Sau 4 bài nói về kỹ nghệ thức uống, nhận thấy tình hình chánh trị thế giới và trong nước không ổn. Chúng tôi xin tạm ngưng loạt bài nghiên cứu ấy để trở về với thời sự. Xin hứa là sẽ trở lại với kỹ nghệ thức uống.
Từ nhiều ngày qua, xuất hiện gần như một phong trào, như một cái mốt, nhờ bài nghiên cứu rất công phu của anh Luật sư Tiến sĩ Lưu Nguyễn Đạt đăng trên diễn đàn Việt Thức VietThuc.org nhận định rõ vai trò và thế lực của Xã hội Dân sự, một loạt bài viết bàn, đóng góp, của các tác giả từ quốc nội trên các diễn đàn mạng, tất cả mong rằng với một sự hình thành của một Xã hội Dân sự sẽ là con đường để đi đến Dân chủ, nhưng mỗi người một ý khác nhau, có kẻ mạnh dạn nghĩ rằng cứ thành lập những đoàn thể đi, cứ tạo một phong trào đi, cứ đòi hỏi có các hiệp hội đi chúng ta sẽ có Dân chủ; có người khác thật thà hơn, nhận xét rằng việc làm một đóng góp ý kiến, thí dụ như bản kiến nghị vừa qua với cả ngàn chữ ký xin cho, đề nghị thay đổi Hiến pháp, bỏ điều 4, đòi đa đảng, là đã là bước đầu của một hoạt động Xã hôi Dân sự rồi. Và khi có Xã hội Dân sự thì Dân chủ cũng sẽ đến thôi! Và cũng trong hướng suy nghĩ ấy, cũng có vài « nhà trí thức », vài « nhà chánh trị » cũng góp ý rằng khi có một Xã hội Dân sự, là sẽ có sự đóng góp của Dân với Nhà nước để quản trị đất nước, và đó là điều tất nhiên để chúng ta có Dân chủ,…. Sau một thời gian dài gần 70 năm cho người Việt Nam miền Bắc và gàn 40 năm cho cả nước, ngườiViệt chúng ta trong nước mất Tự do, bị bịt miệng,.. sau một thời gian dài, gần 40 năm, người Việt tỵ nạn Cộng sản hải ngoại tranh đấu đòi hỏi Nhơn quyền, Tự do, Dân chủ cho đất nước Việt Nam, đây là một cái nhìn mới. Tất cả đều mong sự thành hình của những hội đoàn, những hiệp hội, những tổ chức xã hội, nói tóm lại những tập họp, những tổ chức với những hoạt động hướng về xã hôi, theo định nghĩa của Luật sưTiến sĩ Lưu Nguyễn Đạt « cần tự nguyện đoàn ngũ hoá thành “Tổ chức XHDS”, dưới hình thức tổ chức bất vụ lợi độc lập, hoặc tổ chức phi chính phủ, để hoạt động trong các lĩnh vực xã hội, kinh tế, từ thiện, giáo dục, tôn giáo, nghề nghiệp, điều nghiên, văn học, nghệ thuật, các phong trào dân vận bảo trọng nhân quyền v.v. » [1] trong tiến trình dân chủ hóa một đất nước.
Thế nhưng, trong những bài viết, có lắm vị đã vội vàng định nghĩa là nơi nào có những tổ chức, có những hiệp hội, hội đoàn với một hoạt động loại xã hội, là đương nhiên nơi ấy có Dân chủ. Vậy thì, nếu chúng ta cứ đấu tranh để đòi hỏi một thể chế chánh trị trong ấy phải có mặt nhiều đoàn thể, nhiều hội đoàn sanh hoạt, hoạt động là đương nhiên chúng ta có một thể chế chánh trị Dân chủ chăng ? Nói như vậy, theo định nghĩa trên, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngày nay với những Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Công đoàn bảo vệ Lao động… là một quốc gia đương nhiên hoàn toàn có Tự do và Dân chủ ? Dĩ nhiên, chúng ta biết chắc chắn là không có rồi ; thế nhưng, vẫn có người, vẫn định nghĩa một cách lầm lẫn rằng các tổ chức nói trên là những hiệp hội và hôi đoàn, nghiệp đoàn và xem đấy thuộc Xã hội Dân sự.
Như vậy Xã hội Dân sự là gì ?
Xã hội Dân sự là «một khu vực hoạt động của xã hội do các công dân (của xã hội quốc gia ấy) tự nguyện, tự túc phương tiện tài chánh, tự lực cánh sinh và hoàn toàn độc lập với thế lực Nhà nước» theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc.
Các hội đoàn, các tổ chức của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam không có tự nguyện (vào hội, vào đoàn vì quyền lợi, vì bắt buộc, vì không thể ở ngoài đoàn thể do cơ quan tổ chức, chưa kể do Đảng tổ chức), không có tự túc phương tiện tài chánh, không tực lực cánh sinh và không hoàn toàn độc lập với thế lực Nhà nước thì không thể thuộc khu vực hoạt động của không gian xã hội (dân sự) của công dân được, vì tất cả là ngoại vi của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng cầm quyền của nước Việt Nam, thế lực Nhà nước Việt Nam.
Một hội đoàn thuộc Xã hội Dân sự có thể là một hội đoàn gồm các người đồng một quan điểm làm việc thiện: thí dụ Hội Hồng Thập Tự, nay đã là thuộc vào khu vực Xã hội Dân sự Quốc tế, những NGO-hội phi chánh phủ) như Hội chống Săn Cá Voi, Hội Green Peace,… hay có thể có những hiệp hội-association nhỏ hơn trong xóm, trong phường, trong làng, trong xã, hội các người láng giềng với nhau mở lớp đêm dạy chữ, dạy nghể cho các em thất học hay con cái các gia đình nghèo khó trong khu vực mình … – Như ở làng chúng tôi thành lập một hiệp hội-association (ở Pháp các associations ấy được xếp vào quy chế các associations loi 1901 – quy chế luật 01/07/ 1901 về các hiệp hội bất vụ lợi-non profit (người viết là một thành viên). Các thành viên tự nguyện tổ chức trong một căn nhà nhỏ, giữ các người bị bịnh Alzheimer mỗi tuần hai lần để các phối ngẩu con cái, gia đình người bịnh có một ngày nghỉ xã hơi. Hội ấy có giấy phép, có ban điều hành, có nguồn lực tài chánh độc lập (do thành viên tự nguyện đóng góp hay được những xí nghiệp thương mãi bảo trợ) để thuê một cô y tá chuyên nghiệp về người bịnh Alzheimer để giữ an toàn y tế. Tổ chức chúng tôi không thay thế nhà thương, không thay thế hệ thống y tế, tổ chức chỉ giúp đở những người săn sóc bịnh nhơn-les soignants, chứ không giúp đở bịnh nhơn-les soignés. Bịnh Alzheimer, không mất sức khoẻ, chỉ mất trí nhớ, nên cần một người săn sóc túc trực toàn thời gian 100% không một ngày nghỉ. Tổ chức gia đình xã hội Tây phương ngày nay không đủ nhơn lực để lo tất cả. Vã lại nhiều gia đình còn ngại ngùng dư luận hàng xóm, láng giềng, gia đình bà con, không dám đưa cha mẹ, hay phối ngẩu vào nhà dưỡng lão. Quan niệm nhà dưỡng lão là hành lang nhà Xác vẫn còn trong tâm lý các gia đình Pháp, quan niệm tình nghĩa vợ chồng, nợ hiếu cha mẹ vẫn còn rất nặng với gia đình người Pháp, nhứt là ở vùng quê như làng chúng tôi.
Nhưng khu vực Xã hội Dân sự sanh hoạt cũng có thể không nhứt thiết với những hội đoàn, hiệp hội, có giấy phép, có hội trưởng, thư ký, thủ quỹ như luật lệ ấn định. Khu vực Xã hội Dân sự cũng có thể chỉ một khía cạnh sanh hoạt hoàn toàn trong đời sống xã hội, nhưng có thể có liên quan đến một sanh hoạt có tánh cách khác kinh tế hay chánh trị, nhưng nó phải thuộc ở không gian Xã hội, do người thường dân-civil, có ý niệm công dân-citoyen có tự chủ, tự quản, hoàn toàn độc lập kinh tế. Thí dụ, hoạt động bầu cử. Đó là một khía cạnh sanh hoạt của xã hội dân sự, thuộc không gian xã hội, do người dân (xã hội) có ý thức công dân (chánh trị). Vì quyền bầu cử là một quyền công dân, thuộc sở hữu, lý lịch của một công dân. Người dân phải có ý thức vai trò công dân của mình, phải được huấn luyện để có trình độ hiểu biết, có trình độ lý luận tự quản, tóm lại phải có trình độ hiểu biết, tự quản quyết định ý thức chánh trị.
Đó là một cơ thể xã hội-corps social để đối lại với cơ thể chánh trị-corps politique.
Nhưng có thể nói, đó là những hoạt động thuộc xã hội dân sự của một không gian xã hội biệt lập hoàn toàn với không gian chánh trị không ? Hoạt động bầu cử là điển hình một cơ thể xã hội có hành động trong không gian xã hội nhưng có tác động đến không gian chánh trị. Hành động đi bầu, động tác bỏ phiếu, là một hành động, một động tác cá nhơn, tự nguyện. Người dân đi bầu không cần đoàn ngũ hóa, chánh trị hóa, đó là một hoạt động hoàn toàn độc lập, tự nguyện (vài quốc gia bắt buộc người dân phải đi bầu, bắt buộc phải phát biểu quyền công dân, nhưng đó là độc tài) quyền không đi bầu cũng là một phát biểu quyền công dân của mình, mỗi chúng ta có quyền tẩy chay một cuộc bầu cử, mà không cần phải nêu lý do. Cũng như mỗi chúng ta có quyền chối bỏ quyền làm công dân một quốc gia, đi tỵ nạn, xin phép tỵ nạn. Quyền « phi tổ quốc », quyền xin tỵ nạn, là một nhơn quyền được bào vệ bởi quốc tế (Công Ước Genève 1949, Công Ước Genève thứ tư năm 1951 về tỵ nạn, vể bảo vệ thường dân-civils trong những cuộc chiến quốc tế, hay nội chiến).
Xin mở một dấu ngoặc để mời quý vị nếu có dịp nghiên cứu kỹ những cấm kỵ của Công ước Genève 1951 bảo vệ thường dân trong chiến trận : cấm dùng thường dân để làm bia dở đạn-boucliers humains ( Việt Cộng thường dùng kỹ thuật nầy để đánh các đồn VNCH, lùa dân đi trước để chiếm đồn) ; cấm bắn pháo vào thường dân ( Trong thế chiến 2 ở âu châu, các phi công của quân đồng minh khi đánh phá các đoàn xe chuyên chở-convois của quân đội Đức thường lượn hai vòng để thường dân ( nếu có thường dân đi chung đoàn) có thời giờ tản núp hai bên vệ đường, sau đó mới bắn vào các xe vận tải chuyên chở hàng quân đội Đức. Ta thử so sánh với Việt Nam, trong trận Quảng trị 1972, Quân đội Bắc Việt pháo vào đoàn thường dân di tản trên đường số 1 Quảng trị-Huế biến thành Đại lội Kinh Hoàng, hay tháng tư năm 1975 Quân Bắc Việt pháo vào thường dân di tản trên đường 19 từ Komtum về Qui Nhơn…; cấm đày-déporter thường dân, sau ngày Sài gòn thất thủ 30-4-1975 chiến dịch kinh tế mới ; cấm trả thù trên vùng chiếm đóng, …xin miễn bàn….
Những ngày vừa qua, Việt Nam và thế giới bàn chuyện chung quanh tin ông Võ Nguyên Giáp chết. Kẻ khen, người chê, người viết xin không đóng góp về cái thật cái hư trong những huyền thoại hay giai thoại về một ông tướng được dựng lên bằng bộ máy tuyên truyền ảo thuật của cộng sản quốc tế. Cũng như huyền thoại của Đảng Cộng sản Việt Nam xuất phát từ hang Pác Bó, với Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và vài đồng chí … tất cả chỉ là tuyên truyền, tất cả là láo khoét, phóng đại, cường điệu, tất cả chỉ là một sự lường gạt to lớn. Tuồng hát được đạo diễn từ Điện Cẩm linh-Liên Sô Cộng sản quốc tế-Komintern để tạo những nhơn vật như Hồ Chí Minh, như Fidel Castro, như Kim Nhật Thành, như Mao Trạch Đông, như Ceaucescu, như Kadar,như Imgre… những nhơn vật nầy thành công ấy là nhờ Hồng quân, súng đạn, tiền bạc của Cộng sản Quốc tế cộng với môi trường (thuộc địa, phát xít), thời thế (chiến tranh), địa dư (xứ thuộc địa, xứ tạm chiếm). lòng dân. Ở các xứ chậm tiến, như Việt Nam ta, sau thế chiến 2, lòng dân chán thuộc địa, sĩ phu Nho học hay Tây học đều bị nhục bởi bị bọn Tây phương thương mãi thuộc địa bản xứ, chán giai cấp giàu có quan lại và trung lưu, thành thị, sĩ phu trí thức xa từng lớp nông dân và thợ thuyền, cộng với trình độ hiểu biết ngu muội, cả tin, mê tín (khi con người tin được chuyện Phù đổng Thiên Vương, ông Thánh Gióng, khi con người tin được anh hùng Lê Văn Tám làm đuốc sống đốt kho đạn, thì con người tin luôn cả các ông Đại tướng không học trường Quân sự ngày nào, mà biến thành người hùng Điện Biên. (Việt Nam, Tàu, Bắc Hàn). Nhưng có một điều, chúng tôi, người viết mong rằng, ngày mai, khi quê hương chúng ta lấy lại được Tự do và có một chế độ Dân chủ, mong các chánh quyền tương lai đứng ra xin lỗi với quốc tế, và với dân tộc Việt Nam về những tội ác nhơn loại, của Đảng Cộng sản nói chung đã phạm trong thời gian nhân dân ta đã bị tuyên truyền nhầm lẫn, nhẹ dạ giao quyền, và những tội ác nhơn loại điển hình của riêng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trách nhiệm giết, thủ tiêu những đối thủ chánh trị các Đảng quốc gia Đại Việt và Việt Nam Quốc dân Đảng trong những ngày trước ngày tổng nổi dậy 19 tháng 12 năm 1946, trách nhiệm những cách đối xử của Quân đội Nhân dân Việt Nam Cộng sản đã dã man (trái với Công ước Genève về tù nhơn chiến tranh) giết hại gần 3000 tù binh Pháp sau trận Điện Biên Phủ, trách nhiệm để Quân đội Công sản Bắc Việt tàn sát trên 5000 thường dân Việt Nam và ngoại quốc bị kẹt lại trong thành phố Huế khi quân đội Bắc Việt chiếm đóng…Và còn nhiều nữa xin quý vị bổ túc. Xin đóng dấu ngoặc.
Chế độ Cộng sản với những từ ngữ Cộng sản ngắn gọn, với cái nhìn thiển cận chỉ biết chia xã hội làm hai phần hành : nhơn dân và Đảng. Đảng tổ chức, đảng lựa người, Đảng ra danh sách, dân đi bầu, Đảng biểu sao dân bầu vậy. Ở Việt Nam không có cơ thể xã hội, không có không gian xã hội, nhơn dân Việt Nam hoàn toàn bị đoàn ngũ hóa, không có ý thức quyền công dân, không được giáo dục quyền công dân, không có quyền phát biểu quyền công dân, nên ở Việt Nam vì không có ý thức có một không gian hay khu vực xã hội nên ở Việt Nam Cộng sản, ngày nay, không có Xã hội Dân sự.
Thử lấy một thí dụ quốc tế, để thấy rõ một khía cạnh khác của định nghĩa của Liên Hiệp Quốc về Xã hội Dân sự : khi cơ quan quốc tế về Giáo dục UNESCO muốn tồ chức một nền Giáo dục phổ thông cho mọi người. Unesco định nghĩa Xã hội Dân sự cho ngành Giáo dục « là tất cả những hôi đoàn phi chánh phủ-nghĩa là không nhận tài chánh của chánh phủ sở tại hay không có một người do một nhà nước hay một chánh phủ nào chỉ định-và bất vụ lợi-không có lời, không lương bổng, chỉ có tiền hoàn phí các chi tiêu làm việc trong địa hạt và khu vực cùng nghề nghiệp Giáo dục » Nói như vậy để chúng ta nhận rõ cái khó khăn để tổ chức một Xã hội Dân sự thực sự, hoàn toàn không liên quan gì đến thể chế chánh phủ hay một cơ quan thương mại nào.
Xã hội Dân sự, một tư tưởng Dân chủ mới?
Nguồn gốc Xã hội Dân sự
Ngày hôm nay vì cuộc khủng hoảng của nền chánh trị phương Tây, quan niệm Xã hội Dân sự được xuất đầu lộ diện trở lại để đi tìm một nền Dân chủ thực sự đại diện. Như vậy để chúng ta nhận rõ là quan niệm Xã hội Dân sự ngày nay cũng là một nhu cầu cần thiết chung cho quốc tế, cho tất cả mọi tổ chức quốc gia dân chủ trên toàn thế giới không riêng gì cho Việt Nam chúng ta.
Quan niệm Xã hội Dân sự đã có từ quan niệm của Aristote [2] với từ ngữ hy lạp koinônia politikè (cộng đồng chánh trị) và với những chuyển ngữ la tinh hóa tiếp theo như societas civilis, communitas civilis, do Cicéron [3] sử dụng để định nghĩa những sanh hoạt xã hội trong đơn vị một thành phố-Cité, polis, civitas. Xã hội Dân sự ở đây được hiểu là cộng đồng công dân họp nhau, tổ chức với nhau, để cùng « sống chung với nhau » tổ chức thành một thể chế với những dị biệt tự nhiên, cùng sống chung với nhau trong một xã hội, với một quyền lãnh đạo tự nhiên của một chủ gia đình. Và đó cũng là cái nhìn chánh trị tự nhiên. Ở đây xã hội dân sự và xã hội chánh trị đã họp nhau thành một đơn vị.
Thế nhưng, trong xã hội ngày nay, từ ngữ « Xã hội Dân sự » phải được hiểu trong phạm trù « khu vực tư nhơn của công dân », với một hiểu ngầm là công dân ấy sống trong một xã hội chánh trị với những cơ chế, những cơ quan chánh trị, công quyền (Nhà nước, Chánh phủ), nhưng khu vực công quyền ấy không được nhầm lẫn với khu vực tư nhơn. Nếu nhà hiền triết Jean Bodin (1529-1596) đã có lúc nói đến vai trò của Xã hội Dân sự và vai trò của công dân « Il n’est de richesses que d’hommes-Xã hội giàu là do con người » [4], vai trò Xã hội Dân sự được nói rõ hơn, sau đó, bởi Thomas Hobbes. Thomas Hobbes (1588-1679), giải thích rằng những luật của trời đất, thiên nhiên-lois de nature là do lý trí-la raison dẫn dắt nên đã hạn chế quyền tự nhiên của từng con người-droit naturel de chacun. Luật thiên nhiên là chung sống hòa bình. Quyền tự nhiên là quyền lợi từng cá nhơn. Quyền lợi cá nhơn có cái hợp lý của nó, vì quyền lợi cá nhơn, con người có thể tranh nhau và giết nhau, Homo homini lupus-Người là con sói của người. Do đó, để sống chung hòa bình, con người cần phải có một Khế ước Xã hội-Contrat social. Khế ước giữa các cá nhơn con người, để đi đến quyền tối thượng-la souveraineté là phục vụ-servir, au service de con người- la personne, như vậy con người là le Souverain– Vị Chủ nhơn tối cao, là Léviathan (Tên tác phẩm của T Hobbes). Mỗi con người-thần dân, sujet phục vụ mỗi con người-chủ nhơn tối cao, souverain, mỗi chúng ta là chủ nhơn mỗi hành động của mỗi chúng ta. Bởi Khế ước Xã hội, tổng thể cá nhơn là chủ thế mỗi cá nhơn Xã hội Dân sự chủ quyền hành động cá nhơn. Xã hội không là một điều tự nhiên nữa, mà là do con người tạo nên qua một khế ước. Khi đã vứt bỏ mọi quyền lợi tự nhiên và thiên nhiên do sanh tồn (tạo sự hỗn loạn và bạo loạn bellum omnium contra omnes-chiến tranh của mọi người chống mọi người) con người phải đi đến sự tuân thủ của một quyết định ổn định và đơn vị của khu vực chánh trị. Đơn vị ấy theo Hobbes là civitas hay Xã hội Dân sự.[5]
Một khế ước bất công
Bắt đấu từ thế kỷ thứ 18, trở về sau, hình ảnh chung sống hòa bình ấy được thay thể bởi những luận đề do những quan niệm khác nhau nhưng tựu trung đặt lại vấn đề xung đột giữa các quyền lợi. Với Jean-Jacques Rousseau (1712-1778), Xã hội Dân sự được định nghĩa bởi sự bất ổn do sự phát triển kinh tế tạo thành những giai cấp càng ngày càng khác biệt nhau, sanh hoạt với nhau bằng những khế ước bất công. « Người đầu tiên sau khi rào mảnh đất vừa được xâm chiếm, vội vàng thốt lên : « Cái nầy của tôi », và đã có sẳn một đám nguời dại dột chấp nhận việc ấy, anh chàng đó là người đã thành lập Xã hội Dân sự- Le premier qui, ayant enclos un terrain, s’avisa de dire : “Ceci est à moi”, et trouva des gens assez simples pour le croire, fut le vrai fondateur de la société civile.”[6] Cho rằng chỉ có cơ chế chánh trị và luật lệ mới bảo vệ được quyền tư hữu thì thật là một cái nhìn rất tiêu cực của J-J Rousseau. Cùng thời gian ấy, một quan niệm tân thời hơn được phổ biến trong giới văn học và triết học anglo-saxon. David Hume (1711-1776) và Adam Fergusson(sanh năm 1932), Xã hội Dân sự không được tóm gọn ngắn gọn là chỉ một bản Khế ước giữa các cá nhơn công dân : nó có chiều sâu lịch sử, là kết quả bắt buộc và tự nhiên của một sự xếp đặt tổ chức kinh tế của một xã hội và sự phân chia các phần hành. Sự tương quan giữa các tổ chức xã hội, với cái phức tạp do sự sai biệt phân chia của cải giữa các giai cấp và các cơ chế chánh trị để điều hành là cả một sự khó khăn : « …Thật là một sự vô lý khi chúng ta nghĩ đến sự công bằng phải có trong cách đối xử và trong sự ảnh hưởng của mọi người, khi ta biết con người không thể có sự bình đẳng với nhau bằng tài nghệ hay tánh tình-montrer combien il est absurde de prétendre qu’il puisse y avoir égalité de considération et d’influence parmi des hommes qui ont cessé d’être égaux par les talents et le caractère.”(7)
Nói như vậy, Xã hội Dân sự không còn là một không gian đầy trật tự, mà nơi ấy sẽ có những va chạm giữa những thành phần xã hội, như Georg Willem Friedrich Hégel (1770-1831) đã nhận thấy « mỗi chúng ta đều có quyền lợi riêng- chacun est sa propre fin et tout le reste n’est rien.”[8] Nhưng cũng nhờ như vậy mà sẽ có phát triển và sẽ đi đến sự tử tế. Thật vậy, đối xử lẫn nhau sẽ được xã hội hóa, mỗi chúng ta không thể mãi mãi giữ vững lập trường, mà phải đi đến một sự thương lượng, một sự mặc cả nào đó để đi đến lưởng lợi-Win-Win, nói theo từ ngữ ngày nay. Sự mặc cả nầy, sự thương lượng nầy có thể theo thuyết « bàn tay Vô hình-La main Invisible » của kinh tế thị trường, với luật cung/cầu theo định nghĩa của Adam Smith (1723-1790),[9] hay, cũng có thể, theo G.W.F Hégel, trong một số thực phẩm, hàng hóa nhu cầu căn bản, cần thiết của một số lớn quốc gia sẽ do bàn tay của Nhà nước, Chánh phủ, Công quyền vì « mặc dù có dư thừa của cải đi nữa, Xã hội Dân sự cũng không đủ giàu (…)để trả tiển và phân phát của cải đễ nuôi cái nghèo và dân số nghèo do xã hội tạo ra– malgré son excès de richesse, la société civile n’est pas assez riche (…) pour payer tribut à l’excès de misère et à la plèbe qu’elle engendre.”[10]
Cuối cùng Karl Marx (1818-1883) và lý thuyềt Mác xít : « Hình thể của Xã hội Dân sự là do nền Kinh tế Chánh trị-L’anatomie de la société civile doit être cherchée dans l’économie politique.”[11] Theo Marx, Xã hội Dân sự, không gian của đời sống kinh tế và xã hội, nơi mà các con người không hưởng được sự bình đẳng trong điều kiện, trong nghề nghiệp và trong giáo dục, không thể họp được thành một Nhà nước, trái lại chính Xã hội Dân sự sẽ tạo hình dáng cho Nhà nước. Xã hội dân sự sẽ là nơi xuất phát sự xung đột chánh trị, là không gian để các từng lớp giai cấp với những tư tưởng khác nhau tranh cải, đấu tranh với nhau.
Những Xung đột Chánh trị ?
Cái nhìn xung đột tư tưởng nói trên, ngày nay, hình đã không còn trong quan niệm mới về Xã hội Dân sự nữa. Xã hội Dân sự ngày nay hình như đã biến thành một cái gì đồng nhứt, nhẹ nhàng êm ả, không một tranh cải, không một dị biệt, không một đụng chạm với thế giới chánh trị. Từ những cơ quan quốc tế tân tự do-néolibéraux như Quỹ Tiền tệ Quốc tế hay Ngân Hàng Quốc tế, qua đến cả những phong trào xã hội chống đối kiểu Green Peace, Bảo Vệ Cá Voi… đều sử dụng từ ngữ và ý niệm « Xã hội Dân sự Quốc tế ». Tất cả đều nằm dưới dạng những hiệp hội bất vụ lợi, những tổ chức phi chánh phủ- ONG-NGO, với sự hứa hẹn là có một sự tham dự trực tiếp từ « các thành phần hạ tầng »( xã hội) rất cần thiết để đi tìm « con đường dân chủ ». Với cái nhìn ấy, dù nhiều lúc cũng có những hình thức quá khích như « những phong trào xã hội dân sự » -biểu tình phản đống, đình công bãi khóa, đi nữa, thì tất cả cuối cùng, cũng đều chuyển mình hòa chung vào một cái gọi là quản trị toàn diện-gouvernance globale. Thực sự mà nói, những tổ chức thuộc Xã hội Dân sự, sau cùng, cũng chỉ là những sức ép chánh trị, một loại các lobbies kinh tế hay tài chánh vào các các Chánh phủ, các Nhà nước các quốc gia Dân chủ. Đó có phải là những tài tử mới của thế giới dân chủ không ? kể cả các cơ quan, chấm điểm, cho điểm, kể cả các Ngân hàng cho vay, …Xã hội Dân sự thay mặt nhơn dân để quản trị « dân chủ » xã hội nhơn dân chúng ta ? Nếu được như vậy thì cũng nên đặt nặng vai trò thế lực của Xã hội Dân sự trong sự đóng góp vào con đường dân chủ hóa một quốc gia. Nhưng luôn phải cảnh giác phải coi chừng phải biết giữ cái độc lập, tự quản, tự chủ, và tự túc.
Độc lập chánh trị đã khó, Độc lập kinh tế tài chánh càng khó hơn! Xoá dẹp một chế độ độc tài tốn hao nhiều tài lực, xương máu, đã khó rồi, xây dựng một Xã hội Dân sự công bằng sòng phẳng lại còn khó hơn ! Rất cần một nỗ lực to lớn hơn, với rất nhiều thiện chí, nguyện vọng và thật thà, hoàn toàn bất vụ lợi, chỉ biết lo cho việc chung cho Xã hội, cho của chung, của chung. Rès-Publica–pour la chose publique-Vì cái chung .
Mong lắm !
Hồi Nhơn Sơn, cuối tháng 10 năm 2013
TS. Phan Văn Song
Ghi chú :
[1] Lưu Nguyễn Đạt, LSTS, Thế lực của Xã Hội Dân Sự, Việt Thức, 7 Tháng Mười 2013 http://www.vietthuc.org/2013/10/07/hinh-th%E1%BB%A9c-v%E1%BB%8B-tri-vai-tro-c%E1%BB%A7a-xa-h%E1%BB%99i-dan-s%E1%BB%B1-4/
[2] Aristote (384-322 Trước Tây Lịch), Politique (ou La Politique)-Về Chánh trị, 1252 a6.
[3]Cicéron-Marcus Tullius Cicéro (106-46 Trước Tây Lịch) La République-Nền Cộng hòa
[4] Jean Bodin (1529-1596),
[5] Thomas Hobbes, De cive (Du citoyen)-Người Công dân 1642.
[6] Jean-Jacques Rousseau, Thuyết trình về nguồn gốc và căn bản của sự bất công-Discours sur l’origine et les fondements des inégalités parmi les hommes, 1755.
[7] Adam Ferguson, Luận về lịch sử Xã hội Dân sự-Essai sur l’histoire de la société civile (phần IV, đoạn 2), Edimbourg, 1767.
[8] Georg Wilhelm Friedrich Hegel, Nền tảng của Triết lý của Luật pháp-Fondements de la philosophie du droit(chương 245), 1821.
[9] Adam Smith Hiền triết và Kinh tế Tô cách Lan (1723-1790), một trong những cha đẻ của nền Kinh tế Tư do-libéralisme économique.
[10] Georg Wilhelm Friedrich Hegel, như trên (chương 182).
[11] Karl Marx, Đóng góp bàn luận về kinh tế chánh trị học-Contribution à la critique de l’économie politique, 1859.