Trước khi đưa ra một vài so sánh tình hình VN và Hong Kong và nhận định về cuộc cách mạng “Ô dù” đang sục sôi tại Hong Kong xin tổng hợp một vài quan điểm của giới báo chí về nguyên nhân của cuộc cách mạng “Ô dù” và Thần tượng Hoàng chi Phong (Joshua Wong).
Nguyên nhân cuộc Cách mạng:
“Kể từ sau vụ Thiên An Môn 1989, đây là lần đầu tiên chính quyền Trung Quốc bị thách thức như thế. Một thách thức đầy khó khăn. Nhưng Bắc Kinh phải gánh lấy toàn bộ trách nhiệm. Bởi vì chính Bắc Kinh mới là kẻ thất hứa”. (báo Le Monde)
TC đã có mưu đồ từ trước, khi muốn xóa bỏ quy chế tự trị mà người dân và đặc khu Hành chính Hong Kong được hưởng như những gì mà nhà cầm quyền Bắc Kinh đã cam kết khi Hong Kong được trao trả về với Trung hoa lục địa. Cho nên Cuộc Cách mạng Ô dù hiện nay là một xu hướng tất yếu phù hợp với những gì đã được thương lượng giữa Anh quốc và Trung cộng trước khi trao trả.
Theo Le Monde “Xu hướng đó phù hợp với nguyên tắc : « Một quốc gia, hai chế độ ». Nói một cách khác, Hồng Kông, nằm trong Trung Quốc, nhưng vẫn giữ cách điều hành của mình : một nền tư pháp độc lập, Nhà nước pháp quyền, các quyền tự do cơ bản, nhất là trong lãnh vực truyền thông.
Nhưng vào trung tuần tháng Tám năm 2014, Bắc Kinh thông báo nắm quyền kiểm soát tối ưu về việc chọn ứng viên tranh cử. Nghiêm trọng hơn nữa, trước đó, trong Sách trắng công bố vào tháng 06/2014, có nói “Trung Quốc yêu cầu các thẩm phán và công chức ở đặc khu Hong Kong phải chứng thực tình yêu với « mẫu quốc », xem như là bày tỏ lòng trung thành với đảng cộng sản. Hiểu một cách khác, ý chí của nhà nước Trung cộng đặt trên cả nhà nước Pháp quyền của Hồng Kông. Một sự phản bội, ít nhất trong tinh thần những cam kết 1997”.
Đứng trước sự phản bội lại những giá trị tự do và dân chủ người dân và thanh niên Hong Kong phải đứng lên để dành lại tương lai cho chính mình vì họ nhận thức đây là một hình thức “xâm lược” của Trung cộng để xóa bỏ ranh giới “một quốc gia hai chế độ”.
Hoàng Chi Phong: thần đồng cách mạng.
Libération viết: Hoàng Chi Phong, thần đồng chính trị 17 tuổi, giờ đã trở thành «khắc tinh » của chế độ cộng sản Trung Quốc. Lúc 12 tuổi, cậu đã thành lập Scholarism, hội đoàn sinh viên-học sinh. Chính nghiệp đoàn sinh viên này đã tung ra chiến dịch bất tuân dân sự làm chấn động cả Hồng Kông.
«Thân hình mảnh khảnh, với cặp kính cận đen, nhưng tài diễn thuyết tuyệt vời ». Cách đây hai năm, chính cậu đã đấu tranh chống lại chính quyền Hồng Kông quyết định đưa việc giảng dạy «lòng yêu nước» vào trong trường cấp 1và hai. Vì những bài giảng đó bỏ qua những giai đoạn đen tối của lịch sử Trung Quốc như nạn đói trong những năm 1958-1962, cướp đi sinh mạng của 45 triệu người; các vụ truy bức trong Cách mạng văn hóa (1966-1976) và đàn áp đẫm máu Thiên An Môn năm 1989”.
So với Hong Kong Việt nam chúng ta có những điểm giống và khác.
Giống vì đã là con người có lương tri và trí tuệ thì ai cũng muốn được sống trong tự do và dân chủ, nhân quyền được tôn trọng.
Giống vì thanh niên cả hai dân tộc đều là những con người lòng đầy nhiệt huyết có tri thức và hoài bảo…
Khác vì Việt nam sống trong chế độ độc tài toàn trị trong một thời gian quá dài, Miền Bắc hơn ½ thế kỷ, Miền Nam gần 40 năm vắng bóng tự do và nhân quyền…
Con người VN sống trong một xã hội bị đầu độc từ thực phẩm đến đạo đức -văn hóa, người dân VN, thanh niên VN sống trong sự hoài nghi vì những giá trị đạo đức nhân văn bị phủ nhận hoặc bị bức tử, chỉ còn sự chụp giựt, dối trá ngự trị.
Để tồn tại và “vươn lên” trong một môi trường như vậy người dân phải trở nên lạnh lùng, vô cảm, thực dụng và tàn ác. Ban đầu chỉ là một phản ứng tự vệ trước cái ác đang lộng hành, lâu dần nó trở thành lối sống của đa số và giờ đây là một thứ “văn hóa” man rợ rừng rú.
Giữa con người với nhau là một khoảng cách “băng giá”, chỉ tồn tại quan hệ được- mất, hơn- thua, giàu nghèo, thành- bại. Không có chổ cho sự cảm thông và bao dung. Chính vì vậy mỗi một người là một “ốc đảo”, mỗi một gia đình là một “thế giới” không có chổ cho sự tương giao, thân ái.
Đây là thủ đoạn tàn độc mà đảng CSVN thực hiện để cô lập từng cá nhân, từng gia đình một cách hữu hiệu, không ai có thể đến với ai, không một tập thể nhỏ nào có thể hình thành vì giữa họ là sự hoài nghi và đề phòng… Người ta nói ở VN cứ 10 người dân thì có một công an và một chỉ điểm… cho nên sự sợ hãi luôn ẩn nấp bên trong mỗi mối quan hệ. Chính vì vậy để tập hợp được con số hàng ngàn người là điều vô cùng khó khăn…!?
Trong khi đó người dân Hong Kong được sống trong một môi trường xã hội, chính trị và văn hóa Dân chủ, Pháp trị và văn minh hơn nữa thế kỷ. Đó là nền tảng để tạo nên con người và văn hóa Hong Kong.
Không ai có thể hoài nghi và phủ nhận được rằng chỉ trong môi trường tự do, dân chủ và bao dung thì tài năng và đạo đức mới có cơ hội nãy sinh và phát triển.
Ngày hôm nay người dân Hong Kong có một Hòang chi Phong hoặc rất nhiều Hòang chi Phong là điều dể hiểu…
Xét về tư chất thông minh, lòng nhiệt thành và tài năng, thanh niên VN không thua kém gì thanh niên Hong Kong hay thanh niên Mỹ, nhưng tại sao đất nước chúng ta không có được một Hoàng chi Phong, một Mark Zuckerberg (Facebook, CEO)?
Vì môi trường sống của người Việt chúng ta khác biệt và nghiệt ngã so với Mỹ và Hong Kong.
Nhà Phật có thuyết Nhân- Duyên- Quả, thuyết đó nói rằng cùng một Nhân không tất yếu dẫn đến cùng một Quả vì yếu tố Duyên. Giống như những hạt lúa cùng một cây nhưng nếu gieo trúng mãnh đất màu mỡ thì hạt lúa sẽ biến thành ruộng lúa, còn nếu gieo trúng sa mạc thì hạt lúa đó sẽ chết hoặc còi cọc không phát triển được.
Cho nên người Việt chúng ta đừng thất vọng, đừng tự ty mặc cảm khi nhìn thấy Hoàng chi Phong hay Mark Zuckerberg mà nghĩ rằng dân tộc Việt hèn kém.
Người ta vẫn nói về VN như thế này, VN có nhiều nhà tù nhỏ trong một một nhà tù lớn, nhà tù nhỏ đang giam giữ những tù nhân lương tâm và một nhà tù lớn là nơi sinh sống của 90 triệu người dân VN
Khi nào chế độ độc tài toàn trị này tan rã lúc đó chúng ta sẽ có nhiều Hoàng chi Phong và Mark Zuckerberg..
Vấn đề ở chổ làm sao chúng ta có thể giải trừ chế độ độc tài gian ác này để mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt.
Đây là một câu hỏi lớn mà tác giả không dám tùy tiện trả lời vì nó đòi hỏi nổ lực và ý chí của cả dân tộc. Nhưng chúng ta có thể lạc quan tin tưởng rằng ngọn lửa chống độc tài đang cháy mạnh ở Hong Kong sẽ hâm nóng bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ VN; dư chấn của cuộc Cách mạng tại HK sẽ chấn động đến tận nơi sâu thẳm nhất của người trẻ VN và cũng sẽ làm cho chế độ độc tài toàn trị run sợ.
Cuộc cách mạng “Ô dù” tại Hong Kong sẽ tạo cảm hứng cho người trẻ VN làm nên lịch sử trong tương lai gần vì chế độ CSVN đang ở vào giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng, khủng hoảng niềm tin, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng chiến lược. Cuộc khủng hoảng toàn diện này đòi buộc nhà cầm quyền CSVN hoặc phải thay đổi sang dân chủ hoặc sẽ bị cho vào thùng rác.
Cuộc cách mạng “ Ô dù” tại Hong Kong lần này sẽ đẩy nhà cầm quyền Bắc Kinh vào thế khó xữ, vì không như năm 1989 Bắc Kinh có thể tắm máu cuộc nổi dậy Thiên An môn, lần này Bắc Kinh sẽ ít nhiều nhượng bộ vì sự quan tâm của cộng đồng quốc tế và hai nước Anh- Mỹ là những quốc gia có “trách nhiệm tinh thần” với Hong Kong.
Hơn nữa cục diện khu vực đang lúc căng thẳng vì tranh chấp giữa các siêu cường buộc lòng Trung cộng phải thận trọng, đó là chưa nói đến nền kinh tế của Trung cộng ngày hôm nay đã hội nhập toàn cầu, nếu mạnh tay đàn áp tại Hong Kong sẽ không có lợi cho hình ảnh của Trung cộng như một quốc gia “trổi dậy hòa bình”… nên việc tìm kiếm một giải pháp “ôn hòa” cho cuộc khủng hoảng này sẽ là lựa chọn khôn ngoan nhất của Trung cộng.
Nhưng chính thái độ “nhượng bộ” bất đắc dĩ này sẽ thắp lên ngọn lửa đấu tranh mãnh liệt tại Hoa lục và cả Việt nam….và ngọn lửa đó trong thời điểm này có khả năng sẽ “đốt cháy cả cánh đồng” của những chế độ độc tài toàn trị.
Huỳnh ngọc Tuấn