Chúng tôi quyết định về thăm nhà khi cô em tôi cho hay sức khoẻ không mấy khả quan của mẹ tôi.
Tôi lấy vé đi Hà Nội bằng chuyến bay của hãng Hàng Không Cathay Pacific theo lộ trình: khởi hành từ Thủ đô Hoa Thịnh Đốn (Washington DC) tới phi trường Frankfurst (Đức). Sau một giờ đồng hồ chờ tại phòng đợi của sân bay, chúng tôi bay tiếp tới Hong Kong. Từ Hong Kong chúng tôi đổi chuyến bay đi Hà Nội và sau đó lấy chuyến bay đi Saigon.
Chúng tôi ghé phi trường Hong Kong đã 6 tiếng đồng hồ để chờ chuyến bay đi Hà Nội. Theo thống kê, phi trường Hong Kong là một trong những phi trường bận rộn nhất thế giới, cách 7 phút lại có một chuyến bay cất cánh. Thành phố này vừa trả lại cho Trung Hoa vào giữa đêm ngày 1 tháng 7 năm 1997, mới cách đây 5 tháng.
Trước thời gian đổi chủ, nhà nước Trung Hoa cộng sản đã đoan chắc vùng đất này sẽ được hưởng quy chế “một quốc gia có hai chế độ hành chánh riêng biệt”. Nhưng giờ phút này, người dân Hong Kong vẫn không mấy tin tưởng vào lời hứa của chế độ mới, mà cách đây không lâu, khu vực này được mệnh danh là một nơi có đời sống lý tưởng nhất. Trục nối Hong Kong – Saigon – Singapore đã mang đến cho những vùng đất này một sự phát triển đặc biệt cả về kinh tế và văn hóa.
Theo tài liệu về Hong Kong, Jorge A1lvares, người Bồ Đào Nha đầu tiên đến khu vực Hong Kong năm 1513. Sau đó các thương gia Bồ Đào Nha bắt đầu tới buôn bán ở miền Nam Trung Hoa và xây dựng công sự tại Đồn Môn. Do các cuộc xung đột quân sự giữa Trung Hoa và Bồ Đào Nha, khiến người Bồ Đào Nha bị trục xuất. Năm 1685, vua Khang Hy cho mở cửa giao dịch hạn chế với người ngoại quốc bắt đầu từ Quảng Châu.
Năm 1839, chiến tranh Nha Phiến xẩy ra giữa Đại Thanh và Anh quốc. Đảo Hong Kong bị Anh chiếm vào ngày 20-1-1841và theo thỏa ước Xuyên Tị để thực hiện cuộc ngưng bắn, Trung Hoa đã nhượng Hong Kong cho nước Anh. Đến ngày 29-8-1842, Hong Kong mới chính thức nhượng cho nước Anh theo điều ước Nam Kinh.
Dưới sự cai trị của người Anh, dân số Hong Kong từ 7.450 người Hán vào năm 1841,đã nhanh chóng tăng lên 115.000 người Hán và 8.754 người Âu vào năm 1870. Năm 1898, theo các điều khoản của Hiệp định, nước Anh được quyền thuê đảo Lạn Đầu trong vòng 99 năm. Từ đó lãnh thổ Hong Kong không thay đổi, với diện tích 1.103 Km2.
Chiến tranh Thế giới lần thứ II xẩy ra. Nhật chiếm Hong Kong ngày 8-12-1941. Các lực lượng bảo hộ của Anh và Canada phải giao quyền kiểm soát Hong Kong cho Nhật vào ngày 25-12-1941. Dưới quyền kiểm soát của Nhật, nạn đói hoành hành vì thiếu lương thực. Sau khi Nhật bại trận năm 1945, dân số Hong Kong chỉ còn 600.000 người.
Sau Thế chiến II, kinh tế Hong Kong phát triển nhanh chóng. Người Trung quốc rời khỏi lục địa xin tị nạn tại Hong Kong để tránh nội chiến đang xẩy ra. Sau khi Trung quốc trở thành Cộng hòa Nhân dân Trung hoa vào năm 1949, nhiều người dân lục địa nhập cư Hong Kong vì sợ Trung cộng ngược đãi.
Việc chuyển giao chủ quyền Hong Kong cho Trung quốc được thực hiện vào giữa đêm ngày 1 tháng 7 năm 1997. Khoảng 10% dân số Hong Kong đã di dân tới các quốc gia khác trước ngày trao trả vì không muốn sống dưới chế độ cộng sản.
Sau thời gian đổi chủ, người Hong Kong vẫn quen với nếp sống cũ, do ảnh hưởng sâu đậm của 99 năm trong không khí tự do dân chủ, họ không chịu gò bó dưới sự khắc nghiệt của chế độ cộng sản. Đảng và nhà nước CS Trung hoa phải miễn cưỡng để người dân Hong Kong sống theo ý họ. Vì đây là cửa ngõ kinh tế giao tiếp với các nước trên thế giới. Nó sẽ vực dậy một nước Trung hoa nghèo đói hay sẽ là một ngòi nổ lảm suy sụp chế độ cộng sản của quốc gia này.
Thiên An Môn vẫn là một ám ảnh đe dọa cho nếp sống vốn êm đềm ở đây, mà cách đây không lâu, hàng ngàn người tay cầm nến thắp sáng các con phố, bước âm thầm trong bóng đêm, để tưởng nhớ các tấm gương kiêu hùng đã gục ngã trước lằn đạn, dưới lớp xích sắt của đoàn xe thiết giáp tại quảng trường Thiên An Môn ngày nào. Những hành động này chứng tỏ sự quyết tâm cho khát vọng tự do dân chủ, mà cũng là lời cảnh cáo của người dân Hong Kong đối với chế độ cộng sản.
Đến giờ khởi hành, hành khách lần lượt lên tầu…
Tôi yên lòng khi rời Hong Kong trên chiếc máy bay Air Bus trông còn mới của hãng Hàng Không Việt Nam, ít nhiều khác với tâm trạng của tôi khi xa Sài Gòn vào năm 1984, trên chiếc máy bay “TU” sản xuất tại Nga Sô, đường bay Sài Gòn – Bangkok.
Mọi người đã yên vị. Phi cơ rời phi đạo, bay cao mãi, để lại phi trường Hong Kong nhỏ dần như một miệng giếng nằm gọn giữa rừng cao ốc chọc trời đang lẫn trong màn sương buổi sáng. Xa xa chân trời vừa ửng hồng, ánh vàng đang đổi mầu bóng đêm.
Tôi nghĩ đến thời gian sắp tới, liệu có gì xẩy ra cho tôi không. Thân nhân tôi cho hay không có gì phải lo ngại, nhưng những việc xẩy ra ở đây, theo những người mới ra đi cho hay, khiến tôi khó yên tâm. Tôi ở miền Bắc gần chục năm từ sau ngày 30 tháng 4 đen tối, đã di chuyển bất kể ngày đêm, từ trại tù này đến trại cải tạo khác, từ vùng Châu thổ sông Hồng đến miền núi rừng Việt Bắc. Vừa chán vừa sợ nên tôi không muốn trở lại những nơi đó nữa.
Nhiều người lên tiếng phản đối nhà nước cộng sản Việt Nam về chính sách hai quốc tịch của người Việt đã nhập quốc tịch của quốc gia khác. Nếu vì lý do nào đó nhà nước CS muốn giữ lại, những người này được coi là người Việt vì quốc tịch gốc vẫn còn. Do đó, dù mang nặng tình cảm quyến luyến gia đình sau nhiều năm xa xứ, những người muốn về thăm quê vẫn ngần ngại, vì luật pháp của chế độ này thay đổi bất chợt.
Đặc biệt hơn nữa, những người có dự phần vào các hoạt động ở hải ngoại, như đòi dân chủ tự do cho người Việt trong nước, được cấp thông hành về thăm quê, nhưng khi đến phi trường Nội Bài của miền bắc hay Tân Sơn Nhất tại miền Nam, một số đã bị giữ lại. Nếu may mắn, sau một đêm ngụ tại khách sạn phi trường, ngày hôm sau bị đưa lên máy bay trở về nước cư trú. Trong trường hợp khác, thời gian ở phi trường sẽ kéo dài cho đến ngày hết hạn, đã gây thiệt hại cho người về thăm quê. Nhà nước cho hay họ thuộc thành phần tham gia các hoạt động gây bất lợi cho chế độ cộng sản.
Nhiều người có nhận xét, nếu biết họ là thành phần gây bất lợi cho chế độ, Tòa Đại sứ tại các quốc gia liên hệ, nên từ chối cấp giấy thông hành, vừa tránh thiệt hại vô lý cho người về thăm quê, mà cũng che dấu được phần nào bản chất vô luật pháp, trống đánh xuôi kèn thổi ngược của chế độ CS Hà Nội.
Trở lại chuyện cũ…
Tôi mừng rỡ khi thoát khỏi phòng cách ly của phi trường Tân Sơn Nhất vào năm 1984. Lòng tôi lâng lâng, cảm thấy không khí bên ngoài thoáng hơn không khí ngột ngạt ở trong kia, như trút bỏ được một phần gánh nặng, như tôi có cảm giác bước ra khỏi cổng trại tù cải tạo, dù rằng vào lúc đó, tôi mang cảm giác vừa thoát khỏi trại tù nhỏ để bước vào một trại tù lớn hơn, một nơi có vợ con tôi đang sống. Tôi đang trốn chạy khỏi quê hương yêu dấu của tôi để đến một nơi xa lạ, mà mọi người ở đây gọi đó là “Miền đất hứa.” Vợ chồng tôi nắm tay các con tôi theo đoàn người lên tầu. Hành trang của chúng tôi nhẹ tênh. Vì còn có gì để mà mang theo.
Hành khách đã yên vị. Động cơ được khởi động trước khi khởi hành. Tôi mong máy bay cất cánh càng sớm càng tốt, như mang nỗi sợ của cánh chim trên cành cây cong. Tôi hổ thẹn khi có ý nghĩ coi đây là một vùng đất nguy hiểm, đầy đe dọa bất trắc, mà không lâu trước đây, tại vùng đất thân yêu này, tôi đã sống những ngày vô cùng hạnh phúc. Tôi cảm thấy quá ích kỷ, vì trong giây phút chỉ nghĩ tới an nguy của cá nhân mình, mà quên đi số phận hẩm hiu của những người còn ở lại.
Bất chợt từ máy phóng thanh, một âm thanh giọng nữ nghe thật ấm dịu: “Xin hành khách có tên Nguyễn Văn Ba đến phòng hải quan có việc cần”. Một người đàn ông trạc tuổi tôi, vẻ mặt ngơ ngác, mang theo túi xách tay bước ra khỏi tầu. Khi máy bay cất cánh vẫn không thấy vị khách ấy trở lại.
Trán tôi đổ mồ hôi khi nghe máy gọi. Vợ tôi lặng lẽ nắm tay tôi thầm chia xẻ với tôi niềm ưu tư lo lắng. Trước khi đi tôi đã nghe nhiều chuyện như thế này. Những vụ vì không biết phải trái với địa phương, người ra đi bị giữ lại sau khi hoàn tất thủ tục lên tầu.
Về phần tôi, khi từ trại tù cải tạo trở về, tôi luôn sống trong cảnh phập phồng lo sợ. Đám công an khu vực vẫn theo rõi, quan sát tôi từng bước không kể hàng tháng phải trình diện phường khóm, và hàng tuần phải có mặt tại các buổi họp khu phố để nghe đọc về thành quả cách mạng dưới tài lãnh đạo ưu việt của đảng và nhà nước CS. Tôi nghe đã chán tai, vì đây là những thứ đã được lập lại như một máy thu băng dưới tên “học tập”, nên trong suốt thời gian dài tại các trại tù cải tạo, tôi không có lấy một chữ vào đầu. Tôi phải có mặt các buổi học tập tại quận không ngoài mục đích điểm danh, vì nhân số mỗi ngày một ít do tình trạng vượt biên hay bị bắt trở lại trại tù cải tạo. Tôi có cảm tưởng mình đang sống trong một nhà tù, chỉ khác trại cải tạo ở chỗ tôi được gần gũi gia đình.
Khi có giấy xuất cảnh tôi cũng chẳng được yên thân, vì trước ngày đi sở công an thành phố có gửi “giấy mời làm việc”. Tôi không quên lời người công an nhấn mạnh nhiều lần: “Tôi lưu ý anh sang Mỹ đừng ồn ào. Anh nhớ còn thân nhân ở đây…” Gia đình tôi cả đêm với một ngày lo lắng khi tôi nhận được giấy mời. Tôi hiểu luật pháp bây giờ là thế, quyền sống con người ở đất nước này là thế và ý nghĩa “Tự Do” dưới chế độ này là thế…
Quay sang nhà tôi, nàng tựa sát ghế ngồi, nhắm mắt như cố dỗ giấc ngủ sau thời gian dài vất vả đợi chờ tại phi trường, cũng như lo âu cho thời gian sắp tới.
Tôi lơ đãng nhìn qua khung cửa kính, ngoài trời nắng đã chan hòa, những giải mây trắng ngần như tấm thảm bông bồng bềnh lót dưới thân tầu. Tôi chợt mỉm cười, hình ảnh Hà Nội gợi nhớ trong tâm tư của tôi cả một thời tuổi trẻ, ở tuổi khi vừa biết yêu, bị “mê hoặc” bởi vẻ đẹp và giọng nói ngọt lịm của người con gái Bắc Hà. Có người cho rằng, người con gái Hà Nội có vẻ kênh kiệu, bề ngoài trong giao tiếp. Nhưng thực ra, đó chỉ là do ảnh hưởng của giáo dục gia đình về công, dung, ngôn, hạnh đã trở thành một nếp sống. Vì vậy, người con gái Hà Nội dịu dàng nhưng ý tứ, ánh mắt thân mật nhưng không sàm sỡ, tế nhị nhưng không gò bó trong cách giao tiếp hàng ngày.
Nét đẹp đặc biệt ấy của người con gái Hà Nội như được thiên nhiên ưu đãi thêm sắc hương diễm lệ. Nhất là vào mùa Xuân, mưa phùn giăng kín bầu trời như làn lụa mỏng đã tạo cho Hà Nội không khí ấm cúng, gần gũi và điểm tô cho người con gái Hà Nội nét óng ả vui tươi. Mưa nhẹ như những hạt bông bám trên mái tóc mây óng ả, vương trên bờ vai thon nhỏ, lăn dài trên các tà áo mầu…Mưa không thấm ướt đôi má, không làm hoen mầu son trên môi, chỉ lấp lánh trên rèm mi như những hạt châu muôn sắc.
Tôi không biết danh từ mưa phùn có từ bao giờ, diễn tả động tác nào, hay đó chỉ là những hạt nước nhỏ li ti, đan quyện vào nhau tạo thành một tấm màn mỏng như khói sương buổi sớm, phủ mờ Tháp Rùa và những tàng cây xung quanh hồ, tạo thành một bức tranh thủy mạc thiên nhiên mờ ảo. Vừa mang nét cổ kính, vừa đượm vẻ thơ mộng hữu tình.
Mưa phùn đẹp thật, nhất là mưa phùn trên thành phố Hà Nội. Những hạt mưa bé nhỏ mỏng manh đã làm xanh các chồi nhánh, làm mơn mởn các cánh hoa đào, làm lòng người thêm phấn khởi vào dịp Xuân về.
Người Hà Nội tự hào về nét thanh lịch trong nếp sống, qua lời ăn tiếng nói với ngôn ngữ chính xác, mẫu mực, không quen dùng danh từ thô tục. Luôn nhún mình, mềm mỏng mà không khoe khoang, biết tôn trọng mọi người.
Dù sau nhiều thăng trầm biến đổi, dù dưới bất cứ hoàn cảnh nào, người Hà Nội vẫn giữ được nét hào hoa phong nhã. Điểm đặc biệt này được ca ngợi qua ca dao:
“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài,
Dẫu chưa thanh lịch cũng người Tràng An.”
Hà Nội có nhiều di tích cổ xưa. Theo truyền thuyết, năm 1009, khi Thái Tổ Lý Công Uẩn đi ngang qua thành Đại La, thấy nơi chân thành có một đám mây hình con rồng bay lên, Vua cho là điềm báo tốt nên đã dời đô về Đại La và cho đổi tên là thành Thăng Long vào năm 1010.
Vào đời nhà Trần, Thăng Long vẫn được tiếp tục mở rộng và phát triển. Đến đời nhà Nguyễn, Vua Minh Mạng thứ 13 cho thành lập Tỉnh Hà Nội vào năm 1931. Tỉnh Hà Nội gồm 4 phủ: Hoài Đức, Ứng Hòa, Lý Nhân và Thường Tín. Tỉnh lỵ là thành Thăng Long cũ. Ngày 1-10-1888, Vua Đồng Khánh ra đạo dụ nhượng cho Pháp thành phố Hà Nội. Sau Hiệp Ước Patenotre, Tổng Thống Pháp, Sadi Carnot, ra sắc lệnh thành lập thành phố Hà Nội. Năm 1902 Hà Nội là Thủ phủ của Liên Bang Đông Dương (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Lào và Mên).
Hà Nội nằm dọc theo hữu ngạn sông Hồng, còn gọi là Nhị Hà, vì trước khi tới Hà Nội sông Hồng tách ra một nhánh nhỏ chẩy tới tỉnh Hải Dương mang tên sông Đuống. Từ đây, Hà Nội ngày một mở mang, trong đó phải kể tới khu “phố Cổ Hà Nội”, xây dựng từ cuối thế kỷ XIX sang nửa thế kỷ XX. Hà Nội trở lên sầm uất hơn, trung tâm thành phố được mở rộng. Các ao, hồ, đầm dần dần bị lấp kín để phát triển thành phố, hầu đáp ứng dân số ngày một gia tăng.
“Hà Nội ba mươi sáu phố phường” là biểu tượng của khu phố Cổ, được giới hạn về phía Bắc bởi đường Hàng Đậu, phía Tây là đường Phùng Hưng, phiá Đông là đường Trần Nhật Duật và đường Trần Quang Khải, phía Nam là đường Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ và Hàng Thùng. Khi xưa, “khu vực 36 phố phường” có nhiều ao hồ. Khu này được bao bọc bởi sông Tô Lịch ở phía Bắc, sông Hồng ở phía Đông và Hồ Hoàn Kiếm ở phía Nam. Vào thế kỷ XV, khu Kinh Thành Thăng Long gọi là Phủ Trung Đô gồm 2 huyện với tổng số 36 phường.
Theo sử cũ, vào thời Nhà Lê, Thăng Long còn gọi là Phủ Phụng Thiên gồm hai huyện Vĩnh Xương (sau đổi ra Thọ Xương) và Quảng Đức (sau đổi ra Vĩnh Thuận). Mỗi huyện có 18 Phường. Phường là tổ chức theo nghề nghiệp, chỉ dùng riêng cho kinh thành Thăng Long, tương đương với Xã của nông thôn.
“Phố” khác với Phường. Phường là một khu vực hành chánh, còn Phố là một chỗ bán hàng, nơi bầy hàng, (cũng có nghĩa là cửa hàng cửa hiệu), nằm sát nhau thành một dẫy.
“Hàng” chỉ là tên gọi của các cửa hiệu bầy bán một mặt hàng giống nhau nằm sát nhau trong một khu phố (Hàng đào, Hàng đường…) Sau bao nhiêu thay đổi, có nhiều phố nguyên là tên Hàng đã mang tên mới như: Hàng Cỏ đổi thành phố Trần Hưng Đạo, Hàng Đẫy là Nguyễn Thái Học…
Sau khi Pháp chiếm Hà Nội, khu Phố Cổ có nhiều thay đổi, các con đường được chỉnh trang , có hệ thống thoát nước, nhà cửa hai bên đường được xây gạch, lợp ngói. Mở mang các khu buôn bán như chợ Đồng Xuân…Kể từ năm 1945 đến 1985, nhiều gia đình từ chiến khu trở về được cư ngụ tại Phố Cổ. Mỗi căn nhà có hai, ba gia đình. Nhân số trong mỗi gia đình cũng tăng, khiến Phổ Cổ ngày càng đông. Kể từ năm 1960 đến1983, khu Phố Cổ vốn là nơi buôn bán sầm uất trước kia, đã trở thành khu dân cư thuộc các gia đình cán bộ.
Như vậy, chỉ “Kinh Thành Thăng Long” thời Nhà Lê mới có 36 Phường. Còn “Hà Nội 36 Phố Phường” mà chúng ta gọi hiện tại chỉ là một danh xưng không có trong thực tế.
Trong tác phẩm “Việt Nam thi văn hợp tuyển” của ông Dương Quảng Hàm có ghi những câu ca dao về 36 phố ở Hà Nội:
Rủ nhau chơi khắp Long thành
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai:
Hàng Bồ, hàng Bạc, hàng Gai,
Hàng Buồm, hàng Thiếc, hàng Bài, hàng Khay,
Mã Vĩ, hàng Điếu, hàng Giầy
Hàng Lờ, hàng Cót, hàng Mây, hàng Đàn,
Phố Mới, Phúc Kiến, hàng Ngang,
Hàng Mã, hàng Mắm, hàng Than, hàng Đồng,
Hàng Muối, hàng Nón, cầu Đông,
Hàng Hòm, hàng Đậu, hàng Bông, hàng Bè,
Hàng Thùng, hàng Bát, hàng Tre,
Hàng Vôi, hàng Giấy, hàng The, hàng Gà,
Quanh đi đến phố hàng Da,
Trải xem hàng phố, thật là cũng xinh.
Phồn hoa thứ nhất Long thành,
Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ.
Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ,
Bút hoa xin chép vần thơ lưu truyền.
Những Đền đài Lăng miếu có từ thời dựng nước, khiến hình ảnh của Hà Nội đã đậm nét trong tâm tư mỗi người, nhất là Hồ Hoàn Kiếm với Tháp Rùa.
Về địa lý, Hồ Hoàn Kiếm nằm theo hướng Bắc Nam, song song với sông Hồng và cách sông Hồng gần một cây số. Theo sử lược, tên gọi Hoàn Kiếm xuất hiện từ Thế kỷ 15 với truyền thuyết Vua Lê Thái Tổ trả lại gươm báu cho Rùa thần. Theo bản đồ thời Hồng Đức, Hồ Hoàn Kiếm là một phân lưu của sông Hồng chẩy qua vị trí các phố Hàng Đào, Hai Bà Trưng, Lý Thường kiệt, Hàng Chuối trước khi chẩy vào nhánh chính của sông Hồng.
Đến thời Lê Trung Hưng, Thế kỷ 16, Chúa Trịnh cho chỉnh trang Hoàng thành Thăng Long. Chúa Trịnh cho ngăn hồ lớn thành hồ Tả Vọng và Hữu Vọng dùng làm nơi duyệt quân thủy chiến. Đến đời Tự Đức (1847-1883), hồ Hữu Vọng được gọi là hồ Thủy quân, còn hồ Hữu Vọng là hồ Hoàn Kiếm. Năm 1884, chính quyền Bảo Hộ Pháp cho lấp hồ Thủy quân để mở mang Hà Nội.
Ngoài Tháp Rùa nằm ở trung tâm của hồ Hoàn Kiếm, được xây dựng vào khoảng giữa năm 1884 đến tháng 6-1886, còn có các di tích khác bao quanh hồ như:
Đền Ngọc Sơn và Cầu Thê Húc (1) nằm về phía Bắc, do nhà từ thiện tên Tín Trai lập ra nằm trên nền cung Thụy Khánh. Đền Ngọc Sơn có tên là Tượng Nhĩ, sau đó vua Lý Thái Tổ đặt tên là Ngọc Tượng. Đền Ngọc sơn thờ thần Văn Xương, hiện thân của văn chương, khoa cử. Đền cũng thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo,vị anh hùng của dân tộc.
Ngoài Đền Ngọc Sơn còn có nhiều nơi mang dấu ấn lịch sử, trong đó phải kể là Cầu Thê Húc xây dựng năm 1865, mang ý nghĩa “một nơi chan hòa ánh sáng mặt trời buổi sáng”. Kế đến là “Tháp Bút” gồm 5 tầng xây dựng vào năm 1865, nằm về hướng Đông Bắc của hồ. Trên đỉnh tượng trưng cho một ngòi bút hướng lên trời. Phần thân tháp có khắc 3 chữ “Tả Thanh Thiên” (viết lên trời xanh). Tầng thứ ba có khắc bài “Tháp Bút Chí”. Gần Tháp Bút có “Đài Nghiên” cũng được xây dựng cùng thời với Tháp Bút. Ba chân kê Nghiên là hình tượng ba con cóc. Trên thân Nghiên có khắc một bài “Minh”, gồm 64 chữ Hán.
Trên bờ phía Đông của hồ có “Tháp Hòa Phong”, là di vật còn lại của chùa “Báo Ân” (Chùa bị phá bỏ vào năm 1898). Tháp gồm ba tầng, các cửa hướng về bốn phía Đông, Tây, Nam, Bắc. Mỗi cửa đều có ghi: Báo Đức môn, Báo Ân môn, Hòa Phong tháp và Báo Thiên tháp. Tầng tháp dưới đáy cao và lớn hơn hai tầng trên. Bốn mặt của tầng thứ hai có hình Bát quái. Tầng ngọn Tháp có chữ “Hòa Phong Tháp.”
Trên bờ phía Đông Bắc của hồ có Đền Bà Kiệu xây dựng từ thời Lê Trung Hưng. Do việc mở đường nên Đền chia làm hai: Tam quan ở sát bờ hồ, còn Đền nằm phía bên kia con đường. Đền Bà Kiệu thờ ba vị nữ thần: Liễn Hạnh Công Chúa, Đệ Nhị Ngọc Nữ và Đệ Tam Ngọc Nữ.
Về bờ phía Tây có Đền thờ vua Lê, sát với đình Nam Hương. Tượng Vua Lê đứng trên bệ cao, tay cầm kiếm như phóng xuống hồ.
Các di tích lịch sử ấy đã tạo cho Hà Nội nét hào hùng, giữ được bản chất dân tộc Việt sau hàng ngàn năm bị đô hộ, đồng hóa. Những hình ảnh này luôn nhắc nhở con dân nước Việt phải một lòng bảo toàn đất Tổ trước họa ngoại xâm.
Phong cách và nếp sống hài hòa của người dân, đã mang đến cho Hà Nội một sắc thái riêng biệt. Từ nét đặc biệt của giọng nói ấy đã toát ra những âm điệu trong sáng mà thanh tao, nhẹ nhàng mà quyến rũ. Mà chỉ những ai sinh ra và lớn lên tại thành phố này mới giữ được âm hưởng đó, tiếp nối kế thừa như một dòng chảy từ nhiều đời trước. Sau những biến chuyển của xã hội vào năm 1954, “Tiếng Hà Nội” đã theo bước chân người Hà Nội dàn trải tới các nơi trên thế giới. Mặc dù xa quê hương, nhưng người con Hà Nội vẫn giữ được phong thái cũ.
Như vậy, do phong thổ và mạch nước uống đã tạo cho Hà Nội nét đặc biệt trong giọng nói “Thành thị” khác hẳn với các vùng khác, dù ở sát bên. Theo lịch sử, “kinh thành Thăng Long” là vượng địa, được Vua Lý Thái Tổ dời đô về đây vào năm 1009. Một vùng đất bao bọc bởi 3 con sông: sông Hồng ở phía Đông, sông Tô Lịch ở phía Bắc và sông Kim Ngưu ở phía Nam.
Sông Kim Ngưu ít khi được nhắc tới, trước kia là một phân lưu của sông Tô Lịch, từ Ô Cầu Giấy chảy theo hướng Tây-Đông tới Đội Cấn, khi tới Ô Thụy Chương (Thụy Khê) chảy theo hướng Bắc Nam, chảy qua Ngọc Khánh, Giảng Võ, Hào Nam, Ô Chợ Dừa, Xã Đàn, Kim Liên, Ô Cầu Dền, Ô Đông Mác, Yên Sở rồi hợp lưu trở lại. (2)
Nhiều người thiết tha với Hà Nội đã phải lên tiếng vì sự thay đổi trong giọng nói của Người Hà Nội bây giờ. Đành rằng, Hà Nội là vùng đất của dân tứ chiếng, nơi kết hợp sắc thái của mọi thành phần dân chúng tới vùng đất này sinh sống, là nơi hội tụ văn hóa, đã tạo cho Hà Nội nét đặc biệt về ngôn ngữ. Giọng nói của Hà Nội vẫn không thay đổi dù 1.000 năm bị Tầu đô hộ và 100 năm dưới sự thống trị của Thực dân Pháp.
Bản chất của ngôn ngữ luôn gắn liền với hiện tượng xã hội. Theo thống kê, vào thập niên 1940, dân số thành phố Hà Nội là 132.145 người. Nhưng đến năm 1954, khi Việt Minh tiếp quản Hà Nội, dân số thành phố giảm xuống chỉ còn 53.000 người trên một diện tích 152 Km2. Đến năm 1961, thành phố được mở rộng diện tích lên tới 584 Km2 với dân số 91.000 người.
Nhìn vào con số sai biệt về dân số trên, chúng ta nhận ra vào thời điểm này, nhiều người đã rời Hà Nội ra ngoại quốc hay theo đoàn người di cư vào miền Nam sau ngày chia đôi đất nước, khiến người Hà Nội gốc không còn nhiều như trước. Những người Hà Nội vì nặng gánh gia đình còn ở lại, dù đã từng tham gia Việt Minh, cũng đành ngậm miệng trước bạo lực để sống vì họ thuộc thành phần trí thức tư sản, không được trọng dụng khi “cách mạng” thành công.
Nhưng đó có phải là lý do chính để mất giọng Hà Nội? Hay vào thời gian này số gia đình cán bộ từ các tỉnh Thanh-Nghệ đã nhập cư Hà Nội, nhận nhiệm vụ giáo dục lớp trẻ, uốn nắn cả tinh thần lẫn nếp sống mới, nên giọng Hà Nội đã biến đổi, không còn như trước kia.
Hình ảnh của Hà Nội níu kéo tôi mãi trong suốt 20 năm xa cách, từ ngày đất nước chia đôi năm 1954 đến ngày miền Nam bị chiếm đoạt vào ngày 30-4-1975. Những kỷ niệm, những thắng cảnh đậm nét trong lòng người Hà Nội, thấm đượm trong tâm hồn mỗi người đã từng sống, đã lớn lên ở vùng đất yêu thương này. Tôi ấp ủ nét đẹp Hà Nội thanh bình, một nếp sống hài hòa của thời niên thiếu, được điểm tô qua áng văn của Nguyễn Tuân, của Thạch Lam trong Tự Văn Đoàn.
Hà Nội với vóc dáng cổ xưa trở lên duyên dáng, dù các con phố có nhỏ hẹp, nhưng tự nó có trật tự và điểm tô bằng thứ tình cảm gần gũi, ấm cúng mà phải ở một thời gian đủ lâu mới tìm thấy cái cảm giác yêu thương, quen thuộc không thể thiếu đó. Vì thế, đi xa vẫn nhớ.
Tôi chợt nhớ tới thiên phóng sự “Một ngày ở Hà Nội” của Thiếu Tá Phạm Huấn, một nhà báo quân đội kỳ cựu của VNCH, đã cùng Thiếu Tá Đinh Công Chất và Thiếu Úy Dương Phục, thành viên của Ban Liên hợp quân sự 4 bên, đã “ghé thăm” Hà Nội nhân dịp quan sát vụ trao trả tù binh Mỹ vào ngày 18-2-1973. Hành trình của cuộc “viếng thăm” này và những gì “mắt thấy tai nghe” đã được Đài Saigon truyền đi vào tối ngày 19-2-1973.
Trong buổi mạn đàm, Thiếu Tá Phạm Huấn tâm sự, đối với những người khác thì trong chuyến đi này người ta có thể nói là ra Bắc hay ra Hà Nội, nhưng đối với ông, một người từng sống ở Hà Nội nhiều năm, thì gọi đó là một chuyến trở về Hà Nội. Ông cho hay, những đường phố chính mà trước kia rất sang trọng như đường Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Gia Long, Tràng Tiền, khu chung quanh hồ Hoàn Kiếm…thì còn nguyên vẹn, nhưng còn các phố khác của thủ đô Hà Nội bây giờ tiêu điều xơ xác quá. Không có một kiến trúc nào đặc biệt so với năm 1954. Hà Nội trông tiêu điều, nhưng không ngờ sự thay đổi đến quá sức tưởng tượng như ông nghĩ.
Khu trung tâm thành phố như Gia Long, Tràng Tiền…nhà cửa trông rất cũ kỹ, như đã 10, 15 năm không được quét vôi lại. Cầu Thê Húc không có mầu sắc gì, cũ kỹ theo thời gian. Điểm nổi bật nhất ở hồ Hoàn kiếm không phải là Tháp Rùa mà là tấm bảng lớn sơn mầu đỏ chót với khẩu hiệu tuyên truyền…
Tôi miên man suy nghĩ, liệu những gì còn được giữ lại của một Hà Nội ngày xưa, một Hà Nội chưa bị đổi đời.
Tiếng cô tiếp viên kéo tôi trở lại thực tế. Nhà tôi thức giấc. Chúng tôi cài giây an tòan, chỉ còn mươi phút nữa là tới sân bay Nội Bài, cách Hà Nội 40 cây số. Máy bay hạ cánh thấp dần. Nhà tôi nghiêng người gần ô cửa kính. Khung cảnh phía dưới mỗi lúc một rõ qua làn khói mỏng. Giòng sông Hồng hiện ra một mầu nâu tía, giống như con trăn khổng lồ uốn khúc giữa vùng cây cỏ.
Tiếng bánh xe rít lên khi chạm đường băng…
Bước ra khỏi khoang tầu, đứng trên đầu thang xuống, tôi dừng lại giây phút, hít hơi dài không khí, thứ không khí trong lành mát rượi của quê hương, như lưu luyến thuở xưa đang vội vã trở về. Tôi vẫn mong có ngày hôm nay và ao ước trở về nhìn lại mảnh đất thân yêu này. Lòng tôi háo hức như những thủy thủ xa nhà, gửi nụ hôn trên cát khi trở về bến cũ, mà năm tháng vừa qua nơi đất khách quê người, dù chăn ấm nệm êm, dù nhà cao cửa rộng, tôi vẫn cảm thấy tha phương, lạc lõng trong một xã hội xa lạ với mình.
Hành khách bước vào phòng Hải quan dành cho khách nước ngoài. Tôi gặp lại “mầu áo vàng” với nhiều kỷ niệm cay đắng xa xưa. Những giây người xếp hàng một trước bàn cán bộ để làm thủ tục nhập cảnh. Vợ chồng tôi vào sau nên đứng gần cuối hàng. Bất chợt, người cán bộ đường giây bên cạnh đứng bật dậy, lớn tiếng chỉ tay về những người cuối hàng đang nói chuyện. Mấy người ngoại quốc ngơ ngác, tỏ ý phàn nàn về hành động không mấy đẹp của nhân viên nhà nước, không giống phong thái “Customer No.1″ của xã hội tự do.
Đây có phải là hậu quả của thời Cải cách, dẹp bỏ Hương Ước xóm làng, truyền thống sau lũy tre xanh, mà thành phần “chân lấm tay bùn” một sớm một chiều vươn lên theo tiếng loa gọi, để tự hào là “Đỉnh cao trí tuệ loài người”, tự xưng là “Anh hùng” bởi súng đạn của nước ngoài. Tôi trở lại ý nghĩ “yên lòng” mà thân nhân nhắn nhủ trước khi chúng tôi về. Đấy! Pháp quyền của một đơn vị nhỏ hạ tầng là như thế.
Tôi ưu tư, liệu đến bao giờ những người đại diện chính quyền của chế độ này mới ý thức được thế nào là một đời sống vì dân, hầu xây dựng một quốc gia tiến bộ trong giai đoạn mở đầu của kỷ nguyên mới. Để đời sống người dân thể hiện đúng nghĩa là một đời sống được tôn trọng, an toàn và hạnh phúc.
Nhà tôi chợt hỏi nhỏ phía sau:
- “Mình có làm thủ tục “đầu tiên” không anh. Em thấy bảng lưu ý hành khách không để tiền trong hộ chiếu?”
Tôi đã quan sát hành động của người đứng trước, cũng như nhớ lời khuyên của người về cùng khi gặp họ tại phi trường Hong Kong, nên lặng lẽ gật đầu, mặc dù hành động này làm tôi hổ thẹn. Một điều tôi không gặp dù đến phi trường của bất cứ quốc gia nào ngoài quê hương của tôi. Tôi đành phải làm theo mọi người, vì tới “ Nước Lào” tôi phải ăn “Mắm Ngóe”như các cụ xưa đã dậy.
Tôi cũng thấy khung kính hình chữ nhật có kẻ chữ mầu sơn đỏ treo phía trên bàn cán bộ Hải quan, cũng như đọc nhiều lần Pháp lệnh đến Quyết định của nhà nước. Kể từ ngày quân, cán, chính miền Nam theo lệnh gọi khăn gói lên đường trình diện học tập, đến án lệnh 3 năm tập trung cải tạo. Gần đây, nhà nước đã đưa ra nhiều điều luật nghiêm khắc hầu chặn đứng nạn tham nhũng cửa quyền đang đục khoét làm rữa nát quốc gia nghèo khó này. Nhưng pháp luật vẫn để lại nhiều khe hở, hay vì con người làm ra luật nên quyền hành ở trên luật pháp. Một thứ pháp luật chỉ áp dụng cho đám dân nghèo thấp cổ bé miệng. Người ta tìm giết những con tép và để lỗ hổng cho con cá voi chui lọt.
Trước đời sống xa hoa của giới lãnh đạo và gia đình họ, người dân cay đắng tự hỏi, liệu lương tháng của những người cầm quyền và các cán bộ cao cấp của đảng và nhà nước còn quy theo tiêu chuẩn mấy chục ký gạo không. Hay sau ngày xâm chiếm miền Nam mọi thứ đã thay đổi, người ta dùng vàng để định mức lương bổng cho giới lãnh đạo sau thời gian “nằm gai nếm mật, giải phóng dân tộc”. Của cải chiếm được của miền Nam được giữ làm của riêng. Do đó, nạn tham nhũng từ trên xuống dưới vẫn được nuôi dưỡng, mà theo người xưa: “thượng bất chính, hạ tắc loạn” đã xẩy ra.
Tôi hiểu hoàn cảnh của người cán bộ Hải quan, Tết nhất đến nơi, hắn cần đủ sở hụi nộp cho thượng cấp để được ở chỗ này lâu hơn. Hắn ta phải thu lại vốn cộng thêm một chút tiền lời số tiền đã bỏ ra. Lại còn vợ con hắn, ngày Tết vật giá leo thang đến chóng mặt, mà lương tháng chỉ mua được hơn một thùng bia ngoại, trong khi các cán bộ lớn mua vui hàng đêm bằng số tiền lương mà cả đời hắn làm việc vất vả.
Thấy hắn, tôi nghĩ tới anh em, con cháu của tôi, đến lớp người không có dịp may như hắn, không có đảng tịch, thì đời sống của gia đình họ sẽ ra sao?
Trời về chiều, thời tiết những ngày cuối năm trở lạnh. Trước mắt tôi chói lòa mầu đỏ thắm. Những biểu ngữ và mầu cờ che khuất tầm nhìn. Tôi chợt nhớ tới câu thơ của Trần Dần vào thời “Trăm hoa đua nở”:
“…Tôi bước đi, không thấy phố, không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa, trên mầu cờ đỏ…”
Đường phố nhộn nhịp. Khách bộ hành, xe hai bánh và xe gắn máy đan nhau trong trong lớp khói mù. Nhìn quang cảnh trước mắt, tôi liên tưởng tới ca khúc “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao vào thời “Cách mạng Tháng 8”:
“…Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về
Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào…”
còn ầm vang bước quân hành đã một thời khích động lòng người yêu nước ồ ạt “Bài Phong, Đả Thực”.
Hà Nội còn đó, nhưng mọi thứ đã thay đổi, như vừa trải qua cơn “bạo bệnh” chưa hoàn hồn, của thời tem phiếu bao cấp, với hình
“Bắt không quần phải không quần,
Cho may-ô mới được phần may-ô.”
Mặc dù sau ngày 30-4-1975, “Miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng”, tài sản của miền Nam, của công cũng như thuộc tư nhân, lên tới hàng trăm Tỷ Mỹ kim đã theo nhau ra Bắc, nhưng vẫn không vực dậy được một đất nước thiếu khả năng xây dựng cũng như tinh thần vì dân tộc. Miền Nam vốn là một vựa thóc, có thể nuôi sống cả nước, nhưng sau ngày gọi là “giải phóng miền Nam” cả nước phải ăn bo-bo, một loại thực phẩm để nuôi trâu ngựa. Mà nhiều năm trước đó, năm 1960, Thủ tướng Lý Quang Diệu đã ao ước, chỉ mong đảo quốc Singapore có đời sống như Sài Gòn. Với nhận thức thiển cận của người cầm quyền, chỉ bồi đắp cho gia đình, phe cánh mà quên đi tương lai của cả dân tộc, nên đời sống người dân lâm vào cảnh:
“Đầu đường Đại Tá vá xe,
Cuối đường Trung Tá bán chè đậu đen.”
Hà nội chưa có công trình nào đáng kể ngoại trừ lăng ông Hồ tại trung tâm thành phố. Tôi đặt câu hỏi, tại sao người ta xây ngôi nhà mồ giữa trung tâm thành phố, một kiến trúc góc cạnh thô cứng mang mầu sắc ảm đạm, chen giữa các công trình có đường nét dịu dàng, nghệ thuật. Ngôi nhà mồ mang hình ảnh của một tội đồ tàn ác, diệt chủng, mất hết tính người, mà sự hiện diện của nó tại giữa Thủ đô, chỉ là điềm báo về sự bất hạnh của quốc gia này.
Trong khi đất nước đang chìm đắm trong chiến tranh, đời sống của người dân nghèo không đủ cơm ăn ngày hai bữa, oằn người đóng thuế, phải ngậm miệng cung cấp các vật liệu tốt nhất để xây dựng ngôi nhà mồ. Theo tài liệu ghi lại, “Cát lấy từ suối Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Đá cuội được chuyển từ các con suối vùng Sơn Dương thuộc Chiêm Hóa và Ngòi Thìa thuộc tỉnh Tuyên Quang. Đá xây nhà gồm đá Nhồi ở Thanh Hóa, đá Hoa Cương thuộc khu vực Chùa Thày, đá đỏ núi Non Nước, đá dăm từ mỏ đá Hoàng Thi thuộc Thác Bà tỉnh Yên Bái…chưa kể đá ngọc mầu đỏ, đá hoa cương được các địa phương cung cấp. Gỗ quý mang về từ Tây Nguyên. Riêng dòng chữ “Không có gì quý hơn Độc Lập Tự Do” được dát bằng vàng. Thật là một công trình “vĩ đại”, đã làm tiêu hao tiền của và sức người của nhân dân.
Ngân khoản xây dựng ngôi nhà mồ không thấy đảng CS thông báo. Số người bị tai nạn, thương tật trong khi cung ứng vật liệu xây cất cũng không được nêu ra.
Một cuộc chiến hao tổn nhiều xương máu của người dân, cũng chỉ nhằm mục đích trung thành với Quốc tế CS, như ông Hồ trả lời Mao Trạch Đông khi yêu cầu Trung quốc cung cấp quân trang quân dụng để đánh chiếm miền Nam: “Chúng tôi đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng, dù phải đốt sạch dẫy trường Sơn.” Câu nói “để đời” này được Lê Duẩn nhắc lại rõ hơn: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung quốc”…
Sau hơn hai mươi năm ngưng tiếng súng, nhất là từ sau ngày mở cửa, người Việt hải ngoại đã chuyển về nước hàng Tỷ Mỹ kim mỗi năm, một ngân khoản không hoàn trả, khiến Hà Nội thay đổi. Nhưng rất tiếc, chỉ thay đổi bộ mặt thành phố, một sự thay đổi đoản kỳ, đã bỏ mặc nông thôn ngày một sa sút. Các danh lam thắng cảnh được tô vẽ vì mục đích lợi nhuận nhất thời, hơn là bảo tồn nét đẹp về văn hóa cổ truyền.
Có người cho rằng, sinh hoạt về văn hóa và đạo đức của Hà Nội thay đổi sau ngày 30-4-1975, nhất là về “Văn hóa chửi” đã xâm nhập mọi tầng lớp dân chúng tại miền Bắc. Thực ra, chính sách “Cải cách ruộng đất” đã phá tan truyền thống đạo đức dân tộc, trong đó phải kể tới “Đấu tố”, con tố cha vợ tố chồng, một hình thức ảnh hưởng trầm trọng tới đạo đức gia đình. Sau khi chính sách “Trăm hoa đua nở” được thực hiện, những người trí thức không đi theo đường lối của cộng sản đã bị đầy ải trong các nhà tù hay tại các vùng núi rừng miền Bắc. Sách báo, cả về nghiên cứu văn học, lịch sử lẫn phong tục tập quán đã bị thiêu hủy, để đi theo nếp sống văn hóa mới của cộng sản. Quan trọng nhất là xuyên tạc lịch sử, khiến văn hóa dân tộc bị mất gốc. Đạo đức học đường và xã hội vì vậy ngày một tệ hại. Trước tệ nạn xã hội ngày một gia tăng, người dân đã nhận định: “ra ngõ không còn gặp anh hùng”.
Với đường lối cai trị độc tài, không chấp nhận mọi ý kiến xây dựng xã hội để theo kịp với đà tiến văn minh thế giới, khiến đất nước ngày càng tụt hậu. Với chính sách kinh tế đoản kỳ, chân trong chân ngoài của người cầm quyền, niềm tự hào trở thành con rồng Á Châu về kinh tế, qua mặt Nhật Bản Đại Hàn như thường được rêu rao, vẫn chỉ là ảo tưởng.
Hình ảnh đẹp về nếp sống của Hà Nội trong tâm tư của tôi vẫn còn đó. Nhưng vào lúc này, xung quanh tôi mọi thứ đều xa lạ, hiếm thấy giọng nói ngọt ngào, ấm dịu của người Hà Nội năm xưa. Một giọng nói “xa lạ” đang hiện diện ở thành phố cổ kính này. Tôi tự hỏi, thành phố này đã để mất giọng nói yêu thương kia trong hoàn cảnh nào? Phải chăng, theo bước chân ồ ạt “tiến về Hà Nội” từ vùng đất Thanh Nghệ “quê hương Bác” nơi được vinh danh là “thành đồng của cách mạng Mùa Thu”, đã thay đổi, xoá tan nếp sống và phong thái cũ?
Nét đẹp của Hà Nội vào những ngày tháng cũ chỉ còn là hoài niệm. Không còn sắc thái cổ kính mà tiềm ẩn vẻ thơ mộng, trang trọng nhưng hàm chứa nét trữ tình của thành phố ngàn năm văn vật. Sinh hoạt đặc trưng của văn hóa dân tộc Việt đã nhường chỗ cho một nếp sống “Văn hóa mới”, chỉ thể hiện sự lạc lõng nửa vời, khiến tôi có cảm tưởng xa lạ tại chính nơi quê hương yêu dấu của mình.
Hà Nội đang ở trước mắt tôi. Tôi lặng nhìn mà tâm tư tìm về dĩ vãng, nuối tiếc nếp sống của một thời đã qua. Đành rằng, “Kỷ niệm không bao giờ chết”. Nhưng đã “tàn phai” trước những đổi thay hiện tại.
Hà Nội vẫn còn đó, nhưng “Hồn Dân tộc” ở đâu bây giờ?
Trần Nhật Kim
2-2016
Chú thích:
(1) Nguồn: Hình trên Google
(2) Nguồn: Trần Quốc Vượng)