Câu Chuyện Tháng Bảy [bài 1]
Thế Sự Du Du, Nại Lão Hà
(Thuật Hoài – Đặng Dung)
Hôm nay, ngày sanh nhựt, già thêm một tuổi, cá nhơn người viết chúng tôi bổng ngồi nhớ đến một người bạn già, nay đà khuất bóng, ông anh Hồ Minh Châu. Nhớ mãi hôm tháng bảy năm ấy, chúng tôi lên xứ Paris chơi, ngủ trọ lại nhà anh. Tối đến, cơm nước xong, hai anh em, ngồi trên bao lơn, ngắm ánh đèn Paris rực sáng ở chân trời trong màn đêm mùa hạ, chia xẻ ấm trà, chia sẻ tâm tình. Và anh, bổng tâm sự với chúng tôi cái bó tay, cái bất lực của tuồi 80 của anh trước thời cuộc, trước vận mạng hầu như vô vọng của đất nước mình. Anh nghĩ rằng chúng ta chắc phải chấp nhận bỏ mình trên quê người. Anh e rằng phải nhận nơi nầy sẽ là nơi cắm dùi thân thể mộ phần cho con cháu đời sau cúng vái, và có thể cũng là nơi xây dựng một giòng họ mới bắt đầu trên đất người – một giòng họ hải ngoại bắt đầu là Pháp tịch và sau đó là là Pháp tộc ? Và để kết luận, anh đọc cho chúng tôi bài thơ Thuật Hoài của người anh hùng Nhà Hậu Trần, Đặng Dung (1373 ?-1414). Hôm nay, cũng trong tháng bảy nầy, bước thêm một bước vào cái tuổi già của cá nhơn chúng tôi, bài thơ nầy vương vấn trở lại với chúng tôi, mãnh liệt, với tất cả những ý nghĩa của nó. Câu thơ đầu tiên của bài thơ bất hủ của Đặng Dung trước thời cuộc nước Đại Việt năm xưa của chúng ta đã tả đúng tâm trạng của ngày hôm nay của chúng tôi, trước những diển biến của thời cuộc của những ngày vừa qua của thế giới và đặc biệt của đất nước quê hương Việt Nam chúng ta.
1. Thế Sự Du Du
Phải, đúng vậy, thế sự du du, tình hình thế giới và ngay cả trong Việt Nam đang biến động :
Thế giới:
Tình hình kinh tế Âu Mỹ, nơi những quốc gia người Việt tỵ nạn Cộng sản Hải ngoại chúng ta cư ngụ đông nhứt vẫn chưa mấy chi ổn định. Huê Kỳ, cái đầu tàu kinh tế thế giới, nay tuy có khá hơn xưa đấy, nhưng vẫn còn trong trạng thái đang thời kỳ phục hồi. Còn Liên Âu, anh đồng minh của Khối Tự do Tư bản vẫn còn bấp bênh, đồng Euro vẫn còn cao một cách giả tạo, khó khăn cho ngoại thương. Nước Đức vẫn phải đơn phương tiếp tục gánh vai trò tiên phuông dẫn dắt con tàu kinh tế Liên Âu với bao nỗi khó khăn và hy sanh của dân chúng mình. Liên Âu còn lãnh thêm vai trò bạc bẻo là làm đất lành cho các bầy chim lạc đàn đi tìm nơi trú ẩn : các quốc gia nghèo khổ nhứt của cựu khối Liên Sô như Roumanie, Bulgarie hay thuộc cựu Liên Bang Nam Tư như Kosovo, Montenegro …đang và đã những gánh nặng của Liên Âu rồi, nay Liên Âu còn phải mang thêm những cục nợ mới Bélarus, Macédoine và Ukraine nữa… Ấy là chưa kể tất cả những dân nghèo khổ của thế giới từ tận cùng của Phi Châu đen, hay nạn nhơn của những cuộc chiến tôn giáo ở Trung Đông, A Phú Hản, I Rắc, hay ngay đến cả những công dân bên lề của những cường quốc đang lên như Trung Hoa Cộng sản, hay Pakistan hay cả Thổ Nhỉ Kỳ, làm như Liên Âu là Thiên Đàng nhơn loại vậy! Cũng chỉ vì hai chữ Dân Chủ và Tự Do, mà hằng ngày vào mùa hè biển êm gió lặng nầy từng đoàn tàu vượt Địa Trung Hải tắp vào các đảo miền Nam Âu Châu như Ý và Tây Ba Nha. Những cảnh tượng kinh hoàng của những boat people-thuyền nhơn Việt Nam thời 1980 đang diễn lại ở Âu Châu, với những chiếc tàu chở quá tải đang đắm, người sống lẫn lộn người đã chết vì ngột thở, vì chết khát …. Giấc mộng Âu Châu Đại Đồng Thạnh Vượng–European Commonweath đâu chưa thấy, chứ khối Liên Âu thắt lưng buộc bụng đang là câu chuyện hằng ngày của mỗi công dân của 28 quốc gia đoàn viên. Sợi giây thun kéo quá e rằng có ngày phải đứt chăng? Khủng hoảng kinh tế vẫn còn, nhưng với những chương trình, với những bài thuốc để phục hồi kinh tế quá khắc khổ, e rằng sẽ giết những con bệnh?
Riêng về nước Pháp chúng tôi, cơn bệnh càng ngày càng trầm trọng, nhưng có lẽ những người cầm quyền, những nhà kinh doanh, và ngay cả những công dân chẳng ai muốn lành bệnh cả. Trên hai năm cầm quyền của một Tổng Thống phe Xã hội, trên một trăm ngày cầm quyền của một Thủ Tướng, tất cả hứa hẹn vẫn còn vị trí hứa hẹn, vì tất cả bị cột cứng trong những giáo điều lỗi thời đội lốt cấp tiến, xã hội, nhưng thật sự rỗng tếch, mỵ dân. Kết quả ngày nay, nước Pháp chúng tôi đang đứng bên bờ vực thẳm, những chương trình cải tổ để canh tân của Tân Thủ Tướng đều bị cản trở, vì vậy bắt buộc ông chuyển qua hướng lưng khừng tiến không tiến lùi không lùi, vì một bên đang bị chính các dân biểu của Đảng Xã hội phe mình, vì quyền lợi cá nhơn kiếm phiếu chống đối, phía bên kia phía đối lập phái hữu, vì đối lập phải chống đối, nhưng không một đề nghị cụ thể ra hồn nào, trái lại phe cựu cầm quyền hoàn toàn tan rã do đấu tranh quyền lực nội bộ và biển thủ công quỹ quốc gia…Và nguy hiểm hơn, ngày nay, cả nước Pháp đang ngã theo hướng mỵ dân cực hữu, đầy nghịch lý, chỉ trích nhưng không đề nghị, phá hoại nhưng không xây dựng, nhưng mỵ dân, rất dân tộc tánh, chống ngoại lai và nguy hiểm hơn chống ngoại nhơn. Nước Pháp, và cả Âu Châu đi dần vào con đường Cực Hữu, Phát Xít? Những chủ nghĩa Hít Le, Mussolini đang phục hồi, trở lại?
Anh Tây của chúng tôi đang sống trong ảo tưởng thời quyền quý, vì đã có truyền thống là dân Tây dám chặt đầu Vua, nên mỗi anh Tây cầm quyền đều muốn làm Vua cả ? Chế độ Cộng Hòa Pháp là chế độ Quân Chủ do dân bầu ? Phải nhưng cứ nhìn xem xứ Pháp : một xứ Cộng Hòa Dân chủ mà dám nuôi một đoàn quân kỵ mã hầu cận, mang tên là Đoàn Bảo vệ Cộng hòa – La Garde Républicaine, nhưng thật sự có khác chi những Gardes Impériales – Đoàn Bảo Vệ Hoàng Gia, Ngự Lâm Quân của những quốc gia Quân chủ như Anh Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển. .. Các quan chức Pháp – công chức một xứ Cộng Hòa, mà vẫn tiếp tục sống trên nhung lụa, nhà, xe, người phục vụ … đầy rẩy. Nội các mới, với một Thủ Tướng tự tuyên bố là đầy nhiệt tình ái quốc, đầy lòng phục vụ, cải tổ canh tân, nhưng khi di chuyển trong thành phố lại dùng đến hai xe hộ tống trước, hai xe hộ tống sau, chưa kể đoàn mô tô mở đường … và vừa qua các báo chí đã cho biết đoàn xe chạy vượt tốc độ trong Paris với vận tốc 160 cây số một giờ. Việc gì mà phải đi gấp gáp như vậy? ở thế kỷ 21 nầy, mọi chuyện đều có thể giài quyết bằng điện thoại di động, smartphones? Mồm thì nói phải giảm tốc độ xe cộ để giảm hàm lượng CO2 thải dơ bẩn vào không khí, giảm tốc độ để tiết kiêm nhiên liệu. Việc làm và lời nói không hợp nhau. Đâu là Đạo đức? ăn xài xa xí, trong cái khó khăn của dân chúng.
Cái đạo đức là cái khó tìm nhứt của ngày nay. Tiệc tùng, ăn nhậu ca hát, để quên cái khó khăn. Đài truyền hình ngày nay là hết Giải Túc Cầu Thế Giới, Brésil…lại đến Tour de France, Vòng Đua Xe Đạp Quanh Nước Pháp. Chưa kề vừa cùng lúc nào giải Wimbledon, nào là giài Xe Hơi Đua Formule 1 mỗi Chúa Nhựt, và cũng mỗi Chúa Nhựt nào Ngựa Đua, Cá ngựa, giải nầy giải khác, và Loto, và Lotterie. Vé Số nước nào cũng có, nước càng nghèo càng nhiều Loto, nhiều cơ sở giải trí. Disneylands …Las Vegas. « Panem et circenses » – bánh mì và trò chơi. Nhậu, Dzô và Vé Số là cuộc sống hằng ngày của nhơn loại. Thật là “Vô cùng thiên hạ nhập hàm ca”.
2. Thời lai đồ diếu thành công dị, Vận khứ anh hùng ẩm hận đa
Đây chỉ nói về kinh tế, còn vấn đế quân sự ? Đông Âu, Trung Đông, Trung Á và Phi Châu hiện nay là những điểm nóng. Đó là những chiếc nôi của những cuộc tranh chấp, thoạt nhìn, chỉ là là tranh chấp cục bộ, nhưng có thể thành thế chiến. Đông Âu chẳng hạn, thoáng nhìn chỉ là một tranh chấp riêng của người Ukraine với nhau giữa hai hướngchánh trị: một của chánh quyền và một của những vùng miền đông tựly khai. Một bên chánh quyền lựa quan hệ ngoại giao với Liên Âu và nhóm ly khai miền Đông muôn giữ ảnh hưởng Liên bang Nga. Thêm vào bán đảo Crimée xưa của Ukraine, nay qua một cuộc trưng cầu dân ý giả tạo đã hoàn toàn phụ thuộc vào Nga. Một Crimée nay hoàn toàn Nga hóa và vùng miền Đông Ukraine đang ly khai nội chiến phản loạn để được lệ thuộc Nga là một viễn ảnh không sáng sủa đang ám ảnh nhiều người Việt tỵ nạn hải ngoại chúng tôi. Những biến cố tranh chấp tuy cục bộ nhưng rất nhiều máu lữa ấy là một gánh nặng kinh tế cho các cường quốc Âu Mỹ. Dù muốn Hòa bình, dù muốn không tham dự, Mỹ và Tây Âu cũng bắt buộc hao tiền tốn cuộc để cố gắng giúp các chánh quyền địa phương giữ những đất đai thành lủy mình. Với Syrie, với cuộc kháng chiến chống chánh quyền Tồng Thống độc tài Bachar el Assad, gia đình trị bị cả thế giới lên án nên thoạt đầu thế giới tiên tiến ngã hẳn về phe kháng chiến, mong muốn thay đổi nhà độc tài Bachar. Thế nhưng ngày nay, vì nhóm kháng chiến đang bị Al Quaida cướp quyền và bị cả nhóm ISIS chiếm đoạt, nên thế giới Âu Mỹ đang phải thay đổi quyết định, bắt buộc thành lập một liên minh kỳ quoặc, Liên minh Âu Mỹ với Nga (Tàu ?) và Iran Hồi giáo ShiA để chống lại nhóm ISIS và Hồi Giáo Sunni quá khích !
Đúng là “thời lai đồ điếu thành công dị”. Những tên đồ tề, những tên thợ câu vẫn có thể thành công như Phàn Khoái hay Hàn Tín thuở xưa hay gần hơn ở nước Việt Nam ta tên Thiến Heo Đỗ Mười hay tên Cai Đồn Đìền Lê Đức Anh. Và nhờ vậy Bachar el Assad thoát chết, không bị giết như Khadafi hay Saddam Hussein chỉ vì nhờ ISIS, nhóm khủng bố Sunni đang lớn mạnh và nguy hiểm. Nhưng nào có yên đâu, Israël lại bắt đầu đánh bom các thành phố của nhóm Palestine Hamas (ShiA) cầm quyền. Và Phi Châu Đen ngày nay ? Phi Châu Đen vẫn chưa ổn định, quân đội Pháp vẫn còn phải làm nhiệm vụ cảnh sát để bọn khủng bố Hồi giáo Sunni quá khích đừng quá hoành hành. Tốn tiền hao của vì phải viện trợ trang bị quân đội, thêm phải lo những chương trình tỵ nạn : trại tỵ nạn, cứu trợ, bệnh viện…Và lo lắng hơn, những chương trình di cư, nhận người di cư… trong lúc nền kinh tế đã gặp khó khăn. Thật là “Vận khứ anh hùng ẩm hận đa”.
Những khó khăn ấy cũng là những trở ngại của thế giới để giúp đỡ Việt Nam nếu Việt Nam gặp đại họa Hán Hóa. Và đó là những dữ kiện khách quan để Trung Cộng rãnh tay cưởng hiếp các quốc gia láng giềng Đông Nam Á. Nếu không có những địa thế chánh trị và chiến lược quan trọng, khó có thể kêu gọi sự giúp đở của các cường quốc dân chủ. Những Vị trí địa lý chiến lược như Nhựt Bổn Đại Hàn, Phi Luật Tân hay Đài Loan là những lợi điểm chiến thuật và chiến lược cho một bàn cờ vây ( Cờ Go) chung quanh Trung Hoa Lục Địa.
Việt Nam có những lợi điểm chiến thuật, nhưng cũng có những bất lợi. Lợi là cửa ngõ ra Vịnh Thái Lan là bao lơn ngó Biển Đông, hành lang tiếp vận Bắc Á. Bất lợi là chung biên giới với Hoa Lục khó bảo vệ dễ bị dân quân Hoa Lục tràn ngập. Khác với những Nhựt Bổn,Đại Hàn, Đài Loan, Phi Luật Tân đều những đảo hay bán đảo. Đại Hàn thất thế nhứt vì có Bắc Hàn có biên giới chung với Hoa Lục. Nhưng Đại Hàn là một đồng minh xưa với Mỹ. Và Đại Hàn đã có những kinh nghiệm và từng chứng minh sức phản kháng mạnh mẻ với Cộng sản quốc tế. Còn
Việt Nam:
Việt Nam? hay Yế Nản hay Duệ Nàn tùy phát âm Nam Hoa hay Bắc Hoa, hay tùy nếu ta thuộc tỉnh Quảng Đông như thuở Bắc thuộc thời Đông Ngô hay ta ta tùy thuộc Trung ương Bắc Kinh. Câu hỏi lớn ngày nay mỗi người Việt Nam trong nước phải tự đặt ra và phải hỏi nhà cầm quyền cộng sản Hà nội là chúng ta còn Độc lập và Tự chủ không ? Ba tiều đề đật trên quốc huy Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là Độc lập, Tự do, Hạnh phúc. Ngay nay còn cái nào ?
Tự do cho ai ? cho người dân chắc chắn không có rồi, vì mỗi mỗi hành động, nhứt cử nhứt động đều phải xin, phải chạy chọt, chế độ cai trị dân hiện hành là chế độ xin cho, biếu cấp, không có quyền của người dân tự nhiên, chỉ có những cấp, phát, đặc ân, do mua chuộc đổi chác do một chế độ độc tài đảng trị điều hành, nhưng khác với một chế độ độc tài khác Việt Nam có một chế độ độc tài giải quyết bằng thương lượng mua bán.
Còn đất nước, còn quốc gia? Nuớc Việt Nam là một quốc gia có Tự do hành động không? Tự do quyết định không ? nói tóm lại có Tự chủ và Độc lập không? Cũng là không nốt. Điển hình từ hai tháng nay từ ngày Giàn khoan thứ nhứt Hải dương 981 rồi Giàn khoan thứ hai Nam Hải 9, rồi đến Giàn Khoán thứ ba, thứ tư? … đến hoạt động công khai không xin phép trong hải phận Việt Nam một cách ung dung tự tại, chẳng thấy Việt Nam phản kháng, chẳng chống đối nếu không chỉ vài cuộc biểu tình biểu diễn lẻ tẻ , vàilời tuyên bố vu vơ, vài cuộc họp lấy lệ, không đạp bàn, xô ghế, không giận dữ bỏ đi, không đuổi Đại sứ Tàu đi, không triệu Đại sứ ta về ? Và đau đớn thay, bắt, cấm cả những người phản kháng ôn hòa chống Bán nước, chống Bán biển, chống Tàu, chống Giặc ! . Chẳng những thế, mà nhà Cầm quyền Trung Cộng còn cấm các thuyền Việt Nam bất kể là của công lực Việt Nam hay là của các ngư phủ hoạt động ngư nghiệp tư nhơn Việt Nam đến gần các giàn khoan, thoạt đầu 1 rồi 2, rồi 9 nay là 12 hải lý – tương đương với hải phận một quốc gia. Như vậy, kể từ nay Giàn khoan đặt ở đâu là địa phận Trung Cộng đó, và các hoạt động hải nghiệp hay ngư nghiệp đều phải tôn trọng cái hải phận 12 hải lý ấy – mà cải làm sao được, khi đồng chí 16 chữ vàng của Đảng Cộng sản Trung Cộng, Thủ Tướng Cộng sản Việt Nam Phạm Văn Đồng đã cổ vũ năm 1956 ! Thế là Cả nước Việt Nam, cả người dân Việt Nam không có Tự Do, chẳng có Độc lập.
Và Hạnh Phúc? Nếu ngày ngày có ba bửa ăn là Hạnh Phúc thì dân Việt Nam nói chung là có Hạnh Phúc. Cũng như ba Con khỉ, con bịt tai, con che mặt, con bụm miệng Không nhìn, Không nghe, Không nói. Thế là Hạnh Phúc ! chỉ biết tìm miếng ăn tìm miếng uống, tứ khoái với bản thân. Lễ lạc, Hân hoan là ăn là nhậu. Một thùng Ladze, một chai Cognac Dzô. Sáng xỉnh, chiều say, tối gật gù… Con người sinh vật (homme biologique) với Sống Yên, Sống Ổn. Cộng sản Ta, Cộng sản Tàu đều Cộng sản cả. Mất nước, Hán hóa ! xá gì ba cái lẻ tẻ ấy. Có lẽ vì thấy chả ai xuống đường chống Tàu cả và cây bút Song Chi trong một bài biết đã dùng từ «lờn thuốc». Ý muốn nói là «quen thuốc» nên không sao đâu — No star where! [à la Mỹ lóng]
Và Nhà nước Việt Nam làm gì trước những hành động ngang ngược của Tàu ngày nay? Một mặt kêu gọi dân tôn trọng tình hữu nghị 16 chữ vàng, một mặt, qua bộ phận chánh phủ lên tiếng phản kháng Trung Cộng xâm chiếm Việt Nam, để dân yên lòng.
Tài thật! đúng là bộ mặt thật của Cộng sản quốc tế, một bản kịch được dàn dựng tinh vi: Một bộ phần nhỏ của bộ máy cầm quyền Việt Nam (1/4) đại diện bởi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hăm dọa kiện tụng, la ó, phản đối, kêu gọi quốc tế , Liên Hiệp Quốc, bạn bè năm châu … Bộ phận lớn gồm ba phần tư còn lại nín khe ù ơ dí dầu… Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc Hội, và đặt biệt Chủ tịch Đảng, cơ quan đầu não chế độ, tất cả im thinh thích. Làm như việc Trung Cộng xâm phạm lãnh thổ, làm như Trung Cộng xâm chiếm Việt Nam là chuyện riêng của một chánh phủ, của một nội các, một bộ phận với một chức năng điều hành tạm thời lúc nào thay thế cũng được. Còn Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội đại diện Quốc Hội là Nhơn dân và đặc biệt Chủ tịch Đảng là cái bất di bất dịch vĩnh viễn « môi hở răng lạnh với Trung Cộng anh em trước sau như một đời đời nhớ ơn Mao Xù Xì, Mao Xếng Xáng ». Cũng nên nhớ đối với Chủ nghĩa Cộng sản, không có Quốc gia và không có Tổ quốc, Tổ quốc là Xã hội Chủ nghĩa, Xã hội Chũ nghĩa là trên tất cả, đất nước thuộc về Xã hội Chũ nghĩa Đại đồng, Nhơn dân Vô sản làm chủ. Không bao giờ có một Tổ quốc Việt Nam cả. Never !
«chúng ta Nhơn dân Việt Nam đánh Mỹ là đánh cho Xã hội Chủ nghĩa cho nhơn dân Liên Sô cho nhơn dân Trung Quốc» Cộng sản Lê Duẩn đã nói như vậy, và các hậu duệ của Cộng sản Lê Duẩn đã hãnh diện nêu câu nói trên lăng Lê Duẫn.
Nếu tay Thủ Tướng không bằng lòng, và chánh phủ ngày hôm nay tuyên bố kiện Tàu Cộng. Ngày mai ta chỉ cần thay đổi Thủ Tướng, là huề cả làng. Nguyễn Tấn Dũng chỉ lãnh vai trò làm kép độc của màn cải lương hò Quảng, «Phản đối Tàu».
Nhưng thật sự Tàu có dám đánh Việt Nam không? Sự thật là không. Quân đội Tàu là Quân đội «Con Một». Một vạn thằng lính Tàu là một vạn Cậu Ám, một vạn thằng nối dõi tông đường cho một vạn gia đình. Chế độ « một con » đã làm thành « chế độ quý tử ». Dân Tàu không dám chết cho ai cả, Tổ quốc, Đảng, hay Dân tộc gì cả. Tất cả để hù doạ chiến tranh . Hù dọa chiến tranh để cũng cố nội bộ Đảng – lẫn của Tàu lẫn của Ta – Hù dọa chiến tranh là dọa để xài tiền mua vũ khí không bị chỉ trích. Hù dọa chiến tranh là để ổn đinh tình hình bất công giữa công dân thành thị và công dân nông thôn, giữa giai cấp quan quyền thành thị ven Biển phía Đông, và giai cấp quan quyền cán bộ nông thôn lục địa phía Tây. Hù dọa chiến tranh để tạo bất ổn vùng Đông Nam Á để đi tìm chư hầu. Chiến thuật nầy là một chiến thuật rất cổ điển của Tàu có từ thời Tam Quốc. Bắc Ngụy Tào Tháo vẫn dùng, giòng dõi Tư Mã vẫn dùng để chiếm toàn bộ Trung Nguyên.
3. Nhưng còn Sức chiến đấu người Việt Nam trước nạn Hán Hóa?
Thật sự mà nói đất nước Việt Nam đã bị xâm chiếm từ lâu rồi. Chỉ còn người Việt Nam chưa bị Hán Hóa thôi.
Người Việt chúng ta có một biệt tài, chúng tôi nói đại khái và xin hẹn bài 2 tuần sau để phân tách nhiều hơn. Người Việt Nam chúng có một sức tiêu thụ và hấp thụ văn hóa nhập cảng đại tài. Chúng ta ăn và tiêu hóa mọi văn hóa nhập cảng. Tất cả văn hóa người vào ta, thành của ta cả. ngành ăn uống ẩm thực chẳng hạn ; Bơ Bretell tây biến thành ta ; Maggi tây biến thành ta ; Sữa đặc có đường tây cũng thành của ta ; Cà phê cái nồi ngồi cái cốc tây nay chỉ có phe ta xài thôi… Văn hóa Tàu sau 1000 năm đô hộ, dân Việt nuốt trửng, nuốt gọn văn hóa Tàu, và dân Việt vẫn dân Việt không biến thành dân Tàu được. Trái lại nơi nào đông người Việt nó khinh thằng Tàu ra mặt. Người Tàu Quảng Đông, Phúc Kiến, Hẹ, Tiều, … bao nhiêu sắc dân sống trên lục địa Tàu đều bị Hán hóa dễ dàng. Mông cổ chiếm Hán, Hán hóa, Mãn Thanh chiếm Hán Hán hoá. Hán chiếm Việt, Việt vẫn Việt còn thêm phần Đại Việt nữa. Sức mạnh Dân Tộc Sanh Tồn Dân Tộc Việt tài tình ở chổ ấy.
Thay Lời Kết
Dân Tộc Sanh Tồn Dân Tộc Việt cao cường lắm ! biết biến hóa, biết ấy cái Hay của người làm cái Hay của mình. Biến cải con Rồng Tàu làm Con Rồng Việt Nam nhờ thêm sức của bà Tiên Mẹ Âu Cơ vào. Rồng là Tàu, nhưng Rồng Tiên là Việt Nam. Lúc Nam Tiến, gặp Văn Hóa Chăm, gặp Văn Hóa Chân lạp biến thành người miền Nam và tạo một Văn hóa Miệt Vườn đặc biệt. Vì vậy chúng tôi rất lạc quan và tin tưởng vào sức đề kháng chống Hán Hóa. 100 năm Tây đô hộ, người dân Việt, nhứt là dân Sài gòn rất tây phương trong tất cả dân chúng vùng Đông Nam Á. Sài gòn là Hòn Ngọc Viễn Đông không phải do kiến trúc, do phong cảnh, nhưng do cái kiểu cách, cái ăn chơi, cái tài tử, phóng khoáng, cái chịu chơi của dân Sài gòn, gồm dân bản xứ và dân tứ xứ, kể cả Tây Tàu… Trước Thế chiến 2, những thành phố nỗi tiếng hoa lệ kiểu cách trên thế giới ở Tây Phương có Paris, Đông phương phía Băc đất Tàu có Thượng Hải, và phía Nam, đất Việt, có Sài gòn. Đi tìm khảo cứu sách báo, chuyện phiêu lưu, chỉ có ba thành phố ấy nổi tiếng thời ấy thôi. Luân Đôn, Nửu Ước, Tân Gia Ba …đâu ai nói tới. Việt Nam ta có nói đến Hà nội nữa, nhưng Hà nội chỉ thành phố yêu quý của …dân Hà nội thôi.
Nói như vậy để hy vọng vào cái sức mạnh Sanh Tồn muôn thuở của người Việt ta. Của sức Sanh tồn Dân tộc của ta. Chỉ với 40 năm ra Hải ngoại, công đồng người Việt ta ở Hải ngoại đã góp cho Huê Kỳ Hợp Chủng Quốc một Chuẩn Tướng – Chuần tướng Lương Xuân Việt, và cho đất Úc một Thống đốc Nam Úc– Thống đốc Lê Văn Hiếu. …. Và còn nhiểu nhơn tài nữa… Bác sĩ, Kỹ sư, Bác học, Giáo sư Đại học, một em bé mồ côi được nuop-i nắng giáo dục cẩn thận trở thành Phó Thủ Tướng của Nước Đức giàu mạnh…sức mạnh dân tộc ta sẽ phát huy dũng mãnh khi gặp môi trường tốt.
Nại lão hà không phải là một thất vọng mặc dù cũng phải chua chátnhìn nhận :
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch Kỷ độ Long Tuyền đái nguyệt ma !
Kính mời các bạn cùng chúng tôi tiếp tục mài kiếm chờ ngày trờ lại Sài gòn
Hẹn các bạn Ngày Mai gặp nhau giữa Sài Gòn
See you in Saigon,
Yes, see you very soon in Saigon !
Hồi Nhơn Sơn, ngày tuổi, tháng tuổi cùng năm tuổi.
Phan Văn Song
PHỤ BẢN
Thuật hoài 述懷 hay Cảm hoài 感懷 của Đặng Dung 鄧容
Nguyên tác:
感懷
世事悠悠奈老何
無窮天地入酣歌
時來屠釣成功易
運去英雄飲恨多
致主有懷扶地軸
洗兵無路挽天河
國讎未報頭先白
幾度龍泉戴月磨
Phiên âm Hán-Việt:
Cảm hoài
Thế sự du du nại lão hà?
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
Thời lai đồ điếu thành công dị,
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.
Trí chủ hữu hoài phù địa trục,
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma.
Dịch nghĩa
Việc đời dằng dặc mà ta đã già, biết làm thế nào?
Trời đất mênh mông đắm trong cuộc rượu hát ca.
Khi gặp thời, người làm nghề hàng thịt, kẻ câu cá cũng dễ thành công,
Lúc lỡ vận, bậc anh hùng đành phải nuốt hận nhiều.
Giúp chúa, những mong xoay trục đất lại,
Rửa vũ khí không có lối kéo tuột sông Ngân xuống.
Thù nước chưa trả được mà mái tóc đã bạc sớm,
Bao phen mang gươm báu mài dưới bóng trăng.
Bản dịch của cụ Phan Kế Bính
Việc đời bối rối tuổi già vay,
Trời đất vô cùng một cuộc say.
Bần tiện gặp thời, lên cũng dễ,
Anh hùng lỡ bước, ngẫm càng cay.
Vai khiêng trái đất mong phò chúa,
Giáp gột sông trời khó vạch mây.
Thù trả chưa xong đầu đã bạc,
Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.
Bản dịch của cụ Tản Đà
Việc đời man mác, tuổi già thôi!
Đất rộng trời cao chén ngậm ngùi.
Gặp gỡ thời cơ may những kẻ,
Tan tành sự thế luống cay ai!
Phò vua bụng những mong xoay đất,
Gột giáp sông kia khó vạch trời.
Đầu bạc giang san thù chửa trả,
Long tuyền mấy độ bóng trăng soi.
One Comment
Anh Do
Tác giả khôn khéo phân tích tình hình kinh tế thế giới để dẫn dắt tới tình trạng hiện hữu của Việt Nam. Những nhận định đó cũng sác thực ở giác độ của những người lãnh hội và biết phân tích các dữ kiện đang xẩy ra, nhưng không phải là giác độ nhận thức của đa số quần chúng quốc nội. Như vậy, phần kết luận của tác giả liệu có quá lạc quan không?
Hai yếu tố chính yếu đã góp phần vào ” sức mạnh sinh tồn” của dân tộc Việt Nam là thể chế và môi trường.
Ngay trong thời quân chủ, dân Việt Nam đã biết tới “Hôi Nghị Diên Hồng” , chứng tỏ dù quân chủ chuyên chế, dân vẫn tự do suy nghĩ với những tư duy đặc thù, dù có những cặm đoán cá biệt của từng triều đại. Ở Việt Nam hiện tăi có đươc vậy không? Nhìn vào học vấn, lich sử bị uốn nẳn theo lịch sử đảng, không phải là Quốc Gia Dân Tộc, văn hoá là những lý thuyết Marx, Lenin và “tư tưởng HCM!”, lỷ luân căn bản cũng thoát thai từ những tư tưởng nảy. Sinh viên, học sinh trong xuốt chu kỳ học trình không được biết gì hơn ngoài giáo lý cộng sản. Dù với sư truyền bá đại chúng của tin học lý thuyết sinh tồn không còn hạn hẹp, nhưng để giúp thấu đáo và phân tích được các dữ kiện thu thập được, cũng cần tới một trình độ tri thức tối thiểu. Học ngoại ngữ để giao tiếp không khó, nhưng thấu hiểu đươc vàn hoá của quổc gia mà ngôn ngữ đang được giảng dây lả một vấn đề đòi hỏi một tri thức cao độ.
Sinh viên và hoc sinh Việt Nam có những điều kiện để nhận thức dược những cải đó trong học trình khòng?
Tác giả cũng nhận xét đúng khi nhìn nhận người Việt Hải ngoăi đã thành công cho bản thân và đã đóng góp phần không nhỏ vào những quốc gia cư trú vì “gập môi trường tốt”
. Bốn chữ này nghe đơn giản, nhưng thực hiện nó đói hỏi môt thể chế lấy dân lảm gốc, đa dạng, mọi tư tưởng, hành sử đều đươc tôn trọng ở một quốc gia thượng tôn pháp luật.
Việt Nam ta có không? Hay là chị có “đảng pháp” vì đâu có cơ quan lâp pháp mà chỉ có “đảng chỉ định bẳt dân bầu” trong mọi ngành hoạt động của quốc gia.
Tác giả cũng ta thán về cách sống sa hoa và hoang phí của một số nhà cầm quyẻn ngoại quốc. Xin miễn bàn vì mỗi quốc gia có một nền văn hoá riêng biệt và những lễ nghi tương xứng. Diẻu khác biệt với kiểu “chó nhẩy bàn độc” là không nhải lại những tập tục, lễ nghi hào nháng của người mà không hiểu nguyên do, trong khi hãy còn những nghi lễ cổ truyền không kém phần trang trọng.
Giái trí là một yếu tố trong cuộc sống. Có làm tất có vui chơi để giải toả những khó khăn trong cuộc sống. Điều quan trọng là phải bỏ công sức vào việc lảm, vả như cổ nhân dậy “đổi bát mồ hôi lấy bát cơm” chứ không phải mươn của người làm của mình, dùng uy quyền hoặc lươn leo để ăn chơi, và đó cũng là một thực tràng của xã hội Việt Nam hiện hữu.
Vì vậy, không hiểu kết luận “sức mạnh sinh tồn muôn thuờ của người Việt ta” đã bị thể chế cs hiện hành soi mòn đến sương tuỷ cỏn đủ s inh lực để vùng dậy không?