Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương hay gọi là Lễ Hội Đền Hùng từ xa xưa đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt Nam nên đã được công nhận là một trong những ngày quốc lễ của nước Việt ta. Đây là một ngày hội truyền thống để nhớ về nguồn, để tưởng nhớ đến công lao dựng nước của các vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc. Tổ Tiên có công dựng nước thì gọi là Quốc Tổ chứ không phải là niên hiệu của một triều đại nào cả vì thế Giỗ Tổ mang bản sắc của dân tộc Việt chứ tuyệt nhiên không mang tính chất thiên về tôn giáo hay mê tín dị đoan.
Nghi lễ truyền thống Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương được tổ chức hàng năm vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch tại đền Hùng Vương trên núi Nghĩa Lĩnh ở Lâm Thao, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ðền Hùng Vương được coi là cội nguồn, là biểu tượng tôn kính của dân tộc. Từ thời xa xưa, việc quản lý, cúng bái và làm Giỗ Tổ tại Đền Hùng được giao thẳng cho người dân tại địa phương đảm trách. Đổi lại dân tại đây được triều đình miễn cho những khoản thuế ruộng cùng sưu dịch và khỏi phải sung vào lính.
Sang thế kỷ 20, vào năm 1917 dưới triều vua Khải Định, theo lệnh của Bộ Lễ thời chính thức quan hàng tỉnh của tỉnh Phú Thọ phải cử hành quốc lễ này. Các quan phải mặc phẩm phục, lên đền Hùng thay mặt triều đình Huế cúng tế, làm lễ dâng hương. Đúng như tinh thần và đạo lý được đúc kết qua câu đối tại đền Hùng:
“Lăng tẩm tự năm nào, núi Tản, sông Đà,
Non nước vẫn quy về đất Tổ,
Văn minh đương buổi mới, con Hồng, cháu Lạc,
Giống nòi còn biết nhớ mồ Ông.”
Khi nền quân chủ cáo chung thì ngày Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương vẫn được Việt Nam Cộng Hòa công nhận là ngày nghỉ lễ chính thức cho đến năm 1975. Ngày lễ này được long trọng tổ chức không phải chỉ là một buổi lễ để thể hiện lòng thành kính tri ân công lao tạo dựng nước của các vua Hùng, mà còn để tri ân các bậc tiền nhân đã kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, ghi ơn tất cả những anh hùng liệt sĩ đã xả thân chống ngoại xâm, bảo vệ non sông trong suốt chiều dài lịch sử VN. Ngày lễ thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của con dân người Việt.
Ca dao trong dân gian Việt Nam có nhưng câu lưu truyền từ xa xưa:
Như câu:
“Dù ai đi ngược về xuôi
Dù ai đi gần về xa
Nhớ ngày Giỗ Tổ tháng Ba mùng Mười.”
Hoặc câu:
“Dù ai buôn bán nơi đâu
Nhớ ngày Giỗ Tổ rủ nhau ta về,
Dù ai buôn bán trăm nghề
Tháng Ba tế Tổ ta về cho đông.”
Năm 2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” của dân tộc Việt Nam là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, là di sản văn hoá thế giới. Sự kiện này cho thấy thế giới đánh giá cao, sự đóng góp của dân tộc ta vào sự phong phú, đa dạng văn hóa của nhân loại. đồng thời thừa nhận đời sống tâm linh vốn có từ hàng nghìn năm nay của người Việt.
Trong nhiều thập niên, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã bị nhà nước cộng sản VN bỏ bê. Mãi đến tháng 4 năm 2007, quốc hội của cộng sản VN mới chính thức quy định ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.
Nhưng trong thực tế cộng sản VN có bản chất “hèn với giặc” khi phản bội những sự hy sinh của tiền nhân, đã tốn biết bao nhiêu xương máu, để giữ gìn và bảo vệ bờ cõi. CSVN đang từ từ bán rẻ đất nước cho Tầu cộng, từ đất liền cho đến biển và đảo thân yêu:
Ở vùng biên giới, Tầu cộng đã chiếm cứ hàng ngàn cây số nào là Ải Nam Quan, nào là Thác Bản Giốc v.v… Các quần đảo và biển của VN như Hoàng Sa, Trường Sa cũng như toàn Biển Đông đều bị Tầu cộng chiếm lấy hoặc tuyên bố chủ quyền rồi xây dựng thêm đảo nhân tạo cùng thiết đặt khí cụ quân sự.
Người Tầu đã có mặt trên toàn cõi VN. Chúng chiếm đóng các vị trí chiến lược. Các đặc khu Tầu mọc lên như nấm. Nào là khu phố Tầu Bình Dương mang tên Trung Tâm Thương Mại Đông Đô mà nhân viên công lực VN không được vào kiểm tra; nào là một nghĩa trang dành riêng cho người Tầu ở tỉnh này với khoảng 20 ngàn ngôi mộ được gọi là “Lãnh sự quán âm phủ” của Trung cộng. Và còn nhiều nơi khác nữa ở rải rác trên đất Việt… Dân Tầu vào VN không cần Visa nhập cảnh và hầu như tự do đi lại trên khắp đất nước.
Việt Nam thời nay còn lệ thuộc về kinh tế, chính trị và văn hoá Trung cộng. Về đầu tư xây dựng nhà thầu Trung cộng hầu như thắng thầu hầu hết những công trình quan trọng. Trung cộng chiếm lĩnh thị trường VN.
Đảng cộng sản VN vẫn không dám nhắc đến và không dám làm lễ tưởng niệm 2 cuộc chiến ở Hoàng Sa, Trường Sa vào các năm 1974 và 1988, nơi người quân nhân VN tuy của hai miền khác nhau, đã phải hy sinh thân xác trong sứ mạng thiêng liêng chung là phục vụ quốc gia dân tộc, bảo quốc an dân.
Lại còn chuyện về lá “cờ sáu ngôi sao”. Cờ sáu ngôi sao xuất hiện công khai ở Trung cộng trong khi cờ chính thức Trung cộng là cờ 5 ngôi sao. Đó là kết quả của việc cộng sản VN xin gia nhập vào làm một khu tự trị của Trung cộng. Cờ 6 sao xuất hiện công khai ba lần ở VN: Lần 1 năm 2010, tại Lễ hội Ẩm thực Quốc tế tại Vũng Tàu. Lần 2 năm 2011, trên đài truyền hình VN. Lần 3 năm 2011, các em bé VN phải vẫy cờ 6 sao để chào mừng Tập Cận Bình.
Cộng sản VN còn là một ngụy quyền với bản chất “ác với dân”. Đáng lẽ phải tập trung tổng lực dân tộc để đối phó với ngoại bang theo truyền thống Phù Đổng thời Hùng Vương, nhà nước lại quay qua đàn áp dã man các nhà tranh đấu dân chủ trong nước, bắt giam và khủng bố những người yêu nước dù người dân chỉ biểu tình ôn hòa, không bạo động. Cộng sản VN trấn áp các cuộc biểu tình yêu nước của sinh viên. Cấm người dân bày tỏ phản đối chống lại những hành động xâm lăng của Trung cộng. Cấm những bài viết kêu gọi chống ngoại xâm. Cộng sản VN đã làm tê liệt sức đối kháng, làm thui chột lòng yêu nước của toàn dân ở trong nước.
Thật đáng buồn vì khi thành lập đảng cộng sản VN năm 1930, Hồ Chí Minh xác định: ”Việt Nam và Trung Quốc tuy hai mà một. Một dân tộc. Một nền văn hóa. Một phong tục…” Sau này văn nô Tố Hữu cũng đã thêm hai câu thơ: “Bên này biên giới là nhà / Bên kia biên giới cũng là quê hương”. Nguyễn Văn Linh cũng từng nổi tiếng với câu nói để đời: ”Tôi biết rằng đi với Trung Quốc là mất nước nhưng thà mất nước còn hơn mất Đảng!”
Đất nước Việt Nam ta đã từng bị trải qua “1000 năm nô lệ giặc Tầu” trong 4 thời kỳ Bắc thuộc. Thế kỷ 21 này Việt Nam không thể nào để tái diễn nạn “Bắc thuộc” một lần thứ năm như thế nữa. Đó là bổn phận của toàn dân
Sau 30.4.1975 người Việt chúng ta ra đi ở rải rác khắp năm châu không chỉ mang theo niềm nhung nhớ quê hương mà còn mang theo cả truyền thống sinh tồn của dân tộc và sinh hoạt của người Việt vẫn giữ những nét đặc thù. Chúng ta cùng đồng bào ở trong nước đều kỷ niệm Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương coi như một ngày lễ lớn, một quốc lễ trọng đại vì bao hàm cả Tổ Quốc và luôn cả Tổ Tiên. Mong ước tiếp nối truyền thống cho các thế hệ mai sau:
“Vạn nẻo giòng Nam tìm đến gốc
Ngàn phương giống Việt trở về nguồn.”
Đối với người Việt tha hương nói chung thì tất cả các ngày Lễ Dân Tộc ở nước ngoài còn quan trọng hơn khi còn ở quê nhà. Trong những ngày đại lễ như Giỗ Tổ Hùng Vương, chúng ta mới có cơ hội nhắc nhở con cháu và đồng hương nhớ về cội nguồn, chớ quên phong tục tập quán của người Việt. Dân tộc Việt đã trải qua bao thời kỳ hưng vong, nhưng vẫn tồn tại chính là nhờ ở truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, luôn tưởng nhớ đến công ơn của các bậc tiền nhân, tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên.
Chúng ta còn tạo ra cơ hội cho giới trẻ sinh ra và lớn lên ở xứ người biết dù ở phương trời nào mình cũng vẫn là người Việt, “con Rồng cháu Tiên”, biết về niềm tự hào văn hóa của dân tộc Việt, học hỏi về phong tục cổ truyền của dân tộc, về lịch sử dựng nước và giữ nước rất anh hùng của cha ông mà nhận lãnh sứ mạng tiếp nối những truyền thống cao đẹp do ông cha để lại, tương lai sẽ là những người kế thừa các bậc cha anh.
Các nước ở Đông Nam Á thường thì chỉ thờ cúng tổ tiên trong gia đình hoặc trong dòng họ. Việc thờ Quốc Tổ làm cho tất cả con cháu Lạc Hồng, dòng dõi Hùng Vương gắn bó với nhau hàng ngàn năm qua. Cộng đồng Người Việt Quốc Gia Hải Ngoại có bổn phận thiêng liêng cùng với đồng bào cả nước, góp phần đấu tranh để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia Việt Nam, và khỏi hổ thẹn với những vị Vua Hùng, những tiền nhân đã sáng lập ra đất nước Việt, để không phụ ơn vong linh người xưa. Luôn nêu cao tình thần đoàn kết của người Việt trong cộng đồng thế giới.
Nhân ngày Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương chúng ta cùng cầu nguyện mong đảng cộng sản bán nước phải bị giải thể, cho đêm đen đọa đầy ở quê nhà sớm trôi qua. Chúng ta kính cẩn dâng nén tâm hương lên bàn thờ Tổ, xin Quốc Tổ Anh Linh Phù Trợ Cho Quốc Gia Việt Nam được toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải, người dân Việt được thật sự hòa bình và độc lập, tự do, hạnh phúc!
LS. Ngô Tằng Giao
(Bài nói chuyện của LS. Ngô Tằng Giao trong Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương tại Luther Jackson Middle School, Falls Church, VA, ngày 1 tháng 4 năm 2017)
DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC
KHƯỚC TỪ TRÁCH NHIỆM [DISCLAIMER]
Những tài liệu đăng trên DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC nhằm thực thi tự do ngôn luận cá nhân, đa diện, tập thể, nên không phản ánh quan điểm hay lập trường của DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC [Viet Thuc Foundation]. Mọi ý kiến và tài liệu đăng tại DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC chỉ có tính cách thông tin, tham luận nhằm giúp độc giả gần gũi với thời cuộc liên quan tới văn hoá, giáo dục, kỹ thuật, kinh tế, xã hội, tài chính, luật pháp, chính trị, v.v. hiện hành tại Hoa Kỳ và trên thế giới.
Quý độc giả cần tìm hiểu kỹ lưỡng về sự chính xác, mức độ cần và đủ của tài liệu trước khi ứng dụng. Do đó DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC khước từ trách nhiệm về nội dung và cách sử dụng những ý kiến, tài liệu và thông tin nhận được đăng trên bổn báo. Tuy nhiên, việc tham khảo thông tin và những ý kiến cần thiết, trình bày theo tinh thần cởi mở, tương kính, hoà nhã, sẽ giúp quý độc giả thêm phương tiện so sánh kiến thức một cách xây dựng, quy mô, đa dạng. Đó là điều mong ước của DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC.