Năm 2006, Hội đồng châu Âu công bố nghị quyết lên án chủ nghĩa cộng sản. Nghị quyết này xác định chủ nghĩa cộng sản đã phạm nhiều tội ác khủng khiếp chống loài người.
Hình: Friedrich Engels sinh năm 1820 (trái) và Karl Heinrich Marx sinh năm 1818 [Photo courtesy of Wikipedia]
Trở lại năm 1991, Đảng CSVN thông qua “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” và xác định: “… Cuối cùng, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hoá của lịch sử…”
15 năm sau, hồi tháng 1 năm 2006, Hội đồng châu Âu công bố nghị quyết lên án chủ nghĩa cộng sản. Nghị quyết này xác định chủ nghĩa cộng sản đã phạm nhiều tội ác khủng khiếp chống loài người. Đồng thời cần tổ chức xét xử những tội ác đó.
Đáng chú ý là ngoài cộng đồng châu Âu, càng ngày càng nhiều quốc gia, tổ chức lên án chủ nghĩa cộng sản.
Thế nhưng đầu tháng 5 vừa qua, ông Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Chủ tịch của Quốc hội Việt Nam vẫn tuyên bố, năm tới, Đại hội lần thứ 11 của Đảng CSVN, sẽ bổ sung, phát triển Cương lĩnh 1991.
Vì sao cộng đồng quốc tế lên án chủ nghĩa cộng sản? Mời quý vị theo dõi Trân Văn tổng hợp và tường trình…
Từ chủ trương diệt chủng
Karl Heinrich Marx, thường được gọi là Karl Marx, sinh năm 1818 và Friedrich Engels, thường được gọi là Engels, sinh năm 1820, cùng là người Đức. Cả hai là đồng tác giả của một số tác phẩm như: bộ Tư bản luận, Tuyên ngôn Đảng Cộng sản… Họ là những người đề ra học thuyết “Chủ nghĩa xã hội khoa học”, cũng như khái niệm “đấu tranh giai cấp”.
Từ giữa thế kỷ 19 đến nay, các Đảng Cộng sản vẫn bảo rằng, cả Marx lẫn Engels là những vĩ nhân và nhân loại cần phải thực thi các ý tưởng của họ để xây dựng chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới.
Liệu tư tưởng của Marx và Engels có nhắm tới việc đem lại hạnh phúc cho nhân loại, nhằm biến trái đất thành một thiên đường?
Các Đảng Cộng sản bảo có nhưng kết quả khảo sát những tài liệu lưu trữ đã cho kết quả ngược lại.
Năm 2008, Edvin Snore, một đạo diễn người Latvia – quốc gia từng là thành viên trong Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô viết – công bố bộ phim tài liệu “The Soviet Story”, tạm dịch là “Câu chuyện Sô Viết”, do ông thực hiện trong vòng mười năm, nhằm lý giải tại sao, năm 2006, châu Âu ban hành nghị quyết lên án chủ nghĩa cộng sản và tuyên bố, cần phải tổ chức xét xử những tội ác khủng khiếp chống lại loài người của chủ nghĩa cộng sản.
Trong quá trình lục tìm tài liệu, phim, ảnh vẫn còn đang được lưu trữ ở nhiều nơi trên thế giới, đồng thời phỏng vấn cả các nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản, lẫn giới nghiên cứu sử học, đạo diễn Edvin Snore đã trò chuyện với ông George Watson, một sử gia, làm việc ở Đại học Cambridge, Anh Quốc.
Ông George Watson cho biết, kết quả nghiên cứu về Marx và Engels, cho thấy, cả Marx lẫn Engels đều chủ trương cần tổ chức diệt chủng. Ông nói: Điều này được nói đến lần đầu tiên vào tháng Giêng 1849 trong một bài báo đăng trên tờ tạp chí theo chủ nghĩa Marx “Neue Rheinische Zeitung”. Engels đã giải thích về ý nghĩa của cuộc đấu tranh giai cấp theo quan điểm Marxist. Theo ông, khi cách mạng xã hội chủ nghĩa diễn ra, sẽ xảy ra đấu tranh giai cấp. Một số xã hội nguyên thuỷ ở châu Âu đã bị trễ đến hai thời kỳ bởi vì những xã hội đó chưa đạt tới giai đoạn tư bản chủ nghĩa.
Engels gọi người Basques, Bretons, Scots và người Serbia là những “dân tộc cặn bã”. Họ sẽ phải bị tiêu diệt vì họ đang tụt hậu lại quá xa nên không thể đưa họ đến cùng thời với cuộc cách mạng được.
Một sử gia khác là ông Pierre Rigolout, làm việc tại Viện Xã hội Lịch sử ở Paris, Pháp Quốc, cho biết thêm: Engels nói về sự thô tục và đáng khinh bỉ của các dân tộc Slav. Ví dụ ông cho rằng Ba Lan không có lý do để tồn tại.
Ông Pierre Rigolout trích một trong những ý kiến của Marx, viết trên People’s Paper ngày 16 tháng 4 năm 1853 để chứng minh, Marx chủ trương cần diệt chủng. Marx khẳng định: Các chủng tộc và các giai cấp quá yếu để thích ứng với điều kiện sống mới, nên họ phải nhường bước. Họ phải “bị tiêu diệt trong cuộc thảm sát của cách mạng”.
Dựa trên các tài liệu lưu trữ, ông George Watson khẳng định: Marx là cha đẻ của nạn diệt chủng chính trị hiện đại. Tôi không thấy một nhà tư tưởng châu Âu nào trước Marx và Engels công khai ủng hộ sự diệt chủng. Tôi không tìm thấy bất cứ điều gì trước đó. Vì vậy, tôi cho rằng nó bắt nguồn từ những người này.
Đến việc thực thi diệt chủng
Tư tưởng của Marx và Engels đã tạo cảm hứng, dẫn đến sự ra đời của các Đảng Cộng sản tại nhiều nơi trên thế giới và trong thế kỷ 20, một số Đảng Cộng sản đã trở thành đảng cầm quyền tại một số quốc gia, từng tạo ra thực thể gọi là “khối xã hội chủ nghĩa”.
Lãnh tụ nhiều Đảng Cộng sản từng tự nhận họ là học trò của Marx và Engels. Đứng đầu những nhân vật này là Vladimir Ilyich Ulyanov, thường được gọi là Lenin. Lenin được xem là nhân vật sáng lập Đảng Cộng sản Liên Xô và là người đưa Đảng Cộng sản Liên Xô trở thành lực lượng chính trị lãnh đạo Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô viết, thường được gọi là Liên Xô. Liên Xô từng được xem là cái nôi của việc xây dựng và phát triển “khối xã hội chủ nghĩa”, trong thế kỷ 20 trên thế giới.
Tuy Liên Xô đã tan rã và dân chúng các quốc gia Đông Âu đã xoá bỏ chủ nghĩa cộng sản nhưng tại Việt Nam, Lenin vẫn được tôn sùng như một thần tượng.
Hồi giữa tháng 4 vừa qua, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức một hội thảo khoa học về “Di sản của Lenin trong thế giới ngày nay và sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam”.
Tại hội thảo ấy, ngoài việc cùng xưng tụng Lenin là “nhà tư tưởng Marxist sáng tạo”, là “lãnh tụ vĩ đại của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế”, ông Tô Huy Rứa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, kiêm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, còn khẳng định: Di sản của Lenin đã và sẽ là một trong những nền tảng chính trị, tư tưởng và phương pháp luận trong mọi hành động của Đảng, nhà nước và nhân dân ta”.
Lenin đã để lại những di sản gì để làm nền tảng chính trị, tư tưởng và phương pháp luận trong mọi hành động của Đảng CSVN như ông Tô Huy Rứa tuyên bố?
Gần đây, khi các kho lưu trữ được giải mật, giới nghiên cứu lịch sử đã tìm được nhiều tài liệu liên quan đến việc Lenin cổ súy, chỉ đạo thực hiện “đấu tranh giai cấp” mà thực sự là thực thi những cuộc thảm sát. Một trong những tài liệu ấy là lá thư do chính Lenin viết. Trong thư, Lenin yêu cầu: Treo cổ ít nhất 100 tên Cu-lắc. Bắn bỏ hết bọn con tin!. Hãy để cho những người đứng cách xa hàng trăm dặm đều thấy và run sợ”… Ảnh chụp lá thư này đã được đạo diễn Edvins Snore đưa vào bộ phim “Câu chuyện Sô viết”.
Với một lãnh tụ có suy nghĩ như thế, điều gì đã xảy ra ở Liên Xô sau khi Lenin lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô thực hiện cuộc Cách mạng tháng 10, năm 1917?
Các tài liệu lưu trữ cho thấy, đã có hàng trăm ngàn người bị giết, hàng triệu người bị tước đoạt tài sản, bị đày ải. Ông Vladimir Bukovsky – một nhà văn Liên Xô, đồng thời là người chuyên nghiên cứu về tội ác của các chính quyền cộng sản, kể lại trong “Câu chuyện Sô viết”: Ban đầu, khi những người cộng sản lên nắm quyền thì xã hội không có vấn đề gì. Ngay cả ở Nga, Ba Lan, Cuba, Nicaragua, hoặc ở Trung Quốc. Rồi họ bắt đầu giết khoảng 10% dân số, họ chọn lựa rất kỹ lưỡng. Họ làm việc này không chỉ để tiêu diệt kẻ thù. Họ giết người để thiết lập lại cơ cấu xã hội. Một phương pháp xây dựng xã hội. Tất cả trí thức, những công nhân tốt nhất, các kỹ sư tốt nhất đều bị họ giết hết… và sau đó họ cố gắng xây dựng một xã hội mới.
Sau một thời gian dài nghiên cứu, thống kê, giới sử gia ước tính, nỗ lực xây dựng những xã hội mới, quen được gọi là xã hội xã hội chủ nghĩa của các chính quyền cộng sản ở Liên Xô, Đông Âu, Cuba, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Việt Nam, Campuchia dưới thời Polpot,… suốt giai đoạn từ cuối thế kỷ 19 đến hết thế kỷ 20 đã tước đoạt sinh mạng của chừng 100 triệu người.
Kể từ khi các tài liệu, phim, ảnh trong nhiều kho lưu trữ được giải mật, đài tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản đã được dựng lên tại nhiều nơi ở Đông Âu, ở Hoa Kỳ…
Nhiều người bắt đầu so sánh chủ nghĩa cộng sản với chủ nghĩa phát xít. Nhờ sự giúp đỡ của nhiều sử gia, trong “Câu chuyện Sô viết”, đạo diễn Edvins Snore đã trưng ra hàng loạt bằng chứng cho thấy, chủ nghĩa phát xít thóat thân từ tư tưởng của Marx.
Goebbels, Bộ trưởng tuyên truyền của chính quyền phát xít tại Đức, từng ca tụng Lenin “là người vĩ đại chỉ sau Hitler”. Các sử gia đã tìm ra nhiều bằng chứng cho thấy, với tham vọng thống trị thế giới, chính quyền cộng sản ở Liên Xô đã từng bắt tay chính quyền phát xít tại Đức.
Loạt bài “Vì sao chủ nghĩa Cộng sản bị cáo buộc chống nhân loại?” được dựa trên một bộ phim tài liệu mang tên “The Soviet Story” (Câu chuyện Sô viết), do đạo diễn Edvins Snore thực hiện trong hàng chục năm.
Với sự giúp đỡ của một số sử gia, Edvins Snore đã tìm, giới thiệu nhiều bằng chứng cho thấy, cả Marx lẫn Engels cùng chủ trương diệt chủng và Lenin, Stalin, cũng như lãnh tụ nhiều chính quyền cộng sản khác đã thực hiện triệt để chủ trương đó.
Những ai có thể khóc Stalin?
Năm 1922, Joseph Vissarionovich Stalin, quen gọi là Stalin, thay Lenin lãnh đạo Đàng Cộng sản Liên Xô. Đến năm 1941, Stalin đảm nhận thêm vai trò Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng của Liên Xô cho tới khi chết (năm 1953).
Trong các thập niên 1950, 1960, 1970, tại Việt Nam, Stalin vẫn được xưng tụng như một vĩ nhân. Tháng 3 năm 1953, khi Stalin qua đời, Tố Hữu – nhân vật từng kiểm soát toàn bộ sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật tại Việt Nam – đã viết một bài thơ mà đến nay nhiều người còn nhắc.
Bài thơ có tên là “Khóc Stalin”. Trong đó có những câu như: Stalin! Stalin! Yêu biết mấy nghe con tập nói. Tiếng đầu lòng con gọi Stalin… Stalin! Stalin! Hỡi ơi! ông mất đất trời biết không? Thương cha, thương mẹ,thương chồng. Thương thân thương một, thương ông thương mười.
Dân chúng Liên Xô có thương tiếc Stalin như thế không? Câu trả lời là không! Vì sao? Giới sử gia ước đoán, suốt 21 năm lãnh đạo Liên Xô, Stalin đã giết từ 20 triệu đến 40 triệu người.
Trong “Câu chuyện Sô viết”, đạo diễn Edvins Snore đã gặp gỡ nhiều nhân chứng, phỏng vấn nhiều sử gia để tìm hiểu Stalin đã làm những gì tại Liên Xô.
Các sử gia ở Liên Xô, ở châu Âu xác định Stalin là thủ phạm chính của nạn đói kéo dài từ 1932 – 1933, khiến 7 triệu người Ukraina thiệt mạng.
Sử gia Norman Davies, Đại học Cambridge, Anh Quốc kể: Vào mùa đông năm 1932 và 1933, tất cả lương thực được chuyển khỏi Ukraina. Một hàng rào cách ly khổng lồ được lập ra để cô lập toàn bộ người dân Ukraina.
Sử gia Volodymyr Sergychuk, Đại học Kiev, kể thêm: Sau khi toàn bộ thực phẩm bị tịch thu, nông dân bị cấm tìm kiếm thức ăn ở nơi khác, cho dù là mua, trao đổi, hay kiếm được.
Đạo diễn Edvins Snore đã tìm được nhiều đoạn phim tài liệu, nhiều hình ảnh lưu trữ cho thấy, đàn ông, đàn bà, người già, trẻ em quắt queo, hình hài hoàn toàn biến dạng. Bảy triệu con người hoặc đã chết, hoặc đang thoi thóp vì đói đã bị ném xuống những hố lớn rồi lấp đất như người ta vẫn chôn súc vật bị dịch.
Dưới sự lãnh đạo của Stalin, chính quyền Cộng sản tại Liên Xô đã thực hiện nhiều đợt thanh trừng đẫm máu khác. Khắp Liên Xô nhan nhản những khu vực chỉ gồm toàn mộ tập thể. Nổi tiếng nhất là: Bikivina, Butov, Leningrad, Vinnica, Harkov…
Sử gia George Watson, Đại học Cambridge, kể trong “Câu chuyện Sô viết”: Stalin thậm chí đã đi xa tới mức giết người ngẫu nhiên và theo chỉ tiêu.
Vladimir Bukovsky, một nhà văn Liên Xô, cho biết thêm: Ví dụ, có 100.000 người dân trong huyện Tambov. Mỗi một người bị bắt và bắn chết sẽ được tính vào chỉ tiêu. Họ không quan tâm người ấy là ai. Khi hoàn thành xong chỉ tiêu, chính quyền địa phương sẽ báo cáo cho Stalin và uỷ ban trung ương để yêu cầu tăng mức chỉ tiêu cho họ!
Ông Vladimir Karpov, Cựu Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, tiết lộ: Khrushchev từng yêu cầu tăng thêm chỉ tiêu của mình! Ông ta được phép giết 7 đến 8 nghìn “kẻ thù”. Ông ấy yêu cầu: “Hãy tăng mức chỉ tiêu của tôi lên thành 17 nghìn”. Và việc gia tăng chỉ tiêu giết chóc đã được chấp thuận.
Ông Mikhail Gorbachev, cựu Tổng thống Liên Xô, ảnh chụp năm 1987.
Photo courtesy of Wikipedia.
Thực tế này được Mikhail Gorbachev, cựu Tổng thống Liên Xô, xác nhận: Stalin đã tắm trong máu! Bản thân tôi đã thấy những án tử hình đã do chính ông ta ký hàng loạt. Cùng với Molotov, Voroshilov, Kaganovich và Zhdanov. Họ là năm kẻ giết người năng nổ nhất. Molotov luôn thêm vào: sửa từ “10 năm” thành “tử hình”. Hàng loạt!
Cuối tháng 10 năm 2007, khi tham dự một buổi tưởng niệm 20.000 văn nghệ sĩ, trí thức đã bị chính quyền cộng sản ở Liên Xô thủ tiêu, trong giai đoạn từ 1937 – 1938, vì bị cho là “phản động, kẻ thù của chế độ”, ông Vladimir Putin, lúc ấy đang là Tổng thống Nga, nhìn nhận: Những người bị thảm sát, khủng bố là những con người ưu tú nhất, có trí tuệ cao nhất và là những người can đảm nhất của nước Nga và Liên Xô thời đó.
Vậy tại sao những người Cộng sản Việt Nam lại có thể thương Stalin hơn cả cha, mẹ và chính bản thân mình như Tố Hữu giãi bày?
Một số người bảo rằng, đó là vì Đảng CSVN vừa xem Liên Xô, Trung Quốc là mẫu mực để noi theo, vừa muốn nhận sự giúp đỡ của cả Liên Xô lẫn Trung Quốc để đảm nhận vai trò “tiền đồn của khối xã hội chủ nghĩa”, chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa tư bản.
Trên thực tế, diễn tiến cuộc “cải cách ruộng đất” do Đảng CSVN thực hiện vào thập niên 1950, tiêu diệt “Nhân văn, Giai phẩm” ở miền Bắc, giống hệt những gì chính quyền cộng sản Liên Xô và cộng sản Trung Quốc đã thực hiện trước đó.
Phát xít Đức thoát thai từ Marx-Engels
“Câu chuyện Sô viết” còn trưng ra nhiều bằng chứng để bạch hoá một số vấn đề ít ai biết. Đó là chủ nghĩa phát xít thoát thai từ tư tưởng của Marx và Engels.
Đạo diễn Edvins Snore đã tìm được khá nhiều bằng chứng cho vấn đề đó. Chẳng hạn, ngày 27 tháng 11 năm 1925, tờ New York Times, có một tin ngắn, loan báo vừa có một đảng, mang tên là “Đảng Công nhân quốc gia xã hội chủ nghĩa” ra đời tại Đức, quen gọi tắt là “Đảng Quốc xã”. Người sáng lập và lãnh đạo Đảng Quốc xã là Adolf Hitler.
Một số tin, bài khác xuất hiện trên báo chí châu Âu cuối thập niên 1920, từng tường thuật một số tuyên bố của Goebbels – sau này là Bộ trưởng Tuyên truyền trong chính quyền phát xít Đức – theo đó, có rất ít khác biệt giữa chủ nghĩa cộng sản với các tuyên bố Hitler.
Vậy thì tại sao sau này, chủ nghĩa phát xít không nhấn mạnh đến sự tương đồng của nó với chủ nghĩa cộng sản nữa? Giới sử gia cho rằng, đó là vì ngay từ thời ấy, cử tri Đức đã không thích cộng sản.
Sử gia George Watson, Đại học Cambridge, kể về kết quả nghiên cứu của ông: Hitler thường nói rằng ông đã học được rất nhiều khi đọc chủ nghĩa Marx. Ông cho rằng chủ nghĩa Xã hội Quốc gia hoàn toàn dựa trên lý thuyết chủ nghĩa Marx.
Ông Vladimir Bukovsky, một nhà văn Liên Xô thì nhắc: Mọi người quên rằng chế độ Đức Quốc Xã ở Đức cũng là một chế độ xã hội chủ nghĩa.
Nó chính thức được gọi là Đảng Công nhân Quốc gia Xã hội Chủ nghĩa. Nó là một chi nhánh của chủ nghĩa xã hội. Liên Xô được gọi là xã hội chủ nghĩa quốc tế và Đức Quốc Xã được gọi là xã hội chủ nghĩa quốc gia.
Trên thực tế chúng là một, chỉ có chút khác biệt nhỏ trong cách diễn giải.
Chưa kể còn khá nhiều bằng chứng khác cho thấy, trước khi gia nhập khối đồng minh chống phát xít, chính quyền Liên Xô do Stalin lãnh đạo đã từng hợp tác chặt chẽ với chính quyền phát xít tại Đức do Hitler chỉ huy. Mời quý vị nghe các sử gia thuật lại điều đó trong bài kế tiếp.
Dựa trên “Câu chuyện Sô viết” – Trân Văn tường thuật tiếp câu chuyện về sự liên kết giữa chính quyền cộng sản tại Liên Xô với chính quyền phát xít ở Đức…
Bộ trưởng ngoại giao Đức Quốc Xã Ribbebtrop báo cáo Hitler về chuyến thăm Matxcơva.
(Photo courtesy of Perry Street Advisors)
Quan hệ Liên Xô – Đức
Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, gần 30 triệu công dân Liên Xô đã thiệt mạng và việc Liên Xô tham chiến, vẫn được xem là một thành tố quan trọng để ngăn chặn, tiêu diệt chủ nghĩa phát xít.
Tuy nhiên, có đúng là Liên Xô đã cứu loài người khỏi thảm họa phát xít, tạo điều kiện cho các dân tộc đang bị áp bức, thống trị giành đôc lập, tự do như chính Liên Xô và các chính quyền cộng sản, trong đó có Việt Nam vẫn tuyên truyền?
Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ vào đầu tháng 9 năm 1939, khi phát xít Đức tấn công Ba Lan. Song gần hai năm sau, vào tháng 6 năm 1941, lúc phát xít Đức tấn công Liên Xô, Liên Xô mới bắt đầu tham gia cuộc chiến chống tham vọng thống trị thế giới của phe phát xít.
Trước đó thì sao? Dựa trên các tài liệu lưu trữ, giới sử gia cho biết, cuối thập niên 1930, Molotov – Ngoại trưởng Liên Xô – đại diện cho Stalin và Ribbentrop – Ngoại trưởng Đức – đại diện cho Hitler đã từng ký kết một thỏa thuận phân chia châu Âu.
Ông Vladimir Karpov – Cựu Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, hai lần được tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, xác nhận: Mặc dù điều này nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng chính Stalin là người đề xuất thỏa thuận bí mật ấy.
Chúng tôi đã phủ nhận nó, bởi vì nó mang đầy tính gây hấn, Đảng Cộng sản không thể nào ký những thỏa thuận như thế. Vì vậy, chúng tôi đã phủ nhận nghị định bí mật này đến phút chót!
Giống như ông Vladimir Karpov, nhiều đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô đã chỉ trích nhận định vừa kể, cho tới khi văn bản ghi nhận thỏa thuận này được moi ra từ kho lưu trữ của Đảng Cộng sản Liên Xô để mọi người cùng mục kích.
Có lẽ cũng cần nhắc lại rằng, tháng 9 năm 1939, hai tuần sau khi phát xít Đức tấn công Ba Lan từ phía Tây, đến lượt Hồng quân Liên Xô tấn công Ba Lan từ phía Đông. Sau cuộc tấn công ấy, Hồng quân Liên Xô đã bắt 22.000 người được xem là ưu tú nhất của Ba Lan, giải họ về Katyn rồi thủ tiêu.
Mãi đến gần đây, chính quyền liên bang Nga mới thừa nhận sự thật này. Hôm 10 tháng 4 vừa qua, lại có thêm một thảm kịch khác xảy ra với Ba Lan sau thảm kịch Katyn: Chuyên cơ chở ông Lech Kaczynski, Tổng thống Ba Lan và 95 người Ba Lan ưu tú khác đã rớt tại Smolensk, khi họ cùng đến Katyn dự lễ tưởng niệm 22.000 công dân Ba Lan bị chính quyền cộng sản Liên Xô thủ tiêu năm 1940.
Thủ tướng Liên Xô Molotov đã đến Berlin. Photo courtesy of Perry Street Advisors.
Bí mật chưa nhiều người biết
Trong năm 1939, Liên Xô còn tấn công Phần Lan nhưng đã thất bại thảm hại cả về quân sự lẫn chính trị. Hội Quốc Liên (tiền thân của Liên Hiệp Quốc) đã khai trừ Liên Xô khỏi cộng đồng quốc tế vì “gây hấn và xâm lược”.
Các tài liệu lưu trữ còn cho thấy, Liên Xô đã để phát xít Đức sử dụng cảng Murmansk làm bàn đạp, tấn công Đan Mạch, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Nauy,… Người ta đã tìm thấy một lá thư do Stalin viết, gửi Ribbentrop – Ngoại trưởng Đức, khẳng định: Tình hữu nghị giữa Liên Xô và Đức được đảm bảo bằng máu!
Liên Xô còn cung cấp dầu, quặng sắt, vật liệu xây dựng, lúa mì,… cho phát xít Đức xâm chiếm châu Âu. Đạo diễn Edvins Snore đã tìm được khá nhiều ảnh, ghi lại cảnh các viên chức, tướng lĩnh của Liên Xô và phát xít Đức gặp gỡ, chuyện trò, cùng nhau ăn uống vui vẻ.
Giai đoạn này, báo chí Liên Xô có khá nhiều bài viết ca ngợi tình hữu nghị Xô – Đức. Thậm chí ông Molotov, Ngoại trưởng Liên Xô còn khẳng định với báo giới: Đấu tranh chống lại hệ tư tưởng Đức Quốc xã là một tội ác! Nhiều tin, bài trên các tờ báo Liên Xô trong giai đoạn đó vẫn còn được lưu trữ trong văn khố!
Thậm chí, Liên Xô còn huấn luyện Gestapo và SS của phát xít Đức về cách thức xây dựng trại tập trung, phương pháp tra tấn, thủ tiêu.
Tại sao chủ nghĩa cộng sản lại có thể đồng hành với chủ nghĩa phát xít? Câu hỏi này đã được những người làm bộ phim tài liệu “Câu chuyện Xô viết” nêu ra với giới sử gia.
Bà Françoise Thom, một sử gia ở Đại học Sorbonne, Pháp Quốc, giải thích: Cả hai hệ thống đều dựa trên một hệ tư tưởng với tham vọng tạo ra con người “mới”.
Có nghĩa là cả hai chế độ đều không hài lòng với bản chất hiện tại của con người. Họ đấu tranh chống lại tính tự nhiên của loài người. Đấy là cội rể của chế độ toàn trị và là điều hiển nhiên trong cả hai hệ tư tưởng. Chủ nghĩa phát xít là một hệ tư tưởng dựa trên quan điểm sinh học sai lầm và chủ nghĩa cộng sản được dựa trên quan điểm xã hội sai lầm. Nhưng cả hai hệ tư tưởng đều muốn chứng minh là mình có cơ sở khoa học.
Vậy thì tại sao sau đó phát xít Đức lại trở mặt, tấn công Liên Xô và Liên Xô trở thành một thành tố quan trọng trong công cuộc ngăn chặn và tiêu diệt chủ nghĩa phát xít?
Ông Vladimir Bukovsky, một nhà văn Liên Xô, sau này trở thành một trong những người chuyên nghiên cứu về tội ác của chủ nghĩa cộng sản giải thích: Ý tưởng phá hủy trật tự quyền lực cũ ở châu Âu cũng là ý định của Stalin. Nhưng Hitler lại bị cho là kẻ ác. Ông ta sẽ phá hủy các trật tự cũ ở châu Âu. Sẽ không còn quốc hội, công đoàn, quân đội và chính phủ. Rồi sau đó, Stalin sẽ xuất hiện như một người giải phóng. Hàng triệu người mắc kẹt trong các trại tập trung đang chờ được tự do. Stalin và Hồng quân của ông ta sẽ đến như những giải phóng quân. Đây là kế hoạch của ông.
Nỗ lực phổ biến “Câu chuyện Xô viết”
Năm 2008, sau 10 năm thực hiện “The Soviet Story”, đạo diễn Edvins Snore công bố bộ phim này. Nó làm nhiều người choáng váng.
Cuối tháng 4 vừa qua, Diễn đàn điện tử X-Cafe giới thiệu “The Soviet Story” đã được dịch và cài đặt phụ đề Việt ngữ với tên tiếng Việt là “Câu chuyện Sô viết”.
“YesMan2008” – nickname của một thành viên trong Diễn đàn điện tử X-Cafe – người bỏ nửa tháng để dịch “The Soviet Story” sang Việt ngữ, giải thích với Đài Á Châu Tự do qua email, tại sao anh làm công việc này: Tôi thuộc thế hệ những người Việt Nam được sinh ra sau thời kỳ đổi mới. Chúng tôi được dạy, được học và thấm nhuần những điều tốt đẹp mà chế độ cộng sản đem lại cho loài người. Chúng tôi còn được dạy rằng, tất cả những điều không tốt đẹp về cộng sản đều là vu cáo.
Năm ngoái, sau khi xem “The Soviet Story” tôi bị sốc khi được biết những sự thật kinh hoàng mà những người cộng sản cố tìm cách che giấu. Tất cả những tài liệu, phim, ảnh trong bộ phim này không phải do “kẻ thù” tạo ra. Chúng năm trong văn khố do chính những người cộng sản Liên Xô lưu trữ. Người làm bộ phim này cũng từng là công dân Liên Xô. Các nạn nhân cũng vậy. Họ đã từng sống dưới chế độ cộng sản, rồi nghiên cứu về nó. Sự thật về chế độ cộng sản ở Liên Xô được vạch trần bởi những người trong cuộc…
Đó là lý do tôi muốn giới thiệu cho nhiều người Việt Nam xem phim này. Tôi đã dịch bộ phim. Sau đó, tôi đã nhờ bác Diên Vỹ, một thành viên lâu năm và có kinh nghiệm dịch thuật của X-Cafe hiệu đính. Phải mất hơn nửa tháng nữa để có thể ra mắt “Câu chuyện Sô viết.”
Đã có bao nhiêu người xem “Câu chuyện Sô viết”? Anh Diên Vỹ, một thành viên trong Ban Quản trị Diễn đàn X-Cafe cho biết, rất khó ước lượng chính xác vì phim được đặt trên một trang web hỗ trợ tải xuống miễn phí. Tuy nhiên, theo Diên Vỹ, số người đóng góp ý kiến trên diễn đàn X-Cafe, sau khi đã xem phim rất đông. Cũng theo Diên Vỹ, “Câu chuyện Sô viết” đã được chuyển đổi định dạng và đặt trên youtube. Những người quan tâm đến “Câu chuyện Sô viết” có thể dùng bốn chữ “Câu chuyện Sô viết” làm từ khoá để tìm bộ phim này trong youtube.
Trân Văn [source: website www.vietvungvinh.org ]