“Trung Thành và Nghĩa Vụ Với Quốc Gia Không Đặt Vấn Đề Nguồn Gốc Dân tộc“.
Ngày 7 tháng 12 năm 1941, lực lượng quân đội Nhựt Bổn bất ngờ, không tuyên bố khai chiến với Huê kỳ, tấn công Hải Cảng Trân Châu-Pearl Harbour, nằm trên đảo Oahu, thuộc quần đảo Hạ-uy-di-Hawaii, mở đầu cho cuộc tham gia của Huê kỳ vào Đệ Nhị Thế Chiến.
Sự kiện nầy, ảnh hưởng nhiều đến cái nhìn đa nguyên, đa văn hóa của xã hội Mỹ, đặc biệt mang nhiều hậu quả riêng cho cộng đồng người Mỹ gốc Nhựt và cho các Nisei, hâu duệ thế hệ thứ hai, sanh tại Mỹ, của cộng đồng di cư gốc Nhựt bổn.
Số phận các Nisei, người Mỹ gốc Nhựt, sanh quán tại Mỹ, trong thế chiến II
Liên bang Mỹ là một Hợp Chủng Quốc, cộng đồng công dân Mỹ đa chủng tộc, đa văn hóa, gồm nhiều cộng đồng chủng tộc khác nhau, văn hóa, tập tục khác nhau, sanh hoạt gia đình khác nhau, có nhiều gắn bó với nguồn gốc, văn hóa gốc, thuộc chủng tộc, thuộc văn minh, thuộc văn hóa gốc gác của quê hương ông bà tổ tiên, nhưng sanh hoạt xã hội gắn bó với đất nước Huê kỳ lại cùng một tình nghĩa ái quốc chung như nhau. Đó là cuộc sống hằng ngày, trong thời bình. Nhưng khi gặp trường hợp chiến tranh ? Thử nghĩ đến thái độ đối xử của chánh phủ Mỹ, của cộng đồng toàn dân Mỹ, của các cộng đồng dân tộc có liên hệ với chiến tranh, kẻ địch, các liên hệ của cá nhơn người công dân Mỹ với nguồn gốc đương sự ? Bên Trung với Nước, bên Hiếu với Tổ tiên. Phải làm sao ăn ở cho hợp tình hợp nghĩa ? Trung thành với Đất nước mình là công dân, nhưng vẫn giữ cái Tự hào của cái nguồn gốc dân tộc mình, để đền đáp cái Tình Nghĩa với Quốc gia, với Tổ quốc ngày nay của mình.
Chúng ta hãy học bài học của người Mỹ gốc Nhựt trong Thế chiến 2 vừa qua. Họ đã cho chúng ta những lời giải để chúng ta lựa chọn rõ ràng thế đứng của những công dân gốc Việt chúng ta trong các quốc gia ngày nay. Thế nào là thế đứng của cộng đồng gốc Việt trong các quốc gia mà người mình là công dân. Phải rõ ràng ! Và chúng ta phải lựa chọn rõ ràng căn cước của chúng ta và của hậu duệ của chúng ta.
Chúng ta ngày nay là Công dân của một quốc gia tiên tiến gốc người Việt Tự Do. Chúng ta có thể tự gọi là người Việt Hải ngoại, nhưng tốt hơn phải hay nên tự gọi, tự nhận là người Việt Tự Do tỵ nạn Cộng sản di cư sống ở Hải ngoại. Nhưng nhứt thiết, nhứt định không thể là Việt Kiều !
40 năm nay, vẫn còn thấy nhiều người tiếp tục, viết sai, nói sai và tự giới thiệu rất là sai rất là trái với sự thật ấy ! Trừ phi họ thật sự là Công dân của xứ Việt Nam Cộng sản.
Những xáo xáo lung tung, cải vã tranh tụng, của nhửng ngày qua, ôn hòa cũng có và du côn du kể cả mất dạy cũng có, về tên Ngày Quốc Hận của cộng đồng Việt Nam chứng mình cái khó khăn, khó ăn, khó nói, của những người tỵ nạn và “cái lòng thật giả đối với Đất Nước Nơi Ở, và đối với Quê Hương nay đã mất đang nằm trong tay kẻ địch“.
Ấy là chưa kể “Nằm Vùng”, Điệp Viên”, Du Côn Du Kề
(Tôi nhơn dịp nầy, xin mở dấu ngoặc để nói rõ sự bất mãn của cá nhơn tôi với những giọng văn xất láo, hỗn xược của vài cá nhơn dùng những lời lẽ tục tỉu du côn hạ cấp đối với các đàn anh cao niên. Dù không đồng ý kiến, dù chống nhau đi nữa, chúng ta những người Việt nên có thái độ đàng hoàng, lời lẽ từ tế với nhau. Ở Hải ngoại chúng ta không có những nơi, những chổ để chưởi nhau, như tiệm chưởi, quán chưởi ở miền Bắc bên nhà. Xin khép ngoặc và cám ơn quý vị cho phép tôi nhận định nầy).
Xin trở về câu chuyên Nisei trong Thời Chiến
1. Nghi ngờ, Tập Trung
Quần đảo Hawaii, tên cũ là Sanswich Islands – Tiểu bang thứ 50 của Liên Bang Hợp Chủng Quốc Huê kỳ chỉ vào năm 1959 – lúc bấy giờ là một vùng đất Territory thuộc của Huê kỳ, được cai quản bởi Thống Đốc Joseph Poindexter từ năm 1934 do Thổng Thống Roosevelt chỉ định. Nhưng ngay sau ngày 7 tháng 12 năm 1941, anh phải từ chức và trao quyền lại cho quân đội Mỹ. Và từ đó, toàn quần đảo nằm dưới chế độ quân quản và thiết quân luật-loi martiale.
Sở Điều Tra Liên Bang-FBI (Công An Huê kỳ) và Quân Cảnh Mỹ, lập những nút chặn và kiểm soát tất cả các khu phố và các nhà cửa các công dân Huê kỳ gốc Nhựt bổn. Lý do : họ mang “khuôn mặt của kẻ địch“.
Cuộc tấn công Trân Châu Cảng đã tạo lên một phong trào “bài người Châu Á-Da vàng“. Từ ngày 7 đến ngày 11 tháng 12, FBI đã cho bắt giam 1370 người Nhựt. Họ thuộc vào một danh sách phải theo dõi có từ năm 1920.
Người gốc Nhựt từ đấy, cũng bị xem như những phần tử ” dân tộc” phải theo dõi, họ gặp những kỳ thị chủng tộc trong tất cả sanh hoạt từ công ăn việc làm, đến nơi trú ngụ, nơi thờ phượng tôn giáo, kể cả cấm cả nói tiếng Nhựt nơi công cộng…Tất những sự kiện ấy xảy ra suốt dọc theo bờ phía Tây Huê kỳ.
Ngày 19 tháng hai năm 1942, Tổng Thống Roosevelt ký Nghị Định số 9066, cho phép trục xuất hay quản chế trên 120 000 người Mỹ gốc Nhựt bổn, trong số ấy gồm có 62% là các Nisei, tức là những công dân Mỹ gốc Nhựt, sanh tại Mỹ, thuộc thế hệ thứ hai.
Roosevelt vẫn biết khi ký một nghị định như vậy là ông xâm phạm Hiến Pháp Huê kỳ, nhưng ông vẫn vượt qua.
Một đìều rất lạ lùng là người phản đối mạnh nhứt việc quản chế các công dân Mỹ gốc Nhựt, lại là ông Giám đốc cơ quan FBI, ông J. Edgar Hoover, người nổi tiếng về hà khắc và coi thường, bất cần tôn trọng, những luật lệ về dân luật hay quyền dân sự. Eleanor Roosevelt, phu nhơn của Tổng Thống cũng chống Nghị Định 9006, và đã cố gắng nhiều lần ngăn cảnTổng Thống không nên ký, nhưng cuối cùng vô hiệu quả. Tổng Thống Roosevelt, tuy nổi tiếng với vai trò một vị Tổng Thống yêu chuộng và đấu tranh cho các quyền Tự do của con người và quyền tự do dân chủ cuối cùng cũng phải để cho vai trò của một vị Tổng Tư lệnh Quân đội Huê kỳ làm chủ ông. Ông đặt nặng trách nhiệm một nhà quân sự trước lâm nguy của đất nước và đành xem “Hiến Pháp chỉ là một mãnh giấy”!
Chẳng phải chỉ riêng những công dân Mỹ gốc Nhựt bổn bị quản chế, nhốt vào các trại Tập Trung, những công Mỹ gốc Ý và gốc Đức cũng bị tập trung quản chế như vậy !
Mười trại tập trung, dưới tên là Relocation Centers, được thành lập nơi những vùng xa, gần những sa mạc hay nơi đầm lầy, những vùng khỉ ho cò gáy phía miền Tây hay miền Nam xứ Mỹ.
Bộ máy tuyên truyền Mỹ nói rằng, đây là một phương thức để bảo vệ an ninh cho người Mỹ gốc Nhựt, nói rằng tất cả người Mỹ gốc Nhựt nầy đều tự nguyện ra đi vui vẽ đến những vùng kinh tế mới để “khẩn hoang những vùng đất mới đầy hứa hẹn.”. Nhưng thật sự, đó là những trại tập trung.
Sự thật là quân đội Huê kỳ đã đuổi ra khỏi nhà, đuổi ra khỏi những trang trại, cơ sở, xí nghiệp làm ăn của tất cả các công dân Mỹ gốc Nhựt, chỉ với một lý do hoàn toàn do kỳ thị chủng tộc, không truy tố, phạm tội phạm lỗi, hay đưa ra một bằng chứng nào về gián điệp, về phá hoại hay khủng bố, hay làm việc cho địch cả. Nhưng, cuối cùng tất cả những công dân Mỹ gốc Nhựt vẫn bị nhốt và đưa vào các trại tập trung.
2. Đạo quân Nisei, Người Mỹ Gốc Nhựt với Truyền Thống Samourai
Từ Chiến Thắng Monte Cassino ở Nam Ý đại Lợi:
Suốt thời gian 1942 đến 1943, không có một người Mỹ gốc Nhựt nào bị phạm pháp về tội “nối giáo cho giặc, phản loạn, điệp viên” cả. Các cộng đồng khác thì có. Người gốc Đức, gốc Ý, hay gốc Trung Âu, đồng minh với Đức. Nhưng người gốc Nhựt hoàn toàn, tuyệt đối không !
Vì mất quyền lợi công dân, bị nghi ngờ, tập trung, người Mỹ gốc Nhựt dù có lòng Ái quốc cũng không được tuyển mộ. có chăng thì chỉ ở những đơn vị làm việc xã hội ở hậu tuyến, làm những công việc không có tánh cách quân sự hay an ninh quốc gia.
Thế nhưng, một số các Nisei, với sự ủng hộ của một số nhơn vật chánh trị Huê kỳ, họ gởi thơ, gởi kiến nghị, phản đối, bày tỏ lòng Trung thành với Quê hương, Xứ sở Mỹ và phản đối chánh sách nghi ngờ của Chánh phủ Huê kỳ.
Tướng Emmmons, Tư lệnh Quân sự tại đảo Hawaii tin tưởng họ, xin và được phép tuyển mộ một số tình nguyện Nisei và gởi họ vào đất liền huấn luyện.
Toán tình nguyện đến Fort Mac Coy, tiểu bang Wisconsin, và thành lập Tiểu đoàn Bộ Binh số 100.
Nhiều kẻ xấu mồm, nhiều người ác ý xấu tánh mong rằng họ sẽ thất bại… Nhưng,Tiểu Đoàn số 100 là một trong những Tiểu đoàn Thiện chiến Nhứt của Huê Kỳ vào Thế Chiến 2.
Nhờ nhóm tình nguyện đầu tiên đã chứng minh tài nguyên đóng góp và tài nghệ của mình vào sức chiến đấu của đất nước và từ đấy chánh phủ Huê kỳ đã thay đổi chánh sách và mở cửa đón Nisei vào quân đội.
( Một lần nữa, chúng tôi tỏ lòng ngưởng mộ cái lòng Vị tha và Đạo đức của Con Người Huê kỳ. Biết Phục Thiện là cái sức mạnh của Dân chủ và cái khôn ngoan của con người Huê kỳ. Chánh sách thoạt đầu có sai, khi biết sai, biết phục thiện, biết sửa sai ! Quốc gia ta có thể sai, nhưng cái sự biết phục thiên và sửa sai là cái sức thông minh và sức mạnh của một Quốc gia.. . Chả bù ngó lại quê mình bây giờ thêm hỗ thẹn !)
Từ đấy, trên 23 ngàn Nisei nhập ngũ suốt Thời Chiến.
Suốt Thế chiến 2, luôn luôn có một đơn vị “Samourais – Nisei ” chiến đấu cạnh các đơn vị Mỹ và đồng minh.
Tiểu đoàn Bô Binh số 100 với phương châm “Nên Nhớ Pearl Harbour – Remember Pearl Harbour” được gởi đến Bắc Phi tháng 8 năm 1943.
Tham dự trận Monte Cassino, Ý đại Lợi, – một trận đánh nổi tiếng, gay go mở đầu cho chiến dịch giải phóng đất Ý thoát khổi tay Nazi Đức và Phát xít Ý. Chiến công lớn, nhưng trả với một cái giá rất đắt !. Nhập chiến với 1400 quân số, sau vài ngày đến lúc tạo được chiến công quân số chỉ còn 512 người. Các Nisei chứng minh họ là những chiến sĩ phi thường. Sau mỗi trận đánh đẩm máu, Tiểu đoàn được bổ sung, toàn là dân Nisei.
Tất cả các chiến sĩ trẻ nầy từ nay là ngưồn hy vọng và lòng tự hào của toàn thể cộng đồng người Mỹ gốc Nhựt của toàn đất nước Huê kỳ.
Sau mỗi lần bổ sung, lính mới được các đàn anh lính cũ huấn luyện để hòa đồng kỹ luật và sức chiến đấu cho đơn vị, với kỹ cương và với tinh thần Bushido như các võ sĩ Samourai truyền thống.
Nếu Quân đội Nhựt bổn tham chiến cho chế độ Showa Quân Phiệt bành trướng và bá quyền Đại Đông Á dùng Bushido làm kỹ cương kỹ luật để chiến đấu. Thì các Quân nhơn Nisei Mỹ gốc Nhựt cũng dùng truyền thống Bushido Samourai làm kỹ cương và sức mạnh để Chiến đấu.
Chiến đấu trong Quân đội Mỹ nhưng với tất cả Truyền Thống, Danh Dự và Tự Hào Dân Tộc Nhựt.
Mong rằng những hậu duệ gốc Người Việt Tự Do chúng ta sẽ, nếu có dịp trả nợ Quê Hương mới với niềm Tự Hào Dân Tộc với Hùng Khí con cháu các tiền nhơn, gái theo gương Trưng Triệu ba bà, trai theo gương các Vua Quan Đại Việt, Ngô quyền, Lê Lợi, Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, ..
Mong thay!
Nhờ vậy, Tiểu đoàn Bộ binh số 100 là Tiểu đoàn được nhiều nhứt huy chương nhứt của toàn thể các đơn vị quân sự Huê kỳ trong Thế Chiến.
Tháng năm 1944, Tiểu đoàn nhập vào Chiến Đoàn – Regimental Team Combat – RCT 442 do chính Tổng Thống Roosevelt thành lập ngày 1 tháng 3 năm 1944 cũng gồm toàn Nisei. Ngày thành lập, Tổng Thống Roosevelt đã nhận định ” Nguồn gốc Huê kỳ – L’américanisme không do, và cũng không phải là một vấn đề chủng tộc hay tổ tiên – Americanism is not and never was a matter of race or ancestry “.
Cũng nên nhớ nguồn gốc Tổng Thống Franklin Delano Roosevelt với gốc bên cha là người Hòa Lan, bên mẹ là người huguenot Tin Lành Pháp, tỵ nạn Tôn Giáo.
Tiểu đơàn số 100, đáng lý phải biến thành Tiểu Đoàn số 1, của Chiến đoàn 442, nhưng Tiểu Đoàn số 100 vẫn giữ nguyên tên 100 vì đã quá nổi danh với con số 100 nầy. Đây là một chuyện hi hữu !
3. Đến Chiến Thắng Bruyères – núi Vosges, Pháp Quốc
Tại sao Bruyères? Và vị trí Bruyères ở đâu? Bruyères chỉ là một cái làng nhỏ nhưng có một vị trí chiến lược trên đường tiến quân của quân đội Đồng minh về hướng Đức. Bruyères nằm giữa một ngôi sao năm cánh, mỗi đầu cánh là một địa điểm quan trọng, Épinal, Saint Dié, Gérardmer, Remiremont và Nancy. Bruyères như vậy là địa thế chiến lược, nơi phải đi qua.
Trận Bruyères mở đầu ngày 30 tháng 9 năm 1944 với tràn pháo đầu tiên của quân đội Mỹ dội vào làng Bruyères, Tiếp theo là tiếng pháo trả đủa của quân Đức. Quân Na zi tổ chức cầm cự bằng tạo những pháo đài kiên cố trên những vùng cao chung quanh làng, lập thành một vòng đai phòng thủ dầy đặc vững chắc. Chiến đoàn 100/442 được thảy vào nhập trận ngày 10 tháng 10 để phá vòng đai phòng thủ nầy.
35 ngàn quả pháo Mỹ tưới vào Bruyères, quân Đức vẫn giữ vững phòng tuyến. Trận pháo Mỹ vừa dứt đến phiên trận pháo của Đức, sau khi bị trục xuất khỏi làng phản pháo lại. Dần dần các đồi cao chung quanh Bryuyères được chiến đoàn 100/442 chiếm lại và sau bốn ngày, các SmouraisNisei vào giải phóng làng Bruyères, đánh từng đường một, từng xóm một, từng nhà một. Trận chiến ác liệt, thương vong nặng nề – 1200 thiệt mạng.
Suốt trận đánh, dân chúng làng núp dưới hầm. Khi được giải thoát, yên ổn, họ lạ lùng nhìn những anh hùng đã cứu họ. ” Toàn là dân Á đông với đôi mắt xếch”. Họ xem rất trẻ, 17, 18, 19 tuổi và nhỏ người. “Xem như những đứa trẻ”.
Lưôn luôn với một nụ cười, luôn luôn tử tế, các Nisei đối đải nhơn từ với đồng bào làng Bruyères. Bất chấp lệnh cấp trên, các Nisei chia xẻ lương thực với dân làng. Dân làng từng đây đồng loạt gọi các Nisei là “Những gentlemen” .
4. Và Giải Cứu Tiểu Đoàn Mất Tích
Ngày 24 tháng 10 năm 1944, sau gần 15 ngày chiến đấu để chiếm lại và giữ Bruyères, Chiến đoàn 100/442 đã thiệt hại 50 % quân số . Các binh sĩ đang trông chờ lệnh kéo về hậu cứ để dưởng quân và bổ sung lực lượng bổng có tin khẩn cấp rằng:
Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 141, Sư đoàn 36 (Trung đoàn 141 nổi tiếng vì là Trung đoàn Fort Alamo, Trung đoàn anh hùng của Davy Crockett, của Jim Bowie) đang bị bao vây và đang biến thành Tiểu đoàn Mất Tích The Lost Battalion.
700 quân Đức đang bao vây Tiểu đoàn 1/141 trên ngọn đồi Biffontaine, một làng nhỏ trên vùng cao chung quanh Bruyères, cách Bruyères vài cây số.
Tại quê nhà, Huê kỳ, số phận của Trung đoàn 141 được nổi danh ở trang nhứt các nhựt báo. Tại Thượng Viện Mỹ, một nhóm Nghị sĩ viết bạch thư hăm dọa Chánh phủ : ” Hãy cứu họ không thì hãy coi chừng …” Các Nghị sĩ viết riêng tuyên bố trên báo chí, cho các binh sĩ (và gia đình binh sĩ) của Trung Đoàn Fort Alamo đang bị bao vây, nào là : ” Hãy Cố gắng, hãy Can đảm, Giữ vững …” Nào là ” …các phương tiện sẽ gởi đến, quân tiếp viện sẽ cứu các bạn …”
Nói tóm lại, bằng mọi giá phải cứu Tiểu đoàn Mất tích.
Hai đợt tiếp viện đã gởi đến, đều thất bại. Tướng Dahlquist, Tư lệnh Sư đoàn 36, nghĩ đến Chiến đoàn Samourais.
Ngày 26 tháng 10, Chiến đoàn 100/442 được lệnh giải tỏa Biffontaine và cứu Tiểu đoàn 1/141.
Chiến đoàn Trưởng Đại tá Pence động viên các binh sĩ Nisei ” Hãy thắng trận nầy để đem chiến thắng về cho toàn thể cộng đồng các bạn !”
Trận xung phong đầu thất bại, Chiến đoàn Trưởng đề nghị lui quân chờ viện binh, Tướng Tư lệnh từ chối. Thế là phải liều mạng đánh, đánh trong sương lạnh, trong băng giá, trong cơn tuyết đầu mùa. Ngày 29 tháng 10, ba máy bay thảy lương thực tiếp tế cho quân bị vây hảm. Sau 5 ngày đánh nhau, quân của Chiến đoàn samourais chỉ còn cách tiểu đoàn Texas 900 thước, nhưng kẹt ở sườn đồi khó khăn dưới làn đạn liên thanh của Đức. Sau 6 ngày đêm, liên tục cận chiến, binh sĩ của chiến đoàn 100/442 samourais-nisei đã bắt tay cứu 230 mạng sống sót của Tiểu đoàn Texas mất tích. Nhưng phải trả cái giá, là 863 mạng của chiến đoàn 100/442 bị thương vong.
Tướng Dahlquist Tư Lệnh Sư đoàn 36 đến thăm mặt trận và cám ơn Chiến đoàn 100/442 RCT đã cứu binh sĩ của Sư đoàn thuộc hạ của Ông. Khi nhìn thấy chỉ một nhóm nhỏ của Tiểu đoàn 100 có mặt trình diện, ông thốt lớn lên ” Tôi ra lệnh tất cả đơn vị hãy trình diện tôi !” .
Trong một giọng thổn thức đầy nước mắt, Đại tá Trưởng Chiến đoàn trả lời : ” Chúng tôi chỉ còn chừng nầy người thôi ! Đại Tướng ơi !” – vỏn vẹn chỉ 257.
Tất cả các đơn vị tham dự trận Bruyères, tất cả hai phía địch thủ; quân Đồng Minh, Mỹ, Pháp, Anh, hay phe địch Đức đã bỏ lại trên chiến trường Bruyères – Biffotaine trên 16 ngàn chết và bị thương.
Trận chiến nầy được xem là một trong mười trận lớn nhứt của lịch sử Huê kỳ. Để tưởng nhớ, một bức tranh lớn vẽ cuộc chiến tại những cánh rừng vùng Biffotaine, đang được treo trên tường của Ngũ Giác Đài tại Washington.
Nhờ chiến công nầy, sau Thế chiến, Hawaii nhanh chóng nhập vào Liên Bang Huê kỳ, làm Tiểu bang thứ 50. Dân chúng Hawaii bầu Trung Úy Daniel Inouye của Chiến đoàn 442 RCT và Đại Úy Spark Matsunaga của Tiểu đoàn Bộ Binh số 100 làm Nghị Sĩ của Tiểu Bang Hawaii. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Huê kỳ hai Nghị Sĩ của một Tiểu Bang phục vụ cùng một đơn vị quân đội.
Năm 1947, một Đài Kỷ niệm được dựng lên ở Bruyères để tưởng nhớ những anh hùng đến từ Hawaii giải phóng một mãnh đất Pháp. Những người con người chiến đấu hào hùng với những chiến công hiển hách. Họ thành lập kỷ lục là đơn vị có nhiều huy chương nhứt của quân đội Huê kỳ.
Từ năm 1961, làng Bruyères là thành phố huynh đệ với Honolulu. Nhưng sợ giây tình ái, những sợi giây máu mủ đã gắn bó người Pháp Bruyères với người Mỹ Nisei Hawaii qua nhiều thế hệ. Các Nisei cám ơn người dân Bruyères vì người dân Bruyères vẫn nhớ ơn giải phóng của các chiến sĩ samourais nisei. Hằng năm, vào những ngày kỷ niệm, các gia đình Bruyères tiếp rước trọng thể các gia đình các chiến sĩ và hậu duệ các Nisei. Với thời gian, các nhơn vật chánh từ từ tàn rụi, nhưng các con cháu, các hậu duệ Pháp Mỹ Nisei vẫn tiếp tục những sợi giây tình ái.
Tháng 10 năm 2014, nhơn dịp 70 năm ngày Giải Phóng Bruyères, ba cựu chiến binh, và hai góa phụ cựu chiến binh có mặt cùng 50 người bạn và hậu duê gia đình chiến binh Nisei đến long trọng làm lễ Tưởng Niệm.
Ngưởng mộ thành tích:
Phương châm của Chiến đoàn 100/442 RCT là “Go for Broke” tiếng lóng Hawaii nghĩa là “Chơi xả láng”, phương châm tiếng la tinh là “Aut Caesar, aut nihil” ( Chỉ Caesar (Vua) ! Hay là chết !)
Chiến đoàn 442 quân số 4500. Nhờ chiến công hiển hách ở Ý đại Lợi, Tiểu đoàn 100 vẫn được giữ tên số 100. Vì vậy Chiến đoàn RCT 442 được gọi là 100/442. Với quân số nhỏ như vậy đơn vị nầy nhận tất cả là 18 143 huy chương cá nhơn. Chiến đoàn còn được các đơn vị bạn gọi là Purple Regiment vì binh sĩ nào của chiến đoàn cũng có huy chương Purple Hearts cả.
Tổng cộng Huy Chương:
21 Medal of Honor
52 Distinguished Service Cross ( 19 biến thành Medals of Honor vào tháng 6 năm 2000)
1 Distinguished Service Medal
560 Silver Star ( cộng với 28 với nhành Dương liễu)
22 Legion of Merit Medal
15 Soldier’s Medal
4000 Bronze Stars (cộng với 1200 nhành Dương liễu và một Bronze Star biến thành Medal of Honor vào năm 2000)
9486 Purple Hearts
Và Bái Phục !
Mong những hậu duệ người gốc Việt Tự Do chúng ta lấy đó làm gương !
Hồi Nhơn Sơn, tháng Năm
Phan Văn Song, TS