Chính pháp Bắc Kinh và vụ án Chu Vĩnh Khang
Những ai muốn theo dõi nội tình chính trị Trung Quốc tất nhiên là bận rộn và thậm chí bối rối về hàng loạt biến cố tại Bắc Kinh…
Xin hãy mở tấm lịch để chấm tọa độ – và hoa mắt.
Từ bên ngoài, truyền thông quốc tế chú ý đến Thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu Thái bình dương APEC, năm nay được tổ chức tại Bắc Kinh trong hai ngày 10-11 Tháng 11, với bài diễn văn long trọng của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ở bên trong, người ta chú ý đến Hội nghị kỳ 4 của Ban chấp hành Trung ương khoá 18, được họp kín trong ba ngày, với nghị quyết công bố hôm 27 Tháng 10 nhấn mạnh đến chủ điểm “y pháp trị quốc”, lấy pháp luật làm nền tảng cai trị.
Người lạc quan thì cho là sau Đại hội 18 vào cuối năm 2012, lãnh đạo mới lên của Trung Quốc đang cải cách chính trị với ý chí xây dựng chế độ pháp trị để sẽ thay thế chế độ đảng trị hiện nay. Không phụ lòng mơ của thiên hạ, Hội nghị còn chọn mùng bốn Tháng 12 là “Ngày Hiến Pháp” – và Thường vụ Quốc hội răm rắp thi hành bằng một Đạo luận hẳn hoi.
Nếu có hỏi Hà Nội thì ta sẽ được nghe lời vênh váo: “Có pháp quyền đấy chứ!”
Ít ai để ý là qua ngày 29 Tháng 11, cử tri Đài Loan thi hành pháp lệnh thật và bằng lá phiếu cho đảng cầm quyền của Tổng thống Mã Anh Cửu cái tát như trời giáng. Cả Nội các 81 người của Thủ tướng Giang Nghi Hoa lập tức từ chức và hôm sau thì Mã Anh Cửu từ nhiệm chức Chủ tịch Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Chính quyền bị cử tri trừng phạt về tội khắng khít hợp tác với Bắc Kinh. Đấy là hồi kết của phong trào biểu tình nổi lên từ Tháng Ba khi học sinh sinh viên Đài Loan xuống đường phản đối Hiệp ước họ Mã dự tính ký kết với Trung Quốc. Nếu như họ có quên thì cuộc biểu tình vừa qua của thanh niên tại Hong Kong là một nhắc nhở khét lẹt!
Dù sao mặc lòng, thiên hạ vẫn nuôi niềm tin vào con đường sáng của lãnh đạo Trung Quốc.
Thế rồi ngày bốn Tháng 12 đã qua tại Bắc Kinh mà chẳng có tiếng vang! Nhằm nhò gì.
Vì hôm ấy quốc tế chỉ nhắc đến phúc trình cập nhật của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, rằng kinh tế Trung Quốc vừa vượt Hoa Kỳ lên hàng số một nếu đếm theo phương pháp tỷ giá mãi lực PPP. Vì sức mua của một đô la tại Hoa lục phải nhiều hơn cũng đồng đô la đó tại Hoa Kỳ nên sản lượng kinh tế Trung Quốc tất nhiên là cao hơn sản lượng của Mỹ nếu được tính lại!
Hai ngày sau thì niềm mơ ước của nhiều người được toại nguyện. Một con cọp dữ của Trung Quốc vừa bị sa lưới. Nhân vật đầy thế lực trong Thường vụ Bộ Chính trị khóa trước là Chu Vĩnh Khang bị tống giam sau khi bị trục xuất khỏi đảng vì hàng loạt tội danh rất lạ được chính thức loan báo hôm mùng sáu Tháng 12: ăn cắp của công, hống hách cửa quyền, có quan hệ bất chính với phụ nữ và, trời ơi, lại còn phản quốc vì tiết lộ bí mật nhà nước!
Chu Vĩnh Khang từng là Trưởng ban Chính pháp Trung ương, một tay chỉ huy hai Bộ Công an (Nội vụ) và Quốc an (An ninh, Tình báo, Phản gián) và lãnh đạo hệ thống tòa án trên toàn quốc. Trước đó, họ Chu còn là đại gia về dầu khí với tay chân cài đặt trong một mạng lưới toả rộng. Một nhân vật thần thế như vậy mà còn bị kỷ luật, chuyện chưa từng có trong lịch sử đảng kể từ cuộc Cách mạng Văn hóa Vô sản của Mao Trạch Đông, thì rõ là Trung Quốc ngày nay đã có phép nước hẳn hòi.
Cường quốc kinh tế này đang vinh quang bước ra ánh sáng văn minh của nhân loại chăng? Hạ tầng kinh tế thay đổi đang dẫn tới chuyển hóa chính trị trên thượng tầng chăng? Marx có lý ư?….
Xin hãy điềm điềm!
Ngày 27 Tháng 10, khi thiên hạ xôn xao với chủ trương “hiến chính” từ Hội nghị 4 của Bắc Kinh để xây dựng pháp quyền nhà nước thì hệ thống thông tin chuyên đề về kinh tế là Bloomberg tiết lộ một bí mật mà ai cũng biết: đảng viên cán bộ Trung Quốc gian lận để làm giàu bất hợp pháp và chuyển ngân lậu ra ngoài!
Giới kinh tế nói chuyện sạch về sức đầu tư rất bạo của Trung Quốc ra các thị trường bên ngoài nhờ thặng dư mậu dịch rất cao. Nếu biết đếm lại, không theo kiểu IMF, ta thấy ra nhiều sai biệt trong mức thặng dư này. Sai biệt đó phản ảnh tình trạng tẩu tán tài sản của quan chức.
Khi người ta nói là trong làn sóng đầu tư trực tiếp ra hải ngoại, các đại gia Trung Quốc đang ào ạt mua bất động sản ở bên Mỹ, thì điều ấy cũng báo hiệu cái hiện tượng “bỏ của chạy lấy người”. Chạy qua một thị trường an toàn có luật lệ hẳn hoi là Hoa Kỳ, nơi trú ngụ của con cháu các đảng viên thuộc thành phần lãnh đạo.
Nhìn lại vào trong, khi các thị trường quốc tế ngợi ca thành tích kinh doanh của tập đoàn Alibaba (ký hiệu trên thị trường chứng khoán New York là BABA) và ông chủ Mã Vân, doanh gia giàu nhất Trung Quốc với tài sản khoảng 30 tỷ đô la, người ta không thể không nhớ đến “Ali Baba và 40 Tên Trộm” trong bộ truyện “Ngàn Lẻ Một Đêm”.
Trung Quốc nào chỉ có 40 anh ăn trộm?
Việc giải trừ tham nhũng, như quốc sách và đảng hướng của Tập Cận Bình, mới thật là trường kỳ kháng chiến. Vì vậy, họ Tập ráo riết mở chiến dịch truy diệt tham nhũng từ Hội nghị kỳ 3 vào Tháng 11 năm ngoái? Lại còn báo trước là cọp to hay ruồi nhỏ gỉ thì cũng sa lưới hết! Việc con hổ dữ như Chu Vĩnh Khang mà còn vào cũi không là bằng chứng sao?
Thật ra, ta không quên chuyện chính trị trong cung cấm, một truyền thống của Trung Hoa đang được hiện đại hóa.
Ra khỏi 10 năm điên khùng của Mao với cuộc Đại Văn Cách 1967-1976 khiến Phó Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ bị chết đói trong tù như Tề Hoàn Công vào thời Xuân Thu, người ta thấy lãnh đạo Bắc Kinh có vẻ văn minh hơn trước.
Họ có thể thanh trừng các Tổng bí thư đương nhiệm như Hồ Diệu Bang năm 1987 và Triệu Tử Dương năm 1989 vì tội cải cách quá mạnh. Nhưng cả hai không hề bị tuyên án chính thức, kể cả Triệu Tử Dương, dù bị quản thúc tại gia cho đến khi tạ thế vào năm 2005. Tòa án hay pháp lệnh nhà nước không hề lên tới cấp đó.
Các đảng viên cao cấp như Bí thư Trần Hy Đồng của Bắc Kinh hay Bí thư Trần Lương Vũ của Thượng Hải thì còn có thể ra toà rồi vào tù (năm 1998 và 2008) vì tội tham nhũng, chứ pháp quyền nhà nước không áp dụng cho Ủy viên Bộ Chính trị nằm trong cơ chế tối cao là Thường vụ Bộ Chính trị. Ngay cả viên Bí thư Trùng Khánh đầy tham vọng là Bạc Hy Lai bị ngã ngựa năm 2012 rồi ra toà và chịu án tù vì tham nhũng, cũng mới chỉ lăm le cấu kết với Chu Vĩnh Khang để được vào Thường vụ Bộ Chính trị khóa 18, chứ cũng chưa lên tới ngôi vị của bảy hay chín người quyền thế nhất trong Thường vụ.
Lần này, Tập Cận Bình hài tội một nhân vật lãnh đạo từng ở trong Thường vụ Bộ Chính trị là Chu Vĩnh Khang. Quả thật là cọp lớn còn sa lưới. Nhưng chìa khóa của bí ẩn trong cấm cung chính là chữ “cấu kết”….
Sau cuộc Đại Văn Cách, tranh đoạt quyền bính có xảy ra trên thượng tầng nên Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương mới bị cách chức. Lý do của vụ thanh trừng (không có án lệnh của pháp quyền nhà nước) thuộc về chủ trương hay tư tưởng, cải cách nhiều hay ít. Lần này, ngày nay, việc tranh đoạt quyền bính trong cấm cung vẫn tiếp tục nên Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang mới bị loại.
Nhưng theo trình tự ba bước nhịp nhàng là 1) bị loại ra khỏi đảng, 2) rồi mới ra trước toà án của nhà nước, 3) để lãnh án tù vì tham nhũng. Tuyệt nhiên trong đó không có dấu vết gì của việc tranh quyền, về âm mưu cấu kết và nhất là vì có những chủ trương chính trị khác biệt. Và tòa án chỉ thụ lý hồ sơ để lập tức tuyên án một người đã ra khỏi đảng.
Diễn giải lại cho rõ: đảng quyền vẫn trên pháp quyền nhà nước. Đạo diễn của việc dàn dựng công phu này là Tập Cận Bình, người đang tập trung quyền lực vượt xa hai vị tiền nhiệm là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, gần tới cấp độ của Đặng Tiểu Bình và Mao Trạch Đông.
Nghĩa là hệ thống lãnh đạo chính trị của Trung Quốc đang xiết vào, chứ không mở ra!
Để mở mắt nhiều người thì xin kết thúc bài này với một phán quyết của toà án vừa được công bố hôm mùng bốn Tháng 11, đúng một tháng trước “Ngày Hiến Pháp” huy hoàng do họ Tập đề ra.
Sau nhiều tháng tống giam, dụ dỗ và hăm dọa, đảng phô diễn thực quyền khi cho toà án truy tố một nhà báo là Thẩm Dũng Bình về tội “kinh doanh phi pháp”. Lý do thật là vì đương sự quyên tiền thực hiện một bộ phim có tên là “Trung Quốc Bách Niên Hiến Chính Kỷ Lục” có nội dung dựng lại trăm năm gian khổ của dân Trung Hoa, từ đời Mạt Thanh đến nay, khi họ ôm giấc mơ xây dựng pháp quyền nhà nước bằng hiến pháp. Bao giờ đảng cho phép đã, thì pháp quyền đó mới thành hình, theo định hướng của đảng. Đâm ra tham nhũng hay phạm pháp chỉ là cái cớ để cả nước cùng nhìn về một hướng do Tập Cận Bình vẽ ra…
Nguyễn Xuân Nghĩa