Sau khi bài viết “Tiếng Anh: Ngôn ngữ thứ ba tại Việt Nam” được đưa lên mạng (talawas, 12.06.2003), Ban chủ trì trang nhà talawas đã chuyển cho tôi điện thư của một độc giả trẻ tuổi với lời lẽ mà tôi xin được tóm tắt những điểm chính như sau:
1. Bác viết hơi quá về Việt Nam. Bài viết mang tính cách chế giễu, chê bai. Nếu thấy sai, thấy lố bịch thì bác góp ý, bảo cho người ta biết để họ sửa chữa. Viết sai tiếng Anh thì viết lại, có gì xấu đâu, không biết thì mình học.
Ðáp: Nhận xét của cháu thuần cảm tính, quá nhạy cảm và đầy lòng tự ái dân tộc, không cần thiết. Chế giễu khác với châm biếm, chê bai khác với phê bình ở tính chất tiêu cực và tích cực của nó. Bác đã gửi bài viết góp ý cho khách sạn “Tray” ở Hải phòng và một bản viết bằng tiếng Anh cũng đã được gửi cho tờ “Vietnam News” tại Hà Nội. Người ta có sửa chữa, có viết lại, có đăng trên báo hay không, thì chỉ có Trời biết. Có điều bác biết chắc thì là từ hai năm nay, thư của bác vẫn “chưa được hồi âm”. Bác đồng ý với cháu là “không biết thì mình học”, đâu có gì là xấu! Và bác xin nói thêm là người biết phải có bổn phận bảo cho người không biết.
2. Việt kiều chỉ biết chê bai, chế giễu đất nước. Người Trung Quốc có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, còn cháu sống ở bên này chỉ thấy người Việt Nam tranh giành, ghen tị nhau mà thôi. Ðừng có đem một anh “hói đầu” ra so sánh với một anh “có tóc” mà hãy cùng nhau xây dựng cho một nước Việt Nam tươi đẹp hơn.
Ðáp: Nhận xét này lại đầy cảm tính và có tính cách “vơ đũa cả nắm”. Không phải chỉ có Việt kiều mới nhất thiết chê bai, chế giễu đất nước. Người trong nước cũng chê bai, chế giễu đất nước như thường, nếu họ thấy có điều để chê bai, chế giễu. Cháu chắc biết rõ hơn ai hết về chuyện này và như cháu cũng đã nhận xét đó. Những bài viết “Tản Mạn Thứ Sáu” trên mạng lưới talawas là một thí dụ điển hình về chuyện châm biếm, chê khen. Việt kiều, người Việt hải ngoại, nói chung cũng đã viết chê bai, chế giễu lẫn nhau nếu họ thấy nếu có điều để chê bai, chế giễu. Và còn chê bai, chế giễu nhau nhiều nữa là đằng khác. Ai dám bảo là họ không muốn cùng nhau xây dựng cho một nước Việt Nam tươi đẹp hơn. Ai dám bảo là anh “có tóc” nhất định phải hơn anh “hói đầu”. Tưởng có lúc chúng ta cũng phải tự hỏi là “vì đâu nên nỗi”? Nếu muốn, cháu có thể vào mạng để đọc những bài viết của bác từ mấy năm nay như: “Trăng đến rằm trăng tròn”, “Cái rốn của vũ trụ”, “Kiếp sau xin chớ!”, “Trí thức: Một trang định nghĩa” v…v…thì cháu sẽ hiểu rõ bác hơn.
Ðể động viên thêm cho cháu suy nghĩ, bác xin được trích dẫn câu nói vẫn được luân lưu trong người Việt chúng ta như sau: “Người khen ta mà khen phải là Bạn ta. Người chê ta mà chê phải là Thầy ta. Còn kẻ nịnh hót ta là Kẻ Thù của ta vậy”.
3. Việt kiều học tiếng Việt tại Việt Nam cũng viết sai. Tội nghiệp cho họ là người Việt Nam 100% mà không nói tiếng Việt cho ra hồn…Ðấy mới chính là những người Việt Nam “mất gốc”.
Ðáp: Những bạn trẻ Việt Nam hải ngoại mà còn chịu về Việt Nam học tiếng Việt là một hành động đáng khen rồi đấy cháu ạ! Ðâu có nhất thiết da vàng mũi tẹt, Việt Nam 100%, là phải biết nói tiếng Việt cho ra hồn? Ðặc biệt là nếu hoàn cảnh, thời thế không cho phép. Cháu lại vô tình đem một anh “hói đầu” ra so sánh với một anh “có tóc” rồi đấy! Mà tại sao “mất gốc” lại bị coi là xấu. Có ai được tự ý chọn lựa để được sinh ra, được sống sau lũy tre xanh, đất nước hình chữ S đâu? Ngẫu nhiên đấy chứ! Mà quan trọng gì ở những cái gọi là “nơi chôn nhau cắt rốn”, ở những câu nói như “Cây có ngọn nước có nguồn”? Nếu không phải đó chỉ là những lời hô hào từ giới lãnh đạo, muốn thu người dân về một mối để phục vụ cho mục đích, tham vọng chính trị cuả họ? Quê hương, hay nói rõ hơn là “mái ấm” (home), là nơi mình cảm thấy thoải mái, có bạn bè và những người thân yêu của mình ở đó, chứ đâu nhất thiết quan trọng là vì ở đó tổ tiên, ông bà, cha mẹ chúng ta đã được chôn cất, mồ yên mả đẹp.
Nói theo lời của một kí giả người Mĩ gốc Việt, đã rời Việt Nam năm từ 11 tuổi, thì Việt Nam đối với anh nay chỉ còn là “một điểm xuất phát, một chốn đi về, chứ không còn là quê hương nữa”. Ai dám bảo đó không phải là cảm nhận tự nhiên của anh và của phần đông các bạn trẻ khác đã sống và lớn lên tại nước ngoài?
Cháu có thể vào mạng www.vietnamjournal.org Vol. 3, April 2002, để đọc bài viết của Andrew Lam tựa đề “Vietnamese Father answers American Son: Living in Defeat”, (Cha người Việt trả lời Con trai người Mĩ: Sống trong Chiến bại), và đoạn bác viết trả lời một vị độc giả góp ý với tác giả.
Trịnh Nhật
4 Comments
Son Chu
Thay viet bai hay ma phan hoi cung kheo.
khách qua đường
“trong một cuộc tranh luận, không ai là người thắng cả”
Uyên
It was said “This is my country where liberty is!”
Duy Nguyen
Thưa bác Trịnh Nhật,
Ý của bác trong các câu trả lời đứa bé này tôi hoàn toàn hoanh nghênh. Tuy nhiên có một điểm nhỏ về kỹ thuật tôi không đồng ý với bác Nhật: chữ kí (kí lô gram) ký “ghi, gửi” thì nên viết Y chứ đừng đồng hoá nó với kí lô với kí đầu. Chữ Mỹ cũng vậy. Cảm ơn bác nhiều.
Duy Nguyen