Trung Quốc đói ăn và khát dầu nên cần bành trướng ra ngoài…
Chương trình chuyên đề tuần trước của Diễn đàn Kinh tế có nói đến rủi ro kinh tế tại Việt Nam. Sau đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF công bố báo cáo hàng năm về tình hình kinh tế của Việt Nam với một số khuyến cáo về những rủi ro mà Việt Nam có thể gặp. Lập tức Chính quyền Hà Nội phản bác bản báo cáo của cơ quan IMF là “không trung thực”. Chúng ta nên tìm hiểu về những rủi ro của Việt Nam qua lối phản ứng như vậy. Xin quý thính giả theo dõi phần trao đổi của nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa với Việt Long về đề tài trên.
Nguyễn Xuân Nghĩa: – Tôi thiển nghĩ rằng đáng lẽ tuần trước ta còn phải nói thêm một rủi ro khác của Việt Nam, là không dám nhìn vào sự thật, và rằng thuốc đắng thì dã tật chứ mật ngọt mới làm chết ruồi. Tôi xin giải thích như sau về cái chứng tật này.
– Nói về bối cảnh thì Việt Nam là thành viên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, một định chế quốc tế có nhiệm vụ ổn định hệ thống ngoại hối và yểm trợ công cuộc phát triển của các nước. Việt Nam có ký thỏa ước với định chế này để hàng năm họ gửi chuyên gia tới thu thập dữ kiện kinh tế tài chính và thảo luận với giới chức hữu trách về tình hình kinh tế và chính sách của Việt Nam.
– Sau đó, các chuyên gia IMF trở về trình bày kết quả khảo sát – là quan sát và tham khảo ý kiến – lên Hội đồng Chấp hành ở trên để thảo luận về hiện tình, viễn ảnh, triển vọng và những rủi ro mà Việt Nam có thể gặp. Kết quả của việc lượng định và thảo luận ấy được cơ chế cao nhất chuyển cho giới chức kinh tế Việt Nam, rồi sau đó mới được phổ biến cho công chúng.
– Năm nay, phái đoàn chuyên gia đến Việt Nam từ Tháng Năm để thu thập thống kê, tham khảo ý kiến giới chức kinh tế tài chính và tư doanh và có nhiều đợt thảo luận trước khi về đúc kết ra phúc trình khảo sát vào đầu Tháng Bảy làm cơ sở cho thượng cấp lượng định. Hai tháng sau, bản phúc trình dày 80 trang mới được công bố. Quy cách làm việc như vậy đã có từ nhiều năm nay và quốc gia hội viên nào của IMF cũng đều có thủ tục làm việc như vậy.
– Nói cho dễ hiểu thì ta có thể so sánh với việc mình đi khám bác sĩ hàng năm để rà soát lại tình hình sức khoẻ và có khi nhờ bác sĩ mà chẩn đoán ra bệnh trước căn bệnh phát tác. Khi ông Phó Thủ tướng của Hà Nội lại công khai phản bác ý kiến của IMF trên nhật báo chuyên đề về tài chính của Anh là tờ Financial Times thì ta có thể nghĩ đến cảnh bệnh nhân cãi lộn với bác sĩ. May là chưa bẻ gẫy cái cặp sốt của bác sĩ. Có lẽ đấy cũng là một triệu chứng mắc bệnh và là một rủi ro mà mình nên quan tâm!
Việt Long: Trong báo cáo của IMF, ông thấy có những điểm gì là đáng lưu ý?
Nguyễn Xuân Nghĩa: – Trước hết là ngôn từ rất chuyên nghiệp và lịch sự chứ không sỗ sàng như phản ứng thiếu ngoại giao của ông Ngoại trưởng Hà Nội. Thứ hai, Hội đồng Điều hành của IMF đồng ý với sự thẩm định của các chuyên gia và ngợi ca Việt Nam đã vượt qua thử thách của mấy năm qua với kế hoạch kích thích kinh tế có trị giá đáng kể. Họ cũng đánh giá cao việc Việt Nam chuẩn bị thu hồi kế hoạch này bằng cách đặt ra kỳ hạn áp dụng để khỏi gây thêm bất ổn cho cơ cấu kinh tế vĩ mô khi tình hình đã khả quan hơn.
Việt Long: Tức là IMF khách quan công nhận thành tích quản lý kinh tế của Việt Nam chứ có gì mà làm lãnh đạo Hà Nội phật ý và bảo rằng báo cáo của IMF là không đúng?
Nguyễn Xuân Nghĩa: – Thưa rằng trong mọi phúc trình kinh tế, khi đưa ra dự báo về viễn ảnh, người ta đều phải nói tới những rủi ro có thể xảy ra trong tương lai. Đây là điều có lợi vì những người trong cuộc nhận thêm lời cảnh báo để phòng ngừa. Báo cáo của IMF cũng nói đến viễn ảnh tương lai. Trong trung hạn, thông thường là từ hai đến năm năm, thì tình hình kinh tế Việt Nam có khả quan. Nhưng ngay trước mắt thì sự ổn định hiện nay có thể bị đe dọa vì nhiều rủi ro.
– Nghiêm trọng nhất trong các rủi ro là bất trắc về chính sách. Cụ thể là việc nới lỏng tín dụng có thể khiến thị trường suy đoán là sẽ bị nhập siêu và hoặc bị lạm phát cao, khiến chính quyền lại bị áp lực là phải phá giá đồng bạc nữa, rồi từ đó phải xiết lại vòi tín dụng. Hiện tượng chập chờn khi tống ga khi đạp thắng như vậy – mà IMF gọi là “chu kỳ đứng dừng rồi lại đi” – gây rủi ro bất ổn và gieo thêm khó khăn cho hệ thống ngân hàng.
Việt Long: Ông có nghĩ rằng đây là một lượng định rất chuyên môn, nhưng có khi là khó hiểu cho giới lãnh đạo tại Hà Nội hay không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: – Tôi e là như vậy! Các chuyên gia của Việt Nam thì tất nhiên là hiểu, nhưng mấy ông trong bộ Chính trị hay Hội đồng Chính phủ có khi lại không rõ rồi phản ứng vì cảm quan, vì tự ái dân tộc đặt sai chỗ hay muốn tuyên truyền nên mới gây trò cười cho thiên hạ.
– Thật ra, những bất cập, bất trắc hay bất nhất về chính sách cũng đã được giới nghiên cứu kinh tế quốc tế và các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam cảnh báo nhiều lần rồi. Họ nói đến một hiện tượng ly kỳ về thông tin và nhận thức. Đó là chính quyền Việt Nam cứ hay đề ra chỉ tiêu, nào là về đà tăng trưởng, về mức lạm phát, về lượng tín dụng gia tăng hay về khối tiền tệ lưu hành, thậm chí về cả tỷ giá của đồng bạc. Họ lịch sự không nói ra, chứ có lẽ thâm tâm thì biết là lãnh đạo Việt Nam chẳng hiểu gì cả.
– Lý do đơn giản là Việt Nam có thể đưa ra một định mức nào đó về đà gia tăng vật giá hay lạm phát để theo đó áp dụng các biện pháp đối phó hầu giữ được ổn định về giá cả. Nhưng không chính quyền nào lại có thể đề ra chỉ tiêu chi tiết về mọi lãnh vực như vậy trong môi trường kinh tế thị trường. Cứ đề ra như vậy là khiến thị trường suy đoán sai và càng suy đoán linh tinh khi cứ hay nói ngược. Thí dụ như vừa khẳng định là không phá giá đồng bạc là lại lập tức điều chỉnh hối suất mà cãi rằng đó không phải là phá giá!
– Cho nên, lối quản lý tay mơ và những phát biểu mâu thuẫn từ cấp Bộ trưởng ra là một rủi ro cho thị trường. Nói cho đơn giản mà có khi vẫn là khó hiểu, thì lời phát biểu của cấp lãnh đạo về chính sách trong hội đồng chính phủ có ảnh hưởng đến thị trường, cho nên lãnh đạo Việt Nam cần quan niệm lại vai trò của thông tin kinh tế trong thị trường và đừng nghĩ đến tuyên truyền nữa trong khi vẫn cứ đòi kiểm soát tin tức. Không phải báo chí mà chính là sự bất nhất của chính phủ mới gây phản ứng đầu cơ. Nói đến chuyện này, chúng ta còn cần nhìn thấy một rủi ro khác.
Việt Long: Ông còn nhìn thấy rủi ro gì nữa?
Nguyễn Xuân Nghĩa: – Tôi muốn nói đến rủi ro của nạn thông tin mờ ảo.
– Một định chế quốc tế giữ vai trò ổn định tài chính cho thế giới đã gửi chuyên gia tới giúp Việt Nam lượng định tình hình và phòng ngừa rủi ro về kinh tế. Họ thảo luận rõ ràng và báo cáo minh bạch cho mọi người cùng biết. Những người cần biết vì làm chính sách thì phật ý và phản ứng, mà phản ứng trên báo chí nước ngoài làm người dân bên trong có khi không biết được. Đấy là thái độ văn hoá phản ảnh một tầm nhìn chuyên môn đáng ngại về chuyện thông tin.
– Cùng lúc đó, Việt Nam và Trung Quốc cũng có nhiều phiên họp để trao đổi về kinh tế. Như Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại của Hà Nội gặp Bộ trưởng Thương mại của Bắc Kinh hôm 23 Tháng Tám để nói chuyện tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước. Sau đó, vào tuần qua, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đã tiếp kiến Chủ tịch Khu Tự trị Dân tộc Choang ở Quảng Tây để chào mừng năm ngày hội nghị giữa Quảng Tây với các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang và Quảng Ninh. Xuyên qua chuyện này, ta mới biết đến dự án thành lập một khu phát triển mậu dịch giữa đôi bên đã được bàn tính từ năm 2007. Theo dự án này, mỗi bên để ra 8.5 cây số vuông, thuộc thị trấn Bằng Tường của Quảng Tây và Đồng Đăng của Lạng Sơn để lập ra một khu kinh tế giáp giới. Trung Quốc đã hoàn tất việc nghiên cứu dự án từ năm ngoái và muốn khu vực này trở thành khu biến chế cho xuất nhập khẩu, khu thương mại và hậu cần quốc tế.
Việt Long: Thế còn Việt Nam thì đã nghiên cứu ra sao và dự tính làm gì?
Nguyễn Xuân Nghĩa: – Tôi e rằng người dân cũng chưa biết và đấy mới là vấn đề! Trung Quốc đã trù tính mở ra hành lang nối liền Nam Ninh với Hà Nội rồi Hải Phòng, và nay đã nghiên cứu xong việc thành lập khu kinh tế đặc biệt tiếp giáp với Đồng Đăng. Chuyện đó, họ rất chu đáo!
– Chúng ta đều biết Quảng Tây là một trong các tỉnh nghèo và lạc hậu nhất của Trung Quốc và cần thông thương ra ngoài. Về địa dư, chúng ta cũng biết diện tích khả dĩ canh tác của Trung Quốc chỉ bằng 15% diện tích toàn quốc. Khu vực sinh hoạt chính của xứ này thực ra chỉ là một “hòn đảo” ở vùng duyên hải. Hòn đảo này nằm bên biển Đông và bao vây bởi một chuỗi sa mạc, thảo nguyên khô cằn cùng núi non hiểm trở ở hướng Tây và hướng Bắc. Trong lịch sử thì đường thông thương duy nhất mà Trung Quốc có thể vượt qua bằng đường bộ chính là miền Bắc nước ta, là con đường qua Lạng Sơn, lần cuối cùng xảy ra là trong trận chiến năm 1979.
– Bây giờ, khi Việt Nam trù tính thành lập khu mậu dịch kinh tế ở vùng biên vực của Lạng Sơn với Trung Quốc, có khi mới chỉ là một trung tâm buôn lậu có giấy phép, thì ta phải nghĩ đến loại dự án có tầm quan trọng vượt qua kinh tế mà còn liên hệ tới an ninh nữa. Bình thường ra, loại dự án đó phải được nghiên cứu kỹ lưỡng và được trình bày cho Quốc hội cùng quốc dân thẩm xét lợi hại trên nhiều khía cạnh khác nhau.
– Ở đây, ta lại thấy hiện tượng thông tin mờ ảo và chẳng biết là chính quyền đã cam kết những gì với Trung Quốc. Nó cũng tương tự như dự án khai thác bauxite ở Tây nguyên vậy. Đấy là một rủi ro khác mà không chỉ về kinh tế hay thương mại vì liên hệ đến an ninh quốc gia và sự vẹn toàn lãnh thổ.
Việt Long: Ông nêu vấn đề về tầm quan trọng của dự án Đồng Đăng này khiến thính giả tất nhiên chú ý mà không chỉ về mặt kinh tế. Kết luận của ông là như thế nào?
Nguyễn Xuân Nghĩa: – Chúng ta đều biết vì cả thế giới đang nói tới là Trung Quốc đói ăn và khát dầu nên cần bành trướng ra ngoài. Khi bành trướng xuống biển Đông, họ cần trấn an và mua chuộc từng nước trong Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á để làm suy yếu cái thế thương thảo của cả tập thể. Việc họ khai thác sông Mekong đã được tiến hành theo lối bẻ đũa từng chiếc như vậy.
– Với Việt Nam cũng thế, họ có thể mua chuộc từng tỉnh, từng địa phương và tranh thủ được sự đồng ý của lãnh đạo ở trên là xẻ Việt Nam thành từng mảnh mà khuất phục dần. Đấy cũng là một rủi ro và thuộc loại sinh tử, mà người Việt Nam lại không được biết. Vấn đề vì vậy không chỉ là thông tin mờ ảo mà còn là mờ ám.
Việt Long: Xin cám ơn ông Nguyễn Xuân Nghĩa.
Nguyễn Xuân Nghĩa & Việt Long
[Nguồn RFA]