Giới Thiệu xứ Pháp, Du lịch và Nghệ thuật — Lầu Đài Lý Tưởng của Anh Phát Thơ Cheval: Kiến Trúc Ngây Ngô hay Tuyệt Tác Siêu Thực
Sau hai bài luận bàn khô khan về sự Tiến bộ và giấc mơ viễn tượng cùng đề nghị của một người xa xứ, hôm nay chúng tôi xin mời quý bà con cùng chúng tôi đi du lịch viếng xứ Pháp.
Du lịch: Thành phố Grenoble giữa rặng Alpes hùng vĩ
Đầu tháng chín qua, vợ chồng chúng tôi dọn nhà cho thằng cu thứ ba đi thụ huấn ở Grenoble. Cháu lựa làm luận án về ngành Vật lý Nguyên tử học nên được một phòng thí nghiệm ở Đại học thành phố Grenoble tuyển. Từ ngày xong cử nhơn, ba năm nay theo đuổi ngành học nầy, cháu dọn nhà mỗi năm một lần. Từ Đại học gốc là Paris-Orsay, cháu phải sang Luân-đôn, Anh quốc, sau ba tháng hè tập sự ở Cardiff, xứ Wales, nay về Pháp, lại về Grenoble. Mỗi lần dọn là mỗi lần nhờ cha mẹ vì cháu cũng như đa số các sanh viên ở Pháp không có xe hơi, thường di chuyển bằng xe công cộng và thường ngày đi học bằng xe đạp. Đây cũng dịp cho chúng tôi đi viếng những danh lam thắng cảnh các thành phố, nhưng đặc biệt nhứt là những làng đại học, và thăm viếng lại những nơi «đầy không khí sanh viên», như những Pubs «sanh viên» của London, của Cardiff, những tiệm cà phê, những quán ăn «sanh viên» của những khu vực «sanh viên» ở Grenoble. Không khí «sanh viên» ấy, theo nhận xét của gia đình chúng tôi, ngoài London, hay vài thành phố chuyên nghiệp đaị học của Anh quốc ra, không tìm thấy nữa ở những thành phố đại học lớn ở Pháp như Paris, Lyon, hay ngay cả Toulouse, Bordeaux nữa, mà chỉ tìm được ở những thành phố đại học các tỉnh nhỏ của Pháp, Nantes, Rennes hay Grenoble chẳng hạn, có lẽ ngày nay những Đại học không còn ở trong thành phố nữa mà đã tản mác ra lập thành khu vực riêng ở ngoài ngoại ô, thành những campus như ở Mỹ.
Không còn những tiệm cà phê, những cửa hàng ăn uống với giá cả vừa phải, trẻ trung, không bắt buộc tiêu thụ, có thể kêu một tách cà phê ngồi đọc sách hàng giờ, kiểu Café Flore, Les Deux Magots của Quartier Latin hay cà phê «Má Hiệu» – Mahieu cuối đường Saint Michel, bên vườn Lục xâm – Luxembourg, (.. ngồi quen ghế đá, chờ em mắt nâu, tóc vàng sợi nhỏ…của tuổi trẻ Cung Trầm Tưởng) của Paris, hay các quán cà phê con cóc của con đường Duy Tân Sài gòn của thời tuổi trẻ chúng tôi. Dỉ nhiên phải có một tí thông cảm, một tí hiểu biết ngầm giữa người tiêu thụ và nhà hàng là không làm phiền nhà hàng vào những giờ cao điểm. Hai chúng tôi được cháu biếu cho những giây phút trở lại « làm người sanh viên » với những ly cà phê express « đậm đà » siết chặt –serrés, hay những bánh mì baguette – sandwiches jambon với bơ (beurre) mặn, với mayonnaise, dưa chuột nhỏ – cornichons dòn tan, với những ly demi bien mousseux– đờ mi ladze hơi đầy bọt… – mà ngày nay với không khí « sợ bệnh đủ chuyện – ăn uống kiêng cử – healthy, sợ mỡ, sợ dầu, sợ đường, sợ «bệnh» – hết diet, đến bio… » – nên không tìm thấy nữa. Cháu biết tánh cha mẹ nó rất thích ăn uống bình dân, thích bíf tếch thứ thiệt, khoai chiên thứ thiệt, saucisson thứ thiệt, mù tạt, rượu đỏ, của những quán ăn sanh viên hay những quán ăn của những người lái xe vận tải đường xa – les routiers. Thường thường đấy là những món ăn «chắt dạ – qui collent au corps», dỉ nhiên phải dành cho dân chịu chơi « không kiêng không cử, ăn một lần cho đã miệng, chẳng chết thằng tây nào »!
Thời buổi nầy đầy sợ sệt, cái gì cũng cấm, cũng kiêng, cũng cử, đi tìm một con gà rôti da dòn tan khó lắm ! một dỉa khoai tây chiên thật dòn, thật béo khó lắm ! Một miếng phó mát mềm, chín mùi, thơm phức, khó lắm, đó là nói món tây. Còn món ta? làm sao tìm được một quán ăn có thịt kho tàu có mỡ, phở bò có nước béo, phở gà có da? Thằng cháu thứ ba chúng tôi có cái tài ấy, nó tìm được những quán «cha nó thích». Sanh con nhưng không sanh tánh, thằng cả, họa sĩ, mình tưởng nó nghệ sĩ, dân giang hồ, nhưng đi ăn với hắn chán lắm, hắn ăn chay, végétarien, các bạn ạ, ăn toàn là rau cỏ, nghĩa không ăn thịt cá, tôm trứng gì cả, không nước mắm, mắm nêm, thịt phay mắm tôm như bố ; chỉ vì hắn phải dại, theo lời mẹ nó theo Phật giáo ăn chay trường, chỉ được một cái là nó hút xi gà và uống rhum, nên cha nó cũng được ăn có, hưởng hơi hướng Roméo y Julieta hay Corona Honduras. Thằng hai và thằng út chúng tôi, vì «dân thể thao», nên cũng kỹ lưởng việc ăn uống. Chỉ có thằng ba là biết tánh cha thôi. Với vợ chồng chúng tôi, du lịch, ngoài danh lam thắng cảnh, phải ăn uống, thưởng thức những món ăn, thức uống của vùng. Grenoble là vùng của Ravioles. Đấy là một loại bánh xếp, một loại hoằng thắng, nhưng nhân là phó mát. Ba cách nấu, một là hấp như «bánh cuốn thanh trì» mình, khi ăn rãi phó mát xây, hai là luộc, rãi phó mát xong đút lò, ba là chiên dòn ăn với sà lách dầu dấm. Ba cách đều ngon cả, tất cả phải dùng với rượu đỏ nhẹ loại Côte du Rhône, hay Beaujolais. Ravioles không làm món chánh được, chỉ là một món đầu bửa – entrée thôi. Grenobe là vùng núi nên món chánh – plat principal thường là thịt dê, thịt cừu. Dê cừu ở đây rất ngon, vì là dê và cừu núi, khác với vùng cừu ở vùng làng tui là gần biển (gần biền có một vùng đất nửa mặn, nhờ ăn các loại cỏ mọc trên đất nửa mặn tạo một loại thịt rất thơm ngon tiếng gọi chung là les prés salés do tên dài les caprins, chevreaux, les chevrettes, et les agneaux des prés salés.). Cừu núi thì khác, thịt có mùi thơm của hoa cỏ miền núi. Và cuối cùng Grenoble, thuộc tỉnh Isère, thuộc núi Alpes, có đặc sản là phó mát Saint Marcellin của vùng Dauphiné. Saint Marcellin là tên gọi chung của phó mát bằng sữa tươi – lait cru, cho cả hai loại hoặc bằng sữa dê – cừu hay bằng sữa bò (ngày nay thị hiếu khách hàng chọn phó mát sữa bò nhiều hơn). Thân mềm – pâte molle và võ cứng –croûte dure có màu xanh (do nấm mốc). Ở Grenoble và vùng phụ cận, cách ăn, là dùng Saint-Marcellin già – fait 4/5 tuần tuổi, vỏ cứng xanh – bleue có khi vàng – jaunie (già – bien fait cở 6/7 tuần) làm món cuối bửa cơm – fin de repas, trước tráng miệng – dessert, trái cây fruits và bánh ngọt – gourmandises, với rượu đỏ Côte du Rhône hay Beaujolais nhưng cũng có thể chơi lạ bằng một rượu trắng vùng Loire ngọt Vin blanc de Loire moelleux liquoreux hiệu Bonnezeaux chẳng hạn. Nhưng ở thành phố Lyon cách Grenoble 80 cây số, dưới thung lủng thường, cách ăn thường sử dụng Sainh Marcellin non (trẻ ) –jeune ( tuổi 2/3 tuần, vỏ còn trắng mềm) làm món ăn đầu với xà lách dầu dấm và rượu đỏ nhẹ cở Beaujolais nouveau, nếu trúng mùa, không thì cứ Côte du Rhône vô thưởng vô phạt.
Bao bọc quanh Grenoble là ba dảy núi cao của rặng Alpes, dảy Chartreuses, dảy Vercor, dảy Belledone. Mỗi dảy đều có huyền thoại, giai thoại lịch sử riêng, nhưng Chartreuses đặc biệt được người Việt ta biết đến dưới dạng chai rượu mầu hoặc xanh hoặc vàng, hồi xưa thường được bày chung với rượu ngọt Dubonnet hay Martini trên mâm rượu ngày Tết của mọi gia đình Việt Nam trung lưu ở Sài gòn những năm 1950. Đấy là loại rượu mạnh – 45° uống cho tiêu hóa digestif thơm ngọt đậm mùi hoa đồng cỏ nội của vùng Alpes do các tu sĩ một dòng tu nằm trong dảy Chartreuses sản xuất. Truyền thống các tu sĩ các dòng tu bên Âu châu thường chăn nuôi hay làm rẩy làm ruông tự lực cánh sinh. Để kiếm thêm tài chánh và ngân sách để sống và bảo quản co sở ,các tu sĩ thường sản xuất phó mát, rượu mạnh, ladze – bière, có khi nếu có vườn nho khá lớn sản xuất cả rượu vang – vin Các dòng nữ thì chuyên sản xuất bánh loại biscuit …
Nghệ thuật : Lâu đài Lý tưởng của anh Phát thơ Cheval
Dù các bạn là những người yêu nghệ thuật, hội họa hay kiến trúc, đã từng yêu tranh của phái siêu thực Picasso, Matisse, Dali, Max Ernst, Breton … hay trường phái ngây ngô như Rousseau, hoặc quyết đi viếng thành phố Barcelone, xứ Catalogne của Tây Ba Nha thưởng thức những kiến trúc của Antoni Gaudi, từ Thánh đường Sagrada Familia. (Tên thực sự là Temple Expiatori de la Sagrada Família bằng tiếng bản xứ Catalogne-Templo Expiatorio de la Sagrada Familia tiếng Tây Ba Nha – Xin tạm dịch là Đền thờ Chịu tội của Gia đình Hiển Thánh. Vì là “Chịu tội” nên tiền xây chất phải do “quỹ Từ thiện”; nên tuy bắt đầu từ năm 1882, nhưng đến nay vẫn dỡ dang và dự định cố gắng sao để xong vào năm 2026, kỷ niệm 100 năm ngày sanh của kiến trúc sư Antoni Gaudi luôn thể) cho đến những khu phố nhà cửa do Gaudi kiến tạo.
Hay dù các bạn chỉ là du khách chỉ biết thưởng thức những hình ảnh khác lạ ngộ nghỉnh.
Các bạn sẽ bị lôi cuốn bởi Lâu đài Lý tưởng, tác phẩm kiến trúc lỳ lạ của anh phát thơ Cheval. Bắt đầu từ năm 1879, kết thúc vào năm 1912. Một tuyệt tác ! 33 năm, một đời người, làm một mình !
Từ Grenoble, đi về hướng Lyon, chạy qua Romans sur Isère, quê hương của những hiệu giầy nỗi tiếng của Pháp như Charles Jourdan hay Kélian, dọc theo thung lủng Saint Marcellin, đến làng Hauterives, nơi tọa lạc của Lầu đài Lý tưởng và Mộ phần của anh phát thơ..
Joseph Ferdinand Cheval, được người đời biết dưới tên anh phát thơ – le facteur Cheval, sanh năm 1836, mất năm 1924. Làm nghề phát thơ, anh bỏ ra 33 năm (1879 – 1912) để dựng “Lâu đài Lý tưởng – Le Palais Idéal” và 8 năm để tự xây mộ phần mình (1914 – 1922), cả hai nay đều được Chánh phủ Pháp đưa vào gia tài quốc gia, và được đánh giá là tuyệt tác của ngành kiến trúc ngây ngô – architecture naïve.
Ferdinand Cheval, nhà nghèo thất học, anh viết theo phát âm và sai chánh tả. Đổ xong bằng tiểu học năm 13 tuổi, anh vào học nghề làm bánh mì, 3 năm sau, anh mở lò bánh mì và sanh sống với nghề nầy trong vòng 12 năm. Cũng nhờ tay nghề bánh mì, anh quen với những động tác nhồi nặn, nên những động tác nầy giúp anh nhào nặn tượng sau nầy. Sau một thời gian ngắn chuyển sang làm nghề nông, ngày 12 tháng 7 năm 1867, anh được tuyển chọn làm nghề phát thơ. Năm 1869, anh đổi về sở Bưu điện làng Hauterives, và lãnh công tác thường ngày là đi phát thơ trên một chặng đường dài khoảng 33 cây số – chặng đường Tersanne – la tournée de Tersanne. Chặng đường dài, anh đi mất có khi c ả 7/8 tiếng đồng hố. Vừa đi, vừa mơ, vừa tưởng tượng, lâu đài, tiên cảnh … . Một hôm, anh bị vấp ngã bởi một hòn đá. Và những hinh ảnh trong trí tưởng tượng bắt đầu biến thành hiện thực. : “Hòn đá hình thù rất lạ., tôi giữ vào túi để khi rãnh tôi ngắm nhìn – C’était une pierre de forme si bizarre que je l’ai mise dans ma poche pour l’admirer à mon aise”. Ngày hôm sau, anh đi ngang chặng đường ấy và bắt đầu để ý những hòn đá khác nhau. Khi anh nhìn được những hòn đá nào đẹp anh lượm và chất đống bên lề đường. Đấy là những hòn đá đẹp, đá do thiên nhiên mài dủa tạo thành:
“Le lendemain, je suis repassé au même endroit . J’en ai encore trouvé de plus belles, je les ai rassemblées sur place et j’en suis resté ravi… C’est une pierre molasse travaillée par les eaux et endurcie par la force des temps. Elle devient aussi dure que les cailloux. Elle représente une sculpture aussi bizarre qu’il est impossible à l’homme de l’imiter, elle représente toute espèce d’animaux, toute espèce de caricatures Je me suis dit : puisque la Nature veut faire la sculpture, moi je ferai la maçonnerie et l’architecture – Ngày hôm sau, tôi trở lại chổ cũ, tôi gặp những hòn đá khác, đẹp hơn, tôi bắt đầu lượm và gom lại thành đống… và tôi bắt đầu thívh thú. Đấy là một loại đá do thiên nhiên, nước chảy mài dủa lâu lâu ngày cứng như đá cuội. Nó có những hình thù đặc biệt kỳ lạ, con người không thể tạo thành được, nó có dáng hình như những con chim con thú…Tôi bèn nghĩ, nếu Thiên nhiên đã là nhà điêu khác, tôi sẽ làm anh thợ hồ và anh kiến trúc để ráp thành một tác phẩm’’ ( PVS phóng dịch).
Từ đấy anh bắt đầu làm công việc, mà cả dân làng anh và láng giềng anh cho rằng anh « mát giây – chạm điện – dở hơi – điên khùng ». Sau chặng đường phát thơ hằng ngày, chiều tối về, với « chiếc xe bò – ệch – brouette, người bạn đường gian khổ của tôi – ma compagne de misère », anh lại đi lượm các hòn đá anh đã chất đống đem về bỏ đầy sân vườn nhà anh. Ngày nay các công việc, cái sáng tác của anh « mát giây, chạm điện » đang làm giàu cho cả làng Hauterives với cả ngàn du khách hằng tháng, nuôi sống bao tiệm ăn, tiệm bán quà kỷ niệm…
Cũng may cho anh, sau khi bà vợ đầu mất, anh tái giá năm 1878. Bà sau, Claire-Philomène Richaud, có một của hổi môn khá, tương đương bằng hai năm lương công chức bưu điện của anh và một căn nhà nhỏ.Vốn liếng ấy giúp anh mua một mãnh vườn tương đối khá rộng ở Hauterives. Năm 1789, anh bắt đầu kiến trúc, xây những gì anh thấy trong những giấc mơ của anh. Năm 1896, anh về hưu, mua một căn nhà cạnh mãnh vườn anh đang xây Lâu đài Lý tưởng. Năm 1912, Lầu đài Lý tưởng hoàn thành. Nghĩ rằng, người ta sẽ không cho phép chôn anh nơi Lầu Đài Lý Tưởng. Anh mua một khoản đất ở nghĩa địa công cộng và xây mộ phần mình đặt tên là Ngôi mồ Im Lặng và Yên Nghĩ Vĩnh Viễn – le Tombeau du Silence et du Repos sans Fin. Thêm 8 năm nữa, từ 1914 đến 1922. Anh mất năm 1924.
Le Tombeau du silence et du repos sans fin Ngôi mồ Im Lặng và Yên Nghĩ Vĩnh Viễn.
Trong cái không khí nghệ thuật của cuối thế kỷ 19, với nhiều luật lệ nghệ thuật cổ điển, mặc dù trường phái « ấn tượng – impressionnisme » đã bắt đầu đột phá và đưa đến một vài tư tưởng nghệ thuật thông thoáng, nhưng Joseph-Ferdinand Cheval vẫn còn là một một hình ảnh « không giống ai ». « ngoài lề » đối với cái nhìn nghệ thuật lức bấy giời. Cũng đừng quên Cheval cùng thời với những nhà tư tưởng đầy sáng tạo, Jules Verne, Karl Marx, Freud, Nietzche ! Cũng đừng quên Cheval làm nghề phát thơ. Thời gian ấy là thời gian của thuộc địa, của những cartes postales – bưu ảnh, hình ảnh của những thế giới nhiệt đới, những căn nhà lạ, những kiến trúc khác với những nhà cửa miền quê nước Pháp. Thời gian ấy cũng là thời gian của nhiếp ảnh, các hình ảnh các kiến trúc lạ được phơi bày trên những bưu thiếp… phong cảnh núi non, nhưng những hòn non bộ, tượng ai cập, tượng hy lạp, thú vật lạ, nhiệt đới.. những chùa chiền á đông, đền thờ ấn độ… Anh phát thơ chắc chắn là bị ảnh hưởng bởi những hình ảnh lạ, nhiệt đới, thuộc địa … Chưa kể, những tranh ảnh của các cuốn lịch Bưu Điện phân phát hằng năm cho các khách hàng mình cũng in những kỳ quan, cảnh lạ của Thế giới.. Và nếu Cheval bị ảnh hưởng bởi những hình ảnh lạ, thi ngược lại Cheval cũng là nơi các Họa sĩ của những năm 1930 đến tìm yên sĩ phi lý thuần – inspiration, như Picasso, André Breton, hay cả những Kadinsky, Duchamp, Malévitch, Mondrian. Ngày nay như đã nói ở đoạn trên nếu chúng ta đi viếng Barcelone, hay xứ Catalogne, chúng ta sẽ thấy ngay hai môn đệ ảnh hưởng của Cheval là Gaudi và Dali, hai họa sĩ người catalans đại tài của đầu thế kỷ 20. Max Ernst vẽ hẳn một bức tranh chuyên đề ca tụng Cheval ( tên Anh Phát thơ Cheval – Le Facteur Cheval). Nhà văn André Malraux, Bộ trưởng Bộ Văn Hóa của Tổng thống De Gaulle đã đưa tác phẩm Lầu đài Lý Tưởng lên hàng tuyệt tác, «đại diện duy nhứt của ngành Kiến trúc Nghệ thuật ngây ngô của Nghệ Thuật Pháp, – le seul représentant en architecture de l’art naïf (…) Il serait enfantin de ne pas classer quand c’est nous, Français, qui avons la chance de posséder la seule architecture naïve du monde .. » mặc dù cả làng văn nghệ sĩ Pháp phản đối.
Hồi Nhơn Sơn, Tuần 3 tháng 9 2013
Phan Văn Song