Tại Ai Cập, những cuộc xuống đường đôi khi biến thành bạo loạn đã bùng lại vào hôm nay 29/01 đòi tổng thống Mubarak từ chức. Chiều hôm qua, vị tổng thống 82 tuổi (cầm quyền từ năm 1981 đến nay) đã có động thái nhượng bộ đầu tiên. Nhưng phong trào phản kháng vẫn chưa lùi bước.
Tổng thống Ai Cập đã nhượng bộ khi tuyên bố giải tán chính phủ và cam kết cải tổ từ chính trị đến kinh tế. Tuy nhiên, phong trào phản kháng tại Ai Cập không có dấu hiệu lùi bước.Bất chấp lệnh giới nghiêm hàng ngàn người đổ ra đường đêm hôm qua, đốt trụ sở đảng cầm quyền và nhiều cơ quan an ninh.
Người dân thủ đô Cairo tiếp tục biểu tình (Reuters).
Sáng nay, nhà đối lập Mohamed El Baradei, từ Vienna về nước hôm qua để hậu thuẩn phong trào tranh đấu trong nước, đã tuyên bố rằng tổng thống Mubarak phải “ra đi”. Trả lời phỏng vấn của đài truyền hình Pháp France 24, cựu Tổng giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế nói rằng tổng thống Ai Cập đã “không hiểu gì về thông điệp của dân chúng. Phong trào biểu tình sẽ tăng cường độ cho đến khi chế độ sụp đổ”.
Do áp lực của Mỹ, đêm hôm qua, tổng thống Mubarak thông báo giải tán chính phủ. Ban đầu “thận trọng”, tổng thống Mỹ Obama đã thay đổi thái độ, gây thêm sức ép, kêu gọi lãnh đạo Ai Cập phải chấm dứt đán áp biểu tình và phải cải tổ chính trị cụ thể. Từ Washington, thông tín viên RFI Jean Louis Pourtet tường thuật :
“Trước khi trực tiếp phát biểu, Tổng thống Obama đã để cho Ngoại trưởng, Phó Tổng thống và người phát ngôn của ông giải thích về lập trường của Hoa Kỳ trong việc kêu gọi những người biểu tình, cũng như chính phủ Ai Cập hãy giữ bình tình. Thông điệp chủ yếu mà họ muốn gửi đến Ai Cập là : Những người biểu tình có những yêu sách rất chính đáng, mà nhà cầm quyền phải tôn trọng, nhưng mọi chuyện không thể nào được giải quyết bằng bạo lực.
Cả Ngoại trưởng Hillary Clinton, cũng như người phát ngôn của Tổng thống Robert Gibbs, đều không công khai lên án Tổng thống Ai Cập Hosni Moubarak. Tuy nhiên, người phát ngôn của Tổng thống Mỹ cũng để lộ áp lực của Hoa Kỳ đối với Ai Cập qua việc đe dọa chấm dứt viện trợ của Mỹ. Suốt trong 30 năm qua, tổng số viện trợ của Mỹ cho Ai Cập lên đến 62 tỷ đô la.
Chỉ sau khi lãnh đạo Ai Cập phát biểu trên truyền hình tối ngày hôm qua để đưa ra các cam kết cải cách, giải tán chính phủ để thành lập một ê kíp mới, thì Tổng thống Hoa Kỳ mới trực tiếp tuyên bố trước công chúng về cuộc điện đàm 30 phút với Tổng thống Ai Cập, ngay sau bài phát biểu của ông Moubarak. Tổng thống Obama đã yêu cầu người đứng đầu Ai Cập thực hiện các cam kết dân chủ và cải cách.
Theo Tổng thống Mỹ, cần phải có các biện pháp cụ thể để cải thiện quyền con người của nhân dân Ai Cập, tiến hành đối thoại giữa chính phủ và các công dân, và thực hiện một thay đổi chính trị hướng đến một tương lai, để người Ai Cập có nhiều tự do hơn, nhiều cơ hội và công bằng hơn.
Mặc dù, Barack Obama đã tỏ ra cứng rắn hơn đối với ông Moubarack, nhưng các đặc phái viên Mỹ tại Ai Cập vẫn cho rằng, những phát biểu của Tổng thống Mỹ sẽ làm những người biểu tình thất vọng, vì họ chờ đợi ở Hoa Kỳ một sự ủng hộ cứng rắn hơn”.
Ngay sau khi Tổng thống Ai Cập phát biểu trên truyền hình về việc sẽ giải tán chính phủ để lập một ê kíp mới, vào ngày hôm sau, tức hôm nay, thứ 7 (29/10), theo AFP, những người biểu tình đã trở lại rất sớm trên quảng trường Tahrir (trung tâm thành phố Cairo), sáng hôm nay, cũng như trên đường phố nhiều thành phố lớn của Ai Cập.
Tình hình tại chỗ còn căng thẳng
Quảng trường Tahrir giống như một bãi chiến trường, với xe cộ bị đốt cháy và nhiều xe tăng án ngữ. Theo thông tín viên của RFI Alexandre Buccianti, những người biểu tình đến thành từng nhóm nhỏ và không tập trung, vì thiếu phương tiện liên lạc, do internet bị cắt và điện thoại di động chỉ mới được thiết lập lại từ ít giờ nay, do các phản đối gay gắt của cộng đồng quốc tế.
Bất chấp việc Tổng thống Ai Cập tuyên bố sẽ thành lập chính phủ mới nội trong ngày hôm nay, bất chấp lệnh thiết quân luật được kéo dài thêm, từ 16 sáng chiều đến 8 giờ sáng, và lệnh cấm tập họp tại các nơi công cộng, mục tiêu của những người biểu tình trong cuộc xuống đường ngày thứ 5 là buộc ông Moubarak phải từ chức.
Bạo lực tiếp tục. Các đụng độ dữ dội đã nổ ra giữa hàng nghìn người biểu tình với lực lượng an ninh tại thành phố Ismailiya, trên kênh đào Suez. Ngày hôm nay thứ 7 là một ngày bạo lực (số người chết theo dõi), tiếp theo ngày thứ sáu (28/1), được coi là một ngày đẫm máu nhất, với 68 người thiệt mạng, theo nguồn tin Reuters tổng hợp từ các cơ sở y tế và các nhân chứng. Con số mà đưa AFP đưa ra có phần thấp hơn, với 35 người thiệt mạng (25 thường dân và 10 cảnh sát, từ khi bắt đầu phong trào phản kháng. Con số người bị thương là khoảng hơn 2000 (trong đó, có khoảng 1000 cảnh sát).
60% các trạm cảnh sát đã bị đốt phá. Riêng tại Cairo, có 17 trạm cảnh sát bị đốt. Trụ sở của đảng Dân chủ Quốc gia (PND) cũng bị cướp và đốt hôm qua. Sáng hôm nay, một siêu thị của hãng Carrefour nổi tiếng của Pháp nằm ở ngoại ô Cairo, đã bị cướp phá. Buổi sáng hôm nay, theo nhiều nhân chứng, cảnh sát hoàn toàn vắng bóng. Quân đội đã đến thay thế để giữ trật tự trên đường phố.
Quân đội Ai Cập, trụ cột của chế độ, có vẻ như đóng vai trò trọng tài trong các xung đột hiện nay. Tổng tham mưu trưởng Ai Cập Sami Anan đã rút ngắn chuyến công du Hoa Kỳ để trở về nước trong ngày. Trên đường phố, những người biểu tình tỏ ra rất thân thiện với các binh sĩ. Theo thông tín viên RFI Alexandre Buccianti, những người biểu tình đứng chụp ảnh trước các xe bọc theo, mà một vài chiếc có mang dòng chữ « Đả đảo tổng thống Moubarak ».
Phản ứng của cộng đồng quốc tế
Về phản ứng quốc tế với các diễn biến tại Ai Cập, Hoa Kỳ, như đã chúng tôi đã thông tin, quyết định gia tăng sức ép buộc Tổng thống Moubarak phải cải tổ và tôn trọng nguyện vọng của người dân, đồng thời kêu gọi hai phía kìm chế. Ngày hôm nay, Chủ tịch Liên hiệp Châu Âu Herman Van Rompuy cũng đưa ra kêu gọi chấm dứt ngay bạo lực, thiết lập đối thoại và bày tỏ hy vọng các cam kết thay đổi của Tổng thống Ai Cập phải được chuyển thành hành động cụ thể.
Trong khi đó, Quốc vương Ả Rập Xê Út Abdallah đã điện đàm trực tiếp để bày tỏ tình đoàn kết với ông TT Ai Cập Moubarak. Như vậy, nguyên thủ Ả Rập Xê Út là lãnh đạo đầu tiên của một nước Ả Rập tỏ thái độ công khai ủng hộ chế độ của ông Moubarak. Ngược lại, chính quyền Iran lại ra kêu gọi nhà cầm quyền Ai Cập thuận theo các đòi hỏi của nhân dân để tránh bạo lực. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố trên hãng thông tấn chính thức nước này ủng hộ tính chính đáng của « phong trào đi tìm công lý » tại Ai Cập, được Iran nhìn nhận như là một « làn sóng thức tỉnh của đạo Hồi ».
Ngoại trưởng Nhật Bản, bên lề Diễn đàn Davos, cũng đưa ra tiếng nói yêu cầu chính quyền Ai Cập tiến hành đối thoại với dân chúng. Trong khi đó, tại Trung Quốc, tất cả những thông điệp mang từ « Ai Cập » đã bị ngăn chặn tại nhiều mạng Internet chính thức của Trung Quốc.
Theo tin mới nhất, cảnh sát đã nổ súng vào đoàn biểu tình xông vào trụ sở Bộ Nội vụ. Ít nhất có ba người bị thiệt mạng. Trong khi đó, quân đội kêu gọi người biểu tình cẩn thận với lưu manh, côn đồ cướp phá.
Trọng Thành / Tú Anh [Nguồn : RFI]