Sau hơn 25 thế kỷ nhìn lại, hậu thế đã nhận ra được rằng Hy Lạp và La Mã, trên địa hạt chính trị, đã mở đường cho châu Âu – trước tiên, và về sau, cho cả nhân loại – vượt qua biên cương của cổ đại để bước vào cửa ngõ của tân đại. Có thể nói, nền văn minh Hy-La đã tạo điều kiện và sức đẩy cho sự đột xuất của con người mới, xuất hiện với đời sống hoàn toàn “tự trị”, nghĩa là tự mình quyết địnhlấy số phận của mình. Con người này đã thay thế con người trước đó, chỉ biết nhắm mắt đưa chân theo cách sống “tha trị”, cúi đầu chịu sự an bài của thần quyền, hay đúng hơn, của lòng tin vào thần quyền, chứ không vào lý trí.
Đồng thời con người cũng còn biết sắp xếp cuộc sống chung một cách ôn hòa, bình đẳng – có tên gọi là Dân Chủ – giữa đồng loại và trong khuôn khổ một xã hội chia thành những cộng đồng nhỏ – những Thành Quốc. Hiện tượng này, nói theo ngôn ngữ bây giờ, chính là nguyên mẫu cho sinh hoạt chính trị của cả nhân loại sống trên hoàn vũ. Nền văn minh Hy-La này đã nở rộ như “môt đóa hoa hồng” tươi thắm “trong một buổi sáng”. Và thời vàng son của nó đã chỉ kéo dài được gần hai thế kỷ. Hai kỳ tích của nó, Dân chủ và Thành Quốc, đã sớm suy tàn. Buổi rạng đông của tự do, nhân phẩm, đã mau chóng nhường chỗ cho đêm dài Trung Cổ của áp bức và ngu tối. Tại sao?
Sự suy tàn này có giá trị một bài học về chính trị cho hậu thế. Do đó, nó cần được tìm hiểu, một cách tương xứng với tầm quan trọng của một kinh nghiệm thất bại nhưng mang trong nó khả năng tạo dựng tiến bộ.
A. Dân Chủ ở Athènes, quãng đường ngắn ngủi từ thành công đến suy tàn
Lối tổ chức xã hội theo mô hình dân chủ ở Athènes đã thay đổi, một cách đáng kể, phẩm chất đời sống ở Athènes về cả hai mặt cá nhân và tập thể. Khi nói dân chủ, điều này hàm nghĩa con người và những con người cùng sống chung, trong khuôn khổ thành-quốc Athènes, đã từ bỏ nếp sống những thời mông muội, người và thiên nhiên không phân biệt, tôn giáo trộn lẫn với chính trị, xã hội đồng hóa với Nhà nước. Trật tự trong xã hội, do đó, chỉ là phản ảnh của niềm tin vào thần quyền, vào huyền thoại. Kẻ cầm quyền tự cho mình những quyền uy tuyệt đối của thần thánh, lấy xuống từ cõi trời hay từ những thế giới xa lạ nào đó, ở ngoài con người và là sản phẩm của lòng tin, của trí tưởng tượng. Nhờ có tư tưởng, và nhất là nhờ sự thúc đẩy của những nhà hiền triết, con người bỗng giác ngộ, biết vận dụng lý trí để tự khám phá mình, không còn để cho những quyền uy, quyền lực ở ngoài con người, cũng như không để nhũng kẻ lợi dụng những quyền uy, quyền lực ấy, quyết định số phận con người. Con người, từ nay là chủ thể của chính mình, về mặt tôn giáo, không còn bị vong thân trong thần quyền. Mặt khác, trong xã hội, nó thôi là “thần dân” của vua chúa vì nó đã được nâng lên hàng “công dân”, những con người bình đẳng với nhau, có quyền ngang nhau để cùng quản trị cuộc sống chung của tập thể.
Sự thay đổi về quan hệ giữa người với người, giữa kẻ cai trị với những người bị trị là nguồn gốc của một loạt phát minh về kỹ thuật, nghệ thuật thay đổi phẩm chất, có thể nói gần như thần kỳ, của cuộc sống của con người Hy Lạp vào thời điểm những thế kỷ thứ VI, thứ V, thứ IV trước CN. Sự thay đổi mang tên gọi “Dân Chủ” này đã mang lại cho Thành-Quốc Athènes những ánh vinh quang chói lọi, đưa Thành-Quốc này, cùng với Thành-Quốc Sparte, lên địa vị lãnh đạo thực tế của Hy Lạp, hai lần đánh bại cuộc xâm lăng của Đế quốc Ba Tư, thời toàn thịnh, trong vùng Tiểu Á.
Nhưng trong thành công lại đã mang sẵn mầm mống của suy tàn.
Thứ nhất, trật tự chính trị dân chủ ở Athènes không phải là sinh hoạt chính trị của tất cả những người dân sống trong Thành-Quốc này. Mà là những đặc quyền dành cho một thiểu số những người sinh ra tại Thành-Quốc Athènes là những người có tư cách “công dân”. Những người còn lại đều không có tư cách “công dân”. Đó là đàn bà, thanh thiếu niên, những người lai, những nô lệ, đến cư ngụ tại Athènes. Tức là trong xã hội vẫn còn tồn tại không ít thành phần lạc hậu, bảo thủ làm trở ngại cho sự phát triển của dân chủ.
Thứ hai, vì dân chủ trong bước đầu của nguyên mẫu, tất nhiên, chưa thể sáng chế ngay ra được những cơ chế sinh hoạt hoàn hảo. Nhiều khuyết điểm cần được tìm kiếm để hoàn thiện những cơ chế ấy. Chưa kể những khuyết điểm này lại còn gây ra những mâu thuẫn trong xã hội làm trì hoãn thậm chí suy giảm việc dân chủ hóa đời sống của cộng đồng. Những mâu thuẫn đủ loại, tạm kể ra mấy loại chính: Về quyền lực thực tế, giữa thiểu số thành phần xã hội qúy tộc giàu sang – tàn dư của thời cổ đại hơn 2000 năm trước CN – cha truyền con nối giữ những chức vụ lãnh đạo cộng đồng – và đại đa số dân thường, nghèo túng nhưng lại đươc dân chủ tiến thăng lên hàng công dân, chủ thể trong xã hội.
Vào thời điểm dân chủ xuất hiện ở Athènes, tâm tính người dân thành-quốc này còn rất bác tạp vì chịu ảnh hưởng từ nhiều phía khác biệt nhau, thậm chí còn kịch liệt đối nghịch nhau nữa. Về tư tưởng chính trị, cách nhìn về con người, về xã hội cũng không đồng nhất. Người thì phó thác số mệnh của mình cho những thế lực ở ngoài con người. Kẻ thì chỉ tin vào trật tự xã hội do chính con người thiết lập.
Do đó, mối quan tâm chủ chốt của những người có trách nhiệm lãnh đạo chính trị ở Athènes, vào thời điểm trên, là phải làm sao cân bằng được các quyền lực bác tạp ấy trong xã hội, để điều hợp và ổn định được cuộc sống chung ở Athènes. Nhìn dưới độ góc quan sát này, người ta hiểu vì sao Solon, Chlisthène l’Acmeonide, Pericles, Ephialte, những nhà cải cách, những nhà lập pháp, với bản lĩnh điều hợp xã hội cao, đã thành công rực rỡ. Và khi không còn có được những nhà lãnh đạo xuất chúng như thế nữa thì thành-quốc Athènes đã bị biến chất, từng bước tuột dốc suy tàn.
Thứ ba, chiến tranh và nội loạn. Hai lần chiến thắng cuộc xâm lăng của Ba Tư đã đưa Sparte và Athènes lên địa vị hàng đầu trong các Thành Quốc của Hy Lạp. Có thể nói hai Thành-Quốc này đã trở thành hai cột trụ, chói lọi vinh quang về các mặt chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, xã hội v.v… của Hy Lạp. Nhiều Thành-Quốc nhỏ yếu đã đến quy tụ chung quanh hai cột trụ này để được che chở. Sparte đứng đầu Liên Minh Thành-Quốc Péloponnèse trong khi Athènes lãnh đạo Liên Minh Thành-Quốc Délos. Cuộc nội chiến diễn ra vào những năm đầu thế kỷ thứ IV trước CN giữa Sparte và Athènes đã kéo theo sự xung đột võ trang giữa hai Liên Minh Péloponnèse và Délos. Mặt khác, trong nội bộ Liên Minh cũng đã nảy sinh những tranh chấp vũ trang giữa các thành viên của Liên Minh.
Nguyên nhân sâu xa của những cuộc nội chiến giữa hai Liên Minh và trong nội bộ Liên Minh nói trên là mộng bá quyền của Athènes và Sparte. Ý đồ này đã làm thay đổi những quan hệ dân chủ giữa người với người cũng như giữa thống trị với bị tri. Cơ cấu dân chủ bị biến chất, đưa cộng đồng trở lại nếp sống cũ với quan hệ giũa qúy tộc và bình dân. Đà phát triển dân chủ vì vậy bị bẻ gẫy.
Sự suy tàn của nền dân chủ non trẻ ở Athènes thật ra chỉ là những phản ảnh trung thành của sự vận hành, gần như tự nhiên, của xã hội Hy Lạp. Đã có sự lầm tưởng ràng lịch sử Hy Lạp giống như một con sông, chảy thẳng từ khúc quân chủ chuyên chế, trong áp bức, đến khúc dân chủ bình đẳng, trong tự do. Kỳ thực, xuyên qua lịch sử các Thành-Quốc, người ta đã chứng kiến một dòng chảy triển khai một chuỗi biến động của thử nghiệm dân chủ, xen lẫn với thủ thuật bám trụ chuyên chế, đi song song với những toan tính phục hồi địa vị cho qúy tộc. Chính cái lô gích này đã báo trước ngày tàn của các Thành-Quốc.
B. Quá trinh tan rã của các Thành-Quốc
Không ai đã có thể đoán trước được rầngThành-Quốc và Dân Chủ, mà sự xuất hiện vào thời điểm thế kỷ thứ VI trước CN, đã từng được chào đón như “Phép lạ Hy Lạp”, lại chỉ có một tuổi thọ không đầy hai thế kỷ. Tuy nhiên, người ta có cơ sở để nói rằng Thành-Quốc và Dân Chủ đã tự khai tử. Thật vậy, nhờ “Phép lạ” Thành-Quốc và Dân Chủ mà Hy Lạp bất ngờ đủ sức mạnh hai lần đánh bại cuộc xâm lăng của Đế quốc Ba Tư hùng cường, đến từ vùng Tiểu Á. Rồi sau đó, “Phép lạ” này còn mang lại cho Hy Lạp một loạt phát triển ngoạn mục về sức mạnh quân sự (hải quân ở Athènes, lục quân ở Sparte), về hải hành ngoại thương trong vùng Địa Trung Hải, tóm tắt, đã mang lại cho Hy Lạp thịnh vượng, tiến bộ chưa từng thấy. Chính những sự phát triển này đã dẫn tới sự xóa bỏ tình trạng Hy Lạp phân cắt nhỏ, với hàng trăm Thành-Quốc, để thay thế bằng một lãnh thổ quốc gia thống nhất và đơn nhất Hy Lạp mới. Mấy nguyên nhân chính sau đây đã thúc đẩy mạnh mẽ hiện tượng thế biến thay da đổi thịt này của Hy Lạp.
Nguyên nhân quân sự. Cuộc nội chiến đẫm máu giữa hai Thành-Quốc hàng đầu của Hy Lạp là Athènes và Sparte, kết thúc bằng sự chiến thấng của Sparte và sự sụp đổ của Athènes đã khiến cho các Thành-Quốc nhỏ theo nhau tan rã. Mặt khác, dưới gót chân chiến thắng của đoàn quân viễn chinh của Đại Đế Alexandre, các Thành-Quốc của Hy Lạp đã mất đi đặc tính đơn vị biệt lập để họp thành một không gian nhân xã rộng lớn, dọn đường cho một quốc gia với một lãnh thổ thống nhât.
Nguyên nhân văn hóa. Vẫn biết rằng Hy Lạp, vào thời điểm thế kỷ thứ VI trước CN, đã sáng chế ra nguyên mẫu xã hội là Thành-Quốc và nguyên mẫu chế độ chính trị là Dân Chủ và viết những trang sử mới cho văn minh Hy Lạp. Nhưng sau những thử nghiệm, theo dòng thời gian, người ta khám phá ra rằng hai nguyên mẫu này phải được tu chỉnh và tăng bổ. Vì chúng không giúp chấm dứt được chiến tranh đồng thời cũng không thiết lập được hòa bình cho xã hội. Nói cách khác, cả hai phát minh ấy đã không giúp giải quyết ổn thỏa được các vấn đề mà cuộc sống của cá nhân cũng như của tập thể đã đặt ra, như những thách đố mới. Bởi vậy, nhiều nguồn tư tưởng – hoặc cũ nhưng còn được ấp ủ trong đáy tầng sâu kín của xã hội, nay có dịp thức tỉnh, hoặc mới nảy sinh trước đòi hỏi của tình thế – đã xem xét lại, để đặt lại các vấn đề con người, các vấn đề xã hội. Theo chiều hướng chung phá vỡ khuôn khổ chật hẹp của Thành-Quốc.
Trước hết, phải kể xu hướng “cá nhân, phi xã hội, tuyệt đối sống theo tự nhiên”, của phái “Cynicism”, tạm dịch ra tiếng hán-việt là phái “Phi Liêm Sỉ”. Chủ trương của phái này là chối bỏ mọi nghi lễ, định chế, luật lệ, ước lệ do xã hội đặt ra. Vì họ chỉ muốn sống càng gần với trạng thái tự nhiên càng tốt, nghĩa là trạng thái không có ràng buộc, trước khi có xã hội. Lối sống này cần một thế giới mới, trong đó không có xã hội để con người không bị xã hội ép buộc phải xa rời tự nhiên. Thế giới này hiện không có, hay chưa có, nên nếu phải sống trong xã hội, những người thuộc phái Phi Liêm Sỉ đã coi khinh lễ, nghĩa, liêm, sỉ do xã hội áp đặt cho con người. Một trong những nhân vật hàng đầu, thuộc phái “Phi Liêm Sỉ” nổi tiếng trong lịch sử Hy Lạp là nhà hiền triết Diogenes of Sinope. Ông sống ngoài trời, trong một cái lu (vại) với một chiếc áo choàng, một bình bát, một cái bị, một cái gậy. Đã có không ít giai thoại về cách ứng xử của Diogenes đến nay còn được truyền tụng. Như việc ông cầm đèn đi giừa ban ngày và nói rằng “để tìm một con người”. Hay như mẩu đối thoại, ngắn ngủi và đầy giọng khinh bạc, giữa ông và Đại Dế Alexandre. Khi vị Vua của một vương quốc bao la trải dài trên hai lục địa Âu-Á này, một thời vang danh bốn bể, tới tìm ông nơi cái lu ông ở, hỏi ông có cần giúp đỡ gì hay không thì được ông trả lời rằng “Hãy xê ra, đừng che khuất Mặt Trời của ta”.
Như vậy, đối với những người theo phái “Phi Liêm Sỉ”, không có những thứ gọi là chính tri, chính phủ, tổ quốc v.vv…Như đã được thẳng thắn diễn tả trong lời tuyên bố sau đây : “Tôi không phải chỉ có một Thành-Quốc, mà cả một thế giới, để sống”. Tức là họ thiên về con đường đại đồng, tự coi mình như một “công dân của thế giới”, nói theo ngôn ngữ của Diogenes.
Một xu hướng khác nữa, trái ngược với đường lối Phi Liêm Sỉ, là phái theo chủ nghĩa “Khoái Lạc” Phải gạt sang bên một số thành kiến sai lầm và dung tục về ý nghĩa đích thực của chủ nghĩa “Khóai Lạc”, mới hiểu được cho đúng ý nghĩa ấy. Không chủ trương sống hoàn toàn theo tự nhiên như phái “Vô Liêm Sỉ”, những người theo chủ nghĩa “Khoái Lạc” quan niệm rằng sống là mưu tìm hạnh phúc. Và họ định nghĩa hạnh phúc của con người là không bị đau khổ dày vò. Và họ cho rằng con người phải có một luân lý sống sao cho diệt trừ được mọi đau khổ. Đồng thời họ đòi hỏi xã hội phải bảo đảm cho con người có được cuộc sống không đau khổ. Và sự bảo đảm nảy có thể là đối tượng của một “Khế Ước Xã Hội”, một hình thức giao ước cổ truyền trong các cộng đồng người. Mặc dù phái “Khoái Lạc”không chống lại xã hội, nhưng lập trường kết ước xã hội của họ đã không đi cùng chiều với cơ chế sống chung trong Thanh-Quốc.
Đối với một phái thứ ba, có tên gọi là phái “Khắc Kỷ”(stoïciens) thì trên đời này chỉ có một xã hội, một nước duy nhất đó là “Vũ Trụ” trong đó Thần và Người cùng sống chung, theo luật của tự nhiên. Dưới sự chi phối của luật tự nhiên này thì mọi người đều tự do và bình đẳng. Nhưng tự do và bình đẳng như thế nào, chẳng ai nghĩ ra cách thực hiện. Rốt cuộc, qui chế tự do, bình đẳng ấy chỉ còn là một khẩu hiệu suông. Chưa kể rằng những người theo phái Khắc Kỷ đã nghĩ ra cách giải thích sai lạc từ ngữ “tự do” để thích ứng với phong cảnh chính trị của xã hội. Như dưới chế độ quân chủ, không có “công dân”, chỉ có “thần dân” , nhưng đối với những người theo phái Khắc Kỷ, tự do chỉ là bản lĩnh của con người biết chế ngự được dục vọng của mình để tự mình làm chủ mình. Tự do trong nội tâm mới là tự do chân chính và cao qusy. Còn tự do ngoài xã hội chỉ là thứ tự do dung tục, tầm thường, có hay không có cũng không thành vấn đề.
Sau cùng, khi Đại Đế Alexandre trên đường viễn chinh đã đánh chiếm Hy Lạp khiến Hy Lạp bị lọt thỏm vào trong vương quốc mênh mông của người danh tướng này thì cả Thành-Quốc lẫn Dân chủ đà bị đẩy lùi vào trong dĩ vãng.
Mặc dầu vậy, Hy Lạp sẽ không còn có thể trở lại tình trạng chính trị xã hội trức khi chia ra Thành-Quốc và nguyên mẫu Dân Chủ Athènes sẽ trải qua cơn sốt vỡ da để tiếp tục lên đường lớn mạnh.
LS Trần Thanh Hiệp