Thực chất, đáng lẽ phải chú trọng đến bộ máy, công cụ, quy trình làm ra luật pháp thì người ta lại để tâm đến cải cách luật pháp là chính. Chính vì đặt sai trọng tâm, xem cải cách thể chế là một bộ phận trong cải cách hành chính nên cải cách loanh quanh một hồi thì đâu lại hoàn đó. Trong khi, thể chế mới là nguồn lực đưa quốc gia tiến lên, đuổi kịp các nước phát triển. Theo ông Cung, những người đột phá chư nhiều, chưa chuyên nghiệp, sức quá yếu, hoặc không muốn đột phá. Công cụ đột phá không đủ lực, giao công việc và công cụ sai địa chỉ. 5 năm tới đây, nếu không xác định đúng trọng tâm hoặc vẫn không cải cách thể chế, thì sẽ lại nói những vấn đề như hôm nay, “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Chưa gỡ được nút thắt thể chế thì 5 năm tới sẽ tụt hậu xa hơn nữa.
TS Nguyễn Minh Phong (Viện nghiên cứu kinh tế – xã hội Hà Nội) bổ sung, trước bất kỳ Đại hội nào người ta cũng đem chuyện cải cách thể chế ra “tụng niệm”. Nhưng rồi vẫn không làm rốt ráo.
Chẩn căn bệnh này, ông Phong cho rằng có nhiều nguyên nhân. Mà đầu tiên là cuộc chiến về quyền lợi. Cải cách có lợi cho ai?
Lý do thứ hai, theo ông Phong là chưa có tam quyền phân lập và còn lấn cấn trong nhận thức chính trị.
“Chưa có quyết tâm chính trị ở cấp cao nhất nên cải cách chưa vào đúng chỗ”, ông Phong nói.
Và điều quan trọng là do vướng víu những quán tính tư duy cũ về giá trị chuẩn quốc gia nên Việt Nam chưa thể xây dựng được chủ thuyết phát triển mới làm tiền đề cho mọi cải cách.
Hài hòa cải cách kinh tế và chính trị
Về lâu dài, theo ông Phong, cần có nhận thức về chủ thuyết phát triển, định rõ giá trị quốc gia và lợi ích quốc gia. Mặt khác, cần hài hòa giữa cải cách kinh tế và cải cách chính trị.
TS Nguyễn Minh Phong: Nếu vẫn còn mua quan bán chức, bổ nhiệm cán bộ theo ê kíp, sẽ còn tình trạng cán bộ cấp cao chọn người từ vai mình trở xuống. Trình độ cán bộ cứ lùi dần như vậy thì thể chế không cao được. Ảnh: VTC News |
Ông Phong cũng ví quá trình cải cách lâu nay đang làm ngược, giống người quét rác từ cầu thang mà quét lên, ra sức gò lưng đẩy. Đây phải là một quá trình liên tục, với sự thống nhất ý chí từ cấp cao nhất.
“Phải lưu ý chống tham nhũng trong đội ngũ cán bộ. Nếu vẫn còn mua quan bán chức, bổ nhiệm cán bộ theo ê kíp, sẽ còn tình trạng cán bộ cấp cao chọn người từ vai mình trở xuống. Trình độ cán bộ cứ lùi dần như vậy thì thể chế không cao được“, ông Phong nói.
Ngay ông Nguyễn Đình Cung cũng bày tỏ quan ngại về “lực cản” cải cách thể chế, đó là vấp phải sự phản đối của các bộ, ngành. Quá trình cải cách khi gặp phải những trục trặc đầu tiên sẽ tiếp tục va chạm với những phản đối công khai hoặc ngấm ngầm ngày càng mạnh.
Tuy nhiên, sau khi chỉ ra những rủi ro của việc trì hoãn, ông Cung cho rằng 5 năm tới cải cách thể chế vẫn phải được xem là đột phá của chiến lược.
“Tách cải cách thể chế thành một khâu, một lĩnh vực riêng khỏi cải cách hành chính nói chung để tập trung đúng vấn đề. Tách hẳn cải cách thể chế thành một chương trình riêng“, ông Cung đề xuất.
Viện phó CIEM cho rằng nên thiết lập một bộ phận riêng phụ trách cải cách thể chế, giao đủ thẩm quyền và công cụ đủ mạnh để đột phá. Về điểm này, ông Nguyễn Minh Phong cũng nói, phải lập một đội đặc nhiệm cải cách thể chế “với những cảm tử quân”.
Ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, một khi đã quyết tâm là phải chuẩn bị kỹ. Đã bắt tay vào làm thì phải cải cách quyết liệt, mạnh mẽ, nhất quán, không lùi bước. Huy động sự ủng hộ của dư luận xã hội, giới học giả cũng như các nhà tài trợ quốc tế.
Một diễn giả khác, ông Scott Jacobs, chuyên gia tư vấn Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI) khuyến cáo: “Vai trò của nhà nước là cốt lõi cho cải cách thể chế. Tuy nhiên, cải cách thể chế còn là đánh đổi một số sức mạnh và quyền lợi của nhà nước với thị trường”
Theo ông Scott Jacobs, cải cách thể chế sẽ hỗ trợ cho phát triển kinh tế. “Việt Nam cần một làn sóng cải cách mới”.
Lê Nhung