Về đến nhà sau ba tuần vắng mặt, được tin Mohammed Ali mất, chúng tôi xin được phép gợi lại quý thân hữu một bài viết cũ giới thiệu với quý bạn hữu người võ sĩ quyền anh quý mến nầy.
Chỉ với một bài thơ ngắn anh đã nói lên được tất cả ý nghĩa và quan niệm về cuộc đời và diễn tả thế nào là một cuộc sống đáng sống.
Một bài thơ ngắn:
Đây là một bài thơ không tên, Anh ngữ, ngắn nhứt, chỉ một câu, vỏn vẹn hai chữ, nhưng rất nhiều ý nghĩa.
Bài thơ ngắn nhứt nầy được đọc ở Trường Harvard, năm 1975 (ngày 9 tháng 6) do vô địch thế giới quyền thuật Mohammed Ali. Ông được mời tới nói chuyện với các sanh viên vừa ra trường. Bài nói chuyện dài khoảng 30 phút không mấy gì đặc sắc và không có gì quan trọng để đời, (nếu không có bài thơ này, người đời chắc sẽ quên buổi nói chuyện ấy !). Mohammed Ali kêu gọi tình người, tình huynh đệ, kể chuyện ông là người không được học hành đến nơi đến chốn, nhưng ông luôn luôn có ý chí muốn vươn lên, và ông kết luận kêu gọi các sanh viên của trường Đại học nỗi tiếng nầy, hãy đem cái học vấn và cái thông minh của mình ra giúp đời. Trong pháo tay tràn ngập, nhiều tiếng gọi: « Ali, một bài thơ ! ». Chờ yên lặng xong, Mohammed Ali lên tiếng, đọc … hai chữ : «Me, We». Xong bài thơ.
Một thoáng yên lặng, hoang mang, ngập ngừng, … rồi Standing Ovation, cả hội trường đứng dậy vỗ tay vang dội.*
Bài thơ nầy phá kỷ lục là bài thơ ngắn nhứt của văn chương Mỹ. Ngắn hơn cả bài thơ Fleas của một một thi sĩ nào đó viết vào đầu thế kỷ 20. Bài thơ Fleas cũng chỉ có một câu, nhưng có đến ba chữ: «Adam Had’em » (cũng chơi điệp vận như me,we)
Fleas:
“Adam Had’em” *
Về sau người ta quả quyết gán cho Shickland Gillian, một thi sĩ, một nhà báo, một nhà văn – 1894 – 1954. Chỉ vì ông là tác giả của bài viết «Vài hàng về Tiền Sử Vi trùng». Lines on the Antiquity of Microbes.*
Văn hào Shickland Gilland, cũng được biết do ông là tác giả một bài thơ đặc biệt dành cho Ngày Của Mẹ – the Mother’s Day:
Bài thơ tựa là “The Reading Mother”
Và đoạn hay nhứt và đoạn nỗi tiếng nhứt là đoạn chót:
“I had a Mother who read me things
That wholesome life to a child’s heart brings
Stories that stir with an upward touch.
Oh that every Mother were such!
You may have tangible wealth untold
Caskets of jewels and coffers of gold.
Richer than I you can never be.
I had a Mother who read to me”
Đại ý bài thơ ca tụng “Người Mẹ khi đọc sách cho Con, là cho Con một một gia tài vô giá”.
“Tôi giàu nhứt, anh không bì kịp – Bởi Mẹ tôi đọc sách tôi nghe –
Richer than I you can never be. I had a Mother who read to me”.
(Người viết phỏng dịch)*
Me, We:
Qua Mohammed Ali, tay vô địch quyền thuật số 1 của Mỹ, hai chữ ngắn gọn “Me, We” đã diễn tả được tất cả những uẩn khúc của lịch sử đời của Ali nói riêng và lịch sử của Hiệp chúng Quốc Huê Kỳ nói chung. Lịch sử cay đắng của hai chủng tộc Đen/Trắng, lịch sử đau thương của những ai sanh ra trong những giai cấp thấp kém… Điển hình là Mohamed Ali đã phải chối bỏ tên Cassius Clay do lịch sử nô lệ đặt cho bố mẹ ông và truyền lại cho ông, để lựa chọn tên Mohammed Ali, một tên không có họ – không có tên gia đình – một tên, tuy là gốc hồi giáo – có thể – nhưng một tên gốc Phi châu, một Phi châu cội rễ của mình, một Phi châu bị dằn vặt, một Phi châu ngàn năm bị xâm chiếm, và người Phi châu ngàn năm bị bắt làm nô lệ, từ do ngay người bản xứ cho đến người ngoại nhơn, dân du mục bắc phi châu hồi giáo, hay dân nhà buôn nô lệ âu châu da trắng. Và Mohammed Ali, với sức mình, tự lực cánh sinh, đại diện giai cấp những người bần cùng, những người sanh và sống bên lề xã hội, giai cấp thấp nhứt của xã hội Mỹ, giai cấp thất học, giai cấp bị bỏ quên, nhưng đầy sức sống và vươn lên bằng ý chí. Ngày hôm ấy, ngày 9 tháng 6 năm 1975, tại giảng đường Burden Auditorium, trước trên 1000 thính giả, đứng diễn thuyết trước các sanh viên vừa thi đậu, của một trong những trường đại học hàng đầu của xứ Huê kỳ, trường Đại học Harvard, nơi gom tụ các tinh hoa của đất nước Huê kỳ, nơi đào tạo những nhà cầm quyền tương lai của xứ Mỹ. Hôm ấy, anh chàng Mohamed Ali của giai cấp “cu li” Mỹ đứng diễn thuyết cho các “chất xám” Huê kỳ. Và Mohammed Ali còn tặng cho “chất xám” bài thơ để đời, bài thơ chỉ có hai chữ Me, We – Tôi và Chúng ta. Nhưng hai chữ đầy ý nghĩa. Hai chữ tóm tắc cả cuộc thành công của Ali. Hai chữ đã vẽ cho tất cả con đường phải đi. Hai chữ ấy đã tả cuộc hành trình của Ali: Tôi/Me biến thành Chúng ta/We. Chúng ta hôm nay là Tôi hôm qua. Từ một Cassius Clay, tên hưởng của một người cha nô lệ được ông chủ lấy tên gia đình « tặng cho » mang như một con chó mang biển số lai lịch, cô đơn, hèn kém, nghèo nàn, của một khu phố nghèo khổ, nay biến thành là một Mohammed Ali, anh hùng, vô địch, hòa đồng với dân tộc, với thế giới, với xã hội Mỹ. Ali/Tôi đã nhập vào Mỹ/Chúng ta. Và qua hai chữ ấy, Mohammed Ali cũng mong rằng Chúng ta/We dân tộc đa nguyên Mỹ sẽ mãi mãi là do mỗi Tôi/Me gốc trắng, gốc đen, gốc Á châu, gốc Hispanish vân vân…cùng góp phần hòa hợp, tham dự, ủng hộ, phục vụ lẫn nhau xây dựng thành một xã hội hài hòa.
Và Việt Nam?
Chúng ta may mắn ở Hải ngoại, học được gương sáng nước người, ôn cố chuyện người, bổng cũng mơ đến nước ta. Người Việt chúng ta, dân tộc Việt chúng ta may mắn hơn nước Mỹ, dân tộc ta thuần chủng hơn, văn hoá và văn mình chúng ta tương đối thuần một gốc. Dù có những tín ngưởng, những tôn giáo khác nhau, nhưng tựu trung vẫn giữ cái căn bản Tam giáo cổ xưa. Nhờ văn minh nông nghiệp, vẫn giữ được tình gia đình, làng xóm, láng giềng, quê hương, làng xã. Nhờ đấy, biết nâng đở nhau, biết bảo vệ nhau, chia sẻ tình nghĩa, chia sẻ miếng ăn thức uống, hổ trợ nhau tương thân tương ái, “Me/We” đề huề. Me/Tôi, cá nhơn đứng sau We/Chúng ta, Cộng đồng – gia đình, láng giềng, thôn xóm, làng xã, đất nước. Trung với Tổ quốc – Dân tộc, Hiếu với Phụ mẫu – Gia đình, Tình nghĩa với Gia thất – Vợ con.
Nhưng đó là văn hóa, nhưng đó là văn minh của Việt Nam một thời xa xưa, một thời đã mất rồi, thời của Việt Nam trước biến cố mất nước ngày 30 tháng 4 năm 1975. Cũng may, nền Văn hóa ấy, nền Văn minh ấy nay, cũng còn tồn tại nơi chúng ta, những người tỵ nạn Cộng sản đang ở và sanh sống, Hải ngoại. Đó cũng là những gì chúng ta mang theo trên đường tỵ nạn ra được Hải ngoại. Đó cũng là chất keo, là lý lịch, là lịch sử, là kho tàng, của báu của Việt Nam Hải ngoại. Rải rác trên không biết bao nhiêu dặm vuông, bao nhiêu cây số vuông, không biết bao nhiêu quốc gia, qua năm châu, bốn bể, các cộng đồng người Việt tỵ nạn, sanh sống theo tập tục, luật lệ địa phương đây đó : đây Mỹ, nọ Pháp, kìa Đức, nọ Bắc Âu, Hòa lan, Canada, Úc châu…ngày xí xô xí xào Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Hòa Lan, Nga, Na Uy, Đan Mạch, Nhựt bổn Đại hàn… nhưng tối về nhà, Chúa nhựt, cuối tuần…thả cửa anh anh em em, mình mình tớ, tớ… bác chú tôi tôi !
Còn tại quê nhà? Với gần 60 năm miền Bắc, với gần 40 năm miền Nam bị Công sản đô hộ, còn lại cái gì? Hay chỉ một nền “văn hóa mới” (có nên gọi « cái đấy » là “văn hóa” không?), không nhơn bản, không tình người, không trọng nghĩa, … ích kỷ đang chụp trên con người Việt Nam. Chỉ còn chữ Tôi/Me. Tôi làm sao để tôi sống. Lường cha, Gạt vợ, (tố khổ người thân đã có một thời được áp dụng – ngày nay nếu không nhìn thấy hiện tượng ấy nữa, không phải là không còn tồn tại áp dụng nữa, mà chỉ nhứt thời không cần thiết đấy thôi. Khi cần, những phương pháp ấy vẫn sẳn sàng được đem ra sử dụng, vì những con người của cổ máy Cộng sản đã được huấn luyện và tập luyện thuần thục như những con người máy rồi ).
Xưng Ta, thái độ chánh trị? Vô lễ? Thiếu văn hóa? Trịch thượng?
Về từ ngữ – hay nếu nói về ngôn ngữ – hệ thống Cộng sản rất kỹ lưởng đến cách sử dụng từ ngữ, Sémantique (Ngữ Nghĩa Học). Việt cộng chuyên sử dụng từ Ta. Lần đầu tiên người viết chúng tôi được nghe từ Ta, là khi Việt Cộng vào Sàigòn sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Lúc nào cũng Ta. Ta là một cách “kéo mền”, Ta là diễn tả một quyết định độc đoán. Làm việc, họp xong, tay Việt Cộng chủ tọa buổi họp, thốt ra một câu xanh dờn: “Ta nhất trí nhé ! ” hay “Ta làm nhé !” Thoạt nghe, tưởng hắn đề nghị. Hắn ra lệnh đấy ! Hắn ta mặc kệ không cần biết cuộc họp nói gì, bàn gì, ý kiến của người khác, của tôi thế nào (lúc ấy là Giám đốc điều hành cơ sở)… hắn phán một chữ Ta, làm như mình có ý kiến vậy. Một hôm, bực quá, tôi bảo : “ Các anh muốn gì các anh ra lệnh, tôi thi hành, như vậy tôi không có trách nhiệm gì cả !”. Hắn ta cười (tên đầu đàn nhóm quân quản): “Anh là người trách nhiệm, anh là trưởng sở do Nhơn dân và Đảng chỉ định, cơ sở của Nhơn dân, chúng tôi chỉ là người chỉ đạo thôi !”. Đến nay đang viết, các dòng nầy tôi vẫn chưa hiểu hắn nói gì! (Lúc ấy, vì Việt Cộng mới vào, tôi còn quá ngu, khờ khạo, nghĩ rằng cơ sở mình chưa/không bị tịch thu, vẫn còn “tự do” hoạt động, vì nghĩ rằng các hắn ta, Việt Cộng, nếu khóa, tịch thu, đóng cửa, các nhà máy ở Sài gòn thì làm sao nuôi dân Sài gòn được? Cái ngu của chúng tôi là cái ngu của sự hiểu biết, cái ngu của “chất xám”, biết quá nhiều. Sau nầy mới biết, là các hắn, Việt Cộng, tuy dù chẳng có một hiểu biết gì cả, thấy có ăn là đớp ngay, chẳng biết lo cho ai cả, hay tổ chức gì cả, cóc cần người dân, đói no mặc kệ, nên, nếu trên biểu đốt Sài gòn, họ vẫn đốt như thường, chẳng giải phóng, giải phiết gì cả, chẳng người dân, người diết gì cả. Chỉ biết cướp của, hôi của, chiếm của, vì đó là những luật lệ của kẻ thắng trận, là một chánh sách của quân đô hộ! Lúc bấy giờ, tôi quên mất những bài học lịch sử về những cuộc xâm chiếm của Attila, Vua người Huns- rợ Hung nô, quên mất những chuyện các quân Mông cổ của Gengis Khan, Thành Cát Tư Hản – quên mất những từ ngữ như pillage – cướp bóc, butins de guerre – của cướp được do chiến tranh, chiến lợi phẩm, học từ thời trung học …quên mất trong những chuyện Tàu, tập tục khi chiếm xong thành, chém người, mổ bụng, xếp đầu lâu thành núi (Học mà không hành là ngu vậy đó!). Cái Me/Tôi ích kỷ của Đảng Cộng sản đã vứt bỏ cái We/ Dân chúng Việt Nam vào xọt rác. Việt Công ưa xài chữ Ta, gom cả, “kéo mền”. Không xài Chúng tôi, hay Chúng ta, vì Chúng ta thì còn có Chúng nó. Tôi thì còn có Anh, có Nó. Mà có Nó, có Chúng nó là còn đấu tranh, tranh cải, đa nguyên. Ta là gom tất cả, ta là thống nhứt, ta là độc đoán, ta là độc tài.
Bài học cho dân tộc Việt Nam:
Bài thơ Me/We của Mohammed Ali, cho ta một bài học dài. Thà có giai cấp, có kẻ nghèo, kẻ giàu, kẻ thợ, người thầy, kẻ khờ người khôn, nhưng phải làm sao, để cả một dân tộc biết chia cơm sẻ áo, biết đùm bọc, biết nương vào nhau xây dựng một đất nước cho tất cả mọi người.
Ngày nay, trong cái bó của một đất nước đang bị Đảng Cộng sản Quốc tế Tàu và nhóm tay sai chỉ biết Me/Tôi ích kỷ đảng phái đô hộ, một Phong trào We/Chúng ta của quần chúng, của toàn dân Việt Nam đang nở rộ, với những nhà đấu tranh dân chủ, với những nhà đấu tranh bất đồng chánh kiến, với những bloggers yêu nước, với tất cả những nhà yêu nước chống Trung quốc, với những sanh viên, học sanh yêu nước, sốt ruột vì thấy nạn Hán hóa đang bành trướng trên toàn lãnh thổ, xâm phạm biên giới, lấn áp núi rừng, biển cả hải đảo… đã dám quên mình, quên cái Me/Tôi cá nhơn ích kỷ, để đấu tranh cho cái Chung We/Cộng đồng, làng xóm, đất nước, dân tộc, quê hương.Trên hai trăm tù nhơn bất đồng chánh kiến (biết được), hàng ngàn người xuống đường biểu tình, vì dân oan mất đất, vì ngư dân không có việc làm, vì là mất biển, vi Biển Độc, Đất Khô, Môi Trường Đất Nước bị đầu độc, lũng đoạn, xâm chiếm. …là từng cái Me/chiếc đủa cá nhơn hết sợ vì yêu nước, hết sợ vi phẫn uất đã và đang biến thành cái We/bó đủa nhơn dân tạo sức mạnh, tạo cơn sóng thần quét sạch bọn tham nhũng gian manh ma – phi – a, côn đồ cầm quyền.
Phong trào phẩn uất đang sôi sục. Phong trào yêu nước chống Tàu đang bừng dậy.
Mai nay We của toàn dân Đại Việt** sẽ hòa lẫn Me của từng cá nhơn con người Việt.
Người dân Đại Việt sẽ hòa vào dân tộc Đại Việt.
Mai nầy, mãi mãi Việt Nam ! Quốc nội, Hải ngoại, trong ngoài trải dài một We/Việt Nam!
Mãi mãi Việt Nam ! Mãi mãi Đại Việt !
Hồi Nhơn Sơn, Giữa Mùa Hè Nóng Bức năm xưa.
Gởi lại tuần thứ 22 của năm 2016, những ngày Mohammed Ali vĩnh viễn ra đi.
TS Phan Văn Song
*Tài liệu tham khảo: nguồn Wikipédia
** Chúng tôi đề nghị chúng ta nên trở về với tên nước Đại Việt muôn thuở của chúng ta, vì tên nước Việt Nam do là Tàu « tặng » cho Vua Gia Long năm 1802.