Trong những năm gần đây, các vị lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam thường nhắc nhở, cảnh báo cái gọi là “mất phẩm chất chính trị và tự diễn biến” của một số đảng viên trong Đảng. Trong đó, có đông đảo các cựu tướng lĩnh, cán bộ CM lão thành, cán bộ hưu trí, trí thức, văn nghệ sĩ… Những đảng viên này với truyền thống yêu nước, yêu con người, tha thiết xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, tiến bộ. Một xã hội mà như nhà thơ THIẾT SỬ (Phan Duy Nhân – Nguyễn Chính) trong phong trào đấu tranh của SVSG trước 1975 đã mơ ước:
“Đến con trâu cũng nghé ọ yêu người…
Yêu anh em, yêu xã hội công bằng
Người yêu người xây dựng đến muôn năm”.
(Thư gởi các bạn sinh viên trong tập thơ Tiếng hát những người đi tới tập 1, do Tổng hội Sinh viên Sài Gòn 1966-1967 xuất bản)
Đó là lý tưởng, là mơ ước sâu xa của biết bao thế hệ thanh niên, của biết bao nhân sĩ trí thức và đồng bào cả nước, đã hi sinh biết bao xương máu để mong rằng sau ngày nước nhà độc lập, thống nhất, chúng ta sẽ sống trong một xã hội tốt đẹp hơn. Ở đó, mục tiêu dân chủ, tự do, công bằng và tiến bộ xã hội từng bước được cải thiện, ít nữa là hơn cái chế độ cũ. Nhưng 37 năm đã qua, sau ngày 30.4.1975, chúng ta thấy những gì đã diễn ra trên đất nước Việt Nam chúng ta?
Trả lời câu hỏi này thì sẽ lộ ra kẻ nào, đảng viên nào là biến chất chính trị và kẻ nào, đảng viên nào là người tự diễn biến, phản bội lại mục tiêu ban đầu của cuộc cách mạng… Vấn đề này phải được tranh luận một cách công khai, minh bạch, nghiêm túc chứ không thể nói theo cách hàm hồ, cả vú lấp miệng em được.
Vậy thì nhìn lại 37 năm qua, mục tiêu ban đầu của cách mạng đã được thực hiện như thế nào?
Về mục tiêu độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ
Sau 30.4.1975, nhiều người vẫn nghĩ rằng chẳng còn kẻ thù nào gây hấn, phá hoại nền độc lập, tự chủ và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Nhưng đâu có ai ngờ kẻ thù đó lại là “ông bạn vàng, môi hở răng lạnh” từ phương Bắc xua quân đánh qua các tỉnh biên giới phía Bắc. Xúi bọn tay sai Pôn Pốt đánh qua biên giới phía Nam và trước đó vào năm 1974, đã đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng hoà. Sau đó, vào năm 1988, đánh chiếm đảo Gạc Ma và một số đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam… gây biết bao đau thương, tang tóc cho đồng bào, chiến sĩ chúng ta. Bên cạnh đó, việc mở đường cho bọn bành trướng Bắc Kinh vào thuê đất rừng ở các tỉnh biên giới, vào khai thác bauxite ở Tây Nguyên, đưa công nhân vào tận đất mũi Cà Mau và nhiều vùng kinh tế trọng điểm khác. Ngoài ra, sự nhu nhược, khuất tất trong việc xử lý, đối phó với những hành động phá hoại, ngăn trở việc khai thác dầu khí trong vùng lãnh hải của Việt Nam, việc giết chóc, bắt bớ, đánh đập, giam cầm, đòi tiền chuộc như kẻ cướp biển đối với ngư dân chúng ta đang đánh bắt ở các ngư trường truyền thống biết bao đời nay… đã làm nhân dân cả nước bất bình, phẫn nộ nên đã nổ ra các cuộc biểu tình yêu nước ở Hà Nội, TP. HCM và đã bị đàn áp dã man, vi phạm nghiêm trọng các quyền tự do của công dân đã được ghi trong Hiến pháp.
Gần đây, có vị lãnh đạo hứa hẹn với Trung Quốc sẽ dẹp các cuộc biểu tình yêu nước ở Việt Nam, nhắc lại rằng “Bạn khuyên ta…” thế này, thế kia, làm thương tổn lòng tự trọng dân tộc, xấu hổ với bạn bè năm châu. Trong khi đó, ở gần ta, chính phủ và nhân dân Philippines – một nước nhỏ và yếu hơn ta – vẫn kiên quyết chống lại mưu đồ bành trướng của Trung Quốc bằng những hành động thích đáng, kể cả quân sự và biểu tình quần chúng.
Như vậy, nền độc lập, tự chủ và sự toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta đã được các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước bảo vệ như thế nào? Vẫn biết rằng hết sức tránh chiến tranh, giữ gìn hòa bình là nguyện vọng thiết tha của nhân dân ta, dân tộc ta, một đất nước đã trải qua biết bao cảnh chiến tranh đau thương. Nhưng hiện nay, tình hình thế giới đã khác, chúng ta đã hội nhập vào các tổ chức, định chế quốc tế và nhất là nếu biết dựa vào sức mạnh của nhân dân, chúng ta vẫn có thể có những biện pháp đối phó có kết quả mà bọn bành trướng không thể bắt nạt, lấn tới…
Về mục tiêu dân chủ, tự do, công bằng và tiến bộ xã hội
Có thể nói đây là một nội dung cốt lõi nhất qui định bản chất của một chế độ xã hội, tiến bộ hay lạc hậu.
Thực tiễn cho chúng ta thấy là trong 37 năm qua, từ 30.4.1975 đến nay, các quyền tự do, dân chủ được qui định trong Hiến pháp 1946 đã bị tước đoạt toàn bộ. Nhà nước dân chủ cộng hòa đã bị thay thế bằng một nhà nước toàn trị, độc đoán. Tinh thần tiến bộ của “Tuyên ngôn độc lập” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên đọc tại Ba Đình lịch sử với cam kết đem lại “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” cho đất nước và cho nhân dân đã gần như bị lãng quên, nếu không nói là đã bị phản bội. Thành quả cách mạng đã bị đánh tráo. Các quyền cơ bản của người dân như tự do báo chí, tự do biểu tình, đình công, tự do lập hội… đều bị ngăn cấm hoặc xâm phạm thô bạo như đàn áp các cuộc biểu tình ở TP. HCM, ở Hà Nội, bức tử viện nghiên cứu độc lập đầu tiên của trí thức (IDS), bắt bớ, giam cầm các nhà đấu tranh cho dân chủ, các blogger, các nhà báo tự do và gần đây nhất là tại TP. HCM, bằng chỉ thị miệng, lén lút và hèn hạ, đã cấm chiếu phim “Hoàng Sa – Nỗi đau mất mát” của André Menras, giải tán hoạt động của các tụ điểm văn hóa lành mạnh như Ami ở Văn Thánh, café Thứ Bảy, bãi bỏ một số buổi giao lưu giữa bạn đọc với một số học giả, trí thức, nhà văn mà chính quyền cho là có “vấn đề” tại Hội sách TP. HCM mới đây, không cho tiếp tục chuyên mục “Câu chuyện triết học” hằng tuần vào số báo thứ tư của Sài Gòn Tiếp Thị.
Nghiêm trọng nhất là trong lĩnh vực đất đai, nhà nước đã dung túng cho các chính quyền địa phương giải tỏa, đền bù đất đai của dân với giá rẻ mạt, hay nói thẳng ra là làm tay sai cho các chủ đầu tư, bọn làm giàu bất chính cướp đất của dân. Việc huy động quân đội, công an cảnh sát đàn áp gia đình Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng, huy động hàng ngàn công an dùng dùi cui, khiên giáp, lựu đạn cay “hỗ trợ” nhà đầu tư giải tỏa đất của nông dân ở huyện Văn Giang, Hưng Yên. Tiếng la khóc của người dân, tiếng nổ của lựu đạn cay, khói lửa bay mịt mù làm tôi nhớ lại bài hát Hát trong làn khói đạn của Trương Quốc Khánh trong phong trào sinh viên học sinh Sài Gòn ngày nào:
“Trái đạn nào là trái đạn không cay
Sinh viên nào không đấu tranh ngày ngày
Dùi cui nào mà đánh mình không đau
Học sinh nào mà không mến thương đồng bào…”
Viết đến đây, tôi cảm khái ngước mặt lên trời mà than rằng: “Lịch sử ơi, sao ngươi chơi trò trớ trêu và cay đắng quá vậy. Ta đi chống chế độ cũ đàn áp nhân dân, nay ta lại gặp cảnh cũ như là trong cơn ác mộng!”
“Ở đâu có áp bức là có đấu tranh!”. Các vị lãnh đạo Đảng Cộng sản đã từng dạy tôi như vậy. Mà đúng thật. Theo tin báo Tuổi Trẻ ngày thứ bảy 28.4.2012 thì “Đến chiều ngày 27.4, hơn 1.000 người dân xã Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) vẫn tập trung tại trụ sở của UBND xã Liên Hiệp phản đối những sai phạm quản lý đất đai của chính quyền xã, đòi chính quyền trả lại đất…” Cũng trong trang tin này cho biết: “Quốc lộ 1A đoạn ngang qua thị trấn huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) đã bị ách tắc từ 11g đến hơn 12g30 ngày 27-4 do hàng trăm người dân chủ yếu ở hai xã Mỹ Thọ, Mỹ An kéo về trước trụ sở UBND huyện Phù Mỹ và chặn ngang quốc lộ để phản đối một số doanh nghiệp chặt rừng dương phòng hộ, khai thác titan…”.
Chúng ta kỷ niệm 30.4.1975 bằng những sự kiện bi hùng đó.
Người dân, người nông dân đã nói lên tiếng nói của mình bằng những hành động quyết liệt dù cho họ biết sẽ bị đàn áp, bắt bớ. Nguy cơ chính là đây, chứ không có kẻ xấu, lực lượng thù địch nào hết. Kẻ xấu, lực lượng thù địch chính là bọn bành trướng Bắc Kinh và bọn quan chức tham nhũng, những cường hào mới, ức hiếp, tước đoạt ruộng đất của dân. Chính bọn này sẽ đào mồ chôn chế độ chứ không phải là ai khác.
Ngoài ra, sự phân hóa sâu sắc giàu nghèo, sự xuống cấp, tha hóa của đạo đức xã hội với tệ nạn dối trá, sống không trung thực, chạy theo chức quyền, đồng tiền một cách mù quáng. Tính ưu việt của một chế độ được thể hiện qua các lĩnh vực liên quan thiết yếu đến đời sống con người: giáo dục, y tế, an sinh xã hội. Nói đến lĩnh vực giáo dục, y tế, tôi chợt nhớ đến một kỷ niệm. Trong những ngày đầu nước nhà thống nhất sau 1975, ở Hội Trí thức yêu nước thành phố (nay là Liên hiệp Khoa học – Kỹ thuật TP. HCM), một số vị trí thức đầu đàn có nói với tôi rằng các vị phục người Cộng sản hai điểm: một là chủ trương nền giáo dục – y tế miễn phí, hai là chủ trương chống mê tín dị đoan, các ông thầy bói, các bà lên đồng hết đất sống. Nhưng có lẽ, các vị trí thức lớn như Giáo sư Lê Văn Thới, Giáo sư Phạm Biểu Tâm, Giáo sư Ngô Gia Hy… – những vị đến nay đã qua đời – không ngờ rằng 37 năm sau hai lĩnh vực này phát triển một cách kinh hoàng theo chiều ngược lại: giáo dục – y tế thì thu tiền tràn lan, không có lấy một bệnh viện thí, một trường công thật sự. Còn mê tín dị đoan thì than ôi, không còn gì để nói, vì ngay cả một số chính quyền địa phương cũng công khai đứng ra “buôn thần bán thánh”, biến những di tích lịch sử, những nơi thờ phụng thiêng liêng thành những nơi kinh doanh rất hoành tráng.
Tất cả thực trạng trên nói lên cái gì? Rõ ràng là nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã hi sinh biết bao xương máu để đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc nhưng nền độc lập, tự chủ đó đang bị nhà cầm quyền Bắc Kinh đe dọa nghiêm trọng trên tất cả các lĩnh vực. Lũng đoạn về chính trị, kinh tế, gây hấn ở Biển Đông. Nhân dân Việt Nam trải qua biết bao hi sinh của các thế hệ để mong ước có một chế độ xã hội tốt đẹp hơn nhưng nay lại có nhiều điều còn tồi tệ hơn các chế độ cũ. Con thuyền Việt Nam đang bị lái chệch hướng vào con đường của thời kỳ chủ nghĩa tư bản nguyên thủy, tư bản man rợ chỉ biết đấu đá, giẫm đạp lên nhau mà sống bất kể những tiếng kêu thấu trời của quần chúng. Họ đã quên những mục tiêu của cuộc cách mạng xã hội để biến cãi đất nước ta thành một nước phát triển, văn minh, công bằng và tiến bộ xã hội, hòa nhập vào xu thế chung không thể đảo ngược hiện nay của thời đại.
Họ đặt lợi ích của Đảng mà thực chất là lợi ích của cá nhân, của gia đình các nhóm lợi ích lên trên lợi ích của quần chúng, của xã hội, lên trên sự tồn vong của đất nước, của Tổ quốc. Phẩm chất chính trị của người đảng viên Đảng Cộng sản, nếu Đảng Cộng sản Việt Nam còn là một đảng cách mạng, là anh có còn trung thành với những mục tiêu ban đầu của cuộc cách mạng xã hội không? Trên cơ sở tiêu chuẩn này, thì hiện nay ai là người biến chất về mặt chính trị, tự diễn biến để trở thành tay sai của các thế lực, dù thế lực đó bất cứ là ai, là ngoại bang hay tập đoàn, nhóm lợi ích, các chủ đầu tư, bọn làm giàu bất chính, nghĩa là tay sai, nô lệ cho đồng tiền?
Ai? Ai là người biến chất về chính trị và tự diễn biến hiện nay?
Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin kể một việc xảy ra ở cơ sở. Cô em gái của bạn tôi trước đây là dân quân báo của T4 (khu Sài Gòn – Gia Định), hiện nay đang sinh hoạt đảng ở chi bộ của một khu phố. Sau cuộc biểu tình đầu tiên chống nhà cầm quyền Trung Quốc bức hại ngư dân Việt Nam ở Biển Đông trong năm 2011, ở chi bộ cơ sở có phổ biến là không nên đi biểu tình, biểu tình là xấu, là diễn biến hòa bình, v.v. Nghe vậy, người nữ đảng viên, em gái bạn tôi, “bật lò xo” đứng dậy nói to đại khái là “Trong những người đi biểu tình đó có các ông anh, bạn bè tôi trong phong trào sinh viên học sinh trước đây. Họ là những người tốt, yêu nước. Chính Đảng mới là người tự diễn biến, từ bỏ các mục tiêu cách mạng trước đây. Do đó, tôi thấy không cần thiết ở trong Đảng nữa”. Ngay sau đó, người nữ đảng viên nọ làm đơn xin ra khỏi Đảng. Trước thái độ quyết liệt đó, một số vị trong chi bộ xuống nước đề nghị bỏ ý định ấy đi vì các vị sợ rằng trong chi bộ mà có một đảng viên xin ra khỏi Đảng thì sẽ mất danh hiệu chi bộ trong sạch, vững mạnh. Cũng là cái thói thành tích hão, sợ sự thật… Chị của người nữ đảng viên này cũng là dân quân báo, tù Côn Đảo và hai chị em đều sinh ra và lớn lên trong một gia đình truyền thống cách mạng. Cho đến nay, tôi được biết người nữ đảng viên đó vẫn giữ ý định chia tay với Đảng Cộng sản.
Như ngay từ đầu bài viết, cách đặt vấn đề của tôi là công khai và minh bạch, sẵn sàng tranh luận, đối thoại sòng phẳng với bất cứ một vị lãnh đạo nào, kể cả những nhà lý luận của Đảng Cộng sản nhưng không được chơi trò “bỏ bóng đá người”, ỷ có trong tay bộ máy tuyên truyền rồi a dua “bề hội động” như là một bọn bồi bút. Ngay cả trong trường hợp đó tôi cũng chẳng sợ vì tôi tin rằng nhân dân và sau này là lịch sử, là người công bằng nhất phán xét cái đúng, cái sai, cái thiện, cái ác. Tôi xác tín như vậy nên tôi chẳng sợ gì cả, kể cả tù tội, cái chết. Tôi phải trả nợ cho những người đã nằm xuống trong đó có những bạn bè thân thiết của chúng tôi.
Ngày 30.4.2012
Lê Hiếu Đằng