Đại Việt Quốc Dân Đảng ra đời từ những năm 30 thời kháng chiến chống Pháp, do Trương Khánh sáng lập. Tiêu chí của Đảng là đấu tranh cho dân chủ dân tộc và đã nhiều lần bị các chính quyền trù dập trong quá khứ. Sau 30 tháng tư năm 1975, đại bộ phận của Đại Việt thoát ra nước ngoài. Năm 1992, Đảng hoạt động trở lại ở Bắc Mỹ, Úc và Châu Âu. Tuy nhiên, hiện nay các hoạt động của Đảng ít được biết tới.
Tạp Chí Thanh Niên Phía Trước có dịp trao đổi với Tiến sĩ Phan Văn Song, Chủ tịch Đại Việt Quốc Dân Đảng. Cuộc nói chuyện khá dài vì có quá nhiều chi tiết thú vị. Đặc biệt, những nhìn nhận của Tiến sĩ về tuổi trẻ đã thể hiện một cái “tâm” và “tầm” lớn.
Phía Trước: Xin chào Tiến Sĩ Phan Văn Song, là chủ tịch Đại Việt Quốc Dân Đảng từ tháng 8 năm 2002 của một trong những đảng thành lập lâu đời nhất tại Việt Nam (1939), mời Tiến sĩ giới thiệu với độc giả Phía Trước những hoạt động của «Đại Việt Quốc dân đảng» trong thời gian gần đây.
TS Phan Văn Song: Như các bạn đã thấy lịch sử ĐVQDĐ (mời đọc thêm phần giới thiệu) là một chuỗi dài đấu tranh chống độc tài, cho độc lập tự do, cho dân chủ. Chống Pháp giành độc lập, chống cộng sản độc tài, chống ông Ngô Đình Diệm độc tài, và ngày nay, chúng tôi vẫn tiếp tục đấu tranh để đòi quyền con người, quyền công dân, dân chủ công bằng và công lý cho nhân dân Việt Nam. Ngày hôm nay, người Đại Việt chúng tôi có mặt ở mọi nơi trên khắp thế giới, ở Mỹ ở Âu Châu hay Úc Châu. Nhưng những Đảng viên Đại Việt từ Đại Việt Quốc Dân Đảng, Tân Đại Việt hay Đại Việt Cách mạng Đảng hoạt động rất độc lập nhau. Ở hải ngoại, vì di trú trên những quốc gia với những thể chế chính trị khác nhau, mỗi cơ sở của mỗi Đảng phái đều có những suy nghĩ và tập tục hoạt động khác nhau. Chúng ta phải có những tư tưởng những suy nghĩ khác nhau, nhưng khi hoạt động lâi có môt sự đồng nhịp. Đoàn kết trong cái đa nguyên. Ở hải ngoại nếu các bạn chú ý, sẽ thấy sự có mặt của các đảng viên Đại Việt ở mọi sanh hoạt chánh trị, công đồng.
Phía Trước: Các phong trào dân chủ trong ít năm trở về đây tại Việt Nam ít nghe thấy tiếng của Đại Việt Quốc Dân Đảng, thế thì thưa Tiến Sĩ có thể giải thích việc này như thế nào? ĐVQDĐ có hướng phát triển hoạt động cho tuổi trẻ hay không?
TS Phan Văn Song: Ngày hôm nay tại Việt Nam, người đảng viên Đại Việt vẫn có mặt, vì họ đã có mặt từ ngay những ngày đầu, từ cuộc kháng chiến chống Pháp, đến cuộc chống Cộng để bảo vệ tự do. Hai mươi năm bảo vệ tự do ở Miền Nam. Họ có mặt trong những trại giam, lao động tù đày, họ có mặt trong những ngày đi từ trại tù nhỏ ra trại tù lớn. Và ngày nay có kẻ ra được hải ngoại, có kẻ không ra được, vẫn tiếp tục sống trong căn ngục to lớn. Có kẻ ra hải ngoại đấu tranh ồn ào ra mặt, có kẻ âm thầm giúp đở các đồng chí trong nước. Đảng Đại Việt không tuyên bố có bao nhiêu đảng viên, cũng như Đảng Việt Nam Quốc Dân Đảng cũng không tuyên bố. Đảng Cộng sản chỉ có chờ Đại Việt hay Việt Quốc tuyên bố là đàn áp ngay. Ngày hôm nay là những ngày của đấu tranh cho nhân quyền, cho dân chủ, việc ấy là việc của tất cả nhân dân Việt Nam. Hãy đòi các quyền làm người, hãy đòi các quyền dân chủ đi, ngày mai sẽ đòi những quyền chính trị – cái quyền tự quyết, cái quyền tự do đi bầu, tự do ứng cử. Hôm ấy, ta sẽ thử đòi quyền dân tộc tự quyết: tự quyết là tự quyết định ai là người lãnh đạo. Quyền dân tộc tự quyết, là không chấp nhận cho Trung Quốc quyết định vận mệnh dân tộc ta. Tuổi trẻ phải do tuổi trẻ nói, chúng tôi vẫn có những đảng viên, đồng chí trẻ nói chuyện với những người bạn trẻ vì những quan tâm, những ưu tư, những tha thiết nhu cầu giống nhau. Người lớn, khác tuổi, khác thế hệ, lớn tuổi có những cái nhìn khác. Các độc giả Tạp chí Thanh Niên Phía Trước trẻ, cứ thử so sánh cái tuổi trẻ của mình, của đất nước mình với những tuổi trẻ các dân tộc bạn các nước tiên tiến. Tương lai cả tuổi trẻ, cả thế hệ có phải của thành phần mình không? Nghĩ sao khi nhìn thấy những người trẻ Việt Nam như mình phải lao động tay chân mà chỉ được trả chưa đầy 2 dollars một ngày?
Phía Trước: Theo gia đình tham gia chính trị từ rất trẻ, Tiến sĩ có nhận xét gì về nhân thức chính trị tuổi trẻ trước đây và thế hệ ngày hôm nay? Phải chăng việc này chỉ dành cho những người chuyên môn, các nhà lãnh đạo hay và người dân chỉ nên tập trung làm kinh tế, thanh niên học sinh cố gắng học hành, làm kinh tế để lo cho gia đình, xã hội là tốt rồi?
TS Phan Văn Song: Tuổi trẻ thời nào cũng giống nhau. Thế hệ chúng tôi cũng có các bạn con nhà giàu, hay con nhà nghèo, chỉ biết ăn học, lo cho tương lai cá nhân mình. Cá nhân chúng tôi, có cái may mắn là ông cụ theo cách mạng, đi kháng chiến chống Pháp, rồi vì ở mặt trận quốc gia đánh nhau với cộng sản. Chúng tôi lớn lên trong không khí đó. Ham học, tôi thi tuyển được học bổng vào Trung học, đến Đại học cũng vẫn thi trúng tuyển học bổng xuất ngoại. Học xong về nước ngay, mặc dù có việc làm bên Pháp, mặc dù về nhà là có chiến tranh phải đi nghĩa vụ quân dịch nhưng vì thèm phục vụ, vì có giấc mơ phục vụ cho đất nước, có giấc mơ làm một cái gì mới. Chúng tôi cũng có những cái may mắn, có duyên gặp những người thầy xuất chúng như Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, Giáo sư Nguyễn Văn Ngôn, hai vị ấy đã cùng chúng tôi sáng lập Viện Đại học Cao Đẳng Thương mại Minh Trí. Mọi thanh niên, mọi thanh nữ nếu có duyên, có cái may mắn học giỏi, có chuyên môn khi thành tài, phải biết trả cái nợ ấy cho ơn núi sông, cho ơn cha mẹ, cho ơn đồng bào. Làm kinh tế cũng tốt nhưng phải biết chia cái kết quả cho đất nước, cho đồng bào. Mỗi người chúng ta khi thành công đều nhận bốn cái ơn, ơn cha mẹ sanh thành, ơn đất nước cho chúng ta cái văn hóa cái tự hào dân tộc, cái tập tục, ơn trời đất cho ta cái duyên, cái may, cái thông minh, và ơn đồng bào đã cật lực tạo nên cái đất nước chúng ta. Làm kinh tế, làm thầy giáo, làm ông thầy thuốc tất cả chỉ là hành xử một nghệ nghiệp với cái vui, cái thích cái thú của mình. Phải đóng góp và đóng góp để trả nợ với đất nước, với đồng bào, với cha mẹ và trời đất.
Phía Trước: Từ nhiều tháng gần đây, tình hình Thái Lan trở nên bất ổn, nhiều cuộc xung đột đẫm máu đã xảy ra giữa hai phe ủng hộ và không ủng hộ chính phủ, theo thống kê gần đây nhất đã có 28 người bị chết (27 thường dân, 1 lính ) và hàng ngàn người bị thương, diễn tiến mang rất nhiều bất lợi cho nền kinh tế Thái Lan, nguy cơ dẫn đến nội chiến rất cao theo muốn số nhà phân tích thời cuộc. Và điều này đã cũng cố thêm biện luận của chính quyền hiện hành: “Đa Đảng hoàn toàn không có lợi, vì nếu có sẽ dẫn đến rối loạn đất nước”. Tiến sĩ nhận định điều này như thế nào?
TS Phan Văn Song: Thái lan vì có dân chủ nên bất ổn. Nguy hiểm chưa? Vì vậy nên theo công sản độc tài sẽ yên thân hơn.Ta trái lại ta thử hỏi Nhà Vua, thử hỏi, cái phần ổn định của Thái Lan, nó hiện nay ở tay ai? Ai thực sự cầm quyền? Chuyện xáo trộn của Thái Lan dân chủ, chuyện yên ổn của Bắc Hàn thiên đường cộng sản các bạn chọn ở nước nào? Dân Thái Lan ngày nay, có bao nhiêu người vượt biên, bỏ xứ đi tìm đất mới để sống? Việt Nam sống hòa bình tại sao có người hễ có dịp ra ra nước ngoài sống, du học, vượt biên, thậm chí mua cho được một cái phần xuất khẩu lao động để đi làm nô lệ lao động kiếm tiền. Tại sao có những cô gái chưng bày hình thể mình ra để Đài Loan lựa đem về làm người nô lệ tình dục? Dân chủ nó nhức đầu lắm, các bạn ạ. Ở Pháp nó đình công, bãi khóa hoài, quốc hội nó năm đảng bảy phe cãi nhau như cái chợ, nhưng dân chúng sống dân chủ, tự do. Dân chủ khi có thì không biết thưởng thức, nhưng khi vắng nó thì là một sự bất hạnh. Khi mất dân chủ, khi mất tự do, mới biết cái quý của dân chủ và tự do.
Dân chủ chỉ là có cái quyền tự quyết, chất vấn ông lãnh đạo đó thôi. Nó sai, ta không bầu hắn nữa. Dân chủ là luật lệ giống nhau, quan hay dân gì làm sai cũng bị phạt. Dân chủ chỉ là tự do bỏ phiếu, tự do ứng cử. Dân chủ chỉ là có nhiều nguồn tư tưởng khác nhau, dân chủ là nhiều ý kiến khác nhau trong một vấn đề. Dân chủ nó nhức đầu lắm. Nhưng khi đã biết được dân chủ rồi thì sẽ hiểu thế nào là thiếu dân chủ.
Phía Trước: Quá trình học và làm việc** của Tiến sĩ trãi rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau thật đáng nể phục. Nếu được tham gia điều hành đất nước, theo Tiến sĩ, Việt Nam cần phải phát triển như thế nào? Và tuổi trẻ Việt Nam cần phải làm gì?
TS Phan Văn Song: Chúng tôi lúc nào cũng mơ được đi học cả, mỗi ngày tôi mơ được học thêm một môn. Với chúng nói chuyện trao đổi ý kiến, bàn luận một vấn đề gì đều là những bài học cả. Tuổi trẻ tôi thích đi học tôi lấy bằng cấp vì là học bổng phải chứng minh cho cơ quan mạnh thường quân là mình thực sự đi học, vì vậy suốt thời gian đại học không năm nào tôi không đi thi và đậu một bằng cấp.
Giấc mơ của tôi là làm nghề giáo dục. Tôi có một giấc mơ là tổ chức một loại Trường Tiểu học dạy làm người. Quan niệm tôi, tiểu học dạy ta làm người, trung học dạy cho ta sự hiểu biết và đại học luyện cho ta một nghề nghiệp. Ở bậc tiểu học con em phải được giáo dục thành những công dân tương lai, với đạo đức, thành thật, trách nhiệm, nghĩa vụ; những cái ý thức mà ngày nay chúng tôi có cảm tưởng các con em quên cả rồi. Giấc mơ thứ hai là thành lập một trường đại học như trường Minh Trí, một loại Ecole de Commerce của Pháp, đào tạo sơ lược những cán sự (Tú Tài + 3 năm) sau đó mới đến cử nhân hay cao học (Tú Tài + 5 năm). Các nước chậm tiến như Việt Nam rất thiếu cán sự để làm dây chuyền cho những guồng máy chạy thật sự. Cấp cử nhân cao học hoặc tiến sĩ hoặc kỹ sư điều khiển mà không có cán sự điều hành thì guồng máy bế tắc. Tuổi trẻ Việt Nam cần được huấn luyện, cần có tay nghề. Muốn phát triển chỉ phải có học thôi. Học nghề xong, phải luyện nghề, cập nhật nghề nghiệp. Ngày nay chúng tôi rất buồn khi nghe những câu hỏi như học nghề này để làm cái gì? Lương bao nhiêu? Học để biết, để hiểu, để phát triển đất nước, có lương có bổng là phụ. Tuổi trẻ Việt Nam ngay từ bây giờ có nghĩ đến tương lai đất nước không? Phát triển làm sao cho đất nước vẫn còn đẹp, vẫn không bị ô nhiểm? Và nhà nước trách nhiệm có biết làm một cái chương trình cho phát triển đất nước không? Ngành nghề nào cho tương lai? Việt Nam cần bao nhiêu bác sĩ, bao nhiêu kỹ sư, bao nhiêu thợ máy, bao nhiêu nông dân trong 5 năm, trong 10 năm nữa?
Phía Trước: Với những kiến thức, kinh nghiệm, nghiên cứu về chính trị, Tiến sĩ có thể đưa ra một số dự đoán về tương lai Việt Nam trong 10 năm tới đây.
TS Phan Văn Song: Tương lai Việt Nam ngày nay vẫn đen tối, nếu vẫn còn độc tài toàn trị, vẫn còn công an trị, vẫn còn do Trung Quốc điều khiển. Nền giáo dục đang bế tắt, các bạn sinh viên ngày nay có tốt nghiệp du học về vẫn chưa đầy đủ cơ sở, máy móc dụng cụ hạ tầng làm việc. Nếu có một suy nghĩ nào đó của một nhóm người có tí tấm lòng, trả lại quyền tự quyết với người dân, biết chia sự quản lý và quản trị chính trị kinh tế xã hội với nhân dân, xây dựng một xã hội thực sự công lý, công bằng, biết lấy luật lệ và đạo đức làm chuẩn, thì may ra có cơ thoát khỏi cái bế tắc. Đạo đức theo nghĩa éthique, chứ không phải thuần moralité đâu. Đạo đức trong cái phải trái, trong cái lương tâm nghề nghiệp, .. Khi tạo được đạo đức, tạo được công bằng xã hội, đem lại làm tin cậy của nhân dân, thì thành công phải đấy. Bằng không thì như ngày nay, làm ăn chụp giựt, sáng kiếm cơm cho tối, không tương lai, không viễn kiến.
Chúng tôi nghĩ rằng thế giới tương lai, nó sẽ «động», như vậy, khoa học tiến rất nhanh. Thí dụ ngành vi tính tiến rất nhanh, vi tính không chỉ là internet, nhưng vi tính sẽ bảo quản đời sống của người dân tương lai. Thông tin càng chạy nhanh, đời sống càng nhanh. Hôm nay, với kỹ nghệ xanh, đã và sẽ dùng nhiều nhiên liệu mới như gió, nước, mặt trời và than, xăng, dầu sẽ từ từ bỏ đi. Tuổi trẻ Việt Nam có nghĩ đến đấy chưa? Hay vẫn còn theo cái thời thế, học cái nghề ăn khách của ngày nay. Nhưng khi tốt nghiệp thì quá trễ… Việt Nam ta chưa chế được xe hơi, đi học chế xe hơi, thì ngày mai lại phải trở về với xe đạp, nhưng xe đạp chạy bằng điện. Tuổi trẻ Việt Nam ráng nghiên cứu một ngày mai khác đi. Muốn biết 10 năm nữa ra sao, hãy nghĩ ngay từ bây giờ. Các vị lãnh đạo Việt Nam hãy ngay từ bây giờ, nghĩ ngay đến một chương trình giáo dục tiểu học thực tiễn để đào tạo những cậu tú tài sẵn sàng tiếp thu những biến chuyển khoa học của những nghề nghiệp tương lai. Muốn có một chương trinh giáo dục tốt phải có một hệ thống y tế tốt đẹp, để có những bộ óc tốt, những cơ thể cường tráng để hấp thụ những tinh túy của cái Học. Tất cả đều có tương quan với nhau cả….
Phía Trước: Trong bài viết mới đây «Nhân ngày 30-4-2010: 35 năm đã qua thử nhìn lại đạo đức tự do và nhân quyền”, Tiến sĩ có kêu gọi «Bằng vũ khí luật lệ, chúng ta đấu tranh cho đạo đức, và chúng ta sẽ đem tự do, dân chủ, công bằng và bác ái trở về với Việt Nam». Những điều chia sẻ của Tiến sĩ hôm nay rất là hữu ích và sau này nếu có dịp, Phía Trước xin trở lại để nói chuyện lâu hơn. Thay mặt Ban Biên Tập, cám ơn Tiến sĩ đã dành thời gian trả lời phỏng vấn. Và mong chúc Đại Việt Quốc Dân Đảng đạt được những mục tiêu đặt ra trong thời gian sắp tới.
TS Phan Văn Song: Xin cám ơn tất cả. Xin chào các anh chị em . Xin hẹn lần sau.
Phía Trước
Tiểu Sử Tiến sĩ Phan Văn Song [Quá trình học và làm việc]:
Tiến sĩ Luật Công Pháp Quốc tế và Chánh trị học năm 1971(Sciences Polilitiques),
Tốt nghiệp Viện Khoa học chánh trị (1964)
Cử nhơn Văn chương Tự do (1966)
Hai Cao học chuyên nghiệp (Khoa học Quốc tế– Etudes internationales và Khoa học Quản trị các Xí Nghiệp – Administration des Entreprises 1967/1969
Phụ giảng Khoa học Quốc tế tại Viện Khoa học Quốc Tế (Pháp) (1969/1971)
Nghĩa vụ Quân dịch Quân Đội VNCH (1972)
Phó Giám Đốc trung ương Ngân Hàng Tín Nghĩa Sài Gòn (1972/1973)
Giám đốc Thương mại hãng bia BGI [tiền thân của hãng nước đá Sài Gòn] (1973/1976)
sau khi tốt Nghiệp khóa Marketing của Coca cola tại New Zélande 1973
Viện trưởng Đại Học Cao Đẳng Thương Mại Minh Trí Sài Gòn (1974)
Giám Đốc Mar keting Hảng Bia Nobra ở Douala Cameroun (1982/1984)
Giám Đốc Thương Mại Nam Âu Châu SFEC Madrid – Barcelone – Milan – Lisboa. 1985/1989.
Cao học Luật Y khoa (DESS Droit Médical) 1992
Thỉnh giảng Luật Y Khoa Đại Học tại Pháp (1993/2003)