Kể từ khi tái lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước năm 1991, chưa bao giờ an ninh và chủ quyền Biển Đông của Việt Nam bị Trung Cộng đe dọa nghiêm trọng như dưới thời ông Tập Cận Bình lên cầm quyền ở Bắc Kinh. Nhưng cả đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN), từ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trở xuống đã cố tình nhắm mắt không coi đe dọa của Trung Cộng là có thật. Ngược lại, họ đã không ngừng ra sức khủng bố những ai chống bành trướng của Bắc Kinh và giữ cho bằng được quyền lãnh đạo độc tôn ghi trong Điều 4 Hiến pháp 1992 sửa đổi.
Nhà nước CSVN còn cúi đầu chịu nhục với Bắc Kinh để không cho người dân và các cựu chiến binh tổ chức lễ tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh chống Trung Cộng tại Hoàng Sa (1974), Cuộc chiến biên giới (1979) và Trường Sa (1988)
Tính đến tháng 3 năm 2013, ông Tập mới nắm chức Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Cộng hơn 100 ngày, nhưng lời nói hòa bình, hợp tác của ông và của Thủ tướng Lý Khắc Cường không phù hợp với hành động của nước này trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Bắc Kinh không giấu diếm tham vọng muốn chiếm nguồn năng lượng dầu khí và ngư trường của Việt Nam và của một số nước Đông Nam Á cũng như của Nhật Bản ở vùng quần đảo Điếu Ngư (Senkaku).
Cả hai ông Tập Cận Bình, 60 tuổi và Lý Khắc Cường, 58 tuổi là những chính trị gia có kinh nghiệm thuộc thế hệ trẻ, năng động và kiên quyết làm đúng như lời nói của họ đã hứa với nhân dân và cấp trên trong thời gian được coi như “tập sự” 5 năm trong vai Phó cho hai người tiền nhiệm là Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo.
Qua cuộc bỏ phiếu của các Đại biểu Quốc hội hôm 17/3 (2013), theo các chuyên viên về Trung Cộng, thì ông Tập Cận Bình là người được tín nhiệm vào chức Chủ tịch nước với số phiếu cao tiêu biểu của mọi sắc dân và của Quân đội.
Sự thể họ Tập nắm thêm chức Chủ tịch Ủy ban Quân ủy Trung ương, có dưới tay trên 8 triệu binh sỹ, kể cả quân chính quy và trừ bị, là người có nhiều quyền hành nhất của Trung Cộng.
Nhiều nhà phân tích người Trung Hoa ở Đại lục nhận xét ông Tập Cận Bình nổi tiếng là người có kỷ luật và kiên quyết ẩn náu sau nụ cười tươi nhưng khó mà đoán được ông ta đang nghĩ gì trong đầu khi nói chuyện với người đối diện!
Vì vậy, không ai bỏ lỡ cơ hội tìm hiểu xem họ Tập muốn ám chỉ gì sau mỗi lời nói liên hệ đến Biển Đông và biển Hoa Đông.
Tập Cận Bình
Nói thẳng và làm thật
Lời tuyên bố đầu tiên về điều được gọi là “lợi ích cốt lõi” của Trung Cộng về chủ quyền lãnh thổ được ông Tập Cận Bình đưa ra ngày 28/01/2013.
Ông nói: “Không một quốc gia nào có thể nuôi hy vọng Trung Quốc sẽ thương lượng các lợi ích quốc gia cốt lõi của mình, cũng không nên nuôi hy vọng rằng Trung Quốc có thể chấp nhận quả đắng trong việc làm tổn hại lợi ích chủ quyền, an ninh và phát triển của Trung Quốc”. (Báo điện tử Biển Đông, 6/3/013)
Thông thường khi nói như thế, giới lãnh đạo Bắc Kinh muốn ám chỉ đến Tây Tạng, Đài Loan và vùng Biển Đông trong Đường 9 Đoạn, hay còn được gọi là hình Lưỡi Bò do họ tự vẽ nhận là của Trung Cộng, chiếm từ 80 đến 85% diện tích khoảng 3.500.000 cây số vuông.
Theo tài liệu của Bách Khoa Toàn thư thì vùng Biển Đông có trữ lượng dầu khoảng 7,7 tỷ thùng, với ước tính tổng khối lượng là 28 tỷ thùng. Trữ lượng khí đốt được ước tính khoảng 7.500 cây số mét khối.
Đáng chú ý là từ khi ông Tập Cận Bình lên thay ông Hồ Cẩm Đào thì Trung Cộng đã thao diễn nhiều trận hành quân bắn đạn thật trên vùng biển Đông, Hoa Đông và Thái Bình Dương với lực lượng hỗn hợp của 3 binh chủng Hải, Lục và Không quân thuộc 3 hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải.
Cuộc tập trận lớn nhất diễn ra vào ngày 30/01/2013.
Song song với các cuộc tập trận thì Trung Cộng còn công bố quyết định khám xét tầu bè nước ngoài ở Biển Đông, mục đích là ngăn chặn các thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam, Phi Luật Tân và Mã Lai Á thường xuyên đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa.
Bắc Kinh còn đem các tầu Hải giám có võ trang, nhưng thật sự là của Hải quân cải trang dân sự, hộ tống từ 3,000 đến 4,000 Tầu đánh cá của ngư dân Trung Cộng ra đánh bắt hải sản của Việt Nam ở hai vùng Hoàng Sa và Trường Sa.
Tân Hoa Xã (Xinhua) của Bắc Kinh trích lời Wu Zhuang, Giám đốc Cục Thủy sản Biển Đông thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc nhấn mạnh: “Việc thúc đẩy tuần tra ngư nghiệp thường xuyên xung quanh quần đảo Trường Sa là ưu tiên hàng đầu trong việc thực thi luật ngư nghiệp năm nay.”
Để thực hiện việc kiểm soát biển, bắt đầu từ ngày 10-3 (2013) Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc đã thống nhất chỉ huy lực lượng Hải giám, Cảnh sát biển và Quân đội khiến cho tình hình an ninh trên biển ở Biển Đông và Hoa Đông thêm phức tạp.
Cũng vào ngày 10-3 (2013) Cục Ngư nghiệp Nam Hải thuộc Bộ Nông Nghiệp Trung Quốc loan báo sẽ phái 21 tàu ngư chính lớn, nhỏ đem theo hơn 3,000 nhân viên ra kiểm soát Biển Đông.
Sự kiện này sẽ gây căng thẳng thêm cho cuộc tranh chấp chủ quyền với Việt Nam và Phi Luật Tân, sau khi Trung Cộng đã bỏ ra 1 tỷ 600 triệu Mỹ kim để xây dựng thành phố Tam Sa, thành lập tháng 7/2012, bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và vùng đảo Hoàng Nham (Scarborough) mà Phi Luật Tân nhận chủ quyền.
Đến ngày 18/3 (2013), tờ Nhân dân Nhật Báo của Trung Cộng còn xác nhận tàu khảo sát Nam Phong đã trực chỉ xuống vùng Trường Sa làm công tác điều nghiên về tài nguyên cá trong khu vực.
Tầu này cũng trang bị các máy thăm dò tối tân dưới đáy biển để phân các loại cá và kích cỡ.
Đây là hoạt động xâm phạm chủ quyền nghiêm trọng đầu tiên của Trung Cộng tại vùng biển Trường Sa của Việt Nam trong năm 2013.
Cũng vào hôm 18-3 (2013) tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một bộ phận trong hệ thống Báo Nhân Dân của đảng Cộng sản Trung Cộng đã khuyến cáo Chính phủ phải mau chóng nghiên cứu việc xây dựng các bến cảng và sân bay trong vùng Biển Đông để làm công tác cứu hộ khi các tầu bè quân sự và thường dân của Trung Cộng gặp nạn trên vùng biển rộng lớn và quan trọng này.
Báo này cũng nói Chính phủ nên nghiên cứu hợp tác với Đài Loan trong việc xây một sân bay trên đảo Ba Bình, lớn nhất trong Trường Sa, đã do Đài Loan chiếm từ sau Thế chiến thứ II.
Đến ngày 19/3, Đài Phát thanh Quốc tế Trung Cộng (Radio China International, RCI) còn đưa tin: “Đội tàu cơ động liên hợp gồm 4 tàu chiến của Hạm đội Nam hải Trung Quốc khởi hành tới Nam Hải (Biển Đông), tây Thái Bình Dương tiến hành huấn luyện viễn dương tuần tra sẵn sàng chiến đấu. Đây là cuộc huấn luyện quân sự thường niên của Hải quân Trung Quốc.
Đội tàu cơ động liên hợp gồm 4 tàu chiến Hải quân tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn, tàu khu trục tên lửa Lan Châu, tàu Ngọc Lâm và tàu hộ vệ tên lửa Hằng Thủy, trên các tàu có 4 máy bay trực thăng và một đại đội hải quân đánh bộ, chia thành ba lực lượng, tới các vùng biển Nam Hải, tây Thái Bình Dương tiến hành huấn luyện các nội dung như thành lập bộ chỉ huy, tác chiến cơ động trên biển, bảo vệ chủ quyền trên biển, hộ tống viễn dương, chi viện tác chiến phản ứng nhanh v.v…”
Tầu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn là tầu quân sự lớn nhất của Trung Cộng nhưng không biết có bao nhiêu quân lính đã được đưa tới khu vực Trường Sa trong trận tập trận quan trọng này.
Rõ ràng với hành động này Trung Cộng muốn chứng tỏ là quân đội của họ đã sẵn sàng bảo vệ bằng mọi cách chủ trương “giữ vững quyền lợi biển” của Trung Cộng đã được Chủ tịch Tập Cận Bình chấp thuận tại Đại hội đảng hồi tháng 11 năm 2012.
Hòa bình dao găm
Hành động thì như thế nhưng ngoài mặt các lãnh tụ mới của Trung Cộng vẫn cổ xúy hòa bình và hợp tác với các nước lân bang và Thế giới để cùng xây dựng và phát triển.
Truớc khi lên đường dự hội nghị BRICS ở Nam Phi (khối kinh tế gồm có Brazil, Ấn Độ, Trung Cộng và South Africa), các báo ở Bắc Kinh cho biết ông Tập Cận Bình, người sẽ thăm Nga từ ngày 22-24/3 để bàn về hợp tác chiến lược và thương mại giữa hai nước, nói với báo chí hôm 19/3 (2013) rằng: “Cùng với sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc không ngừng tăng cường, Trung Quốc sẽ gánh vác càng nhiều trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế theo khả năng mình, đóng góp to lớn hơn cho hòa bình và phát triển của nhân loại, Trung Quốc kiên định bất di bất dịch đi con đường phát triển hòa bình.”
Trước đó vào ngày 17-3 (2013), sau khi được bầu làm Thủ tướng, ông Lý Khắc Cường nói rằng Trung Cộng cam đoan giữ vững hòa bình và sự ổn định tại Á Châu và Thái Bình Dương và toàn Thế giới, cam kết có quan hệ vững chãi thêm với các cường quốc, kể cả Mỹ và Nga Sô. (Premier Li Keqiang said Sunday that China is committed to maintaining peace and stability in the Asian-Pacific region and the whole world, pledging stronger ties with major powers, including the U.S. and Russia.-Xinhua New Agency)
Ông nói thêm: “Trung Quốc có khả năng đạt được mức phát triển kinh tế, và một nước Trung Quốc hùng mạnh sẽ không theo đuổi bá quyền.” (China is capable of achieving sustainable economic development and a stronger China will not seek hegemony- theo Tân Hoa Xã (Xinhua News Agency)
Ông Lý nói thế nhưng thực tế không phải vậy.
Tổ tiên người Việt có câu: “Bán anh em xa mua láng giềng gần”, nhưng phương châm 16 chữ vàng và tình thần 4 Tốt (“láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”) do phía Trung Cộng “nhét vào miệng” Tổng Bí thư đảng Lê Khả Phiêu năm 1999 không còn giá trị đến một đồng xu so với hành động của Trung Cộng đang diễn ra trên Biển Đông.
Thế mà lạ thay, học sinh Việt Nam ngày nay không được nhà nước cho biết tường tận về 3 cuộc chiến xâm lược Việt Nam của Trung Cộng từ 1974 ở Hoàng Sa, 1979 ở biến giới Việt-Trung và năm 1988 tại Trường Sa.
Thật trơ trẻn và đáng bị lên án phản bội khi sách giáo khoa môn Sử lớp 12 chỉ viết 10 dòng về cuộc chiến biên giới dẫm máu năm 1979.
Có đến 11 Tác giả, đứng đầu bởi ông Phan Ngọc Liên, Tổng Chủ biên mà Cuộc chiến xâm lược Việt Nam của Trung Cộng giết hại trên 40 ngàn quân và dân 6 tỉnh biên giới chỉ ghi lại có vỏn vẹn như sau: “Bảo vệ biên giới phía Bắc: Hành động thù nghịch chống Việt Nam của tập đoàn Pôn Pốt được một số nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc đó đồng tình ủng hộ. Họ còn có những hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị của nhân dân hai nước như: cho quân khiêu khích dọc biên giới, dựng lên sự kiện “nạn kiều”, cắt viện trợ, rút chuyên gia. Nghiêm trọng hơn sáng 17-2-1979, quân đội Trung Quốc huy động 32 sư đoàn mở cuộc tiến quân dọc biên giới nước ta từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Phong Thổ (Lai Châu).
Để bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc, quân dân ta, trực tiếp là quân dân sáu tỉnh biên giới phía Bắc, đã đứng lên chiến đấu. Đến ngày 18-3-1979, quân Trung Quốc rút khỏi nước ta.” (Trang 207, Lịch sử 12, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, tháng 01 năm 2012)
Tại sao lại cẩu thả và cố tình che giấu sự thật đến vong ơn bạc nghĩa và đốn mạt như thế đối với những người đã đổ máu bảo vệ Quê hương?
Và tại sao nhà nước lại ra lệnh cho Công an, cảnh sát đàn áp dân mỗi khi họ tổ chức biểu tình chống chính sách bá quyền lấn đất, dành biển của Trung Cộng?
Như vậy, so với tình hình an ninh biển đảo không còn được bảo vệ như những lời hứa “trăm voi không được bát nước xáo” của giới lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN thì một “bài học thứ nhì” dành cho Việt Nam bởi Tập Cận Bình, nếu có xảy ra, cũng không làm cho ai ngạc nhiên.
Phạm Trần
3/21/013
3/21/013
2 Comments
Oanhon
Quý vị biết đó ở các nước CS nói chung họ không bao giờ nói thật cả ” Trung Quốc nói họ sẽ gánh vác trách nhiệm cho hòa bình và ổn định thế giới .. ” đó chỉ là ảo tưởng bởi lẽ những lời nói của họ ( CSTC) đều có toan tính và những ý đồ đen tối. Một mặt là ngoại giao, mặt khác đi đêm với những quốc gia hiếu chiến ( Bắc hàn, Iran…. )xúi giục để gây bao loạn nhằm để đạt đến mục tiêu “siêu cường I” Vậy, Hoa Kỳ và các nước yêu chuộng hòa bình trên thế giới phải hiểu nguyên phát xuất từ đâu. Chúng ta nên làm cái gì? Thực hiện ở đâu? ….
Oanhon
Chao may ong My ngo hieu cho khong bao gio co chuyen Bac hang khoi dong chien tranh hay cu dieu gi gi ..do . nhung day la cach ngoai giao du con cua cac lanh tu ( tu lanh ) moi len cua CSTC nham de trung cai bo mat cua ho ra the gioi. Boi vi, ho qua yeu nen ho moi lam nhu vay, nhung kieu choi nay cu lap di lap lai ma quy vi khong biet a! ” Dap nguoi manh hon de lay suc manh”. Do do chinh sach cua may ong My ngo can quyet doan hon nua..