Thỏa ước Minsk ký tuần trước coi như công nhận một thắng lợi của ông Vladimir Putin. Một phần lãnh thổ Ukraine đang tách khỏi quyền kiểm soát của chính phủ trung ương ở Kiev trước mắt cả thế giới.
Quân phiến loạn gồm những người Ukraine gốc Nga, được quân đội và khí giới Nga hỗ trợ, không phải rút ra khỏi một mảnh đất nào mà họ đã chiếm. Ngay sau khi ký thỏa ước, họ chiếm thêm được thành phố thành phố Debaltseve, bắn đại bác và hỏa tiễn vào đoàn quân Ukraine đang triệt thoái – giống như cảnh Ðại Lộ Kinh Hoàng ở Quảng Trị năm 1972. Quân chính phủ không thể giữ được Debaltseve nên phải rút đi; nhưng đây là một địa điểm chiến lược, nằm sát biên giới Nga, có thể làm đầu cầu giúp họ tiến quân về phía Nam, nối liên lạc với vùng Crimea mà Nga đã chiếm trong năm qua. Theo thỏa ước Minsk, chính phủ Ukraine còn phải trả tiền lương hưu và những trợ cấp xã hội cho người dân sống trong vùng phiến quân kiểm soát, như thể họ vẫn là công dân của mình.
Nguy hiểm nhất, chính phủ Ukraine mất luôn quyền kiểm soát vùng biên giới Nga-Ukraine. Ông Putin sẽ được tự do đem thêm lính vào vũ khí vào vùng Donbas, mà quân nổi loạn muốn biến thành một quốc gia riêng. Lời hứa của chính phủ Kiev sẽ sửa Hiến Pháp cho vùng này tự trị có khi không cần nữa, nếu ông Putin đã nắm tất cả đám phiến quân trong tay, bảo sao nghe vậy.
Ông Putin có thể để cho thế giới được yên trong một thời gian, tạo một thực trạng chiến tranh lạnh” trong kích thước vùng. Ông có thể chờ, chờ xem giá dầu lửa bao giờ lên, cứu kinh tế Nga thoát cảnh suy thoái. Trong khi đó, chính phủ Ukraine cũng có một thời gian để chờ, với lời hứa hẹn 47 tỷ Mỹ kim viện trợ trong bốn năm từ các nước Châu Âu và Mỹ.
Ông Putin có thể hài lòng với thắng lợi của mình. Ông chưa chiếm được Ukraine, vùng đất của các Nga hoàng mà Lenin và Trostky đã nhường khi muốn Ðức ngưng chiến năm 1918. Stalin đã chiếm lại sau khi Ðức thua năm 1945, nhưng tới năm 1992 Yeltsin lại để mất! Nhưng ông Putin sẽ thực hiện kế hoạch chiếm quyền kiểm soát hầu hết bờ biển Hắc Hải, nơi tiếp nhận những con sông Dnieper, Danube và Dneste đổ vào. Ông sẽ kiểm soát tất cả những vùng có dân gốc Nga sống, thêm cho nước Nga những hải cảng nước ấm và, nếu mai mốt phiến quân chiếm được thành phố Kramatorsk, Putin sẽ biến Ukraine thành một nước không có bờ biển!
Nhưng đó chỉ là nhìn từ bên ngoài. Bên trong, Putin đang lúng túng. Kinh tế Nga đã suy sụp vì lệ thuộc vào một nguồn xuất cảng là dầu lửa trong khi giá dầu thế giới đã xuống. Ðồng tiền Nga mất giá gần một nửa kể từ khi ông Putin phiêu lưu vào Crimea. Dân chúng Nga đang ủng hộ Putin vì chia sẻ với ông giấc mộng đế quốc siêu cường, nhưng họ sẽ chịu đựng được nạn lạm phát và khan hiếm cho tới bao giờ?
Bên ngoài Ukraine, Putin đang thất bại toàn diện trên mặc trận ngoại giao ở Châu Âu.
Vụ xung đột ở Ukraine thay đổi tâm lý người dân Châu Âu. Khối NATO cảm thấy bị đe dọa, bỗng dưng được củng cố và tự đặt ra những mục tiêu mới, nhắm kìm hãm lực bành trướng của Nga. Charly Salonius-Pasternak, một nhà phân tích ở Helsinki, Phần Lan, nghĩ rằng ông Putin đã đánh thức dân nước này và nước Thụy Ðiển. Trong cả hai nước Bắc Âu đó dân bắt đầu tranh luận lại về việc có nên gia nhập NATO như Na Uy hay không. Các nước vùng Batic đã từng bị Stalin ép nhập vào Liên Xô, nay đều thuộc khối NATO và đang lo vì trong nước họ cũng có nhiều dân gốc Nga. Khối NATO đã gửi thêm quân tới các nước Baltic cùng Ba Lan, và lập ra sáu “trung tâm hành quân” (‘Command and control’ centres) tại sáu nước: Ba nước Baltic là Estonia, Latvia và Lithuania và ba nước Ba Lan, Romania và Bulgaria. NATO cũng sẽ tăng số quân túc trực ứng chiến từ 13 ngàn lên 30 ngàn người, để có thể gửi tới can thiệp bất cứ nước nào nếu bị quân Nga tấn công.
Trong tuần qua, Ủy Ban Châu Âu trong Thượng Viện nước Anh (House of Lords) đã lên tiếng chỉ trích chính sách của Thủ Tướng David Cameron ở Ukraine là “đi trong mơ” (sleepwalking). Bộ Trưởng Quốc Phòng Anh Michael Fallon cho biết sẽ gửi bốn máy bay chiến đấu Typhoon sang Estonia trong mùa Hè năm nay để canh phòng cho cả vùng, và sẽ điều động 1000 quân trong hai năm sắp đến. Ðan Mạch sẽ tăng ngân sách phòng không hơn bốn tỷ Mỹ kim. Các công ty Lockheed Martin bán máy bay F-35, Boeing bán F-18 và các công ty Châu Âu như BAE, Airbus và Finmeccanica của Ý sẽ phát tài nhờ ông Putin. NATO cũng đã được nước Georgia, một nước trước kia nằm trong Liên Bang Xô Viết như Ukraine, thỏa thuận thiết lập một trung tâm huấn luyện quân sự. Georgia đã từng bị Nga xâm lăng năm 2008.
Trên mặt trận ngoại giao, phản ứng chống Nga mạnh nhất là Ba Lan, một nước giáp ranh với cả Nga lẫn Ukraine. Ngân sách quốc phòng Ba Lan sẽ tăng thêm 27 tỷ Mỹ kim cho việc phòng thủ không phận, trong đó có việc thay thế các vũ khí cũ của Liên Xô bằng thứ mới. Nhưng Ba Lan đang tấn công rất mạnh trên mặt trận ngoại giao. Ba Lan là nước lên tiếng mạnh nhất yêu cầu Mỹ bán vũ khí cho Ukraine, nhưng chính phủ Mỹ không thể theo lời vì chưa được các nước Pháp, Ðức đồng ý. Trong tuần này, ông Bronislaw Komorowski, tổng thống Ba Lan đã thả một trái bom ngoại giao khi tuyên bố nước ông sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm chấm dứt cuộc đại chiến thứ hai vào ngày 8 Tháng Năm tại thành phố hải cảng Gdansk, nơi quân Ðức tấn công vào Ba Lan rồi gây ra cuộc đại chiến.
Chính phủ Nga tức giận trước quyết định của Ba Lan. Vì từ 69 năm qua Nga vẫn làm lễ kỷ niệm chấm dứt đại chiến thứ hai vào ngày 9 Tháng Năm, với một cuộc diễn binh vĩ đại, các nước chư hầu Nga cũng theo. Năm nay, ông Putin đã mới nhưng nhiều vị nguyên thủ quốc gia, trong đó có các tổng thống Ba Lan và Mỹ và lãnh đạo chính phủ các nước vùng Baltic đã từ chối để phản đối việc Nga xâm lăng Ukraine.
Chính phủ Ba Lan cũng không quên nhắc nhở dân nước họ, và cả thế giới nhớ lại rằng năm 1939 chính Stalin đã đồng lõa với Hitler sau khi ký hiệp ước hữu nghị, rồi khi Hitler tấn công Ba Lan thì quân Nga tiến vào chia phần một nửa! Quân Nga đã giết 22,000 sĩ quan, sinh viên, trí thức Ba Lan ở Katyn năm 1940, sự kiện này đã được người Nga công nhận sau khi chính quyền Cộng Sản Xô Viết từ chối suốt nửa thế kỷ. Từ năm 1939 đến 1941, Stalin đã bắt 500,000 người Ba Lan đi lưu đày. Dân Ba Lan cũng được nhắc nhở rằng vào năm 1944 khi quân Nga tiến ngoại ô thủ đô Warsawa đã kêu gọi dân Ba Lan nổi dậy, rồi quân Nga ngừng lại, đứng ngoài coi trong khi quân Ðức tiêu diệt 150,000 dân quân Ba Lan. Tất cả đều nhắm tiêu diệt những người có khả năng lãnh đạo một nước Ba Lan độc lập.
Ngoại Trưởng Ba Lan Grzegorz Schetyna đang đề nghị các nước Châu Âu cùng làm lễ kỷ niệm chấm dứt Chiến Tranh Thứ Hai ở Berlin. Một buổi lễ như vậy sẽ thu hút đông đảo các nhà lãnh đạo thế giới, làm lu mờ cuộc duyệt binh ở Moskba ngày hôm sau. Ông Putin rất tức giận, đã ra lệnh đài truyền hình Nga “chửi” ông ngoại trưởng Ba Lan bằng bức hí họa vẽ ông đứng trên một cột trụ, tay cầm cái bồ cào. Họ chế nhạo ông Schetyna khi còn trẻ sống ở Canada đã sống bằng nghề làm vườn! Tháng trước, ông Schetyna, vốn là một sử gia, đã nhắc lại tại trại tập trung Auschwitz rằng chiếc xe tăng đầu tiên giải phóng trại này không phải của Hồng Quân Nga mà là một chiếc thiết giáp do quân Ukraine lái.
Có thể nói ông Putin đã thắng trong trận đánh và cuộc đàm phán đình chiến ở Ukraine. Trận đánh kế tiếp sẽ nằm trong lãnh vực kinh tế. Nếu kinh tế Nga tiếp tụ xuống dốc vì giá dầu thấp và vì bị phong tỏa, thì thắng lợi ở Ukraine sẽ trở nên hão huyền. Như dân Crimea đang trải qua cảnh kinh tế sụp đổ sau khi nhập vào nước Nga. Trong thời gian tới, nếu chính phủ Ukraine được viện trợ đầy đủ, với ngân khoản 19 tỷ và 40 tỷ hứa hẹn trong bốn năm, họ có thể sẽ phục hưng được kinh tế. Khi đó, chính người dân các vùng đang bị quân ly khai chiếm, kể cả dân gốc Nga, sẽ biết họ nên chọn làm công dân một nước Ukraine độc lập hay chịu làm công dân Nga.
Trong khi đó, ông Putin thua đang thua khắp Châu Âu trên mặt trận ngoại giao. Không những ông kích thích các nước Châu Âu đoàn kết với nhau hơn, mà còn đẩy họ về phía Mỹ, vì ai cũng biết nếu chiến tranh xẩy ra họ cần cái dù của Mỹ che chở!
Ngô Nhân Dụng