Tin tức trong nước cho hay vào ngày 14.9 này Trung Quốc sẽ họp báo để công bố công hàm 1958 của cựu TT Phạm Văn Đồng liên quan tới chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Văn bản này đã có những giá trị gì vào thời điểm nó được đưa ra và hiện nay nó còn giá trị nào không?
Biểu tình của sinh viên VN ở Sài Gòn ngày 16.12.2007 chống Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa & Trường Sa. Photo courtesy of Blog OnlyU
Biên tập viên Nguyễn An đã đề nghị luật sư Trần Thanh Hiệp, tốt nghiệp cao đẳng công pháp và chính trị học tại đại học Pháp và hiện đang là chủ tịch Trung Tâm Việt Nam về Nhân Quyền trụ sở đặt tại Paris trả lời.
Sau đây là cuộc trao đổi giữa Nguyễn An và Luật sư Hiệp. Cũng xin được nhắc rằng ý kiến của luật sư Hiệp không nhất thiết phản ánh quan điểm của đài Á Châu Tự Do, và chúng tôi mong quý thính giả đóng góp thêm ý kiến.
Giá trị pháp lý
Nguyễn An: Kính chào luật sư Trần Thanh Hiệp. Tin tức trong nước nói là tòa đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội dự trù ngày chủ nhật 14 tháng 9 này sẽ tổ chức họp báo chính thức công bố công hàm của cố Thủ Tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà Phạm Văn Đồng ký cách đây đúng 50 năm, nội dung tán thành quyết định về lãnh hải của Trung Quốc và triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc. Là một người chuyên nghiên cứu công pháp quốc tế và cũng là luật sư từng hành nghề tại Pháp và Việt Nam Cộng Hoà trước đây, ông nhận định thế nào về mục đích của Trung Quốc trên phương diện pháp lý?
“Nội dung của bản văn gọi là công hàm ấy không hề nói gì tới việc chính quyền cộng sản Việt Nam vào thời điểm 14 tháng 9 năm 1956 công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa mà chỉ muốn thông báo cho Thủ Tướng Chu Ân Lai của Trung Quốc biết rằng phía Việt Nam cộng sản tán thành việc Trung Quốc “tuyên bố lãnh hải của mình là 12 dặm và Nhà Nước Việt Nam sẽ triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc”. LS Trần Thanh Hiệp
Trần Thanh Hiệp: Tôi hiện không có đủ tài liệu trong tay để nhận định thật chính xác về mục đính của phía Trung Quốc nên, để trả lời câu hỏi của ông Nguyễn An. Tôi chỉ có thể đưa ra hai giả thuyết.
Hoặc là Trung Quốc có được những yếu tố mới nào đó liên quan đến công hàm ngày 14.09.1958 của cựu Thủ Tướng Phạm Văn Đồng nên muốn công bố để làm tăng thêm tính thuyết phục của hệ thống lý luận chứng minh rằng chủ quyền trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa hoàn toàn thuộc về Trung Quốc.
Trái lại, trường hợp chính quyền Bắc Kinh không có yếu tố mới nào để trưng ra thì công hàm Phạm Văn Đồng sẽ vẫn chỉ là một sử liệu thứ yếu bổ trợ cho hệ thống bằng cớ đã được Trung Quốc viện dẫn từ nhiều năm nay trong suốt quá trình tranh chấp giữa hai nước để bảo vệ cho quan điểm coi hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc lãnh thổ của Trung Quốc.
Sự thật ra sao, tôi tưởng phải chờ cuộc họp báo dự đoán vào ngày 14 tháng 9 sắp tới mới biết rõ được.
Nguyễn An: Nếu chỉ căn cứ vào công hàm của ông Phạm văn Đồng, thì lập luận của Trung Quốc có vững chắc về mặt pháp lý không?
Trần Thanh Hiệp: Nếu chỉ bàn riêng về giá trị pháp lý của công hàm Phạm Văn Đồng thì sự khẳng định của Bắc Kinh rất khiên cưỡng nên chỉ là một sự khẳng định suông, không dựa được vào một cơ sở pháp lý nào thử hỏi làm sao có thể vững chắc được. Tuy đã rất rõ như thế, không cần phải bàn gì nhiều nữa nhưng tôi cũng xin khai triển thêm để đánh tan mọi nghi ngờ.
Trước hết, nội dung của bản văn gọi là công hàm ấy không hề nói gì tới việc chính quyền cộng sản Việt Nam vào thời điểm 14 tháng 9 năm 1956 công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa mà chỉ muốn thông báo cho Thủ Tướng Chu Ân Lai của Trung Quốc biết rằng phía Việt Nam cộng sản tán thành việc Trung Quốc “tuyên bố lãnh hải của mình là 12 dặm và Nhà Nước Việt Nam sẽ triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc”.
Lời tuyên bố ngoại giao này không có hiệu lực pháp lý ràng buộc của môt hiệp ước chuyển nhượng bởi lẽ rất giản dị là không hề có một hiệp ước đã được ký kết giữa hai bên. Mặt khác nếu có muốn cho rằng người ký công hàm với tư cách Thủ Tướng đã có lời cam kết thì sự cam kết này cũng không có giá trị. Chính quyền miền Bắc không thể tự quyền nhân danh chính quyền Việt Nam Cộng Hoà ở miền Nam để công nhận phần lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hoà là Trường Sa cho Trung Quốc.
Chính quyền cộng sản miền Bắc không có thẩm quyền về lãnh thổ này để công nhận do đó nó không thể có bất cứ hậu quả pháp lý nào đối với chủ quyền của quần đảo ấy. Bởi vậy cho nên Trung Quốc tuy có viện dẫn công hàm ngoại giao 1958 của Phạm Văn Đồng nhưng đã đưa ra một loạt bằng chứng khác đủ loại, từ lich sử qua pháp lý đến văn hoá, hành chánh để chứng minh cho tư cách người có chủ quyền trên Trường Sa.
Vai trò của Tòa Án Quốc Tế
Nguyễn An: Từ năm 1958 đến nay đã có biết bao nhiêu thay đổi nhưng người ta có thể cho rằng CHXHCNVN là nước kế tục của VNDCVH và VNCH. Vậy xin hỏi bức công hàm của Thủ Tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà Phạm Văn Đồng có giá trị ràng buộc các chính quyền kế tục nó trên lập trường nhất quán của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà hay không?
“Chính quyền miền Bắc không thể tự quyền nhân danh chính quyền Việt Nam Cộng Hoà ở miền Nam để công nhận phần lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hoà là Trường Sa cho Trung Quốc.” LS Trần Thanh Hiệp
Trần Thanh Hiệp: Theo tôi không thể có ràng buộc nào đối với CHXHCNVN cũng như đối với VNCH. Vẫn biết rằng VNDCCH hay CHXHCNVN cũng chỉ là hai hình thức cầm quyền của Đảng cộng sản nhưng công hàm Phạm Văn Đồng không thể ràng buộc gì CHXHCNVN vì tự bản thân nó công hàm này không có hiệu lực gì để ràng buộc cả. Đó là đứng về mặt pháp lý mà nói.
Còn về mặt chính trị liệu có sự ràng buộc nào hay không thì tôi không bàn vì đó là quan hệ giữa hai đảng cộng sản, và giả thử như Hà Nội vẫn còn phải ràng buộc với Bắc Kinh vì tình đoàn kết chiến đấu thì nhân dân Việt Nam trong mọi trường hợp không thể bị ràng buộc với Trung Quốc là kẻ xâm lăng được. Còn đối với VNCH thì chính quyền này có cam kết gì với Trung Quốc đâu mà bị ràng buộc?
Nguyễn An: Giả sử trong tương lai, cuộc tranh chấp lãnh thổ lãnh hải này giữa Trung Quốc và Việt Nam được đưa ra trước tòa án quốc tế, thì luật sư thấy có luận cứ nào để biện hộ cho sự bảo toàn lãnh thổ của Việt Nam không?
Trần Thanh Hiệp: Cứ theo hiện trạng của hồ sơ vụ tranh chấp Hoàng Sa-Trường Sa thì chúng ta có những luận cứ vững chắc, nhất là về mặt pháp lý để chứng minh rằng chủ quyền trên hai quần đảo này thuộc về dân tộc Việt Nam. Những luận cứ ấy không đơn giản nên không thể trình bày rành rọt trong một vài câu một vài đoạn được.
Nói chung nếu vụ tranh chấp Hoàng Sa-Trường Sa được đưa ra giải quyết theo đường lối quốc tế thì vì có Luật Biển nên sẽ khó có thể có giải pháp tranh tụng mà chỉ có giải pháp trọng tài. Trong trường hợp này theo tôi chúng ta sẽ có đầy đủ lý lẽ để một mặt bác bỏ tất cả các luận cứ của Trung Quốc và mặt khác xác định với bằng chứng vững chắc chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nguyễn An: Xin cảm ơn Luật sư Hiệp.
Trần Thanh Hiệp & Nguyễn An,
RFA 2008-09-14