Thế là Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền của LHQ. Nhân dân ta vui hay buồn? Tùy lập trường chính trị, cách suy nghĩ, trên tư cách công dân. Có người thông tin cho nhau, ngỡ ngàng, khó hiểu. Có bạn còn bực bội, “không sao hiểu nổi”, nước nổi tiếng chà đạp nhân quyền bỗng nhiên được khen thưởng, vinh dự gia nhập cơ quan có sứ mệnh cao quý là phổ cập quyền sống có nhân phẩm khắp nơi trên trái đất. Cứ như một học sinh kém, xếp loại cuối lớp được bằng khen. Có bạn trách móc LHQ với uy tín quốc tế lớn để xảy ra một việc bất xứng, phi lý, ngược ngạo ngay giữa một phiên họp của Đại hội đồng.
Rất cần bình tâm để đánh giá đúng tình hình, không rơi vào bi quan nản chí, thậm chí hoang mang, cay cú.
Vì sao báo chí chính thức trong nước lại không tỏ ra vui mừng, hồ hởi như thường lệ? Vì sao những báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân, Tiền Phong, Lao Động…lại chỉ đưa tin một cách hình thức, qua loa, nhạt nhẽo, ở vị trí rất thấp, thậm chí không một lời bình.
Chỉ có mỗi một ông đại biểu Quốc hội Trần Văn Hằng cao hứng, huênh hoang với phóng viên đài Hà Nội ngày 17 /11 vừa qua rằng “đây là đòn đánh mạnh mẽ vào các đối tượng bấy lâu cố tình bôi nhọ chúng ta”. Ông Hằng là Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, vẫn giữ kiểu ăn nói lấy được, vẫn theo kiểu cách dọa nạt, vu cáo các công dân đứng dậy đòi lại nhân phẩm cho toàn dân. Ông hý hửng hơi bị sớm quá đấy!
Thật ra Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đảng, Ban Thường vụ Quốc hội vừa mừng vừa lo khi được tin Việt Nam vào được Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Nếu họ biết điều, tỉnh táo, họ sẽ vui một, lo đến mười phần.
Nếu như hàng ngũ anh chị em công dân trong ngoài nước hiến thân cho tự do, dân chủ và nhân quyền tỉnh táo nhìn rõ tình hình một cách chân thực, sẽ thấy nhiều điều kiện thuận lợi mới chưa từng có đang mở ra cho chúng ta, chỉ cần chúng ta biết tận dụng một cách sáng tạo và sâu rộng.
Bởi lẽ chính quyền đảng trị trong nước đã buộc phải đưa ra một loạt lời hứa và cam kết với Liên Hiệp Quốc, với Hội đồng Nhân quyền mà Việt Nam nay là một thành viên, nghĩa là với toàn thế giới và với toàn dân Việt Nam. Đây là lời hứa danh dự của một chính quyền của một nước gần 100 triệu dân, long trọng cam kết thực thi không chậm trễ một lọat việc làm, bước đi, cải cách, đổi mới, dưới sự kiểm soát, thanh tra, quan sát thường xuyên tại chỗ của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế liên quan, cũng như dưới sự theo dõi, quan sát, kiểm tra của toàn dân VN.
Điều cực kỳ hệ trọng là tất cả 14 điều “hứa hẹn và cam kết” (Pledges and Commitments) đều là những vấn đề chính quyền toàn trị xưa nay cố tình tránh né, trì hoãn, khi thì viện cớ chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm, khi thì vin vào điều kiện kinh tế xã hội chưa chín. Cho đến nay nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức Liên Hiệp Quốc, các tổ chức nhân quyền quốc tế với các chiến sỹ dân chủ và nhân quyền VN, đã tạo nên sức ép đủ mạnh buộc chính quyền trong nước không thể nào không lùi bước, nhượng bộ, chịu hứa hẹn và cam kết công khai long trọng trên giấy trắng mực đen.
Xin kể ra dưới đây những lời hứa và cam kết quan trọng nhất.
Trước hết Việt Nam hứa và cam kết thúc đẩy việc thực thi và bảo vệ những giá trị nhân quyền do Liên Hiệp Quốc đề xướng, và tuyên bố tự nguyện ứng cử để thành một thành viên của Hội đồng Nhân quyền.
Do đó, VN cam kết thực hiện những điều sau:
1. VN tuân theo và áp dụng những chuẩn mực phổ cập về Nhân quyền của LHQ trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự và quan hệ quốc tế.
2. VN thực thi những mục tiêu được LHQ đề ra cho Thiên niên kỷ.
3. VN xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tư pháp theo tiêu chuẩn của Nhà nước pháp quyền, trong đó có nội dung tôn trọng nhân quyền.
4. VN bảo đảm an ninh xã hội, phúc lợi xã hội, bảo đảm công lý cho những người dễ bị tổn thương như: phụ nữ, trẻ em, người già, người khuyết tật, dân tộc thiểu số.
5. VN quan tâm tuyên truyền, giáo dục, đào tạo cán bộ, nhân viên về thực thi nhân quyền trong xã hội.
6. VN thực hiện các khuyến cáo về mục tiêu nhân quyền theo các chu kỳ kiểm điểm 1 và chu kỳ 2 của UPR ( Universal Periodic Review). Chu kỳ 1 đã thực hiện năm 2009, chu kỳ 2 sắp tới.
7. VN thực hiện nền dân chủ từ cơ sở, huy động toàn dân tham gia cùng các tổ chức xã hội trên tinh thần dân chủ nhằm phổ cập nhân quyền sâu rộng.
8. VN tích cực hoạt động có trách nhiệm trong Hội đồng Nhân quyền nhằm thúc đẩy việc tôn trọng nhân quyền trên thế giới, với tinh thần minh bạch, trong sáng, khách quan.
9. VN mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác, đối thoại với LHQ, với các cơ quan của LHQ, với Cao ủy Nhân quyền của LHQ, kể cả việc mời thăm VN để quan sát.
10. VN thực hiện sự hợp tác liên chính phủ nhằm tôn trọng và bảo vệ nhân quyền.
11. VN thực hiện hợp tác với các nước ASEAN trên lĩnh vực nhân quyền, thúc đẩy việc thực thi Tuyên bố về nhân quyền của ASEAN.
12. VN mở rộng hợp tác song phương với các đối tác nhằm thực thi nhân quyền rộng rãi.
13. VN sớm tham gia Công ước chống tra tấn.
14. VN tham gia việc hoàn thành Công ước về quyền của người khuyết tật.
Có thể nói từ nay, theo lý lẽ và pháp lý, sau khi nhà cầm quyền CS tuyên bố tự nguyện tích cực truyền bá, bảo vệ nhân quyền một cách có trách nhiệm, họ phải nhận ngay các chiến sỹ bảo vệ nhân quyền đang bị cầm tù là đồng minh, đồng chí của họ.
Nếu họ tự trọng, giữ đúng lời hứa và cam kết, họ phải nhận những Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Cù Huy Hà Vũ, Tạ Phong Tần, Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Phương Uyên cùng biết bao chiến sỹ nhân quyền khác là bạn thân, là bạn đồng minh, mới phải lẽ.
Ai cũng biết họ không làm thế. Vì họ không thật lòng. Họ chỉ hứa và cam kết để tiếp tục được nhận những khoản tiền FDI và ODA cực lớn, không thì chết cả nút. Vì họ không thể sống một mình, quay lưng với LHQ. Họ sẽ giở nhiều thủ đoạn, ù lỳ, ngụy biện, có khi trâng tráo, như ông Trần Văn Hằng nói trên, mua thêm thời gian để hưởng đặc lợi.
Nhưng lần này họ bị kẹt đủ thứ. Việc thông qua Hiến pháp mới khó bề trôi chảy. Bởi lẽ học thuyết Mác – Lênin, chủ nghĩa CS, khái niệm kinh tế nhà nước là chủ đạo đều đi ngược với nhân quyền. Luật đất đai sửa đổi cũng đầy vướng mắc. Nợ quốc gia chạm đáy. Xã hội băng hoại do quan chức mọi cấp bất tài tham nhũng hư hỏng tận cùng. Có tử hình vài tên chỉ càng lộ là nước cờ hạ sách, thí tốt đen, vì những vụ to hơn nhiều, khủng hơn nhiều vẫn ở ngoài pháp luật. Họ thí vài tên làng nhàng, chừa ra ối kẻ tham ô loại bự, không bận tâm đến bầy sâu lúc nhúc khắp nơi.
Đặt bút ký lời thề và cam kết về nhân quyền, chế độ toàn trị đã sa vào bẫy tự hủy diệt, nếu không tự thay đổi về bản chất, để trở thành một chính quyền dân chủ, lương thiện, tôn trọng nhân quyền một cách tự giác.
Đã thành quy luật nhân quyền càng mở rộng, chế độ độc đảng toàn trị càng teo quắt lại. Đã hứa, đã cam kết phải giữ lời hứa, phải tôn trọng 14 lời cam kết. Đó là món nợ không thể quịt được.
Bùi Tín — VOA