Khu khai thác dầu al-Jibssa – miền bắc Irak. Ảnh chụp năm 2010 trước khi mỏ dầu này rơi vào tay Daech.Reuters
Daech- IS, tổ chức Hồi giáo cực đoan tự nhận là một « Nhà nước » đang nắm giữ một tài sản khổng lồ gần 3 tỷ đô la. Daech là ai và những nguồn thu nhập của tổ chức khủng bố này do đâu mà có ? Tại thượng đỉnh G20 quốc tế đồng ý tấn công trực tiếp vào các nguồn tài chính của Daech để tiêu diệt quân thánh chiến Hồi giáo.
Hiện nay, đang có gần 21 000 chiến binh người nước ngoài cầm súng dưới màu cờ của Daech. Tổ chức tự xưng là « Nhà nước Hồi giáo – IS – Daech » được hình thành từ năm 2003 khi Hoa Kỳ đưa quân sang Irak tham chiến, lật đổ Tổng thống Saddam Hussein. Ban đầu tổ chức này đề ra mục tiêu tấn công cộng động Hồi giáo theo hệ phái Shia, nắm giữ chính quyền nhờ có sự yểm trợ của Mỹ và cả Iran. Các vụ tấn công khủng bố đẫm máu của Daech sau đó nhắm luôn cả vào liên quân quốc tế, đặt dưới sự chỉ huy của Hoa Kỳ.
Ngay từ 2004 Daech đã công bố những đoạn băng video, sát hại người Tây phương và những người Irak “hợp tác với kẻ thù“. Tổ chức Hồi giáo theo hệ phái Suni này đã nhanh chóng chứng minh với quốc tế là họ còn tàn bạo hơn cả mạng lưới khủng bố Al Qaeda. Vào khoảng 2007-2008 của tổ chức này lập căn cứ trong vùng sa mạc Irak.
« Hảo tâm » của các nước trong vùng Vịnh
Cuộc nổi dậy ở Syria năm 2011 là cơ hội để nhóm thánh chiến này đóng một vai trò hàng đầu : chính quyền trong tay Tổng thống Bachar al Assad cảm thấy bị đe dọa trước làn sóng dân chủ, nên đã dùng lá bài tôn giáo để chia rẽ người dân Syria. Damas hy vọng qua đó giữ được quyền lực. Chiến lược đùa với lửa đó đã thực sự vượt ngoài tầm kiểm soát của chế độ Assad khi các phần tử cực đoan đã gia nhập hai nhánh khủng bố nguy hiểm nhất là Al Nostra – chi nhánh của Al Qaeda ở Syria và Daech.
Mãi cho đến tận năm 2011, nguồn tài chính của cả hai tổ chức này chủ yếu có được là nhờ « hảo tâm » của một số các quốc gia trong vùng Vịnh theo hệ phái Suni, muốn lật đổ Tổng thống Assad, một người theo hệ phái Allaoui, một nhánh của hệ phái Shia.
Từ Ả Rập Xê Út đến Qatar, Koweit … đều đã bí mật chuyển hàng triệu đô la cho Al Nostra và IS qua ngả biên giới gữa Thổ Nhĩ Kỳ với Syria. Theo lời Giám đốc trung tâm nghiên cứu về an ninh quốc phòng của Anh – Royal United Institute tại Qatar, ông Michael Stephens, ngoài hai tổ chức Hồi giáo cực đoan này, các quốc gia trong vùng Vịnh còn tài trợ cho nhiều nhóm Hồi giáo vũ trang khác nhưng tất cả đều đã sáp nhập lại với Daech. Tuy nhiên, vẫn theo ông Stephens, các khoản tài trợ từ các quốc gia trong vùng Vịnh rót cho Daech chỉ là một phần nhỏ trong bộ máy tài chính của tổ chức Hồi giáo cực đoan này.
Dầu hỏa, “vũ khí” của Daech
Dầu hỏa mới là một trong những sức mạnh chính của IS. Tổ chức Daech có một nguồn tài chính đáng kể. Theo đánh giá của các chuyên gia Damien Martinez và Jean-Charles Brisard trong một báo cáo được công bố hồi tháng 10/2014, thì Daech có tới 2000 tỷ đô la. Tổ chức này nắm giữ nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên tại Irak và Syria như dầu lửa, khí đốt, lúa mì, đại mạch, bông và thậm chí là cả một khối dự trữ phốt phát lớn thứ nhì trên thế giới.
Daech đang làm chủ 10 % trữ lượng dầu hỏa của Irak và 60 % các khối lượng vàng đen của Syria ; 13 giếng dầu của Irak và 7 của Syria trong tay tổ chức này. Đây là nguồn thu nhập cho phép đem về mỗi ngày từ 2 đến 3 triệu đô la cho Daech. Theo thẩm định của cựu Thống đốc ngân hàng trung ương Irak Mudher Mohammad Saleh, Daech đang kiểm soát khoảng 15% tổng sản phẩm nội địa của Irak.
Chuyên gia Jean Charles Brisard thẩm định : Daech kiểm soát tới 140 chi nhánh ngân hàng tại Irak và Syria. Vậy số tiền do các chi nhánh này quản lý cho Daech là bao nhiêu ? Trả lời báo mạng Novethic, ông cho biết :
« Chúng tôi không nghiên cứu từng ngân hàng, nhưng tính đến 31/12/2013, sáu tháng trước khi Mossoul -thành phố lớn thứ nhì của Irak- rơi vào tay quân khủng bố, chúng tôi đã thẩm định là các chi nhánh này quản lý ít nhất là 1,1 tỷ đô la cho Daech. Đó là những ngân hàng ký thác, họ không có những giao dịch quốc tế nữa vì Daech không cần. Thực vậy, mọi hoạt động giao dịch đều thực hiện tại chỗ. Do vậy, quốc tế rất khó áp dụng các biện pháp trừng phạt. Các trừng phạt của Liên Hiệp Quốc như phong tỏa các quỹ, không có hiệu quả. Trước đây, tổ chức khủng bố Al Qaeda phụ thuộc nặng nề vào các khoản tài trợ, đóng góp từ bên ngoài, thì ngược lại, hiện nay, Daech đã xây dựng được một mô hình kinh tế tự lập về tài chính tới 82% và rất đa dạng, do vậy rất khó để phát hiện và trừng phạt ».
Daech dựa chủ yếu vào các nguồn dầu lửa. Vậy tổ chức này làm thế nào để tiêu thụ số lượng dầu lửa có được ? Nhà báo của đài RFI chuyên về khu vực Trung Đông Toufik Benaichouche trả lời :
“Thực ra, nếu muốn tiến hành chiến tranh chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo thì cần phải tấn công vào các nguồn tài chính của tổ chức này. Daech có khoảng 3 triệu đô la mỗi ngày. Thu nhập của Daech thật là lớn.
Thu nhập của Daech đến từ dầu lửa. Tổ chức này chiếm được các mỏ dầu lửa lớn tại Mossoul, Irak, nơi có trữ lượng rất lớn. Daech nắm được cả các vùng có dầu lửa tại Syria với sản lượng 90 ngàn thùng mỗi ngày. Nhờ vậy, Daech có thu nhập tới 3 triệu đô la mỗi ngày, tức là còn cao hơn cả thu nhập của nhiều quốc gia, kể cả những nước phát triển. Đây chính là cội nguồn của mọi tội ác. Tất cả mọi người đều biết việc này. Ai cũng biết cả.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo không sáng tạo gì cả. Chúng chỉ lặp lại những gì mà Irak đã làm khi nước này bị cấm vận dầu lửa. Có nghĩa là toàn bộ số dầu khai thác được ở Mossoul – Irak và Syria được chuyển qua hai nước : Thứ nhất là Thổ Nhĩ Kỳ- thành viên Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO, đồng minh của nước Pháp – và thứ hai là Jordani. Nước này hoàn toàn không có dầu lửa. Đó là điều bất hạnh đối với Jordani do vị trí địa lý. Từ nhiều năm qua, ai cũng biết là dầu lửa Irak hoặc Syria được vận chuyển một cách gian lận và thông qua ngả Jordani.
Cần phải đặt ra câu hỏi là nước Pháp muốn chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo như thế nào và nước Pháp muốn hợp tác với ai để chống Daech. Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ và Jordani không chỉ là đồng minh của Pháp trong cuộc chiến chống khủng bố. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO. Còn Jordani là nơi mà đa số máy bay của Pháp xuất kích để tấn công các mục tiêu của khủng bố. Như vậy, rõ ràng là cần phải tái lập trật tự bên trong hàng ngũ đồng minh chống khủng bố. Thổ Nhĩ Kỳ và Jordani phải ngăn chặn nguồn dầu lửa này của Daech”.
Trở lại với vai trò và đường dây tiêu thụ dầu hỏa cho Daech qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ, Jordani, chuyên gia Brisard cho biết thêm :
“Tổ chức Nhà nước Hồi giáo nắm giữ khoảng hai chục khu vực khai thác dầu lửa và mỗi năm thu được khoảng 600 triệu đô la từ nguồn nhiên liệu này. Thế nhưng, Daech cũng chiếm được nhiều mỏ khí đốt, tiến hành sản xuất phosphate, trồng lúa mì, đại mạch, bông…Tổng cộng, khoảng 60% thu nhập của Daech là do khai thác, bán các tài nguyên thiên nhiên và 40% còn lại nhờ vào các hoạt động tội ác như tống tiền, bảo kê…. Như vậy, mỗi năm, Daech có một nguồn thu nhập khoảng 2,9 tỷ đô la. Tất cả các sản phẩm này đều có thể được tiêu thụ trên thị trường quốc tế, thông qua các đối tác trung gian, các hệ thống phân phối « đen », bất hợp pháp. Mặt khác, các sản phẩm này được bán với giá rẻ so với giá thị trường và nhờ vậy, dễ dàng tìm được người mua”.
Câu hỏi then chốt nhất là quốc tế có những biện pháp gì để ngăn chặn nguồn thu nhập của Daech ? Chuyên gia nghiên cứu về nguồn thu nhập của các tổ chức khủng bố Jean Charles Brisard trả lời :
“Một trong những biện pháp có thể thực hiện được là thiết lập cấm vận đối với các vùng lãnh thổ do Daech chiếm giữ được, để ngăn chặn không cho các sản phẩm tuồn ra bên ngoài. Để làm việc này, cần phải có một lực lượng quốc tế. Nhưng cho đến nay, quốc tế mới chỉ dừng lại ở các biện pháp trừng phạt kinh tế, không đủ để ngăn chặn các nguồn thu nhập của Daech”.
Ngoài các hoạt động khai thác dầu hỏa và khí đốt, phần còn lại thu nhập mà Daech có được là nhờ vào các khoản như thuế đánh vào các loại xe tải từ Jordani hay Syria đi ngang qua nhũng vùng đất tổ chức này đang làm chủ. Bên cạnh đó tổ chức Nhà nước Hồi giáo còn có những nguồn thu nhập phi pháp khác như bán phụ nữ làm nô lệ hay bắt con tin để đòi tiền chuộc, buôn lậu tượng cổ …
Daech vẫn “nghèo” với hàng ngàn tỷ đô la
Dù vậy theo ông Jean Charles Brisard khối tiền hàng ngàn tỷ đô la tổ chức có được cũng không đủ để trang trải các chi phí tốn kém về quân sự và nhất là chu cấp cho 10 triệu dân sống trên một diện tích bằng phân nửa nước Pháp do tổ chức Nhà nước Hồi giáo này lãnh đạo
Bởi vì dù là một tổ chức khủng bố giàu có nhất thế giới với gần 3 ngàn tỷ đô la trong tay, nhưng số tiền đó không đủ để Daech thực sự đóng vai trò của một nhà nước. Thu nhập trung bình hàng năm của tổ chức này lên tới gần 3 tỷ đô la nhưng mặt khác Daech phải chi ra ít nhất là 2,6 tỷ cho các phí tổn chiến tranh. Điều đó có nghĩa là tổ chức này không có phương tiện trợ giúp xã hội cho người dân. Đó là chưa kể Daech không bảo đảm được nước ngọt và an ninh cho 10 triệu con người sống dưới ách của « Nhà nước Hồi giáo ».
Trong khi đó để khẳng định là một tổ chức khủng bố đủ sức gieo rắc kinh hoàng tại khắp mọi nơi, Daech đã phải chi ra rất nhiều để trang bị bũ khí và trang thiết bị quân sự hạng nặng từ xe bọc thép đến hỏa tiễn …
Dù sao đi chăng nữa theo phân tích của nhà báo đài RFI Toufik Benaichouche, sau loạt khủng bố nhắm vào Paris vừa qua, quốc tế – mà đứng đầu là Châu Âu bắt buộc phải tăng cường các cơ chế kiểm soát các kênh tài chính của tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
“Hoa Kỳ đã có truyền thống chống khủng bố, cho dù chính sách của Mỹ trong khu vực có thể gây tranh luận. Từ 10 năm nay, Mỹ đã lập ra một cơ quan chịu trách nhiệm truy lùng phát hiện mạng lưới nguồn tài chính chu cấp cho khủng bố. Châu Âu không làm việc này. Nước Pháp cũng không làm việc này. Cần phải nhanh chóng thành lập một cơ quan như vậy. Tiền là vấn đề cốt lõi của cuộc chiến chống khủng bố.
Cần phải đặt câu hỏi là ai muốn gì. Ả Rập Xê Út hay Qatar vốn tài trợ cho các tổ chức khủng bố – vậy hiện nay, họ muốn gì ? Họ đang phải hứng chịu về các hành động đã làm trong quá khứ vì Daech quay lại chống họ. Nhưng vẫn có những khoản tài chính lớn, những khoản tiền hậu hĩnh do các hoàng tử chu cấp, trong mạng lưới tư nhân. Việc phát hiện các nguồn tài chính khó khăn hơn, nhưng hoạt động này vẫn diễn ra hàng ngày. Theo logic này, ông Bruno Le Maire, một chính khách Pháp, vào năm 2012, khi Daech chiếm được những vùng lãnh thổ rộng lớn, đã đề nghị Quốc hội lập một tiểu ban điều tra về mối quan hệ giữa Qatar và nguồn tài chính của khủng bố. Thế nhưng đề nghị này đã bị bác bỏ”.
Và trong cuộc chiến nhắm vào các đường dây tài chính của Daech, Thổ Nhĩ Kỳ là một mắt xích quan trọng, bởi vì theo như phân tích của một cựu nhân viên tình báo Hoa Kỳ CIA, John Kiriakou, tới nay, Daech đã dễ dàng tiêu thụ được các nguồn dầu hỏa có được nhờ vào cả mua chuộc được các quan chức trong các chính quyền ở cấp địa phương phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ là một trạm trung chuyển quan trọng, là cửa ngõ để đưa dầu hỏa của Daech ra thế giới bên ngoài.
Thanh Hà