Trước khi Chữ Quốc Ngữ[1] xuất hiện vào cuối thế kỷ thứ 16 do các giáo sĩ người Âu Châu sang Việt Nam truyền đạo, Chữ Nôm [2] là thứ chữ riêng của nước ta dùng để ghi lại tiếng nói của người mình. Chữ Nôm có phải là văn tự đầu tiên hay trước đó chúng ta đã có một thứ chữ khác? Đề tài về cổ văn tự được các nhà ngữ học, khảo cổ, học giả bàn thảo từ nhiều năm qua.
Theo Dương Quảng Hàm[3] “Dân tộc ta trước khi nội thuộc nước Tàu, có thứ chữ riêng để viết tiếng Nam hay không; đó là một vấn đề, hiện nay vì không có di tích và thiếu tài liệu, không thể giải quyết được”.[4] Nghiêm Toản[5] cũng cho rằng “Trước hồi Bắc Thuộc ta vẫn có tiếng nói riêng, còn chữ viết thì không biết ta đã có hay chưa?”[6]
Không bỏ lửng như Dương Quảng Hàm và Nghiêm Toản, các tác giả khác khác tiếp tục tìm tòi về cổ văn tự Việt. Kết quả các công trình nghiên cứu cho đến nay có 2 khuynh hướng trái ngược.
Giáp Cốt Văn & Kim Văn, Wikipedia
THỜI CỔ VIỆT NAM KHÔNG CÓ CHỮ VIẾT
Một cách gián tiếp, Lê Văn Siêu,[7] khi luận về văn tự đã khẳng định vào đời Hùng Vương, trước khi bị Tàu xâm chiếm, nước ta chưa có chữ viết: “ Sử có chép là nhà vua (Hùng Vương [8] đã một lần đi đánh miền Nam đến cửa bể Thần Phù, tức là đến Thanh Hóa nơi gốc cũ, thuyền bị gió cản không đi được, sau có một đạo sĩ xưng là La Viện xin cỡi thuyền đi trước dẫn đường để tam quân đi sau. Tự nhiên không có sóng gió gì nữa. Khi tấu khải trở về, La Viện mất. Vua truy phong là Áp Lãng Chân Nhân, lập đền thờ ở bờ sông để thờ. Lại cũng theo tục truyền, khi vua Hùng Vương Nam chinh đóng quân ở núi Khả Lao (Thanh Hóa), có nằm mơ thấy thần bảo rằng “Xin có cái trống đồng và dùi đồng giúp nhà vua thắng trận”. Đến lúc ra trận thì thấy trên không văng vẳng có tiếng trống đồng rồi quả nhiên được toàn thắng. Vua bèn sắc phong thần núi xã Đam Mê là Đồng Cổ Đại Vương, và đền thờ từ đấy gọi là Đồng Cổ Thần Từ (trong còn một cái trống bằng đồng cổ)”.
Trong phần chú thích, Lê Văn Siêu ghi: “Xin lưu ý: hồi này chữ Hán chưa được truyền vào Giao Chỉ, làm sao mà vua Hùng Vương có thể có chữ để phong cho thần là những Áp Lãng Chân Nhân với Đồng Cổ Đại Vương? Vậy việc đi đánh miền Nam có thể có thực, nhưng đặt duệ hiệu theo những tiếng Nôm nào đó, còn sự phong tặng chỉ là những thêm thắt của đời sau.” [9]
Cùng quan điểm Việt Nam chưa có chữ viết riêng cho tới khi bị người Tàu đô hộ và chữ Hán là văn tự đầu tiên chúng ta sử dụng, Vũ Thế Ngọc,[10] với nhãn quan khoa học, không chấp nhận lý luận nặng về tình cảm, nhẹ về khảo chứng: “Tự hào là con dân một nước văn hiến lâu đời, chắc chắn chúng ta đều hãnh diện khi chứng minh được rằng người Việt đã có chữ viết từ thời lập quốc. Tuy nhiên sự thật là cho đến nay (1987), chưa có một chứng kiện nào cho thấy ta có văn tự trước thời Bắc thuộc. Có lẽ chứng kiện còn đang chôn sâu dưới lòng đất hoặc ở ngay trên hàng ngàn trống đồng nhưng vì ta chưa tìm được cách đọc chăng?
Sự việc không có một văn tự ở thời cổ đại không chứng minh một điều nào hết. Việc có chữ viết dù có là một chứng chỉ đánh dấu trình độ văn minh của một dân tộc nào đó, nhưng điều đó không bao hàm logic trái ngược.[11]
Các phiến đá có khắc chữ được phát hiện CẢM TANG
CÓ MỘT THỨ CHỮ VIỆT THỜI THƯỢNG CỔ
Đa số các nhà biên khảo, học giả, sử gia đều cho rằng trước thời Bắc thuộc, khi chưa tiếp xúc với người Tàu và biết chữ Hán, dân tộc ta đã có một thứ chữ riêng để ghi tả tiếng nói của mình.
Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục của Quốc Sử Quán triều Nguyễn có ghi lời chú: “Dựa theo sách Thông Chí của Trịnh Tiều và sách Cương Mục Tiền Biên của Lý Kim Tường thì đời Đào Đường (2357-2258 TTL) ở phương Nam có họ Việt Thường qua 2 lần sứ dịch sang chầu dâng rùa thần. Rùa này có lẽ đã sống đến ngàn năm, mình nó đến hơn 3 thước (96 cm), trên lưng có chữ Khoa Đẩu ghi chép việc từ khi mới mở mang về sau. Vua Nghiêu sai chép lấy gọi là Qui Lịch”.[12]
Hoàng Đạo Thành,[13] tác giả Việt Sử Tân Ước Toàn Thư, tin rằng nước ta đã có chữ viết riêng từ trước thời Bắc thuộc: “Nước Nam đời xưa đáng lý phải có chữ, nếu không thì những việc cũ theo đâu mà ghi nhớ? Lúc Sĩ Thứ Sử (Sĩ Nhiếp) dạy chữ thì khi ấy mới học văn Hán, dùng chữ Hán vậy. Vì văn Hán thông dụng đã lâu nên quốc tự không còn truyền, không thể khảo ở đâu được. Thử xem dân miền núi thượng du đều có chữ dân cùng dùng với nhau, há lại riêng nước ta không có chữ ru?” [14].
35 chữ cái của lối chữ Châu, Thanh Hóa (tài liệU trong Việt Nam Cổ Văn Học Sử, Nguyễn Đổng Chi)
Nguyễn Đổng Chi[15] và Lương Đức Thiệp[16] cổ xúy cho lập luận trên, quả quyết trước thời vay mượn chữ Hán, Việt Nam đã có văn tự riêng nhưng vì trải hơn 1000 năm Bắc thuộc những dấu tích đã bị người Tàu tàn phá hết.
Lương Đức Thiệp đưa ra ức thuyết “về thời cổ dù mức sinh hoạt dân chúng Việt Nam còn thấp kém, nhưng khi xã hội đã bành trướng, có tổ chức, có một số dân khá đông, xã hội Việt Nam ngay từ buổi đầu bắt buộc phải tạo ra một thứ chữ để ghi chép những chuyện quan hệ xảy ra trong xã hội, trong gia đình, trong thôn xóm, hoặc ghi chép những thể lệ một đoàn thể. Thứ chữ ấy sau vì không tiện hoặc vì ảnh hưởng chính trị văn hóa Trung Quốc mà bị đào thải, nên ngày nay ta không còn thấy vết tích nào về thứ chữ đó cả.” [17]
Nguyễn Đổng Chi lý luận: “Một dân tộc đông và tiến hóa như dân tộc Việt Nam lẽ nào lại không có một văn tự riêng trong khi ba bề bốn bên người Tàu, Lào, Chàm ai nấy đều có cả”.
Thực tế thì người Lào, Chàm, Mường, Thổ kém văn minh hơn Việt Nam mà họ đều có chữ viết riêng để sử dụng từ thời xưa. Ngay như người Mường ở Phủ Tương, Phủ Quỳ thuộc tỉnh Nghệ An nằm sát cạnh nhau mà cũng có tới 2 thứ chữ khác nhau. Vương Duy Trinh [18] xác định trong sách Thanh Hóa Quan Phong “ Tỉnh Thanh Hóa một châu quan có chữ là lối chữ thập châu. Người ta thường nói “Nước ta không có chữ”. Ta nghĩ rằng không phải vậy. Thập châu vốn là đất nước ta, trên châu còn có chữ, lẽ nào dưới chợ lại không? Lối chữ châu là lối chữ nước ta đó”. Nhận định này khả tín vì người Mường hầu như không bị ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa và là di duệ chính của người Việt Thường. Lối chữ châu gần với chữ của người Lào hoặc người Miên, có tổng cộng 35 chữ cái. [19]
Kim Định [20] giải thích lý do tại sao không có dấu vết chữ viết trên trống đồng Đông Sơn: “Không thể thấy vắng bóng chữ viết trên trống đồng mà cho rằng Lạc Việt chưa có chữ bởi không viết có thể vì chữ chưa hình thành xong, hoặc tại lý do hay tin tưởng nào đó, chẳng hạn tin rằng đồ xài lâu năm có hơi hướng người chủ dính dáng chày ngày sẽ thành ma quỉ phá phách người sống, nên người không dám viết chữ. Chính vì thế đồ sứ xưa không hề có chữ. Có chữ ký vào mới xảy ra về sau, từ khi giao thiệp với Tây Phương đòi ghi chú, cũng như nhiều đồ đồng nhà Thương không có chữ…(Creel, trang 118)”.
Tiếp theo, căn cứ vào các dữ kiện của những học giả Tây Phương liên quan tới chữ cổ, Kim Định khẳng định Việt Nam đã có văn tự trước cả người Trung Hoa “Nhiều học giả nhắc tới thứ chữ cổ xưa và gọi là Điểu Tự,[21] và nơi khác có nói đến con rùa Việt Thường cống vua Nghiêu trên lưng có cổ tự.[22] Hai điểm trên hợp với lưu truyền xưa nói rằng chữ ban đầu viết theo lối chân chim hay con quăng. Đó là hình dáng rất hợp cho chữ VĂN ban đầu chỉ nét rằn ri trên gỗ, đá, ngọc…Vì thế tôi cho rằng Lạc Việt đã có công đầu trong việc đặt nền tảng cả cho chữ viết, và để ghi công đầu đó, tổ tiên đã đặt danh hiệu nước là Văn Lang. Đặt danh hiệu đó để nhớ bước đầu nhưng vẫn tiến và đã tới đợt “TỰ” (thanh), nhưng chưa kịp tiến sang đợt “THƯ” thì bị nạn xâm lăng, đành bỏ dở việc kiến tạo lại cho người xâm lăng tiêp nối” [23] (Khởi thủy chữ dựa trên hình dáng sự vật, giai đoạn bắt đầu này gọi là VĂN. Đây là chữ tượng hình (pictographique) tức là vẽ ra hình sự vật. Đợt sơ khởi này còn rất mộc mạc vì hình mới chỉ gợi ra một tượng hình lơ mơ, chưa gọi tên ra được nên thiếu rõ rệt. Nhiều giống dân như Indiens hay Mexicains kẹt lại ở giai đoạn này, không tiến lên được đợt TỰ (thanh âm). Với ý niệm rõ rệt đi theo từng hình cho nên chữ chỉ là tượng hình (pictogramme) mà chưa là tượng ý (Ideogramme). Tuy nhiên, vì đóng vai trò khai mở quan trọng trên đường bước vào văn hóa nên được gọi là VĂN mang ý nghĩa bao trùm cả các giai đoạn sau. Dần dần thêm âm vào hình thì thành đợt TỰ. Từ đó âm và hình nương nhau đẻ ra nhiều chữ và được viết trên thẻ tre hoặc lụa thì gọi là THƯ).[24]
Các phiến đá khắc chữ Lạc Việt CẢM TANG
Gần đây, trong khi nghiên cứu các đồ đồng Đông Sơn, Hà Văn Tấn đã phát hiện một số các hình nét là những dấu vết của chữ Việt cổ. Trên lưỡi cày và khí giới tìm được ở Thanh Hóa, các nhà khảo cổ cũng thấy một số dấu hiệu có tính cách qui ước mà theo Hà Văn Tấn thì những chữ này tương tự như các chữ khắc trên chiếc qua tìm thấy ở tỉnh Hồ Nam, Trung Hoa.[25]
Những hình khắc có tính cách qui ước tìm thấy trên vách đá ở Thượng Phú và Yên Lạc tỉnh Quảng Bình, Hang Kỳ tỉnh Thái Nguyên, Len Đất tỉnh Lạng Sơn, Mường Hoa (cao nguyên Tây Bắc) là những chứng tích tượng hình cụ thể của chữ Việt cổ.[26]
Các phiến đá khắc tự phù của người Lạc Việt_HUYỆN BÌNH QUẢ, QUẢNG_TÂY
Chữ khắc trên xương thú mộ táng vách động, HUYỆN VŨ MINH
Tháng 10 năm 2011 các chuyên gia của Hội Nghiên Cứu Văn Hóa Lạc Việt tỉnh Quảng Tây đã phát hiện mấy chục khối mảnh vỡ “xẻng đá lớn” và tấm đá có khắc đầy chữ Việt cổ tại di chỉ cúng tế “xẻng đá lớn” Cảm Tang thuộc thị trấn Mã Đầu, huyện Bình Quả, thành phố Bách Sắc. Ngày 19 tháng 12, 2011 chuyên gia lại đến hiện trường tiến hành khảo sát, nghiên cứu phát hiện khối đá có chữ viết lớn nhất dài 103 cm, rộng 55 cm, trên bề mặt khắc trên 1000 tự phù, phần lớn là chữ cúng tế và lời chiêm bốc. Căn cứ vào sự phân bố “xẻng đá lớn” hoàn chỉnh ở bên cạnh phiến đá có khắc chữ thì thời kỳ xuất hiện của phiến đá có khắc chữ cũng cùng thời kỳ với “xẻng đá lớn”
Chiếc qua đá cổ của người Lạc Việt SÔNG TẢ
Ngoài ra, vào tháng 11, 2011, hội nghiên cứu trên cũng phát hiện đàn cúng tế loại lớn của người Lạc Việt cổ trên núi Đại Minh, tỉnh Quảng Tây và tìm thấy được phù hiệu và bản vẽ. Theo Tưởng Đình Du, Chủ Nhiệm hội Giám Định Văn Vật Quảng Tây, thì phù hiệu và bản vẽ này khắc về cúng tế của người Lạc Việt vào “thời đại đồ đá mới”. Sau đó các chuyên gia cũng phát hiện một số lượng lớn phù hiệu chữ viết cổ khắc trên mảnh xương, đồ ngọc, đồ đá tại vùng đất có phân bố di chỉ cúng tế của người Lạc Việt tại huyện Vũ Minh và huyện Long An của thành phố Nam Ninh, huyện Điền Đông, thành phố Bách Sắc, thuộc tỉnh Quảng Tây. Những phù hiệu (câu bùa) này rõ ràng là câu đơn hoặc đơn biệt được chuyên gia cho là chữ viết của thời kỳ đầu.[27]
Trong quá trình tìm hiểu về chữ Việt cổ, Hà Văn Thùy đã thu thập được những dữ kiện sau đây:
- Văn bản chữ tượng hình của người Việt Cổ trên bình gốm tại di chỉ Bán Pha 2,[28] gần thủ phủ Tây An, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, có tuổi 12,000 năm.
- Chữ tượng hình khác trên yếm rùa tại di chỉ Giả Hồ, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, có tuổi 9,000 năm.
- Một số chữ tượng hình cổ phát hiện ở Sơn Đông, nơi cư trú trước đây của người Việt cổ.
- Chữ tượng hình được gọi là chữ Thùy của người Thùy tộc, một bộ lạc Việt xưa, hiện có khoảng 250,000 người sống ở Quí Châu.
So sánh tự dạng thì chữ tìm thấy mới đây ở Cảm Tang phức tạp hơn chữ tượng hình ở di chỉ Bán Pha 2 và ở Giả Hồ, nhưng lại đơn giản hơn chữ trên Giáp Cốt Văn [29] và Kim Văn.[30] Điều này cho phép giả định, hệ thống chữ Lạc Việt có thể bắt đầu từ Bãi Đá Sapa đi lên. Vì ở thời kỳ sớm nên chữ ở Bán Pha 2 và ở Giả Hồ còn đơn giản. Do có tuổi muộn hơn nên chữ ở Cảm Tang phức tạp hơn. Phải chăng chữ trên giáp cốt và đồ đồng Ân Khư là sự phát triển sau cùng của chữ tượng hình Lạc Việt.
Theo lịch sử sự hình thành của dân cư Trung Quốc thì trong thời gian này trên địa bàn Trung Hoa chỉ có người Việt sinh sống, người Hoa Hạ chưa hiện diện, chứng tỏ rằng đó là thứ chữ của người Lạc Việt.[31]
KẾT LUẬN
Sự phát hiện chữ Lạc Việt ở Cảm Tang tỉnh Quảng Tây năm 2011 là chứng tích rõ ràng cho thấy người Việt đã sáng tạo ra chữ viết từ hơn 4000 năm trước. Sự kiện này phá bỏ hoàn toàn quan niệm người Lạc Việt không có chữ viết và lịch sử chữ Hán phải được viết lại.
Chúng ta đã có văn tự riêng từ thời thượng cổ trước khi bị người Tàu xâm chiếm. Chữ Lạc Việt xuất hiện vào đầu thời đại “đồ đá mới” và hình thành vào thời kỳ đỉnh cao của “văn hóa xẻng đá lớn” (từ thế kỷ 40 TTL đế thế kỷ 20 TTL). Tuy nhiên thứ chữ tối cổ đó còn rất thô sơ mới đang phát triển và ở trong thời kỳ “Tự” thì phải bỏ dở vì ách thống trị của Tàu hơn 1000 năm. Cổ tự của Việt Nam đã mai một và bị hủy diệt bởi thế lực đô hộ của người Tàu (khi Sĩ Nhiếp đem chữ Hán vào nước ta đã cấm người Việt viết chữ tượng thanh đã quen dùng cho tới ngày đó).[32] Chính những thành đạt về chữ viết của Lạc Việt đã được người Tàu tiếp nối, dùng thứ chữ khắc trên Giáp Cốt Văn và Chung Đỉnh Văn của ta làm cơ sở phát triển và kiện toàn chữ Hán của họ sau này.
TRẦN BÍCH SAN, TS TRẦN GIA THÁI
CHÚ THÍCH
[1] Chữ Quốc Ngữ (chữ Việt chúng ta sử dụng ngày nay) do các mẫu tự La Tinh ghép thành, xuất phát từ nhu cầu truyền đạo Thiên Chúa của các giáo sĩ người Âu Châu. Giáo sĩ có công lớn nhất trong việc sáng chế ra Chữ Quốc Ngữ là các cố Gaspard de Amaral, Antanio de Barbosa người Bồ Đào Nha, Linh Mục dòng Tên Alexandre de Rhodes người Pháp.
[2] Chữ Nôm do chữ Hán (còn gọi là chữ Nho) của Tàu biến thể bằng cách dùng nguyên hình chữ Nho, hoặc lấy 2, 3 chữ Nho ghép lại. Chữ Nôm rất khó, muốn đọc và viết chữ Nôm phải tinh thông chữ Hán.
[3] Dương Quảng Hàm (1898-1946): giáo sư, nhànghiên cứu văn học, hiệu Hải Lương, sinh ngày 15 tháng 01, 1898, mất tích tại Hà Nội năm 1946, quê làng Phú Thị, tổng Mễ Sở, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm Đông Dương (1920), giáo sư trường Trung Học Bảo Hộ (Lycée de Protectorat thường gọi là trường Bưởi). Anh ruột là Dương Bá Trạc (trong ban biên tập Nam Phong Tạp Chí), em ruột là Dương Tụ Quán (sáng lập tạp chí Tri Tân).
[4] Việt Nam Văn Học Sử Yếu (Dương Quảng Hàm) trang 113.
[5] Nghiêm Toản (1907-1975): giáo sư, nhà nghiên cứu văn học, bút hiệu Hạo Nhiên, sinh ngày 05 tháng 03, 1907, mất tại nhà riêng ở Sài Gòn năm 1995, quê ở Nam Định, tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm Đông Dương., giáo sư Đại Học Văn Khoa (Hà Nội & Sài Gòn), Đại Học Sư Phạm (Sài Gòn)
[6] Việt Nam Văn Học Sử Trích Yếu (Nghiêm Toản) trang 41.
[7] Lê Văn Siêu (1911-1995): tốt nghiệp trường Công Nghệ Thực Hành ở Hải Phòng, đốc công nhà máy gạch Đáp Cầu thuộc sở Công Chánh Hà Nội (từ 1932), những năm 1940 hợp tác với nhóm Hàn Thuyên của Nguyễn Đức Quỳnh, Trương Tửu, Đặng Thái Mai…
[8] Hùng Vương: sử ghi 18 đời Hùng Vương trị vì từ năm 2879 TTL đến 258 TTL. Niên biểu này không được chính xác vì một đời vua không thể dài trên 100 năm.
[9] Việt Nam Văn Minh Sử Cương (Lê Văn Siêu) trang 68.
[10]Vũ Thế Ngọc: tốt nghiệp Cao Học Văn Học Việt Nam, trong nhóm sáng lập và chủ biên nhật báo Sóng Thần (Sài Gòn), chủ trương nhà xuất bản Eastwest Institute (California, Hoa Kỳ từ 1980).
[11] Nghiên Cứu Chữ Hán và tiếng Hán Việt (Vũ Thế Ngọc) trang 27.
[12] Quốc Sử Quán, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Bộ Văn Hóa Giáo Dục, Sài Gòn 1965, trang 31.
[13] Hoàng Đạo Thành, sử gia, nguyên họ Cung, khi đi thi Hương đổi ra họ Hoàng, hiệu Cúc Lữ, quê làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông, đỗ Cử Nhân năm Giáp Thân 1884, làm quan Đồng Tri Phủ, sau xin từ nhiệm về quê, cùng Đào Nguyên Phổ và các trí sĩ khác hoạt động trong phong trào Duy Tân.
[14] Việt Sử Tân Ước Toàn Thư, nguyên văn: “Việt quốc tùng cổ đương tự hữu văn tự. Bất nhiên tùng tiền sự duyên hà ký ức? Sĩ Thứ Sử văn tự chi giáo tắc chí thị thủy học Hán văn. Dụng Hán tự nhĩ. Hán văn thông hành ký cửu. Quốc tự toại bất phục truyền vô phục khả kháo. Thí quan, thượng du sơn đổng chi dân các hữu văn tự tương vi hành dụng khởi ưng quốc trung độc vô hồ?”
[15] Nguyễn Đổng Chi (1915-1984): nhà nghiên cứu văn học, sinh ngày 06 tháng 01, 1915, mất ngày 20 tháng 07, 1984, quê xã Hậu Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, viện trưởng Viện Hán Nôm. Trong thời gian làm việc ở Viện Sử Học đã phát hiện di chỉ đồ đá Núi Đọ năm 1960.
[16] Lương Đức Thiệp (? – 1946): nhà nghiên cứu xã hội học, thành viên của nhóm Hàn Thuyên và tạp chí Văn Mới gồm có Nguyễn Xuân Tái, Trương Tửu, Nguyễn Đức Quỳnh, Lê Văn Siêu, Đặng Thái Mai, Nguyễn Hải Âu, Phạm Ngọc Khuê…cộng tác với các báo Tri Tân, Tao Đàn, Thanh Nghị chuyên về văn học, xã hội học VN từ cổ đại đến hiện đại.
[17] Xã Hội Việt Nam (Lương Đức Thiệp), nxb Hàn Thuyên, Hà Nội, 1942.
[18] Vương Duy Trinh: tự Từ Cán, hiệu Đạm Trai, Hương Trì, quê làng Phú Diễn, huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Đông, đỗ Cử Nhân năm Canh Ngọ 1870, làm quan đến Bố Chánh, sau được thăng Tổng Đốc Thanh Hóa.
[19] Việt Nam Cổ Văn Học Sử (Nguyễn Đổng Chi): lục đăng và phiên âm 35 chữ cái của người Mường.
[20] Kim Định (1915-1997): tên thật Lương Kim Định, sinh tại Nam Định ngày 15 tháng 06, 1915, mất ngày 25 tháng 03, 1997 tại tiểu bang Missouri, linh mục, triết gia (tác giả triết thuyết Việt Nho), nhà nghiên cứu văn học, giáo sư Đại Học Văn Khoa, di tản sang Hoa Kỳ từ 1975.
[21] Điểu Tự (trong quyển Histoire Général de la Chine, Cordier, trang 68): theo cổ sử Trung Hoa, sử thần Thương Hiệt đời Hiên Viên Hoàng Đế nhìn vết chân chim nghĩ ra chữ viết.
[22] Khoa Đẩu: chữ viết trên lưng rùa của Việt Thường tiến cống vua Nghiêu vào khoảng thế kỷ thứ 23 TTL. Chữ có hình giống con nòng nọc (lăng quăng) đầu to, đuôi nhỏ.
[23] Nguồn Gốc Văn Hóa Việt Nam (Kim Định) trang 122, 123.
[24] Thuyết Giải Văn Tự (Hứa Thận): tự điển lâu đời nhất của Tàu, khoảng 100 STL. Giải nghĩa các giai đoạn cấu tạo chữ viết phỏng theo sách này.
[25] Hà Văn Tấn, Một số vấn đề văn hóa phùng nguyên, Nghiên Cứu Lịch Sử, số 112, 1968.
[26] Nguyễn Khắc Ngữ, Nguồn Gốc Dân Tộc Việt Nam, Nhóm Nghiên Cứu Sử Địa, 1985, trang 138-164.
[27] Website: news.xinhuanet.com (bản tin của Lý Nhĩ Chân đăng ngày 03 tháng 01, 2012). Tin này được dịch và công bố trên mạng Việt Học và trang Lý Học Đông Phương:
http: //diendan.lyhocdongphuong.org.vn/bai-viet/23954-chu-viet-co-o-nam-duong-tu
[28] Thôn Bán Pha: di chỉ cổ vào bậc nhất ở Trung Quốc, được gọi chung là nền “Văn Hóa Ngưỡng Triều”, một nền văn hóa 4000 năm TTL. Trong một số đồ đất có một số hình vẽ và ký hiệu có thể là cơ sở cho những chữ tượng hình nguyên thủy.
[29] Giáp Cốt Văn: loại chữ viết trên xương thú vật.
[30] Kim Văn: còn gọi là Chung Đỉnh Văn, là loại chữ viết trên chuông (chung), đỉnh (vạc) và các đồ đồng khác, vì vậy gọi là Kim Văn. Loại chữ này xuất hiện vào cuối đời nhà Thương (khoảng 1300 TTL).
[31] Hà Văn Thùy, Phát Hiện Chữ Việt Cổ ở Quảng Tây, website Việt Thức, ngày 16 tháng 02, 2012 www.vietthuc.org
[32] Terrien de Lacouperie, The Languages of China before the Chinese, tái bản ở Đài Loan năm 1970, page.54.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
– Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Hà Nội, 1944, Bộ Giáo Dục tái bản, Sài Gòn, 1968.
– Hà Văn Tấn, Một Số Vấn Đề Văn Hóa Phùng Nguyên, Nghiên Cứu Lịch Sử, số 112, Hà Nội, 1968.
– Hà Văn Thùy, Phát hiện Chữ Việt Cổ ở Quảng Tây, website Việt Thức, www.vietthuc.org February 16, 2012.
– Kim Định, Nguồn Gốc Văn Hóa Việt Nam, Dân Chúa, Hoa Kỳ, 1982.
– Lê Văn Siêu, Việt Nam Văn Minh Sử Cương, La Bối, Sài Gòn, 1967.
– Lê Văn Siêu, Văn Học Sử Việt Nam, Văn Học, Hà Nội, 2006.
– Lương Đức Thiệp, Xã Hội Việt Nam, Hàn Thuyên, Hà Nội, 1942.
– Nghiêm Toản, Việt Nam Văn Học Sử Trích Yếu, Hà Nội, 1949.
– Nguyễn Đổng Chi, Việt Nam Cổ Văn Học Sử, Hàn Thuyên, Hà Nội, 1942.
– Nguyễn Khắc Ngữ, Nguồn Gốc Dân Tộc Việt Nam, Nhóm Nghiên Cứu Sử Địa, Canada, 1985.
– Nguyễn Q. Thắng, Từ Điển Tác Gia Việt Nam, Văn Hóa, Hà Nội, 1999.
– Quốc Sử Quán, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Bộ VHGD, Sài Gòn, 1965.
– Vũ Thế Ngọc, Nghiên Cứu Chữ Hán và Tiếng Hán Việt, Eastwest Institute, Hoa Kỳ, 1998.
One Comment
Uyên Phương Minh Nguyệt
Nhờ đọc bài biên Khảo này UPMN mới biết dân tộc ta đã có văn tự riêng từ thời thượng cổ, vì bị thế lực đô hộ của người Tàu nên bị bỏ dở…Người Tàu đã tiếp nối những thành đạt về chữ viết của Lạc Việt để làm cơ sở phát triển chữ Hán của họ. Sự Tra cứu và khám phá của Học Giả Trần Bích San thật giá trị và sẽ lưu truyền lại cho con cháu đời sau biết rõ hơn chữ Việt thời thượng cổ trước khi chúng ta bị người Tàu xâm chiếm. Bravo Học Giả Trần Bích San với những bài biên khảo văn học that hay như bài này.Đây là nơi để các nhà nghiên cứu về văn học VIệt Nam tin tường tìm đến. Cám ơn Học Giả TBS đã để lại cho nền văn học Việt Nam một kho tàng giá trị.
UPMN