Hoa Kỳ hoan nghênh việc Trung Quốc di dời giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển tranh chấp với Việt Nam, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này nói trong tuyên bố ngày 16/7.
Bà Jen Psaki được hãng thông tấn Reuters dẫn lời nói vụ việc cho thấy “tầm quan trọng của việc các bên có yêu sách làm rõ tuyên bố chủ quyền của mình theo đúng luật pháp quốc tế, từ đó đi đến nhận thức chung về cách ứng xử và hành vi phù hợp ở những khu vực tranh chấp”.
Bà cũng kêu gọi các bên ngưng có hành động “gây hấn đơn phương” nhằm tạo điều kiện cho việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử ở Biển Đông mà Trung Quốc và ASEAN đã ký hồi năm 2002.
Trước đó, hôm 16/7, Thủ tướng Việt Nam nói Việt Nam ‘yêu cầu Trung Quốc không tái diễn hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan’.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì tuyên bố quyết định chỉ thuần túy mang tính chất thương mại.
Phát biểu tại một phiên họp của chính phủ hôm 16/7 sau khi đã nhận tin mới nhất về giàn khoan, Thủ tướng Việt Nam nói Việt Nam “luôn kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền”.
Ông Nguyễn Tấn Dũng “yêu cầu Trung Quốc không tái diễn hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan cũng như các hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên vùng biển của Việt Nam”.
Ông cũng nói thêm: “Việt Nam luôn đặc biệt coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp với Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi và cùng phát triển.”
Việt Nam “sẵn sàng cùng Trung Quốc và các bên liên quan đàm phán hòa bình, giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế,” theo ông Dũng.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng ngày vẫn khẳng định khu vực giàn khoan tác nghiệp là “lãnh thổ vốn có của Trung Quốc”.
“Trung Quốc kiên quyết phản đối Việt Nam quấy nhiễu một cách vô lý hoạt động tác nghiệp của doanh nghiệp Trung Quốc,” người phát ngôn Hồng Lỗi nói.
Do mưa bão?
Tân Hoa Xã dẫn thông cáo của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) hôm thứ Ba ngày 15/7 cho biết họ chấm dứt hoạt động của giàn khoan với lý do là mùa mưa bão bắt đầu.
Hãng tin Anh Reuters cho biết ông Ngô Ngọc Thu, phó tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam, đã xác nhận với họ rằng giàn khoan này đã di chuyển về phía đảo Hải Nam từ tối hôm thứ Ba ngày 15/7.
Giàn khoan Hải Dương 981 đã gây ra căng thẳng trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc kể từ khi được đưa ra vùng biển này từ đầu tháng Năm.
Khi thông báo đưa giàn khoan ra Biển Đông, Bắc Kinh nói họ sẽ rút giàn khoan về vào ngày 15/8.
“Các tính toán kinh tế và đợt bão sắp tới đều có thể đóng vai trò nào đó. Nhưng việc di chuyển giàn khoan sớm trước một tháng có thể giúp giảm căng thẳng hiện nay giữa hai quốc gia láng giềng, ít nhất là tạm thời“. Phóng viên BBC Hồng Nga từ khu vực TQ từng đặt giàn khoan
Thông cáo còn cho biết giàn khoan sẽ được dời đến vị trí gần đảo Hải Nam và rằng CNPC đã tìm thấy dầu và khí đốt trong quá trình thăm dò ở gần quần đảo Hoàng Sa và họ hiện đang đánh giá các dữ liệu thu thập được trước khi quyết định bước kế tiếp.
Tuy nhiên thông cáo không đưa ra chi tiết gì về trữ lượng ước lượng hay độ khó trong việc khai thác lượng dầu và khí này.
Bản tin của Tân Hoa Xã cho biết giàn khoan sẽ được triển khai cho hoạt động của dự án Hải Nam Lăng Thủy nhưng không cho biết ngày giờ và vị trí mới của giàn khoan này.
Lăng Thủy là một khu vực ven biển trên đảo Hải Nam.
Các phân tích ban đầu của CNPC về dữ liệu địa chất cho thấy ‘khu vực này có những điều kiện cơ bản và tiềm năng để khai thác dầu’ nhưng ‘việc khai thác thử chưa thể bắt đầu trước khi những dữ liệu này được đánh giá toàn diện’, Tân Hoa Xã dẫn lời ông Vương Chấn, phó giám đốc Phòng Nghiên cứu Chính sách của CNPC cho biết.
Các chuyên gia dầu khí của Trung Quốc cho biết giàn khoan nhiều khả năng phát hiện đủ trữ lượng khí đốt để đưa khu vực này vào khai thác.
Phóng viên Reuters đi theo tàu cảnh sát biển của Việt Nam ra khu vực giàn khoan cho biết họ đã chứng kiến một đội tàu Trung Quốc truy đuổi tàu Việt Nam hôm thứ Ba ngày 15/7.
Kể từ giàn khoan Hải Dương 981 được triển khai, việc truy đuổi này đã diễn ra hàng ngày, theo Reuters.
Phóng viên BBC Hồng Nga có mặt trên tàu cảnh sát biển Việt Nam ra khu vực gần giàn khoan cho hay:
“Có thể thấy nhiều tàu Trung Quốc mà chúng tôi nghe được là đang bảo vệ giàn khoan.
Nhưng có vẻ như họ đã biến mất sau một đêm. Sáng nay (16/7), biển như vắng lặng hẳn.”
Tuy nhiên phóng viên của chúng tôi nói “Rất khó để biết được động cơ thực sự phía sau quyết định di chuyển giàn khoan này”.
“Các tính toán kinh tế và đợt bão sắp tới đều có thể đóng vai trò nào đó. Nhưng việc di chuyển sớm trước một tháng có thể giúp giảm căng thẳng hiện nay giữa hai quốc gia láng giềng, ít nhất là một cách tạm thời.”
BBC, Tiếng Việt