Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (phải) tiếp đón Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Nhà khách Chính phủ, Hà Nội, ngày 18/6/2014. AFP
Căng thẳng với Trung quốc đã lấn sang cả ngôn ngữ ngoại giao khi mới đây ông Dương Khiết Trì nói rằng chuyến đi của ông sang Việt Nam là để kéo đưa con hoang đàng trở về. Những người cộng sản Việt nam ngày càng ở trong một thế lưỡng nan giữa bảo về quyền lợi dân tộc và quyền lực của chính mình dưới danh nghĩa cộng sản.
Sau chuyến làm việc tại Việt nam, người phụ trách ngoại giao của Trung quốc là ông Dương Khiết Trì phát biểu với báo chí nước ông rằng chuyến đi của ông như một cố gắng kéo “đứa con hoang đàng’ là Việt nam về với Trung quốc. Phát biểu này của ông Dương được truyền thông quốc tế loan đi khắp nơi, và được nhiều người Việt ghi nhận với sự giận dữ.
Lời phát biểu này như là một cuộc phản kích lại tinh thần chống Trung quốc trong cuộc khủng hỏang hiện tại. Tinh thần này là kết quả sau lịch sử hàng ngàn năm xung đột của người Việt với nước láng giềng phương Bắc.
Không thấy có lời đáp nào từ phía chính phủ Việt nam về lời phát biểu trịch thượng của nhà ngoại giao họ Dương.
Cái khó của những nhà cầm quyền cộng sản tại Việt nam khi phải lên tiếng trong những trường hợp như thế này chính là cái nhãn hiệu cộng sản của họ, có cùng nhãn hiệu với những người cầm quyền bên Trung quốc.
Những người cộng sản có tinh thần dân tộc!
Giới quan sát bên ngoài thường có một nhận xét rằng trong thực tế là có những người trong đảng cộng sản Việt nam chống lại sự lấn lướt của Trung quốc trong quan hệ với Việt nam. Và có những sự việc cho thấy rằng không phải ý thức hệ có thể quyết định mọi ứng xử của những người cầm quyền hiện nay trong những chuyện có liên quan đến Trung quốc.
Tác giả Robert Kaplan, từ Hoa kỳ trích lời một quan chức ngoại giao cao cấp Việt nam cách đây vài năm là ông Nguyễn Tâm Chiến, ông Chiến nói rằng Việt nam không phải là một tỉnh của Trung quốc.
Một chuyện khác là việc Học viện Khổng tử, một cơ quan của chính phủ Trung quốc dùng để khuếch trương ảnh hưởng của họ trên thế giới chỉ đạt được thỏa thuận hồi năm ngoái, nhưng rồi không nghe nói gì tới nữa. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, người nghiên cứu về văn học Hán Nôm và có nhiều hiểu biết về Trung quốc nói với chúng tôi khi thỏa thuận thành lập học viện Khổng tử ra đời:
“Cái sức đề kháng của người Việt trước sự xâm lấn về tư tưởng, về văn hóa của người Tàu là một cái gì đó đã trở thành máu. Cho nên hễ nghe cái đó (học viện Khổng tử) thì có một phản xạ chống đối ngay lập tức. Vì vậy cái việc chậm chạp tiến hành một học viện Khổng tử như thế này nó cũng chứng tỏ là chắc có những người cũng có quyền lực và cũng rất tỉnh táo đã lên tiếng về vấn đề này. Mà đến bây giờ mà ký kết với nhau là thế chẳng đặng đừng.”
Những người có quyền lực ở đất nước này thì chắc chắn không ai khác là những người cộng sản.
Ông Robert Kaplan cũng dẫn lời ông Đặng Thành Tâm, có lúc là đại biểu quốc hội và là người đứng đầu một tập đoàn đầu tư lớn, ông Tâm nói rằng chủ nghĩa dân tộc Việt nam chỉ có một đối tượng, đó là Trung quốc.
Tinh thần dân tộc hay quyền lợi phe đảng?
Tuy nhiên có nhà quan sát, như Tiến sĩ Vũ Tường, chuyên quan sát chính trị và lịch sử Việt nam hiện đại từ đại học Oregon, Hoa kỳ cho rằng sự phản kháng bằng lời nói của các quan chức cộng sản trong các vụ xung đột với Trung quốc có phần là một sự phân công. Không xa quan điểm này là lời chỉ trích các phát biểu gần đây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông Dũng đã có những lời nói rất mạnh mẽ trên các diễn đàn trong và ngoài nước về hành vi lấn lướt của Trung quốc. Nhưng nhiều người nói rằng ông nói thế thôi chứ không có hành động gì, rằng ông nói thế là để xoa dịu lòng dân, và đồng thời tấn công phe đối nghịch của ông trong bộ máy cầm quyền.
Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, một trí thức bất đồng chính kiến trong nước nói rằng không phải các nhà lãnh đạo cộng sản không nhìn thấy vấn đề là gì, mà họ đang ứng xử như thế để giữ lấy quyền lực.
Theo nhiều nhà nghiên cứu về Việt nam thì thực ra cái vỏ bọc ý thức hệ hiện nay cả ở Trung quốc lẫn Việt nam đều chỉ là cái vỏ bọc mà thôi.
Trong bối cảnh đó sự xung đột về quyền lợi dân tộc với Trung quốc càng làm cho những người cộng sản Việt nam khó xử. Một mặt để duy trì quyền lợi và sự lãnh đạo, họ cần sự ủng hộ của Trung quốc, một nhà nước không đem những vấn đề dân chủ nhân quyền ra để gây sức ép. Nhưng mặt khác nếu không bảo vệ quyền lợi dân tộc và giải tỏa chủ nghĩa dân tộc Việt nam thì họ cũng sẽ mất đi sự ủng hộ của dân chúng cho sự cầm quyền của mình.
Trong cuộc khủng hoảng với Trung quốc hiện nay không những các nhà bất đồng chính kiến lên tiếng ủng hộ một liên minh với Hoa kỳ và phương tây để chống lại Trung quốc, cách đây vài năm ông Ngô Quang Xuân, một viên chức ngoại giao cao cấp cũng nói với tác giả Kaplan rằng sự hiện diện quân sự của Hoa kỳ trong vùng biển Đông là cần thiết để duy trì tự do hàng hải.
Trung quốc chưa bao giờ tán đồng sự hiện diện như thế.
Trong suốt lịch sử của mình, đảng cộng sản Việt nam đã sử dụng được chủ nghĩa dân tộc Việt nam trong các cuộc đấu tranh của họ để nắm lấy quyền lực, và như theo nhận định của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi mà chúng tôi đề cập ở trên thì trong số họ vẫn có những người cưỡng chống lại ảnh hưởng của Trung quốc. Song trước tình hình hiện nay, khi Trung quốc đã sử dụng đến những phương tiện bạo lực đồng thời với những lời lẽ trịch thượng trong ngoại giao thì những người cộng sản Việt nam lại gặp phải sự lưỡng nan trong việc duy trì quyền lực đồng thời phải thỏa mãn tinh thần dân tộc mà họ đã sử dụng trong quá khứ, như những nhận định của nhiều nhà quan sát trong và ngoài nước.
Kính Hòa, RFA
2014-06-24