Hoa Kỳ lánh mặt, Nhật Bản lên lưới!
Có hai chuyện chẳng liên hệ gì đến nhau lại khiến chúng ta nhìn vào Hoa Kỳ – từ Đông Hải…
Chỉ một tuần sau cuộc tranh luận đầu tiên của năm ứng cử viên Dân Chủ trong cuộc tranh cử tổng thống năm tới, hôm 20 vừa qua, cựu nghị sĩ Jim Webb tuyên bố rút lui. Chi tiết đáng chú ý không phải vì ông có vị hôn phối là gốc Việt mà vì ông là người duy nhất nói đến nhu cầu của nước Mỹ là phải có chiến lược về Đông Á trước đà bành trướng đáng ngại của Trung Quốc. Cùng với cuộc tranh cử, lời cảnh báo của ông tan vào hư vô… cho tới một ngày nào đó.
Chuyện thứ hai nằm tận… Đài Loan. Ở nơi xa xôi hơn nên cần nhiều chữ hơn.
Đầu năm tới, Đài Loan có bầu cử tổng thống và ứng cử viên có ưu thế là bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-Wen) thuộc đảng Dân Tiến. Vì đối lập dẫn đầu tới 20 điểm nên hôm Thứ Bảy, ngày 17, Quốc Dân Đảng lật đật đưa chủ tịch đảng là Eric Chu Lập Luận (Chu Li-luan) ra ứng cử thay bà Hồng Tú Trụ (Hung Hsiu-chu).
Trong cuộc tranh cử, đảng Dân Tiến đả kích chính sách quỵ lụy Bắc Kinh của Tổng Thống Mã Anh Cửu bên Quốc Dân Đảng và đưa ra chủ trương có tính cách độc lập hơn với Hoa Lục và với lịch sử: “Đài Loan là Đài Loan, Trung Quốc là Trung Quốc, Đài Loan không đòi là đại diện của Trung Quốc (như lập trường xa xưa của Quốc Dân Đảng), mà cũng không coi Trung Quốc là đại diện của mình.”
Đảng Dân Tiến đang tách rời khỏi nguyên tắc “nhất quốc lưỡng chế” do Richard Nixon mập mờ đề ra năm 1972 để kết giao với Bắc Kinh, và tiến dần đến việc thành lập Cộng Hòa Đài Loan.
Chuyện ly kỳ là dù Bắc Kinh phản đối từ cuối tháng 9, bà Thái Anh Văn đã thăm Nhật Bản trong bốn ngày từ mùng sáu đến mùng chín tháng 10 và còn ăn trưa với Thủ Tướng Shinzo Abe vào mùng tám tại một địa điềm gần Quốc Hội Nhật. Bắc Kinh lập tức tỏ vẻ giận dữ.
Không như chính quyền Hoa Kỳ mới chỉ – và vẫn cứ – bắn tín hiệu là sẽ gửi chiến hạn vào phạm vi 12 hải lý của cụm đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã củng cố trong vùng quần đảo Trường Sa, ngày mùng chín, Bắc Kinh đưa hai chiến hạm vào hải phận của Nhật Bản! Mỹ nói mà Tầu làm…
Tin này chẳng thấy ai loan, cũng như chẳng mấy ai nhớ tới lời cảnh báo của ông Jim Webb!
Nhìn từ bên ngoài – không, nhìn từ Đông Hải của chúng ta – Hoa Kỳ đang thủ vai Nhạc Mất Quần.
Từ sáu tháng qua, chúng ta đã chứng kiến một trận đấu khẩu Hoa-Mỹ thiếu phần hoa mỹ.
Trung Quốc cơi đá dựng đảo trong vùng Trường Sa có tranh chấp về chủ quyền với Việt Nam, Mã Lai Á và Phi Luật Tân. Lập trường của Bắc Kinh là chúng tôi có chủ quyền, từ lãnh thổ là các đảo nhân tạo mới củng cổ, đến lãnh hải đếm từ “lãnh thổ mới,” cho tới vùng đặc quyền kinh tế EEZ 200 hải lý, v.v… Lập trường của Washington là quyền lưu thông tự do căn cứ trên luật lệ quốc tế, kể cả Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) – mà Hoa Kỳ chưa ký.
Đằng sau các cuộc tranh luận này là ảnh hưởng chiến lược của hai cường quốc ở hai bờ Tây-Đông của Thái Bình Dương.
Từ Thế Chiến II, Hoa Kỳ coi vành cung Thái Bình Dương là khu vực chiến lược mà nước Mỹ và các đồng minh như Nhật Bản hay Nam Hàn, và cả Úc Đại Lợi lẫn vài nước Đông Nam Á cùng có nhiệm vụ bảo vệ để duy trì quyền tự do thông thương ngoài biển, nhất là qua các eo biển sinh tử của vùng biển Đông Nam Á. Bây giờ, Trung Quốc xuất hiện – và không chỉ nói mà làm – để kiểm soát khu vực này vì nhu cầu giao thương cũng sinh tử cho nền kinh tế Hoa Lục, là chuyện chưa từng thấy trong lịch sử Trung Hoa.
Trong cuộc “gặp gỡ” chiến lược ấy, khác biệt Mỹ-Hoa là cách diễn giải luật lệ quốc tế về đảo, cụm đá nổi, đá chìm hay đảo nhân tạo. Trong khi Mỹ cãi về luật thì Tầu lẳng lặng đem xi măng cốt sắt vào sửa lại địa dư hình thể. Rồi cắm cờ, dựng hải đăng và trí pháo trên vùng biển thuộc chủ quyền của nước khác, kể cả và nhất là chủ quyền của Việt Nam và Phi Luật Tân. Vì vậy mới có tranh luận về phạm vi 12 hải lý hay 200 hải lý, vốn dĩ nằm trong cái lưỡi bò chín khúc của Bắc Kinh, một biến thái ngang ngược, dữ dội và có thực chất hơn cái lưỡi bò 11 khúc của Trung Hoa Dân Quốc trước khi Tưởng Giới Thạch lưu vong qua đảo Đài Loan.
Hoa Kỳ đặt ra nguyên tắc tiên quyết là không đứng bên nào trong vụ tranh chấp về chủ quyền giữa các nước và viện dẫn Công Ước UNCLOS mà mình chưa ký. Thế mạnh của nước Mỹ là khả năng quân sự có truyền thống tới trăm năm của mình. Nhưng cái thế còn cần cái lực về chính trị. Nôm na là phải có ý chí và chẳng sợ rủi ro, là điều nước Mỹ hiện không còn nữa. Chúng ta trở lại lời cảnh báo của Jim Webb.
Bắc Kinh thì đánh giá rủi ro theo kiểu “bát sành không sợ chén kiểu,” vừa tung tiền mua chuộc các nước trong Hiệp Hội 10 Quốc Gia Đông Nam Á ASEAN vừa đẩy pháo vào trận. Các nước có thể cùng chia chút cháo kinh tế có bầu dục với Con Đường Tơ Lụa hay Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Cơ Sở Á Châu AIIB, hoặc gặp sự thịnh nộ của ngư phủ và Hải Quân Trung Quốc trước những phản đối vu vơ của Hoa Kỳ, cho tới nay vẫn án binh bất động.
Ưu tiên của Chính Quyền Barack Obama nằm ở nơi khác. Nơi nào thì chưa ai biết rõ bằng… Bắc Kinh!
Tuy nhiên, trên vành cung Thái Bình Dương không chỉ có Hoa Kỳ ở xa và Trung Quốc ở gần. Nằm ngay trong cuộc và không được sự bảo vệ của một đại dương là Nhật Bản.
Sau 40 năm phát triển trong thời Chiến Tranh Lạnh, tạm tính từ 1949 đến 1989 cho tiện, Nhật Bản đã qua 25 năm suy sụp kinh tế, từ 1990 đến nay. Và không thể yên tâm trước sự bành trướng của Trung Quốc ở ngay ngoài ngõ. Càng không thể yên tâm khi đã từng đánh gục nhà Mãn Thanh vào năm 1895 và xâm chiếm Hoa lục từ năm 1931 cho tới khi bị Hoa Kỳ khuất phục vào năm 1945.
Nhật vừa điều chỉnh bản Hiến Pháp do Hoa Kỳ soạn thảo năm xưa, để tự giành lấy quyền can thiệp quân sự ở ngoài lãnh thổ nhằm “bảo vệ các đồng minh” và thực tế thì đã mở ra nhiều cuộc thao dượt với Phi Luật Tân cùng nhiều nước Đông Nam Á và cả Ấn Độ (cuộc thao dượt Malabar vừa qua tại Vịnh Bengale trên vùng Ấn Độ Dương). Vừa nhậm chức thủ tướng vào cuối năm 2012, chuyến thăm viếng hải ngoại đầu tiên của ông Shinzo Abe là Việt Nam. Và từ đó ông đã tranh thủ các nước Đông Nam Á về cả kinh tế lẫn hợp tác quốc phòng.
Bên cạnh Nhật Bản, Nam Hàn cũng không ngồi yên vì phải cân nhắc quyền lợi kinh tế lẫn rủi ro an ninh. Là một quốc gia dân chủ theo kinh tế thị trường và có ảnh hưởng kinh tế rất lớn, Nam Hàn vẫn không quên được những tai họa do Nhật Bản gây ra từ năm 1910. Chính quyền trung hữu mang đặc tính quốc gia của Tổng Thống Phác Cận Huệ vẫn giữ thái độ lạnh nhạt trước thiện chí hòa giải của các chính quyền nối tiếp tại Tokyo, nhất là của Thủ Tướng Abe.
Tức là ngày nay, cả hai đồng minh chiến lược nhất của Hoa Kỳ tại Đông Á vẫn còn nghi ngờ nhau vì trong nhiều năm liền, nước Mỹ chỉ kết giao riêng lẻ với từng nước chứ không có một chính sách kết ước chung – cho tới khi mối nguy của Trung Quốc xuất hiện.
Bên cạnh đó, nếu đảng Dân Tiến đắc cử tổng thống tại Đài Loan, chính quyền Thái Anh Văn sẽ công bố chủ trương đối ngoại rất độc lập và từ bỏ chủ quyền trên vùng biển Đông Nam Á, kể cả đảo Ba Bình mà Trung Hoa Dân Quốc thời Tưởng Giới Thạch đã cướp của Việt Nam vào cuối năm 1946 và cải tên thành đảo Thái Bình, đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa, duy nhất có nước ngọt và đã tiếp liệu cho Hải Quân Công Xưởng Bắc Kinh đi cơi đá xây đảo…
Bây giờ thì chúng ta hiểu ý nghĩa của chuyến thăm viếng Nhật Bản của ứng cử viên Dân Tiến và phản ứng hung hăng của Bắc Kinh. Trong khi Hoa Kỳ vẫn lặng thinh. Chúng ta không nên lặng thinh mà cần theo dõi nỗ lực của Bắc Kinh: Đang vận động Hoa Kỳ gạt Nhật Bản ra ngoài vòng tranh chấp tại Đông Hải.
Vì vậy, trong khi nước Mỹ bận tranh cử, nhìn từ bên ngoài, ta nên chú ý đến việc Nhật Bản sẽ hợp tác với các nước Đông Nam Á, rồi cải thiện quan hệ với Nam Hàn, để ngay trên tuyến đầu của vòng lửa đạn, sẽ là đồng minh chiến lược của Nam Hàn và Đài Loan.
Còn Hoa Kỳ? Thủ vai Nhạc Mất Quần ngoài Đông Hải! Xin chờ 2017 xem nước Mỹ sẽ thay đổi y trang thế nào…
Nguyễn-Xuân Nghĩa