About the author

Related Articles

5 Comments

  1. 1

    Trần Tư Bình

    Bài viết của tác giả Nguyễn Vĩnh Tráng thật sự là một khám phá thú vị. Điểm mới lạ nhất của bài viết là cho thấy sự tương tự giữa tiếng Việt và tiếng Pháp trong việc gọi tên chữ cái là a, bê, cê,…(A,B,C,…), khi chúng đứng một mình; và phát âm là a, bờ, cờ,… khi dạy đánh vần (ghép vần) cho học sinh mẫu giáo, …

    Bài viết này đã làm tôi mạnh dạn hơn để xin gởi đến độc giả một câu hỏi mà tôi thắc mắc từ lâu. Câu hỏi là: Từ nay về sau, khi dạy tiếng Việt, thật sự có cần thiết phải dạy đánh vần, như cách lâu nay vẫn dạy, cho học sinh mẫu giáo không?

    Các lý do khiến tôi đặt vấn đề trên là:

    – Từ vài chục năm gần đây, khi học tiếng Anh-Pháp, học sinh bản xứ lớp mẫu giáo, kể cả người mới bắt đầu học hai ngôn ngữ này, đều không học đánh vần. Người mới bắt đầu học tiếng Anh-Pháp chỉ học cách đọc cho đúng tên các chữ cái A, B, C,… và rồi học phát âm cho đúng nguyên con chữ. Vậy thì tại sao khi dạy tiếng Việt ta vẫn tiếp tục dạy đánh vần?

    – Qua bài viết của tác giả Nguyễn Vĩnh-Tráng, ta thấy ở Pháp vào các thế kỷ 17, 18,… người Pháp đã học đánh vần tiếng Pháp, (vd: Le a La, Me e Mer, La Mer). Vậy thì vì sao hiện nay phương pháp đánh vần này không còn áp dụng nữa cho người bắt đầu học tiếng Pháp? Phải chăng đánh vần chỉ hữu ích khi mà chữ Pháp ở giai đoạn mới bắt đầu ổn định? Phải chăng vào thế kỷ 17, 18, đa số người Pháp ở nông thôn vẫn còn mù chữ, ít có cơ hội tiếp cận sách báo tiếng Pháp, nên những người Pháp lớn tuổi khi bắt đầu học chữ Pháp thì họ hoặc các giáo chức lúc ấy dùng cách đánh vần cho dễ nhớ, vì học xong chắc cũng ít có cơ hội đọc sách báo. Và từ thế kỷ 20 trở đi, cơ hội tiếp cận chữ Pháp qua sách báo, tivi, … được phổ biến rộng rãi cho mọi giới nên việc dạy đánh vần chữ Pháp không còn cần thiết nữa?

    – Phải chăng tương tự như vậy, những năm 1945, 1946,… đa số người Việt còn mù chữ, ít có cơ hội tiếp cận sách báo Việt ngữ nên những người Việt lớn tuổi khi bắt đầu học chữ quốc ngữ, thì họ hoặc các giáo chức lúc ấy dùng cách đánh vần, đặt thơ cho dễ nhớ vì học xong chắc cũng ít có cơ hội đọc sách báo?

    – Giả sử các lí do nêu trên là đúng, cùng với việc từ vài năm nay trở lại đây, cơ hội tiếp cận chữ quốc ngữ qua sách báo, tivi, internet,… đã được phổ biến rộng rãi cho mọi giới, vậy thì có nên xét lại việc dạy đánh vần chữ quốc ngữ còn cần thiết nữa hay không? Vì hiện nay, nhiều trẻ em Việt trong nước, lúc còn 3-4 tuổi, đã hằng ngày nghe thấy trên màn hình tivi cách đọc nguyên con chữ, qua các chương trình có tính giáo dục cho thiếu nhi., tương tự như viếc các thiếu nhi Anh-Pháp đã tiếp cận hằng ngày cách đọc nguyên con chữ trong tiếng Anh-Pháp từ vài chục năm trước đây.

    – Điểm đặc biệt chính của tiếng Việt, khi so với nhiều tiếng khác trong hệ thống sử dụng alphabet Latin, là có dùng 5 dấu thanh: Sắc, Huyền, Hỏi, Ngã, Nặng. Vì vậy, thiển nghĩ hiện nay khi dạy tiếng Việt cho trẻ em trong nước, phương pháp đánh vần chỉ nên áp dụng cho những chữ có dấu thanh. Ví dụ: chữ “Cúng”, đánh vần là Cung-sắc-Cúng, chữ “Cùng”, đánh vần là Cung-huyền-Cùng, v.v.…. Còn chữ “Cung” thì ta đọc nguyên con chữ là Cung, không cần đánh vần, vì trước khi học đến chữ “Cung” thì trẻ em đã học cách đọc tên chữ “C” là Cê, phát âm là Cờ và đã học vần “ung” phát âm nguyên vần là Ung (không đánh vần như xưa là: U-ngờ-Ung).

    – Riêng với trẻ em Việt ở hải ngoại, dù các em có học tiếng Việt cuối tuần nhưng cơ hội tiếp cận với sách báo, tivi Việt ngữ rất hạn chế, thì việc dạy đánh vần, nếu cần thiết, cũng chỉ nên thêm một bước. Ví dụ: chữ “Cúng”, đánh vần là Cờ-ung-cung-sắc-Cúng, chữ “Cùng”, đánh vần là Cờ-ung-cung-huyền-Cùng, v.v.…. Còn chữ “Cung” thì ta đọc nên nguyên con chữ là Cung, hoặc đánh vần là Cờ-ung-Cung.

    – Sau cùng, để bổ sung cho lí do việc đặt câu hỏi nêu trên, tôi xin sao chép lại ở đây một đoạn của độc giả Half Moon, trên diễn đàn Đặc Trưng cách đây vài năm, về chủ đề “Dạy con đánh vần tiếng Việt”

    “… cho đến nay, có 4 phương pháp dạy đọc Việt ngữ:

    – 1/ Phương pháp ghép chữ: là phương pháp cổ điển nhất: ghép các chữ cái lại với nhau, đọc thành tiếng.

    Ví dụ: TRƯỜNG – Ghép: “tê e-rờ ư trư ơ trơ en giê trương huyền trường.”
    Theo phương pháp này thì học sinh chỉ biết tên của chữ nhưng không phân biệt được sự khác biệt giữa tên và âm của từng chữ cái.

    – 2/ Phương pháp ráp vần ngược: ghép chữ để phát âm ra vần, rồi sau đó ráp phụ âm đầu vào, đọc thành tiếng.

    Ví dụ: TRƯỜNG – Ghép: “Ư ơ ngờ ương. Trờ ương trương huyền trường.”

    Phương pháp này khá tốt, nhất là giúp học sinh phát âm được cụm VẦN của tiếng ấy, nhưng ở hải ngoại, có nhiều học sinh khi nghe ráp vần cách này thì viết là ƯƠNGTR`.

    – 3/ Phương pháp ráp vần xuôi: dạy học sinh phát âm được cả cụm VẦN, rồi chỉ việc ráp phụ âm đầu vào để đọc thành tiếng.

    Ví dụ: TRƯỜNG. Học sinh đã được dạy cách phát âm cụm vần “ương”, do đó, bất cứ chữ nào có cụm vần này, học sinh nhận diện được và đánh vần như sau: “Trờ ương trương huyền trường”.

    Phương pháp này tốt nhất, nhưng buộc những người giảng dạy phải kiên nhẫn dạy học sinh phát âm được cụm VẦN trước khi chính thức ráp vần.

    – 4/ Phương pháp tập đọc tự nhiên: Cho học sinh các bài tập đọc với những chữ thông dụng hợp trình độ. Đọc trước cho các em vừa đọc theo vừa nhận mặt chữ. Sau đó cho các em tự đọc buông một mình.

    Bốn phương pháp trên được nhà văn Quyên Di dùng để giảng dạy Việt ngữ tại các trường đại học CSUF, CSULB, UCLA.

    Để chúng ta chọn ra một phương pháp thích ứng với việc dạy cho các trẻ em VN tại hải ngoại đọc được Việt ngữ một cách nhanh chóng và dễ dàng, HM kính mong tất cả các vị còn quan tâm đến ngữ học Việt Nam góp ý & bàn luận thêm.
    ( dactrung.net/phorum/tm.aspx?m=157162&mpage=1 )

    Tóm lại, xin cảm ơn tác giả Nguyễn Vĩnh-Tráng về bài viết lý thú “I Tờ, Tờ i Ti. Le a La, Me e Mer, La Mer”, do đó tôi có thêm tin tưởng để nêu ra câu hỏi mà tôi hằng suy nghĩ nhiều năm nay khi tôi còn dạy tiếng Việt cho học sinh trong nước cũng như hiện nay khi đang dạy tiếng Việt cho học sinh ở Úc.

  2. 2

    Nguyễn Vĩnh-Tráng

    Kính ông Trần Tư Bình,

    Được một Nhà Giáo khuyến khích, tôi lấy làm hân hạnh lắm.
    Phương án khảo cứu dạy Tiếng Việt không đánh vần của ông rất hay, nhưng không phải là chuyên ngành của tôi, nên tôi không dám bàn đến.
    Ở Pháp hiện nay, trong giáo giới và ngay ở Bộ QGGD, người ta bàn luận sôi nổi lắm vể Méthode Globale và Méthode Syllabique (xin xem Wikipedia, dưới hai đề tài đó).

    Hân hạnh.
    Kính,
    VT.

  3. 3

    Trần Tư Bình

    Kính ông Nguyễn Vĩnh-Tráng.

    Chân thành cảm ơn ông đã hồi đáp cho lời bình của tôi.

    Nước Pháp từ lâu vẫn thường đi tiên phong trong các cuộc cách mạng tư duy triết học, pháp luật, nhân quyền, giáo dục, v.v.. Do đó, Méthode Globale và Méthode Syllabique đang thảo luận ở Pháp là điều mà tôi và chắc nhiều độc giả khác cũng muốn biết. Tiếc rằng tôi chỉ học tiếng Pháp như 1 ngoại ngữ lúc còn ở trung học nên nay đã quên rất nhiều vì đã không đụng đến hơn 30 năm nay. Vậy nếu được, xin ông, hoặc độc giả nào ở Pháp, tóm tắt vài ý chính về cuộc thảo luận này thì thật là quý, nhất là các điểm có liên quan đến chủ đề đánh vần.

    Trân trọng.
    Trần Tư Bình

  4. 4

    Thao Phan

    Kính thưa Bác,

    Cũng như người Pháp khi xưa và người Việt bác gọi là “mù chữ” nên học theo cách phát âm và ráp âm lại thành chữ, các trường học Private ở nước Mỹ vẫn dùng Phonics để dạy các em Mẫu Giáo đọc chữ. Cách dạy này không những giúp các em tiến bộ nhanh chóng mà lại cho các em một nền tảng vững chắc sẽ giúp các em spell rất khá. Như thế thì không hiểu tại sao bác Bình đặt ra câu hỏi: “Từ nay về sau, khi dạy tiếng Việt, thật sự có cần thiết phải dạy đánh vần, như cách lâu nay vẫn dạy, cho học sinh mẫu giáo không?”

    Theo kinh nghiệm dạy non nớt của cháu thì cách dạy Phonics rõ ràng hơn và mặc dầu khô khan như giáo viên Quyên Di nói, nhưng không thể không dạy các em nhỏ Phonics được.

  5. 5

    Fương

    Thao Phan đã đọc không kỹ và hiểu lầm ý của bác Tư Bình rồi. “Từ nay về sau, khi dạy tiếng Việt, thật sự có cần thiết phải dạy đánh vần, như cách lâu nay vẫn dạy, cho học sinh mẫu giáo không?” có nghĩa là cách dạy đánh vần lâu nay có cần thiết ở thời kì hiện tại hay không, khi mà trình độ dân trí không còn lạc hậu như thời Bình dân học vụ nữa.
    Những nguyên âm a, ă, â, e,… và phụ âm b, c, d, ng, nh,… sẽ được dạy kĩ lưỡng. Sau đó sẽ cho học sinh tự ghép ngay những thứ vừa học được thành vần và đọc luôn. Ví dụ: khi giáo viên viết từ ăn và yêu cầu học sinh đọc lên. Học sinh đã được học “ă”[á] và “n”[en] và có thể đọc ngay thành en. Và khi giáo viên yêu cầu đọc từ “cắn” và giới thiệu cho học sinh cách đánh vần: cờ-ăn-căn-sắc-cắn chứ không phải lập lại ă-nờ-ăn-cờ-ăn-căn-sắc-cắn nữa. Tương tự với chữ phương, khuyên, nghiêng. Tuy hơi phức tạp nhưng tùy vào trình độ của học sinh mà chọn phương pháp dạy cho phù hợp.

    Cảm ơn hai bác Tráng, Bình – những người đã tâm huyết với việc phát triển ngôn ngữ để nâng cao chất lượng truyền tải thông tin trong cuộc sống!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

 DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC

KHƯỚC TỪ TRÁCH NHIỆM [DISCLAIMER]

Những tài liệu đăng trên DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC nhằm thực thi tự do ngôn luận cá nhân, đa diện, nên không phản ánh quan điểm hay lập trường của DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC [Viet Thuc Foundation].  Mọi ý kiến và tài liệu đăng tại DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC chỉ có tính cách thông tin, tham luận nhằm giúp độc giả gần gũi với thời cuộc liên quan tới văn hoá, giáo dục, kỹ thuật, kinh tế, xã hội, tài chính, luật pháp, chính trị, v.v. hiện hành tại Hoa Kỳ và trên thế giới.

Quý độc giả cần tìm hiểu kỹ lưỡng về sự chính xác, mức độ cần và đủ của tài liệu trước khi ứng dụng. Do đó DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC khước từ trách nhiệm về nội dung và cách sử dụng những ý kiến, tài liệu và thông tin nhận được đăng trên bổn báo.  Tuy nhiên, việc tham khảo thông tin và những ý kiến cần thiết, trình bày theo tinh thần cởi mở, tương kính, hoà nhã, sẽ giúp quý độc giả thêm phương tiện so sánh kiến thức một cách xây dựng, quy mô, đa dạng. Đó là điều mong ước của DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC.

© 2015 VIỆT THỨC . All rights reserved.