Thảo (trái) và Elizabeth Van Meter tại nhà của Thảo ở Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: Stephen M. Katz
Vào ngày 18 tháng 9 năm 1993, cô bé 11 tuổi, Victoria (Vicky) Van Meter, nổi tiếng khắp Hoa Kỳ khi trở thành nữ phi công trẻ nhất thực hiện một chuyến bay xuyên lục địa. Tuy nhiên, vào năm 2008, báo chí Mỹ đồng loạt đưa tin cô Vicky Van Meter đã tự sát bằng súng tại nhà riêng. Sự ra đi của cô Vicky đã để lại nỗi đau khôn xiết cho gia đình, trong đó có cô Elizabeth Van Meter, chị gái ruột cô Vicky. Nhà làm phim Elizabeth Van Meter khi đó đã rơi vào trạng thái trầm cảm suốt một thời gian dài cho tới ngày cô nhìn thấy một bức ảnh thay đổi cuộc đời cô. Bức hình ám ảnh sâu sắc cô Elizabeth chụp một cô gái Việt Nam tên Thảo, bị nhiễm hoá chất Da Cam, với mơ ước giản đơn là có 300 đôla để mua sách cho thư viện của mình. Tất cả những điều này đã được chính nhà làm phim Elizabeth kể lại trong bộ phim tài liệu mang tên “Thư viện của Thảo”.
VOA: Xin chào chị Elizabeth, cám ơn chị đã dành thời gian với VOA hôm nay. Thưa chị, có điều gì trong bức ảnh chụp Thảo đã khiến chị ám ảnh như vây?
Elizabeth Van Meter: Khi nghĩ lại khoảnh khắc lần đầu nhìn thấy bức ảnh của Thảo, cô ấy ngồi trên ghế và nhìn thẳng vào ống máy ảnh, tôi cảm thấy có gì đó trong ánh nhìn của cô ấy như thể đang gọi tôi hay thách thức tôi theo một cách nào đó. Tôi không những cảm thấy sự tự tin từ cô ấy mà còn cảm thấy sự thách thức từ cô. Điều đó khiến tôi nghĩ rằng mình phải gặp người phụ nữ này, tôi phải mang sách đến gặp cô ấy, và biết đâu cô ấy có câu trả lời mà tôi luôn hằng tìm kiếm.
Trong suốt bộ phim, tôi luôn phải cố tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra với em gái tôi, tại sao em ấy lựa chọn con đường đó, và bây giờ tôi lại tìm thấy một người phụ nữ này đây, rất quyết tâm thực hiện mục tiêu của mình. Có một cái gì đó về bức ảnh, về cô ấy, về yêu cầu giản đơn mà cô ấy mong muốn thực hiện, về sự quyết tâm của cô ấy, về ánh nhìn của cô ấy, tất cả làm tôi bị hút vào. Tôi nghĩ là đôi khi trong cuộc đời chúng ta phải ở đúng một địa điểm nào đó. Nếu tôi nhìn thấy bức ảnh đó 15 năm trước đây thì có lẽ tôi sẽ không có cùng một phản ứng như bây giờ.
VOA: Chị đã nảy ra ý định làm bộ phim tài liệu về Thảo như thế nào?
Elizabeth Van Meter: Tôi đã không chắc chắn liệu mình có muốn làm một bộ phim tài liệu không nhưng khi đó tôi đã muốn người bạn Stephen của tôi sẽ đi theo để quay phim và ghi lại hành trình tới Việt Nam này. Tôi đã không biết chúng tôi sẽ dùng những thước phim này như thế nào. Ý tưởng này bắt đầu từ từ hình thành qua vài năm. Có lúc, tôi đã cam kết rằng mình sẽ ghi lại hết tất cả những trải nghiệm của chúng tôi. Nhưng đối với tôi điều quan trọng nhất là sự kết nối trong mối quan hệ tôi và Thảo. Phải mất một thời gian để tôi nhìn lại câu chuyện và ngẫm nghĩ…Bạn biết đấy, với 300 giờ phim, bạn có thể tạo ra 300 bộ phim khác nhau. Bạn có thể nhìn vào câu chuyện này từ nhiều góc nhìn khác nhau. Nhưng tôi cần thời gian để xem quan điểm của riêng mình là gì và từ đó hình thành nên câu chuyện được kể mà tôi đã đưa vào trong phim.
VOA: Thảo đã phản ứng như thế nào khi chị nói với cô ấy rằng chị sẽ làm một bộ phim tài liệu về cô ấy?
Elizabeth Van Meter: Cô ấy quả là một người nghệ sĩ thực thụ. Khi bạn phỏng vấn ai đó và muốn người đó trải lòng với bạn và kể cho bạn nghe những điều rất riêng tư, tôi phải nói rằng tôi cảm thấy rất biết ơn Thảo và gia đình cô ấy. Khi trả lời những câu hỏi và nói về những cảm xúc của mình, từ những gì mà tôi nghe thấy về nền văn hóa hay những quy tắc thường nhật ở Việt Nam, đặc biệt đối với người lạ, thì mọi người không nhất thiết phải kể. Nhưng Thảo và gia đình cô thì khác. Họ sẵn lòng dang cánh tay và mở rộng tấm lòng chào đón tôi và đoàn phim của tôi. Họ thực sự chia sẻ những điều từ tận đáy lòng mình. Tôi nghĩ là chúng tôi đã ghi lại được rất nhiều những khoảnh khắc cảm xúc thật sự, chân thật từ họ.
VOA: Chị đã đưa câu chuyện về em gái Vicky của chị đan xen vào trong bộ phim. Việc phải xem lại những bức ảnh, video, nhớ lại những kỷ niệm, câu chuyện về mình và em gái quả là không dễ dàng. Chuyện này đã ảnh hưởng tới quá trình làm phim của chị như thế nào?
Elizabeth Van Meter: Tôi nghĩ là tôi đã phải mất nhiều thời gian hơn để đối mặt với những cảm xúc đó. Một mặt, bản thân tôi hiện diện trong bộ phim, nhưng mặt khác, là đạo diễn của bộ phim, có những lúc tôi phải thoát ra ngoài và nhìn bộ phim từ một góc nhìn khác. Bởi vì nếu chỉ có sống trong bộ phim với tư cách là người trong cuộc thì sẽ rất khó có thể nhìn mọi thứ thấu đáo.
Có rất nhiều thước phim về em gái tôi mà tôi chưa có dịp xem bởi vì khi em ấy thực hiện những chuyến bay và xuất hiện trên TV trả lời phỏng vấn, tôi đang học đại học. Tôi có xem một số trong số đó nhưng chưa hề xem hết tất cả. Tôi có những chồng đĩa DVD mà trong đó em ấy trả lời phỏng vấn. Khi làm bộ phim này, tôi đã có dịp xem hết và nghe những điều mà em ấy nói về tôi, người chị của em ấy. Trước đây tôi đã không hề biết tới những điều này và giờ đây, khi nhiều năm đã trôi qua, được nghe những điều đó quả thực là khiến tôi không tránh khỏi xúc động mạnh. Nhưng tôi đã cảm thấy rằng, xuyên suốt cuộc hành trình này, cả Vicky và Thảo đã cùng đồng hành với tôi trên chặng đường hoàn thành bộ phim này. Ngay cả vào những giây phút tôi ngồi một mình trước máy tính trong phòng để xem những đoạn phim, tôi luôn cảm thấy sự hiện diện của cả Vicky và Thảo, cảm thấy là hai em ấy đang giúp tôi đưa ra những chọn lựa cho bộ phim.
Nhưng làm phim tài liệu chắc chắn là rất mất thời gian vì bạn phải tự tìm ra câu chuyện của riêng mình và không có kịch bản trước. Việc tự mình tham gia vào bộ phim và kể lại những điều vốn dĩ rất riêng tư là điều khó khăn nhưng có thể chia sẻ trải nghiệm đó và câu chuyện của em gái tôi với mọi người là một điều vinh dự.
VOA: Điều tuyệt vời nhất mà chị có được khi làm bộ phim này là gì?
Elizabeth Van Meter: Điều tuyệt vời nhất khi làm bộ phim này, tôi nghĩ là tôi có thể sẽ khóc khi trả lời câu hỏi này bởi vì nó khiến tôi vô cùng hạnh phúc. (Khóc)
Tôi đã được gặp Thảo, một con người có tâm hồn thật đẹp đẽ đã thay đổi cuộc đời tôi. Cô ấy đã khiến tôi nhìn thấy hy vọng trong quãng thời gian tăm tối. Sau khi tôi mất đi người em gái của mình, cô ấy đã khiến tôi hạnh phúc trở lại. Tôi nghĩ rằng tôi rất may mắn khi được gặp cô ấy và được chia sẻ tâm hồn của cô ấy với rất nhiều người khác. Tôi nghĩ là cô ấy có khả năng truyền cảm hứng cho nhiều người khác và sự hiện diện của cô ấy có thể hàn gắn tâm hồn cho nhiều người. Tôi đã luôn nghĩ rằng mình sẽ làm một bộ phim với em gái tôi một ngày nào đó. Em gái tôi rất yêu phim ảnh. Tôi không bao giờ nghĩ nó sẽ như thế này. Nhưng tôi đã có một cơ hội làm một bộ phim với hai trong số những người phụ nữ tuyệt vời nhất mà tôi biết, em gái tôi và Thảo.
Điều tôi cảm thấy hào hứng nhất đó là giờ đây mọi người không chỉ có thể xem bộ phim trong rạp mà còn có thể xem nó ngay tại chính nhà mình, để xem câu chuyện đầy cảm hứng của Thảo. Tôi cũng nghĩ đây là một cầu nối gắn kết hai đất nước Việt-Mỹ. Có thể nhờ có câu chuyện này mà chúng ta còn được trông thấy nhiều điều tốt đẹp nữa sẽ đến.
Bộ phim tài liệu “Thư viện của Thảo” với tên tiếng Anh gốc là “Thao’s Library” đã dành được giải thưởng Khán giả Bình chọn tại liên hoan phim Bentonville. Với giải thưởng này, bộ phim đã được trình chiếu tại 20 thành phố ở Mỹ và nhận được hợp đồng phát hành phim với hãng AMC trên các phương tiện kỹ thuật số như On Demand, ITunes, Amazon v..v..Ngoài ra bộ phim cũng dành được một giải thưởng khác tại Liên hoan phim Quốc tế St. Louis. Ngoài dự định trình chiếu bộ phim tại Quận Cam, California, nơi tập trung một bộ phận lớn người Việt tại Mỹ, nhà sản xuất Elizabeth Van Meter cho biết cô và đoàn làm phim có kế hoạch gây quỹ quay trở lại Việt Nam vào tháng 3 tới để đem bộ phim đến với khán giả Việt Nam, trong đó có Thảo, cô gái Việt Nam nhỏ bé nhưng đầy nghị lực.
Quý vị có thể tìm hiểu thêm về bộ phim tại ĐÂY.
Hồng Hoa
VOA Tiếng Việt
One Comment
Anhcam
Rất cám ơn Hồng Hoa và BBT vietthuc.org đã cho già tôi thưởng thức một câu chuyện có thực quá đẹp đầy đủ ý nghĩa lòng nhân aí từ hai thiếu nữ,một Mỹ một Việt,và tính khí kiên cường đầy nghị lực vượt qua mọi thử thách khó khăn như cô gái Việt Nam tên Thảo !! Câu chuyện cũng nói lên được những tâm hồn đồng cảm sẽ gặp nhau dù cách trở ngàn dặm thế nào,như trường hợp của Thảo và ElizabethVan Meter .