Cơ quan Bảo vệ Môi Trường Hoa Kỳ (USEPA) là một cơ quan thuộc chính phủ liên bang có nhiệm vụ bảo vệ sức khoẻ của người dân và lưu tâm đến môi trường thiên nhiên như không khí, nước, và đất. Cơ quan nầy đã được Tổng thống Richard Nixon đề nghị và bắt đầu thi hành nhiệm vụ ngày 2 tháng 12, 1970 sau khi Lưỡng viện chấp thuận và TT Nixon ban hành thành luật.
Tầm cở của Cơ quan không được xem như là một thành phần của cấp Bộ, mà chỉ ngang hàng với cấp Administrator (có thể được xem như cấp Thứ trưởng). Cơ quan hiện đang có khoảng 18 ngàn nhân viên hành chánh và khoa học gia làm việc.
Từ hơn 20 năm nay, đặc biệt là dưới 8 năm cầm quyền của TT Bush, Cơ quan đã trải qua nhiều biến chuyển không thuận lợi qua chính sách của chính phủ đương thời. Mặc dù là một cơ quan có nhiệm vụ quan trong liên quan đến môi trường cùng ảnh hưởng của môi trường lên sức khoẻ của người dân cho tòan quốc, nhưng ngân khoản dành cho việc thực hiện các mục tiêu trên tương đối quá ít ỏi so với nhiệm vụ nặng nề được giao, và so với các chi tiêu khác như chương trình nghiên cứu khoa học dành cho Bộ Quốc phòng và Năng lượng với ngân sách trên 1 tỷ Mỹ kim so với ngân sách trung bình khiêm nhường của EPA từ năm 2002 đến 2007 là 746 triệu Mỹ kim mà thôi.
Trong một khuyến cáo gữi cho EPA vào tháng 5, 2008, Hội đồng Cố vấn Khoa học (Science Advisory Board-SAB) có nêu lên vấn nạn sau đây: “EPA không thẩm tra đầy đủ trong nghiên cứu về nhiều lãnh vực khoa học cần phải được hiểu thấu đáo và quản lý những vấn nạn môi trương đang hiện hữu cũng như những hệ luỵ đã được nhận diện có thể sẽ xảy ra trong tương lai”. Khuyến cáo còn tiếp tục nhận định : “Hậu quả là chúng ta đang đứng trước nguy cơ đáng quan tâm và chúng ta không còn khả năng diễn đạt các vấn nạn ấy một cách hữu hiệu trong tương lai”.
Bài viết nầy tập trung vào những khuyến cáo của Hội đồng Cố vấn khoa học (SAB) và Văn phòng Nghiên cứu và Phát triển (Office of Reasearch & Development-ORD) là hai cơ quan tư vấn của EPA.
Vấn đề môi trường Hoa Kỳ hiện tại
Căn cứ theo nhiệm vụ được giao phó, EPA cần phải cung cấp cho người dân biết được thông tin về những vấn nạn hay sự thay đổi hệ sinh thái cùng các hướng dẫn hay định mức một yếu tố môi trường hay ô nhiễm. Người dân cần sự hướng dẫn của EPA để điều chỉnh, phòng ngừa, hoặc bảo vệ sức khoẻ của chính mình.
Những thành quả tích cực do EPA mang lại trong quá khứ như, trong hiện tại, số trẻ em đi đến các phòng cứu cấp hàng năm vì bị bịnh suyển (asthma) ít hơn trước kia vì luật lệ môi trường áp dụng cho không khí (Clean Air Act) nghiêm ngặt hơn bằng cách hạ thấp định mức cho phép phát thải, cũng như các nhà sản xuất đã áp dụng những công nghệ sạch, phát thải ít khí độc qua hệ thống sàng lọc khí thải. Cũng cần phải kể thêm là, với đà khoa học tân tiến, hệ thống phân tích ô nhiễm ngày càng khám phá ra vi lượng ô nhiễm đến một phần ức (tức 10 -12) với độ chính xác cao. Do đó, có thể phân tích định lượng ô nhiễm dễ dàng hơn như trong chuổi phân tích dioxin và các hợp chất PCBs.
Tuy nhiên, trong vòng một thập niên qua, EPA dường như không hoàn tất nhiệm vụ được giao phó và sức khoẻ của người dân ngày càng bị đe doạ qua những vấn nạn môi trường. Nguyên do được nhiều khoa học gia và các cơ quan vận động hành lang cùng các Hội phi chính phủ (NGO) nhận định là ngân khoản hạn chế dành cho việc nghiên cưú và nhất là chính sách kiểm soát của chính phủ liên bang hiện tại. Một vài thí dụ điển hình trong việc định mức các hoá chất độc hại trong nguồn nứơc là:
· Arsenic là một chất độc đã được WHO và đa số quốc gia trên thế giới giới hạn định mức hiện diện trong nguồn nước uống là 10 phần tỷ (10 ppb hay 0,010 mg/L); trong lúc đó định mức của Hoa Kỳ cao gấp 5 lần, tức 50 phần tỷ. Lý do là hạn chế chí phí xử lý nguồn nước, nhất là đối với các vùng xâu và xa, ít dân cư;
· Thí dụ thứ hai, hoá chất 1,4-dioxane là một hoá chất độc hại hiện diện trong nước uống, nhưng EPA vẫn “thả nổi” và không ban hành (regulate) định mức tối thiểu sự hiện diện của hoá chất nầy;
· Hoá chất perchlorate được quy định định mức tạm thời thay đổi theo thời gian như 20 phần tỷ rồi xuống 4, đến 2, rồi lên 8 phần tỷ. Có lẽ có sự thay đổi định mức trên là do nồng độ của hoá chất nầy thay đổi, theo thời gian, trong nước sông Colorado, nguồn nước trọng yếu cung cấp cho nhiều tiểu bang.
· Ngoài ra còn rất nhiều hoá chất độc hại vẫn được “treo” (pending), vì nếu ngăn cấm sẽ ảnh hưởng lên nông nghiệp và kinh tế…như methyl bromide là một hoá chất diệt nấm thích hợp cho việc trồng dâu (strawberry).
Thư khuyến cáo của SAB kết luận:” Chúng ta đang tạo ra một nguy cơ rộng lớn hơn cho tương lai vì chúng ta không thấu hiểu hết những khía cạnh tế nhị của vấn đề, do đó có những đáp ứng không thích hợp trong việc xử lý môi trường…”
Có thể nói, hai yếu tố trên làm hạn chế mức hoạt động của EPA trong việc giải quyết hầu hết các vấn nạn môi trường mà EPA cần phải lưu ý. Đối diện trực tiếp với ngân sách hạn hẹp, EPA lại phải chịu nhiều áp lực của chính sách liên bang qua Quốc hội. Hai hạn chế trên làm cho EPA không còn khả năng có tầm nhìn xa hơn trong nghiên cứu mà chỉ giải quyết những vấn nạn có tính cách cấp thời (short-term). Do đó, EPA chỉ phản ứng trước sự hiện diện của vấn đề môi trường đã xảy ra (reactive) chứ không tiếp cận và khảo sát vấn đề trong tư cách thân thiện và được chuẩn bị trước (proactive).
Các đề nghị của SAB và ORD
Như đã nói trên, Hội đồng Cố vấn Khoa học (SAB) và Văn phòng Nghiên cứu & Phát triển (ORD) khuyến cáo những thay đổi cần có cho EPA nhằm nhu cầu đáp ứng đúng đắn những vấn nạn môi trường đang xảy ra và những dự kiến giải quyết những vấn đề khác trong tương lai, mà trong hiện tại EPA đang bị bó tay.
Nói chung, những ý kiến của hai cơ quan trên đều nhấn mạnh trước hết là cần phải có một lực lượng khoa học gia có khả năng nghiên cứu đầy đủ và ngân sách dự trù tương ứng với nhu cầu của đất nước . Và quan trọng nhất là người điều hành EPA cùng khoa học gia phải được hoàn toàn tự do trong nghiên cứu, không bị ảnh hưởng chính trị hay kinh tế đến từ chính phủ liên bang qua quốc hội. Nhân cách và liêm sĩ của nhà khoa học cũng phải được tôn trọng và bảo tòan.
Những đề nghị có thể được tóm tắt sau đây:
· Cần có thêm ngân khoản để mở rộng những nghiên cúu cơ bản để nhận diện vấn để môi trường trong tương lai. Chương trình nghiên cứu nano cần phải đẩy mạnh hơn nữa, vì những áp dụng trong kỹ nghệ, y khoa, và y tế công cộng rất rộng lớn. Hiện tại, chương trình nghiên cứu nầy không có ngân sách riêng mà phải lấy ngân khoản của chương trình nghiên cứu và theo dõi hiện trạng của hệ sinh thái quốc gia (status of the nation’s ecosystem)
· Về vấn đề năng lượng sinh học (biofuel), cần phải lượng giá lại nghiêm chỉnh hơn, không để yếu tố chính trị toàn cầu ảnh hưởng lên quyết định sau cùng;
· Một yếu tố khá quan trọng là cân nhắt chi tiêu cụ thể cho những dịch vụ bảo vệ hệ sinh thái như thiết lập những vùng ngập nước (wetland) để sàn lọc ô nhiễm nguồn nưóc;
· Cần phải đẩy mạnh việc sử dụng điện toán hoá trong nghiên cứu độc tố học. Điều nầy rất quan trọng và là một cuộc cách mạng mới vì có thể giải quyết một cách rốt ráo ảnh hưởng của hoá chất lên môi trường và con người. Phương pháp nầy phối hợp với việc nghiên cứu trong kỹ nghệ dược phẩm với những mô hình toán học. Sự phối hợp nầy sẽ giải quyết một vấn nạn môi trường nhanh chóng hơn và chính xác hơn;
· Luật Không khí Sạch (Clean Air Act) cần phải được xem xét lại mỗi 5 năm, vì môi trường thay đổi do phát triển cho nên các định mức cho phép của các nhân tố gây ô nhiễm quan trọng như: Carbon monoxide (CO), Chì (Lead), tầng ozone mặt đất (ground-level ozone), Nitrogen oxides (NOx), hạt bụi lơ lững , và Sulfur dioxide (SO2) cần phải nghiêm ngặt hơn;
· Việc sử dụng ngân khoản liên bang (superfund) để giải quyết xử lý các vùng hay địa phương bị ô nhiểm như xử lý nước rỉ của các bãi rác đã ngưng hoạt động, hay các nhà máy đã đóng cửa nhưng chủ nhân không đủ ngân sách để giải quyết là một vấn nạn lớn. Trong quá khứ, việc cung cấp ngân khoản nầy đã tạo ra một khủng hoảng về niềm tin của chính sách quốc gia qua sự phân phối và thẩm định không công bằng và chịu nhiều yếu tố chính trị liên bang-tiểu bang chi phối;
· Các khoa học gia nghiên cứu trong các chương trình môi trường trọng yếu cần có hoàn toàn tự do trong việc công bố kết quả nghiên cứu của mình, cho dù kết quả đó có đi ngược lại, hay không làm thoả mãn chính sách của chính phủ. Nhà làm khoa học phải được tôn trọng sự khách quan khoa học và khoa hoc gia môi trường phải có toàn quyền công bố và tiếp xúc những kết quả nghiên cứu, chứ không phải chờ đợi sự chấp thuận và cho phép công bố của chính phủ như hiện nay;
· Và sau cùng có thể là một đề nghị quan trọng nhất để có thể mang lại tính độc lập và uy thế cho EPA là, chính sách liên bang mới cần phải nâng cấp EPA lên hàng Bộ, để tiếng nói của EPA có thêm trọng lượng và tính thuyết phục hơn, cũng như được chính phủ liên bang lắng nghe hơn nữa.
Thay lời kết
Trên đây là một số đề nghị của hai cơ quan tư vấn của EPA. Đây cũng là những đề nghị gữi gấm đến chính phủ của Tổng thống đắc cử Obama. Cho đến nay, mặc dù vẫn còn quá sớm để thấy sự thay đổi mà chính quyền mới cổ suý trong thời gian tranh cữ, nhưng với cái nhìn nửa ly nước đầy, chúng ta hy vọng Obama và chính phủ mới sẽ thực hiện những thay đổi trong vấn đề chính sách, ngân sách và điểu hành của cơ quan bảo vệ môi trường lớn nhất thế giới nầy.
Qua lời phát biểu của Nghị sĩ Obama vào tháng 10/2008:”Trong Hành pháp Obama, nguyên tắc toàn vẹn chủ quyền khoa học (scientific integrity) sẽ là tuyệt đối, và tôi sẽ không bao giờ có dự mưu khuynh đão kết quả việc làm của nhà khoa học”, chúng ta có quyền lạc quan cho EPA sẽ có một thông lộ mới.
Kể từ hôm nay, chúng ta có quyền hy vọng tíếng nói của những nhà làm khoa học chân chính sẽ được lắng nghe và Tổng thống tương lai của Hoa Kỳ sẽ là người đầu tiên nói lên cung cách hành xử, và áp dụng tính xuyên suốt (transparency) trong lãnh vực khoa học qua việc cải tổ toàn bộ Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ
Mai Thanh Truyết