Where have all the flowers gone, long time passing?
Where have all the flowers gone, long time ago?
Where have all the flowers gone?
Peter Seeger, 1919-2014(1)
Hoa đã đi đâu hết, khi thời gian trôi qua?
Hoa đã đi đâu hết, vào một thời xa xưa?
Hoa xưa giờ ở đâu?
Phần 1 – Khi Thời Gian Trôi Qua (1948-2007)
Vào những tháng cuối năm 2013, một bức hình ấn tượng được tung lên báo chí và các trang mạng toàn cầu. Đó là bức hình một người đàn ông tóc bạc trắng đang đứng thẳng với hai tay chấp về phía sau. Ông mặc một chiếc áo tay dài màu hồng nhạt hơi nhàu. Với một nụ cười nhạt trên môi, ông cau mày ngước mắt nhìn lên những người đang xét xử ông. Đứng kèm sát ông là ba công an trẻ trong đồng phục xanh có gù vai đỏ vạch vàng và mũ lưỡi trai. Hai trong ba người công an đó nhìn lên có vẻ đăm chiêu lắng nghe. Người còn lại thì nhìn xuống, cau mày như đang suy nghĩ về một điều gì khó xử. Phía sau người đàn ông tóc bạc trắng và ba người công an đó có khoảng bốn người công an nữa. Họ ngồi trên những ghế dài dành cho thường dân đi xem xử án cùng với bốn thanh niên khác.
Bức hình trên mang một giá trị biểu tượng cao. Trong một nước mà 1 trong sáu người dân trong tuổi lao động – 6.7 triệu người trên 43 triệu người – làm việc trực tiếp hay gián tiếp cho một tổ chức công an, mật vụ, hay an ninh nội chính (2), bức hình nói lên được tất cả những gì cần phải nói về nước Việt Nam. Bước vào năm 2014, Việt Nam có một nhà nước cần đến 7 công an tuổi thanh niên tráng kiện để trấn áp một ông già trên sáu mươi tuổi.
Người đàn ông tóc bạc trắng đó là ông Ngô Hào.
Theo Bản Án số 20/2013/HSST ngày11/9/2013 của Tòa Án Nhân Dân Tỉnh Phú Yên (3) (sẽ gọi ngắn gọn là Bản Án về sau trong bài viết) khi xử sơ thẩm ông về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ Chính quyền nhân dân” và phạt ông 15 năm tù và 5 năm quản chế sau khi mãn hạn tù, ông Ngô Hào sinh năm 1948 và do đó ông 66 tuổi vào năm 2014. Năm sinh đó, 1948, có thể không chính xác, vì ông là một cựu sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cọng Hòa (QLVNCH) với quân số 73/420439. Với quân số này, ông phải sinh năm 1953 vì theo thông lệ là hai số đầu của quân số một quân nhân QLVNCH luôn luôn là hai số cuối của năm sinh cọng 20, ví dụ như sinh năm 1953 thì 2 số đầu của quân số là 73. Bản Án đã dẫn cho biết thêm cấp bậc cuối cùng của ông trước ngày 30/4/1975 là Thiếu Úy. Cấp bực này hợp lý. Tại miền Nam Việt Nam trước 1975, một người sinh trong thời khoảng 1948-1953 bình thường sẽ đậu tú tài trong thời khoảng 1966-1971. Khi vào quân đội, người đó sẽ được thụ huấn sĩ quan trừ bị chín tháng tại Quân Trường Bộ Binh Thủ Đức, ra trường ở cấp bậc Chuẩn Úy vào thời điểm 1967-1972, và lên chức thiếu úy trong vòng một năm nếu không có lầm lỗi gì, tức là trong thời khoảng 1968-1973. Sau khi tốt nghiệp quân trường, Chuẩn Úy Ngô Hào được điều về Sư Đoàn 22 Bộ Binh.
Sư Đoàn 22 Bộ Binh của QLVNCH là một trong những sư đoàn có một lịch sử bi hùng nhất trong tất cả các sư đoàn của miền Nam. Được gọi là sư đoàn “Bình Sơn Trấn Hải” vì có địa bàn hoạt động là Bình Định, Phú Yên, Phú Bổn (nay gọi là Ayunpa, thuộc tỉnh Pleiku), Kontum và Pleiku, Sư Đoàn 22 Bộ Binh có 4 trung đoàn, 3 thiết đoàn, một pháo đoàn, và một tiểu đoàn quân y. Quân số tổng cọng của Sư Đoàn 22 ước lượng trên dưới 20 ngàn người (4). Vào Mùa Hè Đỏ Lửa (từ 30 Tháng 1 năm 1972 đến 31 tháng 1 năm 1973; còn được gọi là Chiến Dịch Xuân-Hè 1972 ở Miền Bắc và Easter Offensive 1972 tại Hoa Kỳ), khoảng 18,000 binh sĩ và sĩ quan, kể cả tư lệnh sư đoàn, đại tá Lê Đức Đạt, và hầu hết các trung đoàn trưởng, đã anh dũng hy sinh khi chiến đấu ngăn chặn trên 120,000 bộ đội chính quy miền Bắc trong đó có Sư Đoàn 3 Sao Vàng đã ồ ạt tràn qua sông Bến Hải và xâm nhập miền Nam dọc theo rặng Trường Sơn (5, 6, 7). Được cấp thời tái bổ sung quân số và đặt dưới quyền lãnh đạo của một sư đoàn trưởng mới, đại tá Phan Đình Niệm, Sư Đoàn 22 Bộ Binh trong vòng 18 tháng tới (2/1973-7/1974) sẽ chứng minh được lòng can đảm và khả năng tác chiến của mình bằng cách chiếm lại được các vùng đất đã mất, đánh tan và ép tàn quân của Sư Đoàn 3 Sao Vàng phải rút về núp ở mật khu An Lão. Vào những tháng cuối cùng của chiến tranh (từ tháng Giêng năm 1975 đến cuối tháng 4 năm 1975), Sư Đoàn 22 Bộ Binh sẽ hy sinh thêm trên dưới 15 ngàn binh sĩ và sĩ quan khi chấp hành lệnh trên rút quân từ Cao Nguyên về đồng bằng sông Cửu Long (8, 9). Trong cuộc rút quân hoành tráng và vô cùng bi đát này, Sư Đoàn 22 Bộ Binh đã phải vừa chiến đấu ngăn chặn quân địch đang tiến công từ bốn phía, vừa bảo vệ trên hàng vạn thường dân và gia đình binh sĩ đã bỏ tất cả ở phía sau để di tản theo các đoàn quân về những vùng đất miền Nam vẫn còn được tự do.
Với những tổn thất vô cùng lớn lao như thế – 33 ngàn binh sĩ và sĩ quan trong vòng ba năm – vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, tại bộ chỉ huy tạm thời của sư đoàn 22 Bộ Binh tại căn cứ Bến Lức, Long An, thiếu úy trẻ Ngô Hào đương nhiên có thể là một trong những sĩ quan cao cấp nhất còn sót lại dưới ngọn cờ “Bình Sơn Trấn Hải”. Là một người đã kinh qua và sống sót được những trận đánh có thể nói là tàn khốc nhất trong lịch sử Việt Nam cận đại, một người vừa được điều về Phòng 1, Nhân Sự, của sư đoàn nhằm góp phần vào việc tái bổ sung khẩn cấp quân số thêm một lần nửa cho sư đoàn, vào ngày định mệnh đó, Thiếu Úy Ngô Hào cùng các chiến hữu đã nghĩ gì, và có âu lo thấp thỏm đợi hay mong chờ một lệnh trên hãy chiến đấu cho đến người lính cuối cùng và viên đạn cuối cùng để bảo vệ miền Nam tự do hay không?
Lệnh trên đó sẽ không bao giờ đến.
Tổng Thống cuối cùng của Việt Nam Cọng Hòa tuyên bố đầu hàng trưa ngày 30 tháng Tư 1975. Miền Nam với 20 triệu dân rơi vào tay những người cọng sản. Vào ngày đó, hay một vài ngày hay vài tuần sau, một nhà văn trẻ sinh ra và lớn lên tại miền Bắc, một trong ba người tuổi mười tám hay đôi mươi độc nhất sống sót từ một đội thanh niên xung phong 40 người đã tình nguyện phục vụ bộ đội chính quy Miền Bắc trong các địa đạo tại mặt trận Bình Trị Thiên, cô Dương Thu Hương, sẽ đến Sài Gòn lần đầu tiên trong đời (10). Có lẽ cô đã có cơ hội đi vào những tiệm sách trong thành phố. Có lẻ cô đã lướt đọc qua tựa đề và tên tác giả những cuốn sách vẫn còn đang được bày bán ở đó. Có lẽ cô đã ngắm nhìn hàng ngàn cuốn sách cũ viết bằng tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh, hay tiếng Trung và nhiều thứ tiếng khác vẫn còn đang được công khai bày bán ngay trên vỉa hè các chợ trời sách của thành phố. Vào một lúc nào đó trong chuyến đi này, cô đã ngồi sụp xuống lề đường một vỉa hè Sài Gòn, và bật khóc, lần thứ nhất trong đời, không phải vì “choáng ngợp vì nhà cao cửa rộng của miền Nam, mà vì tác phẩm của tất cả các nhà văn miền Nam đều được xuất bản trong một chế độ tự do…chế độ của nền văn minh. Và thật chua chát khi nền văn minh đã thua chế độ man rợ. Đó là sự hàm hồ và lầm lẫn của lịch sử. Đó là bài học đắt giá và nhầm lẫn lớn nhất mà dân tộc Việt Nam đã phạm phải” (11). Ba trăm năm sau, e rằng trên mộ bia một nước Việt xưa sẽ không có những dòng chữ nào trầm thống hơn.
Một thời gian ngắn sau khi nhà văn Dương Thu Hương đã hiển ngộ, trong thời khoảng từ 13 đến 16 tháng Sáu, nguyên Thiếu Úy Ngô Hào đã ra trình diện chính quyền địa phương mới ở Long An để đi học tập và lao động cải tạo. Trong 4 tháng lao động cải tạo, ngoài những giờ lao động hầu như không bao giờ ngừng và trong những điều kiện sống rất khó khăn, ông Ngô Hào phải học và viết bài thu hoạch về nội dung 10 bài giảng về những đề mục “Tội ác của Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa”, “Lý thuyết Xã hội Chủ Nghĩa”, và “Chính sách khoan hồng của Đảng Cộng Sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam” (12). Bốn tháng lao động cải tạo này xem ra đã hoàn toàn thất bại. Theo Bản Án, sau khi đã học tập cải tạo bốn tháng, ông Ngô Hào đã tổ chức và lãnh đạo một tổ chức gọi là “Đảng Liên Minh Việt Nam.” Vì việc này, ông Ngô Hào đã bị bắt và giam cầm không có xét xử bảy tháng, từ tháng 3 đến tháng 10 năm 1977 (13).
Ỡ đây, ta cần lưu ý là theo điều 25 của Hiến Pháp năm 1959 của nước Việt Nam Dân Chủ Cọng Hòa, một hiến pháp đang có hiệu lực trên toàn cõi đất nước Việt Nam vào năm 1977, nhà nước không những cho phép ông Ngô Hào lập hội mà còn long trọng “bảo đảm những điều kiện vật chất cần thiết để công dân được hưởng các quyền đó.” Nguyên văn Điều 25 của Hiến Pháp 1959 như sau: “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình. Nhà nước bảo đảm những điều kiện vật chất cần thiết để công dân được hưởng các quyền đó” (14). Trong vụ việc này, điều bất hợp pháp và vi hiến độc nhất là việc nhà nước bắt giam ông Ngô Hào mà không có xét xử trong khi ông đang hành xử các quyền hiến định của ông.
Dù sao đi nữa, nếu hành động là thước đo của trái tim và trí tuệ, điều rõ ràng là ông Ngô Hào đã thừa hùng tâm và dũng khí khi hành động để bảo vệ các lý tuởng tự do không những của Miền Nam mà của cả Miền Bắc. Động lực nào đã thúc đẩy ông Ngô Hào làm như thế? Chỉ có một mình ông biết. Nhưng, có lẽ ông đã chỉ làm những gì ông phải làm để giữ tròn chữ tín với vai trò mà lịch sử và định mệnh nghiệt ngã đã giao phó cho ông, một trong những người sống sót, một trong những người thừa kế hiếm hoi cuối cùng của những ước mơ của một đạo quân 33,000 người đang xếp hàng dài ngun ngút đến tận một chân trời xám kịt nào đó của cõi âm.
Ông Ngô Hào đã làm gì trong 36 năm kế tiếp – từ 1977 đến 2013?
Câu trả lời cho câu hỏi trên không thể tìm thấy trong Bản Án. Về đời tư của ông Ngô Hào, Bản Án chỉ nhắc đến sự kiện ông Ngô Hào có trình độ tú tài, có cấp bậc thiếu úy QLVNCH, có vợ con, và sự có mặt tại toà án của anh Ngô Minh Tâm, sinh năm 1992 và là con trai đầu của ông Ngô Hào. Ngoài ra, Bản Án không cho một chi tiết nào khác về các hoạt động của ông Ngô Hào trong 31 năm kế tiếp, tức là trong thời khoản 1977-2008.
Thật ra, câu trả lời cho câu hỏi trên rất giản đơn. Ông Ngô Hào đã tìm cách thăng hoa định mệnh mình và chọn sống một đời sống bình thường và giản dị. Ông đã lấy một người đàn bà nông dân làm vợ, ông đã có con, và ông dồn tất cả tâm trí và sức lực vào việc mưu cầu hạnh phúc cho gia đình và bản thân. Ông đã làm các việc gọi là “ai thuê cái gì thì làm cái đấy”. Trong một phỏng vấn với VRN (Viet Nam Redemptorist’s News – Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam), bà Nguyễn Thị Kim Lan, vợ ông Ngô Hào, cho biết: “Chồng tôi ở nhà ai thuê cái gì thì làm cái đấy. Từ năm 2007, chồng tôi viết đơn thư cho những người bị mất ruộng đất, những người bị đàn áp về tôn giáo như ông Nguyễn Văn Lía thuộc PGHH, yêu cầu nhà cầm quyền trả tự do cho 14 tù nhân lương tâm PGHH (Phật Giáo Hòa Hảo).” (15) Khi kiểm chứng lại với gia đình và những người quen biết ông Ngô Hào, những việc ông làm trong 31 năm qua được biết là làm ruộng, làm thợ mộc, làm thợ nề, làm thợ khuân vác, thợ sửa chửa xe đạp và xe gắn máy, thợ sửa chửa các đồ tiêu dùng trong nhà như đài, quạt máy, máy may, và cả việc bán nước ven đường.
Từ các thông tin ít ỏi trên, những nét chính cuộc đời ông Ngô Hào sau ngày 30/4/1975 đã hiện rõ. Vì ông là một cựu sĩ quan QLVNCH có thành tích chống đối nhà nước cộng sản đến mức phải bị bắt giam, sẽ không có một cơ quan hay xí nghiệp công hay tư nào dám thuê ông cho dù ông có khả năng. Và do đó, ông Ngô Hào không còn sự lựa chọn nào khác ngoài chấp nhận thân phận của mình và làm bất cứ những việc gì lương thiện và có thể làm được để chăm lo đời sống cho gia đình và bản thân.
Điều đáng khâm phục là ông đã thành công khi làm những chuyện “ai thuê cái gì thì làm cái đấy”. Cùng với vợ, Ông Ngô Hào đã nuôi dưỡng và giáo dục các con trở nên những người tốt và xuất sắc. Hai người con trai của ông bà Ngô Hào là những người học hành có trình độ, có lương tâm và thấm nhuần được những giá trị nhân bản Việt Nam muôn đời: thờ mẹ, kính cha, đạo đức, ngoan đạo, và dạt dào lòng thương người thương nước. Người con trai thứ nhì của ông nay đã bỏ học năm cuối Cấp 3 để đi làm kiếm tiền nuôi và giúp mẹ chữa bịnh ung thư vòm miệng và gởi quà thăm nuôi bố. Anh đã dứt khoát thoát ly gia đình và làm như thế ngay khi ông Ngô Hào bị bắt để tránh cho người anh cả của gia đình phải bỏ học. Người anh cả là một sinh viên xuất sắc tại trường Đại Học Bách Khoa TPHCM. Tuy không phải gián đoạn việc học, anh đã tìm mọi cách tăng gia kèm trẻ sau giờ học để kiếm thêm tiền giúp gia đình. (16)
Bà Nguyễn Thị Kim Lan, vợ ông Ngô Hào, chính là cội nguồn của sự thành công của ông. Bà Lan một người đàn bà nông dân thuần túy, đạo đức, và chất phác. Như tất cả các nông dân Việt Nam khác, bà sống theo đúng đạo lý cổ truyền của người Việt và đồng thời có một khả năng chịu đựng nhọc nhằn và gian khổ phi thường. Ta chỉ cần nhìn qua ba bức hình sau về căn hộ hai phòng tường gạch mái tôn nơi gia đình ông bà Ngô Hào sinh sống trong mấy thập kỷ qua là thấy ngay. Căn phòng trước của căn hộ này, tạm gọi là “phòng khách” dù nó chẳng có bàn ghế gì cho khách ngồi, là nơi để một tủ chè rất cũ, và vài mặt hàng tiêu dùng đã rỉ sét không còn dùng được nữa như hai cái quạt máy và một máy may hiệu Singer đạp bằng chân. Tủ chè còn là bàn thờ. Trên tủ chè/bàn thờ là lư hương, hình Phật trong khung gỗ, và đặc biệt là hoa tươi trong bình và trái cây xanh tốt trên một dĩa bàn có đế. Tuy xơ xác, sàn phòng trước của căn rất sạch. Căn phòng sau là phòng ngũ của cả gia đình. Căn phòng này còn là một kho chứa đồ dùng, thùng mì gói và áo quần đã củ, vv…Khi thăm căn hộ này, anh Võ Văn Bửu, một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, đã phải thốt lên: “(Đây là một cái) nhà mà không phải là cái nhà” (17).
Rồi thời gian trôi qua, rất nhanh, cho một người sinh sống tại một “cái nhà mà không phải là cái nhà” và làm những việc “ai thuê cái gì thì làm cái đấy” để nuôi vợ con. Rồi năm 2007 đến khi nào không ai hay. Vào năm 2007, vợ chồng ông Ngô Hào đã thấy hai cậu con trai lên tuổi thiếu niên: 15 hay 16 tuổi, tức là cái tuổi đã có thể tự lo liệu lấy thân mình.
Vào năm 2007, mạng internet toàn cầu cũng đã đến với 17 triệu người Việt hay gần 20% tổng số dân (18). Trong chừng mực nào đó, với 17 triệu người này, mạng internet mở cửa cho họ bước vào một thế giới ảo hoàn toàn mới, hoàn toàn mở (nếu biết cách), rất toàn cầu, rất tự do và đôi khi, rất nguy hiểm, như sẽ trình bày sau.
Điều rõ ràng sau là cựu thiếu úy QLVNCH Ngô Hào đã lao mình vào hay bị cuốn hút bởi thế giới mới đó. Ta có thể phỏng đoán não trạng của ông Ngô Hào vào thời khoản trên. Đó là não trạng một người từng ngày trong ba mươi mấy năm qua đã dấu kín tận đáy lòng “vết thương chiến bại còn in dấu chàm”, hay của một người khi nhắm mắt cố tìm bình an trong giấc ngủ sẽ thấy “trong mơ vẫn bóng cờ vàng, trong tim ứ nghẹn ba hàng máu khô” như Hà Huyền Chi, một nhà thơ lính đã viết muời năm sau khi ông đã đến được Hoa Kỳ (19).
Trong não trạng đó và qua mạng internet, hình như ông Ngô Hào đã tìm thấy cơ hội tìm hiểu và nhất là chia sẽ cùng người khác các ưu tư đang trĩu nặng trên tâm hồn của ông. Ông đã dùng nhiều nick hay bí danh khác nhau để đọc các báo mạng, tìm nghe các đài radio, theo dõi các video mạng và tham gia vào các cuộc tranh cãi tại các diễn đàn chính trị trên mạng, và bắt liên lạc với những người đồng chí hướng. Ông đã làm một số việc theo sự hướng dẫn của một số người Việt ở nước ngoài. Chính các hoạt động trên và sự hiện diện và theo dõi của công an mạng, của các dư luận viên, và có thể của các tay xách động viên ăn lương nhà nước, đã đưa ông Ngô Hào vào con đường tù tội.
Phần 2 – “Còn Chút Lòng Son Gửi Núi Sông” (2007-2013) (20)
Bản Án cáo buộc ông Ngô Hào tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” chiếu các Điều 79 khoản 1, Điều 46, khoản 1, điểm p, và Điều 92 trong bộ Luật Hình Sự. (21). Nguyên văn các Điều này là:
– Điều 79 – Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, Khoản 1: Công dân Việt Nam nào cấu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình
– Điều 46 – Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, Khoản 1: Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: điểm p: Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải
– Điều 92 – Hình phạt bổ sung – Người phạm tội quy định tại Chương này còn có thể bị tước một số quyền công dân từ một năm đến năm năm, phạt quản chế, cấm cư trú từ một năm đến năm năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Ông Ngô Hào bị phạt 15 năm tù và quản chế 5 năm sau khi thi hành xong hình phạt tù. Toà phúc thẩm vào ngày 23 tháng 12 năm 2013 đã y án toà sơ thẩm: 15 năm tù và 5 năm quản chế.
Khoản 1, Điều 79 của Luật Hình Sự là cơ sở chính và độc nhất nhà nước dùng để kết tội và bỏ tù ông Ngô Hào. Hai Điều 46 và 92 chỉ áp dụng khi nhà nước kết tội được ông Ngô Hào theo Khoản 1, Điều 79, do đó sẽ không cần phải bàn đến.
Theo Bản Án, để chứng minh ông Ngô Hào có tội theo Khoản 1, Điều 79 tức là “hoạt động nhằm lật đồ chính quyền nhân dân”, nhà nước cáo buộc Ông Ngô Hào đã làm hai việc. Một là, hoạt động cấu kết với người nước ngoài” trong đó Khối 8046 và một “chính phủ Việt Nam Cộng Hòa lưu vong”. Hai là “tàng trữ, viết bài, tán phát, và chuyển tiếp nhiều tài liệu có nội dung xuyên tạc chế độ, nói xấu Lãnh tụ.” Chúng ta sẽ bàn đến và đánh giá từng cáo buộc này. Tuy nhiên, có một điều cần lưu ý ngay tại đây là cáo buộc thứ nhì không có quan hệ trực tiếp, hay chỉ có một quan hệ tương đối mơ hồ, đến tội “cấu kết với nước ngoài”, tức là tội độc nhất theo đó ông Ngô Hào đã bị truy tố.
2.1 – Cáo buộc thứ nhất: “hoạt động cấu kết với nước ngoài”
Phần này sẽ xem xét đến các thành tố chính của cáo buộc này. Các thành tố này là:
- Khái niệm “nước ngoài”
- Thực chất của Khối 8046
- Thực chất của các “chính phủ lưu vong”, và
- Một cáo buộc cụ thể, tức là cáo buộc ông Ngô Hào đã đi tìm “40 container” vũ khí.
Từ việc xem xét này, sẽ rút ra một số nhận định, đánh giá, và kết luận về các thành tố trên nói riêng, và toàn bộ cáo buộc thứ nhất nói chung.
2. 1. 1 – Ai là “nước ngoài”?
Ta cần xem xét “nước ngoài” này là gì, và ai là “nước ngoài”. Lý do là ông Ngô Hào bị cáo buộc một cách rất nặng nề là “hoạt động cấu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.” Nếu phạm trù “nước ngoài” không thể áp dụng được trong trường hợp ông Ngô Hào, công tố không tạo nên được vụ án, và thẩm phán phải tức thời bải nại vụ án và trả tự do cho ông Ngô Hào ngay lập tức.
Thông thường, đối với một quốc gia, như Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, một nước ngoài chỉ có thể là một quốc gia hợp pháp và được quốc tế công nhận, như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Đức, vv.. Một nước ngoài chính danh có nhà nước, có quân đội, có hiến pháp, có luật lệ, vv…Ngược lại, một cá nhân, một tổ chức hoạt động tại một nước ngoài không thể xem như là một “nước ngoài” trừ phi cá nhân hay tổ chức đó chính thức đại diện cho nước ngoài đó theo các luật lệ hiện hành của nước đó. Ví dụ, ông Ngoại Trưởng nước Pháp, khi thi hành công vụ cho nước Pháp, là người đại diện cho nước Pháp, và do đó những gì ông nói hay làm thể xem như là của “nhà nước” nước Pháp. Điều này là một điều hiển nhiên.
Như thế thì, các tổ chức như Khối 8046, các thành viên hải ngoại của khối này ở tại Hoa Kỳ, Úc, Pháp, vv…, và các chính phủ lưu vong Việt Nam tại Hoa Kỳ mà nhà nước đã cáo buộc ông Ngô Hào có liên hệ, không thể nào xem được như là một “nước ngoài”, vì rõ ràng là họ không có một tư cách pháp lý nào để làm một đại diện hợp pháp hợp lý ở bất cứ phương diện nào cho nhà nước và nhân dân các nước tại đó họ đang cư trú. Nếu khoản 1, điều 79 của Luật Hình Sự dùng cụm từ “nước ngoài hoặc/và người nước ngoài hoặc và bất cứ cá nhân hay tổ chức nào đang ở nước ngoài”, may ra nhà nước sẽ có cớ để cáo buộc ông Ngô Hào. Nhưng đó là một điều không có. Khoản 1, Điều 79 của Luật Hình Sự viết rành rành trên giấy trắng mực đen cụm từ “cấu kết với nước ngoài” Đo đó, phải kết luận: vì ông Ngô Hào không có “cấu kết với nước ngoài” theo định nghĩa thông thường của cụm từ “nước ngoài”, ông Ngô Hào phải vô tội, vì điều luật duy nhất nhà nước đã dẫn chứng để buộc tội ông Ngô Hào đã không thể nào áp dụng được và trường hợp của ông. Nếu công bằng, ngay tại điểm này, nhà nước phải bãi nại và tức khắc trả tự do cho ông Ngô Hào vì nhà nước không còn có cơ sở pháp lý để truy tố ông.
2.1.2 – Các tổ chức ông Ngô Hào đã có quan hệ
Yếu tố thứ hai cần xem xét là thực chất các tổ chức mà nhà nước đã vô tội vạ cưỡng từ đoạt lý đánh đồng với “các nước ngoài”. Nếu cứ hàm hồ cho là như thế đi, nếu cứ giả vờ xem các tổ chức đó là “nước ngoài”, điều cần và nên hỏi tiếp là, các tổ chức đó là gì? Chúng có khả năng “gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam…” hay không? Hay nói gọn, chúng có bất cứ khả năng nào để “lật đổ” nhà nước Việt Nam bằng cách này hay cách khác, hay không?
Có hai tổ chức nhà nước chỉa mũi dùi vào và nêu đích danh. Đó là Khối 8046 và một “Chính phủ Lưu Vong Việt Nam”.
2. 1.2.1 – Khối 8406
Khối 8406, một trong những tổ chức xã hội dân sự đầu tiên tại Việt Nam, là một tổ chức hoàn toàn hợp hiến và hợp pháp về các mặt mục tiêu và phương pháp hành động. Thành lập tại Việt Nam vào ngày 8 tháng 4 năm 2006 (do đó có tên là khối 8406) bởi 118 người làm việc trong 18 ngành nghề khác nhau và cư ngụ tại 14 thành phố lớn trong nước – chủ yếu là Huế-Thừa Thiên với 43 người. Vào thời điểm này, Khối 8406 có nhiều thành viên ở nước ngoài, ví dụ như ông Nguyễn Chính Kết đã bị nhà nước trục xuất sang Hoa Kỳ mấy năm trước đây và nay có lẽ đã là một người Hoa Kỳ gốc Việt, và ông Nguyễn Quang Duy, cũng là một người Úc gốc Việt. Hai nhân vật này, và cả Khối 8406, đương nhiên không thể là những “nước ngoài” như được quy định trong Khoản 1, Điều 79 của Luật Hình Sự, như đã phân tích vào đoạn trước.
Trở lại về Khối 8406, khối này chỉ có một mục tiêu độc nhất. Đó là mang lại cho người Việt các quyền cơ bản của con người trong đó có:
– Quyền Tự do Thông tin Ngôn luận theo Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị của Liên Hiệp Quốc được biểu quyết ngày 16.12.1966, Việt Nam xin tham gia ngày 24-9-1982, điều 19,2: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận, quyền nầy bao gồm cả quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến, không phân biệt ranh giới, hình thức truyền miệng, bằng bản viết, bản in, hoặc bằng hình thức nghệ thuật hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng khác tuỳ theo sự lựa chọn của mình” . Nghĩa là các đảng phái, tổ chức, cá nhân có quyền thông tin ngôn luận qua báo chí, phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông đại chúng khác mà không cần đợi phép của nhà cầm quyền.
– Quyền Tự do hội họp, lập hội, lập đảng, bầu cử và ứng cử theo Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, điều 25 : “Mọi Công dân… đều có quyền và cơ hội để (a) tham gia vào việc điều hành các công việc xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua những đại diện được họ tự do lựa chọn”; (b) bầu cử và ứng cử trong các cuộc bầu cử định kỳ chân thực, bằng phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín nhằm đảm bảo cho cử tri tự do bày tỏ ý nguyện của mình” . Nghĩa là các đảng phái thuộc mọi khuynh hướng cùng nhau cạnh tranh lành mạnh trong một nền dân chủ đa nguyên, đa đảng chân chính.
– Quyền Tự do hoạt động Công đoàn độc lập và Quyền Đình công chính đáng theo Công ước Quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, được Liên Hiệp Quốc biểu quyết ngày 16-12-1966, Việt Nam xin tham gia ngày 24-9-1982, điều 7 và 8 : “Các Quốc gia thành viên của Công ước công nhận quyền của mọi người được hưởng những điều kiện làm việc công bằng và thuận lợi…, quyền của mọi người được thành lập và gia nhập Công đoàn mà mình lựa chọn, chỉ phải tuân theo quy chế của Tổ chức đó để thúc đẩy và bảo vệ các lợi ích kinh tế và xã hội của mình… (với) quyền đình công…” . Các công đoàn này phải là những tổ chức duy nhất hoạt động độc lập, không có những loại Công đoàn tay sai của nhà cầm quyền.
– Quyền Tự do Tôn giáo theo Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, điều 18: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo. Quyền tự do này bao gồm tự do có hoặc theo một Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng do mình lựa chọn, tự do bày tỏ Tín ngưỡng hoặc Tôn giáo một mình hoặc trong tập thể với nhiều người khác, một cách công khai hoặc thầm kín dưới hình thức thờ cúng, cầu nguyện, thực hành và truyền đạo. Các Tôn giáo này phải hoạt động độc lập, chứ không thể bị biến thành công cụ cho nhà cầm quyền”.
Để tranh đấu cho các quyền trên, phương pháp mà Khối 8406 chọn là hoà bình và bất bạo động. Văn kiện cơ bản của Khối 8046 khẳng định:
“Phương pháp của cuộc đấu tranh này là hòa bình, bất bạo động. Và chính Dân tộc Việt Nam chủ động thực hiện cuộc đấu tranh này. Tuy nhiên, chúng ta rất cảm ơn sự ủng hộ nhiệt tình và ngày càng hiệu quả của tất cả những bạn bè trên thế giới. Thông qua những phương tiện thông tin hiện đại và qua sự giao lưu quốc tế ngày càng rộng mở, chúng ta sẽ tìm mọi cách giúp Đồng bào kiện toàn nhận thức. Và một khi Nhân dân đã có nhận thức đúng và rõ thì nhất định sẽ biết hành động thích hợp và hiệu quả” (22).
Có hai điều cần nói rõ ngay ở đây. Một là, vì là một tổ chức chỉ muốn đấu tranh hòa bình bất bạo động, Khối 8046 đương nhiên không có một khả năng nào để “lật đổ” nhà nước Việt Nam. Hai là, các quyền con người cơ bản mà Khối 8406 tranh đấu cho không những đã được quốc tế công pháp bảo vệ, mà đã còn được ghi rõ trong các hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992, và 2013 của nhà nước Việt nam. Cho dù nhà nước đã giới hạn và bóp nghẹt các quyền đó, từ điều 4 của Hiến Pháp 1946, theo đó “Công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài” một cách vô điều kiện (23), qua Điều 25 của Hiến Pháp 1959 theo đó: “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình. Nhà nước bảo đảm những điều kiện vật chất cần thiết để công dân được hưởng các quyền đó” (24), và cuối cùng qua điều cho đến điều 25 của Hiến Pháp 2013 theo đó “pháp luật sẽ quy định” việc thực hiện các “quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình” của người dân (25). Việc “pháp luật sẽ quy định việc thực hiện” các quyền con người cơ bản trên như thế nào, ngày nay ai cũng đã rỏ: chỉ riêng cho 68 người người sáng lập Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam, đã có tổng cọng trên 324 năm tù giam, 9 năm tù treo, và 93.5 năm quản chế. (26). Chỉ sáu mươi tám người! Nhưng trên ba thế kỷ tù giam! Gần một thế kỷ quản chế! Dù chỉ là một ngày, hay một giờ, cũng đã gây quá nhiều ô nhục cho nước Việt trong cộng đồng các nước văn minh!
Nói tóm lại, nhà nước không thể dùng việc ông Ngô Hào có quan hệ với Khối 8406 – và các thành viên của khối này, như ông Nguyễn Chính Kết – vì Khối 8046 là một tổ chức:
- không thể nào là “một nước ngoài”
- hợp hiến hợp pháp
- Chỉ tranh đấu cho lý tưởng của mình một cách hòa bình và bất bạo động
- chỉ tranh đấu cho những quyền làm người cơ bản nhất đã được quy định trong các hiến pháp của Việt Nam từ 1946 đến 2013 và nhiều quy uớc quốc tế khác mà Việt Nam đã phê chuẩn
- Không có một khả năng nào để có thể “lật đổ” nhà nước Việt Nam
Do đó, nhà nước không thể xem các quan hệ giửa ông Ngô Hào và Khối 8406 như là một cơ sở để cáo buộc ông “cấu kết với nước ngoài” nhằm “lật đổ” nhà nước Việt Nam.
2.1.2.2 – Các chính phủ lưu vong
Thứ đến, hãy bàn đến những chính phủ lưu vong. Về việc ông Ngô Hào đã bắt liên lạc và hoạt động cho một tổ chức gọi là “Chính Phủ Lưu Vong Việt Nam” có ba điều cần phải bàn đến: các tổ chức này là gì, thái độ của của nhà nước đối với những tổ chức này ra sao, và sau cùng là sự khả tín của những lời cáo buộc của nhà nước đối với ông Ngô Hào.
Người Việt ở nước ngoài, hay nói rỏ hơn tại Hoa Kỳ, đã lập ra bốn chính phủ lưu vong:
– “Chánh Phủ Quốc Gia Việt Nam Lâm Thời (CPQGVNLT) do Phong Trào Việt Nam Tân Dân Chủ (PTVNTDC) vận động thành lập vào năm 1990. Chánh phủ này có ông Đào Minh Quân làm “thủ tướng” và hiện vẫn còn hoạt động. Vào tháng mười năm 2013, chánh phủ này công bố một chương trình “cấp thẻ căn cước tín dụng cho toàn dân Việt Nam”. Để khuyến mại, họ sẽ cho không $USD 500 cho 500 người Việt đầu tiên xin thẻ và “tham gia đạp mặt tên Việt gian Hồ Chí Minh”. CPQGVNLT không phải là một ngân hàng hay một thương nghiệp lớn – hai định chế có khả năng phát hành thẻ tín dụng duới những điều kiện rất khắt khe của bộ máy quản lý ngân hàng và tiền tệ của nhà nước Hoa Kỳ – lại không phải là một cơ quan thẩm quyền có thể cấp phát và quản lý thẻ căn cước, thế nhưng CPQGVNLT vẫn khơi khơi đề nghị cho không biếu không cho mổi người Việt Nam trong số 90 triệu dân một thẻ tín dụng có thể xài được như một thẻ căn cước. Đây chính là một điều hết sức khó hiểu. (27).
– Một “Chính Phủ Cách Mạng Việt Nam Tự Do” (CPCMVNTD) do ông Nguyễn Hửu Chánh thành lập vào năm 1995. Tổ chức này bắt đầu tan rã vì đấu đá nội bộ kịch liệt trong thời khoản 1998-2002 và hình như đã ngưng hoạt động. (28).
– Một “Chánh phủ VNCH” do các ông Nguyễn Bá Cẩn, cựu thủ tướng VNCH, Nguyễn Văn Chức, cựu thiếu tướng và cựu thượng nghị sĩ VNCH, Lý Tòng Bá, cựu thiếu tướng, và Ông Hồ Văn Sinh, chủ tịch VNCH Foundation, vận động thành lập vào năm 2008. Đây là tổ chức nhà nước cáo buộc ông Ngô Hào đã có quan hệ. Tổ chức này hình như cũng đang trong quá trình tàn lụi sau khi ông Nguyễn Bá Cẩn qua đời vào năm 2009. (29)
– Một “Ủy Ban Lãnh Đạo Lâm Thời VNCH” được một nhóm khoảng 300 người bầu lên tại một “Hội Nghị Diên Hồng Việt Nam Hải Ngoại” vào năm 2012. Tổ chức này hiện vẫn hoạt động và hình như thoát thai từ hay có quan hệ với một số nhân vật của “Chính Phủ VNCH” và VNCH Foundation như con gái ông Nguyễn Bá Cẩn và ông Hồ Văn Sinh (30) . Ủy Ban không tự xem mình là một chính phủ lâm thời lưu vong nhưng đồng hành với VNCH Foundation khi cùng tổ chức này vận động đòi hỏi Liên Hiệp Quốc và nhất là các nước đã ký kết bảo lãnh hiệp định Paris năm 1973 phải nghiêm chỉnh thực thi Hiệp Định Paris 1973. Họ đòi hỏi như thế bởi vì, theo lời LS Lâm Chấn Thọ, một thành viên của ủy ban, “trên mặt pháp lý Việt Nam Cộng Hoà vẫn còn tồn tại.” (31) Các tranh cãi về tính khả thi của giải pháp VNCH do Ủy Ban này đề xuất vẫn còn nóng hổi và có lẽ chỉ có thời gian mới trả lời được. (32, 33, 34)
Về những nhà nước lưu vong trên, có ba điều không thể chối cải được. Một là họ không phải là những nhà nước như quy định trong Khoản 1 Điều 79 của Luật Hình Sự, như đã được chứng minh trong phần 2.1.1, Ai là “nước ngoài”. Hai là, họ là những tổ chức được lãnh đạo bởi các cụ già trên 70, 80 tuổi. Ba là số người theo họ và tích cực hoạt động không nhiều, chỉ vài chục hay may đâu vài trăm là người, với đa số cũng là những nguời thuộc diện “cao niên”. Và vì thế, họ không thể nào là một đối thủ có khả năng “lật đổ” nhà nước cọng sản Việt Nam ở bất cứ tầm mức nào.
Thế còn thái độ của nhà nước Việt Nam đối với các tổ chức chính phủ lưu vong kể trên? Thái độ đó chỉ có thể đánh giá là khôi hài và đáng thương hại. Một đảng với trên ba triệu đảng viên no cơm ấm cật và một nhà nước toàn trị gia nô cho đảng từng tự hào đã đánh thắng những “đế quốc đầu sỏ nhất của nhân loại” tại sao lại có thể trầm trọng đưa hết nghị quyết này đến nghị định nọ, bỏ ra hàng trăm triệu đô la, tung hàng trăm hay hàng ngàn nhân viên ưu tú nhất ra nước ngoài hoạt động, chỉ để triệt hạ vài tổ chức chống đối với vài chục thành viên hoạt động nồng cốt do năm sáu cụ già trên 70, 80 tuổi lãnh đạo? Nghĩ cho cùng, chỉ có một giải thích đứng đắn cho thái độ này. Những bạo chúa khát máu nhất, những kẻ áp bức tàn ác nhất, những kẻ bán nước đê tiện nhất, rốt ráo và thật ra cũng chỉ là những kẻ sống trong những sợ hãi cùng cực nhất đằng sau những lớp vỏ bọc oai hùng nhất. Chúng sợ đến bóng của chính mình. Vì chúng biết quá rõ người dân tay trần sẽ làm gì với chúng một ngày sẽ đến khi quyền lực vuột khỏi tay chúng.
Và vì thế, việc nhà nước buộc tội ông Ngô Hào âm mưu hoạt động “lật đổ chính quyền nhân dân” – vì ông đã có thể có một số quan hệ với một trong những chính phủ lưu vong – như đã kể trên chỉ có thể xem là một điều hoang tưởng.
Một người tóc đã bạc trắng ở trong nước và một nhúm vài cụ già trên 70, 80 tuổi đã hưu trí trong đó thế nào cũng có kẻ chống gậy người ngồi xe lăn, chính những người này sẽ hùng dũng bay vèo sang Thái Lan lập chiến khu rồi từ đó tiến hành một chiến dịch quân sự thần tốc có khả năng lật đổ nhà nước cọng sản Việt Nam?
Chính các cụ này sẽ làm được điều mà cả nước Hoa Kỳ đã không làm được dù đã bỏ ra 111 tỷ đô la theo thời giá các năm 1968-1975, hay 798 tỷ đô la thời giá năm 2011 (35), đã tung ra 8.477.000 binh sĩ vào các chiến trường Miền Nam Việt Nam, và đã tổn thất 58.220 người chết trong thời khoản 1964-1975? (36).
Xem ra, sự hoang tưởng, nếu có, nằm trong đầu nhà nước Việt Nam chứ không ở nơi nào khác, và ở một tầm mức “đỉnh cao trí tuệ” phi thường đến nổi con giun con dế đang bò sát trên dưới lòng đất nếu nghe đến được cũng phải phì cười! Nói như người Mỹ, nếu có ai tin lời nhà nước Việt Nam khi họ lên án ông Ngô Hào “cấu kết với một chính phủ lưu vong để âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”, người viết này có một cây cầu…!
Nói tóm lại, nhà nước không thể dùng việc ông Ngô Hào có quan hệ với một “chính phủ lưu vong” để buộc tội ông Ngô Hào âm mưu hoạt động “lật đổ chính quyền nhân dân” vì lý do giản dị là “chính phủ lưu vong” đó, hay bất cứ “chính phủ lưu vong nào khác, hoàn toàn không có thực lực để làm bất cứ hành vi “lật đổ” nào.
2.1.2.3 – Về cáo buộc ông Ngô Hào đi tìm 40 container chứa vũ khí
Về tính khả tín của các cáo buộc khác nhà nước gán cho ông Ngô Hào, ta chỉ cần xem xét một cáo buộc lớn trong bản cáo trạng dành cho ông Ngô Hào để biết tính thực hư của chúng như thế nào. Đó là cáo buộc liên hệ đến đến việc ông Ngô Hào theo chỉ đạo của chính phủ VNCH lưu vong do ông Nguyễn Văn Chức làn thủ tướng đã âm mưu đi tìm một kho vũ khí dấu trong “40 container” bởi cựu tỉnh trưởng cuối cùng của Gò Công, đại tá Nguyễn Văn Thỉnh.
Kể từ giửa năm 1973, sau Hiệp Định Paris, Hoa Kỳ đã nhanh chóng giảm quân viện cho VNCH, và những người lính VNCH đã phải chiến đấu trong tình trạng thiếu súng ống và đạn dược kinh niên và trầm trọng. Như thế, làm thế nào có thể có 40 thùng “container” súng đạn mà không được xài đến? Và cho dù có 40 thùng “Container” đầy súng đạn này, vẫn còn nhiều vướng mắc trong câu chuyện 40 thùng “container” này.
Một thùng “container” theo tiêu chuẩn quốc tế (International Standard Organization, viết tắt là ISO) được quân đội Hoa Kỳ xử dụng và thường được gọi là thùng CONEX trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam làm bằng thép và có kích thước trung bình là 20 ft x 8 feet x 8 feet (6 mét x 2.4 mét x 2.4 mét), cân nặng 6.740 pao (lbs, hay là 3.057kg), và chứa được 46.170 pao (lbs, hay 20.943 kg) (37). Khi chứa đầy vũ khí, nếu muốn di chuyển 40 thùng CONEX như thế, phải dùng vài chục xe câu xe trục chuyên di chuyển container, và nếu muốn chôn kín hết dưới lòng đất cũng phải mất ít ra vài tuần đào xới và vùi lấp với khá nhiều máy cày máy ủi. Cựu đại tá Nguyễn Văn Thỉnh làm thế nào có lính, thiết bị và thời gian cần thiết để chôn dấu chúng chỉ vài ngày trước ngày 30 tháng 4 năm 1975? Lại nữa, 40 thùng CONEX đó, nếu chồng chất lồ lộ trên mặt bằng, sẽ vun lên thành một ngọn đồi hay một núi nhỏ. Ở đồng bằng Nam Bộ tưong đối phẳng, làm thế nào mà không có ai phát hiện chúng trong vòng 39 năm qua?
Cho dù ông Ngô Hào thật sự có phiêu lưu đến mức lúi húi chui vô rừng đi tìm bốn mươi thùng CONEX đó, việc làm này chỉ có thể xem như là một việc làm hoang tưởng của một người có thể có tâm bệnh và do đó đáng thương hơn là đáng lên án. Trong một xã hội văn minh, một người làm những chuyện hoang tưởng không gây phương hại đến người khác sẽ được trợ giúp chữa tâm bệnh, chứ không không thể nào bị bắt hay bị kết án, và kết án đến 15 năm tù. Nhưng mà, có ai nói xã hội Việt Nam ngày nay duới gót giày ĐCSVN là một xã hội văn minh?
Từ các phân tích trên, ta có thể kết luận: cáo buộc thứ nhất, “hoạt động cấu kết với nước ngoài” nhằm “lật đổ” nhà nước Việt Nam là hoàn toàn vô căn cứ dựa trên các lý do được tóm lược sau:
- Khối 8406 không là một “nước ngoài” mà chỉ là một tổ chức xã hội dân sự có thành viên ở trong và ngoài nước. Khối này tranh đấu hoà bình và bất bạo động cho các quyền làm người trong chừng mực nào đó đã được quy định trong hiến pháp. Khối này không có bất cứ khả năng nào để “lật đổ” nhà nước Việt Nam.
- Tương tự, các chính phủ lưu vong, ngoài việc không phải là một “nước ngoài”, và vì có thực chất là những nhúm vài chục cụ già trên 70, 80 tuổi, nên cũng không thể nào có khả năng “lật đổ” nhà nước Việt Nam.
- Về một cáo buộc phụ thuộc lớn khác, tức là cáo buộc ông Ngô Hào đi tìm “40 container” vũ khí, khi xem xét sơ sài, xem ra cũng chỉ là hoang tưởng về phía nhà nước.
2. 2. Cáo buộc thứ nhì: ông Ngô Hào “tàng trữ, viết bài, tán phát, và chuyển tiếp nhiều tài liệu có nội dung xuyên tạc chế độ, nói xấu Lãnh tụ, vv…”
Bây giờ hãy bàn đến cáo buộc thứ nhì, tức là cáo buộc ông Ngô Hào “tàng trữ, viết bài, tán phát, và chuyển tiếp nhiều tài liệu có nội dung xuyên tạc chế độ, nói xấu Lãnh tụ.” Cáo buộc này có hai thành tố:
- Thành tố thứ nhất là sản xuất nội dung xấu, tức là viết bài hay dùng bài viết của người khác có nội dung là “xuyên tạc chế độ, nói xấu Lãnh tụ, vv…”.
- Thành tố thứ nhì là thi hành các dịch vụ “tàng trử, phát tán, và “chuyển tiếp” các nội dung xấu đả sản xuất ra trong vế thứ nhất.
Để chứng minh ông Ngô Hào sai phạm cáo buộc thứ nhì này, nhà nước phải chứng minh cả hai thành tố này có thực, và chúng phải song hành nương tựa lẩn nhau để tạo dựng nên cáo buộc thứ hai này. Nếu một hay cả hai hai thành tố không đứng vững, hay không thể bênh vực là có thể cấu thành được, cáo buộc này cũng sẽ không thể cấu thành được, và do đó phải kết luận ông Ngô Hào đã không thể sai phạm cáo buộc thứ hai này.
Hãy cùng xem xét thành tố thứ nhì trước.
2.2.1 Ông Ngô Hào có thi hành các dịch vụ “tàng trử, phát tán, và “chuyển tiếp” hay không?
Nhà nước chỉ có thể cáo buộc ông Ngô Hào làm các việc “tàng trử”, “tán phát”, và “chuyển tiếp” nếu nhà nước chứng minh được một cách không thể chối cãi, hay phản biện, hay nghi ngờ hợp lý được, việc ông Ngô Hào đã đích thân nhúng tay vào làm các việc đó. Đối với các bài viết trên mạng, về mặt kỹ thuật, ông Ngô Hào không thể nào làm các việc đó, vì lý do sau.
Một diễn đàn mạng thông thường có một cơ sở dữ liệu (database) và được quản lý bởi một hệ thống cơ sở dữ liệu (Database Management System, DBMS). Hệ thống cơ sở dữ liệu này và các chương trình phụ thuộc làm tất cả nghiệp vụ “tàng trữ”, “phát tán”, và chuyển tiếp” mà không cần có bàn tay ông Ngô Hào hay bất cứ ai khác dính vào. Cụ thể, khi một thành viên của một diễn đàn mạng, như ông Ngô Hào, phát biểu ý kiến trong một bài viết hay chuyển tiếp một bài viết của một người khác, thực sự là họ chỉ viết vào một bản ghi dữ liệu tạm (temporary data record), và khi họ bấm nút “giữ” (save) hay “gởi” (send), hệ thống cơ sở dữ liệu sẽ lập tức làm biến bản ghi dữ liệu tạm thành một bản ghi dữ liệu vĩnh viễn (permanent data record) bằng cách thay đổi một vài thuộc tính của bản ghi dữ liệu. Các thay đổi thuộc tính này nhằm đánh dấu cho hệ thống cơ sở dữ liệu biết là về từ rày về sau không ai được xóa bỏ bản ghi dữ liệu nếu không có quyền. Nói khác đi, khi ông Ngô Hào bấm các nút “gởi” hay “giữ”, ông cũng chẳng “gởi” hay “giữ” theo nghĩa thông thường của các động tác đó. Bài viết mạng của ông vẫn còn đó, chỉ có một số thuộc tính điện tử của bài viết đã bị thay đổi thôi. Sau khi biến bản ghi dữ liệu tạm thành một bản ghi dữ liệu vĩnh viễn, hệ thống cơ sở dữ liệu sẽ hiển thị bài viết đó tại màng hình của bất cứ thành viên nào nếu ba điều kiện sau được hội đủ. Ba điều kiện đó là: a) thành viên phải kết nối vào điển đàn b) thành viên phải đang truy cập một trong các trang mạng dành cho đề mục của bài viết, và c) thành viên phải nhấn nút chuột hay bấm màng hình tiếp xúc để yêu cầu hiển thị bản ghi dữ liệu trong đó có bài viết mạng hay bài viết chuyển tiếp do ông Ngô Hào làm ra. Qua phân tích kỹ thuật trên, ta thấy: hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu làm nghiệp vụ “tàng trữ”, trong khi và người tìm đọc các bài viết mạng của ông Ngô Hào với sự trợ giúp của hệ thống cơ sở dữ liệu làm các nghiệp vụ “phát tán” và “chuyển tiếp.” Và vì thế, việc nhà nước quy chụp ông Ngô Hào về các tội “tàng trử”, “tán phát”, và “chuyển tiếp” là một việc làm không có cơ sỡ khi nhìn từ khoa học kỹ thuật thông tin.
Vì lý do kỹ thuật trên, vào thế kỷ 21, và thời đại a còng @, một người ở bất cứ nơi nào trên địa cầu này, khi phát biểu ý kiến mình bằng chữ viết trên mạng, có thể được cả chục triệu người đọc ngay tức khắc mà không cần phải làm gì bất cứ gì để “tàng trữ”, “phát tán”, và chuyển tiếp”. Họ chỉ cần mở một trương mục Tweeter.
Hãy lấy một ví dụ để minh chứng điều này. Ca sĩ nổi tiếng Kate Perry (bài hát tiêu biểu: Roar, với trên 407 triệu người xem) là một người có đến 51.3 triệu người đang theo dõi trương mục tweeter của cô, (@kateperry https://tweetter/
Nhà nước có thể chỉ vào các thẻ nhớ, các ổ cứng trong đó ông Ngô Hào đã có thể chứa những bài viết ông đã thảo ra hay tải xuống từ mạng và cáo buộc ông Ngô Hào tội “tàng trữ.” Nhưng mà, tàng trữ mà không đồng hành với “phát tán” và “chuyển tiếp” chỉ có nghĩa là các thẻ nhớ và ổ cứng kia chẳng qua chỉ là dụng cụ giúp ông Ngô Hào mở hay nới rộng trí nhớ tự nhiên của ông mà thôi.
Đo đó, ta phải xem việc nhà nước cáo buộc ông Ngô Hào sai phạm các tội “tàng trữ”, “tán phát” và “chuyển tiếp” là hoàn toàn không có cơ sở về mặt kỷ thuật. Bây giờ, hãy cùng xem xét tiếp thành tố “nội dung xấu”.
2.2.2 Ông Ngô Hào có sản xuất nội dung xấu hay không?
Chúng ta đã chứng minh về mặt khoa học công nghệ thông tin ông Ngô Hào không có “tàng trữ”, “tán phát” và “chuyển tiếp”. Giả dụ như nhà nước vẫn kiên định cho rằng là ông Ngô Hào có làm ba chuyện đó, có một điều nhà nước phải cần lưu ý tiếp theo. Đó là, nội dung các tài liệu được “tàng trữ”, “tán phát” và “chuyển tiếp” phải được đánh giá một cách khách quan và công bằng là sai phạm theo các quy định của pháp luật. Nếu nội dung các tài liệu này không được đánh giá như thế, cáo buộc nhứ nhì, tức là cáo buộc ông Ngô Hào “tàng trữ, viết bài, tán phát, và chuyển tiếp nhiều tài liệu có nội dung xuyên tạc chế độ, nói xấu Lãnh tụ, vv…” sẽ không thể nào đứng vững được. Nhìn một cách khác, không ai có thể bị truy tố nếu họ “tàng trữ”, “tán phát” và “chuyển tiếp” những bài viết của các quan chức cao cấp của đảng và nhà nước, các văn bản như hiến pháp hay luật lệ, hay các chuyện cười, các bài viết vô thưởng vô phạt về đời sống vv…
Ngoài ra, còn có một điểm nữa cần lưu ý. Trong cụm từ “nội dung xấu” có hai phạm trù: “nội dung”, và “xấu”. Đo đó, chúng ta sẽ phải bàn về phạm trù “nội dung” trước, rồi xem xét nhà nước định nghĩa thế nào là một nội dung “xấu” và sau đó là đánh giá các nội dung ông Ngô Hào có thể đã sản xuất có thể xem như là “xấu” hay không. Cho dù nếu ông Ngô Hào có sản xuất “nội dung” nhưng nếu không chứng minh được “nội dung” đó “xấu”, cáo buộc thứ nhì không thể đứng vững được, và phải kết luận ông Ngô Hào không có sai phạm theo cáo buộc thứ hai này.
Bây giờ hãy cùng đi vào các sự kiện.
2.2.2.1 Ông Ngô Hào có “sản xuất nội dung” hay không?
Ông Ngô Hào đã có tham khảo và tham gia một số diển đàng mạng, chủ yếu là Diển Đàn Chính Trị (VN-Politics). Đây là một nhóm thảo luận chính trị bằng tiếng Việt được thiết kế trong hệ sinh thái mạng của công ty Yahoo. Nhóm này có khoảng 16.000 thành viên tính đến tháng Ba năm 2014. Trong số 16.000 người này, không ít là công an hay tình báo mạng của nhà nước. Chính những người này đã điềm chỉ ông Ngô Hào cho công an mạng và giúp nhà nước thu thập tài liệu để truy tố ông. Theo bản cáo trạng, ta có thể ước đoán hầu hết những gì ông Ngô Hào viết ra và gửi lên diển đàn mạng đã được công an tải xuống toàn bộ hay lấy được khi tịch thu các máy tính cầm tay và các thẻ nhớ của ông.
Khi truy cập và phân tích nội dung và thể loại các bài viết ông Ngô Hào gửi lên diển đàn mạng kể trên ta sẽ thấy những tỷ lệ như sau: (38)
- Khoảng 60% những bài viết trên mạng của ông Ngô Hào là để chuyển bài viết của người khác kèm theo một vài ý kiến hay lời bàn ngắn của ông.
- Khoảng 30% những bài viết của ông là để chuyển bài viết của người khác mà không có ý kiến gì cả. Các bài viết của những người khác này thường chứa những ý kiến, những kết nối về đến một video hay một đài phát thanh mạng. Ví dụ, vào ngày 18 Tháng 12 năm 2011, ông chuyển đơn của bà Trần Thị Bạ̣c Lớn kêu cứu cho chồng là ông Nguyễn Văn Lía, một nhà Lãnh đạ̣o PGHH truyền thống.
- Khoảng 10% còn lại là những bài viết của ông là những tham luận vê một đề mục nào đó mà ông ưa thích. Các tham luận này thường ngắn và có văn phong rất hồ hởi.
Các tỷ lệ trên cho thấy ông Ngô Hào chủ yếu là một người đọc và chuyển các bài viết của những người khác hơn là người viết bài. Trong một xã hội loài người văn minh, đọc một bài viết của người khác thông thường không phải là một tội phạm được quy định trong các luật hình sự, cho dù nội dung của các bài viết đó là gì đi nữa. Trong bản cáo trạng ông Ngô Hào không thấy ghi tội danh “đọc” này. May thay! Tuy thế, vì ông Ngô Hào đã có sản xuất nội dung, điều cần xác định là các nội dung đó có “xấu” hay không.
2.2.2.2 Các nội dung Ông Ngô Hào sản xuất có “xấu” hay không?
“Xấu” là một chữ rất mơ hồ. Lắm lúc, “Xấu” có nghĩa là tốt, như khi một người mẹ nũng nịu mắng yêu em bé “Em xấu quá!” Trong bối cảnh pháp lý của vụ án ông Ngô Hào, tức là về mặt pháp luật, chử “xấu” trên trong cụm từ “nội dung xấu” đồng nghĩa với một nội dung sai phạm dựa theo đó nhà nước có thể cáo buộc và truy tố kẽ nào sản xuất nội dung đó.
Thế thì, nơi đầu tiên và cuối cùng phải nhìn để tìm định nghĩa của một nội dung “xấu” hay sai phạm phải là Khoản 1, Điều 79 của bộ Luật Hình Sự, điều luật duy nhất đã được dùng để truy tố ông Ngô Hào. Khoãn này và điều này, như đã trích dẫn nguyên văn tại đầu Phần 2 của bài viết này, lại không hề nói đến bất cứ gì về nội dung những phát ngôn của người bị kết án, hay có dù là một chữ để quy định thế nào là một nội dung sai phạm. Nếu luật pháp đã không quy định thì không ai có quyền truy tố. Đây là một nguyên lý sơ đẳng về pháp luật tố tụng. Từ nhận xét này, đã có thể tạm kết luận là thành tố thứ hai của cáo buộc thứ hai không đứng vững được, và đo đó toàn bộ cáo buộc thứ hai cũng không thể cấu thành.
Nhà nước có thể phản biện ngay là không có bộ luật nào có thể tiên liệu hết được những sai phạm chiếu theo các quy định của luật pháp, và do đó quan tòa phải xét xử dựa trên các tiền lệ, mà tiền lệ thì ĐCSVN và nhà nước đã có rất nhiều. Đã có hàng trăm hàng ngàn người bị truy tố và giam cầm vì đã sản xuất những nội dung nhà nước gọi là “xấu” và chiếu Điều 79 của bộ Luật Hình Sự.
Phản biện này không sai, nhưng bất cập.
Lý do là, trong một xã hội văn minh, quyền của nhà nước khi quy định tính “xấu” hay “tốt” của nội dung của một phát ngôn của một người dân rất hạn chế. Các quyền tự do suy nghĩ, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do hội họp, các quyền làm người của từng người dân là những quyền tối cao tự nhiên mà mổi con người khi sinh ra đã tự có và không ai dù là một nhà nước, một hiến pháp, hay một bộ luật nào, có thể ngang nhiên hạn chế hay tước đoạt qua một quy trình hai bước: bước một đánh giá việc hành xử những quyền đó là “xấu”, và bước hai là dựa theo đánh giá đó để truy tố và trừng phạt.
Đây không phải là một điều nói suông hay nói cho cố, nói lấy được.
Hãy lấy trường hợp Hiến Pháp Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, được ban hành vào năm 1789, non 13 năm sau ngày lập quốc vào năm 1776. Hiến Pháp này đã cần có một Điều Bổ Sung Sửa Chửa Thứ 1 chỉ hai năm sau khi đuợc ban hành. Điều Bổ Sung Sửa Chửa Thứ 1 này nhằm tăng cuờng khả năng bảo vệ các quyền bẩm sinh của con người bằng cách cấm quốc hội làm luật hạn chế các quyền này của nguời dân.
Điều Bổ Sung Sửa Chửa Thứ 1 này viết:
“Điều bổ sung sửa đổi thứ 1 -Tự Do Tín Ngưỡng, Tự Do Ngôn Luận Và Báo Chí; Quyền Hội Họp Và Kiến Nghị
Quốc hội sẽ không ban hành một đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, báo chí và quyền của dân chúng được hội họp và kiến nghị Chính phủ sửa chữa những điều gây bất bình.” (39)
Vì thế, những nội dung ông Ngô Hào đã viết ra không thể bị quy chụp là “xấu” hai sai phạm được vì ba lý do chính:
- Khoản 1, Điều 79 của Luật Hình Sự chỉ quy định về việc “cấu kết với nước ngoài” và hoàn toàn không định nghĩa thế nào là một “nội dung xấu” hay thế nào là một nội dung sai phạm.
- Hiến Pháp 2013 của Việt Nam còn thiếu vắng một điều khoản hay một quy định hay một bổ sung tương đương với Điều Bổ Sung Sửa Đổi Số 1 đã nêu lên ở trên để ngăn chận nhà nước tùy tiện dùng luật pháp để bức hại những nguời nói lên hay làm những điều đảng và nhà nước không thích.
- Luật pháp Việt Nam vẫn còn chưa biết hay không muốn biết đến và tôn trọng các quyền làm người cơ bản.
Nếu nói thẳng thừng, luật pháp nhà nước Việt Nam đang được áp dụng tại hai phiên toà xét xử ông Ngô Hào chỉ có thể là luật rừng: tùy tiện, mạnh được yếu thua, được làm vua thua làm giặc.
Nhà nước đương nhiên sẽ không chấp nhận nhận định “luật rừng” trên, dù đó là một nhận định hợp tình hợp lý và dựa trên thực tế khách quan. Thế nhưng, nếu vẫn khư khư bám theo Bản Án theo đó ông Ngô Hào đã bị quy chụp có viết những bài viết “có nội dung xuyên tạc, nói xấu Lãnh tụ, chống Đảng Cộng sản và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, có viết những bài “nhằm kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước can thiệp chống chính quyền Nhà nước, đấu tranh đòi tự do tôn giáo, đòi đa nguyên đa đảng, nhằm mục đích lật đổ và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” thì hãy cùng tìm hiểu thêm về nội dung những gì ông Ngô Hào đã viết, để xem các nội dung đó có thực sự là “xấu” như nhà nước đã nói hay không.
Theo Bản Án, số lượng các bài viết này gồm “22 mục tài liệu khai thác từ CPU, thẻ nhớ 1GB, sim mobicard thu giữ của Ngô Hào; 38 mục tài liệu (khám xét hành chính ngày 20/12/2012 của công an thành phố Tuy Hoà), 108 mục tài liệu qua khai thác từ hộp thư điện tử của Ngô Hào (từ bút lục 428 đến 958) là tài liệu, chứng cứ được lưu theo hồ sơ vụ án”, tức là tổng cộng khoảng 168 mục tài liệu.
Từ các mục tài liệu đó, hãy cùng đọc ba bài viết tiêu biểu của ông (40).
Vào ngày 5 Tháng 4, 2011, một ngày sau khi TS LS Cù Huy Hà Vũ bị đưa ra toà xét xử, ông Ngô Hào chuyển bài thường thuật về những gì đã xảy ra tại phiên toà do Khánh An, một phóng viên đài RFA tại Bangkok viết, và kèm theo ba lời bàn ngắn nguyên văn toàn bộ như sau (kể cả các lỗi chính tả nếu có):
“GIỜ LỊCH SỬ BẮT ĐẦU!!!
VỤ ÁN TS LS Cù Huy Hà Vũ là một gáo nước sôi tạt vào mặt những ai, tôn giáo, tổ chức nào đấu tranh cụi, đòi hỏi mồm. Góp ý ảo, kiến nghị lừa!!!
TS LS Cù Huy Hà Vũ lãnh án 7 năm tù ở, 3 năm quản chế là một thách đố lớn cho nhân dân Việt Nam, quốc hội Việt Nam, luật pháp nước CHXHCNVN, thách đố lẽ phải, sự thật, công bằng và chân lí của loài người thế kỷ 21 nói chung và nói riêng cho nhân dân Việt Nam.”
Như nay ai cũng biết, những lời bàn trên của ông Ngô Hào không đi ngoài phản ứng của đa số ngưòi dân trong nước, cũng như phản ứng của các nhà nước Tây Phương và các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế. Trong phần Khuyến nghị của một báo cáo vào ngày 26 tháng 5 năm 2011 về vụ án TS LS Cù Huy Hà Vũ, tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền khẳng định:
“…Việc bắt giữ, giam giữ, truy tố và kết án tù Ts. Cù Huy Hà Vũ chỉ có căn cứ duy nhất là hành vi thực hành một cách ôn hòa quyền được thông tin, quyền tự do chính kiến, ngôn luận và hội họp của ông. Những quyền này đã được tôn vinh trong Tuyên ngôn Toàn cầu về Nhân quyền, cũng như trong Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1982.
Việc bắt giam và kết án tù Ts. Vũ là tùy tiện và trái luật, và ngang nhiên đi ngược hoàn toàn với Tuyên ngôn 1988 của Liên hiệp quốc về những Nhà Bảo vệ Nhân quyền – văn bản đã tái khẳng định quyền của công dân, theo công pháp quốc tế về nhân quyền, được phê bình và phản đối nếu chính phủ thất bại trong việc thực thi các tiêu chuẩn về nhân quyền. Chính quyền Việt Nam đã không đáp ứng được những nội dung khiếu nại và tố cáo của các luật sư và gia đình Ts. Vũ cảnh báo về những dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng về nhiều khía cạnh trong quy trình bắt giữ, điều tra, truy tố và xét xử ông.
Với việc bắt giữ, truy tố và kết án Ts. Vũ 7 năm tù chỉ với lý do ông đã phê phán một cách ôn hòa những việc làm của chính phủ và lãnh đạo Đảng Cộng sản, chính quyền Việt Nam đang vi phạm những nghĩa vụ của mình theo luật quốc tế. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Ts. Cù Huy Hà Vũ.” (41)
Nếu so sánh văn phong ông Ngô Hào, với văn phong của Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền, điều nổi bật là ông Ngô Hào viết và phê phán ĐCSVN một cách tương đối ôn hòa. Hai cụm từ nặng nhất ông dùng là “gáo nước sôi” và “thách đố”. Trong khi đó, Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền đã mạnh dạn tố cáo và mắng đích danh “chính phủ và lãnh đạo Đảng Cộng sản” là “tuỳ tiện và trái luật”, là “ngang nhiên đi ngược”, là “thất bại” ,và là “vi phạm thủ tục tố tụng”.
Vào ngày 25 tháng 2 năm 2012, khi chuyển một bài viết có nối kết với trang Thỉnh Nguyện Thư yêu cầu Nhà Trắng “Đừng mở rộng quan hệ hiệp thương với ( CS) Việt Nam khi còn những vi phạm nhân quyền” do ông Trúc Hồ đề xuất vào ngày 7 Tháng Hai năm 2012, ông Ngô Hào viết, hoàn toàn bằng chử hoa nguyên văn toàn bộ như sau (kể cả các lỗi chính tả nếu có):
“XIN ĐỪNG NHẪN TÂM BIẾN THỈNH NGUYỆN THƯ THÀNH TRÒ HỀ
XẤP XỈ MỘT TRĂM NGÀN CHỮ KÝ CỦA CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠI ĐÃ KÝ VÀO THỈNH NGUYỆN THƯ, KHÔNG PHẢI 100 NGÀN CHỮ KÝ ĐƠN THUẦN MÀ LÀ ĐẠI DIÊN CHO 90 TRIỆU DÂN VIỆT NAM CẢ TRONG LẪN NGOÀI NƯỚC. 100 NGÀN TRÁI TIM, MỘT TRĂM NGÀN HI VỌNG, 100 NGÀN ƯỚC MƠ….. MỘT TRĂM NGÀN NGỌN ĐUỐC THẮP SÁNG CHO GIỐNG NÒI DÂN TỘC VIỆT, 100 NGÀN NGỌN LỬA ĐƯỢC CỘNG ĐỒNG MỸ VIỆT ĐỐT LÊN ĐỂ THIÊU CHÁY, XÔ ĐẨY, HỦY DIỆT SỰ TÀN BẠO ĐỘC TÀI, THAM NHŨNG, VÔ NHÂN… ĐỂ ĐEM LẠI SỰ THẬT, LẼ PHẢI, CÔNG BẰNG, ĐẠO ĐỨC…. CHO NHÂN DÂN NƯỚC VIỆT. XIN QUÝ VỊ ĐỪNG NHẪN TÂM BIẾN 100 NGÀN CON TIM KHỐI ÓC, HI VỌNG, ƯỚC NGUYỆN TRỞ THÀNH TRÒ HỀ CHO NHÂN DÂN VIỆT NAM CŨNG NHƯ NHÂN DÂN TRÊN KHẮP THẾ GIỚI. CÀNG NHẪN TÂM HƠN NỮA ĐỂ LÀM TRÒ HỀ CHO TỔNG THỐNG OBAMA, CHO QUỐC HỘI HOA KỲ. CHỦ TRƯƠNG NHÂN QUYỀN DÂN CHỦ BÌNH ĐẲNG VÀ TỰ DO
” LÀM BẠN VỚI MỸ RẤT KHÓ, LÀM KẺ THÙ CỦA MỸ RẤT DỄ” XIN ĐỪNG SỢ, ĐỪNG NỊNH TRƯỚC BẤT CÔNG VÀ BẠO LỰC
HOAN HÔ 100 NGÀN CHỮ KÝ CỦA CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT. HOAN HÔ DÂN TỘC VIỆT GIỐNG CON RỒNG CHÁU LẠC CÓ TRÊN 4000 NĂM VĂN HIẾN, ANH HÙNG, DŨNG CẢM ĐÃ DÁM ĐỐI ĐẦU, THỬ THÁCH VỚI TỔNG THỐNG OBAMA, VỚI QUỐC HỘI HOA KỲ, BẠO LỰC, THAM NHŨNG, TÀN BẠO, ĐỘC TÀI, ĐỘC ÁC, GIAN, THAM, ÁC, PHI NHÂN CỦA LŨ QUỶ SA TĂNG, BỌN BẤT BẠO PHỦ KHÁT MÁU.
CẦU NGUYỆN & HI VỌNG & THÀNH CÔNG”
Bài viết trên, với văn phong rất phấn khởi, chỉ có hai câu phê phán ĐCSVN và nhà nước: (“Thiêu cháy…” và “lủ quỷ sa tăng..”). Ngược lại, tất cả các chữ khác trong bài viết chủ yếu là để biểu lộ nghi ngờ Nhà Trắng sẽ không làm gì cả với thỉnh nguyện thư, và hàm chứa lo âu thỉnh nguyện thư sẽ không thành công vì có thể có người phá hoại, có người muốn biến thỉnh nguyện thư thành một “trò hề.”
Vào ngày 20 tháng 2 Năm 2012, khi được tin Thỉnh Nguyện Thư do ông Trúc Hồ khởi xướng thành công và Nhà Trắng sẽ tiếp một phái đoàn người Việt, ông viết một bài tham luận kêu gọi Hoa Kỳ và cộng đồng người Việt hải ngoại hãy giúp Việt Nam, và cũng hoàn toàn bằng chữ hoa nguyên văn toàn bộ như sau (kể cả các lỗi chính tả nếu có):
“THƯỢNG KHẨN – TIN MỪNG : TỔNG THỐNG HOA KỲ B. OBAMA & QUỐC HỘI HOA KỲ SẼ TIẾP PHÁI ĐÒAN CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TẠI TÒA BẠCH ỐC & QUỐC HỘI HOA KỲ
S.O.S. QUÝ VỊ HÃY NHANH TAY CỨU LẤY 90 TRIỆU DÂN VIỆT NAM
– MIỀN BẮC VIỆT NAM GẦN 70 NĂM
– MIỀN NAM VIỆT NAM GẦN 37 NĂM.
BỊ CHẾ ĐỘ BẤC BẠO PHỦ HÀ NỘI ĐÀN ÁP, BỊT MIỆNG, KHỦNG BỐ, BAO VÂY, ĐÁNH ĐẬP, BỎ ĐÓI, CƯỚP TRẮNG TÀI SẢN, RUỘNG VƯỜN, ĐẤT ĐAI, NHÀ CỬA, TÔN GIÁO BỊ MẤT CHÙA, NHÀ THỜ, TRƯỜNG HỌC, CÔ NHI VIỆN.
CÁC VỊ CHỨC SẮC CÁC TÔN GIÁO KHÔNG ĐƯỢC THỰC HIỆN ĐÚNG NGUYỆN VỌNG , TÂM NGUYỆN, CUỘC ĐỜI TU HÀNH CỦA GIÁO CHỦ TỪNG TÔN GIÁO ĐỂ RAO GIẢNG, TRUYỀN DẠY ĂN HIỀN Ở LÀNH, LUÂN THƯỜNG ĐẠO LÝ, ĐẠO ĐỨC, TÌNH THƯƠNG, CHÂN LÝ, LẼ PHẢI, SỰ THẬT. ĐEM ĐẾN CHO NHÂN DÂN VIỆT NAM NHƯ NGÀY HÔM NAY BỊ SUY ĐỒI ĐẠO ĐỨC, KIỆT QUỆ KINH TẾ, LUÂN THƯỜNG ĐẠO LÝ BỆ RẠC. ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN CHO NHÂN DÂN PHÁI SỐNG, LÀM VIỆC THEO HIẾN PHÁP, THEO PHÁP LUẬT. NHƯNG THỰC TẾ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM CHỈ XÀI LUẬT RỪNG, ĐỂ CƯỚP CỦA, CƯỚP CHÙA, CƯỚP NHÀ, CƯỚP ĐẤT, CƯỚP TÔN GIÁO, CƯỚP QUYỀN BÌNH ĐẲNG, CƯỚP QUYỀN TỰ DO, TỰ DO BÁO CHÍ, TỰ DO NGÔN LUẬN, CƯỚP QUYỀN TỰ DO TÍN NGƯỠNG CỦA 90 TRIỆU DÂN VIỆT NAM.
THƯA QUÝ VỊ !!! NHƯ NHẠC SĨ VIỆT KHANG…… ĐOÀN VĂN VƯƠN Ở HẢI PHÒNG…. CÁC VỊ CHỨC SẮC CỦA CÁC TÔN GIÁO, CỤ THỂ NHẤT LÀ CÁC TÍN ĐỒ, CHỨC SẮC CỦA CÁC PHẬT GIÁO HÒA HẢO HỌ CHỈ LÀM VIỆC THIỆN MÀ BỊ ĐÁNH ĐẬP, VU CÁO CHỤP MŨ, KHỦNG BỐ, GIÀN DỰNG BỎ TÙ MỘT CÁCH PHI LÝ. Ở TẠI VIỆT NAM GẦN 90 TRIỆU DÂN MÀ GẦN NHƯ 40 TRIỆU LÀ ĐOÀN VĂN VƯƠN THỨ HAI HOẶC THỨ NHẤT. KHÔNG XÃ NÀO, KHÔNG HUYỆN NÀO, KHÔNG TỈNH NÀO LÀ KHÔNG SAI PHẠM CHỨ KHÔNG PHẢI RIÊNG GÌ Ở HẢI PHÒNG.
HỠI QUÝ VỊ!!! HÃY THƯƠNG TÂM GÓP MỘT BÀN TAY ĐỂ CỨU LẤY 90 TRIỆU DÂN VIỆT NAM ĐANG THẤP CỔ BÉ MIỆNG, CẮN CỎ KÊU TRỜI KHÔNG THẤU !!! ỚI HỠI BÀ CON ƠI.
KÍNH NHỜ QUÝ VỊ ĐƯA HÌNH ẢNH VÀ CAN THIỆP:
CHÙA BALAMẬT Ở DỐC 47 ĐỒNG NAI CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH NHẬT BAN LÀ MỘT THÀNH VIÊN CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT: BỊ CƯỚP ĐẤT CHÙA, CƯỚP CHÙA, BỎ TÙ, ĐÁNH ĐẬP,BAO VÂY, KHỦNG BỐ TỪ 1975 ĐẾN NAY.HÌNH DƯỚI ĐÂY (ĐÍNH KÈM TRONG FILE) LÀ CHÙA TẠM CỦA HÒA THƯỢNG BỊ HƯ SẬP, XIN TU SỬA NHƯNG NHÀ NƯỚC CỘNG SẢN VIỆT NAM KHÔNG CHO TU SỬA. KÍNH NHỜ QUÝ VỊ CAN THIỆP VÀ ỦNG HỘ ĐỂ CÓ ĐIỀU KIỆN TU SỬA NƠI THỜ TỰ.
ĐÂY LÀ CẢNH TỰ DO TÔN GIÁO TẠI VIỆT NAM. KÍNH NHỜ TỔNG THỐNG OBAMA VÀ QUỐC HỘI HOA KỲ CAN THIỆP.”
Bài viết trên tố cáo với một văn phong rất thống thiết các tội ác của nhà nước Việt Nam. Bất cứ ai đã và đang sống tại Việt Nam, hay đang theo dõi tình hình Việt Nam, đều biết ngay không có một điều nào ông Ngô Hào nêu lên trong bài viết ngắn trên là không phù hợp với sự thật, với những gì đã và đang xảy ra.
Sự thật là, những gì ông Ngô Hào đã viết hoàn toàn không có gì là mới lạ. Tại hàng trăm hàng ngàn trang mạng trang blog tiếng Việt, có hàng ngàn hàng vạn bài viết tương tự về những đề tài tương tự, và phần lớn với những văn phong mạnh miệng hơn nhiều. Chỉ cần đọc những bài viết, những lời bình luận, tại các trang mạng như Dân làm Báo hay Đàn Chim Việt là thấy ngay. Nhưng nếu thế, tại sao một nhà nước từng tự rêu rao là thật sự công bằng lại không truy tố nốt tất các các tay viết và tham luận viên tại các trang mạng trên? Mà lại chỉ tùy tiện truy tố ông Ngô Hào mà thôi? Hay vì nhà nước chỉ biết có…luật rừng mà thôi?
Lại nữa, phê phán, thậm chí “nói xấu lãnh tụ…vv và vv…”, là một thành tố bất khả phân của quyền tụ do ngôn luận trong bất cứ quốc gia tự do và văn minh nào. Ta chỉ cần xem các biếm họa hay các chuyện cuời về các nguyên thủ quốc gia, hay các tranh cãi về chính sách hay hành vi của nhà nước được các cơ sở truyền thông và người dân tung lên giấy mực hay lên mạng mổi ngày tại các nước tự do văn minh như Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Hà Lan, Thụy Điển, vv… là thấy ngay sự vô lý và trong chừng mực nào đó sự sợ hải của nhà nước đối với toàn dân, đặc biệt là đối với ông Ngô Hào khi họ truy tố ông. Việt Nam là một nước đã ghi rõ các quyền tự do ngôn luận và tư tưởng của người dân trong hiến pháp của mình, một nước đã phê chuẩn các quy ước quốc tế về nhân quyền và các quyền chính trị. Nhà nước Việt Nam thừa biết cần phải phải làm gì. Trong những điều phải làm đó, đương nhiên không thể có chuyện trù dập, bắt bớ, đánh đập, hay ném nước cá thối và gạch đá vào nhà những người đang hoạt động cho hay đang lên tiếng bênh vực các lý tưởng tự do nhân quyền.
3 – Kết luận: Ông Ngô Hào Hoàn Toàn Không Có Tội
Và do đó, việc cáo buộc và phạt ông Ngô Hào 15 năm tù và 5 năm quản chế theo Khoản 1, Điều 79 của Luật Hình Sự là một điều hoàn toàn vô căn cứ. Như đã chứng minh trong Phần 2 của bài viết này:
- Cáo buộc thứ nhất, “hoạt động cấu kết với nước ngoài” nhằm “lật đổ” nhà nước Việt Nam là hoàn toàn vô căn cứ dựa trên các lý do được tóm lược sau:
- Khối 8046, các chính phủ lưu vong không là những “nước ngoài” và không thể nào có khả năng “lật đổ” nhà nước Việt Nam.
- Cáo buộc ông Ngô Hào đi tìm “40 container” vũ khí chỉ là hoang tưởng về phía nhà nước.
- Cáo buộc thứ nhì: ông Ngô Hào “tàng trữ, viết bài, tán phát, và chuyển tiếp nhiều tài liệu có nội dung xuyên tạc chế độ, nói xấu Lãnh tụ, vv…”, cũng hoàn toàn vô căn cứ vì:
- Về mặt kỹ thuật công nghệ thông tin ông Ngô Hào đã không làm các nghiệp vụ “tàng trữ, viết bài, tán phát, và chuyển tiếp” các nội dung, và
- Về nội dung các bài viết của ông Ngô Hào, nhà nước không thể nào quy chụp chúng là “xấu” hay sai phạm vì nếu làm như thế, nhà nước đã chà đạp các quyền làm người cơ bản nhất của ông Ngô Hào đồng thời tùy tiện áp dụng luật rừng.
Nếu văn là người, nếu Văn dĩ tải Đạo, qua ba bài viết ngắn đã dẫn như trên của ông Ngô Hào, ta đã thấy được đưọc gì? Xin nói ngay: một nhà nhân bản công dân của cả địa cầu đang tranh đấu cho những giá trị muôn đời của nhân loại: “ĂN HIỀN Ở LÀNH, LUÂN THƯỜNG ĐẠO LÝ, ĐẠO ĐỨC, TÌNH THƯƠNG, CHÂN LÝ, LẼ PHẢI, SỰ THẬT”. Một người Việt Nam đã thấy được, đã không chấp nhận được, và do đó tự thấy phải lên tiếng tố cáo, vì tự do và hạnh phúc muôn đời của người Việt từ Bắc chí Nam, những sai phạm của một nhà nước chỉ biết “ĐÀN ÁP, BỊT MIỆNG, KHỦNG BỐ, BAO VÂY, ĐÁNH ĐẬP, BỎ ĐÓI, CƯỚP TRẮNG TÀI SẢN, RUỘNG VƯỜN, ĐẤT ĐAI, NHÀ CỬA, TÔN GIÁO”. Và sau cùng, một Phật tử thuần thành đã phát bồ đề tâm mạnh dạng lên tiếng bênh vực một nhà sư thành viên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã và đang “BỊ CƯỚP ĐẤT CHÙA, CƯỚP CHÙA, BỎ TÙ, ĐÁNH ĐẬP,BAO VÂY, KHỦNG BỐ TỪ 1975 ĐẾN NAY”.
Ông Ngô Hào chính là một nguời cho dù “năm tháng mỏi mòn đầu đã bạc”, đã vẫn sống được như một người chứng, một người vẫn “còn chút lòng son gửi núi sông.” (42)
Một người như thế, một người sống được một đời như thế, một người nói được những lời như thế, một người như ông Ngô Hào, chỉ có thể là một người vô tội. Ở bất cứ nơi nào trên cỏi trần thế này.
4 – Hoa xưa giờ ở đâu?
Bây giờ là những ngày cuối tháng 3 năm 2014. Mùa xuân đang đến. Cỏ cây đang vươn lên đâm chồi nẩy nụ. Nhưng cuộc hành trình bi tráng và cùng cực cô đơn kéo dài gần 40 năm của thiếu úy Ngô Hào, người lính VNCH mang quân số 73/420439 hình như nay đã tạm ngưng vào một ngày cuối đông năm 2013 tại một trại tù cộng sản ở Phú Yên.
Ông có khỏe không, ở chốn gian nan này? Tinh thần ông ra sao, có còn vửng vàn hay có suy sút gì không? Ông đã có biết kiên cường thường trụ vào tìm được an tâm trong Tam Bảo và Phật tính vốn dỉ luôn luôn có trong ông? Vợ con và gia đình bè bạn ông, đã có được phép thăm nuôi ông chưa? Các đồng đội Sư Đoàn 22 “Bình Sơn Trấn Hải” năm xưa đã có ai đến thăm ông, dể nắm tay cùng ông nhớ lại chuyện những ngày xưa đã trôi qua và điểm danh kẽ còn người mất? Các đồng đội QLVNCH của ông ở mọi binh chủng và nay đang ở trên mọi nẻo đường của địa cầu này, có ai đã lên tiếng binh vực ông, hay đi thăm nuôi ông, hay ủy lạo gia đình ông? Và các chiến hửu đồng minh từ bảy nước tự do – Hoa Kỳ, Nam Hàn, Úc Đại Lợi, Thái Lan, Tân Tây Lan, Cambodia, và Vương Quốc Lào – tất cả những người lính vào một thời gian xa xưa đã trôi qua, tất cả những người đã từng cùng ông vào sinh ra tử để bảo vệ tự do cho miền Nam, có ai trong những người lính đó đã có thăm hỏi đến ông hay gia đình vợ con ông?
Và có ai, có ai trong những người bộ đội Sư Đoàn 3 Sao Vàng năm xưa đã từng giết chết hầu hết các chiến hữu của ông, và ngược lại; có ai, dù chỉ một người trong những người bộ đội đó, ngày nay đã hiểu được ý nghĩa đích thật và cuối cùng của các trận đánh tàn khốc đã qua: giử gìn độc lập và tự do cho Miền Nam lẫn miền Bắc, và do đó sẽ đi thăm hỏi và trò chuyện cùng ông? Như những người lính già của cả hai bên, tự ngàn xưa từ khi có loài người, vẫn đã trò chuyện khi chiều tàn tuổi xế, khi cỏ non xanh và hoa rừng dại đã xóa nhòa các chiến tuyến, khi mộ phần đã bắt đầu mời gọi về đi cho an giấc nghìn thu?
Xin hãy nguyện cầu họ sẽ làm như thế và hoa xưa vẫn còn nở.
Xin hãy nguyện cầu cho ông Ngô Hào sẽ không bao giờ mất niềm tin và sẽ không bao giờ tuyệt vọng. Bởi vì sức người thì có hạn, mà sức trời thì vô tận chí công vô tư, và ý trời thì luôn luôn toàn thắng.
Từng người Việt, nếu biết ơn ông Ngô Hào và cả gia đình ông vì những gì ông đã làm và vì những gì gia đình ông đã gánh chịu và đã kinh qua, hãy cám ơn ông và gia đình ông. Hãy đồng hành cùng ông. Hãy cùng giữ mãi trong tim niềm tin yêu về một nước Việt độc lập, tự do, nhân đạo, biết tôn trọng và trân quý các quyền con người bẩm sinh của từng người dân. Và hành động theo con tim của mình.
Bởi vì, vào một ngày cuối đông năm 2013, đã có một người đàn ông tóc bạc trắng biết nhìn thẳng vào mắt những kẽ đang kết án và đày ải ông và, thay mặt cho từng người Việt, tặng chúng một nụ cười nhạt – nụ cười vượt thoát bờ tử sinh của một người không biết sợ và của cả một nước Việt đang bừng bừng hồi sinh.
Chấn Minh
14 Tháng 3, 2014
Chú Thích
1. Peter Seeger. 1955. “Where have all the flowers gone”. Internet: http://rock.rapgenius.com/Pete-seeger-where-have-all-the-flowers-gone-lyrics
2. Ghosh, Palash. 2013. “Vietnam: A Police State Where One-In-Six Works For Security Forces.” International Business Times, August 29, 2013. Internet: http://www.ibtimes.com/vietnam-police-state-where-one-six-works-security-forces-1401629 . Truy cập ngày 3/11/2014.
3. Vietnam Human Rights Defenders. 2013. “Bản Án Của Ông Ngô Hào”. Internet: http://vietnamhumanrightsdefenders.net/2013/09/18/ban-an-cua-ong-ngo-hao/ Truy cập ngày 3/11/2014.
4. Tài liệu chính xác về quân số của Sư Đoàn 22 Bô Binh, hay bất cứ sư đoàn nào của VNCH, hay của Bắc Việt cũng thế, rất hiếm hoi, nhất là trong thời kỳ chiến tranh vì quân số là một trong những bí mật quân sự lớn nhất nhì trước hay sau sau kế hoạch hành quân. QLVNCH được tổ chức theo hệ quân sự Hoa Kỳ, theo đó: một tiểu đoàn có từ 300 đến 1000 quân, một trung đoàn có từ 2 đến 5 tiểu đoàn, tức 600 đến 5000 quân, và một sư đoàn có từ 3 đến 5 trung đoàn, tức 1800 đến 25000 quân, chua kể các đơn vị chuyên môn trực thuộc sư đoàn trưởng như thiết giáp, pháo binh, quân y, công binh,vv.. Sư Đoàn 22 Bộ Binh có 4 trung đoàn và 5 năm tiểu đoàn (trong đó có 3 thiết đoàn, 1 pháo đoàn, và 1 tiểu đoàn quân y, với mổi đon vị này tương đương với một tiểu đoàn). Quân số Sư Đoàn 22 Bộ Binh thấp nhất là 3900 quân (2 x 300 x 4 + 5 x 300) và cao nhất là 25000 quân (5 x 1000 x 4 + 5 x 1000). Con số thấp, 3900 quân cho một sư đoàn không hợp lý trong khi con số 25 ngàn quân có thể quá cao. Do đó việc chọn con số 20 ngàn quân, hay 80% quân số lý tuởng cao nhất, cho Sư Đoàn 22 Bộ Binh của QLVNCH xem ra hợp lý nhất.
5. Quân Sử Sư Đoàn 22 Bộ Binh/ 2012. Internet. http://www.vnmilitaryhistory.info/quansuvnch/quan-su_su-doan-22-bo-binh.htm. Truy cập ngày 3/11/2014.
6. Số tử vong của Sư Đoàn 22 Bộ Binh vào Mùa Hè Đỏ Lửa, 18 ngàn quân, được suy ra từ con tính 20000 trừ 2000, và dựa trên hai dữ liệu: a) tính vô cùng ác liệt của các trận chiến vào Mùa Hè Đỏ Lửa và b) bài viết tại chú thích 4 ở trên trong đó có câu: “quân số của SĐ gom lại chưa đến 2000 nguời”. Tuy bài viết còn nói tiếp ngay “chỉ đủ để tái tổ chức một trung đoàn”, câu này có thể không khả tín. Khi tái bổ sung một trung đoàn, một bộ tổng tham mưu sẽ không bao giờ lấy một quân số thấp mà sẽ nhắm vào số cao. Con số 2000 người cho trung đoàn nằm dưới tầm 50% của một trung đoàn đầy đủ quân số ở mức chuẩn cao 5000 người. Vì thế, nếu quân số Sư Đoàn 22 BB đã ước tính là 20 ngàn người, số tử vong vào Mùa Hè Đỏ Lửa là 20 ngàn trừ 2 ngàn tức là 18 ngàn. Đây là một số tử vong rất kinh hoàng cho một đơn vị cấp sư đoàn.
7. Lt. General Ngo Quang Truong. 1980. “Indochina Monograph: The Easter Offensive of 1972”. US Army Center of Military History. Internet: http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:0lD26joopUsJ:www.dtic.mil/cgi-bin/GetTRDoc?AD%3DADA324505+&cd=8&hl=en&ct=clnk&gl=us . .Truy cập ngày 3/11/2014.
8. Trọng Đạt. 2012 “Tổng Thống Thiệu Và Cuộc Triệt Thối Cao Nguyên”. Người Việt Dallas – Vietnam Weekly Newspaper, June 16, 2012. Internet: https://mail.google.com/mail/u/0/#inbox
9. Con số tử vong 15 ngàn quân của Sư Đoàn 22 Bộ Binh trong cuộc triệt thoái Cao Nguyên vào đầu năm 1975 dựa vào lời của Đại Tướng VNCH Cao Văn Viên trong bài viết ở chú thích 7. Theo ông Cao Văn Viên, ít ra là trên 75% quân số Quân Đoàn II, 60,000 người, tức là 45 ngàn người, đã bị tiêu diệt trong cuộc triệt thối Cao Nguyên. Nếu dùng tỷ lệ 75% này cho Sư Đoàn 22 Bộ Binh với 20 ngàn quân, sẽ có số tử vong là 15 ngàn.
10. Wikipedia. 2014 “Dương Thu Hương”. Internet: http://en.wikipedia.org/wiki/D%C6%B0%C6%A1ng_Thu_H%C6%B0%C6%A1ng
11. Đinh Quan Anh Thái (Viet Tide). 2007 “Đinh Quan Anh Thái (VietTide) Phỏng vấn Dương Thu Hương”. Internet repost: http://ngoclinhvugia.wordpress.com/2011/05/04/d%C6%B0%C6%A1ng-thhu-h%C6%B0%C6%A1ng-toi-khoc-ngay-30-4-vi-th%E1%BA%A5y-n%E1%BB%81n-van-minh-da-thua-ch%E1%BA%BF-d%E1%BB%99-man-r%E1%BB%A3/ .Truy cập ngày 3/11/2014.
12. Wikipedia. 2014. “Học Tập Cải Tạo”. Internet: http://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%8Dc_t%E1%BA%ADp_c%E1%BA%A3i_t%E1%BA%A1o .Truy cập ngày 3/11/2014.
13. Xem chú thích 2.
14. Hệ Thống Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật. 2014 “Hiến Pháp Nước Việt Nam Dân Chủ Cọng Hoà Ngày 31 Tháng 12 1959” Internet: http://www.moj.gov.vn/vbpq/Lists/Vn%20bn%20php%20lut/View_Detail.aspx?ItemID=890 .Truy cập ngày 3/11/2014.
15. Dòng Chúa Cứu Thế. 2013. “Bà Nguyễn Thị Kim Lan: Ông Ngô Hào lên tiếng, giúp đỡ người bị oan, bị đàn áp tôn giáo” Internet: http://www.chuacuuthe.com/2013/12/ba-nguyen-thi-kim-lan-ohg-ngo-hao-len-tieng-giup-do-nguoi-bi-oan-bi-dan-ap-ton-giao/ .Truy cập ngày 3/11/2014.
16. Phạm Minh Hoàng. 2013. “Chuyện từ Những Học Trò”. Internet: http://danlambaovn.blogspot.com/2013/12/chuyen-tu-nhung-hoc-tro.html#more .Truy cập ngày 3/11/2014.
17. Huỳnh Thục Vy. 2013. “Vợ Ông Ngô Hào: Vợ ông Ngô Hào – Nạn nhân của sự vi phạm Nhân quyền nghiêm trọng”. Internet: http://vnwhr.net/2013/12/07/vo-ong-ngo-hao-nan-nhan-cua-su-vi-pham-nhan-quyen-nghiem-trong/ .Truy cập ngày 3/11/2014.
18. Internet World Stats. 2014. “Vietnam Internet Usage Stats and Marketing Report”. Internet: http://www.internetworldstats.com/asia/vn.htm Truy cập ngày 3/11/2014.
19. Hà Huyền Chi. 1987. “Đời Bỗng Dưng Thừa – Thơ”. Nam Á (SUDASIE) Xuất Bản. Paris, France. Tr. 108. Ba câu thơ trích dẩn từ bài thơ 4 câu toàn văn như sau: “Ứ Nghẹn Mười Năm – Mười năm vong quốc ngậm ngùi | Vết thương chiến bại còn in dấu chàm | Trong mơ vẫn bóng cờ vàng | Trong tim ứ nghẹn ba hàng máu khô”
20. Thích Quảng Độ. 2007. “Thơ Tù”. Quê Mẹ, Paris. Tr. 165. (Trích 2 câu cuối của bài thơ “Chiều Đông”: “…Năm tháng mỏi mòn đầu đã bạc | Còn chút lòng son gửi núi sông.”)
21. Hệ Thống Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật. 2014. “BỘ LUẬT HÌNH SỰ CỦA NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM SỐ 15/1999/QH10” Internet: http://www.moj.gov.vn/vbpq/Lists/Vn%20bn%20php%20lut/View_Detail.aspx?ItemID=6163 . Truy cập ngày 3/11/2014.
22. Khối 8046. “Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ Cho Việt Nam 2006”. Internet: http://cacvankiencoban.blogspot.com/2008/03/tuyenngontudodanchu2006.html . Truy cập ngày 3/11/2014.
23. Hệ Thống Văn Bãn Quy Phạm Pháp Luật. 2014. “HIẾN PHÁP NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ – (QUỐC HỘI NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ THÔNG QUA NGÀY 9-11-1946)”. Internet: http://www.moj.gov.vn/vbpq/Lists/Vn%20bn%20php%20lut/View_Detail.aspx?ItemID=536.Truy cập ngày 3/11/2014.
24. Xem chú thích 8.
25. Hệ Thống Văn Bãn Quy Phạm Pháp Luật. 2014. HIẾN PHÁP NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”. Internet: http://www.moj.gov.vn/vbpq/Lists/Vn%20bn%20php%20lut/View_Detail.aspx?ItemID=28814 . Truy cập ngày 3/11/2014.
26. Cựu Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam. 2014. “68 Thành viên Sáng lập – 68 Founding Members”. Internet: http://fvpoc.org/founding-members-thanh-vien-sang-lap/ . Truy cập ngày 3/11/2014.
27. Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam Lâm Thời. 2014 “Thông Báo Cấp Thẻ Tín Dụng Cho Người Việt Nam”. Internet: http://www.chinhphuquocgia.com/191995676 . Truy cập ngày 3/11/2014.
28. Nguyễn Duy Hinh. 2001. “Phúc Trình Hai năm tham dự tổ chức “Nguyễn Hữu Chánh”. Internet: http://ngothelinh.150m.com/NDH_NHC.html . Truy cập ngày 3/11/2014.
29. Hội Quán Phi Dũng. 2010. “Nhóm Chíng Phủ VNCH Muốn Phục Hồi Hiệp Định Paris”. Internet: http://hoiquanphidung.com/showthread.php?3531-Nh%C3%B3m-%E2%80%98Ch%C3%ADnh-ph%E1%BB%A7-VNCH%E2%80%99-mu%E1%BB%91n-ph%E1%BB%A5c-sinh-Hi%E1%BB%87p-%C3%90%E1%BB%8Bnh-Paris . Truy cập ngày 3/11/2014.
30. Người Việt Boston. 2012. “Hội Nghị Diên Hồng bầu Ủy Ban Lãnh Đạo Lâm Thời VNCH”. Internet: http://nguoivietboston.com/?p=12495 . Truy cập ngày 3/11/2014.
31. Người Việt. 2012. “Hội thảo khôi phục VNCH theo Hiệp Ðịnh Paris 1973”. Internet: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=144907&zoneid=3#.UyHC4vldVul.Truy cập ngày 3/11/2014.
32. Nguyễn Quốc Khải. 2011. “Sự thật phũ phàng về Hiệp định Paris 1973”. Internet: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/readersopinions-nqk-12172012160001.html . Truy cập ngày 3/11/2014.
33. Nguyễn Quốc Khải. 2013. Phục Hồi Hiệp Định Paris 1973: Hoang Tưởng Hay Hiện Thực? Internet: http://www.vietvungvinh.com/2013/index.php?option=com_content&view=article&id=2564:phuc-hoi-hiep-dinh-paris-1973-hoang-tuong-hay-hien-thuc&catid=72:tham-luan&Itemid=130
34. Nguyễn Ngọc Bích. 2013. “Giải-pháp VNCH: “Hoang-tưởng,” “Vô vọng” hay chỉ là Khó?” Internet: http://vietvungvinh.com/2013/index.php/index.php?option=com_content&view=article&id=2630:giai-phap-vnch-hoang-tuong-vo-vong-hay-chi-la-kho&catid=72:tranh-luan&Itemid=130 . Truy cập ngày 3/11/2014.
35. Stephen Daggett. 2010. “Costs of Major U.S. Wars”. Internet: https://www.fas.org/sgp/crs/natsec/RS22926.pdf . Truy cập ngày 3/11/2014.
36. Leland, Ann; Oboroceanu, “M-J” Mari-Jana. “American War and Military Operations Casualties: Lists and Statistics” Internet: http://en.wikipedia.org/wiki/United_States_military_casualties_of_war . Truy cập ngày 3/11/2014.
37. Seabox. 2014. “One Full Side Opening & Double Doors One End 20’ X 8’6” Dry Freight ISO Cargo Container”. Internet: http://www.seabox.com/catalog/flyers/sb890.6.pdf.Truy cập ngày 3/11/2014.
38. Nhằm bảo vệ nguồn thông tin, nguời viết sẽ phải không cung cấp các nguồn và nối kết vào các bài viết của ông Ngô Hào được thống kê và phân tích ở dưới.
39. Đại Sứ Quán Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ – Hà Nội, Việt Nam. 2014. “Hiến Pháp Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ” http://vietnamese.vietnam.usembassy.gov/doc_uslegalsystem_x.html.Truy cập ngày 3/11/2014.
40. Nhằm bảo vệ nguồn thông tin, nguời viết sẽ phải không cung cấp các nguồn và nối kết vào các bài viết của ông Ngô Hào được trích dẩn phía sau.
41. Human Right Watch. 2011. “Việt Nam: Đảng đối đầu với nhà hoạt động pháp lý Cù Huy Hà Vũ – Khuyến Nghị.” Internet: http://www.hrw.org/vi/node/99165/section/10.Truy cập ngày 3/11/2014.
42. Xem Chú Thích 20.