Truyền thông Mỹ nhận định rằng cổ phiếu Trung Quốc liên tục giảm mạnh có thể là do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã can thiệp quá mức vào các chính sách kinh tế trong nước.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là đã can thiệp quá sâu vào các chính sách kinh tế, vốn do Thủ tướng Lý Khắc Cường chịu trách nhiệm – Ảnh: Reuters
Tạp chí Forbes (Mỹ) ngày 14.1 bình luận đợt khủng hoảng thị trường chứng khoán Trung Quốc tuần rồi đã gây chấn động toàn cầu. Nhiều người lo sợ rằng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang sắp sụp đổ và sẽ nhấn chìm kinh tế thế giới vào suy thoái.
Trong bài phân tích mới đây, tờ Wall Street Journal (Mỹ) cho biết giới lãnh đạo Trung Quốc đã phát đi những thông điệp mâu thuẫn với nhau về cách điều hành kinh tế.
Chẳng hạn như Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho rằng: “Trung Quốc khó biến thành một nền kinh tế phát triển khi trình độ sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp vẫn còn đang bị kìm hãm bởi nạn quan liêu, và kiểm soát quá gắt gao của chính quyền trung ương khiến các công ty Trung Quốc có rất ít tự do để thực hiện các lựa chọn khó khăn”.
Thế nhưng, Chủ tịch Tập, người quyền lực nhất Trung Quốc, lại tuyên bố rằng “tình hình kinh tế bất ổn đòi hỏi cần phải kiểm soát xã hội sát sao hơn và nhiệm vụ của Đảng Cộng sản Trung Quốc là giải cứu người dân cùng các doanh nghiệp”.
Vào thời điểm hiện tại, chưa có dấu hiệu nào cho thấy kinh tế Trung Quốc đang đi theo hướng nào, Forbes bình luận.
Còn Wall Street Journal thì nhận xét rằng ông Tập là “người có thói quen kiểm soát quá tỉ mỉ”. Chủ tịch Trung Quốc đã lấn át cả quyền điều hành kinh tế của thủ tướng và hậu quả là ông Lý, người có bằng tiến sĩ kinh tế và luật, đã chẳng đưa ra được nhiều quyết định, theo tờ báo Mỹ.
Tuy nhiên, Wall Street Journal bình luận rằng ông Tập không phải là kiểu lãnh đạo kinh tế. Ông là chính trị gia có khả năng “cải tổ lại lực lượng vũ trang, chỉ huy cuộc chiến chống nạn tham nhũng, đối đầu với Mỹ tại Biển Đông…”, tờ báo Mỹ nhận xét.
Theo tờ Forbes, biến động mới đây trên thị trường chứng khoán Trung Quốc có lẽ là biểu hiện cho thấy nhà đầu tư đang hoài nghi rằng người chịu trách nhiệm điều hành kinh tế tại nước này đang không rõ mình đang làm gì.
Chỉ số Shanghai Composite đã giảm gần 10% chỉ trong tuần qua do nhà đầu tư cực kỳ lo lắng trước tình hình suy thoái kinh tế Trung Quốc và việc đồng nhân dân tệ tiếp tục bị hạ giá.
Vào hôm 8.1, Bắc Kinh đã ngừng sử dụng cơ chế ngắt tự động, vốn được thiết kế với mục đích ngăn đà giảm giá của thị trường chứng khoán.
Cơ chế này được Bắc Kinh đưa vào sử dụng hồi đầu năm như một phần trong nỗ lực ngăn chặn sự trồi sụt của thị trường chứng khoán trong nước, vốn đã tụt dốc mạnh từ giữa năm 2015.
Nó được kích hoạt lần đầu tiên trong phiên giao dịch ngày 4.1. Cơ chế ngắt mạch tự động hoạt động dựa theo CSI 300, chỉ số đo lường giá cổ phiếu của 300 công ty niêm yết lớn nhất trên 2 sàn Thượng Hải và Thâm Quyến. Nếu chỉ số này giảm hơn 5%, giao dịch sẽ bị tạm ngưng trong 15 phút. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng chính cơ chế này đã khiến nhà đầu tư hoảng loạn.
Giới đầu tư chứng khoán gần đây đã luôn bị đặt trong tình trạng báo động về tình hình suy thoái kinh tế Trung Quốc, theo AFP. Số liệu thống kê chính thức về mức tăng trưởng 3 tháng cuối năm 2015 và cả năm dự kiến sẽ được công bố vào tuần tới.
Tuy nhiên, đã có nhiều dấu hiệu hé lộ tình hình tăng trưởng bi đát của kinh tế Trung Quốc. Vào ngày 9.1, chính phủ Trung Quốc thông báo tỉ lệ lạm phát ở mức 1,6% trong tháng 12, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra khoảng 3%.
Hoàng Uy