Một người bạn thân của tôi có cháu họ – con của một cán bộ cao cấp trong chính quyền-, trước, du học tại Úc, sau, về Việt Nam làm giám đốc chi nhánh một công ty nào đó của Trung Quốc. Người cháu rủ bạn tôi sang Trung Quốc chơi với những lời hứa hẹn đầy hấp dẫn. Bạn tôi, vốn ghét những âm mưu bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, hỏi: “Mày không khó chịu trước các hành động ngang ngược của Trung Quốc đối với Việt Nam à?” Người cháu cười to và đáp: “Thôi, bận tâm làm gì về mấy chuyện đó, chú. Cứ coi như Việt Nam đã mất trắng vào tay Trung Quốc rồi, mình có làm gì được nữa chứ. Lo chơi cho vui, chú ạ.”
Tôi có một số bạn bè thuộc giới trí thức tại Việt Nam. Họ không sỗ sàng như người cháu của bạn tôi. Nhưng thái độ của họ trước nguy cơ giành lấn biển đảo của Trung Quốc thì cũng như vậy. Trong những lần chuyện trò, bao giờ tôi cũng là người gợi chuyện về mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc chứ không bao giờ là họ cả. Ngay cả khi tôi đặt vấn đề, người ta cũng lảng sang chuyện khác với lý do giống nhau: “Mình có làm được gì đâu. Suy nghĩ làm gì cho mệt óc!”
Một số người có thể cãi: Các ví dụ tôi nêu ở trên chỉ là những ngoại lệ. Ở đây, chúng ta gặp ngay một khó khăn: Khác với ở Tây phương, ở Việt Nam không có những cuộc điều tra dư luận để chúng ta có được những con số chính xác. Tuy nhiên, bù vào đó, chúng ta có thể quan sát từ kinh nghiệm giao tiếp riêng của mình. Trước đây, những lần về Việt Nam, tôi gặp khá nhiều người đủ mọi giới, tôi nhận thấy ít người thực sự quan tâm đến chính trị. Mà nếu quan tâm, những điều họ quan tâm cũng chỉ quanh quẩn những giai thoại về đời sống của một số chính khách. Điều quan trọng nhất trong chính trị là chính sách thì thường bị bỏ quên.
Với những người chưa có dịp về Việt Nam, có thể quan sát điều này trên facebook. Nghe nói ở Việt Nam hiện nay có khoảng 30 triệu người sử dụng facebook. Không ai có thể biết hết những người chơi facebook ấy. Nhưng theo ghi nhận của tôi, trong số mấy ngàn “friend” và gần mười ngàn “follower”, những người thực sự quan tâm đến chính trị chỉ là thiểu số. Phần lớn chỉ thích chuyện ăn uống, quần áo, vui chơi, du lịch… thuần tuý có tính chất giải trí. Nhiều người tuyên bố thẳng thừng: Sẽ huỷ kết bạn với những người thích bàn chuyện chính trị. Về phương diện xã hội, trước đây có một số cuộc xuống đường biểu tình chống Trung Quốc ở Sài Gòn và Hà Nội nhưng số người tham gia bao giờ cũng rất thưa thớt. Mà mấy năm gần đây, những cuộc biểu tình như thế cũng hoàn toàn vắng bóng.
Có thể nói người Việt Nam ở Việt Nam rất ít bận tâm đến các vấn đề chính trị, kể cả vấn đề quan trọng nhất liên quan đến độc lập và chủ quyền quốc gia trên Biển Đông. Ít hơn hẳn những người Việt Nam đang sống ở hải ngoại. Ở hải ngoại, ở đâu và lúc nào người ta cũng trăn trở với các diễn biến chính trị trong nước. Mà không phải chỉ là người Việt Nam lưu vong. Cộng đồng lưu vong nào cũng vậy. Cũng chia sẻ một số những ký ức tập thể giống nhau. Cũng dằn vặt về vấn đề bản sắc. Và cũng khắc khoải với những biến động chính trị ở quê gốc. Nhiều người, từ Việt Nam sang, có dịp gặp gỡ nhiều người Việt sống ở hải ngoại, cứ thắc mắc: Sao sống xa quê hương lâu đến thế mà vẫn không quên quá khứ và vẫn không thoát được những ám ảnh về chính trị?
Điều quan trọng là người Việt Nam ở Việt Nam hiện nay ít quan tâm đến chính trị hơn hẳn ngày trước. Trước, ở miền Nam, hầu như lúc nào người ta cũng sôi sục chuyện chính trị. Ở miền Bắc cũng vậy. Trong đời sống cũng như trong văn học, đề tài chính trị lúc nào cũng nóng hổi. Chỉ có hiện nay người ta mới nguội lạnh trước số phận của đất nước. Nguội lạnh đến mức gần như vô cảm. Tại sao?
Câu trả lời, thật ra, rất đơn giản và đã được nhiều người đề cập: Đó là hậu quả của các chính sách tuyên truyền và giáo dục của nhà cầm quyền mà biểu hiện cụ thể nhất là qua lập luận: “Chuyện quốc gia đại sự hãy để nhà nước lo, đồng bào đừng bận tâm.” Xin lưu ý là kiểu lập luận này khác hẳn với chủ trương của đảng Cộng sản trước đây. Trong cuộc chiến tranh chống Pháp cũng như chiến tranh Nam Bắc, đảng Cộng sản và nhà cầm quyền Hà Nội lúc nào cũng đề cao sức mạnh của quần chúng, kêu gọi quần chúng tham gia vào các công tác chính trị. Bây giờ, ngược lại, họ đẩy quần chúng ra ngoài, biến thành những kẻ bàng quan và vô trách nhiệm trước các biến động của đất nước. Có thể nói là họ sợ việc quần chúng quan tâm đến chính trị.
Mà sợ cũng phải. Năm ngoái, khi chính quyền Hà Nội chủ trương chặt hạ 6700 cây xanh trên 190 con đường ở thủ đô, dân chúng phản đối quyết liệt, cuối cùng, chính quyền phải rút lại cái lệnh quái gở ấy, hơn nữa, còn bị buộc phải kiểm điểm về quyết định và quá trình thi hành quyết định ấy của mình. Đầu năm nay, dân chúng phát hiện và phản đối việc tỉnh Sơn La có dự án chi cả 1.400 tỉ đồng cho việc xây dựng khu lưu niệm, kể cả tượng đài Hồ Chí Minh, đã khiến không những chính quyền Sơn La mà cả chính phủ trung ương phải lúng túng. Đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải ra lệnh xét duyệt lại dự án bị dân chúng phản đối ấy. Gần đây, khi dân chúng phát hiện những lỗi sai nghiêm trọng trong bộ sách thực hành kỹ năng sống bậc tiểu học, Bộ giáo dục đã phải ra lệnh thu hồi toàn bộ các cuốn sách ấy.
Qua các trường hợp hoạ hoằn vừa kể, chúng ta thấy rõ sức mạnh của quần chúng (nếu quần chúng biết tận dụng!). Đó là điều chắc chắn chính quyền Việt Nam không hề mong muốn. Chính vì thế, họ có hai sách lược: Một là giấu giếm toàn bộ các việc làm của họ để không ai biết và không ai phê phán cả. Hai là họ nỗ lực tuyên truyền và giáo dục dân chúng trở thành vô cảm. Cho đến nay, không thể nói là họ không thành công. Tiếc, sự thành công của họ lại là một bất hạnh lớn nhất của cả nước.
TS Nguyễn Hưng Quốc