Người ta có thể vẽ lên giấy những chiếc bánh giống y như thật, điểm khác biệt ở đây là nó không thể làm lương thực để nuôi sống con người. Vì không ăn được, cho nên bánh vẽ chỉ có chức năng đánh lừa thị giác, trong khi cái bụng rỗng của chúng ta vẫn bị đói như thường.
Chế độ độc tài chỉ biết dối trá và mị dân. Điều đó được thực hiện thông qua bộ máy nhà nước toàn trị và hệ thống truyền thông độc quyền. Những giá trị mà nó mang lại cho xã hội chỉ là ảo, không có hoặc có rất ít phần trăm sự thật trong đó. Họ biến những điều dối trá trở thành chân lý, coi đó là thứ thông tin chính thống để điều hướng xã hội. Do vậy mà nảy sinh một nghịch lý: Sự thật bị đàn áp bởi sự dối trá.
Trong một môi trường như vậy, người ta tha hồ hứa hão và vẽ vời này nọ mà không cần phải thực hiện, vì phần còn lại đã có bộ máy tuyên truyền hoàn thành một cách xuất sắc. Nhà nước đưa ra các chủ trương, chính sách trên giấy tờ, rồi tuyên truyền rộng rãi. Thực tế họ chỉ biết tham nhũng, làm bậy bạ để tiêu tốn ngân sách, nhưng kết quả thì bao giờ cũng thành công tốt đẹp nhờ tuyên truyền láo. Căn bệnh mà dân ta đã bắt mạch là “Làm thì láo, báo cáo thì hay”. Người dân được ăn món bánh vẽ như vậy quanh năm, hỏi làm sao mà không đói khổ?
Sau mỗi lần như vậy, guồng máy nhà nước độc tài lại truyên truyền rằng, chủ trương đó thật sáng suốt tài tình, còn nhân dân thì đã được hưởng thụ cơ man nào là lợi ích về vật chất và tinh thần, vì vậy mà họ đang nhảy múa ca hát vì hạnh phúc vô biên. Dân biết mình bị lừa, bị người ta đưa ra để làm con ngáo đá mà đành chịu, vì có muốn cãi cũng không được, tất cả các phương tiện truyền thông đều do nhà nước kiểm soát. Họ định hướng thông tin, truyên truyền bịa đặt những gì có lợi cho họ.
Không có thông tin đa chiều, người dân nghiễm nhiên bị tước đi cái quyền tự do ngôn luận. Khi có ai đó vạch trần những sự dối trá kia, lập tức sẽ bị công an đến đọc lệnh và còng tay bắt đi, vì nhà nước cho rằng họ làm như vậy là chống lại chủ trương chính sách, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân. Như vậy đấy! Người ta đường đường chính chính đàn áp những ai đấu tranh cho sự thật và quyền lợi của người dân.
Điển hình nhất của món bánh vẽ là cái anh Loa Phường. Anh này trực tiếp đi đầu trong việc tuyên truyền nhồi sọ, vì nó cưỡng bức người ta phải nghe. Một ngày có vài bận như vậy, thường thì vào buổi sáng và buổi chiều.
Vì thế mới có câu chuyện tiếu lâm như thế này:
“Có đoàn cán bộ trung ương nọ về công tác ở địa phương, rồi vì muốn chứng tỏ ta đây là quan tâm tới dân, họ liền rồng rắn nhau đi xuống khảo sát ở một thôn được cho là “điển hình”. Đến đầu thôn, thấy có mấy dân làng đang đứng túm tụm.
Đám cán bộ giơ tay vẫy vẫy:
– Chào bà con!
Dân làng đáp lại:
– Không dám! Chào cán bộ!…
Một tay cán bộ trong đoàn tiến đến chỗ bà con đang đứng, giơ bàn tay múp míp bắt tay từng người, rồi nói:
– Giới thiệu với bà con, chúng tôi là đoàn cán bộ khảo sát trung ương. Mong bà con cho biết đời sống thế nào, ăn uống có được đầy đủ dinh dưỡng không?…
Nghe hỏi vậy, không ai bảo ai, dân làng đồng thanh:
– Thưa cán bộ! Dân chúng tôi hằng ngày chỉ ăn uống qua loa thôi!…
Tay cán bộ sốt sắng hỏi lại:
– Ăn qua loa là ăn như thế nào? Mong bà con cho biết cụ thể hơn để trung ương còn có kế hoạch mà lên chính sách!…
Bấy giờ có một cụ ông móm mém, người gầy trơ xương, chỉ tay lên cái Loa Phường đang ra rả trên cái cột điện, giải thích rằng:
– Ăn qua loa là ăn qua cái này này!…”.
Chừng nào mà vị thần tự do còn bị còng tay và thần sự thật bị bịt miệng, thì bánh vẽ vẫn là món chủ đạo trong thực đơn “Phục vụ nhân dân” của nhà nước độc tài vậy.
Minh Văn
15/02/2016