Sợ đa đảng
Trong điều kiện Việt Nam, một quốc gia theo đường lối độc tôn, độc quyền và toàn trị, đảng CSVN tự cho mình là chính đảng duy nhất được hoạt động hợp pháp và nắm giữ vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội.
Gần đây, ông GS. Nguyễn Đình Tấn, Giám đốc Viện Xã hội học thuộc Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh có nói rằng: “Thực chất ở Việt Nam hiện nay, có thể nói với Đảng Cộng sản Việt Nam thì không có đối thủ. Nếu thể hiện là đối thủ của Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là một tổ chức, tôi nghĩ là không có.”
Đánh giá về vấn đề này, nhà báo LS.Vũ Đức Khanh từ Canada cho rằng trong chính trị luôn có sự “bất ngờ” từ lá phiếu của cử tri. Một khi thùng phiếu chưa được khui ra, đếm phiếu đầy đủ và công bố kết quả thì mọi việc đều có thể xảy ra.
Theo ông Vũ Đức Khanh thì việc GS. Nguyễn Đình Tấn phát biểu rằng ở Việt Nam hiện nay Đảng Cộng sản Việt Nam không có đối thủ quả không sai, nhưng nó chỉ đúng một phần thôi, vì làm sao mà có được một tổ chức, đảng phái chính trị nào khác hơn ngoài đảng CSVN. Nếu đảng CSVN không có đối thủ thì tại sao họ lại sợ đa đảng và tại sao nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết lại khẳng định “Bỏ điều 4 là tự sát!”.
Trao đổi với chúng tôi, LS.Vũ Đức Khanh nói “Tôi nghĩ hoặc là đảng CSVN thiếu tự tin hoặc thật sự trong thâm tâm họ biết rõ nếu đa đảng, họ sẽ phải đối diện với việc mất quyền lực! Nói tóm lại tôi nghĩ ở Việt Nam có đối lập thực sự đủ sức đối trọng với đảng CSVN.”
Từ Sài gòn Kỹ sư Lê Thăng Long, người khởi xướng Phong trào Con đường Việt nam, thì cho rằng phát biểu của GS. Tấn là đúng với bề nổi ở thời điểm hiện tại chính trị ở VN. Nghĩa là hiện đất nước chỉ có một tổ chức chính trị duy nhất đảng CSVN. Nhưng tình hình đang diễn biến rất nhanh.
Qua ngày hôm nay, ngày mai có thể có 1 tổ chức chính trị mới hình thành mà nó sẽ lớn cực kỳ nhanh chóng như hình ảnh cậu bé Thánh Gióng trong truyền thuyết lịch sử Việt Nam. Đó là điều ông Lê Thăng Long cho rằng chính là hình ảnh của “điểm đông đặc” mà ông Trần Huỳnh Duy Thức đã từng nhắc tới. Ngay sát tới điểm 0 độ C, nước vẫn còn là nước. Nhưng ngay khi đạt tới 0 độ C, nước đóng thành băng. Và chỉ cần một đốm lửa nhỏ nó có thể đốt cháy hàng triệu hecta rừng rất rộng lớn vào mùa khô hanh khi gió nổi lên.
Ông Lê Thăng Long nói “Tôi nghĩ ông Tấn cần nói về sự chuyển dịch và ẩn sâu của vấn đề thì sẽ đúng hơn. Có lẽ đây là một cách đảng CSVN tự trấn an nội bộ và bên ngoài thay vì nhìn thẳng vào nguy cơ để tìm ra một giải pháp tối ưu cho đảng CSVN hiện nay và cho dân tộc Việt Nam.”
Thời điểm chưa đến?
Với một tinh thần thẳng thắn, LS. Hoàng Duy Hùng – Al Hoàng, Cựu Nghị Viên Thành Phố Houston – Hoa kỳ đồng ý với nhận xét của Giáo sư Nguyễn Đình Tấn. Mà theo LS. Hoàng Duy Hùng thì trên phương diện “tổ chức” thì đảng CSVN hiện nay không có đối thủ, vì theo ông nói đến “đối thủ” thì phải nói đến tương quan lực lượng.
Ông Hùng cho rằng đảng CSVN có nhiều ưu thế, đó là có gần 3 triệu đảng viên, cơ cấu từ trung ương đến địa phương, nắm giữ quyền lực điều hành quôc gia, sử dụng được công an và quân đội, điều động hầu hết các cơ quan truyền thông báo chí, và vì ở vị trí độc quyền lãnh đạo có nhiều cơ hội khai thác thương mại nên tài chánh của đảng CSVN cũng rất dồi dào. Một điểm mạnh khác của đảng CSVN là đảng cầm quyền lâu nên có nhiều kinh nghiệm và đã thiết lập đươc cơ chế sâu rộng. Với ưu thế này nên nếu có tổng tuyển cử tự do dưới sự giám sát quốc tế thì tôi nghĩ rằng đảng CSVN sẽ chiếm đa số.
LS. Hoàng Duy Hùng nói “Tôi hiểu tâm trạng của nhiều vị muốn có một cuộc cách mạng thay đổi qua đêm. Có nhiều vị muốn lật đổ ngay chế độ Cộng Sản nên không muốn tin rằng không có thế lực nào hiện nay ở Việt Nam có thể làm được điều đó và thậm chí không có thế lực nào đủ sức làm đối lập với đảng CSVN.”
LS. Nguyễn Văn Đài, một nhân vật bất đồng chính kiến ở Hà nội thừa nhận rằng, trong thời điểm hiện tại thì ở Việt Nam đảng CSVN chưa có đối thủ chính trị xứng tầm với tư cách là một tổ chức. Tức là chưa có một tổ chức hay đảng phái chính trị nào ở trong nước có khả vượt qua sự kiểm soát của đảng CSVN, để vận động người dân đứng về phía họ nhằm gây áp lực với đảng CSVN trong cải cách chính trị hướng tới dân chủ. Theo ông Đài thì với lý do hầu hết các tổ chức, đảng phái chính trị ở trong nước, hoặc ở hải ngoại và có các thành viên ở trong nước thì chủ yếu là hoạt động bí mật, rất ít các thành viên bán công khai. Đồng thời số lượng thành viên cũng ít, chưa bao quát được hết các thành phần trong xã hội.
Ông Nguyễn Văn Đài nói với chúng tôi “Bởi vậy trong những năm qua, đã có rất nhiều cơ hội cho việc nổ ra các cuộc các mạng xã hội, nhưng các tổ chức đối lập quá yếu, nên chưa tổ chức và tập hợp được quần chúng với số đông để thay đổi đất nước. Do vậy, tất cả các cơ hội đều trôi qua 1 cách đáng tiếc.”
Ông Nguyễn Quang Duy – Phó Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Úc châu và đại diện Khối 8406 tại Úc châu thì cho rằng, cho dù đảng Cộng sản có đến 4 triệu đảng viên, có hàng chục triệu đòan viên, có hằng ngàn tổ chức ngọai vi, cả ngàn cơ quan tuyên truyền, có cả một guồng máy an ninh quân đội được cho là luôn trung thành với “Đảng”. Nhưng theo ông Duy, ông Nguyễn Đình Tấn chỉ nói đúng đảng Cộng sản không có đối thủ trong tư cách là một tổ chức. Tuy nhiên điều đó sẽ không đúng, đối thủ của đảng Cộng sản chính các lực lượng dân tộc.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Duy nói “Muốn chứng minh điều này rất dễ chỉ cần đảng Cộng sản mở ra một cuộc trưng cầu dân ý hay bầu cử tự do với sự giám sát của Quốc Tế thì rõ ngay. Và nếu đảng Cộng sản còn tiếp tục xem các lực lượng dân tộc là “đối thủ” trong cuộc chiến “ai thắng ai” thì kẻ thảm bại sẽ chính là những người cộng sản cầm quyền.”
Binh pháp của Tôn Tử có câu “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng” để nói về tầm quan trọng việc đánh giá đối thủ trong tranh đấu. Những đánh giá, nhận định của những người trong cuộc sẽ có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc đấu tranh của họ. Phong trào đấu tranh cho dân chủ ở Việt nam cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.
An Vũ, thông tín viên RFA, Bangkok