Phát ngôn viên chính phủ Ai Cập vào trưa nay, 06/02/2011, cho biết nhiều thành phần trong hàng ngũ đối lập, trong đó đáng chú ý nhất là tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, đồng ý thành lập một ủy ban để nghiên cứu về việc sửa đổi Hiến pháp Ai Cập.
Biểu tình tại quảng trường Tahrir, ngày 06/02/2011 (Ảnh: Reuters)
Ủy ban sẽ chính thức được hình thành vào đầu tháng 03/2011, bao gồm nhiều chuyên gia và gương mặt nổi bật trên chính trường Ai Cập.
Phong trào nổi dậy tại Ai Cập hôm nay đã bước sang ngày thứ 13 và lần đầu tiên kể từ hơn 50 năm qua, đối thủ đáng ngại của chính quyền là tổ chức Huynh đệ Hồi giáo chấp nhận đàm phán với các lãnh đạo Ai Cập để giải quyết khủng hoảng chính trị.
Từ Cairo, thông tín viên Monique Mas tường trình.
« Tối qua, tổ chức Huynh đệ Hồi giáo đã tỏ thiện chí với chính phủ Ai Cập. Trong một thông cáo, tổ chức này cho biết là họ sẵn sàng gặp gỡ nói chuyện với mục tiêu rất cụ thể là để biết xem đến mức độ nào thì chính phủ có thể chấp những đòi hỏi của người dân. Cho đến nay, tổ chức Huynh đệ Hồi giáo đã từ chối mọi thảo luận và đặt điều kiện tiên quyết là tổng thống Mubarak phải ra đi.
Do vậy, đây là một diễn biến mới sau khi toàn bộ Ban Chấp hành đảng của tổng thống Mubarak từ chức tập thể. Khi ra lệnh cho Ban Chấp hành của đảng phải từ chức, tổng thống Mubarak đã từ bỏ tổ chức chính trị đã cho phép ông ta kiểm soát được nghị viện.
Chính ông Mubarak đã gạt ra khỏi nghị viện các dân biểu đối lập, trong đó có đại diện của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, trong cuộc tổng tuyển cử gian dối một cách trắng trợn, hồi tháng 11 năm ngoái, với mục đích bảo đảm cho việc chọn người kế thừa, lên thay ông ta chỉ ở trong nội bộ đảng. Thế nhưng, việc toàn bộ Ban Chấp hành đảng phải từ chức cho thấy sự sụp đổ của triều đại Mubarak và nó cũng chôn vùi mọi tham vọng của ông Gamal Mubarak muốn lên làm tổng thống thay cha. Con trai tổng thống Mubarak đã phải từ chức khỏi ban lãnh đạo của đảng Dân chủ Quốc gia – NDP. Nhiều người bạn của ông ta, thân cận với giới doanh nghiệp, đã bị gạt ra khỏi tân chính phủ của thủ tướng Ahmar Chafiq.
Đây là một biện pháp nhằm làm dịu tình hình thế nhưng điều này không đủ để xua tan nỗi bất bình của những người biểu tình ở quảng trường Tahrir. Và lần đầu tiên, kể từ nhiều thập niên qua, sự phản đối của dân chúng tác động đến cán cân quyền lực Ai Cập. Các sự kiện xẩy ra trong những giờ vừa qua cho thấy rõ điều này ».
Hôm qua, ban lãnh đạo của đảng Dân chủ Quốc gia đang cầm quyền đã đồng loạt từ chức, trong số này có Gamal Mubarak, con trai tổng thống Ai Cập. Đảng này tạm thời chỉ định ông Hossam Badrawi lên giữ quyền tổng thư ký. Ông được coi là một nhân vật cởi mở, dễ đối thoại với phe đối lập.
Trong lúc đó, hàng triệu người Ai Cập vẫn tiếp tục xuống đường. Hôm nay, đoàn người biểu tình đòi chính phủ trả lương tháng. Tiền lương của họ trong tháng giêng bị phong tỏa do các ngân hàng phải đóng cửa từ 10 ngày qua. Riêng tại thủ đô Cairo và một vài thành phố lớn như Alexandria, nhiều sinh hoạt đang từng bước trở lại bình thương. Một số nhà băng và cửa hàng bắt đầu mở cửa trở lại.
Thanh Hà / Đức Tâm [Nguồn RFI]