Khải
Chú thích:
(1) Ba bài gồm “Mạn đàm về chính phủ lưu vong,” “Sự thật phũ phàng về Hiệp Định Paris 1973,” và “Phục hồi Hiệp Định Paris: hoang tưởng hay hiện thực.”
(2) Bốn bài gồm “Hiệp Định Hòa Bình Paris 1973 và những sự thực phũ phàng,” “40 năm sau một cuộc phản bội,” “Gỉai pháp VNCH hoang tưởng, vô vọng hay chỉ là khó?” và “Hiệp Định Paris 1973 CS càng muốn quên thì ta càng phải nhắc.”
(3) Frank Snepp, Decent interval, Random House, 1977.
(4) Từ của Bà Đào Nương, chủ nhiệm kiêm chủ bút của Báo Saigon Nhỏ.
(5) Nguyễn Hữu Thống, “Hiệp Định Hòa Bình Paris dẫn đến hòa bình cho những nấm mồ,” Việt Vùng Vịnh, 2-6-2010.
(6) MS Thân Văn Trường, “Thăm vợ liệt sĩ Ngụy Văn Trà,” danlambao, 19-1-2013.
(7) Nguyễn Thiện, “Cần vinh danh những người con đất Việt hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974,” Dân Luận, 19-1-2013.
(8) Ngô Nhân Dụng, “Đảng Cộng Sản đang tan rã,” Người Việt, 18-1-2013.
2 Comments
Nguyễn Quốc Khải
40 Năm Hiệp Định Hòa Bình Paris 1973: Dịp May Bị Bỏ Qua
Tú Anh & LS Trần Thanh Hiệp
Radio France Internternational
24-1-2013
Đài phát thanh Radio France International (RFI) mới phỏng vấn LS Trần Thanh Hiệp về Hiệp Định Paris 1973. Về vấn đề phục hồi Hiệp Định Paris 1973, LS Hiệp đã nhận định nguyên văn như sau:
“Tôi có nghe thấy và đọc một số thông tin về sáng kiến làm sống lại Hiệp định Paris. Tôi không nắm rõ được tình hình nên không muốn khẳng định rằng hiện đã có kế hoạch nào để thực hiện hay không ? Nhưng, với tư cách là một người đã từng tham dự hòa đàm Paris, với kinh nghiệm chuyên môn về luật quốc tế , với kinh nghiệm bản thân từng chứng kiến mọi biến cố lịch sử trọng đại từ 1945 đến nay, tôi có thể nói ý nghĩ thầm kín của của tôi là Hiệp định Paris tuy nói là chấm dứt chiến tranh tái lập hòa bình tại Việt Nam nhưng dường như chỉ là một « cái xác không hồn », văn tự thì đề cao nhân nghĩa nhưng cách ứng xử của một trong những thành phần tham gia thì chỉ là một loạt tội ác…
Do vậy, đặt lại vấn đề làm sống lại Hiệp định Paris thì cũng không thể giải quyết gì được chuyện tương lai đất nước. Chi bằng cả nước dồn nỗ lực làm sống lại lý tưởng đoàn kết dân tộc, xây dựng dân chủ tự do, mang lại nhân phẩm cho mỗi con người Việt Nam mà Hiệp định Paris đã xưng tụng, thiết kế thực hiện nhưng hiệp định này đã bị dìm chết. Quốc tế và Cộng sản Hà Nội đã làm lỡ dịp may này.”
Sau đây là toàn bộ bài phỏng vấn mới phổ biến trên mạng của RFI.
http://www.viet.rfi.fr/phap/20130124-40-nam-hiep-dinh-hoa-binh-paris-1973-dip-may-bi-bo-qua
oo0oo
40 Năm Hiệp Định Hòa Bình Paris 1973: Dịp May Bị Bỏ Qua
Tú Anh
Radio France Internternational
24-1-2013
Ngày 27/01/2013 tới đây ghi dấu 40 năm Hiệp định Hòa bình Paris 1973. Hiệp định này được Hà Nội xem là “móc son chiến lược” dẫn đến cuộc tổng tấn công và chiến thắng quân sự vào tháng 04/1975. Mỹ ngưng can thiệp tại Đông nam Á, Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ nhưng giờ đây nhiều ý kiến trong và ngoài nước lo ngại hệ quả Hiệp định Paris tác động đến sinh mệnh của Việt Nam trước gọng kềm quân sự và chính trị của Bắc Kinh.
“Hiêp Định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết vào ngày 27/01/1973. Sau bốn năm đàm phán lúc đầu công khai giữa bốn bên Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hòa, Việt nam Dân Chủ Cộng Hòa và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, về sau là mật đàm giữa hai ông Henry Kissinger và Lê Đức Thọ.
Hiệp định này giúp cho Hoa Kỳ ngưng tham chiến tại Việt Nam, thu hồi tù binh. Hà Nội được duy trì các sư đoàn xâm nhập vào miền nam. Sài gòn và Chính phủ Lâm thời miền Nam Việt Nam được kêu gọi hòa giải dân tộc, tổ chức bầu cử, chấm dứt xung đột võ trang.
Tổng thống Mỹ Richard Nixon hứa sẽ viện trợ cho hai miền nam bắc 7 tỷ đô la để tái thiết nếu hòa ước được tôn trọng. Hai nhà mật đàm Henry Kisinger và Lê Đức Thọ được Ủy ban Nobel Hòa bình Na Uy trao giải thưởng 1973, nhưng ông Lê Đức Thọ từ chối.
Ngày 6 tháng 01 năm 1975, tỉnh Phước Long bị đánh chiếm nhưng Hoa Kỳ không phản ứng mà còn cắt viện trợ cho Sài Gòn. Vài hôm sau, Hà Nội tung chiến dịch « Hồ Chí Minh » đưa đến chiến thắng 30/04/1975.
40 năm sau, báo chí tại Việt Nam có dịp đưa lại những lập luận khẳng định Hòa ước Paris chỉ là « móc chiến lược » để tìm chiến thắng quân sự thay vì củng cố hòa bình tái thiết đất nước. Trả lời phỏng vấn của tờ Courrier du Vietnam, Đại sứ Việt nam bên cạnh Unesco, ông Dương Văn Quảng nhận định « Hiệp định Paris tạo điều kiện cần thiết về quân sự, chính trị và ngoại giao để tổng tấn công năm 1975 ».
Báo mạng ViêtNamNet mượn lời phân tích trên bán nguyệt san Mỹ Counter Punch chỉ trích tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu « sai lầm không nỗ lực làm cho Hiệp định có hiệu lực, chia quyền …với người Cộng sản dân tộc chủ nghĩa » nên phải lưu vong vào mùa xuân 1975.
Tuy nhiên ,các tài liệu của Mỹ được giải mật cho thấy Sài gòn bị đồng minh Hoa Kỳ « bức tử ». Bốn mươi năm nhìn lại, nhiều blogger người Việt như Hoàng Thanh Trúc trên blog « Dân làm báo » và Nguyễn Quốc Khải trên « Đàn chim Việt » đưa ra hai nhận xét : một là Hiệp định Paris đã đưa Việt Nam vào chế độ độc tài, sau khi chiến thắng đảng Cộng sản Việt Nam đã không thực thi dân chủ theo nguyện vọng của dân. Thứ hai, kẻ chủ động và chiến thắng không phải là Hà Nội mà có lẽ là Bắc Kinh.
Được RFI đặt câu hỏi, Luật sư Trần Thanh Hiệp, một trong những thành viên phái đoàn VNCH tham gia hoà đàm tại Paris, hiện đang sống tại Pháp, chia sẻ một số ý kiến của ông, trong phần phỏng vấn sau đây.
Luật sư Trần Thanh Hiệp :
« Tôi chỉ là luật sư hành nghề tự do tại Sài Gòn không thuộc thành phần của chính phủ cũng như ngoại giao đoàn… tôi tham gia hòa đàm cũng như một số đồng nghiệp như nữ luật sư Nguyễn Thị Vui, giáo sư Nguyễn Ngọc Huy hoặc tại Paris như luật sư Nguyễn Đắc Khê…. Đều không phải là người của chính quyền. Chúng tôi được mời tham gia phái đoàn đàm phán vì được tín nhiệm là luật gia.
Về những mục tiêu của Hiệp định Paris 1973 :
Luật sư Trần Thanh Hiệp : « Đối với tôi, hiệp định chỉ có hai (loại) mục tiêu : một là những mục tiêu được công bố trước dư luận và hai là những mục tiêu thầm kín, dư luận không biết.. Đối với Hoa Thịnh Đốn, Hà Nội và Sài Gòn thì mục tiêu của Hiệp định Paris là tái lập hòa bình ở Việt Nam. Từ mục tiêu chúng có tính cách lý tưởng , mỗi phía đều theo đuổi mục tiêu riêng và cụ thể như Mỹ thì muốn an toàn rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam.
Hà Nội trái lại, chỉ tìm cách giữ lại tại miền Nam những lực lượng quân sự đã xâm nhập. Riêng Việt Nam Cộng Hòa đã phải co cụm lại vì cần phải tự vệ trước ý đồ đánh chiếm của Hà Nội nên trọng tâm của Việt Nam Cộng Hòa không phải là lập lại hòa bình mà vẫn phải là củng cố khả năng tự vệ bằng quân lực và chính trị …. Tôi hy vọng lịch sử sẽ soi sáng những vùng tối trong tương lai…
Hiệp định Paris là liều « thuốc hiện hình » đã cho thấy ai là kẻ hiếu chiến… người Cộng sản hãnh diện họ là người lính tiền phong của xã hội chủ nghĩa đứng trên tuyến đầu chống tư bản chủ nghĩa….
Sáng kiến vận động phục hồi Hiệp định Paris 1973 của « Ủy Ban Lãnh Đạo Lâm Thời VNCH » :
Luật sư Trần Thanh Hiệp : « Tôi có nghe thấy và đọc một số thông tin về sáng kiến làm sống lại Hiệp định Paris. Tôi không nắm rõ được tình hình nên không muốn khẳng định rằng hiện đã có kế hoạch nào để thực hiện hay không ? Nhưng, với tư cách là một người đã từng tham dự hòa đàm Paris, với kinh nghiệm chuyên môn về luật quốc tế , với kinh nghiệm bản thân từng chứng kiến mọi biến cố lịch sử trọng đại từ 1945 đến nay, tôi có thể nói ý nghĩ thầm kín của của tôi là Hiệp định Paris tuy nói là chấm dứt chiến tranh tái lập hòa bình tại Việt Nam nhưng dường như chỉ là một « cái xác không hồn », văn tự thì đề cao nhân nghĩa nhưng cách ứng xử của một trong những thành phần tham gia thì chỉ là một loạt tội ác…
Do vậy, đặt lại vấn đề làm sống lại Hiệp định Paris thì cũng không thể giải quyết gì được chuyện tương lai đất nước. Chi bằng cả nước dồn nỗ lực làm sống lại lý tưởng đoàn kết dân tộc, xây dựng dân chủ tự do, mang lại nhân phẩm cho mỗi con người Việt Nam mà Hiệp định Paris đã xưng tụng, thiết kế thực hiện nhưng hiệp định này đã bị dìm chết. Quốc tế và Cộng sản Hà Nội đã làm lỡ dịp may này ».
Phạm Trần
Phục hồi Hiệp Định Paris 1973: tôi có thể kết luận ngay là “Không Thực Tế” vì kim dồng hồ “Không Bao Giờ Quay Ngược Chiếu” để cho con người có thể trẻ lại.