Đáp lời một chuyên gia quốc tế hỏi về thời điểm, lộ trình sửa Hiến pháp, ông Nguyễn Văn Quyền, Trưởng ban thư ký Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương nói, việc trước mắt là tổng kết Hiến pháp năm 1992. Sẽ lập Hội đồng sửa Hiến pháp. Quy trình sẽ rất chặt chẽ “không phải do Bộ Chính trị hay ai đó quyết định”.
Diễn đàn Đối tác pháp luật về tăng cường tiếp cận công lý do UNDP tổ chức hôm nay tập trung thảo luận quanh các thành tựu thực hiện chiến lược cải cách pháp luật. Trong phần thảo luận ngắn, các chuyên gia quốc tế rất quan tâm đến lộ trình sửa đổi Hiến pháp 1992.
Yêu cầu cấp bách
Ông Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp khi trình bày dự thảo báo cáo Chính phủ sơ kết triển khai Nghị quyết 48 Bộ Chính trị đã khẳng định “nguyên tắc quyền lực nhà nước thống nhất, có sự phân công giữa lập pháp, hành pháp, tư pháp chưa cụ thể hóa trong Hiến pháp, chưa xây dựng cơ chế kiểm soát giữa các cơ quan quyền lực”.
Một số quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp quy định song chưa cụ thể hóa như quyền biểu tình, quyền lập hội, được thông tin, được bảo vệ bí mật đời tư, dân chủ trực tiếp…
Ông Hạnh cho rằng, tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước theo Hiến pháp 1992 đã và đang bộc lộ nhiều bất cập. Trong lúc các chủ trương cải cách đúng đắn đã bị giới hạn trong khuôn khổ quy định của Hiến pháp nên chỉ mang tính tình thế, chưa giải quyết triệt để các khiếm khuyết.
Viện trưởng Viện khoa học pháp lý đề xuất Bộ Chính trị tổ chức hội nghị Trung ương về sửa đổi bổ sung Hiến pháp 1992.
Trả lời câu hỏi của chuyên gia quốc tế về thời điểm sửa, ông Hạnh nói “đây là yêu cầu cấp bách, cả xã hội và cấp cao nhất cũng đều nhận thức được vấn đề”.
Nhưng sửa đến đâu, theo ông Hạnh, phụ thuộc vào việc tổng kết Hiến pháp cũ: “Nếu thực tiễn đòi hỏi, thì việc sửa Hiến pháp yêu cầu quy mô rộng lớn hơn. Quy mô của nó có lẽ sẽ lớn hơn so với năm 2001”.
Cải cách: Phải thoát khỏi sức ỳ
Vấn đề cốt tử nhất cần thay đổi thời gian tới, theo ông Lê Hồng Hạnh, là tổ chức bộ máy và phân công quyền lực.
Về điểm này, chuyên gia cao cấp Viện nghiên cứu lập pháp Trần Ngọc Đường phân tích kỹ hơn. Ông Đường cho rằng vẫn còn mảng trống về kiểm soát quyền lực nhà nước, cả cơ chế tự kiếm soát nội bộ cũng như để Đảng, nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm phòng chống sự tha hóa quyền lực.
Trong nghiên cứu chuyên sâu về thực trạng bộ máy, ông Trần Ngọc Đường cho rằng, quy định của Hiến pháp 1992 về quyền hạn chính phủ còn nặng tư duy quan liêu bao cấp, liệt kê cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn dẫn đến một Chính phủ thụ động, thiếu sáng tạo.
“Bắt bệnh” nguyên nhân trì trệ, ông Đường nói, tổ chức bộ máy vốn là công việc được tiến hành thận trọng cùng với lợi ích cục bộ, giữa cấp tiến và bảo thủ chỉ cách nhau một bước nhỏ, khó phân biệt. Nên đôi khi, việc đổi mới bị chậm trễ.
Mục tiêu chung là xây dựng nhà nước pháp quyền nhưng khi bắt tay thực hiện, các nhà quản lý vẫn luyến tiếc và bị níu kéo bởi mô hình kế hoạch hóa quan liêu bao cấp.
“Nếu không có người thật sự am hiểu, dám vượt lên chính mình để quyết đoán thì công việc cứ giậm chân tại chỗ. Sức ỳ của tổ chức bộ máy theo lối cũ là sức ỳ lớn nếu không có quyết tâm”, ông Trần Ngọc Đường khẳng định.
Đáng chú ý, nhiều lĩnh vực về quyền con người, quyền công dân còn làm hình thức, chưa đảm bảo để công dân bảo vệ quyền và lợi ích.
Về lâu dài, ông Đường mong muốn việc sửa Hiến pháp tập trung vào tổ chức bộ máy, “những thiết chế không phù hợp tư duy mới thì không nên luyến tiếc, níu kéo tìm cách giữ lại”.
Lê Nhung