Sau biến cố 30-4-1975, Cộng Sản Việt Nam CSVN chỉ có duy nhất kinh nghiệm phát triển kinh tế của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trước đây, và ngay từ đầu thập niên 1960 nhiều cán bộ kinh tế CS đã nhận xét rằng mẫu hình Stalinít đó không thể áp dụng được nữa. Lý do là vì nó tạo ta cho nền kinh tế một sự mất quân bình trầm trọng phát sinh từ việc đầu tư quá mức vào khu vực công nghiệp của nhà nước, và vào việc lãng phí một cách vô trách nhiệm trong sự phân phối các đặc quyền đặc lợi cho quan chức và đảng viên (nomenklatura) cộng sản.
Mặc dầu có sự phê phán và cảnh cáo như trên, Lê Duẩn, sau khi chiếm trọn miền Nam vẫn ngoan cố tìm cách áp dụng phương thức phát triển lỗi thời nói trên cho cả nước. Hậu quả của sự ngoan cố đó là nguy cơ sụp đổ toàn diện của chế độ vào cuối thập kỷ 1970. Nguy cơ ấy đã được chính các cán bộ cộng sản cao cấp như Trường Chinh và Nguyễn Văn Linh xác nhận.
Đứng trước một tình hình đen tối như vậy, nhiều cá nhân, xí nghiệp quốc doanh và hợp tác xã nông nghiệp đã âm thầm phát động một cuộc cách mạng kinh tế bằng phương cách “phá rào” (fence breaking) để tự cứu.
Sự chuyển thể kinh tế ở Việt Nam được đánh giá như một cuộc “cách mạng” vì một mặt, nó đã do quần chúng phát động ngoài ý muốn của nhà cầm quyền cộng sản và mặt khác nó đã thành công mặc dầu có âm mưu triệt hạ của nhóm bảo thủ muốn giữ cho đường lối phát triển kinh tế của họ không đi ra ngoài qũy đạo xã hội chủ nghĩa.
Tiếp theo đây là sự mô tả những giai đoạn phát triển của cuộc cách mạng nói trên.
Xin mời qúy độc giả theo dõi .
Kế hoạch ngũ niên thứ hai (1976-1980) của cộng sản HàNội
Sau khi CSVN hoàn tất cuộc xâm chiếm miền Nam bằng vũ lực năm 1975, những người lãnh đạo đất nước thời bấy giờ và cho cả đến ngày nay, gồm toàn những cá nhân được nhồi nhét một số kiến thức thô sơ về một lý thuyết cộng sản lỗi thời của những năm 1930. Đây là một nhận định quan trọng cần phải có khi đọc những đoạn viết tiếp theo.
Lao theo đà chiến thắng quân sự, họ nghĩ rằng Việt Nam có thể dễ dàng trở thành một quốc gia kỹ nghệ hóa tân tiến vào năm 2000, nghĩa là sau 4, 5 kế hoạch ngũ niên rập theo khuôn mẫu của Liên Sô. Bằng chứng của sự mơ tưởng hão huyền này là sự quy định quá cao những chỉ tiêu trong kế hoạch ngũ niên lần thứ hai được đem ra áp dụng vào đầu năm 1976.
Thế là mẫu hình phát triển kinh tế Stalinít được đem ra áp dụng cho cà nước và toàn bộ cơ chế thị trường tự do của miền Nam bị dẹp bỏ : tất cả các xí nghiệp tư doanh bị tịch thu hoặc quốc hữu hóa, ngoại thương được đặt dưới quyền điều động chuyên độc của trung uương, nông dân bị cưỡng bức gia nhập các hợp tác xã nông nghiệp.
Sự hà hiếp và ép buộc này không gặp nhiều chống đối tại miền Trung vì dân miền Trung nghèo, không có gì để mất mát nhiều. Ngược lại, tại miền Nam, nhất là trong vùng Saigon-Chợ Lớn, phản ứng nổ ra rất mạnh.
Tính cho đến năm cuối của kế hoạch, nông dân tại miền châu thổ sông Cửu Long nhất định không gia nhập hợp tác xã. Một vài hợp tác xã nông nghiệp, bị cưỡng ép thành lập, chỉ có một tầm hoạt động rất hạn chế. Tình hình nói trên gây ra một sự mất quân bình sâu đậm trong việc phân phối đầu tư : với 16 tỷ đồng đem ra đầu tư chỉ có 20% được dành cho lãnh vực nông nghiệp là lãnh vực thâu nhận đến 8o% lực lượng lao động của đất nước.
Tình trạng mất quân bình này cộng thêm với sự cô lập của Tây Phương, sự đoạn tuyệt của Trung Quốc, sự lãng công của nông dân miền Nam, phí tổn cho cuộc xâm lăng Campuchia và hậu quả khốc hại của bài học Đăng Tiểu Bình, đã khiến kế hoạch ngũ niên lần thứ hai bị phá sản hoàn toàn.
Nền kinh tế Việt Nam bị rơi vào một tình trạng khủng hoảng vô cùng trầm trọng. Giới lãnh đạo cộng sản Hà Hội gần như không còn biết bấu viú vào đâu để kiếm ra những nguồn tài trợ cho sản xuất kỹ nghệ và nông nghiệp. Sức nhập cảng suy giảm đáng sợ từ năm này qua năm khác : năm 1980 giảm 14% so với năm 1979, năm 1982 giảm 48% so với năm 1979 và cứ thế tiếp tục.
Đứng trước sự bất lực của nhà nước, các xí nghiệp quốc doanh cũng như các hợp tác xã nông nghiệp không còn cách nào hơn là phải tự tìm cho mình một sinh lộ để sống còn. Họ nghĩ ra cách “phá rào” (fence breaking) nghĩa là không trông đợi sự phân phối của trung ương nữa mà tự động xoay sở bằng mọi cách để kiếm ra nguyên liệu cần thiết. Trong trường hợp này, lẽ cố nhiên là khi sản phẩm hoàn tất, họ có quyền đem bán một số trên thị trường chứ không phải nộp hết cho trung ương. Sự phá rào này đã tạo thành những luồng thương mại và những cơ cấu căn bản cho tình trạng chuyển tiếp sang kinh tế thị trường sau này.
Hiện tượng phá rầo lan tràn khắp cả nước với sự bảo trợ ngầm của các chính quyền địa phương và các phủ bộ liên hệ. Trong nội bộ đảng CSVN thì nổ ra hai khuynh hướng trái ngược nhau : phe bảo thủ do Nguyễn Duy Trinh cầm đầu, nhất định chống đối đến cùng tình trạng nghiêng ngả về kinh tế thị trường, còn phe tiến bộ đại diện bởi Nguyễn Lam và Đào Xuân Sam thì chủ trương không nên kế hoạch hóa toàn bộ nền kinh tế của đất nước.
Mặc dầu có sự tranh cãi gay cấn đó, chính quyền trung ương cũng vẫn phải nhắm mắt trước hiện tượng phá rào khi cuộc khủng hoảng lên đến tột độ vào các năm 1978-1979. Không những thế, họ còn phải nhượng bố thêm bước nữa bằng cách bãi bỏ ý muốn hợp tác hóa khu vực nông nghiệp của miền châu thổ sông Cửu Long, để tránh nguy cơ sụp đổ toàn diện. Hành động phá rào do đó được coi như bước thắng lợi đầu tiên trong cuộc đấu tranh cách mạng của quần chúng. Trên thực tế, hành động cách mạng này đã đem lại phần nào sức hồi sinh cho nền kinh tế đang ngắc ngoải.
Kế hoạch ngũ niên thứ ba (1981-1985) của cộng sản Hà Nội
Vào những năm đầu của kế hoạch ngũ niên lần thứ ba, nhà nước cộng sàn tiếp tục phải miễn cưỡng nhượng bộ. Họ ghi nhận sự hồi sinh của nền kinh tế đang suy sụp bằng một loạt nghị quyết công nhận tính cách cần thiết tạm thời của biện pháp “phá rào”. Sở dĩ có sự công nhận này là vì biện pháp đó đã cứu nguy cho nền kinh tế khỏi sự sụp đổ trông thấy trước mắt : các xí nghiệp quốc doanh đã làm thêm sản phẩm mà không cần tăng thêm nguyên liệu, công nhân và nông dân hăng hái sản xuất hơn vì thấy thu nhập của mình tăng triển khả quan. Nóí chung, sự mất quân bình giảm thiểu đáng kể.
Biện pháp “phá rào” là một sự đau đớn cần thiết nên Hội Nghị Trung Ương Đảng, sau khi họp vào năm 1982, không những vẫn mặc nhiên chấp nhận sự phá rào mà còn đưa ra một chính sách kinh tế mới có tính cách ve vãn nhiều hơn nữa. Chính sách đó như sau.
Giai đoạn chuyển tiếp lên xã hội chủ nghĩa được xác định là cần có một thời kỳ phát triển đầu. Trong thời kỳ này, VN phải tạo điều kiện căn bản cho công cuộc kỹ nghệ hóa bằng cách tập trung nhiều hơn vào nông nghiệp và ngoại thương để tạo thặng dư lợi tức, ngõ hầu có thể đẩy mạnh kỹ nghệ hóa và đô thị hóa trong giai đoạn tiếp theo. (Như vậy có nghĩa là mô hình Stalinít bị hủy bỏ và kinh tế thị trường, tuy không nói rõ, nhưng đã được mặc nhiên công nhận.)
Mọi hoạt động kinh tế của xã hội VN phải được đặt nền tảng trên “ba lợi ích”: lợi ích của nhà nước, lợi ích của tập thể và lợi ích của cá nhân. Cả ba lợi ích này đều chính đáng và phải được áp dụng một cách hài hòa. (Sự công nhận ba lợi ích này là bước thắng lợi thứ hai của tiến trình cách mạng.)
Chiều hướng cởi mở như trên, trong thực tế chỉ được áp dụng nửa vời. Vẫn có những âm mưu muốn duy trì mô thức phát trỉển cũ nhằm ngăn cản đà tiến của trào lưu cách mạng kinh tế mới. Tuy nhiên, những âm mưu này, rốt cuộc, cũng không ngăn cản nổi sự tiêu vong của nền kinh tế hoạch định không tưởng và lỗi thời đã bị toàn dân ghét bỏ. Những âm mưu nói trên liên quan đến hai lãnh vực nông nghiệp và ngoại thương.
Trong lãnh vực nông nghiệp, nhà nước không những đã không đầu tư nhiều hơn mà còn cắt giảm. Mặc khác, thủ đoạn chính trị để buộc nông dân vùng châu thổ sông Cửu Long đi vào con đường tập thể hóa và hợp tác hoá, sau một thời gian ngừng nghỉ, lại tiếp tục thi hành. Việc thu mua lúa gạo của nông dân vẫn được coi như phương cách chủ yếu để tài trợ ngân sách quốc gia, mặc dầu chính sách này, trước đây, đã đưa đến những hậu quả vô cùng tại hại cho nền kinh tế miền Bắc.
Trong lãnh vực ngoại thương, sự cho phép thành lập các công ty xuất nhập cảng địa phương, nhất là tại Saigon, đã khiến cho ngoại tể chảy vào trong nước một cách tương đối khả quan. Trước tình hình này, Hà Nội hoảng sợ vì không kiểm soát nổi. Năm 1982 sau một cuộc điều tra, nhà nước đóng cửa tất cả những công ty làm ăn phát đạt của thành phố và bỏ tù những người đã có công làm cho nền ngoại thương khởi sắc, (những người bị bỏ tù phần đông là những chuyên gia của chế độ cũ). Sự hiếp đáp nói trên làm tê liệt trở lại mọi sinh hoạt ngoại thương đang trên đà phát triển.
Cố gắng vớt vát của Hà Nội nhằm duy trì kinh tế hoạch định Stalinít xem như vậy đả tỏ ra hoàn toàn thất bại. Sư thất bại này tạo ra một thời kỳ lạm phát phi mã khủng khiếp. Thêm vào đó, chính sách “giá-lương-tiền” của Tố Hữu, một nhà thơ làm kinh tế, đã không giải quyết gì mà còn gây thêm hỗn loạn vào năm chót của kế hoạch (1985). Sự hỗn loạn này đã bắt buộc Đại Hội 6 của đảng CSVN chính thức công nhận kinh tế thị trường và chia tay với ý thức hệ Mác Xít.
Đại Hội 6 của đảng Cộng Sản Việt Nam năm 1986
Lê Duẩn chết tháng 7 năm 1986. Trường Chinh lên thay trong chức vụ tổng bí thư đảng nhưng cũng chỉ được vài tháng thì Nguyễn Văn Linh nối nghiệp. Linh nhận lãnh một gia tài thối nát trong lúc cục diện thế giới đang chuyển mình theo chiều hướng tự do dân chủ, và trong nước đang có những áp lực nặng nề đòi hỏi một sự thay đổi rứt khoát để chuyển sang kinh tế thị trường.
Biến cố quốc tế lớn nhất ảnh hưởng tới VN lúc đó là hai chủ trương “perestroika” và “glasnost” của Gorbachev tại Liên Sô. Trong nước, mặc dầu nhóm lãnh đạo ngồi tại Bắc Bộ Phủ chưa có đường lối chính sách gì để cứu nguy nền kinh tế đang đi xuống thì người dân nói chung đã cảm nhận được một số nét đặc biệt sau đây : thứ nhất, áp lực mạnh của giới chuyên gia và những người cộng sản hiểu biết, ủng hộ kinh tế thị trường (KTTT) và chủ trương rứt khoái với kinh tế hoạch định ; thứ hai, sự đồng tình của một số lãnh đạo trung ương đối với KTTT khi họ nhận thấy chiều hướng vươn lên của đất nước ; thứ ba, lòng mong muốn, được thổ lộ, của người dân miền Nam muốn trở lại cung cách làm ăn tự do trước năm 1975.
Trước tình hình đó, Đại Hội Đảng lần thứ 6 nhóm họp vào cuối năm 1986 đã bắt buộc phải chính thức nhìn nhận KTTT dưới ngụy danh “Đổi Mới”. Đối với người cộng sản thì quyết định này là một sự đầu hàng giai cấp và một khi đã đầu hàng giai cấp thì dù còn sống cũng được coi như đã chết. Đảng CSVN không còn gì nữa để khoe khoang tinh ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa về khả năng phát triển đất nước.
Đổi Mới” là giai đoạn chót trong chu kỳ phát triển của mọi chế độ độc tài xây dựng theo mẫu hình Stalinít. Sau giai đoạn này bắt buộc các chế độ đó phải chấm dứt. Vì hoàn cảnh lịch sử và môi trường phát triển kinh tế khác nhau nên thời điểm của sự chấm dứt đó không trùng hợp. Tại Đông Âu, thời điểm đó đã nổ ra vào năm 1989 trong khi tại Liên Sô sự sụp đổ của chế độ cộng sản chỉ xảy ra vào năm 1991.
Việt Nam ngày nay là quốc gia có một nền kinh tế thị trường. Điều này đã được quốc tế nhìn nhận. Sự chuyển thể từ kinh tế hoạch định sang KTTT là một tiến trình không thể đảo ngược, đang tiếp diễn với một đà lao tới không gì kìm hãm nổi. Vì đang còn là một tiến trình nên nền kinh tế đó chưa ổn định.
Muốn cho nó được ổn định, chính quyền cộng sản sẽ bắt buộc còn phải nhượng bộ nhiều hơn nữa : nhượng bộ để thỏa mãn các đòi hỏi của các cơ quan tài chánh quốc tế như WTO và IMF, nhượng bộ để được chấp nhận vào TPP, nhượng bộ vì yêu cầu của các nhóm áp lực trong nước càng ngày càng đông và càng ngày càng ý thức rõ rệt hơn quyền lợi cũng như vai trò chính trị của họ trong giai đoạn lịch sử trước mắt.
Ngoài ra Việt Nam cũng không thể nào tự cô lập và từ khước mãi sự hội nhập vào xu thế của thời đại là xu thế tự do dân chủ đang được cả loài người tiến bộ nhìn nhận kể từ khi Chiến Tranh Lạnh chấn dứt. Đó là sự thẩm định đứng đắn nhất về tương lai của tổ quốc khi nhân loại bước sang thiên niên kỷ thứ ba.
Nguyễn Cao Quyền
Tháng 4 năm 2015