Hai ông John Kerry và Sergei Lavrov trong buổi họp báo tại Geneva, 12/9
Ngoại trưởng hai nước Mỹ và Nga tiếp tục vòng hai đàm phán tại Geneva về kế hoạch đặt vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát quốc tế.
Hai ngoại trưởng Sergei Lavrov và John Kerry nói họ hy vọng kế hoạch này có thể giúp tránh một hành động quân sự nhằm vào Syria.
Liên Hiệp Quốc nói đã nhận được hồ sơ xin gia nhập Hiệp ước về Vũ khí Hóa học từ chính phủ Syria, một bước đi quan trọng trong kế hoạch được Nga đề xuất.
Tổng thống Syria cũng nói sẽ giao nộp các số liệu liên quan đến số vũ khí này, một tháng sau khi ký vào hiệp ước.
Hoa Kỳ cáo buộc chính phủ Syria đã giết hàng trăm người trong cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở khu vực ngoại ô Ghouta của Damascus vào ngày 21/8. Chính phủ Syria đã bác bỏ điều này và quay sang cáo buộc quân nổi dậy.
Nga đã công bố đề xuất nhằm giải quyết căng thẳng liên quan đến vũ khí hóa học tại Syria vào thứ Hai.
Trong lúc đó, Quốc hội Mỹ đang chuẩn bị thảo luận có nên ủng hộ lời kêu gọi cho hành động quân sự của Tổng thống Barack Obama hay không.
“Khả thi, nhưng đầy khó khăn”
Trong cuộc họp báo trước bữa tối ở Geneva, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Lavrov nói giải pháp cho vấn đề vũ khí hóa học ở Syria sẽ khiến hành động quân sự của Mỹ trở nên không cần thiết.
Ông cũng nói cần phải tránh đối đầu quân sự, và sự thành công của đối thoại có thể dẫn tới một hội nghị “Geneva lần hai”.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói chỉ có lời đe dọa sử dụng vũ lực mới có thể khiến Syria phải chịu giao nộp vũ khí hóa học, nhưng ông hy vọng rằng giải pháp ngoại giao có thể giúp ngăn ngừa hành động quân sự.
Ông cũng nói có nhiều sự trông đợi được đặt vào cuộc họp, nhất là từ phía Nga.
Ông Kerry nói: “Đây không phải là một trò chơi. Điều này cần phải thực tế, bao quát, xác thực, khả tín và phải … được thực hiện đúng thời hạn. Cuối cùng, cần phải có hậu quả rõ ràng nếu nó không xảy ra.”
Ông cũng nói thêm: “Tổng thống Obama đã khẳng định rằng nếu con đường ngoại giao thất bại, vũ lực có thể sẽ trở nên cần thiết.”
Việc chính quyền Syria sử dụng cụm từ tuân theo “quy tắc chuẩn mực” để miêu tả về việc cung cấp thông tin cho Liên Hiệp Quốc có vẻ đã làm ông Kerry khó chịu.
“Không có gì gọi là chuẩn mực về quy trình này ở thời điểm hiện tại nếu nhìn vào cách hành xử của chính quyền [Syria]” ông nói.
Ông Lavrov có ý nhắc chừng ông Kerry không nên đọc diễn văn chính trị, với lời bình luận “Ngoại giao thích sự im lặng”.
Ông Kerry không kịp nghe lời phiên dịch những câu cuối của ông Lavrov và yêu cầu được nghe lại.
Ông Lavrov nói bằng tiếng Anh: “Không sao, John”. Ông Kerry sau đó cười và đáp lại: “Ông muốn tôi tin lời của ông? Vẫn còn hơi sớm cho điều đó.”
Hoa Kỳ cáo buộc chính phủ Syria đứng đằng sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ngày 21/8 ở Damascus
Phóng viên BBC James Robbins tại Geneva nói đây là cuộc đối thoại quan trọng nhằm phá vỡ thế bế tắc về vấn đề Syria hai năm rưỡi qua.
Phóng viên của chúng tôi nói phái đoàn của Mỹ và Nga có vẻ đông hơn bình thường, với nhiều chuyên gia vũ khí và ngoại giao.
Ông Robbins cũng nói mục đích của điều này là để cuộc đối thoại chi tiết về tính thiết thực của việc giải giáp vũ khí hóa học sẽ đi song song với quan điểm cứng rắn của ông Kerry và Lavrov.
Tuy nhiên, điều này được cho sẽ là một quy trình kéo dài, vì cả hai bên đều đang thử thách phía bên kia để xem có thực sự tìm được điểm chung hay không.
Giới chức Mỹ trước đó đã miêu tả kế hoạch của Nga là “khả thi, nhưng đầy khó khăn”.
Ông Lavrov cũng cho biết đề xuất của Nga bao gồm ba bước chính:
- Syria sẽ gia nhập Hiệp ước về Vũ khí Hóa học, vốn quy định việc sản xuất và sử dụng loại vũ khí này là bất hợp pháp.
- Syria sẽ công bố địa điểm các kho chứa vũ khí hóa học cũng như chi tiết về các chương trình vũ khí hóa học của mình.
- Các chuyên gia sẽ quyết định các biện pháp cần được tiến hành.
Trước cuộc gặp, ông Lavrov và Kerry đã có cuộc đối thoại với đặc phái viên Liên Hiệp Quốc-Liên đoàn Ả Rập tại Syria, ông Lakhdar Brahimi.
Cuộc gặp với ông Lavrov, vốn được giới chức Mỹ miêu tả là “bao quát”, kéo dài một giờ, và được tiếp nối bằng bữa tối.
Phái đoàn Hoa Kỳ và Nga sẽ họp một lần nữa vào sáng thứ Sáu.
‘Không đơn phương’
Xuất hiện trên truyền hình Nga, ông Assad nói Hoa Kỳ phải “ngưng cung cấp vũ khí cho quân khủng bố”
Tổng thống Syria Bashar al-Assad trước đó đã xuất hiện trên truyền hình của Nga để xác nhận sẽ đặt vũ khí hóa học của nước này dưới sự kiểm soát của quốc tế. Tuy nhiên ông này cũng nhấn mạnh “sự đe dọa của Hoa Kỳ không phải là tác nhân dẫn đến quyết định này”.
Trong buổi phỏng vấn, ông Assad nói với hãng truyền thông chính phủ Nga, Rossiya 24, rằng Syria đã gửi hồ sơ hỗ trợ cho việc gia nhập Hiệp ước về Vũ khí Hóa học đến Liên Hiệp Quốc .
Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc tại Syria, Bashar Jaafari, nói “về mặt pháp lý”, Syria giờ đây đã là thành viên toàn diện của hiệp ước này.
Tuy nhiên, phát ngôn viên của Anh quốc tại Liên Hiệp Quốc nói: “Hiệp ước về Vũ khí Hóa học đòi hỏi thiện chí và sự cam kết của nước tham gia, điều không thể được áp dụng với Syria ngay sau khi nước này sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào chính người dân của mình.”
Ông Assad nói đề xuất của Nga “không mang tính đơn phương”, trong lúc nói thêm “Syria sẽ chấp nhận đề xuất này nếu Hoa Kỳ ngưng đe dọa sử dụng vũ lực và nếu các nước đang cung cấp vũ khí hóa học cho quân nổi dậy cũng tôn trọng thỏa thuận.
Liên minh đối lập chính tại Syria đã tuyên bố sẽ không hợp tác với kế hoạch trên.
Tướng Salim Idriss, chỉ huy của Quân đội Syria Tự do, nói ông dứt khoác từ chối kế hoạch này, và nhấn mạnh rằng điều quan trọng nhất là thủ phạm đằng sau các vụ tấn công hóa học phải bị trừng phạt.
Nếu như cuộc đối thoại ở Geneva thành công, Hoa Kỳ hy vọng rằng quy trình giải giáp vũ khí hóa học sẽ được đưa vào nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Tuy nhiên, Nga đã tuyên bố bất kỳ nghị quyết nào có nội dung bao gồm hành động quân sự, hoặc đổ lỗi cho chính quyền Syria về vụ tấn công hóa học, đều không thể chấp nhận.
Moscow trước đó đã bác bỏ một dự thảo nghị quyết dựa trên Chương 7, Hiến chương Liên Hiệp Quốc, trong đó cho phép sử dụng vũ lực nếu Syria không thực hiện cam kết.
Nga, cùng với sự hậu thuẫn của Trung Quốc, đã ngăn chặn ba dự thảo nghị quyết có nội dung lên án chính phủ Assad.
Ước tính 100 nghìn người đã thiệt mạng kể từ khi cuộc nổi dậy chống chính phủ Assad nổ ra hồi năm 2011.
Nguồn: BBC