Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, lần đầu tiên trong lịch sử Việt nam cận đại, dư luận thế giới mới ghi nhận một cuộc di cư vĩ đại của công dân một quốc gia như vậy! Ví như dân Do Thái lúc xưa do Môi Se-Moïse dẫn dắt phải vượt qua Biển Đỏ để thoát cảnh làm dân nô lệ ở xứ Ê Dýt-Égypte của các Pharaons. Ngày nay, gần 3 triệu người Việt Nam sống sót sau những cuộc hành trình đầy gian nan và nguy hiểm (một thống kê không chánh thức đã cho một con số là cứ 4 người vượt biên là có 1 người chết hoặc mất tích nơi biển cả) để trốn khỏi quê hương của họ đang biến thành một căn nhà tù khổng lồ, và cũng để thoát cảnh làm dân nô lệ cho các Pharaons tân thời, Đảng Cộng sản Việt Nam, đang sống và sanh hoạt trên gần 70 nước trên toàn thế giới! Bắc Mỹ có nhìều người Việt định cư nhứt: trên 2 triệu ở Hoa kỳ và 150 000 ở Gia Nã Đại, trong vùng Châu Đại Dương: Úc chứa 160 000 người tỵ nạn, Tân Tây Lan 8 000 và Nouvelle Calédonie thuộc Pháp 4 000. Các nước Tây Âu tương đối ít người Việt hơn, chỉ vào khoảng 400 000 thôi. Sau khi bức tường Bá linh và các nước chế độ cộng sản Trung và Đông Âu sụp đổ, khoảng 100 000 người thuộc thành phần thanh niên xuất cảng lao động cũng từ chối không trở về Việt nam và xin ở lại tỵ nạn chánh trị.
Trong bài viết nầy chúng tôi không xét tới vấn đề những con số, chúng tôi chỉ đặt vấn đề sanh hoạt, sanh tồn của gần 3 triệu đồng bào ấy trên những quê hương mới của họ. Sanh hoạt, sanh tồn sau khi đã ổn định nơi ăn chốn ở. Gần 40 năm rồi, đã đến lúc chúng ta, những người Việt, chúng ta tự hỏi chúng ta và thế hệ con cháu chúng ta có và nên hội nhập vào xã hội những quốc gia nơi chúng ta đang trú ngụ hay không ? nhưng hội nhập là gì ? Vào những sanh hoạt kinh tế ? Vào xã hội ? Hay hội nhập vào những luồng tư tưởng, những trường phái nghệ thuật, tư duy ?
Ngày nay, tại Mỹ, tại Pháp tại tại Đức, Hòa Lan… con cháu hậu duệ chúng ta, như những con Phượng Hoàng-Phénix, được truy luyện trong thử thách và máu lữa, nay đã sống lại. Bầy Việt Điểu nay đã có lắm nhơn tài thành công trên mọi mặt, làm sáng danh những họ gốc Việt Nam, Nguyễn, Lê, Trần Lý, Lưu, Phan, Trương, Đinh , Trịnh…trên đất người nay là đất mẹ. Những ngành nghề phổ biến và được yêu chuộng bởi những cha mẹ Việt Nam cổ truyền có truyền thống, thích ăn chắc mặc bền như Bác sĩ, Dược sĩ, Kỹ sư Tin học… hay cả Luật sư, đã đành, nhưng cũng có nhiều địa hạt ngoài luồng như như nghệ thuật, văn học, khoa học nghiên cứu … cũng có mặt con em mình, và ngay cả quân đội. Ở các binh chủng quân đội Huê kỳ ngày nay có biết bao nhiêu Đại tá gốc Việt ; ở các trường Đại học âu mỹ, có bao nhiêu giáo sư, giảng sư nghiên cứu gốc Việt… Trong nhóm anh em bạn bè quen biết người viết chúng tôi cũng đã hãnh diện có một Tiến sĩ Luật sư Giáo sư Kỳ Lưu, Viện Trưởng Trường Đại học Tulane Louisiana, có một cô Giám Đốc trẻ nhứt ViệtPhương Nguyễn của Công Ty Mars ở Pháp, và người viết cũng hãnh diện giới thiệu Cyril Kongo Phan, người đã mang nghệ thuật vẽ ngoài đường Street Art vào thời trang, trang sức qua cửa hiệu thời trang Hermès, Paris Pháp với các khăn choàng Carrés, Châles cho phái nữ và Pochettes cho phái nam. Cyril Kongo Phan cũng hẹn qua năm 2014 sẽ ra một sản phẩm Hermès ngoạn mục nữa… hay nếu chị em phụ nữ nào ở hay có dịp qua Paris, sẽ gặp và làm quen với một dãi nhà hàng trang sức, y phục phụ nữ với một tên hiệu rất Việt Nam, Barbara Bùi… và các bà sẽ mê và thích những trang sức tân thời của Đinh Văn.
Thật là thế hệ con cháu Việt Nam tỵ nạn hải ngoại ngày nay muôn mầu, muôn vẽ khoe sắc ! Hội nhập và tiếp thu…
Cũng đã có những thế hệ thứ hai sanh quán tại hải ngoại, và cha mẹ những đứa bé ấy (sanh tại Việt nam nhưng trưởng thành và được giáo dục tại hải ngoại) tuy còn nói được tiếng Việt như không còn suy nghĩ bằng việt ngữ nữa, vì họ đã được giáo dục bằng tiếng bản xứ, sanh hoạt bằng tiếng bản xứ. Việt ngữ nay chỉ còn là một tiếng nói ngoại giao với những người đồng quê hương với họ, hay đồng quê hương với cha mẹ họ (để kiểm chứng, mỗi khi chúng ta cần phải tính nhẩm, nếu chúng ta còn đếm bằng tiếng việt là chúng ta còn suy nghĩ bằng tiếng việt). Tuổi trẻ người Việt ở hải ngoại hiện nay gồm rất nhiều người sanh, trưởng thành và hấp thụ giáo dục trên quê hương thứ hai của cha mẹ họ. Họ có sắc diện Á đông, mầu da, nhưng vóc dáng không còn là Á đông nữa, ấy là nhờ được nuôi dưởng với những tập quán âu mỹ họ có những vóc dáng của những người âu mỹ. Từ tướng đi, cách hành động, xữ sự, họ cũng thoải mái phóng túng hơn những người Việt thế hệ sanh tại Việt Nam, lớn lên tại Việt Nam hay từng làm việc tại Việt nam. Khi các em, các cháu ấy yêu nhau, tiếng nói con tim của các em các cháu ấy sẽ là tiếng các em ấy xữ dụng hằng ngày.Thế hệ chúng ta là thế hệ của những người di dân, còn thế hệ con cháu chúng ta không còn gọi là những người di dân nữa, các em là công dân của các quốc gia bản xứ. Vấn đề hội nhập là chuyện của chúng ta không phải chuyện của các em nữa. Chúng ta phải mạnh dạn mà nhìn nhận như vậy. Có như vậy chúng ta mới thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn, quê hương Việt nam, về hay không về, xây dựng đất nước vân vân.. đối với con em chúng ta. Nhưng,..
Thế nào là hội nhập ?: Thước đo nào để đo ? thành công trong địa hạt thương mại ư ? : có cơ ngơ ư ? Có nhà ? có xe ? có tiền ? , con cái có nghề nghiệp ? Trong một bài viết của Giáo sư Lê Mộng Nguyên, ông ta tạm định nghĩa ” …. là một đường lối giữa sự đồng hóa ( assimilation) và sự xen tháp (insertion). Như thế có nghĩa là trong hội nhập, ta phải làm thế nào để những thành phần muôn mặt và khác nhau phải gia nhập tích cực vào cuộc xây dựng xã hội (nước Pháp) nhưng cùng một lúc ta phải thừa nhận tất cả sanh hoạt của những đặc tánh văn hoá, xã hội và luân lý và công nhận là một lẽ dĩ nhiên rằng toàn thể (xã hội Pháp) được phong phú thêm nhờ những biến hóa phức tạp ấy. ” (1). Nói tóm lại đồng bào ta cần có phải dứt khoát với gốc rễ quê hương để hội nhập xã hội nước người ? có cần phải nhập tịch nước người để làm công dân nước người hay không?
Nếu chúng ta tò mò thử so sánh những thành công của những người gốc Việt Nam và những người gốc ngoại quốc khác, chúng ta không có một dử kiện nào để chứng minh đồng bào ta thành công hơn đồng bào các dân tộc khác. Về lãnh vực kinh tế, cộng đồng chúng ta khá thành công. Rất khá nhiều bác sĩ dược sĩ, kỹ sư ngành điện toán, phần lớn đặc biệt ở Pháp, các vị ấy thuộc thế hệ du học sanh từ những năm 1954 đến 1975. Du học, dĩ nhiên có bằng cấp cao, nghề nghiệp, hội nhập, xen tháp là những chuyện bình thường không nên nêu đến, vã lại trên lãnh vực thống kê, họ là những người Pháp nên không còn ở bản thống kê là ngoại quốc nữa. Ở Mỹ sanh hoạt tổ chức xã hội có hình thức cộng đồng hơn ( communautaire) Những sắc dân di dân sống chung với nhau, tổ chức thành những xóm những khu vực với nhau: khu Tàu, khu Việt, thậm chí thành phố Tàu thành phố Việt (Chinatown, Little Saigon..) Sanh hoạt ở những khu vực nầy hoàn toàn á đông, thậm chí nhiều người á đông hầu như không sử dụng tiếng Mỹ trong suốt khoảng thời gian họ cư ngụ tại nước Mỹ. Đối với hiện tượng ấy chúng ta có thể nói đến hội nhập không? hay chỉ là một hiện tượng xen tháp sanh tồn, tìm mãnh đất sống để cắm dùi an cư lập nghiệp. Hiên tượng ấy không riêng gì cho người Việt chúng ta đâu, đã có những Little Italy, những Little Odessa, quartier juif (rue des Rosiers, Paris, Pháp).
Trở về với đề tài là tuổi trẻ việt nam với hội nhập và tiếp thu. Như chúng ta đã cùng nhau nhận xét, chúng ta không lo lắng cho vấn đề xen tháp (insertion) hay vấn đề hội nhập, bản năng sanh tồn của dân tộc việt khá mạnh và vượt trên mọi thử thách. Chúng ta hãy bàn đến vấn đề tiếp thu, tiếp thu hai mặt văn hóa, con em chúng ta đứng giữa hai luồng tư tưởng, hai luồng giao lưu : luân lý Âu châu với luân lý Tình thương của Thiên Chúa giáo (biết trọng con người, biết ghi nhận ý kiến cá thể, trọng nhơn quyền nơi người khác để phát huy nhơn quyền cá nhơn) ; luân lý Á châu với giáo lý Tam giáo Phật Lão Khổng (tổ chức xã hội gia đình, quân sư phụ, đặt trên hết chữ sĩ để thúc đẩy con em rèn luyện trí thức đến tận cùng…biết trọng người lớn tuổi, biết công ơn cha mẹ, nhớ công ơn tổ tiên, ông bà, cộng đồng …)
Đó là một hội tụ (convergence) giữa triết lý Âm Dương cơ sở văn hóa việt nam và triết lý Vật Tâm cơ sở lý luận tây phương. Như Tiến sĩ Nguyễn Văn Trần nhận xét “.. khi quan sát sóng nước, người ta sẽ nhận thấy hiện tượng Âm Dương rất rõ: sóng nổi cao lên là Dương sóng hạ xuống là Âm. Nhô lên là dương, lỏm xuống là âm. Vậy âm dương chỉ là hai quá trình vận động của một bản thể là nước; nó đi từ âm qua dương rồi từ dương trở về âm mà cũng chỉ một thứ nước đó thôi. Khác hẳn với Vật Tâm. Bởi cái gì là Vật, là không phải là Tâm và ngược lại. Mà “không phải” thì thường đưa đến triệt hạ lẫn nhau. Đấu tranh giai cấp là trường hợp điển hình.” (2).
Chúng tôi muốn bàn thêm với anh Trần là lý luận Vật Tâm cần có Vật và cần có Tâm. Thân thể con người là Vật nhưng phải có sức sống, lý luận và suy nghĩ là Tâm. Vì vậy chủ thuyết Duy Vật đơn thuần không đứng vững vì có thiếu cơ sở Duy Tâm. Cái thất bại ngày nay của lý thuyết cộng sản và biện chứng Duy Vật đơn thuần là ở chổ ấy. Vật Tâm tuy là đôi, đối chọi đấy, tương phản đấy, nhưng muốn có tương phản phâi có đôi có cặp. Khi đấu tranh giai cấp là xóa bỏ, giết sạch một giai cấp, thì giai cấp còn lại cũng phải tự chia đôi để cuộc đấu tranh tiếp diễn. Con người của các em trẻ Việt Nam ở hải ngoại cũng vậy, sống trong một xã hội lấy sự tương phản làm lý luận, lấy cái có, sở hữu (avoir, to have) làm cứu cánh sanh tồn, ấy là phần Vật các em cần phải giử lại phần á đông nơi các em để các em tiến đến phần là, phần hiện thực (être, to be), đó là phần Tâm. Bổn phận của chúng ta ngày nay không phải lo lắng con em chúng ta có hội nhập hay không vào xã hội Âu Mỹ. Chúng ta phải cố gắng truyền đạt cho các em những vốn liếng của cha ông chúng ta để lại, bảo vệ cái phân á đông trong con người của con em chúng ta, bảo vệ là nghiên cứu để bâo tồn, để tăng triển, để làm giàu thêm cho tiếng nói, cho tư tưởng, … và quan trọng hơn, cố gắng không để mai một bởi những từ ngữ Việt Nam “mới” hiện được sử dụng ở tại trong nước. Đó là về mặt tinh thần văn hóa, có yêu văn hóa Việt Nam, lúc ấy con em ta mới yêu Việt Nam. Cái lẩn quẩn về hay không về là những suy nghĩ cá nhơn, thuộc thế hệ chúng ta, ” ta về ta tắm ao ta..”, lý thuyết thì đẹp lắm, đấy là giấc mơ của thế hệ những chúng ta, bỏ nhà bỏ của, bỏ vườn, bỏ những kỷ niệm ra đi, chứ còn đối với con em chúng kỷ niệm thơ ấu của các em là cái “square” ở đầu đường, cái con búp bê, con gấu đầu ấp tay gối, cái computer đầu tiên, chiếc xe đạp đầu tiên… Con đường làng thơ mộng của chúng ta, đối với các em các cháu, chỉ là một con đường đất lồi lỏm đầy ruồi nhặng, với những bãi thãi của trâu bò, con sông Hương thơ mộng của tuổi trẻ của chúng tôi mà chúng tôi, người viết thường lội tắm, mỗi khi về thăm Huế; ngày nay, nếu tôi về thăm lại Huế, nếu các con tôi muốn xuống sông Hương tắm, chúng tôi sẽ cấm các hắn tắm, vì chúng tôi sợ các con sẽ bị ngã nước hay đau bụng đi chảy, vì lỡ uống nhằm nước.
Đừng buộc con cái chúng ta yêu Việt Nam, về giúp nước Việt Nam một cách đơn thuần Tự hỏi mình xem thử Việt Nam có cần thật sự chúng ta không? Hãy giúp Việt Nam như chúng ta giúp một nước chậm tiến khác, với một tinh thần bao dung nhưng phải khắc khe không khoan dung tình cảm. Các con em chúng ta và cả chúng ta nữa, nếu muốn giúp một Việt Nam để xây dựng lại tương lai xán lạn hơn, giàu mạnh hơn, chúng ta phải đến với Việt Nam với một tinh thần trách nhiệm, phải đòi hỏi ở người Việt Nam một sự nghiêm chỉnh, một sự tự trọng trong trao đổi, không được “cầu xin” gì cả.
Nói tóm lại, con em ta, khi hội nhập vào xã hội tây phương đã tiếp thu được cái bản chất cá thể toàn diện, bản chất cá thể ấy giúp cá nhơn ấy nắm rõ trách nhiệm, Làm sai, là lỗi tại nó, không đổ lỗi cho ai cả, sống ở xã hội tây phương con em ta có cái nhìn chánh trị xã hội, phân tích, chia sẻ, dấn thân, đối thoại, đối lập dân chủ, lần lượt tới phiên mình, không giành giựt cướp chánh quyền, lật đổ. Còn con người đông phương tiếp thu được ở chúng là cái nhìn “trung dung”, nhẫn nhục, nhịn nhục, “mười điều bỏ chín làm lành”. Nắm được cái thuyết âm dương , hết thạnh lại suy, hết suy lại thạnh, ” hết cơn bỉ cực đến hồi thái lai “, biết nhẫn nhục chờ tới phiên mình. Tính cộng đồng, đạo ông bà giúp cho cậu thanh niên, cô thiếu nữ Việt Nam dấn thân vào xã hội, vào cộng đồng. Xã hội tương lai là một xã hội siêu quốc gia, cộng đồng tương lai sẽ là một cộng đồng siêu quốc gia, toàn cầu hóa. Xã hội của tập đoàn người Việt hải ngoại sẽ là một tập thể người Việt toàn cầu. Những cậu những cô gốc Việt Nam sống rãi rác khắp năm châu, với những cá thể đăc thù sanh hoạt, sanh tồn do địa lý văn hóa, luật lệ khác nhau nhưng nhờ bản thể Việt Nam và văn hiến Việt Nam làm gốc nên vẫn hài hòa bảo vệ được con người và đức tánh Việt Nam. Hài hòa, hòa hợp, dung hòa giữa cái Âu cái Á, lấy cái thuyết Vật Tâm làm lý luận suy nghĩ sanh tồn, lấy cái triết lý Âm Dương làm triết lý cuộc sống, tuổi trẻ Việt Nam hải ngoại trong đầu thế kỷ thư XXI nầy sẽ có đầy đủ vốn liếng để góp mặt vào cuộc cách mạng kỷ nghệ tin học.
Đó cũng là sự hãnh diện của thế hệ chúng ta, thế hệ của những người bỏ vườn bỏ của, bỏ nhà ra đi, vì đã thua một trận chiến. Trận chiến của những người đã một lần cố gắng thử xây dựng một mẫu xã hội bằng cách dung hòa cái vốn liếng Á châu tam giáo trung dung, với cái luân lý Tình thương của Thiên Chúa, cái Tín Nghĩa của kẻ sĩ với cái Honnête Homme của một gentilhomme (gentleman) để đối chọi với cái mẫu xã hội xây dựng bởi cái chủ thuyết Tam vô, duy vật tàn bạo. Ngày nay, nơi quê người khó khăn, chúng ta đã và sẽ đang đào tạo những con em chúng ta đang tiếp tục làm công việc đó.
Cám ơn tất cả những anh em chúng ta ngày hôm nay đang làm công việc đó. Có những lúc khó khăn, sóng gió gay cấn, có những lúc bình thản như con gió mùa thu, nhưng âu đấy cũng chỉ là hiện tượng của những hành động âm dương trong quá trình phát triển đó thôi ! Chủ nghĩa Cộng sản chủ thuyết duy vật đặt nền tảng trên vật chất để lý luận, dùng tương phản giai cấp để đấu tranh. Giai cấp nền tảng là nhân dân, giai cấp cầm quyền nếu lúc xưa là giai cấp nhân dân, thì ngày nay, vì cầm quyền đã rời xa nhân dân rồi, sớm muộn gì họ cũng sẽ bị lật đổ, đó là quy luật do Duy Vật biện chứng chứng minh. Chỉ còn lại con người Việt muôn thuở, với triết lý âm dương trong văn hóa, với tính chất cộng đồng trong sanh hoạt, tính dân chủ trong nếp sống (3). Và ngày nay con người Việt muôn thuở ấy được hội nhập vào làng “thế giới” với những cái tiếp thu qua những văn minh kỹ thuật âu mỹ, luân lý Tình thương của Thiên Chúa giáo và lý luận Vật Tâm. Lý luận Vật Tâm tuy dùng tương phản, đối lập, nhưng nếu biết dung hòa sẽ hổ trợ cho con người ấy trong xây dựng một lý thuyết chánh trị. Và mong những con người Việt Nam mới ấy sẽ xây dựng lại một Việt Nam, dung hòa đựơc cái Tân cái Cổ, cái Dân chủ của tinh thần đình làng hòa hợp với cái Dân chủ Pháp trị Hiến định, cái tôn trọng Nhơn quyền toàn diện với cái tôn trọng những quyền tự nhiên trong gia đình, xã hội. Áp dụng được thuyết âm dương vào đời sống vật chất hằng ngày, vào liên hệ tương quan trong những từng lớp xã hội, trẻ già hổ trợ lẫn nhau, người hưu giữ trẻ, người hải ngoại đem kỹ thuật giúp người nội địa, người nội địa vun đắp cho quê hương đẹp hơn, bầy Việt Điểu của Việt Nam Hải Ngoại sẽ hòa hợp với bầy Việt Điểu của Việt Nam Quốc Nội để xây dựng một Việt Nam thật sự Việt Nam tân thời, khoa học, tử tế, ấm no hạnh phúc.
Mong thay!
Hồi Nhơn Sơn 1er / 07/ 2003
Hiệu đính 26 Novembre 2013
TS Phan Văn Song
(1) Lê Mộng Nguyên, in ” Cộng Đồng Việt Nam tại Pháp” , Định Hướng số 35, Trung Tâm Văn Hoá Nguyễn Trường Tộ – Reichstett – France trang 81
(2) Nguyễn Văn Trần, in ” Cộng đồng và Dân chủ qua nếp sống văn hoá việt nam”, sđd nt, trang 71
(3) Nguyễn Văn Trần, in ” Cộng đồng và Dân Chủ …” sđd, nt.