ÔI VĂN MINH
nhân danh ảo ôi văn minh trí tuệ
một trái bom cũng xoá bỏ đề huề
từng vết cháy từng điêu linh thế hệ
tích tắc tan không mảnh nhớ đam mê
anh tháo chạy tôi đứng nguyên chịu trận
lát dao phay độc kiếm cũng lìa thân
xác để lại cho đời sau ân hận
phải chôn vùi bằng luân lý bất nhân
ôi văn hoạ chữ vu vơ cát bụi
hoa không hoa vô nghĩa bỗng lẩn lùi
cho thiên hạ bùi ngùi chưa thấy tủi
đã quên người mà vẫn tưởng còn vui
ôi văn minh ta đợi mãi em cười
Lưu Nguyễn Đạt
Đất Trinh, mùng bốn Tết Quý Tỵ
2 Comments
Sachile
Chân thành đa tạ Gs thi sĩ Lưu Nguyễn Đạt đã chia sẻ những dòng thơ bay lãng đãng, tuyệt vời…
Mỗi lần đọc thơ của thi sĩ, tôi rất tâm đắc. Trọng kính, Sachile
ChânPhương
“Ôi Văn Minh Ta Đợi Mãi Em Cười… Đất Trinh, mùng bốn Tết Quý Tỵ”
Hơn hai ngàn năm trước, Phu Tử từng định nghĩa Văn Minh là Lễ, là Nhạc,…
Lễ đấy thôi: cũng những ngày Lễ Tết năm xưa Mậu Thân vùng đất cố đô!
Nhạc đó, melody kéo lên bằng tiếng vĩ cầm, dương cầm, và kèn đồng của bản Exodus thê lương…
Nhạc đó, với Nguyễn Minh Khôi và Cơn Mê Chiều:
Chiều nay không có em, mưa non cao về dưới ngàn
Ðàn con nay lớn khôn mang gươm đao vào xóm làng
Chiều nay không có em, xác phơi trên mái lầu
Một mình nghe buốt đau, xuôi Nam Giao tìm bóng mình
Ðường nội thành đền xưa ai tàn phá ?
Cầu Tràng Tiền bạc màu loang giòng máu
Hương Giang ơi thuyền neo bến không người qua đò
Một lần thôi nhưng còn mãi …
Và chiều nay không có em, đường phố cũ chân mềm
Tôi là người khai hoang đi nhặt xác mình, xác người
Cho ruộng đồng xanh màu, cho đám mới lên cao
Và người ơi xin chớ quên, người ơi xin chớ quên
Ðường vào thành, hàng cây trơ trụi lá
Ðồi Ngự Bình thịt xương khô sườn đá
Kim Long ơi, bờ lau ngóng, chuông chùa tắt rồi
Một lần thôi nhưng còn mãi
Và chiều nay khg có em, đường phố chẳng lên đèn
Tôi là người trong đêm, mang ngọn đuốc về nội thành
Xin làm người soi đường đi xóa hết đau thương
Và người ơi xin chớ quên, người ơi xin chớ quên…
Phải, đó là lời và từng nốt nhạc bật lên nức nở từ giọng hát danh ca để khóc thương cho số phận bao người dân lành vô tội của đất Thần Kinh bị giết chết và chôn sống trong một mùa Xuân tang tóc năm nào!
Ôi văn minh ở đâu khi “xác để lại cho đời sau ân hận phải chôn vùi bằng luân lý bất nhân”?
Phải chăng, tác giả đã cho người đọc một ĐỒNG CẢM đến bất ngờ khi kéo về dĩ vãng đau thương của dân tộc ngày nào? Cái đau thương khi quỷ đỏ đem gươm đao về đốt phá thôn làng và tắm máu đồng bào không chỉ bằng nhát dao phay, độc kiếm mà còn là những nhát cuốc bổ lên đầu anh em?
Ôi cái văn minh của loài quỷ đỏ, đã đưa dân tộc trở về thời man dại đồ đá của hồng hoang!
Bài thơ, không chỉ là những đồng cảm mà tác giả đã đưa người đọc trở về với mùa Xuân Mậu Thân của 45 năm trước. Nó như trình bày cho độc giả cái VISION[*] của người nghệ sĩ, của nhà thơ. Nó còn là những hình ảnh đau thương đến rợn người của các khán thính giả các chương trình thời sự trắng đen. Đó là hình ảnh những tháng ngày của giữa năm 1968 và 1969 khi chính quyền và đồng bào cố đô đi tìm, khai quật, và cải táng thi hài thân nhân bị cs giết hại và chôn sống. Vâng, cảm giác rợn người như mới ngày nào người dân Saigon chia sẻ với đồng bào xứ Thần Kinh từng thước film thời sự trong nỗi đau chơi vơi của từng note nhạc melody bài Exodus do Richard Clayderman trình tấu!
Bốn mươi lăm năm đã qua. “Ôi Văn Minh” đã đưa độc giả của mình trở lại với cảm xúc đau thương quằn quại cho đồng bào đã từng bị chôn sống!…
Xin cảm ơn bài thơ như một lời nhắc nhở về bài học lịch sử đã qua mà “bên thắng cuộc” man rợ kia nhiều lần cố gắng cười nhạo trên số phận các nạn nhân cũng như đổi trắng thay đen để xóa tan tội ác của loài ngọa quỷ trần gian.
Chân Phương.
VISION[*], với quan niệm hoàn toàn thiên về triết học không mang bất kỳ ảnh hưởng của tôn giáo, người đọc xin được tạm dịch chữ “VISION” là “KIẾN VĂN”. Hoặc giả, gần gũi với khái niệm về văn hóa và nghệ thuật, xin được dịch chữ “VISION” chính là “QUAN NIỆM” của mỗi tác giả văn chương và nghệ thuật vậy!